Tuesday, 2 January 2018

Các Ẩn Số Chánh Trị Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung của Nguyễn Ngọc Huy - VĨNH LIÊM

Thuở tôi còn thơ ấu – khoảng 8, 9 tuổI – Bà Nội tôi thường hay bắt tôi đọc sách cho Bà nghe. Lúc bấy giờ ở quê tôi chỉ có truyện Tàu và tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh mà thôi. Với trình độ lớp Tư, lớp Ba và tuổi trẻ ham thích vui chơi hơn là đọc sách nên tôi làm công tác đọc truyện một cách rất miễn cưỡng. Nay nghĩ lại, sau 25 năm mang nghiệp cầm bút, tôi mới phát giác ra một điều: Một cách vô tình Bà Nội tôi đã huấn luyện cho tôi sự yêu thích văn chương để rồi sa vào nghiệp viết lách mà chính Bà không hay biết (vì Bà quá vãng năm 1960, thọ 83 tuổi, trước khi tôi khởi sự viết đến 4 năm).
 
Vào thập niên 50, sách báo nói riêng và ánh sáng văn minh đô thị nói chung chưa xâm nhập tới thôn quê nên Nội tôi chỉ có Tam Tự Kinh, các truyện cổ tích, truyện Tàu và tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh là những món ăn tinh thần duy nhất mà thôi. Bà Nội tôi không biết chữ Quốc Ngữ, mà chỉ biết duy nhất chữ Nho nên phải nhờ tôi đọc giùm để bà thưởng thức. Tôi là đứa cháu Ðích Tôn duy nhất lúc bấy giờ (vì hai anh của tôi đã qua đời trước đó) nên Bà phải tận dụng sức lực và thì giờ rỗi rãi của đứa cháu cưng.
 
Các truyện Tàu lúc bấy giờ chỉ có Tam Quốc Chí, Ðông Châu Liệt Quốc và Tây Du Ký, nếu tôi nhớ không lầm. Nội tôi qúi trọng các truyện đó và bắt tôi đọc đi đọc lại nhiều lần cho Bà nghe mà Bà không thấy chán.
 
Như tôi đã nói ở trên, vì tánh ham chơi của tuổi trẻ nên tôi đọc truyện cho Bà nghe chỉ làm một công việc bất đắc dĩ; và vì đầu óc tôi hãy còn non nớt nên đọc chỉ là đọc, chứ không hiểu cốt truyện nói gì và cái hay của câu truyện ở chỗ nào.
 
Khi lên Trung học, tôi bắt đầu ham thích đọc truyện, nhưng không phải truyện Tàu, mà là các cuốn tiểu thuyết của Tự Lực Văn Ðoàn và các nhà văn Miền Bắc. Tôi đã bỏ quên sau lưng các truyện dài của Hồ Biểu Chánh, các quyển truyện Tàu dày cộm, và cả Tam Tự Kinh. Từ đó đến nay, tôi không có thì giờ để đọc lại các cuốn truyện đó nữa, dù là cuốn Tam Quốc Chí – một quyển truyện “gối đầu giường” của nhiều vị trí thức, và đã được các vị thức giả luận bàn mãi cho đến nay vẫn chưa cạn đề tài.
 
Vào cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70, các truyện kiếm hiệp của tiểu thuyết gia Kim Dung đã tràn ngập thị trường sách báo Miền Nam, ở đâu tôi cũng nghe thiên hạ luận bàn về Tiếu Ngạo Giang Hồ và Lộc Ðỉnh Ký. Tôi nghe như vịt nghe sấm vì tôi chưa hề đọc các truyện nói trên của Kim Dung. Tôi cũng yêu thích võ thuật (vì đã được ông thân sinh truyền lại vài bí quyết để phòng thân và cũng đã được quân đội dạy cho các thế tự vệ và thế tấn công) nhưng tôi lại không mấy thiện cảm với truyện kiếm hiệp và phim chưởng của Tàu, vì tôi nghĩ rằng hai loại đó quá bình dân, không thích hợp với thời đại “Buồn Nôn” của Jean Paul Sartre.
 
Mãi tới đêm hôm qua, sau khi đọc xong quyển “Các Ẩn Số Chánh Trị Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung” của Nguyễn Ngọc Huy, tôi mới phát giác ra một điều: “Văn chương Võ hiệp cũng có nhiều điều bổ ích”; và tự trách mình có tư tưởng không thức thời.
 
Tôi đọc cuốn “Các Ẩn Số Chánh Trị…” vì óc tò mò muốn tìm hiểu xem Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy đã viết cái gì trong đó. Sau khi xem qua Mục Lục và Lời Mở Ðầu, tôi bị lôi cuốn ngay, buộc phải đọc hết cuốn sách trong một đêm, bỏ dở các chương trình đã sắp đặt từ trước.
 
