(Để chiêm ngưỡng hình ảnh hào-hùng của những người trai một thời tung hoành nơi quan tái.)
Trần Ngọc Nguyên Vũ
“Những người chinh chiến bấy lâu
Nhẹ xem tính mệnh như mầu cỏ cây.”
Chinh Phụ ngâm
Tây-Nguyên! Vùng núi rừng trùng điệp… Nơi có những dòng sông huyền-hoặc nằm đợi khách qua bờ, mà mỗi “Một lần sang sông là một lần vĩnh biệt – Một lần sang sông là mãi mãi chẳng quay về”. Chính nơi đây đã có biết bao nhiêu tráng-sĩ lạnh lùng phóng tay ghi đậm tên mình trên trang sử máu của dân-tộc… Lịch-sử sẽ thêm một lần sang trang khi chiếc “Thần-Phong 01” của KQVNCH chế tạo, do Tr/Tá N.N.Kh và Th/Sĩ N.V.Nh bất thần bay lên đáp PleiKu vào một buổi sáng mây mù và gió lạnh; rồi Th/Tá Định cùng Tr/Tá Bá đi tìm “Tráng sĩ vượt dòng sông định mệnh” để lập một “phi-đội cảm-tử” bí mật đưa về Tân-Sơn-Nhất, đặt dưới sự điều động của Thần-Phong NNK vào năm 1971… Nhưng vận nước chưa xoay chuyển theo lòng người nên đại-sự không thành, chỉ lưu lại trên trang huyền-sử của KQ những vần thơ đầy hào-khí:
“Một nhát dao bay ngàn thủa đẹp
Dù sai hay trúng cũng là dư”. (1)
…Ngày xưa, cái thủa mà phi-đạo của phi-trường Cù-Hanh còn lót bằng những tấm vỉ sắt (PSP), thì căn cứ 92CT/BTLKQ đã có mặt tại PleiKu rồi. Ngoài những quân nhân thường trú thuyên-chuyển lên đây, căn-cứ này còn là nơi tiếp nhận những đơn-vị biệt-phái ngắn hạn. Các biệt đội quan-sát, trực-thăng, vận-tải, và khu-trục thường được biệt-phái lên PleiKu từ 2 đến 3 tuần lễ, để yểm trợ cho nhu cầu chiến trường của quân-khu 2, hoặc cho các cuộc nhẩy toán của Biệt-Kích vào mật khu của địch, xuất phát từ các căn-cứ B15 ở KonTum, và B50 ở Ban Mê-Thuột. Nếu những người được đổi lên làm việc tại PleiKu coi như là bị “đi đầy”, thì đối với dân biệt phái, nhiều người lại thích cuộc sống xa đơn-vị gốc này; một cuộc sống xa nhà, nhưng phảng phất một chút gì bồng-bềnh lãng-mạn, để thỏa cái chí “Tang bồng hồ thỉ nam nhi trái” của người trai thời loạn:
PleiKu gió núi mưa rừng
Mây Trường-Sơn phủ mù vương cuộc đời
Ai về nơi chốn miền xuôi
Cho tôi gởi tiếng mưa rơi hôm nào
Đồi cao lũng thấp trăng sao
Đêm liêu-trai đã đi vào mộng mơ
Đôi môi mở khép hững hờ
Nụ hôn lấp kín giấc mơ phiêu bồng.
… PleiKu được giới giang-hồ khoác cho một cái hỗn danh là “vùng đất trích”!* Tuy là một vùng đất nghiệt-ngã, kể cả về khí-hậu lẫn địa-dư, nhưng PleiKu lại là miền “linh địa”, nên cũng là nơi những “kỳ-nhân dị-hán” đến ẩn mình, để khi gặp dịp là thỏa sức vẫy vùng, tung hoành ngang dọc… Họ là những người một thời đã viết lên bản “Huyền-Sử-Ca” bi hùng trên những trang quân sử máu của dân-tộc. Một trong những “Kỳ Nhân” mà tên tuổi sáng chói trên vòm trời Không-Lực, đó là “Cửu-Long Lão Bá” Trung-Tướng Trần Văn-Minh.
Thủa ấy, ai đã từng ghé qua căn cứ 92CT vào mùa mưa, khi đi ngang qua cổng Phi-Vân, nhìn về phía bên trái, sẽ thấy một dẫy cư xá lẫn lộn trong khu nhà trên con đường bùn lầy đất đỏ, có một gian nhà nhỏ trông đơn-sơ thanh-tịnh, nhưng lại có một sức thu hút kỳ lạ, khiến cho khách lữ-hành phải dừng chân đứng ngắm. Đó là tư-thất của “Ngọa Long Tiên-Sinh”… Thiếu-Tá Lê Bá-Định, cử-nhân Luật, khóa 58 SVSQ/KQ Trần Duy-Kỷ, một “Đại Hiệp” của ngành khu-trục.
