Monday, 17 April 2017

DẢI LỤA BÍCH LIÊN - Ngô Viết Trọng

Sau khi đánh bại nhà Hồ vào năm Đinh Hợi (1407), nhà Minh cho bắt hầu hết các tôn thất và quan chức trọng yếu của Hồ triều áp giải về Tàu. Phần lớn những thê thiếp, đày tớ của những gia đình nạn nhân này đã bị nhà Minh đem phân phối cho những quan chức, quân lính có công của họ tùy nhu cầu sử dụng. Vua Minh lại lựa những viên quan của Hồ triều còn phong độ như Vương Nhữ Tương, Đồng Ngạn Hú, Nguyễn Quân, Lê Sứ Khải bổ làm Kinh Bắc thị lang, tham chính Sơn Tây, Thiểm Tây, Sơn Đông. Nhưng khi họ đi nhậm chức mới nửa đường, vua Minh cho người đuổi theo giết hết. Những người còn lại vua Minh cho an trí họ mỗi người một nơi. Chính Hồ Quí Ly và Hồ Hán Thương cũng bị đày ra làm lính thú ở Quảng Tây.

Chỉ có Hồ Nguyên Trừng, con trưởng của Hồ Quí Ly, nguyên là Tả tướng quốc Hồ triều, nhờ có tài sáng chế súng thần sang, một loại vũ khí tối tân đương thời, được cho đoàn tụ với vợ con và được trọng dụng. Nhưng vua Minh không cho Nguyên Trừng giữ họ cũ nữa mà đổi lại họ Lê, trên giấy tờ viết là Lê Trừng. Ban đầu Lê Trừng được bổ làm Chủ Sự ở Binh Trượng cục (1) thuộc Bộ Công. Tuy được vua Minh trọng dụng, Lê Trừng vẫn rất biết thủ phận. Ông luôn tỏ ra mẫn cán, tận tâm với công việc, ít giao du, không họp bè nhóm bạn bàn chuyện thị phi. Ngày ngày ông đến Bộ Công làm việc, tối lại về nhà nghỉ như một cái máy, ít khi thay đổi.


Vợ của Lê Trừng họ Nguyễn, con gái của An phủ sứ Bắc Giang là Nguyễn Hy Chu. Trước kia Hy Chu đánh nhau với quân Minh thua trận, bị Trương Phụ bắt, Hy Chu mắng chửi Phụ thậm tệ nên Phụ tức giận giết hết cả nhà. Vì chuyện đó nên Nguyễn phu nhân rất căm hận người Minh. Tánh bà cương cường, không ham phú quí, không ưa đua đòi, ít giao thiệp ồn ào, nên rất được chồng nể trọng.

Từ khi Lê Trừng được vua Minh bổ làm quan, Nguyễn phu nhân chỉ giao thiệp độc một người bạn, đó là Cao phu nhân, vợ một vị quan Thị giảng học sĩ làm việc trong Hàn lâm viện. Hai bà đã gặp nhau trong một lần đi lễ tại chùa Phúc Lạc để rồi thân thiết nhau như một mối duyên tiền định. Cao phu nhân lớn tuổi hơn và chức tước của chồng bà cũng cao hơn Lê Trừng nên bà coi Nguyễn phu nhân như một người em. Họ trở thành tâm đầu ý hợp, quí mến nhau, thích trao đổi với nhau những chuyện vui buồn. Họ thường gặp nhau ở chùa Phúc Lạc vào những ngày rằm hay mồng một...

*
Cuối năm Canh Dần (1411), một hôm đi chầu về, Lê Trừng trao cho vợ một gói bọc giấy hồng điều và nói:

-Hôm nay ngày đại triều, không hiểu thánh thượng cao hứng thế nào, ngài khen ngợi ta, thăng cho hai trật, lại còn thưởng phu nhân món quà quí giá này nữa!

Phu nhân hờ hững nói:

-Tướng công làm việc đắc lực thì thánh thượng phải ban thưởng chứ có gì lạ!

Lê Trừng không hài lòng về lời nói của vợ:

-Ta mới được ban thưởng chưa đầy nửa năm, giờ được ban thưởng nữa không lạ sao?

Phu nhân mở gói quà ra xem. Đó là hai cây lụa bích liên, một thứ lụa có sắc biếc óng ánh như ngọc bích, trông rất mát mắt, thuộc loại lụa quí hiếm mà giới khuê các đương thời đều ưa chuộng. Phu nhân hơi bàng hoàng vì cái ân huệ đặc biệt này nằm ngoài sự tưởng tượng của bà. Ai ngờ một vị hoàng đế độc tài, khắc nghiệt như thế cũng biết đoái nghĩ tới niềm vui của thê thiếp một viên hàng thần nhỏ nhoi. Bà nói với giọng xúc động:

-Thánh thượng quả rộng lượng thế này ư? Nhờ tài cán của tướng công mà thiếp cũng được vinh dự lây!

Lê Trừng thấy vợ có sắc vui thì mừng lắm, ông nói:

-Phu nhân thấy đó, lượng thánh bao giờ cũng rộng như biển cả. Những việc không hay xảy ra trước đây đều do lỗi của kẻ dưới gây nên. Từ nay phu nhân hãy quên chuyện cũ đi cho đầu óc được thoải mái!

-Cám ơn tướng công. Đâu phải thiếp muốn nhớ mãi những chuyện đau lòng ấy làm gì, nhưng làm sao quên được đây?

Khi Lê Trừng đã vào triều, phu nhân liền mở gói lụa xem lại. Càng xem bà càng bị thu hút bởi cái vẻ ảo diệu lạ lùng tưởng như nó biến đổi màu sắc qua từng giây. Đúng là lụa ngọc! Trong lúc đang say sưa ngắm lụa, đột nhiên trong đầu phu nhân trỗi lên một mối thắc mắc: chồng ta có công gì mà nhà vua lại ban thưởng trọng hậu thế này nhỉ? Phải, chồng ta vừa mới được ban thưởng chưa đầy nửa năm! Không lẽ hoàng thượng đã quên? Ban thưởng bất thường tất phải có lý do bất thường! Phu nhân bỗng giật mình... Thế rồi phu nhân thẫn thờ chờ đợi chồng về để hỏi cho ra lẽ.

Nhưng hôm đó Lê Trừng lại về rất muộn. Ông bước vào nhà với vẻ mặt căng thẳng, lạnh lùng khiến những thắc mắc mà phu nhân đã chuẩn bị hỏi ông trong giây lát tan biến hết. Bà kêu người nhà dọn cơm ra nhưng ông cản lại:

-Khỏi dọn cơm. Khi nào cần ta gọi.

Nói xong, ông vào phòng riêng, đóng cửa lại. Một hồi lâu sau vẫn không thấy động tịnh gì, phu nhân đâm ra lo ngại, bà bèn đến phòng chồng gõ cửa. Lê Trừng mở cửa cho vợ vào rồi trở lại ghế ngồi với vẻ mặt trầm tư khó hiểu. Phu nhân hỏi:

-Hôm nay tướng công vào triều chắc gặp chuyện gì rắc rối?

-Đúng, thánh thượng bảo ta phải làm một việc rất quan trọng. Ta suy nghĩ mãi vẫn chưa biết tính cách nào cho êm đẹp!

