Nữ tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye (p) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân cuộc gặp tay đôi ngày 05/09/2016 bên lề Thượng Đỉnh G20 ở Hàng Châu (Trung Quốc).mber 5, 2016.Reuters
Cho rằng Mỹ đã bị suy yếu, Trung Quốc đã có một loạt hành vi bức hiếp các láng giềng, đặc biệt là ỷ mạnh hiếp yếu trên Biển Đông. Tuy nhiên, trong bài phân tích « Hành vi bắt nạt khó hiểu của Bắc Kinh » (Beijing's baffling bullying) đăng trên nguyệt san PacNet của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS ngày 07/09/2016, hai chuyên gia Mỹ Brian Moore và Brad Glosserman cho rằng hành động gây căng thẳng của Trung Quốc đã tạo ra « nhiều vấn đề cho Trung Quốc hơn là những thành công ».
Từ lâu nay, người thường coi người Trung Quốc là những nhà hoạch định chính sách rất có chiến lược và phương pháp, là bậc thầy trong điều hành đất nước với tầm nhìn xa trông rộng. Phương Tây và đặc biệt là Mỹ hoàn toàn không sánh được. Đối với nhiều chiến lược gia, hai bên thậm chí không cùng đẳng cấp : Trong khi Trung Quốc chơi cờ vây (phức tạp) thì phương Tây lại chỉ chơi cờ đam (đơn giản).
Đã đến lúc dẹp bỏ suy nghĩ lỗi thời đó. Kể từ khi đánh giá sai về tương quan lực lượng sau cuộc Đại Khủng Hoảng cuối thâp niên 2000 - Trung Quốc cho rằng Mỹ bị suy yếu rất nhiều - Bắc Kinh đã tiến hành một loạt hành vi đối đầu trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Những hành động này đã gây ra nhiều vấn đề hơn là thành công.
Hơn nữa Trung Quốc gia tăng gấp đôi hành vi hung hăng, tung ra một loạt hành động hù dọa và thực hiện một đường lối ngoại giao mạnh tay với các láng giềng. Đấy không hề là biểu hiện của một thiên tài chiến lược hay một người có tầm nhìn, mà thực ra là một cái gì hết sức ngớ ngẩn.
Bắt bí Hàn Quốc, kể cả bằng cách tẩy chay các ngôi sao K-pop
Hai tác giả trước hết nêu lên trường hợp của Hàn Quốc, nước gần đây là đối tượng bị Trung Quốc bắt nạt.
Trước quyết định của Hàn Quốc cho Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD nhằm đối phó với BắcTriều Tiên, Trung Quốc đã viện đến các công cụ kinh tế và chính trị để tỏ thái độ bất bình của mình. Trung Quốc phản đối bất kỳ một sự hợp tác quốc phòng sâu hơn nào giữa Mỹ và Hàn Quốc, và hệ thống lá chắn tên lửa là trọng tâm của sự bất mãn đó.
Trung Quốc đã ngăn chặn việc nhập những sản phẩm truyền thông từ Hàn Quốc, trong đó có các phim bộ truyền hình nổi tiếng, và nhạc K-pop được biết dưới tên Hallyu. Một bài viết trên Hoàn Cầu Thời Báo, tờ báo có quan điểm cứng rắn, thậm chí còn loan tin là các chương trình có diễn viên ngôi sao Hàn Quốc tham gia sẽ bị ngăn chặn, và việc xuất khẩu văn hóa Hàn Quốc qua Trung Quốc chắc chắn sẽ bị tổn hại nếu Seoul vẫn duy trì quyết định triển khai hệ thống THAAD. Bài báo kết luận một cách đầy hăm dọa : « Chính Hàn Quốc đang tạo nên rắc rối ».
Đối với Hàn Quốc, Bắc Kinh không chỉ giới hạn hành động trong các mối đe dọa kinh tế và đánh vào các ngôi sao nhạc pop Hàn Quốc, mà còn nhắc nhở Seoul về vai trò của Trung Quốc vào những thời điểm quan trọng. Một bài viết trên tờ Nhân Dân Nhật Báo gần đây đã nói rằng « tình hình bán đảo Triều Tiên sẽ đổi khác rất nhiều. Liệu Hàn Quốc thực sự muốn nếm mùi vị đó hay không ? » Nói cách khác, Bắc Kinh tìm cách trừng phạt Seoul chỉ vì Hàn Quốc muốn tự vệ chống lại tên lửa của Bắc Triều Tiên.
