Trọng Thành
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un vẫn nắn gân nhau qua màn đấu khẩu nảy lửa.REUTERS/Kevin Lamarque, KCNA
Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên trong hồ sơ hạt nhân, vốn đã trầm trọng, lại tăng thêm một nấc với thông điệp Twitter của tổng thống Mỹ sáng hôm qua, thứ Sáu 22/09/2017, trong đó tổng thống Mỹ gọi lãnh đạo Bắc Triều Tiên là « kẻ điên ». Nga kêu gọi Donald Trump và Kim Jong Un hạ nhiệt.
Donald Trump tung lên Twitter thông điệp : « Kim Jong Un của Bắc Triều Tiên, rõ ràng là một kẻ điên rồ, đang tâm bỏ đói và giết hại dân chúng của chính nước mình. Con người này sẽ gặp phải những thử thách chưa từng thấy ».
Vài giờ trước đó, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un lần đầu tiên trực tiếp đáp lời tổng thống Mỹ, lên án ông Trump đã « sỉ nhục » cá nhân và toàn thể đất nước trước sự chứng kiến của cộng đồng quốc tế, và khẳng định sẵn sàng có những hành động trả đũa chưa từng có.
Hai ngày trước đó, phát biểu trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, tổng thống Mỹ đe dọa sẽ « hủy diệt hoàn toàn » Bắc Triều Tiên, nếu vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng đe dọa Hoa Kỳ và các đồng mình.
Sau những lời lẽ bốc lửa của hai lãnh đạo Mỹ - Bắc Triều Tiên, đến lượt ngoại trưởng Nga lên tiếng. Phát biểu với báo giới bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, ông Serguei Lavrov kêu gọi hai bên lấy lại bình tĩnh, với nhận xét việc các lãnh đạo dùng lời lẽ nhục mạ nhau là « rất dở và không thể chấp nhận được ».
Theo AFP, nhiều chuyên gia lo ngại khẩu chiến giữa hai lãnh đạo Mỹ và Bắc Triều Tiên sẽ còn dữ dội hơn. Một chuyên gia về Đông Bắc Á, ông John Delury, Đại học Yonsei, Seoul, dự báo là điều này có thể góp phần dẫn đến những hệ quả « rất nghiêm trọng ».
Về khả năng Bình Nhưỡng thử bom nhiệt hạch tại Thái Bình Dương, như một biện pháp trả đũa mà ngoại trưởng Bắc Triều Tiên vừa cho biết thứ Năm, một giới chức Hoa Kỳ ẩn danh khẳng định Washington xem xét nghiêm túc mối đe dọa này.
Trung Quốc ngưng xuất xăng dầu sang Bắc Triều Tiên
Thụy My
Đại sứ Trung Quốc (giữa) tại phiên họp Hội Đồng BẢo An thông qua lệnh trừng phạt mới đối với Bắc Triều Tiên ngày 29/08/2017, tại New York.REUTERS/Andrew Kelly
Bắc Kinh hôm nay 23/09/2017 loan báo ngưng xuất sang Bắc Triều Tiên một số sản phẩm dầu khí, đồng thời ngưng nhập khẩu hàng dệt may của nước láng giềng này, theo như nghị quyết mới nhất của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Tại Bình Nhưỡng, giá xăng dầu đã tăng lên 20%.
Thông cáo của bộ Thương Mại Trung Quốc cho biết việc xuất khẩu dầu đã được tinh chế sẽ bị ngưng kể từ ngày 1/10 tới. Còn việc giao khí nén và khí hóa lỏng được chấm dứt ngay từ ngày mai 24/9, cùng với việc ngưng nhập khẩu hàng dệt may từ Bắc Triều Tiên.
Các chuyên gia cho rằng như vậy một nguồn thu ngoại hối lớn của Bắc Triều Tiên sẽ bị cắt đứt, vì dệt may là mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Theo IHS Markit, Bình Nhưỡng hàng năm thu về 750 triệu đô la nhờ hàng dệt may, với nguyên liệu nhập từ Trung Quốc.
Tuy có nguồn than đá dồi dào, nhưng Bắc Triều Tiên hoàn toàn lệ thuộc vào nguồn dầu khí nhập khẩu, mà nguồn cung chính là Trung Quốc. Từ năm 2014, Trung Quốc không hề công bố số liệu dầu khí bán cho Bắc Triều Tiên.
Tuy nhiên Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ ước tính trong năm 2016, mỗi ngày Bắc Kinh đã cung cấp cho Bình Nhưỡng 15.000 thùng dầu thô và 6.000 thùng dầu tinh chế, tức khoảng 5,5 triệu thùng dầu thô và 2,2 triệu thùng dầu tinh chế cho cả năm.