Thuộc mẫu người “văn-võ-song-toàn”, phong độ hào-sảng, coi trọng cái khuôn thước mẫu-mực của đạo nghĩa trong xã-hội, luôn luôn ưu-tư đến đại-cuộc, thích cuộc sống ngang-tàng khí-phách, dám làm những chuyện “lấp biển vá trời”, và biết thưởng thức cái vẻ đẹp qua những đường nét đan-thanh của văn chương, thơ, phú… Lúc chưa gặp thời, người vẫn ung-dung tự-tại nhận một chức vụ thật khiêm-nhường của phòng Tâm-Lý-Chiến trong cái căn-cứ quanh năm gió bụi, mưa bùn lầy lội này. Rồi sau đó, người đã về đầu quân dưới trướng một thiên tài lỗi-lạc của ngành “Không-Quân-Chiến-Thuật” là Trung-Tá Nguyễn-Văn-Bá, để chiêu nạp những “anh-hùng hào-kiệt” từ các nơi đổ về, dựng nên một “Không-Đoàn Biên-trấn” lừng danh vùng biên-thùy của miền Tây Nguyên đất Việt; với các phi-đoàn Khu-Trục Thái-Dương 530, Trực-Thăng Lạc-Long 229, Sơn-Dương 235, và Quan-Sát BlackCat 118, mà sau này đổi danh-hiệu là Bắc-Đẩu…
Nói đến dân biệt-phái của Không-Quân, thì không thể không nhắc tới những tên tuổi lẫy lừng một thời như: Nguyễn Ngọc-Oánh, Vũ Văn-Ước, Trần Phước, Đằng-Vân Đặng Văn Hậu, Đỗ Trang-Phúc, Dương Hùng-Cường, Ôn Văn Tài, Nguyễn Ngọc-Biện, Huỳnh Văn-Vui, Ngô Văn-Kim, Nguyễn Quốc-Thành, Ngô Nhơn, Hùng Phan, Nguyễn (Trần) Phước-Hội, Lê Mộng-Hoan, Nguyễn Ngọc-Thức, Nguyễn Văn Trang, Đàm Thượng-Vũ, Võ Công-Minh, Lưu Đức-Thanh, Lê Như-Hoàn, Phạm Đình-Anh, Phạm Bính, Dương Ngọc-Ẩn (Cọp), Trần Văn-Lân, Nguyễn Phú-Chính, Lưu Huy-Cảnh, Nguyễn Phúc-Hưng, Hồ Danh-Lịch, Nguyễn Tuấn-Dị, Đinh Sinh-Long, Nguyễn Quan Vĩnh, Phạm V. Thặng, Nguyễn Văn Huynh, Đinh Trần Chính, Ấn (Đen), Hoàng Mạnh Dũng, Nguyễn Hoàng Mai (Râu), Trần Thanh-Long (TiTi), Lê Quốc-Đức, Nguyễn Văn Thắng, Phạm Công-Khanh, Đoàn Văn Quang, Lê Văn Bút, Trần Văn Nghiêu, Nghiệp, Thịnh, Võ Ý, Vĩnh-Quốc, Huỳnh Hải-Hổ, cùng hàng trăm những “Hiệp-Sĩ Không-Gian, và dưới đất” khác…
“Khu-Trục Đại-Hiệp” Lê Như-Hoàn, khóa 61 SVSQ/KQ. Xuất thân từ trường Hải-Quân Phi-Hành Pensacola, Florida Hoa-Kỳ; anh là một phi-tuần-trưởng khu-trục trẻ tuổi, tài hoa và đầy nhiệt tình. Con Hồng-Điểu (Phượng-Hoàng Rosa) của vùng trời xứ Bưởi, cùng với các Đại-Hiệp của Không-Lực VNCH trên khắp 4 vùng chiến-thuật như: Phạm Đình-Anh, Dan Hoài-Bửu, Lê Quốc-Hùng, Phạm Đăng-Cường, “Hiệp-Sĩ Say” Nguyễn Văn-Phong, Phạm B. An, Việt, Cung, Nguyễn Tiến-Thành, Nguyễn Văn-Mười, Nguyễn Đình-Lộc, Trần Mạnh-Khôi, Huỳnh Thanh-Minh, Lê Thanh Hồng-Vân, Nguyễn Q. Chấn, Nguyễn Đạm-Thuyên, Nguyễn Quốc-Đạt, Lê Văn Thặng, Sử Ngọc-Cả, BS. Phước thuở ấy, và sau này có: Nguyễn Quý-An, Nguyễn Gia-Tập, Bùi Đại-Giang, Đào Giang-Hải, Phan Hiền-Tính, Trần Văn-Nghiêm, Hồng Khắc-San, Thái Phương-Thủy, Tạ Thượng-Tứ, Ngô Đức-Cửu, Nghiêm Ngọc-Ẩn, Nguyễn Kim-Năm, Vũ V. Cần, Phan Đắc-Huề, Khưu V. Phát, Nguyễn Văn Xuân, Dương Thiệu-Chí, Lê Thuận-Lợi, Vũ Công-Hiệp, Nguyễn Du, Bạch Diễn-Sơn, Trần Như-Đẩu, Trịnh Đức-Tự, Đoàn-Toại, Đào Bá-Hùng, Trương-Phùng, Trần Thế-Vinh, Tự (Điên), Lê V. Luận, Nguyễn Văn-Sung, Vũ Ngô Dzũng, Vũ Ngô Khánh-Truật, Dương Như Chót, Đoàn-Phan, Đinh Đức-Bản, Phạm Gia-Đôn, Nguyễn Văn Hai (Còi), Lê Bình-Liêu, Nguyễn T. Thụy, Đỗ V. Dự, Thành, Nguyễn Thanh-Sơn, Trần V. Toàn, Trương Nguyên-Thuận, Nguyễn Đình-Xanh, Nguyễn Tài-Cơ, Phạm H. Lộc, Nguyễn Chí-Kham, Thống, Đệ, Nguyễn Q. Hải, Độ, Phạm Nghị-Luận, Lạc, Vĩnh-Thuận, WingmanF5, Thành536, An-Vũ-Dương, Nguyễn Phát-An, Xuân (tóc đỏ), Tuấn (Bocassa), Trần Văn-Phúc (Cháy), Nguyễn Công-Phúc (Gangdhi), Trần K. Long, Phạm M. Xuân, Trung (Mọi), Dương Huỳnh-Kỳ, Nguyễn Tiến-Chỉnh, Tư RocKet (Phi Đạo 530), Tơ (gìa) Togia9, Hoàng Trọng-Hùng, Nhân (hạt ni), Phạm Vương-Thục, Long (Ghiền), Vũ Ngọc-Huyên, Hồ Văn-Thiên (An-Ninh), Trang V. Thành, Tào-Thuận, Thái-Ngùng, Nguyễn mạnh-Khang, Trịnh Trọng-Khang, Phan Vũ-Điện, Đào Quang-Vinh, Trịnh Minh-Nhựt, Nguyễn M. Dũng, BS. Khanh, BS. Kỳ và biết bao nhiêu những “tài hoa son trẻ” khác… là những ngôi sao sáng trong ngành phi-hành, cũng như không phi-hành, sẵn sàng nối tiếp bước chân của các bậc đàn anh tài danh như Phạm Ngọc-Sang, Nguyễn Quang-Tri, Phạm Long-Sửu, Võ Xuân-Lành, Từ Văn Bê, Phan Phụng-Tiên, Dương Thiệu-Hùng, Nguyễn Hồng-Tuyền, Nguyễn Ngọc-Khoa (Đen), Nguyễn Văn Tường (Mực), Đặng Văn-Phước, Ông Lợi-Hồng, Trần Doãn-Hoành, Bồ Đại-Kỳ, Lê Xuân-Lan, Thái Bá-Đệ, Lê Văn-Thảo, Nguyễn Quốc-Hưng…
Người đã từng vạch lên những đường bay hào-hùng, lả lướt như những nét chấm phá tuyệt-vời, trong một bức tranh thủy mạc trên vòm trời Tây-Nguyên mịt mù khói lửa, vào những năm anh làm Biệt-Đội Trưởng biệt-đội khu-trục ở PleiKu. Sau này Lê Như Hoàn đã đem cái phong-độ “Hào-hùng trên không – Hào-hoa dưới đất” của người “Hiệp-Sĩ Không-Gian” nơi vùng trời biên-trấn, về truyền lại cho những cánh chim non, trong thời-gian anh phục vụ tại Trung-Tâm Huấn-luyện KQ Nha-Trang, cùng với Phi-Hổ Nguyễn Hồng Tuyền.
