Wednesday, 9 September 2015

Tuần Lễ Vàng

Trần Gia Phụng (Danlambao) - Sau khi thành lập ngày 2-9-1945, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do Hồ Chí Minh (HCM) và Việt Minh (VM) lãnh đạo, họp phiên thứ nhứt ngày 3-9-1945. Một trong những việc quan trọng đầu tiên chính phủ phải giải quyết là vấn đề ngân sách quốc gia. Theo tài liệu của VM, khi thành lập chính phủ, ngân quỹ trung ương nhà nước VM chỉ có 1,25 triệu đồng bạc Đông Dương, trong đó có 580,000 tiền rách chờ tiêu hủy; trong khi các khoản nợ lên đến 564 triệu đồng. (eFinance Online). Đây là theo số liệu do Cộng Sản Việt Nam (CSVN) đưa ra, còn thực tế như thế nào thì khó biết.

1. Từ Quỹ Độc Lập

Hội đồng chính phủ VM kiếm cách gấp rút gia tăng ngân sách và ủy nhiệm cho Võ Nguyên Giáp ra sắc lệnh lập “Quỹ Độc lập” để quyên tiền bá tính giúp chính phủ. Đặc biệt là HCM, chủ tịch chính phủ không ra sắc lệnh mà lại ủy cho bộ trưởng Nội vụ là Võ Nguyên Giáp phụ trách việc nầy. Sau đây là nguyên văn sắc lệnh ngày 4-9-1945 của Võ Nguyên Giáp, chỉ hai ngày sau khi ra mắt chính phủ.

SẮC LỆNH
Của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời số 4/SL ngày 4 tháng 9 năm 1945

CHÍNH PHỦ LÂM THỜI VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

Chiếu theo lời đề nghị của Nội vụ Bộ trưởng

Chiếu theo quyết nghị của Hội đồng Chính phủ ngày mùng ba tháng chín năm 1945

ĐỊNH RẰNG

Khoản thứ nhất: Lập tại Hà Nội và các tỉnh trong nước một quỹ thu nhận các món tiền và đồ vật mà nhân dân sẵn lòng quyên giúp Chính phủ để ủng hộ nền độc lập quốc gia. Quỹ nầy gọi là Quỹ Độc lập.

Khoản thứ hai: Cử ông ĐỖ ĐÌNH THIỆN làm phụ trách tại Quỹ Trung ương ở Hà Nội. Ông ĐỖ ĐÌNH THIỆN có quyền lập một tiểu ban điều khiển mọi việc, tìm mọi phương kế để gây dựng cho Quỹ Độc lập.

Quỹ ở Hà Nội gọi là Quỹ Trung ương.

Ông ĐỖ ĐÌNH THIỆN sẽ chịu trách nhiệm về mọi phương diện. Ông có quyền đề nghị lên ông Bộ trưởng Bộ Tài chính các phương sách để đạt được mỹ mãn mục đích của Chính phủ. Ông sẽ thu nhận hết các số tiền và đồ vật do các nơi gửi về Quỹ Trung ương.

Khoản thứ ba: Tại các tỉnh trong cả nước, Quỹ Độc lập sẽ do Ủy ban nhân dân hàng tỉnh tổ chức và chịu trách nhiệm về khu vực tỉnh mình.

Những số tiền hoặc đồ vật quyên được sẽ chuyển giao về Hà Nội do ông ĐỖ ĐÌNH THIỆN và Tiểu ban Lạc quyên Trung ương thu nhận.

Khi nhận tiền và đồ vật, Tiểu ban Lạc quyên Trung Ương và các Ủy ban nhân dân tỉnh đều phải giao cho người quyên giấy biên lai răng cưa để chứng nhận. Quyển sổ biên lai răng cưa đó phải do ông Chủ tịch Tiểu ban Trung ương và ông Chủ tịch từng Ủy ban nhân dân hàng tỉnh đánh số thứ tự và ký nhận từng tờ.

