Thật kỳ lạ làm sao có những hồi ức cũ cứ ám ảnh mãi mà chúng ta chẳng bao giờ dứt bỏ được. Ðây là một câu chuyện đã quá xưa mà tôi không hiểu tại sao nó cứ đeo đẳng một cách sống động mãi trong trí nhớ của tôi. Từ ngày đó tôi đã từng thấy quá nhiều những chuyện bất hạnh, từ những chuyện thương tâm đến chuyện khủng khiếp, thế mà tôi vẫn đến ngạc nhiên vì không có ngày nào mà khuôn mặt của mẹ Clochette lại không hiển hiện trong óc tôi, hệt như khi tôi biết bà từ lâu lắm, từ xa xưa, lúc ấy tôi chỉ mười hay mười hai tuổi.
Bà khi ấy là một người thợ may già thường đến nhà bố mẹ tôi mỗi tuần một lần, vào ngày thứ năm, để vá những đồ đạc bằng vải. Bố mẹ tôi sống trong một ngôi nhà ở nông thôn mà người ta thường gọi là trang viên, nhưng thật ra chúng đơn giản là những căn nhà cũ với mái nhọn, gắn ba hay bốn trang trại liền với nhau
Nói về khu làng, đó là một làng rộng lớn, gần như là một phố thị nhỏ, chỉ xúm xít cách nhà thờ vài trăm thước. Nhà thờ xây bằng gạch đỏ đã ngả sang màu đen theo thời gian.
Và thế là, mỗi thứ năm, mẹ Clochette đến vào độ sáu rưỡi, bảy giờ sáng và đi ngay vào trong phòng may đồ và bắt đầu làm việc. Bà là một người phụ nữ cao gầy, mặt có râu, hay đúng hơn là một phụ nữ rậm lông, bởi vì râu mọc đầy trên mặt bà, một loại râu lạ lùng không thể ngờ được sinh sôi nẩy nở thành từng đám xoăn tít như thể chúng được gieo rắc bởi một kẻ điên khùng trên khắp khuôn mặt to lớn ấy_ khuôn mặt của một hiến binh trong chiếc váy phụ nữ_ Lông mọc đầy trên mũi, dưới mũi, xung quanh mũi, trên cằm, trên má và lông mày, chúng dài rậm màu xám và tua tủa khác thường trông giống hệt như bộ ria mép được cắm vào do sơ suất.
Bà đi khập khiễng, không giống như những người què thường đi, mà giống như một chiếc tàu lắc lư trên sóng. Khi bà nâng tấm thân hộ pháp của mình trên cái chân lành lặn, dường như bà chuẩn bị cưỡi lên trên những con sóng không lồ, và thế rồi bỗng nhiên bà sụm xuống như thể biến mất trong vực sâu và chôn vùi thân mình bà trong đất. Dáng đi của bà gợi ra hình ảnh một con tàu trong bão, và trên đầu bà, vẫn luôn trùm một chiếc mũ trắng khổng lồ, với những sợi ruy băng đu đưa phiá sau lưng, dường như vắt ngang chân trời từ bắc đến nam và từ nam đến bắc theo mỗi bước chân khập khiễng.
Tôi rất yêu quí mẹ Clochette. Ngay sau khi thức giấc, tôi thường đi đến phòng may, nơi tôi thấy bà ngồi làm việc với một chiếc lồng ấp chân ở dưới chân. Ngay khi tôi đến bà đã ủ chân cho tôi để tôi khỏi bị cảm lạnh trong căn phòng lạnh lẽo bên chái nhà ấy.
"Nó sẽ làm cho máu lưu thông từ trên đầu cháu xuống". Bà sẽ lại nói với tôi như thế.
Bà vừa kể cho tôi nghe nhiều chuyện vừa khâu vá bằng những ngón tay dài, văn vẹo, lanh lẹ. Phía sau cặp kính lão, do tuổi tác đã làm hỏng thị giác của bà, đôi mắt bà trông to và sâu thẳm lạ thường.
Trong chừng mực mà tôi có thể nhớ được từ những điều mà bà đã kể cho tôi, và bằng sự cảm nhận của trái tim nông nỗi trẻ thơ, tôi biết bà là một phụ nữ bất hạnh có tấm lòng bao dung.
