Sunday, 27 March 2016

Tiến Sĩ Giấy - Nguyễn Quý Đại

Theo dư luận tại Việt Nam hiện nay:„Ở Hà Nội ra khỏi ngõ gặp tiến sĩ“ gợi cho chúng ta nhớ đến bài thơ „vịnh tiến sĩ giấy“ của Nguyễn Khuyến, những người mang danh tiến sĩ, nhưng thật sự chẳng có chút tài đức, trình độ học vấn kém cỏi, nghèo nàn kiến thức tổng quát, thiếu tài kinh bang tế thế, sau khi bái tổ vinh quy, chỉ tìm cách lợi dụng chức quyền, tham nhũng, hối lộ, đục khoét người dân, để lo cho bản thân và gia đình mình mà chẳng đếm xỉa đến việc nước, việc dân…

Image result for lò ấp tiến sĩ


Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai.
Cũng gọi ông nghè có kém ai.
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng, (1)
Nét son điểm rõ mặt văn khôi. (2)
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ?
Cái giá khoa danh thế mới hời! (3)
Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh choẹ,
Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi!

Thời xa xưa với giấc mơ đi học dù theo lối từ chương, thi phú để ra kinh đô ứng thí, đỗ đạt được làm quan, áo gấm về làng bái tổ vinh quy „võng anh đi trước, võng nàng theo sau,“. Truyền thống đó vẫn còn ảnh hưởng đến xã hội ngày nay. Nhìn lại 40 năm dưới chế độ CS con người có quá nhiều thói hư tật xấu: kiêu ngạo, ham tiền, ghen ghét oán thù, hưởng thụ, ưa thành tích, không biết trọng dùng người tài đức, trí thức yêu nước để canh tân đất nước. Giới trẻ tại Việt Nam nhiều người có tài, có đức nhưng phần lớn không được giữ những chức vụ quan trọng vì không phải „con ông cháu cha“ như ca dao truyền tụng trong dân gian:

Con quan thì lại làm quan
Con sãi ở chùa thì quét lá đa

Đặng Tiểu Bình/ Deng Xiaoping là kẻ thù của dân tộc Việt Nam, nhưng chúng ta chỉ xét về việc đổi mới của ông ta đưa nước Tàu từ nghèo đói lạc hậu trở thành cường quốc. Từ năm 1978   ông Đặng được phục hồi quyền lực, đã khởi xướng công cuộc cải cách kinh tế, mở cửa bình thường hoá quan hệ với các nước Tây phương, gởi hàng trăm ngàn sinh viên du học, học xong đều trở về nước làm việc, ông biết trọng dụng người tài: “Mèo đen hay mèo trắng không quan trọng miễn là nó bắt được chuột”.

Trong thời gian đó Trung Cộng mở cửa, thì CSVN đóng cửa thần phục Nga, các nước cộng sản Đông Âu... Dân miền Nam trước 1975 sống sung túc, trù phú, khi Việt Nam thống nhất đất nước đời sống người dân thụt lùi trở thành nghèo đói. Đến năm 1986 CSVN bắt đầu chập chửng đổi mới, nhờ học được những bài học sơ đẳng về kinh tế thị trường. Năm 1993 bình thường hóa quan hệ tài chính với các tổ chức tài chính quốc tế...

Dù đổi mới nhưng đảng CSVN vẫn giữ độc quyền lãnh đạo, nên hệ thống giáo dục còn nặng giáo điều, đào tạo thường chú trọng đến bằng cấp học vị, thích hư danh, bổng lộc, quyền lực, không chú tâm về học thuật, phát triển tài năng đúng trình độ. Nhiều bài viết phê bình từ trong nước nói lên tệ trạng giáo dục tại Việt Nam, thật tai hạị bằng giả, bằng mua… nhiều ông, bà là cán bộ trước đây học bổ túc văn hoá, nay cũng có bằng cữ nhân, tiến sĩ…

Theo các tài liệu thống kê hiện nay số người có bằng tiến sĩ ở Việt Nam nhiều nhất Đông Nam Á. Trong lúc không có một trường đại học Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng 500 trường đại học đứng đầu thế giới. Số lượng các đề tài phát minh nghiên cứu khoa học công bố quốc tế của người Việt trong một năm thua xa các đại học ở Đông Nam Á Châu (thấp hơn cả một trường của Thái Lan). Nhiều trường Đại học Việt Nam đào tạo sinh viên thiếu khả năng chuyên môn nên sau khi tốt nghiệp, ra trường khó có việc làm, Hãng Intel tại Sài Gòn tuyển nhân viên, người có bằng đại học đủ loại nộp đơn xin việc, nhưng lúc mời phỏng vấn chỉ chọn được 1%, chứng tỏ trình độ học tại Việt Nam còn quá thấp! Phần lớn bằng tốt nghiệp tại đaị học VN ra nước ngoài không được công nhận, tuy nhiên cũng có rất ít trường hợp ngoại lệ.