Khoản thứ tư: Các Ủy ban phải tổ chức công việc kế toán để ghi chép các số tiền và các đồ vật đã quyên được và đã gửi tới Hà Nội để tiện việc kiểm soát của Chính phủ. Hàng tháng trong mười hôm đầu cuối tháng sau, các Ủy ban các tỉnh phải gửi tới Tiểu ban Lạc quyên Trung ương tại Hà Nội tờ trình về công việc lạc quyên và bản kê các số tiền và đồ vật đã quyên được trong tháng.

Khoản thứ năm: Ông ĐỖ ĐÌNH THIỆN và Chủ tịch Ủy ban nhân dân hàng tỉnh sẽ đứng quản lý Quỹ Độc lập nhưng chỉ được phép thu nhâïn tiền và các đồ vật vào quỹ. Còn việc chi ra sẽ tùy Bộ Tài chính định liệu.

Khoản thứ sáu: Mọi việc quyên tiền và đồ vật và việc tổ chức sẽ đặt dưới quyền kiểm soát của Bộ Tài chính.

Khoản thứ bảy: Các ông Bộ trưởng Nội vụ và Tài chính có nhiệm vụ theo sắc lệnh này thi hành.

Võ Nguyên Giáp (đã ký)
(http://thuvienphapluat.vn/archive/saclenh-4.SL) 


Đỗ Đình Thiện (1904-1972), người Hà Nội, theo học kỹ sư canh nông ở Toulouse (Pháp) và gia nhập đảng Cộng Sản Pháp tại đây. Tháng 10-1931, ông bị cảnh sát Pháp bắt vì in truyền đơn chống Pháp, rồi nhờ người mang về Việt Nam. Ông bị Pháp kết án 4 tháng tù và bị trục xuất khỏi Pháp, phải trở về Việt Nam.

Về Hà nội, Đỗ Đình Thiện sống bằng nghề kinh doanh. Năm 1932, ông kết hôn với một nữ cán bộ CS, Hai vợ chồng mở tiệm tơ Cát Lợi, số 54 Hàng Gai, Hà Nội, làm ăn phát đạt, trở nên giàu có, lập nhà máy dệt ở Gia Lâm, mua đồn điền Chi Nê (ngày nay ở xã Cổ Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình).

Hai vợ chồng tiếp tục hoạt động bí mật, giúp đỡ các lãnh tụ CS như Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh... Sau khi HCM cầm quyền, nhà tư sản Đỗ Đình Thiện được bổ nhiệm phụ trách Quỹ Độc lập Trung ương ở Hà Nội. 

2. Đến Tuần Lễ Vàng 

Sắc lệnh thành lập Quỹ Độc lập để quyên vàng bạc được ban hành ngày 4-9-1945, nhưng có thể kết quả quá chậm hoặc quá thấp, và cũng có thể nôn nóng kiếm tiền để kịp chi dùng, nên ba ngày sau đó, nhà nước VM quyết định tổ chức Tuần lễ vàng để kêu gọi, kích động toàn dân đóng góp. 

Tuần lễ vàng được phát động từ ngày 7 đến ngày 14-9-1945, nhưng thật ra, Tuần lễ vàng được tổ chức nhiều lần, trong nhiều tháng trên toàn quốc. Mở đầu, HCM đưa ra lời kêu gọi lòng yêu nước và tinh thần độc lập của dân chúng. Điều nầy cho thấy lúc đó nhà nước VM rất cần ngân sách chi dùng. Toàn văn lời kêu gọi của HCM như sau:

THƯ GỬI ĐỒNG BÀO TOÀN QUỐC NHÂN DỊP TUẦN LỄ VÀNG

Cùng toàn thể đồng bào,

Ban tổ chức Tuần lễ VÀNG ở Hà Nội có mời tôi đến dự cuộc lễ khai mạc Tuần lễ VÀNG. Vì bận việc, tôi không đến được, nhưng tôi có bức thư này ngỏ cùng toàn quốc đồng bào.

Nhờ sức hy sinh phấn đấu của toàn quốc đồng bào ngót 80 năm nay, nhất là trong 5 năm nay, chúng ta đã xây đắp được nền tự do độc lập của chúng ta. Ngày nay, chúng ta cần củng cố nền tự do độc lập ấy để chống lại với sự dã tâm xâm lăng của bọn đế quốc Pháp.

