Monday, 4 January 2016

Hát cho anh, người thương binh VNCH

000_Hkg10174179-622.jpg
Những thương phế binh VNCH trong một buổi nhận tiền từ thiện tại chùa Liên Trì, TPHCM hôm 9/4/2015.
AFP photo
“Rừng lá xanh xanh cây phủ đường đi…” (tiếng hát của người thương binh bán vé số và âm thanh hỗn tạp của một bến xe buýt)
Giữa những âm thanh hỗn tạp của bến xe đò, người thương binh chỉ còn lại một chân vội vã leo lên chiếc xe khách chưa chuyển bánh. Cây ghi ta thùng cũ kỹ, lộ những vết tróc nhem nhuốc, khắc lên đó tuổi đời của thời gian. Người thương binh cất tiếng hát, bài hát “Rừng lá thấp” của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Những người khách trên chuyến xe, già có, trẻ có, bỗng nhiên được vài phút giây tách mình ra hẳn tiếng la ó của bến xe, tiếng hàng rong mời gọi ổ bánh mì, cây mía ghim. Người nhìn xa xăm. Người cúi đầu yên lặng. Họ nghĩ gì, thấy gì? Không ai biết…
Chỉ biết rằng khi ngừng tiếng hát, người thương binh rút cọc vé số trong túi áo màu xanh lá đã bạc cùng năm tháng, bước những bước đi khập khiễng mời khách mua giúp. Những gương mặt quay đi, ngại ngùng… Có lẽ cuộc sống của họ cũng chẳng có phần tốt hơn.
Đó là hình ảnh quen thuộc ở những bến xe khách, hay dọc theo các bến phà xuôi về miền Tây trong những năm 80, từ ngày kết thúc cuộc chiến. Họ chính là những người lính trở về trong một cơ thể không còn lành lặn. Một phần thân thể của họ đã vĩnh viễn gửi vào mảnh đất mà họ đã hy sinh cả tuổi trẻ của mình để bảo vệ.
Cứ thế, qua từng chuyến xe này rồi đến chuyến xe khác, bến phà này đến bến phà khác, họ hát để mưu sinh, để sống lại một thời binh lửa oai hùng. Phải, họ hát để sống lại, chứ không phải nhắc lại. Vì, nhắc cho ai nghe đây? Nói cho ai nghe đây?
Có người nhạc sĩ, đã hỏi giùm những người lính ấy, đó là cố nhạc sĩ Phạm Duy. Ông thay họ hỏi cuộc đời rằng có ai nhớ người thương binh?
“Một chiều, một chiều trên quãng đường xaBóng người anh dũng năm xưa ra đi chốn nàyChàng về nay đã cụt tayChàng về, chàng về nay đã cụt tayMáu đào đã nhuốm trên thây bao nhiêu quân thùTừ ngày chinh chiến mùa thuNgười quê còn nhớ người chăngVì vào chốn tử sinhChiến trường quên, quên mìnhNgười về có nhớ thương binh…”
(
Nỗi nhớ người thương binh)
Chiến tranh chấm dứt, người thương binh về lại quê xưa. Mảnh đất quê hương còn đó, nhưng cha anh không còn nữa, mẹ anh đã già, và một phần thân thể của anh cũng đã gửi lại nơi chiến trường năm đó.
“Rồi mai anh trở về Cha anh không còn nữaMẹ anh bây giờ đã giàNgũ Hành năm cụm núi xanh xanhXa rồi một trái Nam trầnMây giăng nhiều trên đỉnh Hải Vân.Chiều nay có người thương binhĐi về với bàn tay năm ngón như đi về với cuộc chiến chinhAnh mất đi bàn tay nhưng còn quê hương yên lànhMột ngón tay dâng một cụm ngũ hành.Niềm vui chờ đón tương laiThư gửi cho người yêu viết bằng tay trái không ngayTình mình mong đẹp mãi như năm cụm núi quê hươngÔi năm cụm núi quê hương…!!!!”
(Năm cụm núi quê hương)
Đó là Cuộc đời của người lính trở thành thương binh sau cuộc chiến trong ca khúc Năm cụm núi quê hương, sáng tác của nhạc sĩ Minh Kỳ vẫn còn một trời hy vọng và niềm tin về một tình yêu đang chờ anh nơi quê hương có ngọn núi Ngũ Hành.
Những ngày chiến đấu bên nhau
Những ngày chiến đấu bên nhau
Không phải chỉ khi cuộc chiến đã tàn thì người lính mới trở về trong một hình hài không còn nguyên vẹn. Chiến tranh khắc nghiệt có thể lấy đi cuộc sống của người ta bất cứ giờ phút nào, bất cứ chiến tuyến nào. Mà đã là lính, thì có gì ngậm ngùi hơn khi phải giã từ đồng đội, giã từ lý tưởng để quay về trên đôi nạng gỗ, dang dở cuộc đời cho cả người mình yêu. Khi đó, tiếng súng nơi chiến trường có lẽ không đáng sợ bằng phải nhìn người yêu bằng ánh mắt chưa quen. Chỉ có thể là Phạm Duy mới cảm nhận được ánh nhìn ấy trong Kỷ vật cho em vào năm 1970, khi cuộc chiến tranh Việt Nam đang ở thời kỳ khốc liệt nhất.
