Sunday, 14 January 2018

Phim VIETNAMERICA được đón chào nồng nhiệt tại 9 thành phố Úc & Tân Tây Lan

Phim VIETNAMERICA Thành Công Bất Ngờ
                  Tại Adelaide Vườn Thượng Uyển Của Nam Úc

•          Nhà Thờ Đức Mẹ Thuyền Nhân duy nhất trên thế giới
·                  Buổi chiếu phim với nhiều cảm xúc tại Bắc Úc (Northern Territory)
•          Cuộc trùng phùng cảm động của thuyền nhân tàu mang số HR 061236
·       Bản tin VAHF. Hình do Bùi Ngọc Triển thực hiện

Inline image 1Inline image 2

LTG: Đáp ứng lời mời của Cộng Đồng Người Việt Tự Do Liên Bang Úc, hội Bảo Tồn Lịch Sử Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt (VAHF) đã thực hiện một vòng trình chiếu phim VIETNAMERICA tại 9 thành phố tại úc và Tân Tây Lan với sự hỗ trợ nhiệt tình của Cộng Đồng các tiểu bang Úc và một số ân nhân. Để ghi lại những buổi gặp gỡ hiếm hoi giữa một tổ chức hoạt động trong lãnh vực giáo dục và văn hóa tại Hoa Kỳ và đồng hương tại Úc qua chuyến trình chiếu phim đặc biệt này, một số người trong đoàn chiếu phim đã cùng nhau ghi lại những gì mắt thấy, tai nghe và những cảm xúc của họ về chuyến đi hầu chia sẻ với đồng hương khắp nơi về một cộng đồng đầy sức sống với những thành quả của cá nhân cũng như đoàn thể khiến người bản xứ phải kiêng nể, kính phục. Chuyến đi dài hơn 3 tuần lễ nên chúng tôi xin chia bút ký thành nhiều bài để bạn đọc tiện theo dõi.
                                                                             


Adelaide, thành phố tốt nhất để sinh sống trên thế giới

Adelaide là thủ đô của tiểu bang Nam Úc (South Australia- thường được viết tắt là SA); tiểu bang nằm tại vùng trung Nam châu Úc có diện tích gần gấp 3 lần diện tích nước Việt Nam nhưng dân số chỉ gồm trên 1.7 triệu người, trong đó ¾ tổng số dân, tức là 1.3 triệu người sinh sống tại thủ đô Adelaide.  Adelaide với nhiều nhà thờ cổ có những tháp nhọn do ảnh hưởng lối kiến trúc của Đức, vùng bắc Âu nên có người gọi Adelaide là thành phố của nhà thờ. Adelaide có 3 Đại học nổi tiếng trên thế giới là Adelaide University, South Australia University và Flinders University, thêm vào các dinh thự của chính quyền Nam Úc khiến Adelaide có cái nét đẹp cổ kính, trang nghiêm của một viện bảo tàng. Trong nhiều năm, từ năm 2011-2013 Adelaide đã được chọn là thành phố tốt nhất trên thế giới để sinh sống nhờ khí hậu ôn hòa, đời sống bình yên, và giá sinh hoạt không quá đắt đỏ. Nhưng trong vòng khoảng 5 năm qua, với sự phát triển kinh tế hướng về ngành y tế và chế tạo vũ khí rất phát đạt nên giá nhà cửa ở đây đã nhẩy lên cao gấp đôi và ở một vài vùng lên gấp ba. Một nguyên do khác khiến giá nhà đất tăng vùn vụt là sự có mặt của những người Tàu đến từ Trung Cộng, những người có đầy túi tiền mua nhà đất bằng mọi giá. Họ không chỉ mua nhà cửa, đất đai mà còn mua cả những viên chức chính phủ để gây ảnh hưởng. Mới đây, quốc hội và chính phủ Úc đã ra những đạo luật trừng phạt gắt gao những viên chức nhận hối lộ để lấy đặc quyền, đặc lợi cho những kẻ dùng đồng tiền để khuynh đảo đất nước này.

Inline image 3 Inline image 4

Hình trái: Công trường Victoria tại khu trung tâm thủ đô Adelaide (Hình từ internet). Hình phải: Cổng tam quan lối vào chính của văn phòng Cộng đồng Người Việt Tọ Do Nam Úc.