-Tướng công có thể cho thiếp biết việc quan trọng ra sao may ra thiếp có thể giúp chút ý kiến nào chăng?

-Khó lắm! Việc quốc sự, việc đàn ông, phu nhân nghe chỉ thêm nhức đầu chứ chẳng giúp ta được gì đâu!

-Cứ nói cho thiếp nghe đi! Nếu thiếp giúp tướng công được ý kiến nào thì giúp, nếu không giúp được thiếp cũng giữ kín trong lòng chứ tiết lộ với ai mà ngại?

Lê Trừng thở dài rồi kể:

-Hôm nay, lúc ta đang làm việc thì được lệnh vua đòi khẩn cấp. Khi ta đến, thánh thượng đòi ta vào rồi đuổi tả hữu ra ngoài hết. Việc một vị hoàng đế hiển hách gọi một viên quan nhỏ vào gặp riêng là một việc bất thường. Chắc hẳn có chuyện quan trọng! Thánh thượng nghiêm nghị hỏi ta: “Khanh trước ở An Nam có biết Hồ Ngạn Thần là người thế nào không?”. Ta hơi ngạc nhiên. Thật tình ta có quen biết Ngạn Thần nhưng từ khi bị bắt về Tàu, ta chẳng còn biết ông ta sống chết ra sao. Hồ Ngạn Thần là người có học nhưng bản chất tầm thường, không khôn lanh, ít hiểu đời! Phải chăng Ngạn Thần đã sang Tàu và nhà vua muốn dùng ông ta vào việc gì? Biết ngài tâm cơ sâu sắc, ta ngại có thể bị liên đới trách nhiệm về sau nên thành thật thưa: “Thần biết, Hồ Ngạn Thần trước kia là đồng môn của thần, sau lại từng làm việc dưới trướng của thần. Ông ta là người giỏi từ chương, đỗ đạt cao, nhưng kiến thức nông cạn, suy nghĩ hời hợt. Bệ hạ nên cẩn thận nếu giao việc cho ông ta”. Thánh thượng cười rộ với vẻ đắc thắng: “Vậy thì việc này khanh có thể làm suôn sẻ, dễ dàng”. Ta ngạc nhiên hỏi lại: “Tâu, bệ hạ sai hạ thần làm việc gì ạ?”. Thánh thượng nói: “Vừa rồi bọn giặc cỏ ở Giao Chỉ dối xưng là con cháu họ Trần, tụ họp chòm ong lũ kiến sách nhiễu dân chúng, quấy phá việc trị an nhiều nơi. Nay triều đình đã đánh dẹp gần hết, chỉ còn một số nhỏ rút về hoạt động ở các lộ Tân Bình, Thuận Hóa. Các vùng này rừng núi hiểm trở, bọn giặc đã lợi dụng địa thế, ẩn hiện khó lường, gây nhiều khó khăn cho triều đình. Nay tên thủ lãnh của giặc là Quí Khoáng lại sai viên Hành khiển Hồ Ngạn Thần sang đây cầu phong để xin cai trị các vùng đất ấy. Khanh đã quen biết Ngạn Thần, phiền khanh tới gặp y, ân cần thăm hỏi thế nào để y thổ lộ tình hình thực tế của giặc để ta có thể tùy cơ ứng xử. Đó là một việc rất cần thiết mà trẫm tin khanh sẽ làm được! Việc thành trẫm sẽ trọng thưởng. Khanh không từ nan chứ?”.

Phu nhân nghe nói lộ vẻ hoảng hốt:

-Tướng công đã nhận lời chưa? Thiếp nghĩ tướng công nên tìm cách từ chối việc đó!

-Vua đã muốn thế ta làm sao từ chối? Hiện ta đang nhức đầu vì việc đó.

Phu nhân tỏ ra thông cảm hoàn cảnh của chồng, bà nói:

-Thiếp hiểu lòng tướng công lắm. Tuy chưa biết ông Quí Khoáng thủ lãnh lực lượng chống Minh ấy là ai nhưng thiếp tin chắc đó là một người muốn dành độc lập cho Đại Việt. Việc làm đó đáng hoan nghênh lắm. Tướng công thấy khó nghĩ là phải. Không lẽ một vị cựu Tả tướng quốc của Đại Việt lại cam lòng điều tra tình hình hư thực của lực lượng khởi nghĩa báo cho người Minh biết để người Minh tiêu diệt họ sao? Trong tình thế bị ép buộc, mình chỉ làm qua loa chiếu lệ được không?

Lê Trừng lại thở dài:

-Kiến thức phu nhân cũng khá đấy! Quí Khoáng chính là cháu nội của vua Nghệ Tôn, con của Trang Định vương Trần Ngạc. Đúng là ông ấy muốn khôi phục cơ nghiệp nhà Trần. Nghe lúc đầu ông ấy đã chiếm giữ gần nửa nước An Nam và đã xưng đế niên hiệu là Trùng Quang. Nhưng hiện tại, thánh thượng cho biết, ông ấy chỉ còn giữ được các lộ Tân Bình, Thuận Hóa. Thật tình ta cũng muốn làm qua loa cho xong chuyện, nhưng sợ không qua mắt thánh thượng nổi, lại mắc phải tội khi quân!

Phu nhân lộ vẻ buồn, hỏi lại:

-Mình nỡ nào giúp người Minh tiêu diệt lực lượng kháng chiến? Tướng công nên giả ngu ngơ một chút không được sao? Nếu thánh thượng phát giác được điều này, bất quá tướng công bị giáng xuống vài trật là cùng chứ gì! Mà dù thánh thượng có cách chức mình cũng cam chịu thôi. Chứ giúp người Minh để tiêu diệt chính dân tộc mình, chúng ta sẽ để lại danh xấu muôn đời không chịu nổi đâu!

Lê Trừng uể oải nói:

-Ta nào sợ chi việc mất chức tước, ta chỉ sợ...

-Đã không sợ mất chức tước thì tướng công còn sợ cái gì chứ?

-Phu nhân không biết điều ta sợ đâu... Ở Quảng Tây tới nay các vụ nổi loạn vẫn chưa dẹp được. Người của triều đình dù quân hay dân hễ gặp quân phiến loạn là hết mong sống. Ngược lại, triều đình cũng đối xử với quân phiến loạn chẳng khác mấy. Hiện nay triều đình đang dùng chiến thuật “3 diệt” đối với phe phiến loạn: giết sạch không chừa người nào, đốt sạch không chừa chỗ trú ẩn nào, bỏ thuốc độc hết sạch không chừa nguồn nước nào. Như vậy bảo ta không sợ sao được? Liệu những người thân của ta đang bị an trí ở Quảng Tây có qua khỏi vụ dẹp loạn này không? Còn ở An Nam, không khéo người Minh cũng áp dụng chiến thuật “3 diệt” nữa lại càng đau khổ. Nhưng thôi, phu nhân cứ đi ngủ đi! Đầu óc ta đang căng lắm, ta cần nghỉ ngơi một lát. Ngày mai vào triều ta sẽ tùy cơ ứng biến!

*
Hôm sau, Lê Trừng và Hồ Ngạn Thần gặp nhau ở sân chầu. Tha hương ngộ cố tri, hai người bao xiết vui mừng. Thấy những người cùng đi với mình chưa biết Lê Trừng là ai, Hồ Ngạn Thần giới thiệu:

-Đây là ngài Lê Trừng, tên cũ là Hồ Nguyên Trừng, Tả tướng quốc Hồ triều nước An Nam ngày trước. Ngài hiện giữ chức Chủ Sự ở Binh Trượng cục thuộc Bộ Công. Còn đây là quan Thẩm hình Bùi Nột Ngôn, đang tùng sự trong sứ đoàn An Nam với chức vụ phó sứ...

Sau một hồi hỏi thăm nhau chuyện cũ, Lê Trừng nói với Ngạn Thần:

-Bây giờ vua sắp ra triều, không thể nói chuyện lâu nữa, ngài cứ lo công việc của ngài cho xong. Ngày mai nghỉ chầu chắc ngài rảnh chứ? Tôi muốn mời ngài đến tệ xá uống với tôi một bữa rượu cho thỏa tình hoài vọng. Lâu lắm rồi chúng ta mới có dịp gặp lại nhau! Chúng ta sẽ tha hồ hàn huyên chuyện cũ. Mong ngài không từ chối!

Hồ Ngạn Thần vui vẻ đáp:

-Lê đại nhân đã có ý tốt tôi xin tuân mệnh!

Bùi Nột Ngôn vốn là người am hiểu việc đời, có đầu óc nhận xét nhạy bén, ông nghi ngờ cái thiện chí của Lê Trừng ngay. Thông thường, khi hai nước đang ở trong tình trạng chiến tranh, mọi sự tiếp xúc cá nhân giữa người bên này với bên kia nếu không do chỉ thị của thượng cấp đều có thể bị ghép vào tội thông đồng với ngoại quốc. Lê Trừng đã làm việc cho Minh triều làm sao dám tự tiện tiếp xúc với sứ giả An Nam trong khi hai nước đang đánh nhau? Nhất là trong trường hợp An Nam lại là nước cũ của ông ta! Nhất định việc này là do chủ trương của Minh triều! Bùi Nột Ngôn cũng biết rõ Ngạn Thần là người ruột để ngoài da, ưa khoe sự hiểu biết, có gì tuôn ra nấy, rất dễ bị đối phương khai thác lợi dụng. Nếu để Ngạn Thần đến dự tiệc với Lê Trừng thì thật đáng ngại. Nghĩ thế nên Bùi Nột Ngôn nhắc khéo:

-Lê đại nhân đã nặng tình lưu luyến, quan chánh sứ muốn cùng vui với ngài tôi không dám có ý kiến. Nhưng quan chánh sứ cũng nên cẩn thận một tí để tránh sự hiềm nghi có thể gây rắc rối cho Lê đại nhân và cho chính cả chúng ta nữa!

Hồ Ngạn Thần vô tư chẳng để ý câu nói ấy, nhưng Lê Trừng biết ngay Bùi Nột Ngôn đã cảnh giác về bữa tiệc rượu do ông mời, ông giải thích:

-Xin Bùi tiên sinh hiểu cho, quan Hành khiển với tôi là chỗ thân tình cũ, không lẽ gặp nhau lại làm ngơ? Hôm qua vào chầu gặp hồi thánh thượng đang vui vẻ, ngài có hỏi đến quan Hành khiển. Tôi cũng thành thật trình bày với ngài về mối liên hệ cũ giữa chúng tôi. Ngài nói: “Như vậy khanh cũng nên lấy tình cố nhân mà cư xử với y cho trọn đạo bằng hữu và cũng để giữ hòa khí giữa hai nước”. Thế rồi ngài gọi nội giám đem cho tôi một hũ rượu mà nói: “Ban cho khanh để đãi cố nhân đấy!”. Tôi nghĩ đó là ý tốt của đức kim thượng nên mới dám mời quan Hành khiển uống rượu đấy chứ!

Lê Trừng nói chưa hết lời thì tiếng loa báo “Hoàng thượng giáng lâm” đã vang lên. Ai nấy đều vội vã trở về vị trí của mình.

Bùi Nột Ngôn cảm thấy bồn chồn trong dạ, ông lẩm bẩm: “Đây chắc là một tuồng dàn dựng để đưa Hồ Ngạn Thần vào bẫy rồi! Biết làm sao bây giờ?”

Khi trở về quán dịch, Bùi Nột Ngôn nói riêng với Hồ Ngạn Thần:

-Lê Trừng tuy là cựu Tả tướng quốc nước ta nhưng nay y đã chịu làm việc cho người Minh, lòng dạ của y lúc này mình không thể đoán được. Khi uống rượu với Lê Trừng ông  phải hết sức cẩn thận mới xong. Nếu Lê Trừng có hỏi đến vấn đề bố trí quốc phòng, nhân sự mạnh yếu, tinh thần trên dưới ra sao, ông phải tránh đi đừng cho y biết.

Hồ Ngạn Thần nghe dặn có vẻ không bằng lòng:

-Sao ông coi thường tôi đến thế? Nhưng dù sao lo xa thì cũng tốt, xin cám ơn ông! Gặp Lê Trừng tôi sẽ chỉ nói chuyện tình cũ nghĩa xưa mà thôi, ông cứ yên chí!

-Tôi chỉ ngại khi có chút rượu trong người mình tự kiểm soát không nổi vô tình tiết lộ điều gì có thể nguy hại cho quốc gia nên dặn chừng vậy thôi. Xin ông chớ buồn!

*
Hôm ấy Lê Trừng đối ẩm với Hồ Ngạn Thần tại tư dinh. Mấy thị nữ của Lê Trừng lo việc phục dịch rất chu đáo. Lê Trừng vừa ân cần mời mọc Ngạn Thần vừa nhắc lại những kỷ niệm xa xưa giữa hai người. Uống một hồi cả hai người đều ngà ngà. Được cố nhân đối đãi mặn nồng như vậy Ngạn Thần xúc động lắm. Với giọng lè nhè, ông cảm thán:

-Thú thật với cố nhân, hai ba năm nay tôi mới uống được một bữa thỏa thuê như thế này!

Lê Trừng  tỏ vẻ ngạc nhiên, cũng với giọng lè nhè, hỏi lại:

-Cố nhân nói như An Nam thiếu rượu thịt không bằng?

-Tôi nói thật đấy chứ! Đức vua cũng còn nhịn thèm nữa huống chi hạng tôi!

-Cố nhân nói gì mà tệ vậy? Lời cố nhân khó mà tin được!

-Ông không tin ư? Hiện nay khu vực đồng bằng trong nước người Minh chiếm hết cả rồi! Quân An Nam chỉ còn giữ được mấy vùng rừng núi, thiếu lương thực, quân sĩ bữa no bữa đói, bệnh tật liên miên, vua nỡ lòng nào mà rượu với thịt?

-Tình hình bi đát đến vậy à? Thế sức khỏe đức vua ra sao?

-Tội nghiệp, tất nhiên là đức vua ăn không ngon ngủ không yên! Trông ngài gầy gò lắm!

-Làm vua thời loạn cũng cay đắng lắm nhỉ! Việc này tôi hiểu lắm vì gia đình tôi cũng đã trải qua! Thế các quan văn tướng võ chung quanh ngài thế nào?

-Về các văn quan, trong hoàn cảnh loạn lạc này đâu có thi thố tài năng được! Còn các tướng võ như Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Súy lại không ăn ý nhau, thiếu đoàn kết, hành động không thống nhất! Quân sĩ thì đói rách quá cứ đào ngũ hao mòn dần! Vua Trùng Quang cũng điên đầu vì vấn đề này đấy!

-Quan quân An Nam trong tình trạng đó mà các tướng giỏi của Minh triều như Trương Phụ, Mộc Thạnh không đánh đổ nổi kể ra vua Trùng Quang cũng giỏi lắm đấy chứ!

-Chẳng qua cũng nhờ may mắn thôi! Người Minh họ sợ bóng sợ gió trước các vùng Tân Bình, Thuận Hóa địa thế quá ư hiểm trở, xa lạ, họ đâu biết thực lực quân An Nam mạnh yếu thế nào. Nếu họ bạo gan cứ tấn công ào vào quân An Nam làm sao giữ nổi?

-Hóa ra tình hình hiện tại của nhà Trần khốn đốn đến vậy!

-Đúng thế, chuyến này nếu Ngạn Thần tôi cầu phong mà thành công, quân Minh nghỉ tấn công một vài năm nữa thì may ra lực lượng của nhà Trần mới hồi phục được!

Cuộc nói chuyện giữa hai người cứ thế tiếp tục mãi cho đến khi Hồ Ngạn Thần say gục xuống bàn tiệc...

Một thị nữ trong toán phục vụ bữa tiệc đã trình lại khá đầy đủ nội dung cuộc nói chuyện giữa Lê Trừng và quan sứ Hồ Ngạn Thần với phu nhân. Phu nhân nghe xong lặng người đi một hồi, sau đó bà than dài:

-Đáng thương thay cho dân Đại Việt! Nhà Trần quả đã hết thời nên mới giao phó việc đi sứ cầu phong cho một anh hủ nho lòng dạ tối tăm, coi miếng ăn hớp rượu cao như núi Thái Sơn mà quên lo nghĩ đến sự an nguy của tổ quốc! Biết làm thế nào bây giờ?

Thế rồi bà vào phòng nghỉ của Lê Trừng để săn sóc cho ông. Khi Lê Trừng thức dậy, thấy vợ đang ngồi bên cạnh, ông hỏi:

-Bà cho người lo chăm sóc ông Ngạn Thần cẩn thận chứ! Ông ấy đã tỉnh lại chưa?

Phu nhân lắc đầu có vẻ không vui:

-Thị nữ vừa cho biết ông ta vẫn còn ngủ li bì! Thật tội nghiệp cho ông vua Trùng Quang đã quá tin tưởng vào một bề tôi như thế! Ông ta ham uống rượu hơn là nghĩ tới sứ mạng được vua Trùng Quang giao phó!

Lê Trừng nghe vợ trách Ngạn Thần cũng đâm ra ngượng ngùng. Ông nghĩ phu nhân đã thấu hiểu việc làm của mình, bèn chống chế:

-Mỗi người mang một tâm trạng khác nhau, ai hiểu ai được! Ông ấy làm nhiệm vụ sứ giả cầu phong cho vua An Nam đã được thánh thượng hứa sẽ phong, đó là một sự thành công lớn, lại gặp cố nhân nữa, ông ấy uống vài chén cho vui đâu có sao?

-Vui vì gặp lại bạn cố tri sao tướng công chỉ uống cầm chừng trong khi ông Ngạn Thần lại uống say đến thế? Nếu tướng công cũng say như ông Ngạn Thần thì thiếp đâu dám trách ông ấy? Thiếp rất mong tướng công suy nghĩ thật kỹ trước việc này. Nếu có việc gì xảy ra cho ông Ngạn Thần thì việc đó cũng có thể xảy ra cho nhà ta đấy!

Lê Trừng nghe giọng có vẻ đe dọa của vợ cũng bực mình, ông nói:

-Phu nhân sao cứ giữ cái thành kiến cổ lỗ của mình vậy? Thật tình thánh thượng cũng chỉ muốn các mối loạn được sớm chấm dứt để dân An Nam bớt khổ thôi! Còn việc của ta, phải hiểu đó là một sứ mạng! Thánh thượng là người nghiêm khắc, quyết liệt, ta không muốn làm trái ý người! Hơn nữa, ta còn phải nghĩ đến đạo hiếu. Cha già ta, chú ta, em ta đang bị đày làm lính thú ở Quảng Tây, con cháu ta đang bị phân tán làm lao nô mỗi người một ngả. Mỗi lần nhớ tới họ ta không khỏi rơi nước mắt! Ta cũng muốn đời họ đỡ khổ hơn một chút chứ!

-Tướng công nghĩ tới cha già và anh em con cháu của mình tuy hợp đạo nhưng tướng công cũng nên nghĩ tới hàng vạn dân Đại Việt đang đau khổ dưới gót giày của quân xâm lăng chứ! Chính gia đình ta phải chịu trách nhiệm về sự thất bại của Đại Việt trước người Minh chứ ai? Ai gây ra thảm họa cho dân Đại Việt ngày nay? Người Minh thật lòng muốn cho dân Đại Việt bớt khổ ư? Thế sao họ đặt thêm không biết bao nhiêu thứ thuế để bóc lột đến nỗi nông dân, thợ thuyền Đại Việt giờ đây chỉ còn biết sống cầm hơi? Sao họ bắt dân ta lên rừng kiếm sừng tê, ngà voi, họ bắt dân ta xuống biển mò ngọc trai đem về Tàu? Bao nhiêu dân Đại Việt đã phải chết vì sốt rét, vì đói lạnh, vì thú dữ, vì sóng bão trong khi bị bắt làm những việc đó tướng công biết không? Họ vơ vét hết nhân tài của Đại Việt, từ những nhà sư đạo cao đức trọng, những nhà văn học đến các loại thợ khéo, từ nhà thiên văn địa lý đến nhà bói toán, thậm chí cả những thiếu niên tuấn mỹ họ cũng bắt đem “thiến” đi đưa hết về Tàu để dùng, thế là lo cho dân ta bớt khổ ư? Họ lục tìm bao nhiêu sách vở quí giá do người Việt trước tác đem đốt hoặc chuyển về Tàu hết thế mà họ dám rêu rao là bảo vệ, khai hóa cho dân ta? Bây giờ tướng công lại tin họ, đành lòng tiếp tay cho họ làm những việc ác hại đối với dân Đại Việt như thế ư?

Lê Trừng lặng người đi một hồi. Lát sau ông gượng nói:

-Phu nhân không nên ôm mãi cái thành kiến về người Minh như thế. Dù sao hiện giờ ta cũng đang ở trong vòng kiềm tỏa của họ, sự an nguy của chúng ta nằm cả trong tay họ, ta còn biết làm sao hơn? Vì sự sống còn của dòng tộc ta, vì tương lai của con cháu, ta cứ tạm nhẫn nhục chiều ý họ đã rồi tính sau! Phu nhân đừng làm ta rối ruột thêm nữa!

Phu nhân có vẻ chán nản, bà nói với giọng đe dọa:

-Nếu tướng công muốn sống như thế mặc ý. Còn thiếp, cha mẹ anh em thiếp đều bị người Minh giết hại, thiếp biết nỗi đau khổ người Minh đã gieo rắc cho dân ta như thế nào, thiếp sẽ tìm cách tự xử trí!