PleiKu không phải chỉ là nơi đồn trú của dân KQ, mà nó còn là nơi dừng chân của những đơn-vị thiện chiến của QLVNCH như: Nhẩy Dù, Biệt-Động-Quân, Bộ Binh, TQLC, Thiết Giáp, Biệt-Kích Dù, Lôi Hổ… Với những tên tuổi mà khi nhắc tới, là người ta thấy ngất ngây say theo cái hào-khí của tráng-sĩ, như:
Mũ đỏ Đại-Hiệp Lê Minh-Ngọc, “Song Kiếm Trấn Ải” Nguyễn Đình-Bảo, Bùi Đức-Lạc, Mễ, Đoàn Phương-Hải, Nguyễn (Sông) Lô, Nguyễn Viết-Thanh (Tây lai), BS. Hiệp, “Đệ Nhất Ẩm Sĩ” BS. Tô Phạm-Liệu của Nhẩy Dù… Minh, Rĩnh, Vũ Xuân-Thông, Nguyễn Sơn, Triều, Long, Thọ của Lôi-Hổ…
Mũ nâu Đại-Hiệp Đào Trọng-Vượng, Hoàng-Phổ, Đào Văn-Năng, Nguyễn Cảnh-Nguyên, Ngộ, Hải (mặt xanh), Ngoạn, Thanh, Quách Thưởng, Vương Mộng-Long, Chánh, Hậu, Cầu, Phong, Bình, Thủy, Bác-Sĩ Thại, BS. Ý, Quán, Song… Những con Cọp xám của vùng “rừng núi xình lầy”, và biết bao nhiêu những tên tuổi lẫy lừng khác, để sau một lần dừng chân, đối ẩm cùng “người phố núi”:
Tôi người lính trận từ xa tới
Gặp em nơi phố núi sương mù
Quán nhỏ ngây buồn nghe tâm-sự
Một buổi chiều mưa rơi… PleiKu
Rồi sáng hôm sau các anh lại lạnh lùng quay lưng cất bước lên đường khi:
“Gió Lào dậy tanh mùi đất chết
Thổi lấp rừng gìa bạt núi non
Mùa chinh chiến theo chân thù nghịch
Ta về theo cho dậm chiến trường.” (2)
Chiến trường Tây-Nguyên quanh năm mịt mù khói lửa, với những địa danh ngang dọc bước quân hành in dấu chân của tráng-sĩ, cùng với những:
“Đoàn quân ma bay khắp bốn phương
lớp lớp tràn lên đè bẹp núi
Núi mang cao điểm ngút oan hờn
Đá mang dáng dấp hình chinh-phụ
Cô đơn chót núi đứng bồng con
Khu chiến chập-chùng cơn bão lửa
Đá vọng phu mọc khắp biên-cương.” (2)
Lồng vào cái khung cảnh đất trời quay cuồng trong cơn bão loạn đó, “Không-Đoàn 72 chiến-thuật” đã trưởng-thành, và vươn lên cùng với khí thế ngút-ngàn của những anh-hùng, hảo-hán chốn sa trường… Chỉ sau một thời-gian ngắn hoạt-động, mà tên tuổi đã danh trấn giang-hồ. Pleiku thuở đó cũng đã thu hút được nhiều phóng-viên nổi tiếng của các hãng thông-tấn quốc-tế… Cùng các phóng-viên chiến trường quốc-nội như Sao Bắc Đẩu, Quỳnh-Như, Kiều-Mỹ-Duyên, Phan N. Nam, Nguyễn Ngọc Hạnh… đến tận nơi sinh-hoạt, làm phóng-sự, ghi lại những hình ảnh hào-hùng, sống động của người lính chiến vùng trời Tây Nguyên. Tờ báo quân đội “Diều Hâu” của nhà văn Trung-Tá Nguyễn Đạt-Thịnh hồi đó đã nhận xét về KĐ 72CT qua bài viết “Tìm hiểu hiện-tượng nhổ giò của KQVN”, như sau:
“…Chỉ vào một hố bom khá sâu, Đại tá Lý Tòng Bá, Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ Binh nói với tôi:
– Anh biết quả bom này bỏ cách chiếc thiết giáp của mình bao nhiêu không?
– ..?
– Ba thước.
Thao thao bất tuyệt, vị Tư lệnh trẻ nhất Việt Nam kể cho tôi nghe trận đánh khó khăn nhưng vô cùng hào hứng, vừa xẫy ra tại ngọn đồi mà chúng tôi đang đứng.
Một Tiểu đội Cộng quân, trang bị bằng một khẩu đại bác, một khẩu đại liên phòng không, đã chiếm giữ ngọn núi đá trên đường 14, cách Pleiku khoảng 20 cây số về hướng Bắc. Cây đại bác được nhét thật sâu vào lòng núi, bom bỏ bao nhiêu cũng không suy xuyển. Sư đoàn 23 đã phái một đơn vị có chiến xa yểm trợ tiến lên núi, để diệt khẩu pháo đang gây khá nhiều trở ngại cho xe cộ di chuyển từ Pleiku đi Kontum. Một trong những chiếc thiết giáp yểm trợ bị bắn cháy. Xạ thủ B-40 chỉ khai hỏa cách chiếc xe ba thước. Khu trục được gọi đến can thiệp, và nhiệm vụ của người phi công là phải bỏ lọt trái bom vào một miệng hầm nhỏ, mà không làm tổn thương đến những người có thể còn sống trong thiết giáp. Lắc đầu tỏ vẻ thán phục, Đại tá Bá tiếp:
– Chiếc AD-6 bay với tốc độ mấy trăm cây số một giờ, mà anh chàng phi công này thả bom như để. Trái bom rơi hẳn vào hầm rồi mới nổ, không gây một hư hại nào bên ngoài cả.
Những lời khen ngợi của Đại tá Lý Tòng Bá khêu gợi lòng tò mò và tôi đã tìm đến Không đoàn 72 Chiến Thuật, để gặp người phi công “bỏ bom như để”, Thiếu tá Lê Quốc Đức. Ngoài 30 tuổi, Thiếu tá Đức trông hiền như ông thầy giáo. Anh tỏ ra hơi ngượng khi tôi lập lại với anh những lời của Đại Tá Bá. Giọng anh nhỏ nhẹ:
– Thật ra thì việc tôi làm tại Núi Đá, bất cứ người phi công nào cũng làm được. Dĩ nhiên, sự chính xác này đòi hỏi đôi chút cố gắng.