Muốn củng cố nền tự do độc lập ấy, chúng ta cần sức hy sinh phấn đấu của toàn quốc đồng bào; nhưng chúng ta cũng rất cần sức quyên giúp của nhân dân, nhất lànhững nhà giàu có.

Ý nghĩa “Tuần lễ VÀNG” là ở chỗ đó.

Tuần lễ VÀNG sẽ thu góp số VÀNG trong nhân dân và nhất là của các nhà giàu có để cúng vào việc cần cấp và quan trọng nhất của chúng ta lúc nầy là việc quốc phòng.

Tuần lễ VÀNG sẽ tỏ cho toàn quốc đồng bào và toàn thế giới biết rằng trong lúc chiến sĩ Việt Minh trên các mặt trận quyết hy sinh giọt máu cuối cùng để giữ vững nền tự do độc lập của nước nhà, thì đồng bào hậu phương, nhất là những nhà giàu có, cũng có thể hy sinh được chút VÀNG để phụng sự Tổ quốc.

Như thế, tuần lễ VÀNG không những có ý nghĩa giúp vào nền tài chính quốc phòng, nó còn có một ý nghĩa chính trị quan trọng.

Vì vậy, tôi mong rằng toàn quốc đồng bào, nhất là các nhà giàu có, hết sức vì nước hy sinh.

Tôi tin rằng, toàn quốc đồng bào, nhất là các nhà giàu có trong sự quyên giúp này, sẽ xứng đáng với sức hy sinh phấn đấu của các chiến sĩ ái quốc trên các mặt trận.

Mong toàn quốc đồng bào làm tròn nghĩa vụ.

Việt Nam độc lập muôn năm!

Hồ Chí Minh
Báo Cứu Quốc, số 45, ngày 17-9-1945.

(Trích: Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, 1945-1946, xuất bản lần thứ hai, Hà Nội: Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia, 2000, tt. 25-26.) [Người viết in đậm.]

3. Vận Động Tuần Lễ Vàng

Nhà nước VM sử dụng tối đa các phương tiện truyền thông (phát thanh, báo chí, học tập) để vận động dân chúng cùng nhau đóng góp vào Tuần lễ vàng. Trong thư gởi trên đây, HCM đã năm (5) lần kêu gọi “các nhà giàu có” (do người viết in đậm). Những người lớn tuổi hiện còn sống đều cho biết là lúc đó người Việt rất hăng hái đóng góp vì yêu nước và vì tinh thần chống Pháp, chứ ít biết HCM và VM là CS. Sau đây là bài thơ kêu gọi quyên góp vàng bạc nữ trang đăng trên báo Cứu Quốc năm 1946: 

“Đeo hoa chỉ tổ nặng tai,
Đeo kiềng nặng cổ hỡi ai có vàng.
Làm dân một nước vẻ vang,
Đem vàng giúp nước giàu sang nào tày...
Đổi vàng lấy súng cối xay,
Bắn tan giặc, nước đến ngày vinh quang. 
Mỗi khi các chị ra đường,
Cổ tay chẳng xuyến chẳng vòng cũng xinh.
Lúc nầy làm dáng càng dơ,
Hãy đem vàng để phụng thờ nước non. 
Người còn thì của hãy còn, 
Nước tan nhà mất vàng son làm gì?”

(Bài thơ nầy do tiến sĩ Trần Huy Bích, đọc theo trí nhớ cho người viết ghi ngày 26-4-2001 tại Santa Ana, California.)

Bích chương quảng cáo TUẦN LỄ VÀNG của VM
(Trích: Edward Doyle và nhiều tác giả, The Vietnam Experience:
Passing the Torch, Boston: Boston Publishing Company, 1981, tr. 18.)

4. Kết Quả Tuần Lễ Vàng

“Tổng kết lại, cả Quỹ Độc lập và Tuần lễ vàng, trong cả nước đã thu được 370 kilô vàng và 20 triệu đồng, tương đương với tổng số thuế thân và thuế điền thu được trên toàn quốc trong một năm dưới thời Pháp thuộc.” (Đặng Phong, Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945-2000, Tập I: 1945-1954, Hà Nội: Nxb Khoa Học Xã Hội, 2002, tr. 139.)