Lê Trừng lại im lặng một lát rồi dịu giọng:

-Được rồi! Ta hứa sẽ tìm cách làm sao cho êm đẹp mọi bề!

Bấy giờ phu nhân mới nở một nụ cười nhạt:

-Cám ơn tướng công! Thiếp mong tướng công giữ lời!

*
Hai hôm sau Hồ Ngạn Thần và Bùi Nột Ngôn lại vào chầu vua Minh. Vua Minh ân cần vỗ về ủy lạo sứ thần, ban thưởng vàng bạc rất nhiều. Ngài cũng hạ chiếu phong cho vua Trùng Quang làm Giao Chỉ Bố chính sứ, cho Ngạn Thần làm Tri phủ Nghệ An. Xong việc, sứ đoàn An Nam vui vẻ bái tạ vua Minh xin trở về nước phục mệnh.

Tiễn đưa Ngạn Thần xong, Lê Trừng trở về dinh với bao nỗi hân hoan, ông nói với vợ:

-Phu nhân thấy đó, mọi chuyện rốt cục đều tốt đẹp cả. Lần đi sứ này của Hồ Ngạn Thần đã đem lại những thành quả hết sức to lớn cho An Nam. Vua Trùng Quang đã được thánh thượng thừa nhận. Dân An Nam từ nay sẽ bớt khổ. Có gì để phu nhân phải bứt rứt đâu?

Vẻ mặt phu nhân trở nên tươi tắn, bà nói:

-Thật vậy sao? Thế thì may cho dân Đại Việt ta lắm! Thiếp xin lỗi trước đây vì quá nóng lòng trước cảnh khổ mà dân Đại Việt phải chịu nên đã có những lời làm tướng công mất vui. Xin tướng công bỏ qua những lỗi lầm ấy.

-Không đâu! Phu nhân là người có lòng với cố quốc, không có gì đáng phiền trách. Tuy nhiên, nhập gia tùy tục, mình cũng nên nhẫn nhịn một chút. Ta khuyên phu nhân từ nay nên gọi tên nước cũ là An Nam như người Minh chứ đừng dùng cái tên Đại Việt nữa nghe dễ mất lòng lắm. Nhớ nhé!

Giọng phu nhân trở lại trầm buồn:

-Đành vậy thôi! Cũng mừng là lòng trời chưa nỡ bỏ dân Nam ta. Thật tình tới giờ thiếp vẫn còn thấy sợ hãi cho cái đêm tướng công uống rượu với ông Hồ Ngạn Thần. May gặp tướng công chứ gặp kẻ khác thì còn gì là nước Nam?

Lê Trừng nở một nụ cười với vợ:

-Mọi chuyện bây giờ đã quá tốt đẹp, phu nhân cần gì phải băn khoăn nữa?

Từ đó, không khí trong gia đình Lê Trừng ấm cúng trở lại. Phu nhân cũng ít nhắc lại những chuyện đau buồn cũ. Lâu lâu bà lại giở xấp lụa vua Minh ban ngắm nghía lại với vẻ thích thú. Những ngày rằm, mồng một bà vẫn không quên đến chùa Phúc Lạc dâng hương cầu nguyện. Thỉnh thoảng gặp Cao phu nhân, hai bà lại vui vẻ đàm đạo với nhau.

Một lần thấy phu nhân đang giở xấp lụa ra ngắm, Lê Trừng hỏi đùa:

-Sao phu nhân không cho may thành xiêm y để mặc cho mọi người ngắm luôn mà phải lâu lâu giở ra ngắm lại cho mất công?

Phu nhân đáp:

-Món quà này thánh thượng ban cho chúng ta nhằm lúc sứ giả An Nam sang cầu phong. Thiếp nghĩ thánh thượng đã chấp thuận việc cầu phong ấy tức là thánh thượng đã thật lòng thương xót dân An Nam. Đó là một điều đáng mừng. Thiếp hay giở xấp lụa này ra ngắm, thật ra việc thưởng thức màu sắc kỳ diệu của nó chỉ là phần phụ, phần chính là để tự nhắc nhở mình khỏi quên cái ân đức của thánh thượng đã ban cho dân Nam ta vậy.

*
Đầu xuân năm Giáp Ngọ (1414), nhà Minh tổ chức Hội Thái Hòa tại Kim Lăng để ăn mừng công cuộc bình định An Nam đã thành công. Những tướng lãnh, quan chức của triều đình từng đi đánh dẹp ở phương Nam, nay đã hồi hương hầu hết có mặt. Nhiều người đã được Minh đế tuyên dương công trạng và ban thưởng trọng hậu. Đặc biệt viên Chủ Sự Lê Trừng, tuy không trực tiếp dự vào cuộc viễn chinh, cũng được tuyên dương và thăng lên chức Lang Trung (2) thuộc Bộ Công. Vua Minh còn muốn ban tặng Nguyễn phu nhân hai cây lụa bích liên nữa, nhưng Lê Trừng từ chối:

-Muôn tâu, hạ thần không có công lao chi đáng kể mà thánh thượng đã ban ân sủng như thế là hậu lắm rồi. Tiện phụ vốn là người kiệm ước, không ưa xa xỉ, lần trước thánh thượng đã ban cho hai cây lụa bích liên, vẫn còn cất kỹ để ghi nhớ hồng ân chứ chưa dám dùng vào việc gì cho xứng đáng. Nay thánh thượng lại ban tặng nữa e tiện phụ càng lúng túng, hổ thẹn. Dám xin thánh thượng dùng số lụa ấy để ban cho người khác.

Vua Minh cười rất cởi mở:

-Lụa bích liên là thứ sản phẩm thời thượng mà bất cứ hạng phụ nữ nào cũng ưa thích, trân quí, riêng khanh lại không muốn nhận cũng lạ thật. Nhưng thôi, tùy ý khanh. Vậy, trẫm ban cho khanh mấy hũ rượu Thiên Khánh chắc hợp ý khanh hơn, được chứ?

Lê Trừng sợ từ chối nữa sẽ làm phật lòng vua, bèn sụp xuống bái tạ:

-Tạ ơn bệ hạ! Bệ hạ ban cho thứ này thì hạ thần xin nhận lãnh!

Sau khi dự Hội Thái Hòa về, Lê Trừng có vẻ trầm tư hơn là hân hoan như những người khác. Ông không một lời khoe khoang với ai về vụ ông được ân thưởng đặc biệt. Đến nỗi chính trong gia đình ông cũng chẳng có ai biết đến vụ này. Trong khi những gia đình được ân thưởng, nhất là những gia đình có người đi viễn chinh mới được đoàn viên đều tổ chức ăn mừng rầm rộ thì tư dinh Lê Trừng hoàn toàn lặng lẽ. Nhiều người đã khen Lê Trừng về đức khiêm tốn. Cho đến một hôm Nguyễn phu nhân đến viếng chùa Phúc Lạc thì gặp Cao phu nhân. Cao phu nhân vui mừng hỏi đùa:

-Lê công mới được thánh thượng trọng thưởng, tuyên dương dường ấy sao chưa thấy tổ chức ăn mừng gì cả? Bộ lơ đi sao?

Nguyễn phu nhân cười thành thật trả lời:

-Tướng công tôi làm việc siêng năng, lâu lâu thánh thượng lại thăng cho một hai trật lương cũng là chuyện thường chứ có gì mà gọi là trọng thưởng, tuyên dương?

Cao phu nhân lộ vẻ ngạc nhiên hỏi lại:

-Hiền muội có thể bình thản đến thế ư? Từ chức Chủ Sự thăng lên chức Lang Trung, lại ban cả ngự tửu, cả lụa bích liên, ân sủng đến vậy mà hiền muội cho là bình thường ư? Nhưng hình như Lê công từ chối không nhận lụa bích liên thì phải. Thật đáng tiếc!

Lần này thì Nguyễn phu nhân lại lộ vẻ ngạc nhiên:

-Cao phu nhân không đùa đấy chứ? Phu nhân nghe đâu mà biết tướng công tôi được thăng chức Lang Trung, được ban cả ngự tửu, cả lụa bích liên?

-Chị đâu dám đùa! Chính tướng công nhà chị nói với chị thế đấy!

Nét mặt Nguyễn phu nhân bỗng tái đi, bà hỏi thêm:

-Thế tướng công có cho phu nhân biết nhà tôi được trọng thưởng vì công trạng gì không?

Cao phu nhân kêu lên:

-Trời đất ơi! Hiền muội ở trong nhà mà chẳng biết Lê công lập được công trạng gì?

-Quả thật tôi không hề biết!

-Việc bình định nước An Nam thành công sớm phần lớn cũng nhờ sự đóng góp công sức của ông nhà đấy! Đường công danh của Lê công chắc còn nhiều hứa hẹn. Mai sau đắc chí lớn hiền muội đừng quên bạn bè nhé!

Nguyễn phu nhân toát mồ hôi, mặt mày choáng váng, bà phải vịn vào vai một tì nữ mới đứng vững được. Điều bà từng lo lắng áy náy trước kia không ngờ đã xảy ra thật! Không còn hi vọng đó chỉ là một tin nhảm nữa, bà tìm cách hỏi cho tách bạch sự việc:

-Vụ dẹp yên xứ An Nam là do các tướng lãnh viễn chinh thực hiện chứ tướng công tôi ở tại triều thì làm sao mà lập công lớn được?

Cao phu nhân nói:

-Hiền muội nói sao vậy? Chính tướng công chị đã nghe rõ lời thánh thượng tuyên dương công trạng của quan Chủ Sự trước mặt bá quan văn võ thì lầm vào đâu được! Thánh thượng khen nhờ những tin tức chính xác do quan Chủ Sự cung cấp nên triều đình đã chỉ thị cho Trương Tổng binh tấn công gấp vào các sào huyệt cuối cùng của bọn phản loạn để tiêu diệt sạch chúng nó đấy. Như thế không phải là Lê công đã góp công rất lớn sao?

Nguyễn phu nhân nghe xong bất giác buông một tiếng thở dài. Người bà như muốn khuỵu xuống. Cao phu nhân thấy vậy hỏi:

-Hiền muội sao thế? Hôm nay không được khỏe à?

-Không hiểu sao mấy hôm nay tôi thấy trong người khác khác. Có lẽ tại tôi ham đọc sách, ít hoạt động quá chăng? Thế phu nhân nghe tình trạng vua quan An Nam bây giờ ra sao?

Cao phu nhân thản nhiên đáp:

-Nghe nói tất cả vua quan kẻ bị giết, người tự tử hết sạch. Họ cũng anh dũng đấy chứ! Từ nay triều đình khỏi lo gì về An Nam nữa. Giờ đã rõ công lao Lê công to thế ấy, hiền muội không tổ chức khao vọng cũng là việc thiếu sót đấy!

Nguyễn phu nhân ngượng ngùng nói:

-Tới giờ tôi mới được phu nhân cho biết chuyện đó, từ từ tính sau vậy. Hôm nay tôi không được khỏe, xin về nghỉ trước. Phu nhân cứ tiếp tục đi viếng chùa. Chúng ta sẽ gặp lại nhau!

*
Nguyễn phu nhân ra về với tâm trạng u uất, tủi nhục lẫn phẫn nộ. Bà vào phòng riêng đóng cửa nằm khóc, không ăn uống gì cả. Buổi chiều, khi Lê Trừng về dinh, không thấy vợ đón chào, hỏi người nhà mới biết bà đang mệt. Ông vào phòng riêng của vợ, thấy vợ dáng vẻ tiều tụy, đôi mắt sưng húp lên thì lo lắng hỏi:

-Phu nhân sao thế? Có chuyện gì xảy ra không?

-Cám ơn tướng công, không có gì. Nghe nói tướng công vừa được hoàng thượng ban thưởng trọng hậu lắm, sao không cho vợ con biết để mừng? Thiên hạ đang chờ nhà ta khao vọng đấy!

Lê Trừng giật mình nói:

-Ai nói chuyện đó với phu nhân? Vua có ban thưởng thật đấy, nhưng cha già ta, chú ta, em trai ta còn đang chịu cảnh khổ ải ở chốn biên cương, ta vui vẻ gì mà khao vọng?

-Có thể cho thiếp biết nhờ công trạng gì mà tướng công được thăng thưởng không?

Lê Trừng có vẻ lúng túng, ông nói:

-Có lẽ ngài thấy ta làm việc siêng năng cần mẫn nên thăng thưởng thôi! Ý của thánh thượng ta làm sao hiểu được mà nói!

Phu nhân lại hỏi:

-Nghe thánh thượng còn ban ngự tửu, ban lụa bích liên nữa sao tướng công lại từ chối?

Lê Trừng càng lúng túng hơn:

-Ngự tửu ta có nhận, riêng lụa bích liên trước đây vua có ban cho phu nhân rồi nhưng thấy phu nhân chưa dùng đến, nay lấy thêm làm gì, cho nên ta không nhận.

Phu nhân khẽ lắc đầu. Thấy vợ cứ hỏi những điều mà mình không muốn nhắc tới, Lê Trừng tìm cách tảng lờ né tránh:

-Hôm nay công việc ở sảnh hơi nhiều, ta đang đói bụng và cũng hơi mệt. Phu nhân cứ nằm nghỉ, từ từ mình nói chuyện sau.

