Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Dian
Thưa quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội,
Đảng cộng sản Việt Nam luôn rêu rao về cái gọi là chính sách "hòa hợp, hòa giải" với người Việt Nam ở nước ngoài, mà thực chất là đối với những người đã từng sống trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam.
Gần đây, ngay sau dịp kỷ niệm rầm rộ, phô trương cái gọi là "giải phóng miền Nam", "đánh cho Mĩ cút, đánh cho ngụy nhào" 30 tháng Tư 1975, nhà cầm quyền Việt Nam lại tiếp tục cái luận điệu "hòa hợp, hòa giải" đó bằng nhiều chỉ thị, thông tư.
Thứ nhất, tất cả những Việt kiều trở về Việt Nam nhằm giúp đất nước phát triển bằng cách đầu tư kinh tế, tư vấn, trợ giúp cho chính quyền, cho các tổ chức xã hội đều không được tin cậy, đều bị đặt trong vòng theo dõi, kiểm soát sao cho không được làm ảnh hưởng tới vị thế cầm quyền độc tôn, độc tài của đảng cộng sản Việt Nam. Ở đây chúng ta cần nhắc lại hai nạn nhân điển hình của chính sách "hòa giải, hòa hợp" của đảng cộng sản Việt Nam: đó là nhóm Diễn Đàn - nhóm Việt kiều tại Pháp đã tích cực ủng hộ chính quyền cộng sản miền Bắc trong thời gian chiến tranh - đã bị đảng cộng sản Việt Nam liệt vào dạng "phản động" khi nhóm Diễn Đàn muốn cổ xướng cho dân chủ, tự do thật sự ở Việt Nam; Nạn nhân điển hình thứ hai là nhóm tu sĩ Phật giáo Làng Mai của Thiền sư Thích Nhật Hạnh cũng bị chính quyền bôi nhọ, bức hại, xua đuổi sau khi Thiền sư muốn cổ xướng cho tự do tôn giáo và hàn gắn vết thương nội chiến giữa hai miền Nam-Bắc. Ngoài ra còn có rất nhiều các vụ Việt kiều bị chính quyền lừa đảo về kinh tế như chúng ta đã đề cập trong các chuyên mục trước đây. Do đó, thực tế đã cho thấy rõ chính sách "hòa hợp, hòa giải" của đảng cộng sản Việt Nam chỉ là một thủ đoạn để mua chuộc những Việt kiều nhẹ dạ, biến họ thành những công cụ kinh tế và chính trị cho chế độ độc tài.
Thứ hai, cho tới nay đã 40 năm sau ngày 30 tháng Tư 1975, chính quyền cộng sản Việt Nam vẫn duy trì cách đối xử phân biệt, hận thù đối với chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Họ luôn dùng các ngôn từ miệt thị như "ngụy quân", "ngụy quyền", "tay sai", "bán nước" khi đề cập tới Việt Nam Cộng Hòa. Họ vẫn tiếp tục lối hành xử vô nhân đạo đối với cả anh linh các binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa tại nghĩa trang quân đội Biên Hòa. Những hành động tiểu nhân và chính sách phi nhân thấp hèn như thế đã tự vạch trần tính chất dối trá của đảng cộng sản Việt Nam trong vấn đề "hòa hợp, hòa giải".
Thứ ba, giới lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam không chỉ bất nhân, thù hằn đối với người Việt Nam thuộc chính thể Việt Nam Cộng Hòa, chúng còn xử sự tệ bạc đối với tất cả những người Việt Nam muốn có một chính thể tự do, dân chủ, kể cả những người là đồng chí tiền bối của chúng như Tướng Trần Độ, Giáo sư Hoàng Minh Chính, cụ Nguyễn Hộ, Đại tá quân đội Phạm Quế Dương, Đại tá quân đội Phạm Đình Trọng, Đại tá công an công an Lê Hồng Hà, vân, vân. Tất cả những cán bộ cộng sản cao cấp phản tỉnh vừa kể đều đã trở thành những người được nhân dân yêu quí, kính trọng. Tất cả những con người cộng sản phản tính đó cũng đã trở thành những thân hữu thắm thiết của những người Việt Nam đã từng sống trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
Chúng ta - những người dân của dân tộc Việt Nam - có thể có những bất đồng, có thể có những vấn đề chưa đồng quan điểm, cũng giống như nhân dân của mọi dân tộc khác trên trái đất này, nhưng chúng hoàn toàn không phải là kẻ thù của nhau như đảng cộng sản Việt Nam reo rắc, tuyên truyền.
Và tất cả quí vị, quí bạn, những đảng viên cộng sản, những nhân viên công an, những người lính bộ đội cùng chúng tôi cũng thế. Chúng ta hoàn toàn không có điều riêng tư gì phải thù hằn hay thù ghét nhau. Tuy nhiên, cái trở ngại cơ bản cho sự hiểu biết, yêu thương, cảm thông giữa chúng ta hiện nay chính là đảng cộng sản Việt Nam cùng chế độ chính trị độc tài của nó.
Dian và Tiến Văn thân chào tạm biệt và hẹn gặp lại.
Tiến Văn