Friday 8 January 2016

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ‘chống Trung Quốc’ quyết liệt như thế nào?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 5/11/2015.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 5/11/2015.
    Càng gần đến ngày khai mạc Đại hội XII Đảng CSVN, bầu không khí chính trị ở Việt Nam càng nóng lên trông thấy. Và trong mớ âm thanh hỗn độn mà các “đấu sỹ” trên đấu trường chính trị cùng bầu đoàn và “fan hâm mộ” của họ không ngừng phát ra, người ta không khó nhận ra sự lấn át của màn tụng ca dành cho đương kim thủ tướng như là “nhà cải cách” sáng láng nhất và đặc biệt là nhân vật “chống Tàu” số 1, niềm hy vọng duy nhất trong đám quan chức chóp bu hôm nay cho một Việt Nam dân chủ, thoát khỏi vòng kim cô Trung Quốc ngày mai.
    Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ cố gắng lột tả chân dung của một Nguyễn Tấn Dũng “nhà cải cách” và một Nguyễn Tấn Dũng “chống Trung Quốc” bằng những gì diễn ra trong thực tế.
    ‘Nhà cải cách’ Nguyễn Tấn Dũng
    Mặc dù gây nhiều tranh cãi nhất trên chính trường Việt Nam nhiều năm gần đây nhưng người ta lại dễ thống nhất ở một điểm về Nguyễn Tấn Dũng: ông ta là nhân vật quyền lực nhất Việt Nam trong nhiều năm qua. Hành pháp là nhánh quyền lực nắm nhiều quyền hành nhất trong bất cứ thể chế chính trị nào. Trong hệ thống cộng sản, sự chế ước và giám sát của cơ quan lập pháp và bộ máy tư pháp đối với hành pháp hầu như không đáng kể. Đó là những lý do phần nào giải thích cho vị thế quyền lực của Nguyễn Tấn Dũng.
    Cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu nhất dưới chế độ cộng sản là tình trạng cạnh tranh, giám sát và đối trọng giữa các phe phái trong đảng – Bộ Chính trị ở trung ương và thường vụ cấp uỷ ở địa phương. Nhưng ngay cả cơ chế này cũng không ảnh hưởng nhiều đến vị thế quyền lực của Nguyễn Tấn Dũng, bởi trên thực tế, với sự ủng hộ của phần lớn Ban Chấp hành Trung ương (BCHTƯ), ông ta chẳng coi Bộ Chính trị ra gì. Thất bại của Bộ Chính trị trong việc kỷ luật ông ta tại Hội nghị Trung ương 6 tháng 10/2012 là một ví dụ.
    Có hai lý do chính giải thích vì sao phần lớn BCHTƯ lại ủng hộ Nguyễn Tấn Dũng. Thứ nhất, trên cương vị đứng đầu bộ máy hành pháp, ông ta có điều kiện ban phát quyền lợi và bổng lộc cho đàn em nhiều hơn bất cứ đối thủ nào. Thứ hai, ông ta được Bộ Chính trị giao phụ trách Đảng uỷ Công an Trung ương từ năm 2006 và đứng đầu Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng trong phần lớn thời gian làm Thủ tướng – đây là những thứ “vũ khí” cực kỳ lợi hại, giúp ông ta nắm được “thóp” nhiều cấp dưới và chi phối họ.
    Với vị thế quyền lực như thế, ông Nguyễn Tấn Dũng đã làm được gì để được coi là “nhà cải cách”? Xin thưa, tất cả chỉ là con số không. “Thành tựu cải cách” đáng kể nhất của ông ta có lẽ là ý tưởng xây dựng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thành những “quả đấm thép”. Nắm trong tay phần lớn nguồn lực quốc gia nhưng “chưởng lực” của những “quả đấm thép” đó đã và đang nhằm vào đâu thì có lẽ ai cũng trả lời được. Những Vinashin hay Vinalines chỉ là những ví dụ điển hình, hoàn toàn không phải là cá biệt.
