Monday, 11 January 2016

Nghệ sĩ guitar cổ điển Phương Thảo chuẩn bị cho Chiều Nhạc Tây Ban Cầm

Bài BĂNG HUYỀN
Hình do Phương Thảo cung cấp

Với tài năng xuất chúng, kỹ thuật điêu luyện, phong cách biểu diễn đầy lôi cuốn, nữ nghệ sĩ Tây Ban cầm Phương Thảo qua lối chơi guitar tinh tế, đậm chất trữ tình, lãng mạn đã nhận được nhiều thiện cảm của các khán giả khi chị góp tiếng đàn của mình làm đẹp thêm tiếng hát cho các ca sĩ trong những đêm nhạc từng diễn ra trước đây tại vùng Little Saigon như đêm nhạc “Tình Ca Thanh Trang”, “Bài Ca Hạnh Ngộ” của ca sĩ Kiều Loan và bạn hữu, Đêm Hòa Ca do ban hợp xướng Ngàn Khơi tổ chức tại Viện Việt Học...

Những cung bậc cảm xúc và tài hoa của ngón đàn cùng những kỹ thuật phức tạp, chuẩn xác và đầy tốc độ thể hiện tiếng đàn thật tinh tế với một nhạc cảm có chiều sâu và hoàn hảo của nữ nghệ sĩ Tây Ban Cầm Phương Thảo sẽ được thể hiện trọn vẹn trong chương trình biểu diễn live concert cá nhân đầu tiên của chị mang tên “Chiều nhạc Tây Ban Cầm của Phương Thảo và thân hữu”. Đây là buổi diễn ra mắt khán giả quận Cam chính thức của Phương Thảo sau hơn 1 năm định cư tại Hoa Kỳ. Chương trình sẽ diễn ra vào lúc 4 giờ chiều Chủ Nhật ngày 10 tháng 1 năm 2016 sắp tới, tại hội trường nhật báo Người Việt do Hội Tây Ban Cầm Cổ Điển Nam California, nhật báo Người Việt, nhật báo Viễn Đông đồng bảo trợ nghệ sĩ guitar Phương Thảo. Phần dẫn dắt giới thiệu nội dung của từng tác phẩm trong chương trình sẽ do MC Hồng Vân đảm nhận.
Nhạc sĩ guitar Phương Thảo (hình Benjamin Vũ)

Nội dung các tiết mục đặc sắc, phong phú

Không có thêm bất kỳ nhạc cụ nào hỗ trợ, chỉ có tiếng đàn guitar duy nhất của Phương Thảo nhưng chắc chắn Phương Thảo sẽ cống hiến cho người yêu nhạc một chiều nhạc đầy cảm xúc. Không chỉ phô diễn ngón đàn tuyệt đẹp qua phần độc tấu, Phương Thảo còn đệm đàn cho những tiếng hát đơn ca Hồng Tước, Như An, Bùi Quỳnh Giao, Thanh Vân, Phạm Hà tạo nên vẻ đẹp đa sắc cho buổi diễn. Đó sẽ là một câu chuyện được kể bằng âm nhạc như là một chuyến du hành của cây đàn guitar, đi xuyên qua nhiều quốc gia và nền văn hóa khác nhau một cách thật thú vị. Khi ấy khán giả có thể nhắm mắt lại, đong đưa theo từng nốt nhạc và để tiếng đàn của Phương Thảo và tiếng hát của các ca sĩ dẫn người nghe tới sự say đắm qua những tác phẩm bất hủ, hay ngây ngất khi chiêm ngưỡng những phút giây thăng hoa của người nghệ sĩ. Tất cả thực sự phiêu linh, thật huyền ảo để được hòa mình trong âm nhạc đầy cảm xúc.

Danh mục biểu diễn của Phương Thảo sẽ là một bức tranh hài hòa của chiều dài lịch sử âm nhạc guitar cổ điển thuộc các thể loại từ lãng mạn cho đến hiện đại và dòng nhạc vui nhộn mang phong cách Flamenco, chắc chắn là sẽ không thể thiếu phần trình tấu tác phẩm tiêu biểu của kỹ thuật tinh tế, là một trong những âm thanh mang tính thơ nhất của guitar cổ điển, đó chính là kỹ thuật tremolo (kỹ thuật reo dây) làm say đắm thính giác người nghe.