AFP ghi nhận, giá xăng dầu tại Bắc Triều Tiên đã tăng 20% từ hai tháng qua. Xăng ở đây được bán theo kí lô chứ không phải theo lít, và phải trả bằng tiền mặt.
Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc gần đây đã nhất trí thông qua các biện pháp trừng phạt mới, sau khi Bình Nhưỡng thử nguyên tử lần thứ ba hôm 3/9.
Ngoài việc ngưng nhập hàng dệt may, nghị quyết còn cấm xuất khẩu sang Bắc Triều Tiên các loại khí nén và khí hóa lỏng, định mức trần dầu tinh chế là hai triệu thùng một năm, còn dầu thô bị giới hạn ở mức nhập khẩu của Bắc Triều Tiên hiện nay.
Trung Quốc chiếm đến 90% trao đổi thương mại với Bắc Triều Tiên, nên sự hợp tác của Bắc Kinh rất quan trọng. Hồi tháng Tám, sau khi bị Hoa Kỳ chỉ trích, Trung Quốc đã ngưng nhập sắt, quặng sắt và hải sản của Bình Nhưỡng. Nhưng Bắc Kinh luôn gây áp lực để Liên Hiệp Quốc giảm nhẹ cấm vận, vì sợ Bắc Triều Tiên sụp đổ.
Hôm qua bà Susan Thornton, trợ lý Đông Á của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tuyên bố, chiến dịch trừng phạt là « cơ hội cuối cùng » để đạt đến một lối thoát hòa bình cho cuộc khủng hoảng nguyên tử và đạn đạo Bắc Triều Tiên.
Người tị nạn Rohingya ngừng chạy sang Bangladesh
RFI
Những đứa trẻ Rohingya trong trại tị nạn Cox's Bazar, Bangladesh, ngày 21/09/2017.REUTERS/Cathal McNaughton
Hàng trăm nghìn người sắc tộc thiểu số Rohingya theo đạo Hồi phải chạy nạn sang Bangladesh trong những tuần qua, do bị quân đội Miến Điện đàn áp. Cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ chính quyền Naypyidaw. Giới chức Bangladesh, hôm nay 23/09/2017, cho biết dòng người tị nạn dường như đã ngừng lại.
Chỉ huy biên phòng Bangladesh, ông Manzurul Hasan Khan, thông báo : « Những ngày vừa qua không có người Rohingya nào vượt qua biên giới ». Liên Hiệp Quốc cũng đã lên tiếng xác nhận hiện tượng nói trên. Song cả Bangladesh và Liên Hiệp Quốc đều không đưa ra lời giải thích nào cho sự việc này. Ước tính cho đến nay có khoảng 429 000 người Rohingya tị nạn ở Bangladesh.
Hôm qua, điều phối viên của Liên Hiệp Quốc thường trú tại Dacca, Robert D.Watkins, cho biết cơ quan này ước tính cần 200 triệu USD để hỗ trợ những người tị nạn Rohingya trong vòng 6 tháng tới. Tuy nhiên, theo ông, con số này mới chỉ là dự kiến được tính toán dựa trên những nhu cầu cấp bách và chưa được khẳng định chính thức.
Hơn nữa, Liên Hiệp Quốc cũng không muốn đưa ra những bản kế hoạch quá dài hạn, vì « điều này có thể… gửi đi thông điệp chính trị là… những người này sẽ còn ở lại đây lâu dài », điều mà tổ chức này không hề muốn.
Sau nhiều chỉ trích và áp lực từ quốc tế, tình hình tại bang Rakhine dường như đã có một số biến chuyển. Căng thẳng đã có dấu hiệu hạ nhiệt, song nhiều rắc rối vẫn tiếp diễn ở bang Rakhine.
Hôm nay, chỉ huy quân đội Miến Điện cáo buộc các chiến binh Rohingya là thủ phạm một vụ nổ bom trước một nhà thờ Hồi Giáo. Trong khi đó, một tổ chức bảo vệ nhân quyền lên án quân đội gây ra hỏa hoạn trong khu vực để ngăn cản những người tị nạn hồi hương.
Làn sóng tị nạn của người Rohingya bùng lên từ ngày 25/08, sau khi một số nhóm nổi dậy sắc tộc này tấn công vào nhiều trạm biên phòng Miến Điện. Liên Hiệp Quốc tố cáo chiến dịch « thanh lọc sắc tộc » của chính quyền Miến Điện nhắm vào cộng đồng Rohingya 1,1 triệu người, vốn bị cư dân Miến Điện 90% theo Phật Giáo coi là người nước ngoài. Người Rohingya được coi là một trong các sắc tộc bị truy bức nhất thế giới.