    Trên cương vị thủ tướng cũng như trong cả sự nghiệp chính trị hàng chục năm của mình, ông Nguyễn Tấn Dũng chưa hề có bất kỳ thành tựu mang tính đột phá nào lớn đến mức báo chí phải nhắc tới, công chúng phải ghi nhận.
    Một trong những hành động đầu tiên của ông Nguyễn Tấn Dũng sau khi tiếp quản chiếc ghế thủ tướng từ người tiền nhiệm Phan Văn Khải là ra quyết định giải thể Ban Nghiên cứu và Tổ Nghiên cứu về kinh tế đối ngoại của Thủ tướng, hai cơ quan tham mưu ra đời từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Theo trang từ điển bách khoa Wikipedia:
    Thời ông Phan Văn Khải, trước khi chính phủ ban hành bất cứ văn bản nào, thủ tướng cũng đều chuyển cho Ban Nghiên cứu xem trước. Các văn bản hay bị Ban Nghiên cứu có ý kiến lại thường được đưa lên từ Văn phòng Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng.
    Trong bức Công điện ngày 15 tháng 12, 2009 gửi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalak nhận định: “Some restrictive decisions, such as Decision 97, originated not from Rua but from PM Dung, who is often mistakenly identified as a political reformer.” Tạm dịch: “Một số quyết định cấm đoán, chẳng hạn như Quyết định 97, không phải đến từ Tô Huy Rứa mà từ Thủ tướng Dũng, nhân vật mà người ta vẫn thường lầm tưởng là một nhà cải cách chính trị.”
    Nguyễn Tấn Dũng ‘chống Trung Quốc’ như thế nào?
    Cố Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu có câu nói để đời: “Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn những gì cộng sản làm.” Nguyễn Tấn Dũng cũng không phải là ngoại lệ. Sau đây là những “thành tích” nổi bật nhất trong sự nghiệp “chống Trung Quốc” của ông ta.
    (1) Đặt một người Hán khai man lý lịch vào chiếc ghế quan trọng thứ hai trong chính phủ –  Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế:
    Ngày 7/5/2007, một số cán bộ, đảng viên đã và đang công tác tại Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương đã gửi Tâm Huyết Thư cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các uỷ viên BCHTƯ để tố cáo ông Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Công nghiệp lúc bấy giờ, là một người Hán khai man lý lịch. Việc họ phải gửi Tâm Huyết Thư như vậy là vì như họ khẳng định “Thủ tướng Chính phủ đã quyết đưa ông Hải lên Phó Thủ tướng Chính phủ”. Đại diện cho nhóm người soạn thảo bức Tâm Huyết Thư này là ông Nguyễn Bình Giang, uỷ viên BCH Trung ương Đảng các khóa 6, 7, 8, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương. Vì thế họ biết rõ ai là người đã đưa Hoàng Trung Hải lên chiếc ghế quan trọng thứ hai trong chính phủ.
    PTT Hoàng Trung Hải được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao phụ trách kinh tế ngành, trực tiếp chỉ đạo các bộ: Công Thương, Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Xây dựng, Giao thông - Vận tải, và Tài nguyên - Môi trường, những bộ quan trọng nhất của nền kinh tế. Ngoài ra, ông ta còn được Thủ tướng tin tưởng giao đảm nhiệm một loạt chức vụ trọng yếu, cho phép ông ta chỉ đạo cả lực lượng công an và quân đội: Chủ tịch Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước; Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các Dự án trọng điểm về dầu khí; Trưởng Ban Chỉ đạo Tổ chức điều phối phát triển các Vùng kinh tế trọng điểm; Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản; Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quy hoạch và Đầu tư Xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội; Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải; Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận; Trưởng ban Ban chỉ đạo Nhà nước Dự án Thuỷ điện Sơn La; Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhà nước Xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; Trưởng ban Ban Chỉ đạo Xây dựng Nhà Quốc hội; Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển; Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch điện VI, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia; Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi; Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng; Chủ tịch Uỷ ban An ninh Hàng không Dân dụng Quốc gia; Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, v.v.