Báo trong nước đăng tải việc học tại Việt Nam, „nếu có bằng tốt nghiệp đại học (thật hay giả) có thể làm tiến sĩ mà chỉ cần có 2 giáo sư giới thiệu và có đề cương cộng với tiêu chuẩn ngoại ngữ là xong“. Tình trạng đổi tình lấy điểm, đạo luận văn, người ghi danh nhiều tiền, thuê người học …Có nơi công khai quảng cáo viết thuê luận án tiến sĩ „khoảng 300 triệu đồng, khoán trắng toàn luận án 500 triệu đồng...“. Ngày nay ở Việt Nam “có tiền mua tiên cũng được“. Sinh viên ở các đại học Đức tốt nghiệp cữ nhân, kỹ sư muốn học cao học Master, phải hội đủ điều kiện điểm 1, điểm 2. học chuyên cần hai năm trình luôn luận án ra trường. Làm tiến sĩ phải 3 năm...  

Bằng tốt nghiệp đại học trong nước không có giá trị, thì một số bằng đại học quốc tế luôn là niềm mơ ước của giới trẻ. Bởi vậy „Đại học quốc tế“ (1) của Mỹ lợi dụng thời cơ „nước dục thả câu“, những năm trước hoạt động và cấp bằng “quốc tế” tại Việt Nam đó là các đại học “ma“, những ĐH dỏm thượng vàng hạ cám đủ loại… Học viên ghi danh đóng tiền học on line thì được cấp các loại bằng cao học, tiến sĩ chỉ là những mảnh giấy vụn không có giá trị. Các loại bằng đó giúp được gì cho đời? Đi làm để thăng quan tiến chức, tiền bạc đầy túi ăn tiền thuế của dân. Theo báo tuổi trẻ online ở VN „Nhiều giảng viên của một số trường ÐH, CÐ vẫn sử dụng bằng tiến sĩ “ma”, bằng chưa được thẩm định hoặc không được công nhận tại VN“. Giáo sư như vậy dạy sinh viên ra trường trình độ như thế nào?

Chuyện bằng cấp thẩm định giá trị ở nước Đức, trường hợp bằng thật của ông Karl-Theodor zu Guttenberg cựu bộ trưởng quốc phòng/ Bundesminister Verteidigung từ (2009–2011), ông phải từ chức tháng ba năm 2011.  Ngày 23 tháng hai năm 2011 vì các cơ quan truyền thông loan báo: năm 2007 ông trình luận án tiến sĩ luật „Verfassung und Verfassungsvertrag“ tại đại học Bayreuth trong luận án dày 500 trang của ông đã có một số ít trang trích dẫn tài liệu của tác giả khác. Ông không ghi rõ xuất xứ bị kết án là đạo văn. Vì dư luận, ông phải từ chức và trả bằng lại cho đại học, không được phép dùng danh xưng tiến sĩ. Đức là quốc gia tự do, dân chủ có nền văn hóa cao, ý kiến phê bình của người dân luôn được lắng nghe. Ông ta tự trọng từ chức mất tất cả danh vọng, sư nghiệp chính trị, Ở Việt Nam nếu số cán bộ làm lớn bị phát hiện đạo văn, bằng giả, bằng dỏm thì có bao nhiều người dám từ chức ra đi?

Hệ thống giáo dục đào tạo con người của xã hội CSVN là một thứ văn hóa ích kỷ, hẹp hòi, vọng ngoại, bảo thủ, nghèo nàn cả về kiến thức lẫn tư tưởng, tạo nên một giai cấp thích đề cao danh lợi, trọng tiền bạc hơn nhân cách, lừa dối và vô cảm...

“Bệnh háo danh không mua nổi trí khôn
Dịch thành tích chẳng làm nên thương hiệu.
Biển bạc rừng vàng, mà nghìn năm vẫn mang ách đói nghèo
Tài giỏi thông minh, mà vạn kiếp chưa thoát vòng lạc hậu.”
           Trích một đọan trên Facebook của ông TQK tại Sài Gòn

Việt Nam cần phải cải cách phương pháp giáo dục, mới có thể hy vọng nâng cao trình độ dân trí, văn hoá phát triển lành mạnh để theo kịp văn minh của thế giới. Hơn 40 năm ngày nay nhìn bề ngoải Việt Nam phát triển, nhờ tiền vay nợ ODA/ Official development assistance. (Trợ giúp Phát triển Chính thức) Là các khoản cho vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp với thời gian vay dài. Trong nguồn vốn ODA luôn có một phần viện trợ không hoàn lại giúp phát triển kinh tế và nâng cao phúc lợi ở các nước nghèo được viện trợ.