Bật mí một số tiết mục sẽ có trong chương trình, Phương Thảo cho biết: “Hội Tây Ban Cầm cổ điển Nam California giúp cố vấn nghệ thuật cho Thảo thực hiện chương trình lần này. Các thành viên trong hội giúp Thảo liên kết các chương trình để tạo lại màu sắc mới lạ theo từng bài xuyên suốt chương trình. Chương trình gồm 2 phần, cả 2 phần sẽ vừa có phần độc tấu guitar vừa có phần Thảo đệm cho ca sĩ hát để tránh nhàm chán, đơn điệu cho người nghe. Hy vọng màu sắc tươi mới lần đầu tiên thực hiện này sẽ tạo được sức hút cho khán giả đến xem chương trình. Thảo sẽ độc tấu một số tác phẩm như Usher valse (contemporary) của Nikita Koshkin. Bolero Flamenco của Juan Serrano. Campanas Del Alba của E. Sainz de la Maza, vân vân... đặc biệt đây là lần đầu tiên Phương Thảo thực hiện trên sân khấu tại quận Cam phần trình tấu tác phẩm Concerto D major - chương I của A. Vivaldi trên nền nhạc giao hưởng thu sẵn phát ra từ cd, hy vọng sẽ tạo được thích thú cho người nghe. 

"Riêng về những tiếng hát góp trong chương trình, các ca sĩ sẽ đơn ca những tác phẩm tiêu biểu của nhạc cổ điển nhưng bằng lời Việt như Ave Maria của F. Schubert; Flying in the Wind (Hoài Hương ca), một nhạc phẩm được viết đầu tiên cho nhạc cụ vĩ cầm bởi nhà soạn nhạc Nguyễn Mạnh Cường., nay được soạn thêm lời tiếng Việt. Tác phẩm này được viết vào năm 2012 để diễn tả nỗi niềm nhung nhớ quê hương của những người sống xa quê hương; Serenade của F. Schubert (lời Việt của Phạm Duy); bài Romance (lời Việt của Phạm Duy)..."

Nói về sự khác biệt giữa biểu diễn độc tấu guitar cổ điển và đệm hát cho các ca sĩ trình bày những tác phẩm cổ điển, Phương Thảo chia sẻ: “Phần đàn cho ca sĩ hát sẽ có phần nhẹ nhàng hơn về kỹ thuật trình tấu, người nghệ sĩ guitar phải dành cho ca sĩ thể hiện tiếng hát, phần đệm chỉ làm nền cho tiếng hát, nâng thêm tiếng hát ca sĩ hay hơn, đẹp hơn. Còn khi độc tấu guitar cổ điển thì những kỹ thuật trong trình tấu guitar sẽ được thể hiện trọn vẹn hơn.”
Poster của buổi nhạc
Tình yêu dành cho guitar cổ điển

Nhắc lại kỷ niệm từng có buổi diễn rất thành công cùng với chị gái Phương Thư khi còn sống tại Việt Nam, Phương Thảo cho biết năm 2011 chương trình song tấu The Twins Return của 2 chị em Phương Thư - Phương Thảo, diễn ra tại sân khấu Phú Nhuận đã thu hút khoảng 300 khán giả ngồi kín hết rạp hát. Lý giải điều này, Phương Thảo bày tỏ: “Dù đó là chương trình thành công, nhưng so với những buổi diễn của nhạc Pop thì con số này vẫn còn khiêm tốn. Do dòng nhạc cổ điển vốn rất kén chọn khán giả, những khán giả thật sự đến với nhạc cổ điển là những người thực sự đam mê và yêu thích nhạc cổ điển. Dòng nhạc Pop thì rất thông dụng với khán giả, vì dễ nghe, dễ nhớ, dễ hiểu. Cho dù một người không biết rành về nhạc khi thưởng thức vẫn cảm nhận tác phẩm dễ dàng. Còn với nhạc cổ điển, người nghe phải có sự trải nghiệm từ từ, thì mới hiểu được những gì trong cổ điển. Nên rất kén chọn khán giả. Chính vì vậy mà khi thực hiện chương trình “Chiều nhạc Tây Ban Cầm của Phương Thảo và thân hữu” vào Chủ Nhật 10 tháng 1 năm 2016 sắp tới, Thảo chọn những bài cổ điển rất nhẹ nhàng, để khán giả dễ tiếp cận, chứ không quá khó nghe. Đây là cách Thảo muốn thu hút thêm khán giả yêu thích nhạc guitar cổ điển hơn. Mong muốn qua chương trình, khán giả sẽ có thay đổi suy nghĩ về nhạc cổ điển nói chung và nhạc guitar cổ điển nói riêng.”