    Lịch sử Việt Nam chưa từng ghi nhận một người Hán nào, đặc biệt lại che dấu lý lịch với mưu đồ đen tối, leo lên đến vị trí nắm trong tay gần như cả nền kinh tế và gây ra không biết bao nhiêu tai hoạ cho Việt Nam nhưng đặc biệt có lợi cho Trung Quốc suốt từ năm 2007 đến nay.
    Ngày 12/7/2014, trong bối cảnh Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan HD-981 bên trong lãnh hải Việt Nam, Bauxite Việt Nam, diễn đàn phản biện của giới trí thức Việt Nam yêu nước, đã lên tiếng “yêu cầu đảng và nhà nước Việt Nam phải rà soát và chịu trách nhiệm trước nhân dân về vấn đề nhân sự” Hoàng Trung Hải.
    (2) Đưa nền kinh tế Việt Nam ngày càng lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc:
    Năm 2005, tức trước khi ông Nguyễn Tấn Dũng ngồi lên chiếc ghế thủ tướng, tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam mới chỉ chiếm 15,9%, với giá trị nhập siêu là 2,67 tỷ USD. Mười năm dưới quyền lãnh đạo của ông ta, tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam cứ tăng dần đều và đến năm 2015 thì lên tới 29,8%, với giá trị nhập siêu là 32,3 tỷ USD. Tức là, cộng với giá trị nhập khẩu tiểu ngạch trá hình và hoạt động buôn lậu tràn lan từ Trung Quốc, ước chừng cứ 2 sản phẩm Việt Nam nhập khẩu từ bên ngoài thì có 1 sản phẩm “made in China”, và tỷ lệ đó vẫn tăng lên qua từng năm.
    (3) Giao 90% các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia cho nhà thầu Trung Quốc, với vô số hệ luỵ về an ninh quốc phòng và những thiệt hại không thể đong đếm về kinh tế (chậm tiến độ hàng năm; chất lượng thấp; phụ thuộc vào Trung Quốc về phụ tùng và linh kiện thay thế, v.v.).
    (4) Để cho các doanh nghiệp của Hồng Kông và Đài Loan - Trung Quốc thuê dài hạn (50 - 70 năm) trên 264 ngàn ha đất rừng đầu nguồn tại một loạt tỉnh như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum và Bình Dương...  để trồng rừng nguyên liệu; 87% con số này nằm ở những vị trí xung yếu hay giáp biên giới. Không những vậy, ông ta còn giao cho PTT gốc Tàu Hoàng Trung Hải làm Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng.
    (5) “Dâng” Vũng Áng và cảng nước sâu Sơn Dương ở Hà Tĩnh cho Trung Quốc:
    Vũng Áng nằm ngay dưới chân Đèo Ngang, nơi có địa hình vừa hiểm trở vừa gần như hẹp nhất Việt Nam và chỉ cần một lực lượng quân sự nhỏ là đủ sức chia cắt đất nước thành hai phần. Đặc biệt, cảng nước sâu Sơn Dương được coi là một trong 4 yếu huyệt của Việt Nam trên Biển Đông, cùng với Cam Ranh, Nam Du và Côn Đảo. Sơn Dương nằm cách căn cứ quân sự Tam Á trên đảo Hải Nam không xa, nên khi có biến, Việt Nam rất dễ bị chia cắt cả về đường bộ lẫn đường biển tại vị trí yết hầu này.
    Hai văn bản đưa đến sự ra đời “tiểu quốc” rộng bằng 1,2 lần diện tích Macao của Đại Hán này đều do Phó Thủ tướng gốc Tàu Hoàng Trung Hải ký. Tuy nhiên, Hoàng Trung Hải là Phó Thủ tướng; ông ta chỉ ký thay báo cáo Thủ tướng theo đúng nguyên tắc. Do đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới là người phải chịu trách nhiệm chính trong việc Vũng Áng – Sơn Dương rơi vào tay Trung Quốc.