Những thành phố đóng góp đáng kể là Hà Nội, Hải Phòng, Huế. Lúc đó Sài Gòn trong tay người Pháp nên VM không tổ chức được Tuần lễ vàng. 

Những nhân vật đóng góp nhiều là: 

TRỊNH VĂN BÔ và HOÀNG THỊ MINH HỒ: Hai ông bà đã ủng hộ cho VMCS 85,000 đồng Đông Dương (tương đương 215,5 lượng vàng) trước khi VM cướp chính quyền; ủng hộ 200,000 đồng ĐD (tương đương 500 lượng vàng) vào Quỹ Độc lập; ủng hộ 117 lượng vàng trong tuần lễ vàng.

Khi VM về Hà Nội cướp chính quyền năm 1945, ông bà Bô đã biến cơ sở làm ăn của mình, hiệu buôn tơ lụa Phúc Lợi, số 48 phố Hàng Ngang, làm nơi trú ngụ và làm việc, tiếp khách của HCM và cán bộ CS trong hơn một tháng, trước khi HCM vào ở Bắc Bộ phủ.

Đáp lại, sau năm 1954. CSVN chiếm giữ chẳng những cơ sở 48 Hàng Ngang, mà cả nhà riêng của gia đình ông bà Bô ở số 34 đường Hoàng Diệu Hà Nội. Mãi cho đến năm 2003, tức 60 năm sau, CS mới trả lại cho bà Bô căn nhà nầy. Lúc đó, ông Bô đã từ trần.

NGUYỄN SƠN HÀ (1894-1980): Ông là nhà nghiên cứu và sản xuất sơn dầu đầu tiên người Việt Nam, lập nghiệp ở Hải Phòng. Trong Tuần lễ vàng, Nguyễn Sơn Hà cùng gia đình cúng hiến nữ trang, vàng bạc, đá quý, cân nặng toàn bộ là 10,5 ký lô. Ngoài ra, ông cống hiến toàn bộ tài sản nhà cửa cho VMCS. Đáp lại, VM cho ông đắc cử dân biểu nhiều khóa. 

ĐỖ ĐÌNH THIỆN, đã từng phụ trách Quỹ Độc lập Trung ương (Hà Nội), đóng góp 100 lượng vàng, và mua đấu giá 1 triệu đồng Đông Dương tranh chân dung HCM, rồi tặng trở lại cho Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Hà Nội.

Tuy thuộc thành phần đại tư sản, địa chủ (có đồn điền Chi Nê), nhưng nhờ sớm “cúng” hết tài sản cho VMCS, và nhất là gốc đảng viên đảng CS Pháp, nên ông bà Đỗ Đình Thiện không bị VM đấu tố trong cuộc Cải cách ruộng đất như bà Nguyễn Thị Năm Cát Hanh Long, vì sợ phía đảng CS Pháp phản đối.

NGUYỄN THỊ NĂM (CÁT HANH LONG) (1906-1953): Tuy là một góa phụ, bà Cát Hanh Long một mình xây dựng sự nghiệp lớn ở Hải Phòng nhờ tài kinh doanh của bà. Bà buôn nhiều thứ khác nhau, trong đó có nghề buôn sắt vụn. 

Vào năm 1945, bà Năm giao cho con trai thứ của bà là Nguyễn Cát (bí danh là Hoàng Công) số tiền trị giá 700 lượng vàng để góp vào quỹ “cách mạng” ở căn cứ địa. Trong Tuần lễ vàng ở Hải Phòng, bà Năm đóng trên 100 lượng vàng nữa. Năm 1946, bà tản cư lên Thái Nguyên. Tại đây, bà mua lại một đồn điền của người Pháp. Bà tích cực tham gia hoạt động trong Hội Phụ Nữ tỉnh Thái Nguyên và từng làm chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên trong ba năm.

Từ 1945 đến 1951, bà Cát Hanh Long đã từng dùng nhà mình làm nơi hội họp, nghỉ ngơi, che giấu, ăn ở, nuôi dưỡng cán bộ CS, trong đó có những nhân vật cao cấp như Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Lê Thanh Nghị, Lê Giản, Hoàng Tùng... 