Một bài báo Hoa ngữ trên trang thông tin DW News của Đức, khi đưa tin về Hội Nghị Thượng Đỉnh G20, đã nhận xét rằng tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye « quả là một vị khách phiền phức nhất » của nước chủ nhà Trung Quốc. Bài báo trích lời các học giả cho rằng Trung Quốc« phải trừng phạt Hàn Quốc để ngăn không cho các nước khác trong khu vực có những hành động tương tự », theo đúng một câu tục ngữ của Trung Quốc là « giết gà dọa khỉ ».
Bài báo viết tiếp : « Bắc Kinh nên gây áp lực mạnh, không nên ngần ngại để cho bà Park Geun Hye bị lật đổ ». Câu này ám chỉ các tiếng nói đối lập ở Hàn Quốc gần đây đặt ra vấn đề truất phế nữ tổng thống.
Các nhận định trên đây đối lập hẳn với những lời khen ngợi mà bà Park Geun Hye đã nhận được cách đây một năm khi bà thuyết phục Trung Quốc giúp đỡ trong việc xử sự với Bắc Triều Tiên.
Bà Park Geun Hye đã bác bỏ những lời chỉ trích của Trung Quốc và củng cố thêm lập trường của mình về vấn đề THAAD, ghi nhận rằng đó là « một biện pháp tự vệ chống lại các hành động khiêu khích liều lĩnh của Triều Tiên ». Thậm chí chính khách Hàn Quốc đã nêu lên vấn đề truất phế tổng thống, cũng cho rằng những phát biểu của ông « đã bị truyền thông Trung Quốc bóp méo và báo chí Trung Quốc đã trích dẫn lời ông theo ý muốn của họ ».
Hù dọa từ Úc, Anh đến Philippines, Việt Nam
Úc cũng bị Trung Quốc đả kích sau khi bày tỏ lập trường ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Cũng tờ Hoàn Cầu Thời Báo lại quậy phá trong một bài viết mang tựa « Mèo giấy Úc sẽ học được bài học ». Bài báo gọi Úc là đất nước « thiếu văn minh », gốc gác chỉ là « một nhà tù hải ngoại của Anh Quốc », và bị đô hộ trong « một quá trình đẫm nước mắt của những thổ dân bản địa ».
Bài báo cũng kết luận bằng một lời cảnh báo, khuyên Úc là không nên dấn thân vào Biển Đông, nếu không muốn trở thành « mục tiêu cảnh cáo và tấn công lý tưởng của Trung Quốc ».
Trung Quốc không chỉ nhục mạ các quốc gia và các chính phủ khác, mà còn đưa ra những lời đe dọa tấn công rõ ràng.
Về Biển Đông, hãng tin Anh Reuters đã phỏng vấn bốn nguồn tin Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ với giới quân đội và lãnh đạo. Trong số này, một nguồn nói rằng « Quân đội Trung Quốc đã sẵn sàng », trong khi những nguồn khác thì có lời lẽ rất hiếu chiến: « Chúng tôi sẽ nhập cuộc và đánh cho họ hộc máu mũi giống như những gì Đặng Tiểu Bình đã làm với Việt Nam năm 1979 ».
Vào ngày 08/07, bốn ngày trước khi Tòa Trọng Tài ra phán quyết, Trung Quốc đã đe dọa rằng họ có thể « kéo đi hoặc đánh chìm chiếc tàu cũ và giải quyết dứt điểm các bế tắc ». Câu nói này ám chỉ đến chiếc tàu BRP Sierra Madre cũ nát của Philippines mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) ở quần đảo Trường Sa (hiện là nơi có lính Philippines trú đóng).
Tác giả bài báo sau đó cảnh báo rằng Trung Quốc « có thể biến đảo Hoàng Nham (tức là bãi cạn Scarborough ở Biển Đông) thành một tiền đồn quân sự » nếu cảm thấy cần phải làm.
Đáp trả lại quyết định của nữ thủ tướng Anh Theresa May tạm dừng đề án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point tại Anh Quốc trong đó Trung Quốc có 30% cổ phần, Tân Hoa Xã đe dọa rằng quan hệ Trung- Anh mà nhiều người cho rằng đang ở « thời kỳ vàng son », có thể trở thành nguội lạnh.