    Chưa hết, sau khi Thanh tra Chính phủ chỉ ra việc UBND tỉnh Hà Tĩnh vi phạm pháp luật khi cho Trung Quốc thuê đất trong thời hạn 70 năm thay vì 50 năm theo quy định của Luật Đất đai, ông ta vẫn bảo lưu thời hạn phi pháp 70 năm đó.
    Không chỉ chịu trách nhiệm chính về hiểm hoạ Formosa Hà Tĩnh, ông Nguyễn Tấn Dũng còn thường xuyên bày tỏ sự ủng hộ quyết liệt, trước sau như một của mình đối với dự án này. Ngày 17/9 vừa qua, trong chuyến thăm Formosa Hà Tĩnh và dự lễ khánh thành một tổ máy đốt than của Nhà máy Nhiệt điện Formosa, hiện thân cho tinh thần “độc lập - tự chủ” của “tiểu quốc” này, ông ta đã “khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ đối với việc Tập đoàn này xây dựng một nhà máy lọc hóa dầu có công suất tới 16 triệu tấn, với vốn đầu tư trên 12 tỷ USD tại Khu kinh tế Vũng Áng, cũng như tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa thành công”.
    Nếu xét những quan ngại của giới chuyên gia về tình trạng “bội thực” các nhà máy lọc dầu ở Việt Nam cũng như nguy cơ ô nhiễm môi trường và hiệu quả kinh tế thấp của chúng thì ý nghĩa lớn nhất của việc Formosa xây dựng một nhà máy lọc dầu khổng lồ ở Vũng Áng chính là tạo điều kiện cho Trung Quốc có lý do chính đáng để bố trí ở đây một đội quân hùng hậu trong ít nhất 70 năm tới và tăng tốc “Hán hoá” khu vực xung yếu này.
    Ngày 4/1 vừa qua, blog Xuân Diện Hán Nôm đăng bài “TIN NÓNG: Hà Tĩnh đã sẵn sàng làm nội ứng cho giặc Tàu”, với lời bình:
    Tháp "Tinh Thần bão lũy" ư? Nó chính là cái đài phong thủy cắt đứt long mạch miền Trung. Nó còn là cái đài quan sát toàn bộ miền Trung – nút thắt của Việt Nam. Khi tín hiệu bật lên, thì Đại Việt bị cắt làm đôi và miền Trung bị khống chế hoàn toàn, hiện thực hóa Hiệp ước Thành Đô 1990, bắt đầu thời kỳ Bắc thuộc mới. Nếu trung ương không ngăn chặn việc này thì chính họ là một bè lũ bán nước, từ trên xuống dưới. Quá rõ!
    “Trung ương” nào ở đây? Nếu Nguyễn Tấn Dũng và Hoàng Trung Hải không chỉ đạo thì lãnh đạo Hà Tĩnh có “3 đầu 6 tay” cũng không dám cho Trung Quốc thuê đất 70 năm, vượt quá 20 năm so với luật định. Và vụ việc này cũng y như vậy.
    (6) “Dâng” Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân (Tuy Phong, Bình Thuận), một vị trí xung yếu về an ninh quốc phòng ở Nam Trung Bộ cho Trung Quốc. “Chiến tích” này thuộc về PTT Hoàng Trung Hải, nhưng tất cả các văn bản đưa đến sự ra đời của trung tâm nhiệt điện ở địa điểm này ông ta đều ký thay Thủ tướng Chính phủ và báo cáo Thủ tướng theo đúng quy định. Vì thế, ông Nguyễn Tấn Dũng là người phải chịu trách nhiệm chính.