Adelaide còn là quê hương thứ hai của trên 18,000 người Việt. Trong đó khoảng hơn 95% là người Việt tị nạn CS. Phần lớn là những thuyền nhân. Họ đến đây đông đảo nhất vào các thập niên 80 và 90. Người Việt nói chung sống rải rác khắp thành phố nhưng tập trung nhiều ở phía Tây và phiá Bắc với nhiều cơ sở thương mại và văn phòng chuyên môn. Sinh hoạt tôn giáo có Cộng đoàn Công giáo với 5 công đoàn: Đức Mẹ Thuyền Nhân, Mông Triệu, Thánh Tâm, Phao lô và Đức Mẹ Vô Nhiễm. Phật giáo có 4 ngôi chùa: Pháp Hoa, Quan Âm, Hoàng Pháp và Bắc Linh. Có Thánh Thất Cao Đài, Chùa Phật Giáo Hòa Hảo. Về hội đoàn có Cộng đồng Người Việt Tự Do Nam Úc trực thuộc Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu, các hội Cựu Quân Nhân VNCH và một số hội đoàn hoạt động về văn hóa, giáo dục như các trường dạy tiếng Việt.

Ban Tân Chấp Hành Cộng Đồng bất ngờ trước sự tham gia đông đảo của đồng hương

Đón phái đoàn chiếu phim VIETNAMERICA  tại phi trường Adelaide vào khoảng 4 giờ chiều, cô Bích Trâm, phó chủ tịch ngoại vụ và phụ tá Hồ Thái Phụng của Tân Ban Chấp hành Cộng Đồng Người Việt Tự Do Nam Úc, đã có mặt tại đây. Sau những lời giới thiệu và bắt tay chào mừng, Bích Trâm cho biết cô và Ban Tân Chấp hành mới nhậm chức được hơn một tuần nay và mới được bàn giao chương trình chiếu phim từ ông cựu chủ tịch Tín Lê nên Ban Tân Chấp hành đã chạy nước rút trong 10 ngày qua để lo cho việc tổ chức chiếu phim .

Trụ sở Cộng đồng Nam Úc tại Adelaide tại số 62 Athol St. Athol Park, rất rộng rãi và khang trang trong khu phố sầm uất. Hai bên hàng rào của trụ sở có trồng những hàng cây bách của Ý (Italian Cypress) cao vút, và cây dừa kiểng xanh tươi, đẹp mắt. Nơi đây là nơi hội họp, tổ chức các lễ hội và một phần dùng làm nhà hàng bán phở để gây quỹ sinh hoạt cho Cộng đồng. Vừa đến nơi, đoàn chiếu phim được ông Tân chủ tịch Nguyễn Văn Phụng, một nhà giáo, và Ban chấp hành ra chào đón niềm nở. Ca sĩ Ngọc Long bắt tay ngay vào việc thử máy chiếu phim với nhóm kỹ thuật gồm có anh Phương Đằng, Linh Đằng và Vũ Bình Nguyên Long. Anh Bùi Triển và John Hòa được một số các anh chị trong Ban Chấp hành Cộng Đồng giúp một tay để dựng cấp tốc tấm bích chương (backdrop) tri ân các nhà bảo trợ và hỗ trợ cho vòng chiếu phim tại Úc và Tân Tây Lan, vừa xong thì khách bắt đầu đến.

Inline image 5 Inline image 6
Hình trái từ phải: chủ tịch Nguyễn Văn Phụng, Sơ Niên Trần, nhà sản xuất Nancy Bùi, tiến sĩ Đặng Thiệu, anh John Hòa Nguyễn, anh chị Vũ Đức Tuynh. Hình phải: Ban kỹ thuật từ trái anh Vũ Bình Nguyên Long, anh Linh Đằng, và anh Phương Đằng.

Gần  400 ghế trong hội trường đã được ngồi đầy, một số ghế cũng được sắp thêm. Quan khách gồm đại diện các tôn giáo, hội đoàn và một số khách người Úc. Sự lo lắng trên gương mặt của Ban Chấp hành đã thay bằng những ánh mắt vui mừng vì sự hưởng ứng nhiệt tình của đồng hương. Ông chủ tịch Phụng cho chúng tôi biết anh chị em trong Ban Chấp hành và ông cuối tuần trước đã đi dán bích chương và đích thân đi quảng bá khắp nơi cho buổi chiếu phim, nay bà con đến đông, thật vui và bất ngờ.

Inline image 7Inline image 8
Hình trái: Ban tiếp tân. Từ trái: Lily Quỳnh Hoan, Long Nguyễn. Từ Vân, Thu Hương, Hồ Thái Phụng. Hình phải: Hai vị cao niên vui mừng vì mua được DVD cho con cháu xem.