Thái Lan : Ba sĩ quan cảnh sát bị cáo buộc giúp bà Yingluck trốn thoát
Thụy My
Phó thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwon phát biểu trong một sự kiện tại miền nam Thái Lan ngày 06/04/2016.MADAREE TOHLALA / AFP
Phó thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwon hôm nay 23/09/2017 cho biết có ba sĩ quan cảnh sát đã giúp cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra đào thoát vào tháng trước, trong khi bà có nguy cơ lãnh án đến 10 năm tù giam.
Chính quyền Thái Lan đã thẩm vấn ba sĩ quan cảnh sát, sau khi tịch thu một chiếc xe hơi được cho là đã đưa bà Yingluck ra đến biên giới Cam Bốt, từ đó trốn sang nước khác.
Theo ông Prawit, ba sĩ quan này khai rằng đã nhận được lệnh giúp đỡ bà Yingluck đi trốn, và người ra lệnh là ở Thái Lan, nhưng ông từ chối nói rõ đó là ai. Phó thủ tướng Thái cũng nói rằng bà Yingluck không thông qua ngõ kiểm soát biên phòng chính thức để sang Cam Bốt.
Bà Yingluck Shinawatra, bị phe quân sự đảo chính năm 2014, đã biến mất vào hôm 25/8, đúng ngày bà phải ra tòa để nghe tuyên án, với cáo buộc đã gây thiệt hại cho ngân sách do chương trình trợ giá lúa cho nông dân.
Chính quyền quân sự khẳng định không biết bà có ý định đào thoát, trong khi bà Yingluck thường kêu ca là bị theo dõi sau vụ đảo chính.
Các nhà phân tích và báo chí kết luận là cựu thủ tướng đã thỏa thuận với chính quyền để có thể rời khỏi Thái Lan. Các tướng lãnh cầm quyền bác bỏ giả thiết này, nói rằng trách nhiệm là ở ngành cảnh sát.
Trước đó quân đội Thái khẳng định bà Yingluck đã đánh lạc hướng giám sát bằng cách thay điện thoại và xe hơi, trong những ngày trước khi bỏ trốn.
Các nhà phân tích cho rằng chính quyền quân sự có lợi trong việc này, để cựu thủ tướng không thu hút được cảm tình trong vai nạn nhân, trước một phiên tòa bị tố cáo là mang tính chính trị.
Phe ông Shinawatra luôn thắng trong các cuộc bầu cử từ năm 2001, nhưng giới tinh hoa, quân sự và tư pháp luôn hạ bệ các chính quyền của phe này bằng các vụ đảo chính, vì coi là mối đe dọa cho vương quốc.
Theo một số thông tin, bà Yingluck nay ở Dubai, nơi anh ruột là cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra đang sống lưu vong.
Sốt rét kháng thuốc từ Cam Bốt đang lan sang Việt Nam
Tú Anh
Muỗi anophèle, một trung gian truyền dịch sốt rét chính.Ảnh : Getty Images
Một loại ký sinh kháng thuốc chống sốt rét, phát hiện vào năm 2007 tại Cam Bốt, đã lan đến Việt Nam. Giới nghiên cứu kêu gọi hành động trước khi chủng mới lan đến Ấn Độ hay châu Phi.
Theo giáo sư Arjen Dondorp, đại học y khoa Mahidol, Bangkok, dạng sốt rét mới được phát hiện lần đầu tại miền tây Cam Bốt cách nay 10 năm đã lan đến Việt Nam, ở phía đông, như một « dây thuốc súng ».
Chủng sốt rét mới này cũng đã lan đến các vùng Hạ Lào, đông bắc Thái Lan và miền đông Miến Điện, theo bản báo cáo công bố trên tạp chí y khoa The Lancet vào tháng 02/2017 mà giáo sư Arjen Dondorp là đồng tác giả. Được AFP đặt câu hỏi, ông cho biết thêm Cam Bốt đã sử dụng thuốc trị liệu mới, nhưng chỉ hiệu nghiệm được hai năm. Do vậy Việt Nam cũng cần phải thay đổi.
Theo giới chuyên gia bệnh nhiệt đới, cho dù số người bị lây nhiễm hiện còn giới hạn, sự xuất hiện của một chủng mới gây sốt rét tại Đông Nam Á rất đáng lo ngại, vì có nguy cơ lan đến Ấn Độ và châu Phi.
Giáo sư Thái Lan Arjen Dondorp là người điều hợp chương trình Quỹ Thế Giới Chống Sốt Rét tại 5 nước đồng bằng sông Mêkông (Thái lan, Lào, Cam Bốt, Miến Điện và Việt Nam). Ông đề xuất cách trị liệu ở giai đoạn sớm nhất. Quỹ Thế Giới Chống Sốt Rét tung các nhóm y tế tới các làng mạc xứ chùa Tháp và bắt đầu hoạt động tại Việt Nam.