    Ngày 20/4/2015, VOA đăng bài “Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân và hiểm hoạ mất nước” để cảnh báo hiểm hoạ Trung Quốc ở Vĩnh Tân. Bài viết sau đó đã được gửi cho một loạt cơ quan chức năng ở Việt Nam. Thế nhưng ngày 18/7/2015, lễ khởi công Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (do liên danh hai nhà đầu tư Trung Quốc là Công ty TNHH Lưới điện Phương Nam và Công ty TNHH Điện lực quốc tế Trung Quốc góp 95% vốn xây dựng theo hình thức BOT) vẫn cứ diễn ra. (Xem thêm bài “Người Trung Quốc cắm chốt ở Bình Thuận: Ai đã rước giặc vào nhà?” trên Bauxite Việt Nam.)
    (7) Là người phụ trách Đảng uỷ Công an Trung ương kể từ năm 2006, ông Nguyễn Tấn Dũng đóng vai trò quyết định trong chiến dịch đàn áp ngày càng khốc liệt nhằm vào phong trào chống Trung Quốc xâm lược ở Việt Nam nhiều năm qua. Những tiếng nói phản kháng Trung Quốc mạnh mẽ nhất như TS Cù Huy Hà Vũ, blogger Điếu Cày, nhà văn/blogger Phạm Viết Đào, blogger Anh Ba Sàm… đều lần lượt “được” ông ta cho vào “an dưỡng” trong tù.
    Mới đây, nhà văn/blogger yêu nước Phạm Viết Đào đã chỉ đích danh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người đã chỉ đạo lực an ninh dưới quyền bắt bỏ tù ông cũng như nhiều blogger khác. Blogger Phạm Viết Đào là người có một blog chuyên đăng bài về cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược 1979 – 1990. Ông bị bắt ngày 13/6/2013, chỉ vài ngày trước chuyến thăm Trung Quốc của ông Trương Tấn Sang.
    Ông Nguyễn Tấn Dũng “chống Tàu” bằng cách chỉ đạo tay chân bắt một nhà văn chuyên đăng bài về cuộc chiến tranh biên giới Việt -Trung ngay trước thềm chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Việt Nam ư?
    (8) Tác giả của bản Thông báo Cấm biểu tình chống Trung Quốc do UBND Tp Hà Nội ban hành ngày 18/11/2011. Đây là giai đoạn mà Bộ Chính trị chia năm xẻ bảy về vấn đề biểu tình Trung Quốc trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường gây hấn với Việt Nam trên Biển Đông. Và ông Nguyễn Tấn Dũng đã thể hiện tinh thần “chống Tàu” của mình bằng cách sai Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng đưa bản thông báo cấm biểu tình chống Trung Quốc xuống cho UBND Tp Hà Nội ban hành. (Việc Bộ Chính trị chia rẽ về vấn đề này còn thể hiện ở chỗ không quan chức nào của Hà Nội chịu ký vào bản thông báo.)
    (9) Là người đứng đầu bộ máy hành pháp và phải chịu trách nhiệm chính trước tình trạng người Trung Quốc đã và đang nhắm tới những khu vực xung yếu về an ninh quốc phòng trên khắp lãnh thổ Việt Nam như ở Vũng Áng (Hà Tĩnh), ở Cửa Việt (Quảng Trị), ở Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế), ở Hải Vân, ởĐà Nẵng, ở Nhơn Hội (Bình Định), hay ở Vĩnh Tân (Bình Thuận), v.v. nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chưa bao giờ lên tiếng chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết vấn nạn Trung Quốc ở đó, bất chấp những bức xúc và lo lắng của công luận.
    “Điểm nóng” Vũng Áng thì như phần trên đã trình bày. Cuối năm 2014, trong khi dư luận cả nước sôi sục trước thông tin UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp phép xây dựng khu nghỉ dưỡng quốc tế World Shine cho Cty World Shine Hồng Kông thì động thái trấn an dư luận duy nhất của ông Nguyễn Tấn Dũng là nói mồm với ông Chủ tịch HĐND Tp Đà Nẵng là “sẽ cho kiểm tra, xem xét lại dự án và sớm có kết luận cuối cùng về vụ việc”. Và hơn một năm đã trôi qua kể từ thời điểm đó, người ta vẫn chưa hề thấy cái gọi là “kết luận cuối cùng” đó. (Việc Thủ tướng Chính phủ kết luận về vụ việc là cần thiết, không chỉ để chính thức chấm dứt một dự án đầy mờ ám, mà còn để làm gương cho các địa phương khác, trong bối cảnh Trung Quốc vẫn đang lăm le chiếm lĩnh những vị trí xung yếu về an ninh quốc phòng trên khắp Việt Nam.)