“Em hỏi anh. Em hỏi anh bao giờ trở lạiXin trả lời, xin trả lời mai mốt anh vềAnh trở lại với kỷ vật viên đạn đồng đenEm sang sông anh cho làm kỷ niệmAnh trở về anh trở về trên đôi nạng gỗAnh trở về, anh trở về bại tướng cụt chân.Em ngại ngùng dạo phố mùa Xuân,Bên nguời yêu tật nguyền chai đá.Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lạiXin trả lời, xin trả lời mai mốt anh vềAnh trở về nhìn nhau xa lạAnhh trở về dang dở đời emTa nhìn nhau ánh mắt chưa quenCố quên đi một lần trăn trối... Em ơi!Em hỏi anh em hỏi anh bao giờ trở lạiXin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về.....” (Kỷ vật cho em)
Khi trang lịch sử của cuộc chiến mỗi ngày một dày thêm, thì phận đời của những người thương binh trở về từ Khe Xanh, từ Đồng Xoài, từ những vùng chiến thuật càng thêm cơ cực. Ngày xưa họ là đồng đội. Giờ đây, họ là… “đồng nghiệp”. Cát Linh xin mượn một đoạn trích trong bài tạp ghi của tác giả Nguyễn Mạnh Trinh để nói lên cái xót xa của hai từ “đồng nghiệp”:
Trên một chuyến xe, có hai người lính cũ, một mù một què, dắt díu nhau đi hát để kiếm miếng ăn độ nhật. Người què thì dẫn đường cho người mù không có mắt để đi lần theo từng hàng ghế. Họ mặc bộ quần áo trận đã rách te tua bạc phếch nhưng vẫn còn phảng phất đâu đó hình ảnh của người lính thời xưa. Trên tay người lính mù là chiếc dàn mandoline cũ kỹ và anh hát những bản nhạc lính của cuộc chiến ngày cũ đã tàn nhưng còn nhiều hậu quả nhức nhối. Khi hát tôi thấy dường như trong đôi mắt đen đục của người lính mù có chút nước mắt.”
Nếu trong cuộc sống, người ta hay trả cho nhau cái nợ ân tình, thì với những người lính ấy, họ trả cho nhau nợ vào sinh ra tử. Đây là cái nợ oai hùng và mãnh liệt nhất trong cuộc đời của mỗi người lính trận. Cũng trên mảnh đất này, ngày xưa họ chiến đấu bên nhau, những đêm đạn pháo, tao mày vào sinh ra tử, thì ngày nay, tao, mày dựa vai nhau mà sống.
“Ngồi xuống đây tao đút mầy lần cuốiĐể mai này biết có gặp nữa khôngnợ trần gian nợ cơm áo chất chồngTao bươn chải đời long đong vô địnhNgồi xuống đây giữa tâm tình người línhĐừng nghĩ gì những toan tính thế gianTao với mày từng vượt những gian nanĐã sống chết – lầm than – và tủi nhụcNgồi xuống đây tao đút mầy thêm chútCũng như mầy ngày xưa đút cơm taoGiữa Cổ Thành tiếng quân dậy lao xaoTao gục xuống và mầy lao ra cứu…”
(Tao đút mày lần cuối)
Trong suốt 40 năm qua, những hình ảnh nương tựa nhau đó tiếp tục trôi dạt từ nơi này đến nơi khác. Ngày xưa là anh thương binh với đôi nạng gỗ, giờ đây, khi tuổi trẻ đã trôi qua cùng lý tưởng, họ “ngồi” trên cái ghế gỗ đã mòn nát bốn chân, với cơ thể ngắn hơn cả cái gậy dò đường, để tiếp tục cảnh đời mưu sinh.
Trong đêm mưa tầm tã, nơi góc đường vắng nào đó của Sài Gòn, có một người lính già, co cụm bên ngọn đèn đường, tấm vé số nhàu nát, đôi mắt mờ đục, nhớ về một rừng lá thấp, về chiều xanh ra nơi sa trường.
Tao biết lắm mầy sống đời mãnh thúCon hùm thiêng trong giây phút sa cơThân phế nhân đành trôi nổi mịt mờMuốn sống lại thuở viễn mơ rừng núiThôi mầy ạ! Đời chúng mình gió bụiChết ngang tàng trong ngày tháng Tư ĐenTao với mày chinh chiến đã thành quenThì tủi nhục cũng để rèn nhân cáchVậy hãy sống ngẩng cao đầu trong sạchBiết tử sinh thì nhận lấy cho hùngTao với mầy có dòng máu chảy chungThà đổ xuống không bao giờ khuất phục.”