Lời cám ơn của các phụ huynh trẻ

Nghi lễ chào cờ và khai mạc với sự điều hành của MC Bích Trâm. Trong diễn văn chào mừng quan khách của ông chủ tịch Nguyễn Văn Phụng đã chia sẻ: người Việt tại Úc đã có những nỗ lực trong việc giáo dục con em học tiếng Việt và tìm hiểu lịch sử và văn hóa Việt Nam. Kinh phí hàng năm cho lớp dạy tiếng Việt của Adelaide một phần do chính quyền tiểu bang tài trợ lên tới trên $700,000 Úc kim nên số đông trẻ em người Úc gốc Việt tương đối nói và viết được tiếng Việt. Dù thế nhưng việc hiểu sâu sắc về cuộc chiến Việt Nam và lịch sử của người Việt tị nạn, các em cũng chưa nắm vững vì ảnh hưởng những tuyên truyền của CS và phe phản chiến. Ban Chấp Hành Cộng đồng Nam Úc rất vui mừng đón chào phái đoàn chiếu phim đoàn phim VIETNAMERICA với hy vọng cuốn phim sẽ góp phần vào việc soi sáng lịch sử cho những người trẻ.  Ông Tín Lê, cựu chủ tịch cũng phát biểu về những cố gắng của Ban Chấp Hành tiền nhiệm đã làm việc với Cộng Đồng Liên Bang để mời đoàn chiếu phim về Adelaide trong những ngày bận rộn với cuộc bầu cử vừa qua. Ông cám ơn sự hưởng ứng của đồng hương và chúc buổi chiếu phim thành công
Bà Nancy Bùi đã chia sẻ với quan khách về quá trình làm phim VIETNAMERICA cũng như những thành quả của cuốn phim và mong mỏi quan khách ở lại sau khi chiếu phim để đóng góp ý kiến xây dựng.

Nhân dịp này hội VAHF trao tặng ông Chủ Tịch Nguyễn Văn Phụng và Cộng Đồng Nam Úc một tấm plaque tri ân.

Ca sĩ Ngoc Long và Ban kỹ thuật bắt đầu chiếu phim. Quan khách yên lặng chăm chú theo dõi phim trong 90 phút. Khi phim chấm dứt, gương mặt mọi người còn đầy nét xúc động. Những tràng pháo tay nồng nhiệt vang lên.

Inline image 9 Inline image 10

Hình trái: chủ tịch Nguyễn Văn Phụng đọc diễn văn chào mừng. Hình phải: Quan khách đông đảo đầy hội trường.

Phần thảo luận hỏi đáp do MC Bích Trân điều hợp với các thảo luận viên Tiến sĩ Đặng Thiệu, anh John Hòa Nguyễn và nhà sản xuất Nancy Bùi, đã được nhiều người tham gia. Một số câu hỏi của khán giả đề nghị thêm vào phim những trận đánh nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam. Một số khác đề nghị giải thích thêm về lý do tại sao người Mỹ có mặt trong cuộc chiến tranh. Một số khác mong hội VAHF quảng bá sâu rộng hơn để nhiều người biết mà ủng hộ và mong mỏi hội tiếp tục việc làm phim.

Inline image 11 Inline image 12 Inline image 13    
Hình trái: phó chủ tịch Ngoại vụ kiêm MC Bích Trâm Vũ đang phối trí buổi thảo luận hỏi đáp. Hình giữa: Anh John Hòa, nhà sản xuất Nancy Bùi và Tiến sĩ Đặng Thiệu làm thuyết trình viên, Hình phải: Giới trẻ tham gia nhiệt tình.

Một số phụ huynh trẻ có con tuổi trung học và bắt đầu vào Đại học đã cám ơn nhà làm phim và Ban Tổ chức đã làm ra và đưa cuốn phim về đây để giúp họ có thêm tài liệu giải thích với con cái về chiến tranh Việt Nam cũng như lý do cha mẹ các em phải bỏ nước ra đi. Một phụ huynh đã phát biều: “Sự thật thì có vui, có buồn, nhưng sự thật luôn vẫn là sự thật mà các em cần được biết để trân quý”.

Inline image 14 Inline image 15
Hình trái: một phụ huynh trẻ phát biểu ý kiến. Hình phải:Tiến sĩ Đặng Thiệu ( bên phải) giải đáp thắc mắc cho một bà mẹ trẻ và con gái.

Giới thiệu phim VIETNAMERICA vào Hệ thống trường Công Giáo tại Giáo phận Adelaide

Sơ Niên Trần, Giám Đốc văn Phòng Đa Văn Hóa của Địa phận Công Giáo Adelaide đã nói lên sự vui mừng của Sơ khi xem phim VIETNAMERICA. Theo Sơ, đây là tài liệu rất tốt để giúp giới trẻ hiểu biết về nguồn gốc của mình.  Sơ đề nghị Cộng Đồng Úc tìm cách vận động để phim được trình chiếu trên hệ thống đài truyền hình SBS của Úc. Riêng Sơ, Sơ sẽ giới thiệu cuốn phim tới tất cả các trường Công giáo tại Adelaide.

Được biết, ngoài hệ thống trường công lập của chính phủ Úc, một số các tôn giáo cũng có các trường học.  Riêng Giáo phận Công giáo Adelaide có trên 100 trường từ tiểu học, trung học,  đến Đại học. Những trường này đã có từ lâu đời và rất có uy tìn.

Buổi chiếu phim tại Bắc Úc với nhiều nước mắt của khán giả Việt-Úc

Cũng trong buổi tối ngày 2 tháng 12, một buổi trình chiếu phim VIETNAMERICA tại Bắc Úc (Northern Territory) do ông chủ tịch chủ tịch Cộng Đồng Hiếu Hoàng và Ban Chấp Hành tổ chức vào lúc 7 giờ tối. Không thể có mặt cùng một lúc tại hai địa điểm chiếu phim nên chủ tịch Cộng đồng Liên bang Nguyễn Văn Bon và nhà sản xuất Nancy Bùi đã chào mừng buổi chiếu phim qua đường giây viễn liên. Ông chủ tịch Hiếu Hoàng sau đó đã cho biết với hơn 100 khán giả; một nửa là người Việt, nửa còn lại là người Úc, ai cũng không cầm được nước mắt vì xúc động. Một buổi quyên góp chớp nhoáng tại chỗ thu được $1,000 Úc Kim đã được chuyển tới hội VAHF để giúp hội tiếp tục những chương trình làm việc kế tiếp.

Chóng mặt với lối lái xe bên trái, nhường trái, vượt phải
Nông dân Việt Nam tại Úc cung cấp ¾ nhu cầu rau xanh của Úc châu

Hai ngày sau đó phái đoàn đã được hướng dẫn đi thăm thành phố Adelaide và sinh hoạt của người Việt tại đây.

Anh Bùi Triển và anh Ngọc Long có dịp thử tài lái xe bên trái và hai anh đều chóng mặt với những khác biệt mặc dù những lời nhắn nhủ của chị Phúc An tại Melbourne như vẫn nằm lòng: “quẹo phải, ôm trái”, “nhường trái”, “vượt phải”…và trên đồng hồ xe, công ty cho mướn xe biết sẽ có những người đến từ những quốc gia lái xe bên phải nên đã phải dán mũi tên với hai chữ màu vàng to tướng “KEEP LEFT”(giữ bên trái). 

 Anh chị Vũ Đức Tuynh - anh Tuynh là một nhà giáo và còn là nhà báo cộng tác với báo Nhân Quyền Úc Châu- tự nguyện lái xe đưa phái đoàn đi thăm vườn cà chua của vợ chồng trẻ Huy & Thúy tại vùng Virginia, ngoại ô của Adelaide. Cô Thúy từng định cư tại Atlanta, Hoa Kỳ. Thúy lập gia đình với Huy nên sang đây sinh sống. Cả hai vợ chồng tiếp nối sự nghiệp vườn cà chua của ba anh Huy, một cựu Thiếu tá VNCH. Diện tích vườn không rộng lắm nhưng với phương pháp thâm canh với 65,000 gốc cà chua được trồng trong những lều được bọc kín bằng vải trắng sắp theo hàng dài tăm tắp. Từng chùm cà chua da xanh, hồng, đỏ bóng lộn, sai oằn trên những dây cà chua được nâng đỡ bởi một hệ thống giây cột chằng chịt, khiến người xem cảm nhận được sự trù phú của nhà vườn. Anh Huy đang bận rộn với hai người giúp việc trong xưởng lo việc lựa cà chua theo kích thước to nhỏ trên một cái ròng rọc và chất vào những thùng bằng ny lông có lỗ thông thoáng để rửa và chờ ráo trước khi vào thùng chờ mối lái đến mua. Cô Thúy cho biết với 65,000 gốc cà chua; mỗi gốc cho 2kg, mỗi ký bán sỉ khoảng $2 Úc kim thì lợi tức của một mùa dài 6 tháng là khoảng $125,000 Úc Kim. Một Úc kim đổi được 75 xu tiền Đô la.

Inline image 16 Inline image 18
         Hình trái; cô Thúy (thứ hai từ trái) đang giải thích cho phái đoàn về cách trồng cà chua 

Theo Huy và Thúy thì công việc không nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự chăm sóc liên tục để cây trái không bị sâu bệnh nên công việc nhà nông rất bận bịu. Với tuổi gần tới 50, hai người đang mong có thể về hưu trong vài năm tới. Cũng theo lời chia sẻ của Huy & Thúy thì giới trẻ Việt Nam tại Úc không mấy thích nối nghề nông nghiệp của cha mẹ, Các em thích ở trong thành phố, học các ngành nghề chuyên môn như kỹ sư, bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, luật sư và khoảng 15 năm trở lại đây giới trẻ Úc rất thành công trong các lãnh vực này.

Anh Tuynh cho biết, nông dân Việt Nam tại Úc cung cấp ¾ nhu cầu rau xanh cho toàn dâu Úc. Thật là một điểm son đáng hãnh diện cho nông dân Việt tại Úc Châu. Nông trại của ho thường nằm tại những vùng ven đô, họ trồng cà chua, dưa leo, ớt, rau cải bắp, một số các rau cho thị trường Á châu như cải ngọt, cải bẹ xanh, rau thơm đủ loại.

Inline image 19 Inline image 20
Hình trái: cà chua đang được lựa theo kích cỡ lớn nhỏ qua hệ thống ròng rọc. Người đứng bên phải là anh Huy, chủ vườn. Hình phải. Hai nhân viên đang đóng cà chua vào thùng

Vào buổi tối, anh Đỗ Đăng Liêu một quan khách xem phim VIETNAMERICA đã mời đoàn chiếu phim và Ban Tổ chức đến tư gia thưởng thức món trừu và kangaroo nướng do chính tay anh làm thật ngon và lạ. Bữa tiệc ngoài vườn với cơn mưa lạnh lất phất, một đống củi được đốt lên làm lửa trại tại giữa vườn khiến bữa tiệc thêm ấm cúng. Những câu chyện kể, những tranh luận về thời cuộc, những tâm sự về thế thái nhân tình đã đem lại những cảm thông giữa những người bạn mới quen và niềm an ủi khi biết được đất nước dù còn trong vòng tăm tối nhưng đã và đang có rất nhiều người Việt Nam từ Bắc bán cầu xa xôi như Alaska, tới vùng Nam cực như tại Úc này còn có những trái tim yêu thương và thổn thức cho quê hương Việt Nam.

Cuộc trùng phùng bất ngờ của thuyền nhân tàu mang số HR 061236

Sáng hôm sau là ngày Chủ Nhật, một số anh chị đi lễ tại nhà thờ Đúc Mẹ Thuyền Nhân, ca sĩ Ngọc Long đã đượp gặp lại anh Thanh Nguyễn, chị Mai, anh Cường là những người đi cùng ghe với anh; chiếc ghe mang số HR 061236. Ca sĩ  Ngọc Long trong bài “Hành Trình Vượt Thoát” do anh viết cách đây nhiều năm kể lại chuyến vượt biên của anh và 35 bạn đồng hành đã giải thích: HR là 2 chữ viết tắt của tên giàn khoan Hurricane đậu ngoài khơi Nam Dương đã cứu con tàu của anh. 06 là tháng và 12 là ngày được cứu, và 2 số cuối 36 là tổng số người trên tàu . Năm đó là năm 1981 khi anh, một sĩ quan tác chiến mới ra trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức được vài năm. Ba anh, một sĩ quan Hải Quân thâm niên cũng vừa đi học tập về. Còn người anh cả cũng là sĩ quan còn đang phải học tập. Cả gia đình gồm mẹ và 9  anh chị em còn lại đã phải rời bỏ thành phố Nha Trang đến vùng kinh tế mới Dương Minh Châu sống những ngày đói khổ, thiếu thốn và bệnh tật. Họ đã bị đẩy vào đường cùng và vì biết rằng không thể sống yên dưới chế độ mà nhà cầm quyền luôn coi mình như kẻ thù phải triệt hạ bằng mọi cách, mẹ anh đã vét tất cả những đồng tiền cuối cùng để lo cho anh, ba anh và người em trai đi trong chuyến đi này. Gọi tàu là ghe bởi vì quả thực nó chỉ là chiếc thuyền nhỏ dùng để đi trên sông hay vùng ven biển, với chiều dài 8m rộng 1.8m nên chất vào 36 người cũng không khác gì việc đóng cá hộp. Nhưng vào thời ấy, đó là tất cả những gì những thuyền nhân này có được để nếu may mắn họ tìm được vùng đât tự do nào đó, bắng không, nó sẽ trở thành nấm mồ tập thể cho 36 mạng người.