Lâu nay, khán giả yêu nhạc cổ điển vốn quen với hình ảnh các nữ nghệ sĩ trong trang phục thướt tha ngồi bên đàn dương cầm hay nhẹ nhàng kéo violon hơn là ôm guitar. Theo thống kê người viết tìm hiểu thì có đến 95% nghệ sĩ Guitar là nam giới. Phải chăng vì guitar với các kỹ thuật như reo dây, cua-lê nốt, các thế bấm đè lên dây đàn, vuốt từ nốt này sang nốt kia..., để đạt một kỹ thuật điêu luyện đòi hỏi người nghệ sĩ guitar phải dành nhiều giờ để bấm dây đàn, mà những ngón tay thiếu nữ xinh xắn vốn dĩ trời sinh ra mềm mại hơn nam giới sẽ nhức buốt xiết bao trước khi chai đi dần, nên nữ giới cũng ít chuộng với nhạc cụ này hơn là dương cầm hay violon?

Kể về những khó khăn của buổi đầu học đàn guitar khi còn bé cùng với người chị gái song sinh Phương Thư, Phương Thảo tâm sự: “Trong nhà chỉ có Thảo và chị gái sinh đôi Phương Thư được ba mẹ cho học guitar cổ điển, khi đó gia đình mời thầy về nhà dạy cho 2 chị em Thảo lúc mới 6 tuổi. Khi còn bé, cầm cây đàn rất khó khăn vì cồng kềnh, khi bấm đàn, các ngón tay rất đau. Vượt qua những khó khăn ban đầu sau đó mình thấy mình cũng giống mấy anh con trai, sự dẻo dai cũng có, sức khỏe cũng có. Nhờ được ba mẹ cho học đàn guitar cổ điển từ bé, vì còn bé rất vô tư, giống như một tờ giấy trắng, nên những thông tin, dữ liệu nhập vào mình dễ dàng hơn những người lớn vốn có quá nhiều lo toan trong cuộc sống. Cũng như bao đứa trẻ khác, lúc nhỏ Thảo ham chơi hơn ham học, gia đình có răn đe, có thưởng phạt. Sau thời gian vượt qua giai đoạn đó thì niềm đam mê âm nhạc trong người đã có lúc nào không hay. Lúc đó tự bản thân nỗ lực tập luyện, chứ không còn phải đợi nhắc nhở, tự bản thân cố gắng mỗi ngày rèn luyện, trau chuốt tiếng đàn ngày một hay hơn. Cũng nhờ học từ bé, ban đầu tập những bài tập nhỏ, đơn giản song khó lên từ từ, vì vậy thời gian việc học, việc tập mỗi ngày mỗi nhiều hơn để luyện các ngón tay, lên mức độ mỗi ngày mỗi khó về kỹ thuật, khó về tốc độ.”
Tài hoa của tiếng đàn Phương Thảo

Phương Thảo cho biết Thảo đã trải qua khoảng thời gian 16 năm học guitar, ban đầu ba mẹ mướn thầy về dạy 2 chị em, sau đó cả hai thi đậu vào Nhạc Viện Saigon lúc 10 tuổi với chương trình học 9 năm xuất sắc trung học dài hạn. Năm 2000 Phương Thảo tốt nghiệp xuất sắc đại học 4 năm chuyên ngành và bắt đầu giảng dạy guitar tại Nhạc viện Saigon từ năm 2000 đến 2014. Ngay từ buổi đầu mới đến Mỹ định cư năm 2014, Thảo đã tham gia giảng dạy guitar tại OC và VQT Music Academy ngay trong cộng đồng tại vùng Little Saigon đến nay.