Tin BBC: „ngày 21/3 tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII cho thấy nợ chính phủ đã vượt giới hạn quy định, chiếm 50,3% GDP (Gross Domestic Product/Tổng sản phẩm nội địa“. Các chuyên gia kinh tế, tài chánh ước lượng nợ của Việt Nam trên 300 tỷ USD. Nhà nước tiếp tục đi vay nước ngoài thì nợ công tăng lên, có thể vở nợ hoặc số nợ nần nầy đến đời cháu, chắt cũng trả chưa xong!
Số tiền vay mượn trên bị những người có quyền thế tham nhũng chia nhau bỏ túi, làm láo, báo cáo hay…Trong lúc phúc lợi của người dân còn thấp, thiếu trường học, thiếu bệnh viện, bệnh nhân không đủ giường nằm…Nhiều gia đình không đủ tiền đóng học phí cho con đi học, nhiều bệnh nhân chiu chết không có tiền để điều trị...

Nếu con người thiếu nhân cách, đời sống thiếu đạo đức thì xã hội sẽ bị băng hoại. Hiện nay Việt Nam bị suy thoái trầm trọng về nhiều phương diện: Giáo dục, chính trị, kinh tế, môi trường, y tế, giao thông...

Đất nước VN muốn phát triển, không thể để bộ chính trị đảng CSVN quyết định, Quốc hội theo chủ trương bảo thủ “đảng cử dân bầu” tạo nên những ông bà nghị gật hơn là đại diện cho dân. Phải trưng cầu dân ý như Hội Nghị Diên Hồng là một bài học quý giá trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, cần tôn trọng nguyện vọng và sự đóng góp ý kiến xây dựng của toàn dân. Trước trình trạng kém phát triển, chậm tiến ngày nay, VN phải biết trọng dụng người tài ra giúp nước, loại bỏ những ông tiến sĩ giấy, càng sớm càng tốt … Nếu nước Việt Nam giàu mạnh có tự do, dân chủ và toàn dân đoàn kết mới có thể đánh đuổi bọn Tàu cướp biển đảo của chúng ta.

Nguyễn Quý Đại

Tệ nạn bạo hành trong trường học tại Việt Nam ngày nay
-        hình trên internet
chú thích các từ của bài thơ

1. Giáp bảng: bảng đề tên từ học vị tiến sĩ trở lên.
2. Văn khôi: đầu làng văn. chỉ người có đỗ đạt cao.
3. Hời: giá rẻ.
1/ Danh sách 21 trường ĐH từng hoạt động tại VN không được công nhận bởi các cơ quan kiểm định giáo dục có thẩm quyền từ Hoa Kỳ. Danh sách nầy được công bố của TS Mark A.Ashwill - nguyên giám đốc Viện Giáo dục quốc tế Hoa Kỳ):
1. ĐH quốc tế Adam (Adam International University) ở Georgia.
2. ĐH Akamai (Akamai University) ở Hawaii.
3. ĐH American City (American City University) ở California.
4. ĐH Di sản Mỹ (American Heritage University) nằm ở phía nam California.
5. ĐH American Pacific (American Pacific University). Đây là ĐH được đặt tại Saigon
6. ĐH quốc tế American Pacific (American Pacific University- International) ở New Mexico/ CA.
7. ĐH Apollo (Apollo University) ở California.
8. ĐH quốc tế Đại Tây Dương (Alantic International University) Hawaii.
9. ĐH Capstone (Capstone University) California.
10. ĐH Cosmopolitan (Cosmopolitan University).
11. ĐH Frederick Taylor (Frederick Taylor University) ở California.
12 - ĐH Honolulu (Honolulu University) ở Hawaii,
13 - ĐH Irvine (Irvine University) ở California.
14 - ĐH Quốc tế Mỹ (International American University), California.
15 - ĐH Kỹ thuật Paramount (Paramount University of Technology) ở California.
16 - ĐH Pebble Hills (Pebble Hills University) ở Pennsylvania.
17 - ĐH Preston (Preston University) ở California.
18 - ĐH Tây Nam Mỹ (Southwest American University) ở California.
19 - ĐH Nam Thái Bình Dương (Southern Pacific University) ở Delaware.
20 - ĐH quốc tế Washington (Washington International University) ở Pennsylvania.

21 - ĐH quốc tế Berkeley (Berkeley International University), ở Delaware.