Inline image 21 Inline image 22
Hình trái: Con tàu mang số HR061236. Hình phải 36 thuyền nhân sống sót chụp hình kỷ niệm tại trại tị nạn Galang. Hàng đứng thứ hai từ trái: anh Cường, chị Mai, anh Thành Nguyễn. Anh Ngọc Long ngồi hàng 2, thứ 5 từ phải. (hình do Thành Nguyễn cung cấp

Niềm vui òa đến với 4 người trong cuộc gặp gỡ hi hữu này. Cách đây 5 năm, anh Ngọc Long, anh Thành và chị Mai có đến New Orleans để dự ngày hội ngộ của tàu HR061236. Nhưng với anh Cường và anh Long thì đã 36 năm không gặp. Họ ôm lấy vai nhau cười ra nước mắt. Họ nhắc lại những cảnh vật vã trên chiếc ghe chật như cá đóng hộp, phát xuất từ Cửa Búa, Hải Sơn, Vũng Tàu, bị rách nát tả tơi ngay từ ngày đầu vì sóng gió, vì bị rượt đuổi và bị trấn lột bởi công an biên phòng, và cảnh vừa ói mửa, vừa tát nước để tàu không bị chìm. Có người đã muốn quay đầu trở lại nhưng nhờ quyết tâm của tài công là anh Long và nhờ kinh nghiệm đi biển của ba anh với chiếc địa bàn cũ rich và chiếc ống nhòm kiểu dành cho trẻ em chơi, chiếc ghe cũng đã đến được giàn khoan Hurricane và được cứu đưa về đảo KuKu và rồi đảo Galang, Nam Dương. 36 người cuối cùng đã được định cư tại 6 quốc gia Khác nhau: Mỹ, Úc, Pháp, Đức, Hòa Lan, Canada. Họ cũng nhắc đến một người bạn cùng ghe nay đã trở thành LM. Phạm Quốc Hưng thuộc Dòng Chúc Cứu Thế. Anh chị Thành & Mai nhờ đi cùng ghe nay đã nên duyên vọ chồng. Anh Cường đến Úc, cũng đã lập gia đình. Anh Ngọc Long cũng tìm được ý trung nhân là chị Dung tại trại tị nạn Galang để cùng nắm tay nhau đi hết cuộc đời. Chưa có một  thống kê ghi nhận đã có bao nhiêu thuyền nhân đi cùng ghe, hay ở cùng trại tị nạn đã thành vợ chồng, mọi người chỉ biết là có rất nhiều mà thôi.
Buổi trưa hôm ấy anh chị Thành & Mai và anh chị Cường nhất định mời phái đoàn về nhà, đãi món “bò né” quấn bánh tráng với món xoài thơm và ngon của Úc làm món tráng miệng. Những ly rượu vang cụng nhau canh cách, niềm vui hội ngộ sau nhiều năm tháng.

Inline image 23 Inline image 24

Hình trái: từ trái hàng ngồi: anh Cường, anh Thành Nguyễn, anh Ngọc Long. Hàng đứng từ phải: chị Mai và chị Cường. Hình phải: Bữa tiệc hội ngộ tại nhà anh chị Thành & Mai.

Nhà thờ Đức Mẹ Thuyền Nhân duy nhất trên thế giới

Sáng hôm sau phái đoàn đến thăm cha chánh xứ nhà thờ Đức Mẹ Thuyền Nhân, Đức Ông Phaolô Nguyễn Minh Tâm nguyên là một thuyền nhân. Phải nói với hơn 2 triệu thuyền nhân Việt Nam dùng đường biển tìm tự do và hiện nay cựu thuyền nhân đang định cư tại gần 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có rất đông đảo thuyền nhân là người công giáo, nhưng đây là ngôi thánh đường duy nhất trên thế giới ghi dấu một giai đoạn lịch sử đầy đen tối của quê hương Việt Nam. Trên những con thuyền rách nát tả tơi, trước sóng gió, đói khát, hải tặc và sự xua đuổi của các nước làng giềng không còn nhận thuyền nhân trong nhiều thập niên, biết bao nhiêu thuyền nhân, dù theo đạo Công giáo hay không, họ đã kêu cầu Đức Mẹ để được che chở, cứu vớt nên đích thực đã có Đức Mẹ Thuyền Nhân và Đức Mẹ đang được vinh danh tại đây? Cha cựu chánh xứ Augustine Nguyễn Đức Thụ đã đặt tên cho nhà thờ và được sự phê chuẩn của Đức Tổng Giám Mục Phillip Wilson. Tại Giáo phận Adelaide nhà thờ Đức Mẹ Thuyền nhân là nhà thờ chính với khoảng gần 3,000 giáo dân.