Nhắc lại những thành tích của bản thân, Phương Thảo tâm sự: “Năm 1991, lần đầu tiên Thảo tham dự cuộc thi “Tài năng trẻ guitar toàn quốc lần thứ nhất” tổ chức tại Nhạc viện và đoạt giải khuyến khích. Tiếp những năm sau đó (định kỳ tổ chức 3 năm/1 lần)... cho đến năm 2000, lần thứ tư (cũng là lần cuối), Thảo đoạt giải III và giải “Bài bắt buộc hay nhất”. Cũng trong năm 2000, Thao tham gia và vào vòng 2 cuộc thi “Printemps de la guitar” tại Bruxell Bỉ.

Năm 1994, khi đang học lớp 5 trung học dài hạn, Thảo được Nhạc Viện Saigon cử tham gia festival “Hội diễn văn nghệ toàn quốc lần 1” tại Hà Nội và đoạt huy chương vàng với tiết mục song tấu guitar “Milonga” - Bồ đào Nha folksong cùng chị gái song sinh Phương Thư của mình.

Trong khoảng thời gian từ năm 2003-2006, dưới sự hướng dẫn của phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Đạm, Thảo đã hoàn thành chương trình Master of Fine Arts về phương pháp giảng dạy và biểu diễn.

Trong quá trình học và giảng dạy Thảo tham gia biểu diễn độc tấu, song tấu và ensemble guitar của các nhà soạn nhạc Agustine Barios, J.S.Bach, Leo Brower, Nikita Koshkin, những bài soạn (arangement) của tay cầm thủ Andres Segovia..các bài được soạn lại cho guitar và piano, dàn dây và guitar... tại Nhạc viện, Nhà văn hóa Phú Nhuận và thu các chương trình tivi cũng như tham gia biểu diễn tại các sân khấu trong nước.

Tháng 07/ 2011, Phương Thảo và chị gái Phương Thư sau thời gian gián đoạn không biểu diễn chung vì bận bịu gia đình riêng đã tổ chức chương trình recital guitar “The Twins” tại nhà văn hóa Phú nhuận đạt thành công Cũng vào năm 2011, tháng 11, khoa Guitar Nhạc Viện tại Sài Gòn nơi Thảo giảng dạy đã tổ chức Gala toàn quốc lần I tạo được tiếng vang trong nước và khu vực Châu Á.Khi còn dạy ở Nhạc Viện Sài Gòn, Phương Thảo giảng dạy các em từ trung học 7 năm, trung cấp 4 năm và Đại học 4 năm. Ngoài ra, Thao tham gia đào tạo các lớp ngoài giờ cho các học viên từ 6 tuổi đến những học viên lớn tuổi... Song song đó Thảo tham gia đào tạo cho các bạn sinh viên đại học các thành phố tại Việt Nam như Cao đẳng sư phạm Đà Lạt, đại học chuyên tu 3 năm, đại học tại chức 4 năm...

Tâm tình của Phương Thảo

Phương Thảo cho biết một nữ nghệ sĩ guitar sẽ chịu thiệt thòi hơn so với các đồng nghiệp nam là các nữ nghệ sĩ để mất nhiều cơ hội khi phải chuyên tâm chăm lo cho chồng con. “Khi càng lớn tuổi, nữ giới có gia đình, có con, thì vấn đề tập luyện nhiều sẽ không còn được như xưa. Tuy nhiên khi ở một độ tuổi nhất định thì không đòi hỏi về kỹ thuật nữa mà sẽ đòi hỏi về diễn cảm, chiều sâu, tâm hồn trong một bài diễn tấu. Thảo nghĩ điều đó lúc trẻ, Thảo đã không làm được, nhưng thời điểm bắt đầu bước qua ngưỡng hai mươi mấy thì bắt đầu Thảo làm được. Bởi vì khi mình đã đạt được một trình độ kỹ thuật nhất định rồi, thì mình không còn quan tâm nhiều về kỹ thuật như lúc trẻ, như lúc trẻ khi đàn thì sợ vấp, sợ những tình huống không hay trên sân khấu..., bây giờ thì khi đàn trên sân khấu, luôn cố gắng làm sao thể hiện tác phẩm đó dù là cổ điển hay hiện đại khán giả cảm nhận được tác phẩm đó như thế nào.”