Phu nhân bèn gọi người nhà dọn cơm cho chồng ăn rồi tiếp tục nằm. Nhưng dù gắng nhắm mắt mấy phu nhân cũng không thể nào ngủ được. Cái tin về số phận của nhóm vua quan nhà Trần do Cao phu nhân cho biết hồi sáng cứ mãi ám ảnh đầu óc bà. Phen này thì dân An Nam đã hoàn toàn trở thành những con cá nằm trên thớt của người Minh! Sao họ tàn ác đểu cáng lộ liễu đến thế? Nào việc vua Minh giả vờ phong cho vua Trùng Quang làm Giao Chỉ Bố chính sứ rồi bất ngờ trở mặt! Nào việc vua Minh bổ những viên hàng thần người An Nam đi nhậm chức ở các nơi rồi cho người đuổi theo giết họ dọc đường! Càng suy nghĩ bà càng thấy giận chồng bà đã mù quáng tiếp tay cho kẻ thù làm những việc đó. Trước những câu hỏi của bà, Lê Trừng trả lời một cách miễn cưỡng, lúng túng chứng tỏ ông ta đã thiếu thành thật. Việc được vua thăng chức là một vinh dự lớn, sao Lê Trừng lại phải giấu giếm với vợ con? Tại sao ông lại được thăng thưởng vào dịp nhà Minh tổ chức ăn mừng bình định được xứ An Nam? Lê Trừng khó mà chối cãi ông không nhúng tay vào kế hoạch tiêu diệt quân khởi nghĩa! Nhớ lại cái đêm chồng bà uống rượu với Hồ Ngạn Thần, cơn uất giận trong người bà càng bừng bừng nổi dậy. Nhục nhã quá rồi! Ai đời một nhà lãnh đạo quốc dân chống giặc bây giờ trở lại giúp giặc tiêu diệt quốc dân? Thật vô liêm sỉ hết cỡ! Không thể nhẫn nhịn được nữa! Nhất định phải hỏi cho ra lẽ! Thế rồi phu nhân lại ngồi bật dậy...

Lê Trừng vừa ăn uống xong, phu nhân liền đến với ông ngay. Bà bắt đầu gợi chuyện:

-Cách đây hơn hai năm, sứ giả An Nam là Hồ Ngạn Thần sang chầu thánh thượng, có đến nhà mình uống rượu với tướng công một đêm, không biết bây giờ ông sứ giả ấy ra sao, tướng công nghe tin tức gì không?

Câu hỏi ấy như một gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt Lê Trừng. Ông biết ngay việc làm ám muội của mình hết phương giấu giếm vợ con! Ông cảm thấy xấu hổ cho cái bản chất bạc nhược, cầu an quá đáng của mình! Ông đâu phải là hạng người ham công danh phú quí đến nỗi đánh mất lương tri! Chính cái bản chất quá bạc nhược, quá cầu an, quá lo nghĩ đến sự an nguy cho những người thân làm ông mất sáng suốt, đã đưa đẩy ông tới tình trạng dở sống dở chết hôm nay! Ông đã thấy cái lý lẽ lập công để cứu cha ông, cứu chú ông, cứu em ông, cứu dòng họ ông không còn đủ sức để thuyết phục ai nữa! Vợ con ông cũng không còn coi trọng tư cách của ông được, ông còn biết sống với ai? Ông cảm thấy xấu hổ vì ông đã phản bội những người đã từng hết lòng tin tưởng, trông cậy vào ông, hết lòng ủng hộ ông trong công cuộc chống quân xâm lăng trước đây! Bây giờ thì mọi chuyện đã vỡ lở cả rồi! Trong những giây phút cao điểm của lòng hối hận, ông đã trả lời vợ ông một cách thành thật, buông xuôi:

-Hồ Ngạn Thần đã bị vua Trùng Quang giết vì có người cáo giác ông ta đã tiết lộ bí mật quốc gia!

Phu nhân hé một nụ cười mỉa mai:

-Đáng lắm! Thiếp đã biết ông ta phạm tội đó ngay đêm ông ta uống rượu với tướng công! Chính tướng công là người đã làm hại ông ấy!

Lê Trừng lúng túng giải thích thêm:

-Không hẳn do vậy đâu. Ngoài việc tiết lộ bí mật quốc gia, Ngạn Thần còn bị kết tội nhận chức tước của ngoại bang vì ông được thánh thượng phong làm tri phủ Nghệ An!

-Thế vua Trùng Quang bây giờ ra sao?

-Ông ta cũng chết rồi.

-Ông ta chết như thế nào?

-Ông ấy bị  quan Tổng binh Trương Phụ đánh bại phải chạy vào đất Lào nhưng rồi cũng bị bắt. Trên đường giải về Tàu, ông ấy cùng với tướng Đặng Dung đã nhảy xuống biển tự tử.

-Thế còn hai danh tướng Nguyễn Cảnh Dị và Nguyễn Súy thì sao?

-Nghe nói Nguyễn Cảnh Dị khi bị bắt đã không chịu khuất phục, mắng chửi Trương Tổng binh thậm tệ nên Trương Tổng binh đã cho giết đi lấy gan làm đồ nhắm rượu. Nguyễn Súy thì liều mạng lừa lúc bất ngờ đập cái gông đang đeo trên cổ vào đầu viên quan áp giải đang ngồi gần đó rồi cướp gươm của anh ta để tự sát!

Phu nhân ngồi ủ rũ một lát rồi nói:

-Thôi, nói chừng đó cũng đủ rồi. Tướng công đi nghỉ đi!

Nghĩ là phu nhân đã bỏ qua chuyện, Lê Trừng cảm thấy nhẹ hẳn người. Không bỏ lỡ cơ hội để thoát khỏi những nỗi dằn vặt nặng nề khi đối diện với vợ ông, ông nói luôn:

-Dù sao mọi chuyện cũng đã xảy ra rồi, không ai có khả năng cải sửa gì được nữa. Phu nhân cũng không nên suy nghĩ nhiều về chuyện đau lòng ấy thêm hại sức. Ta cũng cần đi nghỉ để ngày mai còn làm việc...

*
Sau khi Lê Trừng đi nghỉ, Nguyễn phu nhân sai người nhà nấu nước thơm để tắm gội. Người nhà mời ăn cơm nhưng bà từ chối:

-Các ngươi cứ ăn đi, khỏi để phần. Ta không thấy đói.

Sau đó bà gọi người chuyên lo việc cơm nước cho bà là Thị Mận đến dặn:

-Ta hơi mệt, đêm nay ta cần yên tĩnh để nghỉ ngơi. Nếu ta không gọi thì em không được tự tiện vào phòng ta. Nhớ đấy!

Thế rồi bà vào phòng đóng cửa lại. Thấy thái độ lạ lùng của chủ, Thị Mận hơi ngạc nhiên, nhất là suốt ngày ấy không thấy bà ăn gì cả. Sau khi ngủ một giấc, đến khuya thức dậy ả thấy đèn trong phòng phu nhân vẫn còn sáng. Ả nghĩ có thể là phu nhân đã ngủ quên. Tuân lời chủ đã dặn, ả không dám tự tiện vào tắt đèn như mọi khi. Ả lại làm một giấc khác. Đến khi gà đã gáy sáng lần thứ ba, ả thức dậy, thấy ánh đèn từ phòng phu nhân vẫn tỏa ra, ả đâm ra nghi chắc có việc gì xảy ra. Đã mấy lần ả định gọi nhưng nhớ lời chủ đã dặn lại thôi.

Khi Lê Trừng thức dậy uống trà, thấy vợ chưa dậy, ông hỏi:

-Phu nhân còn ngủ hả?

Thị Mận liền cho Lê Trừng biết phu nhân đã để đèn trong phòng sáng suốt đêm mà không thấy động tĩnh gì cả. Lê Trừng nghe cũng đâm ra nghi ngại. Ông thân đến gõ cửa gọi phu nhân nhưng không nghe tiếng trả lời. Ông vói tay mở cửa mới biết cửa đã được chốt kỹ. Gõ thêm một hồi nữa vẫn chẳng thấy gì. Ông hoảng hốt sai người phá cửa phòng để vào. Khi cửa đã được mở, mọi người kinh hoàng chứng kiến một cảnh tượng hãi hùng trước mắt: Thân xác của Nguyễn phu nhân đã treo lủng lẳng dưới sà nhà. Trên giường ngủ, bên dưới chân phu nhân có một chiếc ghế đẩu đã lật nằm.