    Ngày 14/9/2015, trang mạng của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đăng bài điều tra “Ai đã ‘rước’ một công ty TQ trá hình vào cắm chốt những vị trí hiểm yếu ở Đà Nẵng?”. Trong bài viết, tác giả đã đưa ra bằng chứng xác thực cho thấy chủ đầu tư thực sự của khu nghỉ dưỡng Silver Shores (rộng hàng chục ha và chạy dài ngót 1km dọc bờ biển Sơn Trà – Điện Ngọc) là một công ty Trung Quốc trá hình, chứ không phải là công ty Mỹ như trong giấy phép đầu tư. Tác giả bài viết đã báo động tình trạng hai bên con đường mang tên Võ Nguyên Giáp, ngay trước mặt sân bay Nước Mặn, đang dần trở thành một “đặc khu Trung Quốc”. Nhiều cơ quan truyền thông nhà nước sau đó đã vào cuộc và phát hiện ra việc người Trung Quốc đã thâu tóm hàng trăm lô đất ngay trước mặt sân bay Nước Mặn, một sân bay quân sự chỉ cách khu nghỉ dưỡng Silver Shores vài trăm mét.
    Mặc cho dư luận cứ sôi sục suốt về vụ việc trên mấy tháng nay, người đứng đầu bộ máy hành chính quốc gia vẫn im lặng, như thể đó là chuyện riêng của Tp Đà Nẵng vậy, cho dù đây là dự án do chính phủ cấp phép và Đà Nẵng là thành phố quan trọng bậc nhất trong chiến lược phòng thủ quốc gia.
    Ngài Thủ tướng khả kính liệu có biết gì về dự án Silver Shores không? Xin thưa, ông ta biết quá rõ: Ngày 14/4/2014, trong buổi làm việc với lãnh đạo Đà Nẵng, chính ông ta đã “chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét để Đà Nẵng mở rộng thêm bàn chia bài ở khu du lịch quốc tế Silver Shores”. 
    Tóm lại, Nguyễn Tấn Dũng chỉ “chém gió” một cách vô hại về Trung Quốc, bởi ông ta không hề hành động gì. (Luật Biển – vốn hoàn toàn không phải là “sản phẩm” của ông ta – đã ra đời gần 4 năm nay mà ông ta cũng chưa ban hành nghị định hướng dẫn thi hành.) Còn với những vấn nạn Trung Quốc ở trong nước thì ông ta hoặc là thủ phạm trực tiếp, hoặc ra sức tiếp tay, hoặc im lặng đồng loã.
    Vì sao Bắc Kinh và Nguyễn Tấn Dũng ‘lên án’ nhau?
    Tác giả bài viết này là người vẫn đang theo đuổi vụ tố cáo đối với các nhân vật Hoàng Trung Hải - Nguyễn Tấn Dũng - Nông Đức Mạnh suốt từ năm 2008: Hoàng Trung Hải nắm bằng chứng phạm tội của Nguyễn Tấn Dũng và Nông Đức Mạnh rồi buộc hai ông này đặt ông ta vào ghế Phó Thủ tướng từ năm 2007 và ra sức thực hiện mưu đồ thôn tính Việt Nam của Bắc Kinh kể từ bấy đến nay.
    Những gì mà tác giả trình bày trên đây là bằng chứng thực tế về một Nguyễn Tấn Dũng đã bị Hoàng Trung Hải và Bắc Kinh khống chế, thao túng và trở thành tay sai cho giặc.
