LTG:Tiếng Việt rất phong phú, từ ngữ phân biệt rõ ràng. Ai có lòng biết ơn, tiếng Việt gọi là “Người biết ơn”. Ai dễ dàng quên ơn, bị gọi là “Đồ vô ơn”. Bài này được viết vào mùa “Lễ Tạ Ơn” (Thanksgiving), nhưng sẽ không có hình ảnh về chuyện gà Tây, khoai Tây, hoặc chuyện mua sắm trong ngày lễ lớn, nhưng để người viết có dịp trình bày một số điều theo kiểu, nói ra thì cũng ngại, còn im lặng cũng không xong.
Theo tin tức cho biết, hôm 14-11-2015 vừa qua, Liên Hữu Tin Lành Việt Nam Thế Giới tổ chức lễ vinh danh và tưởng niệm Dr. Robert Funseth, cựu phụ tá Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, mà họ gọi là "tác giả của chương trình H.O. và con lai... một ân nhân của tù nhân chính trị VNCH". Buổi tưởng niệm được tổ chức tại thánh đường United Methodist Church, Westminter. California Hoa Kỳ vào sáng 14 Tháng 11 năm 2015, với sự tham dự của các tín hữu và những người qua Mỹ theo diện H.O... Đây là việc làm đáng ca ngợi, vì đó là hành động của những người biết ơn. Dù vậy, theo người viết, trong 40 năm qua tại hải ngoại, người ta ít thấy hay chưa thấy những tập hợp của người Tin Lành Việt Nam có lần nào tổ chức tri ân hay biết ơn những Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa từng đổ xương máu để bảo vệ miền Nam Việt Nam ít nhất cho đến ngày 30-4-75 hầu cho những ông bà Tin Lành "không làm chính trị" có cơ hội thoát thân bằng các phương tiện của quốc gia?
Người viết mong rằng trong tương lai, hằng năm hay ít nhất một lần, Liên Hữu Tin Lành Thế Giới nên tổ chức tri ân những Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu vì chính nghĩa bảo vệ đất nước, giống như các nhà thờ hay Hội Thánh Tin lành Hoa Kỳ tổ chức Ngày Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ để tri ơn những người lính Mỹ từng chiến đấu cho tự do Hoa Kỳ và thế giới. Ai nhận mình là con dân Chúa, nếu có sợ thì hãy sợ Thiên Chúa không hài lòng bởi những hành động bất xứng của mình chứ đừng sợ VC nó buồn vì mình không làm theo ý nó.
Bất cứ ai chủ trương tri ơn hay biết ơn theo kiểu chính trị hay làm để lấy tiếng hoặc cho sự "an toàn" và có tính cách biểu kiến... Thì theo tôi hành động đó cũng không khá hơn những kẻ vô ơn là bao nhiêu. Bài viết này có thể dễ mích lòng ở cái điểm mà người viết vừa nêu ra. Xin trân trọng gửi đến quý độc giả xa gần. (HQB)
***
Mỗi mùa “Lễ Tạ Ơn”, các tín hữu Tin Lành hay Công Giáo, nói chung là Thiên Chúa Giáo... có dịp chứng kiến những vị lãnh đạo trong giáo quyền viết bài dài sọc, hoặc giảng lê thê về ý nghĩa của ngày Lễ Tạ Ơn và tinh thần tạ ơn. Bao nhiêu câu Kinh Thánh liên quan đến hai chữ “tạ ơn” từ sách Sáng Thế Ký cho đến Khải Huyền đã được mang ra trưng dẫn để hỗ trợ cho những bài giảng luận. Tuy nhiên, chuyện đáng buồn là những điều tốt đẹp đó chỉ được lặp đi lặp lại hằng năm, nhưng ngay những người hùng hồn giảng dạy về điều đó cũng không thiếu những thành phần thuộc loại “vô ơn Trời” và “bạc bẽo Người”. Dù thấy buồn, nhưng điều này cũng không có chi là lạ, bởi Kinh Thánh đã có khuyến cáo trong sách 2 Ti-mo-the 3 (một vài ý chính): Trong ngày sau rốt, sẽ có những thời kỳ khó khăn. Vì người ta đều tư kỷ, tham tiền, vô tình, thù người lành, lừa thầy phản bạn… Cho nên thái độ vô ơn của một số người hay nhiều người là chuyện đương nhiên phải xảy ra. Theo tôi, nếu ai đó, bị người khác phản bội, vẫn còn hạnh phúc hơn khi mình trở thành kẻ phản bội hay “đồ vô ơn”.
Trong mùa lễ mọi người dành để tạ ơn Trời và cảm ơn Người. Thiết nghĩ, mỗi người trong chúng ta cần phải nghiêm chỉnh suy xét lại từng hành động của mình qua đời sống hằng ngày cho đến khi mình tắt thở. Kẻ nào có thái độ quên ơn Trời và bội ơn Người, không thể nào được xem là người kính Chúa và yêu người một cách chân thật, nhưng đáng liệt vào hạng “đồ vô ơn”. Nói như vậy chắc có người sẽ khó chịu hoặc thắc mắc: Ai là “đồ vô ơn”? Xin thưa! "Đồ vô ơn" cũng khá đông, nhưng tôi chỉ xin tạm liệt kê khoảng mười tám điểm tiêu biểu để hầu bạn đọc:
1. “Đồ vô ơn” - là thứ bạc bẽo với Ông Bà, Cha Mẹ giống như câu ca dao: “Mẹ nuôi con như biển hồ lai láng, con nuôi mẹ, tính tháng tính ngày”. Thành phần này luôn ung dung tự tại, sống trong nhung lụa với vợ con, hay chồng con mình, để mặc cha mẹ sống trong túng quẫn, cô đơn, cả năm không thăm viếng được một lần, giống y như câu vè: “Mẹ già hết gạo treo niêu, mà anh khăn đỏ khăn điều vắt vai”. Họ không quên cha mẹ, bỏ ông bà luôn đâu; bằng chứng là có người chờ đến khi ông bà, cha mẹ qua đời, mới “bày tỏ lòng hiếu thảo”. Họ tranh nhau xây mộ ông bà, cha mẹ to lớn như lăng tẩm. Có đứa xây rồi, nhưng vì mộ ông bà, cha mẹ của người cùng làng, cùng xóm xây sau to hơn, nên chúng phải đập phá xây lại, hầu có thể trội hơn "lòng hiếu thảo". Đúng là khi cha mẹ còn sống để ở "nhà lá", chết thì cho ở "nhà lầu".
2. “Đồ vô ơn” - là kẻ nhẫn tâm ruồng bỏ anh chị em của mình, gồm những người từng giúp đỡ, cưu mang mình thời niên thiếu, lúc mình sa cơ thất thế, nhưng khi mình trở thành những nhà khoa bảng, đạt được danh vọng trên đường đời, rồi tự thấy mình "văn minh", còn anh chị em mình là “bọn thất học” và tỏ thái độ xa lánh, hầu giữ được “thanh danh” của "con giòng, cháu giống", quý phái, sang trọng.
3. “Đồ vô ơn” - là kẻ nhẫn tâm phản bội người phối ngẫu sau khi đạt được những bằng cấp, địa vị trong xã hội. Họ được như thế là nhờ công lao của vợ, của chồng, nhưng lại quên. Vì có học, vì sang trọng nên bổng thấy vợ mình hay chồng mình "không giống ai" cần phải ly dị. Họ không còn thấy hợp khẩu, hợp tánh, hợp kiến thức, hợp chuyện gối chăn... nên đã làm công việc "giàu đổi bạn, sang đổi vợ".
4. "Đồ vô ơn" - là những ông khi bị VC giam cầm trong các nhà tù. Vợ nhà một lòng thỉ chung "chờ đợi anh về", nhưng sau khi được thả và ra hải ngoại thì lại nhẫn tâm ruồng bỏ vợ nhà hay "vợ già" để tìm vợ trẻ, vợ đẹp, vợ sang. Có người "khéo léo" hơn, họ ra vào Việt Nam bằng cái vỏ bọc "báo hiếu", "từ thiện", "niềm tin tôn giáo"... nhưng thực chất là để hưởng thụ, để du hí với những cô gái trẻ đáng tuổi con cháu mình; đây là những cô gái vì nghèo khổ nên phải bán tiết trinh cho những ông già dư tiền "trợ cấp xã hội", hoặc hưu trí, cần có bồ nhí trong tuổi "hồi xuân".
5. "Đồ vô ơn" - là thành phần nhờ chồng, nhờ cha, nhờ Ông... nên mới ra được hải ngoại. Nhưng khi "đủ lông, đủ cánh" thì quay lại xem thường chồng, xúc phạm cha, ruồng bỏ Ông... chỉ vì họ không còn sự hào hùng thời trai trẻ, hay không còn "hào quang" như xưa để con cháu dựa hơi hay được nhờ cậy.
6. “Đồ vô ơn” - Bọn này xem thường Thầy cũ, hoặc người chỉ huy ngày xưa sau khi trở thành người có địa vị trong xã hội tại hải ngoại. Chúng không ngần ngại lên án cha anh mình là "ngu dại để cho nước mất nhà tan" hoặc sử dụng quyền tự do ngôn luận tại các nước dân chủ, để mạt sát cha anh của chúng.
7. “Đồ vô ơn” - thích “quơ đũa cả nắm”, khi có lời lẽ trịch thượng, xúc phạm ngay cả những người từng đổ máu xương để bảo vệ miền Nam. Trong thời điểm "máu người khác đổ, xương người khác phơi" để cho họ và gia đình được tự do thong dong đến nhà thờ, thánh đường, chùa chiền, thánh thất bày tỏ sự "thiêng liêng" và tuyên bố "không làm chính trị". Thành phần này có cơ hội học hành, đạt nhiều bằng cấp trong xã hội; khi giặc đến cái đám này vội dẫn bầu đoàn thê tử giành giật để được lên phi cơ hay xuống tàu lánh nạn cộng sản, trong thời điểm đen tối nhất của dân tộc vào ngày 30-4-75. Nhờ máu người khác đổ cho bọn này còn sống sót để ra hải ngoại tiếp tục hùng hồn tuyên bố "tôi không làm chính trị".
8. “Đồ vô ơn” - là cái đám chỉ thích tụ năm, tụ ba để lý luận xuông, để nổi gân cổ bàn cải chuyện thời cuộc bên ly cà phê, chén trà... chứ không hề bỏ ra một cắc, một xu, hoặc tốn một giọt mồ hôi cho chuyện chung của cộng đồng, của đất nước... nhưng lời miệt thị, chê bai những người có lòng thì không thiếu.
9. “Đồ vô ơn” - là thành phần vội quên những người từng bảo lãnh, giúp đỡ lúc mình chân ướt chân ráo, đến vùng đất tự do để lánh nạn cộng sản, bằng nhiều hình thức sau ngày 30-4-75. Hoặc những năm gần đây họ được rời khỏi Việt Nam bằng đủ mọi loại “ưu tiên” để cho đời sống bớt cơ cực hoặc cho tương lai con cháu sau này. Lúc mới ra hải ngoại, họ trông “bèo nhèo” rất đáng tội, dễ thương; nhưng sau khi ăn nên làm ra thì lại phách lối, kiêu căn, điệu hạnh, vênh mặt với cả những người đã từng ân cần tiếp đãi khi họ đến vùng đất tự do. Có đứa sau khi "chân mới vừa hết phèn” thì đã ra vẻ cao sang, quý phái, thích nói ngoại ngữ hơn tiếng Việt và quay lại khinh thường luôn cả ân nhân mình. Có kẻ còn kỳ thị ngược lại người bản xứ, gọi người bản xứ là tụi Mỹ, tụi Tây… và cho rằng "chúng nó ngu", hoặc "không ra chi" nên cả đời phải ở chung cư hay nhà mướn.
10. “Đồ vô ơn” - là kẻ nhanh chóng quên ơn chồng mình hay vợ mình, từng có công mang mình ra khỏi nơi đói nghèo, lạc hậu, luôn bị chế độ độc tài khủng bố tinh thần, để đến một nơi thật sự có tự do, với đời sống sung túc bằng tình yêu chân thật chứ không phải theo kiểu mua bán ái tình. Có đứa chóng quên quá khứ, phản bội người phối ngẫu một cách dễ dàng, thích nói cái giọng “tanh tanh” như thể mình từng là ông hoàng, hay bà chuá lúc còn ở Việt Nam. Hình ảnh này không khác chi loài bướm không có lương tri, nên sau khi có được màu sắc rực rỡ lại quên rằng nó từng có những ngày là con sâu xấu xí.
11. “Đồ vô ơn” - là những tên lúc nào cũng nói giọng nhân nghĩa, đạo đức nhưng lại ruồng bỏ vợ con, mang tiền về Việt Nam cưới vợ khác, trẻ hơn, đẹp hơn... đem ra hải ngoại, sử dụng như những nô lệ. Sau khi chán chê thì "vứt đi" một cách tàn độc bằng các mánh khoé hay kẽ hở của luật pháp.
12. “Đồ vô ơn” - là những đứa xem cha mẹ chồng, hoặc cha mẹ vợ, hoặc cha mẹ ruột đang ở trong nhà mình như thể những "đầy tớ giữ nhà", có bổn phận phải làm tất cả công việc như người ở đợ để trừ nợ, hay để được ăn chén cơm thừa, cá cặn, trong lúc tuổi già bóng xế. Bọn này là thành phần có lẽ hồi còn nhỏ thiếu sự giáo dục của cha mẹ nên không hề biết trân quý công khó của người khác, hoặc kính trọng, thương yêu người có tuổi.
13. “Đồ vô ơn” – là cái phường nịnh bợ bọn VC khi quay lại miệt thị, chỉ trích bừa bãi chính phủ hay quốc gia từng chia sẻ đời sống tự do với chúng. Bọn này không ngần ngại lên án chính quyền nơi chúng định cư một cách vô tội vạ. Giống như tại Hoa Kỳ, có những tên hồ đồ lớn tiếng nguyền rủa nước Mỹ như kẻ thù của Mỹ. Bằng chứng là có kẻ đã reo hò khi thấy nước Mỹ bị bọn khủng bố quốc tế tấn công. Hành động này y hệt thái độ phản trắc của đám cướp trong đảng VC tại Việt Nam ngày nay.
14. Đồ vô ơn - chúng có trí nhớ tồi tàn đến độ là sau khi thành công, sau khi đạt được điều mình mong muốn, sau khi no cơm, ấm áo hoặc đỏ da thắm thịt.. thì lại vội quên ơn người khác, quên luôn cái thời hàn vi của mình để rồi trở nên hống hách, kiêu ngạo. Có đứa đê hèn đến nỗi thẳng tay "đâm sau lưng" những người từng giúp đỡ, cưu mang mình trong các chức vụ, vị trí quan trọng ngoài đời hoặc trong giáo hội.
15. “Đồ vô ơn” - là cái đám muốn mình trông “thiêng liêng” hơn người khác nên hùng hồn tuyên bố rằng tôi “không làm chính trị” hoặc “không dính dấp đến chính trị”, hoặc tỏ ra xem thường, lên án ngay cả những người từng tranh đấu cho mình được ra khỏi nhà tù VC. Có đứa lúc còn ở Việt Nam từng xòe tay nhận tiền những người có lòng với công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam, nhưng khi được tự do thì chúng không hề biết nói một lời bênh vực nạn nhân của VC, trái lại còn “đâm sau lưng chiến sĩ”. Chúng “khôn ngoan” chui sâu, trèo cao. Chúng xa lánh những ân nhân của chúng, hầu không bị vạ lây vì cái tội “giao du” với những người “làm chính trị”.
16. “Đồ vô ơn” - là cái đám nhờ đồng bào hải ngoại mà ăn nên làm ra, nhà cao, cửa rộng, con cái học hành đổ đạt thành tài... Nhưng không hề biết ơn những người đóng thuế cho gia đình mình hưởng. Bọn này mang tiền về Việt Nam móc ngoặc làm ăn với VC. Chúng thích ra vào Việt Nam theo kiểu “áo gấm về làng”, hoặc về Việt Nam ngồi chung bàn, ăn chung mâm, tiệc tùng đú đởn ăn chơi với đảng cướp VC qua các vỏ bọc từ thiện, tôn giáo, hoặc báo hiếu ông bà cha mẹ. Bọn này luôn từ chối tranh đấu, hoặc công khai cầu nguyện cho đất nước Việt Nam hay cầu nguyện cho các nạn nhân của VC. Đám người này cũng né tránh lên tiếng qua các thỉnh nguyện thư để đòi hỏi ôn hoà cho sự tự do của người khác, dù bản thân mình cũng từng sống sót là do máu người khác đã đổ ra. Chúng luôn ngoảnh mặt làm ngơ khi chế độ VC vẫn ngày đêm ngang nhiên cướp của, giết người, tạo bao nhiêu cảnh oan khiên tại Việt Nam. Chúng để mặc cho nhiều người nhẹ dạ và người ngoại quốc tiếp tục tưởng lầm rằng Việt Nam đã có thay đổi, đảng cướp VC đã biết “ăn năn”. Bọn này dễ dàng tin tưởng kẻ gian nhưng lại nghi ngờ những người tử tế. Chúng thích làm thinh trước điều quấy, để mặc cho kẻ gian quậy phá cộng đồng. Thích sử dụng những phần tử bất hảo để tấn công những ai không thuộc phe nhóm của chúng. Chúng không dám hy sinh đời sống cá nhân vì đại cuộc, chúng sợ VC hơn cả Thiên Chúa hay ông Trời. Chúng thích ngồi nhà công khai hoặc nặc danh viết bài nguyền rủa, xách mé những nhân sĩ có lòng, những vị lãnh đạo tôn giáo đáng trọng, những cá nhân yêu nước... bằng những từ ngữ ác độc như "tội đồ dân tộc", "đại bịp", "giả hiệu" hoặc "dõm".