Bà kể cho tôi những chuyện đã xảy ra trong làng, làm thế nào mà một con bò xổng ra khỏi chuồng và được tìm thấy vào sáng hôm sau ở trước nhà máy xay Prosper Malet, đang đứng ngắm những cánh buồm tung gió; hoặc là chuyện một cái trứng gà đã được tìm thấy trong tháp chuông nhà thờ mà không một ai có thể hiều nổi sinh vật nào đã đẻ vào trong đó; hoặc câu chuyện lạ lùng về con chó của Jean Pila đã đi xa 50 cây số để mang về cái quần của chủ vốn đã bị một kẻ lang thang đánh cắp trong khi phơi ngoài trời bị sũng nước mưa. Bà kể tôi nghe những cuộc phiêu lưu giản dị như thế theo một thể loại mà trong trí óc tôi chúng giống như những vở kịch không bao giờ quên, những vần thơ bí hiểm tuyệt vời, những câu chuyện hấp dẫn được sáng tạo bởi những nhà thơ; những câu chuyện mà mẹ tôi đã kể cho tôi nghe vào buổi tối, không có hương vị, không đậm đà, thu hút như những cách kể chuyện của người phụ nữ quê mùa này.
Thế rồi, vào một buổi sáng thứ năm dù tôi đã ngồi suốt buổi sáng để lắng nghe Mẹ Clochette, sau khi nhặt những quả phỉ với người giúp việc ở trong rừng phía sau trang trại tôi lại muốn trèo lên cầu thang lần nữa để được ở bên cạnh bà suốt ngày. Tôi nhớ rất rõ cái ngày hôm ấy như thể nó mới xảy ra ngày hôm qua.
Trên bậu cửa của căn phòng may, tôi thấy người thợ may già nằm trên sàn bên cạnh chiếc ghế bà vẫn ngồi, mặt úp xuống đất, hai tay dang ra, nhưng một tay vẫn còn giữ chiếc kim và tay kia nắm chiếc áo sơ mi của tôi. Một chân của bà trong chiếc vớ màu xanh da trời, dĩ nhiên là cái chân lành lặn, duỗi dài dưới ghế, chiếc kính đeo mắt bị đá lăn ra xa lấp lánh dưới chân tường.
Tôi chạy vội ra và tri hô. Tất cả mọi người chạy đến, vài phút sau tôi nghe nói Mẹ Clochette đã chết
Tôi không thể nào diễn tả được nỗi xúc động, bàng hoàng, sâu sắc đã thấm vào trái tim non nớt của tôi, tôi chậm chạp đi xuống phòng vẽ và náu mình trong một góc tối trên một chiếc ghế bành to cũ, tại đây tôi quỳ xuống và khóc. Tôi đã ở đó rất lâu cho đến khi màn đêm buông xuống. Thình lình có ai đó cầm đèn chạy vào mà không trông thấy tôi, tuy nhiên tôi nhận ra giọng nói_ bố và mẹ tôi đang nói chuyện với bác sĩ.
Bác sĩ đã được mời đến ngay lập tức, và bây giờ ông đang giải thích nguyên nhân gây ra tai nạn, tuy nhiên tôi không hiểu được chút nào. Thế rồi ông ngồi xuống và uống cạn một ly rượu mùi cùng với cái bánh bích quy
Ông tiếp tục nói và những gì ông ta nói lúc đó vẫn còn khắc sâu trong trí tôi đến tận bây giờ đến nỗi tôi nghĩ rằng mình có thể nói lại chính xác những từ ông ấy đã dùng.
“Ôi, người phụ nữ tôi nghiệp! Cô ấy đã bị gãy chân ngay vào cái ngày tôi mới đến đây. Tôi đã không kịp rửa tay sau khi bước xuống xe ngựa vì được gọi đến cấp cứu ngay, đó là một ca rất xấu, rất tồi tệ.
“Cô ấy mười bảy tuổi và xinh đẹp, rất xinh! Mọi người có tin không? Tôi chưa bao giờ kể chuyện của cô ấy trước đây; thực tế là không có ai ngoại trừ tôi và một người_ một người không còn sống ở nơi này nữa, biết chuyện đó. Bây giờ thì cô ấy đã chết nên tôi có thể tiết lộ đôi chút.
“Một anh giáo sinh trẻ đã vừa đến sống trong làng; anh ta khá điển trai và có dáng dấp của một chiến sĩ. Tất cả các cô gái đều chạy theo anh ta, nhưng anh ta trông rất khinh mạn. Hơn thế nữa, anh ta rất sợ cấp trên của mình, đó là ông hiệu trưởng_ ông già Grabu, một người thỉnh thoảng cứ hay càu nhàu thuộc cấp.
Ông già Grabu đã tuyển dụng cô Hortense xinh đẹp, người đang nằm đây và cũng là người mà sau đó có cái tên hiệu là Clochette. Anh giáo sinh đã để mắt đến cô gái xinh đẹp ấy, ngừơi mà hiển nhiên cũng cảm thấy sung sướng vì đã được kẻ chinh phục đầy khinh mạn này chọn lựa; dù sao đi nữa thì cô cũng yêu anh ta, và anh ta đã thành công trong việc thuyết phục cô nàng hẹn gặp gỡ lần đầu tiên trong vựa cỏ khô phía sau trường vào ban đêm sau khi cô hoàn tất công việc khâu vá.