    Một vụ tố cáo vô cùng nghiêm trọng như vậy nhưng suốt 8 năm qua nhà chức trách Việt Nam vẫn chưa giải quyết đúng pháp luật, dù thông tin về vụ việc đã tràn lan trên mạng, truyền thông quốc tế đã đưa tin. Ngày 4/11 vừa qua, trang Bauxite Việt Nam, diễn đàn phản biện của giới trí thức trong nước, đã đăng bản Yêu cầu giải quyết đơn thư tố cáo lãnh đạo Đảng và Nhà nướccủa Lê Anh Hùng. Và một lần nữa, vụ việc lại rơi vào sự im lặng khó hiểu của nhà cầm quyền Việt Nam.
    Chưa hết, ngày 1/7/2015, người viết bài này còn công bố “Tài liệu tố cáo Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang bán nước”. Tài liệu cho thấy không chỉ Nguyễn Tấn Dũng và Nông Đức Mạnh mà cả ban lãnh đạo chóp bu hiện hành đã bị Hoàng Trung Hải và Bắc Kinh khống chế, thao túng. Điều này giải thích tại sao Việt Nam dần dần rơi vào vòng kiềm toả của Trung Quốc cả về chính trị, kinh tế lẫn an ninh - quốc phòng. Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan HD-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà Bộ Chính trị vẫn không dám kiện họ ra toà án quốc tế. Trung Quốc ngày đêm cải tạo, bồi đắp các đảo đá và biến chúng thành các căn cứ quân sự liên hoàn, bị cộng đồng quốc tế lên án gay gắt, mà Quốc hội Việt Nam vẫn không ra nổi một nghị quyết để thể hiện lập trường của cái gọi là “cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất”.
    Trong bối cảnh cả bộ máy chóp bu bị Trung Nam Hải khống chế và thao túng, việc Bắc Kinh “bật đèn xanh” cho con rối Nguyễn Tấn Dũng thoả sức “chém gió” về Trung Quốc rồi “lên án” ông ta không chỉ “đánh bóng” cho ông ta, giúp ông ta che đậy hành động bán nước và tiếp tục làm tay sai cho giặc, mà còn có tác dụng ru ngủ dân chúng Việt Nam, khiến họ tin rằng trong bộ máy chóp bu vẫn tồn tại phe “chống Tàu, thân Mỹ” do một nhân vật quyền lực nhất Việt Nam nhiều năm qua dẫn dắt.
    Hỡi các nhân sĩ, trí thức chân chính của Việt Nam! Thay vì tung hê Nguyễn Tấn Dũng, hãy lên tiếng về hiểm hoạ Hoàng Trung Hải[i] trước khi quá muộn, trước khi những gọng kìm của Đại Hán như Formosa Hà TĩnhCửa Việt,Lăng CôSilver Shores Đà NẵngNhiệt điện Vĩnh Tân, Bauxite Tây Nguyên,Nhơn Hộibiên giới phía Bắc, rừng đầu nguồn… bóp nghẹt dải đất thân thương hình chữ S của chúng ta.
    _________
    Chú thích:
    [i] Việc một người Hán khai man lý lịch chễm chệ trên chiếc ghế quan trọng thứ 2 trong chính phủ – Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế – mặc dù bị tố cáo đã phạm những tội ác khủng khiếp suốt bao năm nay và gây ra không biết bao nhiêu thảm hoạ cho Việt Nam là bằng chứng không thể chối cãi rằng bộ máy lãnh đạo chóp bu ở Việt Nam, đặc biệt là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã bị Hoàng Trung Hải và Bắc Kinh khống chế và thao túng. (Thiết tưởng không cần phải nhắc lại là Quyết định số 1275/2007/QĐ-BCA ngày 26/10/2007 của Bộ trưởng Công an thậm chí còn cấm cán bộ, chiến sỹ công an kết hôn với người Hoa.)
    *Bài liên quan:
    *Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

    Lê Anh Hùng

    Lê Anh Hùng là một blogger tự do trẻ trong nước tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam.