Khoá họp lần thứ 32 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) đang diễn ra tại Điện Quốc Liên ở Genève, và sẽ kết thúc vào mùng 1 tháng 7 này.
Đặc biệt năm nay là năm kỷ niệm 10 năm Hội đồng Nhân quyền LHQ ra đời, thay thế Ủy ban Nhân quyền, sau cuộc cải cách nội bộ cơ cấu hoạt động nhân quyền của LHQ. Do vậy, lần đầu tiên có sự hiện diện đông đủ của 193 quốc gia thành viên LHQ về tham dự, mặt khác, cũng nhờ ngân quỹ LHQ đặc biệt tài trợ cho việc di chuyển các phái đoàn quốc gia. Ngoài ra cũng hiện diện những tổ chức Phi chính phủ có quy chế tham vấn LHQ tham dự như thường năm.
Chúng tôi tìm phỏng vấn ông Nicolas Agostini, Trưởng phòng Đại diện Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền, là một trong những tổ chức Phi chính phủ có tầm ảnh hưởng lớn tại LHQ, để xin ông đánh giá thành quả 10 năm qua của Hội đồng Nhân quyền. Ông cho biết như sau:
Việt Nam luôn dứt khoát bỏ phiếu chống các hành động muốn can thiệp của Hội đồng trước những tình hình trầm trọng tại các quốc gia Châu Á, Châu Phi và những nơi khác.
- Nicolas Agostini
Nicolas Agostini: Tôi nghĩ rằng Hội đồng Nhân quyền LHQ mang lại một số thành quả, đặc biệt trong vấn đề dự đoán và biện pháp phòng ngừa, mà ta chứng kiến qua khoá họp đặc biệt về Burundi năm ngoái. Hội đồng Nhân quyền LHQ cũng đã thành lập những Ủy hội Điều tra cho trường hợp Syrie và Bắc Triều Tiên… Nhưng Hội đồng cũng có những thất bại, mà chủ yếu, tôi nghĩ có thể nêu lên tính cách bất lực của Hội đồng Nhân quyền LHQ khi phải bám sát để đưa vào nghị trình tình hình vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, đặc biệt tại Việt Nam. Có một số quốc gia mà tình hình nhân quyền khá nghiêm trọng vẫn không được đưa vào nghị trình của Hội đồng.
Ỷ Lan: Thưa ông, vì lý do gì lại thiếu vắng trong nghị trình như thế? Người ta có thể trách cứ vì lý do chính trị mà Hội đồng nhân quyền LHQ hành xử như thế chăng?
Nicolas Agostini: Hội đồng Nhân quyền LHQ là một cơ cấu chính trị và sẽ vĩnh viễn ở vị trí đó. Lý do chính của việc không đưa vào nghị trình tình hình vi phạm nhân quyền trầm trọng trong các quốc gia này, hiển nhiên là vì lý do chính trị. Nó là sự kết hợp của uy lực chính trị, kinh tế, của những nhóm liên minh địa chiến lược. Tôi vừa nêu trường hợp Việt Nam, nhưng còn nhiều nước khác nữa, chẳng hạn như Trung Quốc, Liên bang Nga hay Arabie Saoudite hoàn toàn vắng bóng trong nghị trình của Hội đồng vốn là một cơ cấu chính trị, và sẽ mãi mãi là cơ cấu chính trị.
Ỷ Lan: Việt Nam là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ gần 3 năm qua. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Việt Nam? Nhất là vào lúc đang có những vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Việt Nam, nhưng bài diễn văn trước Hội đồng Nhân quyền LHQ của bà Phó chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, thì chỉ tán dương nhân quyền Việt Nam thành công rực rỡ ?
Nicolas Agostini: Việt Nam luôn sử dụng thứ chiến lược rất thông dụng mà các chế độ độc đoán áp dụng, tức dựa thế "thành công" — trong dấu nháy — trên bình diện kinh tế và xã hội, để bịt miệng những phê phán trên phạm vi dân sự và chính trị, đặc biệt về tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do tham chính.