Đức Ông đã tiếp đoàn chiếu phim trong ngày thứ hai là ngày nghỉ. Đức Ông chia sẻ chuyến vượt biên hãi hùng của ngài và các bạn đồng hành, về chương trình xây cất thánh đường mới cho nhu cầu tăng trưởng của cộng đoàn và chụp hình chung với phái đoàn trước đài Đức Mẹ thuyền nhân làm kỷ niệm. Đức Ông cũng mong được xem phim VIETNAMERICA và đang cứu xét việc tổ chức buổi chiếu phim cho giới trẻ trong cộng đoàn.

 Inline image 25 Inline image 1
Hình trái: Đức ông Phaolo Nguyễn Minh Tâm (ngồi cuối bên phải) tiếp phái đoàn tại văn phòng Giáo xứ Đức Mẹ Thuyền Nhân. Hình phải: Đức Ông chụp hình kỷ niệm với phái đoàn tại đài Đức Mẹ Thuyền Nhân.

Vườn thượng uyển của Adelaide và những người bạn mới quen

Buổi trưa hôm ấy, sau bữa cơm thịnh soạn do anh chị Huỳnh và Ái Mỹ thiết đãi tại khu phố Tàu thuộc trung tâm thành phố Adelaide, cùng với chị Đàm Bùi và một người khách đặc biệt, Luật sư trẻ Trần Kiều Ngọc, chủ tịch Phong Trào Giới Trẻ Việt Nam Thê Giới, đã tạm gác việc văn phòng luật sư để hướng dẫn phái đoàn đi hái dâu (strawberry) tại Adelaide Hills, thuộc thành phố ven đô Hahndorf, nơi nhóm di cư người Đức đã định cư tại đây vào những năm đầu khi tiểu bang được thành lập. Đường đi tới khu vườn dâu có những khu nhà sang trọng với những vườn cảnh được trồng tỉa tuyệt đẹp, những hàng phượng vĩ đỏ rực rỡ và phượng tím thơ mộng hai bên đường, những đồi, thung lũng xanh tươi, điểm hoa khoe đủ màu sắc.  Adelaide Hills quả là một vườn thượng uyển mỹ miều của Nam Úc.

Ruộng dâu mà phái đoàn đến thăm để hái những trái dâu đỏ thẫm, có những trái dâu lớn gần bằng bàn tay có thể ăn ngay tại chỗ. Cắn ngập răng vào trái dâu căng phồng, chất ngọt và thơm của quả dâu tan ra trong miệng. Phải nói chúng tôi chưa có dịp nào được ăn quả dâu ngon như ở đây. Phái đoàn ai cũng khiêng vác đầy  giỏ. Tới khi ra đến cổng để cân dâu, trả tiền mới thấy rát ruột. Khách phải trả tiền vé $9 một người, khách hái dâu và ăn trong vườn tùy sức, nhưng nếu hái đem về, nhà vườn tính $9 Úc kim một ký lô. Tính ra rau quả và thực phẩm của Úc đắt đỏ nhiều so với Mỹ. Một trái chanh nhỏ tại Melbourne giá 1 Úc kim trong khi tại Mỹ, vào mùa hè, $1 Đô la có thể mua 15 trái. Mùa đông giá mắc hơn cũng có thể mua 3-5 trái. Có thể vì lý do này mà nhìn chung người Úc không có nhiều người bị bệnh béo phì như tại Mỹ hay chăng?

  Inline image 2 Inline image 3 Inline image 4

Hình chụp trước vườn dâu Beerenberg. Hình trái từ trái: ca sĩ Ngọc Long, Ts. Đặng Thiệu, Trần Kiều Ngọc, Đàm Bùi, Lily Quỳnh Hoan, Nancy Bùi, Bùi Triển, Long Nguyễn, Tú Vân, Nghĩa. Hình giữa: chị Long Nguyễn đang thưởng thức trái dâu chín đỏ. Hình phải: Kiều Ngọc và Nancy Bủi.

Những câu chuyện của các anh chị hướng dẫn viên và phái đoàn như không dứt. Họ chia sẻ với nhau về đời sống, về những chuyến đi tìm tự do đầy máu và nước mắt, về những khó nhọc của những ngày đầu định cư, về quê hương, đất nước vẫn đang đắm chìm trong bàn tay sắt máu của cộng sản, về những tù nhân lương tâm, những người mẹ trẻ đang bị tù đày, về việc làm thế nào để có nhiều hơn những người trẻ hải ngoại quan tâm đến sự tồn vong của đất nước, xem nỗi đau bị ức hiếp, đọa đày của người dân trong nước là nỗi đau của chính các em?