Tôi không lạ gì Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, một nhà thơ đã nổi tiếng từ thập niên 40 với bút hiệu Ðằng Phương, một nhà báo nổi tiếng với bút hiệu Ba Xạo, một nhà mô phạm đạo đức và một nhà ái quốc chân chính với tên thật Nguyễn Ngọc Huy. Những lần đàm đạo với Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, tôi được nghe ông ví von và dẫn chứng các nhân vật trong truyện Tàu, nhất là truyện Tam Quốc Chí, Ðông Châu Liệt Quốc, Tây Du, Phong Thần và Tây Hán Chí… Ðôi khi tôi cũng được nghe ông nhắc đấn các nhân vật trong Lộc Ðỉnh Ký hay Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung… Tôi nghe là để nghe vì phép lịch sự, nhưng thật ra trong lòng tôi thì không mấy thích thú vì tôi đã có sẵn thành kiến không mấy ưa thích truyện Tàu. Thành thật mà nói, Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy có giọng nói rất lôi cuốn người nghe. Văn viết và văn nói của ông như một, thể hiện tính tình dung dị và điềm đạm của ông, một nhà mô phạm và cũng là một nhà thơ.
 
Ðọc xong cuốn “Các Ẩn Số Chánh Trị…”, tôi có cảm giác như đang nghe ông nói chuyện bên tai. Lời văn bình dị, trong sáng, bố cục mạch lạc, kiến thức phong phú… làm người đọc cuốn sách của ông bị lôi cuốn từ trang đầu tới trang cuối. Những điều quan trọng mà tôi ghi nhận được từ cuốn sách này, xin ghi lại như sau:
 
1.   Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, qua cuốn sách “Các Ẩn Số Chánh Trị…”, đã đọc giùm độc giả hàng mấy chục nghìn trang tiểu thuyết của Kim Dung. Tôi không cần phải tìm đọc cuốn Tiếu Ngạo Giang Hồ mà cũng đủ biết nội dung cốt truyện như thế nào rồi.
 
2.   Cuốn sách “Các Ẩn Số Chánh Trị…” giúp cho độc giả nắm vững các địa danh xưa và nay của Trung Hoa, đỡ mất thì giờ tra cứu, mà nếu có tra cứu thì cũng chưa chắc tìm ra.
 
3.   Trong Lời Mở Ðầu, từ trang 10 tới trang 17, tác giả Nguyễn Ngọc Huy giúp cho người đọc hiểu được lịch sử Trung Hoa từ ngày lập quốc tới cận đại một cách tổng quan và dễ nhớ; nếu đọc lịch sử Tàu thì phải mất hàng năm mới thông suốt.
 
4.   Cách phân tích tâm lý các nhân vật trong tiểu thuyết Kim Dung, đem so sánh với các biến chuyển lịch sử thế giới, tiểu sử các nhân vật lịch sử trên thế giới… cho thấy rất ăn khớp với nhau.
 
5.   Kiến thức uyên thâm của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy về lịch sử và chính trị thế giới giúp cho người đọc có cái nhìn bao quát về các sự biến chuyển trên thế giới trong quá khư, để từ đó suy ra những gì sẽ xảy ra trong tương lai.
 
6.   Tâm lý, văn hóa, phong tục, nghệ thuật, võ thuật, chính trị, xã hội, tôn giáo… của người Trung Hoa được Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy phân tích một cách tỉ mỉ và khoa học, giúp cho người đọc hiểu rõ hơn về Trung Hoa.
 
7.   Các cuộc tranh bá đồ vương hay “luận võ trên đỉnh Hoa Sơn” giữa các võ phái cho thấy rằng ở trong chính trị các sự tranh chấp giữa các ý thức hệ cũng giống như thế. Ðiều nầy đã được chứng minh từ Ðệ I Thế Chiến cho đến nay.
 
8.   Những điều khám phá độc đáo của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy qua các nhân vật tiểu thuyết của Kim Dung là những điều vô cùng hữu ích, giúp cho những người Việt Quốc Gia thực hiện công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc khỏi ách Cộng Sản có cái nhìn sâu rộng hơn về thời cuộc quốc tế.
 
9.   Các thông điệp chính trị của Kim Dung đáng làm kim chỉ nam cho những người tranh đấu chính trị hiện nay, phải vì quyền lợi dân tộc và đạo lý mới đem lại hạnh phúc cho con người và phải biết hạn chế mục tiêu của mình (tức quốc gia) để đừng đụng chạm đến quyền lợi của quốc gia khác.
 
10. Người đi làm cách mạng hiện nay phải hội đủ các yếu tố Ðạo Ðức Cách Mạng, như: tinh thần xung phong, tinh thần phóng khoáng,  tinh thần khoan dung, tinh thần hào phóng, và đặc biệt tránh lừa thầy phản bạn.
 
Chắc chắn cuốn sách “Các Ẩn Số Chánh Trị…” của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy còn nhiều điều hữu ích khác nữa mà người viết bài này, trong một thời gian hạn hẹp, không thể nào khám phá hết được. Gấp quyển sách lại, người đọc vẫn còn muốn đọc lại và sự thích thú dường như không bao giờ tan.
 
Cuốn sách “Các Ẩn Số Chánh Trị…” đã được tái bản lần thứ 2 năm 1988 vì đã được độc giả hoan nghênh và yêu cầu, điều nầy cho thấy rằng  giá trị của cuốn sách như thế nào rồi! Các nhà văn, nhà báo, học giả… thật không bỏ công nhận định cuốn sách này vậy!
 
(Ðức Phố, 12-10-1989)
 

VĨNH LIÊM