Thế mà bà Năm là người bị chính những người bà giúp đỡ đem ra đấu tố đầu tiên trong đợt CCRĐ năm 1953. Bà bị đấu tố trước Tòa án nhân dân ba lần từ ngày 22-5-1953, có hàng vạn người tham dự. (Hồi ký Trần Huy Liệu [Internet]). Bà bị hành quyết ngày 9-7-1953 ở Đồng Bẩm, Thái Nguyên. 

Theo một tác giả hiện còn ở trong nước, lúc đó có nhiệm vụ viết bài tường thuật vụ xử án bà Cát Hanh Long, thì khi xảy ra vụ án: 1) Hồ Chí Minh bịt râu, hóa trang để đến dự đấu tố. 2) Trường Chinh đeo kính đen để khỏi bị nhận diện khi tham gia cuộc đấu tố. 3) Sau khi bà Năm bị giết, cán bộ CS mua một cái hòm thật rẻ tiền để chôn. Vì rẻ tiền nên hòm nhỏ quá, bỏ xác người chết vào không lọt. Cán bộ CS liền đứng lên đạp xác bà Năm xuống; xương gãy kêu răng rắc rất rợn người. (Trần Đĩnh, Đèn cù, California: Người Việt Books, 2014, tr. 84-86.) 

Lúc xử án và xử tử bà Năm, dư luận dân chúng khá xôn xao, kể cả những đảng viên CS, vì bà Năm là ân nhân của đảng Lao Động, người nhân từ, giúp đỡ nhiều người, bao che cho cán bộ VM, tham gia hăng hái công tác phụ nữ. Phía CS giải thích là việc đấu tố và giết bà Năm nhằm chứng tỏ rằng CCRĐ là cuộc đấu tranh giai cấp không khoan nhượng và không phân biệt giới tính nam hay nữ. Nhằm trấn an dư luận, trên báo Nhân Dân ngày 21-7-1953, xuất hiện bài viết nhan đề là “Địa chủ ác ghê” của tác giả C.B., tố cáo địa chủ Nguyễn Thị Năm và hai con trai là những người thật ác độc, giết hại nhiều người. Dần dần người ta biết rằng C.B. là “của bác”, tức là chính HCM viết, nên không ai còn dám bàn tán nữa. 

5. Quyên tiền để làm gì?

Cuộc lạc quyên trong tuần lễ vàng chắc chắn có thất thoát nhưng có thể không lớn lắm, vì lúc đó tinh thần dân chúng hăng hái chống Pháp và nhất là trình độ tham nhũng chưa cao và khả năng tham nhũng chưa điêu luyện như sau nầy. 

Sau Tuần lễ vàng, HCM và VM dùng tiền và vàng lạc quyên được vào hai công việc chính: 1) Hối lộ các tướng lãnh Trung Hoa cầm quân vào Việt Nam giải giới quân đội Nhật. 2) Mua võ khí mà các tướng Trung Hoa tịch thu của quân đội Nhật Bản.

Thứ nhứt, HCM và VM hối lộ các tướng lãnh Trung Hoa nhằm mục đích để cho các tướng Tàu chóng rút quân về nước, đừng quậy phá VM, và ngưng ủng hộ các đảng phái theo chủ nghĩa dân tộc Việt Nam Quốc Dân Đảng, Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội… 

Việt Minh và HCM hối lộ các tướng Tàu vừa bằng tiền, vừa bằng vàng. Thậm chí VM còn hối lộ cho tướng Tiêu Văn một bàn đèn hút thuốc phiện bằng vàng. (Đoàn Thêm, Hai mươi năm qua, 1945-1964, việc từng ngày, California: Nxb. Xuân Thu tái bản không đề năm, tr. 14.) (Bùi Diễm, Gọng kìm lịch sử - Hồi ký chính trị, Paris: Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai, 2000, tr. 67.)

