Bài viết cuối tháng 7/ 2016 và đã đăng trên“Lá Thư Ái Hữu Công Chánh” số 107“Xuân 2017”. Các hình ảnh do Ban Biên Tập “Lá Thư” sưu tầm và trình bầy.
Dẫn nhập:Ngày 12 tháng 7 năm 2016 Tòa án Trọng Tài Thường Trực quốc tế (Permanent Court of Arbitration) trụ sở tại The Hague, Hòa Lan đã phán quyết là Đường 9 Đoạn Lưỡi Bò mà Trung Cộng vẽ ra để dành độc quyền sở hữu Biển Đông là không có căn bản pháp lý. Phán quyết này quốc tế hóa tranh chấp tại Biển Đông và có lợi cho các nước nhỏ quanh vùng. Với viễn tượng lạc quan, tôi xin kể chuyến đi ủy lạo chiến sĩ tại Trường Sa năm 1974 của phái đoàn giáo sư và sinh viên Trung Tâm Quốc Gia Kỹ Thuật Phú Thọ, một chuyến ủy lạo chiến sĩ ngoài biên đảo của một cơ quan dân sự, tôi nghĩ, có một không hai dưới thời Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).
Sau khi Trung Cộng tấn công và chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của VNCH vào tháng giêng năm 1974, VNCH đã tăng quân tại các đảo đang trấn giữ ở Trường Sa để ngăn chặn Trung Cộng tấn công và chiếm đóng. Trung Tâm Quốc Gia Kỹ Thuật Phú Thọ (TTQGKTPT) đã nhờ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa (HQ) cung cấp phương tiện di chuyển để đến ủy lạo chiến sĩ trấn đóng tại một số đảo này. Chuyến đi đã xẩy ra trên 40 năm, nhưng có nhiều chi tiết tôi còn nhớ rất rõ; ngược lại một số chi tiết khác thì tôi “nhớ gì kể nấy”.
Ngày khởi hành đã bị dời lại đến mấy lần làm tôi rất nóng ruột và đôi khi đã nghĩ là có lẽ chuyến đi sẽ không tiến hành được. Có nhiều người ghi danh đã bỏ cuộc. Nay nghĩ lại tôi thấy ngày khởi hành bị dời lại nhiều lần mới hợp lý. Vì HQ khó mà cử riêng một tầu chiến dành riêng cho chuyến đi cho chúng tôi và có lẽ phải kết hợp với chuyến đi tiếp tế lương thực, bổ xung vũ khí hay tuần tra các đảo của HQ. Ngoài ra còn phải chắc là Trung Cộng không hung hăng thừa thắng xông lên trở lại tấn công Trường Sa, có thể gây nguy hại đến sinh mạng của các giáo sư và sinh viên viếng thăm; hay là biển Đông không có bão lớn trong những ngày đó, sợ dân sự không quen chịu phong ba bão táp ngoài khơi.
Nhưng rồi ngày khởi hành cũng đến. Phái đoàn chúng tôi gồm khoảng chừng 20 người. Anh Trần Minh Giám đại diện Trung Tâm, anh Trần Kiêm Cảnh, Công Nghệ và tôi Công Chánh cùng khoảng 20 nam sinh viên hai trường Công Chánh và Công Nghệ lên Tầu Khu Trục Hạm Trần Hưng Đạo HQ1 vào một buổi sáng đẹp trời tại bến Bạch Đằng. Chúng tôi được phân chia ngay chỗ ngủ. Các sĩ quan trên tầu đã mau mắn nhường cabin của họ cho 3 nhà giáo chúng tôi, còn các sinh viên thì ngủ trong khu dành cho hạ sĩ quan và binh sĩ phía dưới.
Ông Hạm Trưởng ân cần tiếp phái đoàn và nói chuyện riêng với chúng tôi. Ông này rất trẻ, vào khoảng tuổi chúng tôi (30-35), đã được huấn luyện tại Hoa Kỳ. Vì cùng lứa tuổi, chúng tôi thân mật xưng “Anh-Tôi” và bỏ xưng hô “Ông Hạm Trưởng-Ông Giáo Sư” khách sáo lúc ban đầu.Ông Hạm Phó là người đứng tuổi, tôi nghĩ phải ngoài 50. Ông lúc nào cũng bận rộn đôn đốc mọi chuyện trong bộ đồ HQ đã bạc màu. Tôi thấy sự tương phản với các quân phục trắng toát, ủi phẳng phiu thấy trên màn ảnh xi nê của những hải quân khác. Cả thủy thủ đoàn bận rộn chuẩn bị nhổ neo cho tầu rời cảng.
“Đường Ra Cửa Biển” trên sông Saigon rất êm. Chúng tôi lợi dụng lên boong ngắm cảnh. Sông bát ngát và phong cảnh rất đẹp.