Phương Thảo cho rằng để trở thành nghệ sĩ guitar cổ điển đòi hỏi cần phải có về kỹ thuật, sự trình tấu, tâm hồn âm nhạc. Cô vốn rất thần tượng nhạc sư tài hoa Andres Segovia là một nghệ sỹ guitar lừng danh ở thế kỷ 20 đạt đến mức thượng thừa về kỹ thuật trình tấu, biểu cảm trong tác phẩm... nhưng với Phương Thảo, mỗi nghệ sĩ cần phải có nét riêng để tạo cho vườn hoa nghệ thuật thêm nhiều màu sắc, chứ không nên là bản sao thần tượng của mình.

Phương Thảo cho biết khi còn ở Việt Nam, ngoài chuyên môn chính là nhà giáo tại Nhạc Viện, cô còn là nghệ sĩ trình tấu, nên chọn con đường trình diễn song tấu cùng chị gái song sinh tạo nét riêng tại Việt Nam. Nhưng khi qua đây, Thảo chọn theo đuổi phong cách lãng mạn, vì dòng nhạc này dễ đi vào lòng người nghe hơn.

Nói về quá trình luyện rèn để có được tiếng đàn tuyệt diệu như hiện nay, Phương Thảo tâm sự: “Ngoài học tại Nhạc Viện Sài Gòn, Thảo còn học thêm với thầy Châu Đăng Khoa (học riêng bên ngoài) khoảng 2 năm, thầy chỉ về kỹ thuật, cách tập kỹ thuật như thế nào cho tay linh hoạt hơn, uyển chuyển trên dây đàn, thầy còn dạy Thảo qua tiếng đàn của mình, qua cách xử lý cây đàn để tạo cho âm sắc đẹp, đánh làm sao để có hồn, truyền tãi được tác phẩm đến người nghe. Đó là những bài học rất giá trị mà thầy đã truyền dạy cho Thảo. Dù học thầy có 2 năm thôi, nhưng thay đổi nhiều lắm với Thảo. Thảo nhớ nhất lời thầy dạy mình, thầy nói là khi đánh đàn làm sao mà mình đem bản nhạc gửi đến được tâm hồn của người nghe, để người nghe có cảm nhận được hồn tác phẩm chứ không đơn thuần là kỹ thuật nữa. Đây luôn là lời mà Thảo luôn khắc ghi để tập luyện, khi đàn không chỉ để biểu diễn và luôn là hành trang Thảo “nằm lòng” mỗi khi trình tấu trước khán giả.”

Phương Thảo bày tỏ thêm: “Nếu ai có niềm đam mê âm nhạc nói chung, cho dù là lớn tuổi hay trẻ tuổi thì hãy sống với niềm đam mê đó, dù là hát hay đàn bất cứ một nhạc cụ nào thì luôn luôn tâm hồn tươi trẻ hơn. Thảo chỉ hy vọng mọi người hãy sống nhiều với âm nhạc, đây cũng là một phương pháp chữa được những stress trong cuộc sống.”

Với một danh mục các tác phẩm biểu diễn rất đa dạng và độc đáo cùng tài năng của ngón đàn tuyệt mỹ của Phương Thảo, hứa hẹn cô sẽ cống hiến cho khán giả những âm sắc đặc trưng của từng nhà soạn nhạc trong phần trình tấu của mình, sẽ truyền được không khí nghệ thuật dịu dàng, tươi mới, mang đến cho người nghe sự cảm nhận khác biệt từ một nhạc cụ có cấu trúc khá đơn giản như guitar lại là một thế giới âm thanh và kỹ thuật phong phú hơn bất cứ loại nhạc cụ nào.

Vé của chương trình “Chiều nhạc Tây Ban Cầm của Phương Thảo và thân hữu” vào 4 giờ Chủ Nhật, ngày 10 tháng 1 năm 2016 tại hội trường nhật báo Người Việt có 2 loại, vé thường 20 mỹ kim, vé VIP 40 mỹ kim. Vé hiện đã bán tại: Nhà sách Tú Quỳnh 9851 Bolsa Ave, Westminster, CA 92683, điện thoại 714. 531. 4284. Nhật báo Người Việt. Nhật báo Viễn Đông, điện thoại 714.379.2851.
(bh)