Bà Trịnh Văn Bô tên là Hoàng Thị Minh Hồ, lúc về già ở Hà Nội, đã tâm sự với một nhà báo rằng HCM đã có lần nhờ bà chuẩn bị tiền lót tay cho các tướng Tàu để chúng rút quân về nước, Bà Bô nói: “Để có 200 vạn cho Tiêu Văn, 300 vạn cho Lư Hán, và 500 vạn cho Ứng Khâm, tôi đã phải bán phá giá những xấp vải có trong nhà vì dân kinh doanh đâu để nhiều tiền mặt trong nhà...” (Hoàng Thùy, “Người đàn bà tặng hơn 5,000 lượng vàng cho cách mạng”, Vnexpress.net)

Thứ hai, VM và HCM còn dùng tiền và vàng để mua võ khí của quân Trung Hoa và võ khí do quân Trung Hoa tịch thu của quân Nhật khi giải giới quân đội Nhật.

Tháng 9-1945, quân đội Trung Hoa Quốc Dân Đảng vào Việt Nam giải giới quân đội Nhật ở phía bắc vĩ tuyến 16 theo tối hậu thư Potsdam ngày 26-7-1945. Các tướng lãnh QDĐ Trung Hoa liên lạc thân thiết với lãnh tụ các lực lượng dân tộc, nhất là Việt Nam Quốc Dân Đảng, và hứa hẹn khi Trung Hoa rút quân, các tướng QDĐ Trung Hoa sẽ giao số võ khí tịch thu được của quân đội Nhật Bản cho QDĐ Việt Nam. Không ngờ, khi quân Trung Hoa rút về nước, giao kho lại cho QDĐ Việt Nam, thì kho trống rỗng, không còn võ khí, vì VM đã hối lộ các tướng lãnh Trung Hoa và mua hết võ khí rồi. Việt Minh đã phỏng tay trên. (Theo lời kể của một lãnh tụ VNQDĐ lúc đó là Lê Ninh cho em ruột là Lê Hưng. Ông Lê Hưng kể lại cho một người bạn trẻ hơn (hiện cũng đã lớn tuổi) đang cư trú ở Santa Ana, California.)

Chính nhờ số võ khí nầy, mà quân Tự vệ VM mới chống cự lại được cuộc tấn công của Pháp từ tối 19-12-1946 cho đến ngày 17-2-1947, tức gần hai tháng mới hoàn toàn rút lui. Cũng vì vậy, Hà Nội tan nát theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến của VMCS.

Kết Luận

Tóm lại, sau khi cướp được chính quyền, nhà nước VM cộng sản gặp những khó khăn về tài chánh. Lợi dụng lòng yêu nước và tinh thần chống Pháp của đồng bào, VM thành lập Quỹ Độc lập và tổ chức Tuần lễ vàng để quyên góp tiền, vàng của bá tánh.

Nhân dịp mở đầu Tuần lễ vàng, trong thư ngắn ngày 17-9-1945, HCM năm (5) lần kêu gọi lòng hảo tâm của những nhà giàu có, hằng tâm hằng sản. Lời lẽ hết sức nhẹ nhàng, khẩn thiết… Sau đó, một khi đã nắm chắc được quyền lực, HCM và CSVN lần lượt đưa ra những kế sách tịch biên tài sản, nhà cửa, xí nghiệp, tiêu diệt những người giàu có hảo tâm, qua các chiến dịch như Cải cách ruộng đất, Cải tạo công thương nghiệp, Tổ chức hợp tác xã... Bà Nguyễn Thị Năm, tiêu biểu cho những người ủng hộ HCM và CSVN hết sức mạnh mẽ, đã được HCM và CSVN trả ơn theo kiểu CSVN thật thê thảm.

Một điều lạ là kinh nghiệm lịch sử sờ sờ ra đó, nhân chứng sống như bà Trịnh Văn Bô tức Hoàng Thị Minh Hồ vẫn còn đó, thế mà ngày nay vẫn có một số người tiếp tục nghe theo những lời phỉnh phờ, lừa gạt của CSVN. Một số tay tư sản, một số tên có học, có bằng cấp, gọi là “Việt kiều yêu nước” hay “trí thức yêu nước”, vì ham chuộng một chút hư danh hảo huyền, hoặc ham của, ham tiền, ham một ít lợi nhuận nhỏ nhen, về Việt Nam nói là đóng góp xây dựng quê hương, đất nước. Để rồi bị chúng làm tiền, bóc lột, trấn áp và cuối cùng phải bỏ của chạy lấy người.

(Toronto, 07-09-2015)