Đến giờ cơm trưa, anh Hạm Trưởng thân mật mời 3 chúng tôi dùng bữa với anh. Và chúng tôi đều đều dùng bữa với anh trong suốt thời gian ở trên tầu. Một điểm đáng ghi nhớ là anh luôn luôn đem đồ ăn “Chị Hạm Trưởng” đã sắp sẵn cho anh dùng khi đi hải hành để cùng ăn (share) với chúng tôi, bổ xung thêm khẩu phần vốn dĩ không được hậu hĩ của quân đội.Chúng tôi rất cảm động về tấm thịnh tình này của anh Hạm Trưởng, và rất e dè liệu cơm gắp mắm.
Có hôm thủy thủ đoàn đánh được cá thì chúng tôi có bữa cháo“hải sản tươi” rất ngon!
Đêm đến, khi “thuyền đã ra khơi”, thì một cơn bão ập đến. Ngủ trong cabin, tôi chỉ thấy người lắc lư một chút, nhưng những tiếng rên cứ vọng lên từ phía dưới mỗi khi tầu lắc qua một bên! Tôi nghĩ rằng các anh em sinh viên sức người còn trẻ thì sẽ không có vấn đề gì. Thành thử tôi cũng không có can đảm lần mò xuống hầm tầu thăm các anh em sinh viên.
Hôm sau, “trời lại sáng”. Chúng tôi lên boong ngắm cảnh mây nước bao la. Anh bác sĩ quân y Trần Văn Nam cất tiếng hát:
“Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắtChỉ thấy lòng nhớ nhung chất ngấtVà tiếng hát, và nước mắt … “ (1)
Rồi chúng tôi cũng tới được đảo đầu tiên; cũng là đảo lớn nhất trong chuyến ủy lạo này. Tôi không nhớ tên đảo, rất có thể là đảo Trường Sa Lớn, thị xã của huyện Trường Sa. Anh Hạm Trưởng cho HQ1 neo ở chỗ nước sâu và mọi người sẽ dùng ca nô vào bờ. Anh nói bản đồ đáy biển đang dùng rất cũ (outdated), vẽ từ thời Pháp nên anh phải cẩn thận, neo thật xa cho chắc ăn, phiền các anh di chuyển bằng ca nô lâu một chút!
Sĩ quan chỉ huy trưởng đảo còn rất trẻ, cấp bậc Trung Úy thì phải. Các binh sĩ cho anh nickname là “Chúa Đảo”. Trung úy Chúa Đảo tập họp binh sĩ biên phòng, quân phục chỉnh tề để tiếp phái đoàn sinh viên giáo chức Trung Tâm, đã không quản ngại biển xa đến thăm. Sau diễn văn chào mừng của chủ và đáp lễ của khách, các sinh viên khệ nệ bưng ra quà ủy lạo, phần lớn là đồ hộp, để tặng các anh chiến sĩ biên đảo.
Đảo này khá lớn, nhưng binh sĩ chỉ có rau sam là rau tươi. Và tôi thấy mấy con chuột. Chú nào chú nấy mập mạp chạy rất nhanh.
Rồi chúng tôi ra “thăm biển”. Đảo là san hô bồi. Nước trên thềm san hô khá nông, chỉ tới bụng tôi (nghĩa là rất nông!). Nước rất trong, dù không có kính lặn (goggles) mà tôi vẫn thấy đủ các hải sản muôn màu sặc sỡ. Các con hải sâm mầu sám, đường kính to gần bằng gang tay trườn mình trên đá san hô. Các con sao biển khá to di chuyển gần đáy. Các con cá nước mặn màu sắc sặc sỡ, to nhỏ đủ loại tung tăng bơi giữa các cây san hô. Đây cũng là lần đầu tiên tôi thấy san hô “live” dưới biển. Các con sò đủ loại, sò sà cừ (abalone), sò, hến to nhỏ vv... Có anh binh sĩ cho tôi hay là “ông thầy” phải cẩn thận tránh sò khổng lồ to gần một thước tây. Thường thì há miệng đón đồ ăn. Nhưng ai mà đút chân vào thì lập tức nó sập miệng lại. Chỉ có nước cưa chân thôi! Tôi tò mò lần bước ra đến bờ của thềm san hô xem nó “ra nàm thao”. Bờ thềm san hô thẳng đứng vì nước biển đổi từ mầu xanh lơ sang xanh thẫm gần như đen rất đột ngột. Sợ có con bạch tuộc khổng lồ dưới biển sâu bất thần trồi lên mặt nước, dùng các cánh tay dài ngoằng cuốn người kéo xuống (như coi trong xi nê), tôi không khỏi rùng mình, vội quay lại.
Tôi còn nhớ từ thời tiểu học, đã học nước ta “giang sơn gấm vóc, rừng vàng biển bạc”. Rừng vàng thì tôi chưa được nhìn tận mắt, nhưng “biển bạc” là đây!
Rồi mọi người được bảo lên bờ vì tới giờ đánh cá. Một vài binh sĩ tháo chốt lựu đạn và thẩy xuống nước. Sau tiếng “ùm” vang động thì cá nổi lên. Chiều nay chúng tôi sẽ có cá ăn. Có anh binh sĩ tặng tôi một chuỗi vòng đeo cổ với các vỏ ốc nhỏ đủ mầu sắc rất đẹp mắt và mấy vỏ ốc sà cừ, ốc khác rất đẹp mà tôi không biết tên.
Buổi cơm chiều với các binh sĩ thật là vui. Họ biến chế gạo sấy thành xôi, và nhiều thứ khác. Họ cười đùa rất vui vẻ, hồn nhiên với cả phái đoàn. Tôi không thấy gì chứng tỏ họ lo buồn về tình hình căng thẳng tại Biển Đông lúc bấy giờ; họ cũng không tỏ ra buồn cho số phận phải ra hải đảo, xa gia đình gì cả. Có lẽ nhiệm vụ ở đảo của họ có tính cách định kỳ: Sau một thời gian thì toán khác ra thay thế cho toán này lên bờ, chứ không phải đi “công tác đảo” là coi như biết tối mật quốc gia và không biết ngày về.
Chúng tôi không ngủ đêm ở đảo nào. Xế chiều, chúng tôi lên ca nô ra HQ1 ngủ trong khi tầu di chuyển đến đảo khác.
Đảo thứ hai đến thăm rất nhỏ, chỉ bằng một cái sân đá banh! Làm gì có chuyện:
“Ao sâu nước cả khôn chài cá“Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà” (2)
Nhưng Thiếu Úy Chúa Đảo cũng làm đủ lễ nghi quân cách. Dưới ánh nắng chói chang của bầu trời xanh biếc, trên một mảnh đất (hay san hô?) rộng bằng một sân đá banh, bao quanh bởi biển rộng bao la, đứng trước toán binh sĩ dàn chào, Chúa Đảo chào mừng đoàn khách hiếm hoi! Khách đáp lễ biết ơn các chiến sĩ đóng chốt tại tiền đồn trên một mảnh đất nhỏ bé để giữ nước. Sau khi tặng quà, khách lại ra đi. Chúng tôi được cho biết có nhiều đảo còn nhỏ hơn, có khi bị ngập hoàn toàn khi triều lên.
Đảo thứ ba, đảo cuối cùng tới thăm, thì vào khoảng “bậc trung”. To hơn sân đá banh nhiều. Đặc biệt ở đây có rất nhiều trứng rùa (và cả rùa là nguồn thịt tươi). Điểm đặc biệt khác là đêm đến, chim tới “nghỉ đêm” hàng đàn. Đến sáng lại bay đi. Nếu dùng súng bắn chim, thì tiếng súng sẽ làm chim sợ và chúng không trở lại nữa. Do đó Chúa Đảo này cấm bắn chim và chỉ giăng lưới. Chim nào mắc lưới không bay theo đàn được thì bị bắt, còn đàn chim thì không hề hay biết gì về thiếu “quân số” cả.
Chắc là có chuyện gì gấp nên HQ1 không đưa chúng tôi về Saigon như đã định và chúng tôi được đưa về Vũng Tầu. Từ đó có xe của cơ quan (Hải Quân, Ty Công Chánh, Trung Tâm?) đưa chúng tôi về Saigon, vì tôi không nhớ phải mua vé xe đò. Tôi chỉ nhớ khi tới Vũng Tầu, thấy đủ nam phụ lão ấu qua lại, tôi mới chợt nhận ra là đã hơn một tuần nay, tôi sống trong một thế giới toàn đàn ông, tuyệt nhiên không có bóng dáng một người đàn bà nào cả!
Tất cả chúng tôi về đến Saigon an toàn.
Anh Giám, anh Cảnh và tôi đồng ý tổ chức một bữa ăn ở nhà hàng với thân hữu và gia đình để hàn huyên về chuyến đi để đời này. Và nhất là mời anh chị Hạm Trưởng, người thì đã “share home made food”; người thì đã “made home food” cho chúng tôi. Tôi lãnh nhiệm vụ đi mời anh chị Hạm Trưởng nhà ở Phú Nhuận. Tiếc thay, chị Hạm Trưởng cho hay anh đang đi hải hành.Sau hơn một tuần, tôi đã xa rời thế giới của riêng tôi và đã được gặp rất nhiều người có cuộc sống khác hẳn. Anh Hạm Trưởng, ông Hạm Phó, các sĩ quan hải quân và Chúa Đảo, các thủy thủ, và binh sĩ trấn đồn; tất cả mọi người đối sử với chúng tôi rất lịch sự, rất tình cảm, cởi mở và chân tình, thấy được trong một xã hội văn minh và nhân bản. Thế mà chỉ hơn một năm sau, vật đổi sao dời, mỗi người một ngả.
Những người muôn năm cũHồn ở đâu bây giờ? (3)
(1) “Nửa Hồn Thương Đau”, Nhạc Phạm Đình Chương, Thơ Thanh Tâm Tuyền(2) “Bạn Đến Chơi Nhà”, Nguyễn Khuyến(3) “Ông Đồ”, Vũ Đình Liên