“Cô ấy đã giả vờ trở về nhà, nhưng khi rời khỏi nhà ông Grabu, thay vì đi xuống cầu thang, cô lại đi lên cầu thang và trốn vào trong đám cỏ khô để chờ đợi người yêu. Chẳng bao lâu anh ta đến, và bắt đầu thổ lộ tâm tình với nàng, thế rồi cánh cửa vựa cỏ bật mở, ông hiệu trưởng xuất hiện và hỏi: “Anh làm gì trên đó thế Sigibert?” Tưởng chắc rằng đã bị bắt quả tang, anh giáo viên trẻ mất bình tĩnh và trả lời một cách ngu ngốc: “Tôi lên đây để chất ít bó cỏ khô, thưa Thầy Grabu”
“Căn gác rất rộng và tối om. Sigibert đẩy cô gái đang sợ hãi vào tận bên trong và nói: “Ði, đến đó và trốn đi, tôi sẽ bị mất việc, vì vậy hãy chạy trốn đi”
Khi ấy ông hiệu trưởng nghe thấy tiếng thì thào liền hỏi tiếp: “Sao, không chỉ có một mình anh à”
“Chỉ có mình tôi, thưa thầy”
“Nhưng không phải chỉ có anh, bởi vì anh đang nói chuyện mà”
“Tôi thề chỉ có mình tôi, thưa thầy”
“Tôi sẽ biết ngay thôi“ ông già trả lời và khóa cửa hai vòng, rồi ông đi xuống thang để lấy đèn.
“Chàng thanh niên khi đó, vốn là một con người hèn nhát như những người thỉnh thoảng ta vẫn gặp, mất bình tĩnh, và bất thình lình giận dữ: ”Trốn đi, đừng để ông ta trông thấy em. Em sẽ tước đi kế sinh nhai của cả cuộc đời tôi; em sẽ làm sụp đổ toàn bộ sự nghiệp của tôi. Trốn đi”
“Họ nghe tiếng chìa khóa xoay vòng lần nữa và Hortense đã chạy đến chiếc cửa sổ hướng xuống đường, cô nhanh chóng mở cửa sổ và nói với một giọng quyết đoán: “Anh hãy đến và đỡ em lên khi ông ta đi nhé” rồi cô nhảy xuống.
“Ông già Grabu không tìm thấy ai đành đi xuống và rất ngạc nhiên. Mười lăm phút sau, anh giáo Sigisbert đến tìm tôi và kể lại cuộc phiêu lưu của anh ta. Cô gái đã nằm nơi chân tường, không thể đứng dậy được sau khi cô rớt xuống từ tầng hai. Tôi cùng với anh ta đến đem cô ấy về. Lúc ấy trời mưa tầm tã, tôi đưa cô gái bất hạnh ấy về nhà mình bởi vì chân phải đã bị gẫy làm ba, và xương đã đâm ra ngoài thịt. Cô ấy không hề kêu ca một lời mà chỉ nói với một vẻ nhẫn nhục đáng khâm phục: “Tôi đã bị trừng phạt, bị trừng phạt đích đáng”
“Tôi nhắn cho anh giáo và những người bạn cùng làm việc với cô gái đến rồi bịa ra câu chuyện một chiếc xe ngựa đã bỏ trốn sau khi tông cô gái ngay trước cửa nhà tôi. Họ đều tin tôi và các hiến binh đã mất cả tháng trời trong vô vọng để tìm ra tác giả của vụ tai nạn này.
“Ðó là toàn bộ câu chuyện! Giờ đây tôi khẳng định người phụ nữ này là một anh hùng và có đức tính kiêu hùng như những người đã đạt được những kỳ tích tuyệt vời trong lịch sử.
“Ðó là tình yêu duy nhất của cô ấy, cô ấy chết như một liệt nữ. Cô ấy là một kẻ tuẫn đạo, một linh hồn cao cả, một người phụ nữ tận hiến một cách cao thượng! Và nếu tôi không tuyệt đối khâm phục cô ấy, tôi sẽ không kể cho các bạn nghe câu chuyện này, câu chuyện mà tôi chưa bao giờ kể suốt thời gian cô ấy còn sống; các bạn ắt phải hiểu vì sao”
Bác sĩ ngừng lời; mẹ khóc nức nở còn bố tôi nói một vài lời gì đó nhưng tôi không nghe được; thế rồi họ rời căn phòng còn tôi vẫn quỳ trên ghế bành và thổn thức khóc, trong tiếng ồn ào của những bước chân nặng nề và một tiếng động khác của vật gì đó va mạnh vào bên cầu thang.
Họ đang mang thi thể của Clochette đi.
Nhị Tường dịch