Câu nói chỉ là một câu khiêm nhường. Tôi nghĩ như vậy. Nếu quả thật tất cả mọi phi công Việt Nam đều “khéo tay” như Thiếu tá Đức, thì có lẽ chúng ta nên nghĩ đến những loại kỹ nghệ đòi hỏi sự chính xác, khéo tay như kỹ nghệ làm đồng hồ chẳng hạn, để thiết lập sau khi chiến tranh chấm dứt.
Thấy tôi có vẻ không tin được rằng bất cứ người phi công nào cũng thả bom chính xác như Thiếu tá Đức, vị Tư lệnh Không đoàn 72, Trung tá Nguyễn Văn Bá bảo tôi: – Anh còn đi nhiều, còn gặp nhiều đơn vị Bộ binh. Những người đó sẽ là nhân chứng cho sự chính xác hay không chính xác của anh em phi công. Riêng phần tôi, tôi nghĩ rằng có một điểm anh nên đào sâu hơn, tìm hiểu hơn là tinh thần của người phi công Việt Nam. Qua hai chữ tinh thần, tôi muốn nói cả tinh thần đồng đội với những người bạn họ yểm trợ mà không hề bao giờ biết mặt, cả tinh thần nhập cuộc trọn vẹn, chấp nhận mọi nguy hiểm. Tôi đi tìm hiểu cái tinh thần đồng đội, tinh thần nhập cuộc ấy qua những nhân chứng khác…
…Bốn trăm phi công, một ngàn chuyên viên làm việc quần quật. Máy bay được bảo trì, tu bổ cả đêm để mờ sáng hôm sau lại cất cánh, đáp ứng những nhu cầu yểm trợ của Bộ Binh. Một vị Tướng lãnh đã dẫn chứng cho tôi thấy Cộng quân đặt rất nặng yếu tố bất ngờ. Trong mỗi trận đánh, họ đều dành cho ta ít nhất là một bất ngờ. Tết Mậu Thân, yếu tố bất ngờ có thể được ghi nhận trên ba bình diện: Thời gian, không gian và vũ khí. Về thời gian, Cộng quân đã đánh vào cái lúc mà chúng ta không chờ đợi nhất: Những ngày đình chiến Tết. Về không gian, chúng đã chọn những chiến trường mà từ trước đến nay chưa bao giờ chúng chọn: Thành phố. Và yếu tố bất ngờ cuối cùng là những khẩu AK, B-40, B-41 lần đầu tiên được đem xử dụng ồ ạt. Trong trận Hạ Lào, cái bất ngờ mà địch quân dành cho chúng ta là những chiếc PT-76 khá lợi hại trước những thiết vận xa M-113 trang bị kém hơn. Lần này, sự bất ngờ có tính cách chiến thuật. Không ai có thể ngờ được rằng quân đội Bắc Việt lại công khai vượt tuyến và đánh trận địa với chúng ta. Những khẩu đại bác 130, 122 ly, những chiến xa hạng nặng T-34, T-54 cũng có thể kể là những bất ngờ chiến cụ.
Nhưng lần này, chính địch quân cũng bị bất ngờ. Họ bất ngờ trước sự trưởng thành đột ngột của Không Quân Việt Nam. Là Quân Chủng rất nặng về kỹ thuật, Không Quân không thể xé quy luật lớn, vượt lên, ra ngoài những công thức ước tính rất toán pháp.
Sau ba lần thử lửa, người ta có thể khẳng định rằng tình trạng “nhổ giò” của Không Quân là một “thực tế”, và thực tế này không chỉ làm cho địch quân bất ngờ mà thôi. Nó còn là sự bất ngờ của người Mỹ và người Việt Nam nữa. Vì thật ra, trước khi có những minh chứng hôm nay, chắc chắn không ai dám tin được rằng, những người lính rất ít chất lính, rất bay bướm lại có thể là người lính tốt.
Trên ba mặt trận Trị Thiên, Tây Nguyên và Bình Long, hàng trăm ngàn người lính Việt Nam, hàng trăm ngàn quân Cộng đang chứng kiến cái vươn vai Phù Đổng của Quân chủng Không Quân.
KBC xin ghi nhận sự chuyển mình quan trọng đó.”
…Rời khỏi phòng họp của Không-Đoàn 62CT/SĐ2KQ, thì trời bắt đầu mưa lâm râm. Lân qúa giang ông Liên-Đoàn Trưởng LĐ62 Tác-Chiến để ra phi-cơ. Là một phi-tuần trưởng khu-trục tài hoa son trẻ, lại thêm phong độ hào-sảng của một tráng-sĩ, qua những lần dẫn biệt-đội đi biệt phái PleiKu, ông “Trưởng Phòng Hành-Quân” của LĐ62TC/KĐ62CT Trần Văn-Lân đã lọt vào cặp mắt xanh của con “Ngọa-Long” vùng đất trích. Anh-hùng ngộ anh-hùng, để rồi sau những đêm “Tri-kỷ tương phùng như sương khói – Trăng tàn chưa nghĩ chuyện chia tay”, Lân đã được Thiếu-Tá Định dàn trải tâm-tình, ngỏ ý muốn mời anh cùng vung gươm, vẫy vùng nơi quan tái…
Ai tráng-sĩ mà không mê say đại cuộc. Sinh ra giữa thời ly loạn, tới lúc trưởng thành, cũng như bao nhiêu những nguời trai cùng thế-hệ, đã gắn liền cuộc đời mình với kiếp sống“Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo”,(3) cùng cái hào-khí của tiền nhân
“Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái-Sơn nhẹ tựa hồng mao” (4)…
Để rồi qua những lần lang thang làm “Anh khách lạ, đi lên đi xuống” (*) trên con đường ngắn ngủi mà chỉ “Đi dăm phút đã về chốn cũ” (*), trước cửa hiệu thuốc tây có tấm bảng đề chữ “Cao-Nguyên”… Cho đến một ngày “Anh Khách Lạ” chợt thấy
“May mà có em, đời còn dễ thương” (5),
thì cái vùng đất gió núi mưa rừng này đã trở thành miền quê ngoại của cánh chim bằng miền thùy-dương cát trắng. Nay lại gặp tri-kỷ mở lời thì hiểm nguy nào ngăn cản được con thần ưng, chỉ mong xoải cánh bay vào vùng trời dông bão…
Chiếc khu-trục cơ AD5 không gắn bom, và hỏa-tiễn dưới cánh, trông lầm lỳ như một con tê-giác nằm trong ụ đậu, chờ hai ông phi-công lên nổ máy cất cánh. Thấy Long đang đứng đợi mình dưới cánh phi-cơ, Lân cười chạy tới bắt tay Long nói:
– Thật là thất lễ, làm ông “Trưởng Phòng Hành-Quân” của PĐ 530 phải vất vả.