Lê Trừng vội cho hạ xác vợ ông xuống. Nhưng xác phu nhân đã cứng đờ, hết mong cứu chữa. Lê Trừng liền ôm lấy xác vợ vật vã khóc lóc. Tất nhiên ông biết duyên cớ nào đã đưa đến cái chết của vợ ông. Ông hối hận vô cùng. Tiếng khóc của ông vừa thống thiết, vừa uất nghẹn khiến những người chung quanh đều phải rơi nước mắt. Mối xúc động vì sự mất mát quá lớn lẫn nỗi uất ức riêng dồn nén cực độ khiến thể xác ông không chịu nổi. Ông đã ngất đi một hồi. Xưa nay chưa hề có một người đàn ông nào khóc vợ thống thiết đến thế. Thật ra, không phải ông chỉ khóc vì thương tiếc người vợ hiền mà ông còn khóc cho chính ông! Ông đã phạm một lỗi lầm quá lớn. Ông biết ngoài cái hậu quả thảm khốc này, ông sẽ phải còn đối diện với bao nỗi dày vò hối hận khác nữa!

Khi đã được người nhà cứu tỉnh lại, đầu óc Lê Trừng vẫn chưa hết căng thẳng. Ông thẫn thờ nhìn cái vật oan nghiệt mà Nguyễn phu nhân đã dùng để kết liễu đời mình rồi lẩm bẩm:

-Không ngờ món báu vật thánh thượng ban cho gia đình ta hay lại trở thành một món trong hình phạt tam ban triều điển (3)!

Mọi người giật mình nhìn lại. Thì ra vật đó chính dải lụa bích liên, một thứ lụa quí mà Minh đế đã ban tặng cho gia đình Lê Trừng ba năm trước. Một người hầu lại trao cho ông một bức thư của phu nhân. Ông sụt sùi đọc:

“Thưa tướng công,

Khi tướng công đọc bức thư này thì thiếp đã đi xa rồi! Thiếp biết tướng công đau lòng lắm nhưng thiếp đâu biết xử trí cách nào khác hơn! Hành động tự hủy mình của thiếp không phải vì thiếp muốn xa lánh tướng công đâu! Chung sống với tướng công bao nhiêu năm thiếp hiểu tướng công hơn ai hết. Tướng công đúng là một thiên tài hiếm hoi, không ai phủ nhận được. Nhưng tướng công lại có những cá tính quá thật thà, quá tin người và quá cầu an! Những cá tính đó đã khiến tướng công dễ bị khủng bố tinh thần, đã đẩy tướng công vào chỗ lỡ lầm, nói trắng ra là đẩy tướng công vào đường tội lỗi: giúp kẻ thù tiêu diệt chính nòi giống mình, dân tộc mình! Tội lỗi đó không thể tha thứ được! Khi thiếp nói ra điều này, sự việc đã xảy ra, chẳng còn ai cải sửa gì được nữa. Nhưng thiếp vẫn phải nói. Nói để nhắc nhở, để cảnh giác những kẻ khác khi gặp hoàn cảnh tương tự!

Tướng công biết tại sao thiếp dùng dải lụa bích liên để kết liễu đời mình không? Vì nó tượng trưng cho một thứ mồi đã nhử chúng ta vào con đường lầm lỡ! Chính nó là nguyên nhân ban đầu! Thiếp phải trả lại nó cho vua Minh!

Cổ thư có chép chuyện Chuyên Chư như sau: Chuyên Chư là một tráng sĩ rất có hiếu với mẹ già và cũng rất dũng cảm, trung hậu. Công tử Quang muốn cướp ngôi vua Ngô là Vương Liêu nên muốn nhờ tay Chư ám sát Vương Liêu. Thấy Chư nhà nghèo, không đủ sức phụng dưỡng mẹ già, Quang luôn giúp đỡ Chư vàng bạc để lấy lòng. Chư vô tư, thật thà, từ chối không được nên cứ nhận. Khi mẹ Chư thấy được Chư cung phụng đầy đủ quá thì sinh nghi, bèn hỏi nguyên do. Chư cứ thật tình trả lời mẹ. Mẹ Chư nghe xong nói với Chư: “Khi một người không phải thân thích máu thịt của con mà lại giúp đỡ con một cách hào phóng như thế tức là người ấy đã mua máu của con rồi đó! Con phải lo mà trả nợ cho người ta đi!”. Thế rồi chờ lúc Chư vắng mặt, mẹ Chư thắt cổ tự tử. Công tử Quang liền đứng ra lo việc tang chế cho mẹ Chư. Sau đó Chuyên Chư đã thực hiện vụ ám sát Vương Liêu thành công nhưng cũng bị giết chết trong vụ đó.

Chuyên Chư đã lỡ dùng vàng của công tử Quang để nuôi mẹ nên phải trả nợ. Tướng công đã lỡ nhận ân thưởng của vua Minh nên phải làm theo mệnh lệnh. Thiếp đã lỡ nhận lụa quí của vua Minh nên không dám cương quyết ngăn cản việc làm của tướng công!

Chuyên Chư chỉ trả nợ bằng thân xác, còn chúng ta đã phải trả nợ bằng danh dự của cả một dòng họ, đáng tiếc thay! Bởi thế, thiếp phải tự hủy mình nhằm mục đích cứu vãn được phần nào cái danh dự to lớn của dòng họ nhà chồng! Thiếp xin tỏ thật, tới giờ phút này tình yêu của thiếp đối với tướng công vẫn không hề thay đổi! Thiếp mong từ nay tướng công phải gắng tu nhân tích đức để đền bù phần nào những tội lỗi mà tướng công đã lỡ gây nên cho dân tộc Đại Việt!

Mấy lời chân thành cuối cùng xin dâng tướng công! Từ nay xin vĩnh biệt!”

Đọc xong bức thư của vợ, Lê Trừng ủ rũ ngồi xuống ghế than thở:

-Ta phát điên mất! Ta đã làm một việc ô nhục! Thật tình ta đâu có lòng nào muốn hại dân An Nam! Ai đời một vị Tả tướng quốc, một vị phó vương An Nam lại cam tâm nghe giặc quay lại làm hại chính quốc dân An Nam! Ôi thôi! Bao giờ ta mới rửa sạch được cái vết nhơ này?

Rồi ông lại gục xuống xác vợ khóc nức nở:

-Xin phu nhân hiểu và tha thứ cho ta! Ta đâu có lòng nào phản bội dân An Nam! Nếu phu nhân cũng không hiểu ta nữa thì còn ai hiểu được ta?

Ngô Viết Trọng

·       Binh trượng cục: tương tự cục quân nhu.

·       Lang Trung: tương đương chức trưởng Ty.


·       Tam ban triều điển: Ba hình phạt thời xưa do vua ban cho tội nhân để tự chọn cái chết của mình: một thanh gươm để tự sát, một dải lụa để thắt cổ, một chén thuốc độc để uống.