17. “Đồ vô ơn” là cái tập đoàn “khôn nhà, dại chợ” mơ hồ và nhu nhược với kẻ thù VC, nhưng lại hung hãn với anh chị em cùng "một nhà", cùng chung lý tưởng. Đám này thẳng tay loại trừ những người tử tế đã từng "sống chết" với mình cho mục tiêu cao cả, nhưng nay có sự bất đồng về đường lối đấu tranh. Hành động này y như thái độ bất nhân của bọn lãnh đạo VC, “hèn với giặc Tàu nhưng lại ác với dân”.
18. "Đồ vô ơn" - là những tên lợi dụng lòng tốt của người khác để trục lợi. Nhờ đồng hương ủng hộ nên công việc thương mại được phát triển nhanh chóng. Chúng "trả ơn" khách hàng hay thân chủ bằng cách bất chấp luật pháp của người và của Trời để lợi dụng lòng tin hay sự dễ tính của người khác hầu kiếm tiền nhanh chóng. Dù bị "sa lưới", nhưng chúng không bao giờ biết thức tỉnh ăn năn. Chúng vẫn tiếp tục đến những thờ tự của các tôn giáo để trân tráo nói điều "thiêng liêng" hầu có thể dối đời, gạt người.
Kết luận: Người biết ơn Trời hay nhớ ơn Người là thành phần xứng đáng cho chúng ta làm bạn, xứng đáng cho chúng ta kính trọng, xứng đáng cho chúng ta học hỏi. Đồ vô ơn, bạc bẽo, không thể là người có đủ tư cách làm “cha”, làm “thầy” hay làm “sư”, hoặc “lãnh đạo” người khác, hoặc làm bạn với ai. Thái độ vô ơn là cung cách của phường “ăn cháo đái bát”, thiếu lòng tự trọng mà người đời gọi là “đồ vô ơn”.
Nói về lòng biết ơn hay thái độ vô ơn thì có một câu truyện trong sách Phúc Âm Lu-ca 17 như sau: Có mười người bị phong cùi, họ nài xin Chúa Cứu Thế Jesus chữa lành cho họ và Chúa đã thương xót mà phán cho họ được lành bệnh. Kết quả là chỉ có một người duy nhất trở lại tạ ơn Ngài, còn chín người kia thì biệt tăm, khiến Ngài phải thốt lên rằng: “Không phải mười người đều được sạch cả sao? Còn chín người kia ở đâu? Chỉ có người ngoại quốc này trở lại ngợi khen Ðức Chúa Trời ư!” (câu 17-18). Chúa Cứu Thế Jesus hỏi và chắc chắn Ngài cũng đã có câu trả lời. Chín người kia đang sống lẫn lộn trong xã hội loài người ngày nay. Cầu xin Đức Chúa Trời ban phước cho quý độc giả và tôi có ý thức về lời Kinh Thánh để mình không trở thành những con người mà người đời gọi là “đồ vô ơn” giống như chín người phong cùi đó hay ít nhất mười tám thành phần mà tôi vừa liệt kê trong bài viết này.
Huỳnh Quốc Bình
(503) 949-8752
e-mail: huynhquocbinh@yahoo.com