Long cười giọng hào-sảng:
– Có gì đâu, chỉ là chuyện nhỏ. Ông Định dặn tôi bằng mọi giá phải đưa bạn lên PleiKu hôm nay.
Lân cảm động trước tấm chân tình của những người lính chiến Không-Quân. Anh nhớ hôm về Nha-Trang họp để làm nốt thủ-tục bàn giao biệt đội Khu-Trục cho KĐ-72CT tân lập, Thiếu-Tá Định đưa Lân ra tận bãi đậu Trực-Thăng. Trước khi lên phi-cơ, ông ân cần dặn dò Lân:
– Toa về trong ấy họp, lo thu xếp công việc rồi lên đây bay cùng anh em.
– Vâng, tôi sẽ ráng thu xếp mọi chuyện cho được mau chóng.
– Cũng không cần phải vội vàng lắm; cần nhất là phải lo cho chị nhà và cháu bé trước. Có tề gia rồi mới nghĩ đến chuyện “bình thiên hạ” được chứ…
Cử chỉ chăm sóc kín đáo, và những lời bộc lộ chân tình, đã nói lên mối quan tâm của Th/Tá Định đối với các chiến hữu, và ông đã thu phục được cánh chim trời bạt gió của vùng biển Nha-trang ngút ngàn sóng nước…
Long và Lân leo lên hai bên cánh phi-cơ để bước vào phòng lái. Cột xong giây dù và nón bay, Long đưa ngón tay ra hiệu cho người cơ-trưởng đứng dưới đất để quay máy. Tiếng động cơ gầm lên, chiếc AD5 lừng-lững di chuyển ra phi-đạo. Long liên-lạc với đài kiểm-soát Nha-Trang xin cất cánh. Chiếc phi-cơ phóng về phía trước rồi vụt bốc lên, biến mình mất hút vào trong màn mây, mưa mịt mù dầy đặc…
Dán mắt vào bảng phi-cụ trước mặt, Long bấm máy nói với Lân:
– Trời xấu toàn vùng, mình sẽ lên cao độ 12,000 bộ. Lấy hướng đi Phú-Bổn, rồi từ Phú-Bổn lấy hướng thẳng về PleiKu.
Lân quay sang Long nói:
– Tiếc thật, chiều nay gía tụi mình còn ở lại Nha-Trang, tôi sẽ mời bạn thưởng thức món chả cá đặc biệt của vùng biển. Trời mưa rả rích, ngồi trong chiếc quán lá bên gềnh đá, nghe trùng dương rì rào vỗ sóng, nhâm nhi ly rượu cùng bạn hữu, kể chuyện “tình người lính chiến”, thì còn gì thú vị bằng.
Long cười trong máy:
– Cám ơn bạn, tôi cũng thích món chả cá xóm Bóng lắm, nhưng xin hẹn lần sau. Hiện nay phi-đoàn đang thiếu người.
– Tôi đâu dám dụ dỗ ông “Trưởng Phòng Hành-Quân” của phi-đoàn. Nhưng vào mùa này thì thời tiết buổi sáng cũng không khá hơn buổi chiều đâu nhé.
Cả hai người đều bấm máy cười sảng khoái. Phi-cơ đội mưa lên đến cao độ bình phi. Long rà núm điều chỉnh cần lái, để phi-cơ bay lướt trên những cụm mây xám bồng bềnh như sóng nước của dòng sông thiên-hà dưới cánh. Bỗng có tiếng vô-tuyến dồn-dập trong ống nghe của nón bay:
– Thái-Dương 03 đây Peacock gọi. Chúng tôi vừa được Trung-Tâm HQ Không Trợ-2 chuyển lệnh khẩn cấp cho bạn liên-lạc để làm việc với BlackCat trên tần-số FM…
Long đưa mắt nhìn Lân rồi bấm máy trả lời:
– Peacock, Thái-Dương 03 nhận bạn 5/5. Tôi sẽ liên-lạc với Blackcat, tần số FM…
Long kiểm soát thật nhanh bảng phi-kế, điều khiển cần lái chúi mũi làm “penetration” cho phi cơ xuyên mây xuống cao độ, rồi quay qua nhìn Lân nói:
– Chắc có chuyện làm ăn lớn, lần này bạn có dịp biểu diễn tài tác xạ…
Phi cơ xuống tới 4,000 bộ, nhìn bản đồ Long thấy mình đang ở trên Phú-Nhơn, anh bấm máy liên-lạc với phi-cơ quan-sát:
– Blackcat đây Thái-Dương 03 gọi, tôi đang ở trên Phú-nhơn, cao độ 4,000 bộ, bạn cho biết vị trí.
Tiếng người phi-công quan sát dồn-dập vọng lên:
– Thái-Dương 03, Blackcat nghe bạn 5/5. Chúng tôi đang ở cao độ 3,000 bộ, về hướng Đông – Bắc của Phú nhơn 2 dậm…OK! Chúng tôi thấy bạn rồi. Hiện tại Black Cat đang ở hướng 10 giờ của Thái-Dương, bạn cho biết trang bị.
– Thái-Dương 03 chỉ có 800 viên đại-bác 20ly. Bạn cho biết chi tiết mục tiêu.
– Thái-Dương 03, mục tiêu được ghi nhận là nơi đóng quân của địch. Chúng tôi sẽ cho bạn một trái khói mầu cam…
Chiếc L19 đảo cánh, làm một vòng quẹo thật gắt, rồi bất thần chúi mũi xuống khu rừng cây. Một cột khói mầu cam bốc lên cùng với tiếng điều-chỉnh tọa-độ của người phi-công quan-sát:
– Thái-Dương 03, bạn sẽ oanh-kích ngay trái khói, trải dài theo hướng Đông – Tây 300 thước.
– Thái-Dương 03 nhận rõ. Từ trái khói, dọc theo hướng Đông-Tây 300 thước.