Trong một bài báo khác, Tân Hoa Xã cũng tuyên bố rằng bất kỳ một sự gián đoạn nào (của dự án Hinkley Point) « chắc chắn sẽ là một vết nhơ tới uy tín của Anh Quốc là một nền kinh tế mở, và có thể làm nản lòng các nhà đầu tư Trung Quốc và nước khác tìm đến Anh trong tương lai ».
Đã qua rồi thời kỳ nhẫn nhịn kiểu Đặng Tiểu Bình ? Vì sao ?
Theo hai nhà nghiên cứu Mỹ, các tuyên bố trắng trợn và ngày càng hung hăng từ Bắc Kinh đã thay đổi hoàn toàn so với đường lối ngoại giao « bình tĩnh ứng phó » và « tránh khoa trương » thời Đặng Tiểu Bình. Có một số giải thích cho cách hành xử của Bắc Kinh hiện nay.
Một là các quan chức Trung Quốc thực sự tin rằng so sánh lực lượng trong khu vực đã thay đổi và Trung Quốc hiện ở trong thế thượng phong và sửa chữa những sai lầm của lịch sử. Nói ngắn gọn thì giới hoạch định chính sách đối ngoại có thể là đã thực sự tin rằng lời chỉ dẫn của Đặng Tiểu Bình đã không còn áp dụng được cho Trung Quốc ngày nay.
Cách giải thích thứ hai nhấn mạnh đến chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang ngày càng lộ rõ ở khắp Trung Quốc. Phản ứng dữ dội sau sự kiện năm 1999 khi Mỹ dội bom xuống đại sứ quán Trung Quốc ở Beograd (thủ đô Serbia) và vụ tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku với Nhật Bản năm 2012, đã cảnh báo lãnh đạo Trung Quốc về cái giá chính trị phải trả cho việc thiếu nhiệt tình bảo vệ lợi ích và hình ảnh của Trung Quốc. Nhận thức này càng thêm gay gắt trong một thời kỳ suy thoái kinh tế.
Khả năng thứ ba là Trung Quốc nghĩ rằng gây áp lực sẽ đem lại kết quả. Suy cho cùng, bất chấp những lời lẽ cứng rắn, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nói rằng ông sẽ đàm phán song phương với Trung Quốc trong vòng một năm, cũng như hứa là không nêu vấn đề phán quyết quốc tế trong suốt cuộc họp của ASEAN tại Lào trong tháng 9 này.
Vào ngày 24/08, ngoại trưởng Trung Quốc và Nhật Bản đã đồng ý giảm căng thẳng ở Biển Hoa Đông, mở đường cho cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và ông Shinzo Abe bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Hàng Châu, Trung Quốc.
Cũng trong logic đó, Bắc Kinh đã thấy rằng cần nhắc nhở các nước khác là chống lại mong muốn của Trung Quốc sẽ mang tới hậu quả không hay. Lời đe dọa của Trung Quốc là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh cần chứng tỏ rằng họ không phải là một con hổ giấy và cần duy trì những nước nhỏ ủng hộ Trung Quốc trong khuôn phép.
Chủ trương bắt nạt không hiệu quả
Tuy nhiên, theo hai tác giả bài phân tích trên Pacnet, thái độ hù dọa của Trung Quốc không thấy có kết quả. Không có dấu hiệu nào cho thấy là lập trường của Nhật Bản trong các tranh chấp với Trung Quốc đã bớt cứng rắn, còn áp lực đối với Hàn Quốc và Úc đã phản tác dụng.
Trong tháng 9 này, Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận mua hệ thống Aegis Baseline 9 trang bị cho ba khu trục hạm Hàn Quốc và cung cấp hệ thống radar di động giúp tăng cường hiệu năng của hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD.
Úc đã quyết định đình chỉ việc bán mạng lưới năng lượng Ausgrid, lưới điện lớn nhất nước này, cho hai công ty Trung Quốc, vì quan ngại trước vấn đề an ninh quốc gia. Động thái này của Úc đã khiến quan hệ hai nước căng thẳng thêm.
Ngoài ra, còn có thể kể đến những phản ứng chống Trung Quốc khắp châu Á, và những tiếng nói ngày càng lớn yêu cầu siết chặt quan hệ an ninh giữa Mỹ với các chính phủ trong khu vực...