Trong vị thế thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, Việt Nam thuộc thành phần thoái bộ. Hầu như Việt Nam luôn dứt khoát bỏ phiếu chống các hành động muốn can thiệp của Hội đồng trước những tình hình trầm trọng tại các quốc gia Châu Á, Châu Phi và những nơi khác, vốn được dự liệu đưa vào nghị trình xử lý. Việt Nam cũng hầu như dứt khoát cản trở các cuộc thương thảo liên quan đến những quyết định có tính chủ đề nhằm bảo vệ không gian cho các xã hội dân sự, tự do ngôn luận, những người bảo vệ nhân quyền, cũng như hàng loạt quyết định tiến bộ khác.
Khoá họp lần thứ 32 này, Việt Nam cử bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó chủ tịch Nước, cầm đầu Phái đoàn.
Năm nay cũng là năm Việt Nam chấm dứt nhiệm kỳ làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ. Cuộc bầu cử Hội đồng Nhân quyền mới sẽ thực hiện tại khoá họp tháng 10 hay đầu tháng 11 cuối năm.
Hôm 13 tháng 6 vừa qua, bà Phó Chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã đọc diễn văn đề cao những thành quả nhân quyền thu đạt tại Việt Nam. Còn những vấn đề sôi động và đàn áp qua các cuộc biểu tình từ Nam chí Bắc chống ô nhiễm môi sinh, hay những cuộc bắt bớ người biểu tình, đã không được bà nhắc tới.
“Việt Nam sẽ luôn giành những nỗ lực cao nhất để bảo đảm các quyền và tự do cơ bản cho người dân.”
Chúng tôi chẳng hài lòng chút nào trước cuộc đàn áp thô bạo của chính quyền bà đối với những người biểu tình ôn hoà, và đã bắt bớ hàng trăm người biểu tình liên quan đến thảm họa sinh thái.
- Ông Võ Văn Ái
Sang chiều 22 tháng 6, đại diện cho Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền, ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Làm Người Việt Nam, đã phê bình sự im lặng của bà Phó Chủ tịch Nước về việc đàn áp người biểu tình. Ông nói:
“Sau khi nghe bản phúc trình của bà Phó Chủ tịch Nước Việt Nam, chúng tôi chẳng hài lòng chút nào trước cuộc đàn áp thô bạo của chính quyền bà đối với những người biểu tình ôn hoà, và đã bắt bớ hàng trăm người biểu tình liên quan đến thảm họa sinh thái đang tàn phá dọc bờ biển Miền Trung. Đây là một ví dụ cụ thể của sự vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.”
Trong phúc trình cho Hội đồng Nhân quyền LHQ, ông Võ Văn Ái đã nêu rõ hiện trạng đàn áp, bắt bớ qua các cuộc biểu tình trên toàn quốc qua các ngày 8-5, 15-5, và 22-5 trong thời gian Tổng Thống Hoa Kỳ viếng thăm Việt Nam. Ít nhất đã có 30 người bị bắt trong cuộc biểu tình ngày 5 tháng 6 tại Saigon và Hà Nội.
Cùng thời gian nói trên, các mạng xã hội như Faceboock, Instagram và Twitter bị khóa. Đây là những đường dây người biểu tình sử dụng để gọi kêu nhau xuống đường phản đối.
Ngay cả nguyên nhân gây ô nhiễm đến từ chất độc thải vào nước biển từ nhà máy thép ở Vũng Áng, cũng không được chính quyền minh bạch hoá, dường như để bao che các thủ phạm.
Ông Ái kết luận rằng, các cuộc tấn công lớn rộng chống những người biểu tình, là hiện tượng tất nhiên của chủ trương đàn áp thẳng tay sau Đại hội Đảng lần thứ 12 đầu năm nay, khi đa số lãnh đạo lên nắm quyền thuộc giới công an và quân đội.