Nói xong Long liếc mắt kiểm soát lại các đồng hồ phi-cụ, điều chỉnh cần hòa-khí về vị thế chiến đấu, bật nút khai hỏa lên nòng 4 khẩu đại-bác, rồi làm một vòng “roll” 360 độ, lao xuống mục tiêu. Long bấm nút tác xạ, những họng súng đại bác hai bên cánh khạc lửa, tung ra từng tràng đạn 20ly công phá, cầy nát một khoảng rừng… Bỗng một cột lửa bung tỏa ra, rồi một tiếng nổ long trời lở đất dội lên như một ngọn hỏa-diệm sơn trong cơn phẫn nộ chuyển mình, làm xao động cả một vùng khí quyển. Long kéo mũi phi-cơ thẳng đứng, làm một “nửa vòng số 8” rồi đưa phi-cơ lên cao độ của vòng chờ. Tiếng ngưòi phi-công quan-sát dồn dập trên tần số:
– Tuyệt cú mèo! Thái-Dương 03 đánh qúa đẹp. Bạn đã oanh kích đúng hầm chứa vũ khí của địch rồi đó.
Long bấm nút vô-tuyến cười nói:
– Chỉ là chuyện nhỏ, cám ơn bạn qúa khen.
– Thái-Dương 03, lần này bạn sẽ đánh về hướng Tây – Nam của trái khói 100 thước. Mục tiêu được ghi nhận có nhiều xe Molotova của địch được ngụy trang dưới lùm cây.
– Thái-Dương 03 hiểu. Tây Nam trái khói 100 thước.
Nói xong Long quay sang nhìn Lân nói qua máy:
– Xin nhường bạn chiêu này.
Lân cười… chuyển nút điều khiển cần lái, rồi lật ngược phi-cơ lao xuống mục tiêu. Đạn phòng không từ dưới phóng lên tua tủa như một mạng lưới lửa đan chéo thân tầu. Tiếng người phi-công quan-sát dồn dập gọi:
– Thái Dương 03 coi chừng phòng không từ hướng Tây.
Lân mím môi bấm nút khai hỏa. Chiếc khu-trục cơ gầm lên theo với nhịp bắn. Bỗng một tiếng nổ chát chúa vang lên, con tầu như khựng lại. Lân liếc mắt nhìn qua bên phải, anh thấy cánh phải của chiếc AD5 trúng đạn phòng không rách toạc ra, rồi một ngọn lửa phực lên từ ổ súng đại-bác gắn trên cánh. Lân vội vàng trả cần lái về vị thế thăng bằng, kéo mũi phi-cơ lên để lấy cao độ. Con tầu rung lên dữ dội… Ổ đạn chứa trong cánh phi-cơ phát nổ làm gẫy lìa một nửa cánh phải, ngọn lửa cháy lẹm qua ống dẫn thủy điều vào buồng máy, bùng lên như một ngọn đuốc khổng lồ trên không. Phi-cơ nghiêng hẳn về bên trái, quay tròn rồi rơi vào vị thế triệt nâng…
Với một phản-ứng vô cùng nhậm lẹ, và bén nhậy của một phi-công khu-trục dầy dạn chiến trường, Long chụp vội cần lái, lấy lại phần điều khiển phi-cơ bên ghế trái, bấm nút vô-tuyến gởi tín hiệu khẩn cấp “MayDay”, rồi ra hiệu cho Lân bung dù…
Lân cảm thấy mình bị hút vào khoảng không-gian vô tận, và quay lộn nhiều vòng rồi bị ngất đi vì lực “G” qúa mạnh… Khi tỉnh dậy Lân thấy mình đang lơ lửng giữa vòm trời. Anh đảo mắt nhìn quanh, thấy chiếc dù của Long ở phía xa. Lân mừng thầm là người bạn đồng hành với mình cũng đã thoát ra khỏi chiếc phi-cơ lâm nạn. Bỗng Lân thấy bầu trời nhạt-nhòa như một màn mưa phùn che trước mặt, Lân liếm môi anh thấy mùi vị tanh tanh và mặn, anh đưa tay vuốt mặt và thấy bàn tay mình đầy máu. Tấm kiếng che mặt trên nón bay đã bị bể nát; một giòng máu nóng từ trên trán chẩy xuống, anh tháo vội chiếc khăn quàng cổ, cuốn lại rồi nhét vào bên trong chiếc nón bay để ngăn dòng máu đang rỉ xuống làm mờ mắt, rồi anh co duỗi hai chân để thử, và thấy an tâm là chân không bị gẫy. Lân đưa tay làm dấu Thánh Gía trên mình, thầm cám ơn Chúa đã mang anh và Long ra khỏi giây phút hiểm nghèo…
Lân nhìn xuống dưới, thấy cánh dù đang rơi đúng chỗ những đám khói nơi trận địa, anh kéo dây điều khiển cho cánh dù lạng về phía Đông để tránh vị trí của địch. Cánh dù từ từ hạ xuống, Lân co hai chân, kéo mạnh dây dù rồi buông ra để giảm tốc độ. Anh nhắm mắt, chụm hai cánh tay che lấy mặt. Cả thân hình anh rớt xuống và vướng vào ngọn cây. Lân cảm thấy hai bên xườn bị đau nhói vì sức va chạm qúa mạnh. Lân mở mắt thấy mình bị treo trên cành cây cách mặt đất chừng bốn năm thước. Lân nhìn xung quanh không thấy cánh dù của Long, anh nhìn lên trời thấy hai chiếc khu-trục cùng chiếc L19 như những con diều hâu quần thảo trên đầu mình, anh thấy vững bụng.
