“Bạn muốn ăn thực phẩm nhiễm hóa chất, muốn đi khám bệnh phải đợi cả thế kỉ, làm việc phải nhìn trước ngó sau, đi đường có thể chết vì tai nạn bất cứ lúc nào… thì hãy về Việt Nam”.
Trong cuộc tranh luận “đi hay ở” trên một diễn đàn dành cho sinh viên Việt tại Pháp có rất nhiều ý kiến trái chiều. Nếu như nhiều người muốn về quê hương thì độc giả T.T lại kiên quyết phản đối. VietNamNet xin đăng lại nguyên văn một ý kiến của thành viên này. Nguyên văn những tranh luận của chị T.T:
“Bạn cứ về Việt Nam ăn thực phẩm nhiễm hoá chất, áp lực con học theo điểm số, muốn đi khám bệnh đợi cả thế kỉ, làm việc phải nhìn trước ngó sau, đi đường có thể chết vì tai nạn bất cứ lúc nào… rồi bạn sẽ lại nhớ cuộc sống (ở Pháp) đang có.
Ở Việt Nam, mình không thể chịu được mỗi khi hàng xóm hay ai đó tới chơi tự tiện mở cửa ngó phòng mình. Mình mắng thì họ bảo mình ghê gớm và họ chỉ xem chứ chả làm gì. Mình không chịu được mỗi khi một bà mình quen rất xã giao lại cứ hỏi mình: “Tháng làm được bao nhiêu lương? Tại sao không giảm béo? Ăn cái này cái kia đi gầy lắm…”.
Mình rất ghét mỗi khi người tận đẩu đâu đến chơi nhà mình vào một sáng chủ nhật sau cả tuần mình làm việc cật lực chỉ thèm ngủ thêm vài tiếng và họ không hề báo trước. Mình rất ghét mỗi khi có ai đó nói: “Con này nó không có bố nên thế là tốt lắm rồi” chỉ vì bố mẹ mình chia tay.
Bạn nào đang ở nước ngoài thích ôm mộng nói tiếng mẹ đẻ thì ngày gọi điện về cho người thân khoảng 1 giờ là được nói thỏa thích. Mình chỉ muốn chị VanLinh đừng bị luỵ chút tình cảm mà kéo theo cả tương lai các con mệt mỏi. Cuộc sống ở Việt Nam của mình đang cực ổn nhưng chẳng bao giờ thích ở lại.
Mình kể cho các bạn nghe chuyện này để các bạn hiểu tại sao mình nói vậy. Cách đây 8 năm anh chị mình từ Đan Mạch trở về, mang theo một khoản tiền lớn mà anh chị tiết kiệm được khi ở bên đấy. Chị mình vẫn giữ nguyên nếp sống như ở Đan Mạch và đã bị sốc không ít lần.
Lần đầu tiên là năm 2008 khi chị đi đẻ bệnh viện, đẻ dịch vụ đóng 4 triệu vẫn phải “lót tay” cho bác sĩ 1 triệu, chị mình đã mua BHYT cho con mà vẫn phải “bồi dưỡng” bác sĩ thêm 100 nghìn để tiêm không đau.
Lần sốc thứ hai là chồng chị về nước là tối ngày ôm bàn bia bàn nhậu, trai gái liên miên, khi ly hôn lương chồng 3000 USD nhưng toà chỉ bắt đóng nuôi con 5 triệu, không ràng buộc gì thêm về các nghĩa vụ liên quan.
Sốc lần ba là con đi học lớp 1 bị cô giáo hết nhét xuống cuối lớp, lại bắt ăn nhiều gấp mấy lần các bạn đến mức oẹ, con về tự bảo mẹ 20-11 phải mang quà đến cô. Bạn nào trong đời chưa ít nhất một lần trải qua các tập mình nêu trên thì bạn quá may mắn, số người như bạn không biết có chiếm 0,1% dân số hay không nữa?
Mình còn ghét cái kiểu ở Việt Nam, mời người ta ăn mà người ta ăn thật thì chửi là tham; Cho người ta mấy đồng thì đi kể khắp làng khắp tổng như kiểu cứu vớt một linh hồn; Đi làm chưa biết việc thì hỏi không ai nói, tự làm thì bị chửi toé loe…Cô giáo thì mớm văn ép học sinh viết theo, viết xong thì bảo không sáng tạo, sáng tạo thì bảo lạc đề.
Quan trọng nhất là bạn có muốn vì cuốn hộ chiếu xanh mà khổ sở mỗi khi đi đến một số quốc gia hay không? Bạn có hộ chiếu Pháp nghĩa là bạn đang được cầm trong tay một trong 10 cuốn hộ chiếu quyền lực nhất thế giới. Cuộc sống vốn công bằng nhưng có những thứ lại công bằng hơn là vậy đó.
Nếu bạn không ngừng phấn đấu và đóng góp cho xã hội của họ thì ít nhất bạn còn được công nhận là một phần của đất nước họ. Mình thấy bạn nào hưởng học bổng chính phủ Pháp, đi tàu giá rẻ, hưởng mọi ưu đãi sinh viên từ Pháp mà vẫn trở ra đá lại cái xứ cho bạn kiến thức lẫn miếng cơm thì không còn gì để nói. Đó là kiểu người qua cầu rút ván.
Mình không nói riêng nước Pháp mà đang nói các nhóm nước có mức phát triển chung rất tốt cho cuộc sống của nhiều người. Không phải ai cũng có khả năng để đến và được ở lại. Mình nhấn mạnh xưa này vẫn thấy từ “được” chứ chưa ai nói là “bị” ở lại cả.
Mình xin nói luôn mình không có ý định làm người Pháp, tiếng Pháp một chữ bẻ đôi mình cũng không biết nhưng cái gì đúng thì mình phải nói. Vậy thôi!”
*Ghi theo lời kể của chị T.T
Theo Phương Lễ