Buổi tối, anh chị Vũ Đức Lâm, hai vị quan khách xem phim VIETNAMERICA đã tiễn phái đoàn chiếu phim bằng một bữa cơm thân mật tại nhà hàng Phương Yến Palace cùng với Ban Chấp hành Cộng đồng Adelaide và một số cựu chủ tịch Cộng đồng và thân hữu. Bữa cơm thân mật còn được giúp vui bởi giọng hát ngọt ngào của anh Cường và bài hát cô đầu Hồng, Hồng Tuyết Tuyết của chị Quỳnh Hoan. Mọi người bịn rịn như không muốn chia tay.

  Inline image 5 Inline image 6 Inline image 32
Hình trái: Ông chủ tịch Phụng nói những lời chia tay. Hình giữa: Các chị chụp hình lưu niệm. Hình phải anh Vũ Đức Lâm bày tỏ tấm lòng.

Xin chào Adelaide và cám ơn tất cả

 Ngày 5 tháng 12, phái đoàn phải dậy từ 3 giờ sáng để ra phi trường vào lúc 4 gờ cho kịp chuyến bay của hãng Virgin Australia lúc 6 giờ sáng để đến Sydney. Anh Huỳnh, chị Ái Mỹ, anh Cường và chị Đàm đã đến đón phái đoàn và đưa ra phi trường. Phi trường hôm ấy đã có trên 30,000 người từ khắp nơi đổ về Adelaide để xem một trận giao đấu giữa hai đội banh nổi tiếng của Úc và hôm nay họ ra về cùng một lúc. Phái đoàn đi tiễn cùng đứng trong hàng người dài như bất tận để qua cửa an ninh, rồi vào tận cửa hành lang của máy bay (điều này không còn xảy ra tại Hoa Kỳ từ sau biến cố 911). Những cái vẫy tay bịn rịn, những lời chúc tốt đẹp nhất và lời hẹn sẽ gặp nhau tại Austin của chị Đàm Bùi khiến cuộc chia tay với Adelaide đầy ắp những cảm xúc và kỷ niệm.

Xin cám ơn: Bích Trâm, cháu Anh Thư, gia đình anh Nhu, anh chị Cường và cháu Kha, đã mở cửa đón tiếp phái đoàn tại nhà trong suốt 3 ngày, các chị Hương, Đàm, Nguyệt, Khâm, Thúy, Bạch Nga lo ẩm thực, Thu Hương, Thái Phụng giúp việc tiếp tân, quý anh Phương Đằng, Linh Đằng, Long Nguyễn giúp ban kỹ thuật,  quý bác và quý anh chị Nhu, anh chị Lâm, anh chị Tuynh, anh Liêu, anh chị Huỳnh, Ái Mỹ, chị Đàm, anh chị Cường, Trần Kiều Ngọc, và tất cả những người đã đưa đón, hướng dẫn phái đoàn đi thăm thủ đô Adelaide và trên hết là Ông bà chủ tịch Nguyễn Văn Phụng và Ban Chấp hành Cộng Đồng Người Việt Tự Do Nam Úc đã tiếp đãi phái đoàn bằng tấm thịnh tình và đã dành cho phái đoàn những tình cảm nồng ấm nhất.

Xin kính chào Adelaide và cám ơn tất cả!

Inline image 33 Inline image 34
Hình trái: Tiệc chia tay tại nhà hàng Phương Yến Palace. Hình phải: chị Ái Mỹ (trái) và chị Từ Vân và cái vẫy tay tạm biệt bùi ngùi.
VAHF
(01/2018)
Xin Xem Bài 3: Phim VIETNAMERICA Ra Mắt Tại Sydney, thành phố đông dân Việt Nam Nhất tại Úc 

Xin đính kèm một số Link của truyền thông Úc Châu và Hoa Kỳ đưa tin về vòng trình chiếu phim VIETNAMERICA tại Úc Để kính tường:

Đài SBS phỏng vấn nhà sản xuất Nancy Bùi:


VIETNAMERICA tại Melbourne 

http://lyhuong.net/uc/index.ph p/shcd/4941-4941


Bút Ký VIETNAMERICA tại Melbourne trên Viet Vung Vinh


Nguyễn Tất Phương Phỏng vần nhà sản xuất Nancy Bùi và Trưởng Ban Văn Nghệ ca sĩ Ngọc Long:

Phóng sự của đài SBTN về buổi trình chiếu tại Wollongong và Sydney:

Bài tường thuật của Đài TVTS online