Lân tháo dây dù rồi đu theo cành cây nhẩy xuống đất. Anh bỗng thấy một đám khói mầu bốc lên cách chỗ anh đứng khoảng 100 thước, rồi chiếc khu-trục đâm bổ xuống và nhả ra một trái bom, anh vội vàng chạy vòng ra sau thân cây để núp. Một tiếng nổ vang dội như tiếng sấm cùng những mảnh bom bay rào rào như một trận cuồng phong, cắt đứt cành cây ngọn cỏ. Đứng nép mình sau thân cây, Lân thấy tim mình đập như muốn văng ra khỏi lồng ngực. Chưa kịp hoàn hồn thì một tiếng nổ kế tiếp lại ầm vang lên, lần này gần chỗ Lân núp hơn. Lân thấy mặt đất rung lên dữ dội như đang trải qua một cơn địa chấn. Anh cảm thấy ù tai và ngộp thở vì sức ép của qủa bom. Sỏi đá và những cành cây gẫy đổ ào ào rơi xuống như trời sập… Chiếc khu-trục xuống thật thấp, lao vút đi, rít lên như một mũi tên xé gió, nhả từng tràng đạn đại bác 20ly cầy tung mặt đất. Lân có thể nhìn thấy chiếc nón bay của người phi-công ngồi trong phòng lái. Lằn đạn nổ gần đến nỗi anh có cảm tưởng như da thịt mình bị bỏng rát. Đây là lần đầu tiên Lân được chứng kiến cảnh bom nổ, đạn bay nơi chiến địa ngay bên cạnh mình. Một luồng cảm khái rần rật chạy khắp toàn thân, anh thầm cảm phục sự gan dạ và dũng-cảm của những người bạn đồng ngũ…
Khi những chiếc khu-trục đã làm xong công việc giải tỏa bãi đáp cho trực thăng, và phóng lên trời để bao vùng. Lân chạy ra khỏi chỗ núp, anh thấy một chiếc UH1 đang lừng lững bay tới. Lân mừng rỡ chạy ra khoảng đất trống, đưa tay vẫy… Chiếc trực-thăng đảo một vòng ngay chỗ Lân đứng, rồi bất thần lao xuống. Khi chiếc phi-cơ cấp cứu còn cách mặt đất khỏang chừng nửa thước, thì Lân phóng tới bám lấy thành tầu, một cánh tay từ trong khoang tầu vươn ra nắm chặt lấy tay Lân rồi kéo thốc anh lên.
Lân lăn mình trên sàn phi-cơ, ngước nhìn lên anh tưởng mình nằm mơ, Th/Tá Lê Bá-Định và Đức (Điên) một cao thủ trong giới cơ-phi Xạ-thủ phi-hành của vùng trời biên-trấn, đứng xừng-xững như hai ông Hộ-Pháp, chắn ngang hông phi-cơ cho Lân dựa người vào khi chiếc phi-cơ nghiêng mình chao đi như một chiếc lá, bay về phía chiếc dù thứ hai đang treo lơ lửng trên cây. Cánh quạt gió khổng lồ quay vùn vụt, chém vạt những cành cây như một con quái điểu đang đập cánh vồ mồi. Chiếc trực-thăng nghiêng ngả, tìm cách đáp xuống để bốc người phi-công lâm nạn… Đưa mắt nhìn xuống bên dưới, Lân thấy cánh tay của Long cố vươn lên như muốn kéo chiếc trực-thăng xuống thấp thêm một chút nữa… Mọi người trên tầu đang hồi hộp theo dõi chiếc phi-cơ tròng trành lên xuống như bị nhồi sóng, thì một loạt tiếng nổ chát chúa vang lên. Con tầu cấp cứu đã lọt vào ổ phục kích, và lãnh trọn luồng đạn thù nghịch từ những hầm trú ẩn của địch bắn lên…
Từng tràng AK tiếp tục xối xả phóng tới xuyên thủng buồng lái, trúng chân của người trưởng phi-cơ. Đầu gối của anh bị vỡ nát. Máu và thịt xương bắn tung tóe, văng lên mặt mọi người… Anh hét lên một tiếng cực kỳ đau đớn, buông tay chụp lấy mảng thịt nhầy nhụa… trước những con mắt kinh hoàng của phi-hành-đoàn. Con tầu mất thăng bằng, chao đảo như muốn qụy xuống. Gương mặt của người trưởng phi-cơ co rúm lại, toàn thân anh rung lên như bị một luồng điện cao thế chạy qua, mồ hôi trên trán rịn ra, anh cắn chặt vành môi cố nén cơn đau, với tay nắm lấy cần lái để giữ cho con tầu khỏi đâm xuống đất… Chiếc trực-thăng chao đảo, lạng ra khỏi tầm đạn của kẻ thù…
Trong một khoảnh khắc chưa đầy một giây đồng hồ, Lân quên hẳn vết thương trên đầu, anh chồm tới tháo giây cột trên ghế ngồi, kéo người trưởng phi-cơ ra, đẩy về phía Thiếu-Tá Định và Đức (Điên), rồi anh với tay đập mạnh lên vai người phi-công phụ đang ngồi bất động như chết cứng trên ghế… Cú đập bất thần đã kéo người phi-công phụ ra khỏi con mê lộ của tử thần; bản năng tự-vệ dành lấy mạng sống cho anh, cùng mọi người trên con tầu trúng đạn bùng dậy, anh chụp vội cần lái, đưa chiếc trực-thăng bốc mình lên, lấy lại thăng bằng, chúi mũi lao thẳng về phía trước, rồi bấm máy liên-lạc với phi-cơ quan-sát:
– BlackCat, đây Lạc-Long 04 gọi. Báo cho bạn biết chúng tôi bị lọt ổ phục kích của địch, chỉ bốc được một phi công nhẩy dù. Tầu bị bắn bể ống dầu, trưởng phi-cơ bị thương nặng, chúng tôi phải rời vùng.
Giọng nói trầm ấm của người phi-công quan-sát vọng lên qua ống nghe như để vỗ về, chia xẻ cùng mọi người trên con tầu lâm nạn:
– Lạc-Long 04, Blackcat nhận rõ. Xin hỏi phi hành đoàn Lạc-Long 04 là những ai đó.
– Trưởng phi-cơ Đại-Úy Huyên, Phi-Công phụ Trung Úy Long.
– Có phải “Thần Điêu Đại-Hiệp Vũ Ngọc-Huyên và “Đại-Hiệp Long Ghiền” đấy không. Xin được tỏ lòng ngưỡng mộ đến “Lạc-Long Đại-Hiệp”, các bạn vừa hoàn thành một phi-vụ cấp cứu vô cùng khó khăn và nguy-hiểm.
– Chỉ là chuyện nhỏ thôi. Cám ơn bạn qúa khen. Chúng tôi sẽ bay dọc theo QL 14. Phi cơ có thể bốc cháy bất cứ lúc nào, nhờ bạn theo dõi phi trình.
– BlackCat nhận rõ. Xin báo cho Đại-Hiệp biết là Thái-Dương 31 đã thanh toán gọn ổ phục kích của địch cho bạn rồi, và sẽ hộ tống Lạc-Long 04 về PleiKu. Chúng tôi cũng đã nhờ Trung-Tâm Không-Trợ 2 báo cho phòng Hành-Quân-Chiến-Cuộc của KĐ72CT cho xe cứu thương đón Lạc-long 04 tại bãi đáp. Chúc Đại-Hiệp về đáp an toàn. Chúng tôi ở lại bao vùng, để tiếp tục công việc cấp cứu Thái-Dương 03.
