Chủng Tộc Và Văn Hóa. Một nữ tài tử gốc Anh, nhập tịch Mỹ mới đây, vừa dại dột tuyên bố cô ta thích làm người Anh hơn. Câu nói của cô ta gây nên một chấn động và cô phải lên tiếng xin lỗi những người Mỹ,là những người đã bỏ tiền xem những cuốn phim cô đóng, làm giàu cho cô. Người Mỹ và người Anh cùng nói một thứ tiếng, và rất nhiều người Mỹ trắng có cùng một chủng tộc với cô diễn viên gốc Anh này. Sự việc vừa xẩy ra khiến chúng ta phải suy nghĩ thêm về vấn đề ChủngTộc, Ngôn Ngữ và Văn Hóa.
Trên thế giới ngày nay có rất nhiều ngôn ngữ, nhưng những ngôn ngữ được nhiều người nói nhất phải kể ra là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Trung Hoa. Nhìn trên bản đồ Thế Giới, thấy rất nhiều nước nói 1 trong 4 thứ tiếng này, (Dĩ nhiên không kể thế giới Ả Rập) .
Có thể nào căn cứ vào tiếng nói để hòa hợp các nước này hay không ? Câu trả lời là không. Họ giống nhau về ngôn ngữ «Pháp Thoại», «Anh Thoại» …. , nhưng Văn Hóa khác nhau.
Văn Hóa Mỹ khác Văn Hóa Anh, khác Văn Hóa Úc. Người Trung Hoa sống tại Đài Loan khác người Trung Hoa sống tại lục địa, càng khác người Trung Hoa sống tại Ile Maurice, Singapore. Còn một lô các nước ở Nam Mỹ (và ngay cả Cuba), người ta nói tiếngTây Ban Nha mà đâu có phải giống y như Tây Ban Nha. Người viết bài này được sanh ra tại Nam Định, Bắc Việt Nam. Sau 1954, tôi theo gia đình vào Nam khi còn ấu thơ.
Tôi lớn lên tại Miền Nam, trưởng thành tại một quốc gia có tên là Việt Nam Cộng Hòa. Từ 1954, Nam Định nằm trong một quốc gia có tên Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, trong lúc đó tôi, một người sanh ra tại tỉnh Nam Định, nói tiếng Bắc, lại trở thành công dân của một nước có tên là Việt Nam Cộng Hòa, chạy dài từ Quảng Trị đến Cà Mau.
Tôi thụ hưởng một nền văn hóa Miền Nam khác hẳn văn hóa Miền Bắc. Sau 1975, tôi tiếp xúc lần đầu tiên với các người công dân của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, trong đó nhiều người cùng quê với tôi. Tôi nói cùng một thứ tiếng với họ, về bên ngoài, tôi giống họ, y chang. Nhưng than ôi, giữa họ và tôi, là cả một phương trời cách biệt !!! không cách gì hòa hợp với nhau. Cách sống, cách suy nghĩ hoàn toàn khác nhau. Vì thế, sau khi chịu đựng được ít năm, không còn cách nào khác, tôi phải vượt biên. Bây giờ sau khi ở ngoại quốc gần 40 năm, nhìn về cố quốc, tôi càng ngày càng thấy xa lạ với cái mà ngày nay họ gọi là Công Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Tôi viết bài này khi có người hỏi tôi nghĩ sao về các nhân vật mới từ trong nước được thả ra và qua Mỹ. Câu trả lời của tôi là: Có biết gì đâu về các ông, các bà đó mà có ý kiến.
Hiện thời tại hải ngoại có một tập thể người tỵ nạn là các cựu công dân của Miền Nam, thấm nhuần văn hóa của những người đi khai phá, cộng thêm ý thức dân chủ của Tây Phương, làm thành mộ thứ Văn Hóa đặc biệt mà người Miền Bắc không có. Cội nguồn một cá nhân không chỉ là ADN và những nhiễm thể. Cội nguồn còn phải kể Văn Hóa. Người ta lúc sau này nói hơi nhiều về cội nguồn và 2 tiếng Việt Nam (Tôi là người Việt Nam). Thiết nghĩ phải minh xác rõ ràng. Nếu cội nguồn có nghĩa là Việt Nam hiện nay,với chủ nghĩa CS, cờ đỏ sao vàng, thì xin lỗi, ai đó cứ giữ lấy mà dùng.Cội nguồn chúng tôi là Việt Nam Cộng Hòa - Hiện tại tôi là người công dân Gia Nã Đại.. Các người mới tới, như những di dân, cần có một thời gian để hội nhập với các người tới trước, nhất là về Văn Hóa. Họ giống như chúng ta lúc mới tới Canada, Pháp hay Mỹ. Nếu hội nhập tốt, thì họ rất được wellcome, còn nếu không, họ cứ việc đi con đường của họ,vì đây là những đất nước tự do. Hãy nhìn những người Hồi Giáo đến Pháp, đến Mỹ, đến Canada.. vv.. đã lâu mà vẫn giữ các trang phục mà tôn giáo họ đòi hỏi.
Một cuộc đấu tranh càng có nhiều người càng tốt, nhưng phải đi cùng một con đường,hướng về cùng một mục tiêu, vì nếu không thì chỉ làm phức tạp thêm vấn đề. Con đường phải đi là con đường Tự Do, Dân Chủ thực sự cho dân tộc. Mục tiêu là Xóa Bỏ Chế Độ Hiện Hành: Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa. Điều đó cần, nhưng chưa đủ.
Chúng ta còn phải khôi phục lại Văn Hóa Miền Nam, đã bị biến dạng những năm gần đây. Nếu không làm được điều này, thì mai kia, trở về Sài Gòn, Mỹ Tho…… cũng bằng không!!!
Trên đây là ý kiến của tôi. Nếu có ai nghĩ khác, xin trình bầy ý kiến quý vị. Tôi thực không muốn đôi co trên diễn đàn nếu có người không đồng ý.
Trần Mộng Lâm