Trong khoang tầu bê bết máu, Thiếu-Tá Định kéo Đức (Điên) lại, ra hiệu cho anh ngồi vào chỗ trống của trưởng phi-cơ trên ghế trái, rồi nắm chặt vai Long, như để ngầm gởi gấm sinh mạng những người trên tầu vào tay người phi-công trẻ, xong ông quay xuống săn sóc Huyên và Lân… “Long Ghiền” lấy lại bình tĩnh, vận dụng hết khả-năng và kinh-nghiệm của mình, điều khiển con tầu bị thương, mang các chiến hữu lâm nạn về căn cứ…
(Nhà văn Hùng Chùa đã viết về phi-vụ “thần thoại” này như một bản “Huyền sử ca” để vinh danh phi-hành-đoàn Trực-Thăng cấp cứu.)
****
…Lân nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, vết thương trên trán bắt đầu hành vì mất nhiều máu. Lúc khâu vết thương, bác-sĩ nói anh thật là may mắn, vì nếu mảnh đạn đi chệch xuống khoảng 1 đốt ngón tay thì anh có thể sẽ mất hai con mắt. Lân mừng là mình đã thoát nạn, nhưng khi nghĩ đến những người bạn vừa cùng anh chia xẻ những nhọc-nhằn nguy-hiểm nơi chiến địa, anh thấy lòng mình quặn thắt.… Cánh dù của Long rơi đúng vào ổ phục kích của VC, bị địch bắt mang đi, không biết sống chết ra sao. Huyên bị trọng thương, và sẽ trở thành một phế binh tàn tật suốt đời. Sự có mặt của Lê Bá-Định trên chiếc trực-thăng cấp cứu, trong lúc mạng sống của mọi người như sợi chỉ treo chuông. Long (Ghiền) “đơn thương độc mã, tả xung hữu đột” điều khiển con tầu định-mạng, dìu mọi người thoát ra khỏi vòng tay oan-nghiệt của Tử-Thần… Tất cả những sự hy-sinh, gắn-bó, và tinh thần nhập cuộc trọn vẹn, cùng với phong độ hào-sảng của những người bạn Quan-Sát, Khu-Truc, Trực-Thăng, Cơ-Phi Xạ-Thủ phi-hành nơi sa trường, những người lính chiến đã được tinh luyện trong những lò luyện thép của quân-đội, để sẵn sàng thi-hành những công-tác cực kỳ khó-khăn và nguy-hiểm, mà cái gía phải trả cho sự thành-công, đôi khi là chính mạng sống của họ, đã làm con tim anh rúng động…
Có tiếng người lao xao ngoài cửa phòng, Lân đưa mắt nhìn ra, anh thấy Oanh, vợ mình tay dắt bé Luân, đứa con trai đầu lòng vừa được hai tuổi tất tả bước vào. Vừa nhìn thấy Lân trên đầu quấn băng trắng xóa, Oanh chạy ào tới bên cạnh giường bệnh rồi khóc òa lên:
– Chúa ôi! Anh có sao không? Em được anh Định báo tin nên vội vàng dẫn con vào đây.
Lân gượng ngồi dậy, dựa lưng vào thành giường, dang tay đón vợ và con, nói giọng an ủi:
– Anh không sao cả, em đừng lo, làm con nó sợ.
Oanh vòng tay ôm lấy Lân rồi gục đầu lên ngực chồng, giọng thổn thức:
– Anh ơi em sợ lắm! Anh hứa với em là đừng để đứa con của chúng mình ra đời mà không được nhìn thấy mặt cha của nó nghe anh.
Lân lặng người khi nghe Oanh nói. Anh nhẹ vuốt tóc vợ, mái tóc mềm óng ả, một thời mang huyền-thoại người “Em PleiKu má đỏ môi hồng” (*), từng làm thổn-thức con tim của biết bao lữ-khách hơn một lần dừng chân nơi phố núi, bây giờ đã là người bạn đời của anh, và sắp làm mẹ đứa con thứ hai:
– Em đừng sợ, anh không sao cả mà.
Vòng tay của Oanh xiết chặt hơn như không muốn để cho con đại bàng thêm một lần xoải cánh. Lân cười dịu dàng đặt tay lên bụng vợ nói:
– Em coi này, con nó đang đạp chân mừng bố về nè.
Bé Luân kiễng chân chồm lên giường, ôm cánh tay bố khóc thút thít. Nhìn những giọt nước mắt tình cảm của vợ con, Lân thấy lòng hụt hẫng, xót xa… Anh thấy mình đã nợ những người thân, và các đồng đội món nợ qúa lớn:
Những món nợ suốt đời không trả hết
Nợ ba sinh nợ những mối chân tình
Nợ đại-cuộc nợ những lời ủy thác
Nợ chất chồng quấn chặt bước điêu linh.
Cuộc chiến này còn dài, Tổ-Quốc đang kỳ-vọng vào các anh, những đứa con yêu của đất nước… Rồi đây có thể nào anh bỏ được những người bạn đồng ngũ của anh, những người trai trẻ nhìn đời bằng tia nhìn khinh bạc, lạnh lùng leo lên chiếc quan tài bay, lao vào vùng lửa đạn, bỏ lại một ngày cho đời mình, một ngày cho những quằn-quại đau thương của dân-tộc, và một ngày cho những đôi mắt vời-vợi chờ trông nơi chốn chân mây tận cuối trời…
(Một thời ly loạn.)
Chú-Thích:
(1) “Bài ca sông Dịch” của Vũ Hoàng-Chương
(2) Thơ Phạm Ngọc-Lư
(3) Kiều của Nguyễn-Du
(4) Chinh phụ Ngâm của Đặng Trần-Côn
(5) Thơ Vũ Hữu-Định. Bài thơ này VHĐ lấy cảm hứng qua hình ảnh tuyệt-vời của một người con gái tên Nguyễn Thị Hoàng-Oanh nơi tiệm thuốc tây “Cao-Nguyên” trên PleiKu. Bài thơ được nhạc-sĩ Phạm-Duy phổ nhạc… Lời thơ và ý nhạc đã làm hình ảnh của người “Em PleiKu…” tồn tại mãi với thời-gian.
* “Đất trích” là nơi bị đày ải. ”Trích” vốn là tiếng Hán đã được Việt hóa. Ngày xưa các tướng lãnh bị thất sủng thường bị nhà vua đày ra vùng đất xa xôi hẻo lánh. Trích tiên là ông (bà) tiên bị đày xuống hạ giới
Xưa nàng là tiên đánh vỡ chén ngọc
Đày xuống trần gian sanh ở đền vàng
Ta cũng là tiên cùng vòng đọa lạc
Buồn nhớ thiên-thai ta làm thi-nhân…