Wednesday, 14 February 2018

Một Thoáng Suy Tư (Trích trong Tập hồi Ký Pulau Bidong, Một Trời Kỷ Niệm)

Pulau Bidong 
Cầu Jetty dẫn dắt người tị nạn vào đảo Pulau Bidong mầu nhiệm như cánh tay thiên thần;  Nó đã biến thân xác thốc thếch với bước chân xiêu vẹo thành những con người vững tin trong từng bước chân bình tâm, thanh thản lướt trên thảm cỏ xanh non của vùng trời mơ ước.  Bao nỗi gian nan xếp lại bên lề và nỗi run sợ đã tan loãng theo bọt biển trước khi chúng tôi bước ra khỏi chiếc tàu Blue Dart. 
Mọi người đều hớn hở gõ những nhịp tim yêu đời vì không còn một sức ép hãi hùng nào nữa.  Cuộc đời mới bắt đầu ở một hòn đảo bé xíu tuy nơi che nắng đụt mưa chỉ là những căn lều rất thô sơ, nhưng trong ngăn tim của họ luôn vang lên nhịp đập của một mùa xuân bất tận.

Tôi nhập đảo Bidong vào buổi chiều ngày mùng ba Tết.  Không khí Tết của ba ngày đầu năm đã tan biến như trong một giấc mộng hãi hùng, vì đối với chiếc ghe bệ rạc tắm đẫm nước biển Đông, chúng tôi đã có những ngày Tết ngàn năm thương nhớ cho hết kiếp này với tiếng pháo được thay bằng tiếng đạn đón giao thừa.  
Giao thừa trên đất liền thường xảy ra vào nửa đêm khuya tĩnh mịch ngày ba mươi Tết bằng những tràng pháo giòn tan để khép lại một năm cũ.  Thay vào đó, giao thừa mà chúng tôi chào mừng năm mới ở trên mặt đại dương lại xảy ra vào lúc những sợi nắng vàng buồn bã không còn lả lơi mà lại xót xa ôm chầm chiếc ghe tội nghiệp như đang ôm ấp một thân xác rướm máu vào giữa trưa ngày hai mươi chín Tết. 
Trong hoàn cảnh này, bánh tét, bánh chưng không còn hiện hữu và mang ý nghĩa là đặc sản quốc hồn quốc túy đối với những con người sống dở chết dở, mệt mỏi rã rời này. Bánh chưng, bánh tét đã được thay thế bằng những lần ói mửa đến mật xanh mật vàng hay có thể nói là "ói đến nỗi không còn gì để ói."
Tiếng cười chúc tụng nhau là tiếng khóc, tiếng thét gào van lạy khi mà âm thanh ghê rợn của tiếng tạch tạch, đùng đùng cứ thản nhiên phát ra từ những nòng súng vô tri.
Tôi không bao giờ trách móc hay kết tội những viên đạn đồng vô hồn kia.
Ôi, đầu đạn có biết gì đâu mà mình cho là quá tàn ác, không biết thương người.  Họa chăng, nếu có trách thì tôi thiết nghĩ, những nạn nhân phải tìm hiểu động lực từ đâu mà những viên đạn đó được bắn ra?  Cho dù là khúc gỗ khô cằn hay tảng đá vô hồn chăng nữa thì làm sao biết gì mà sai khiến viên đạn, hãy ghim sâu vào da thịt con người đang oằn oại say sóng?
Chính những trái tim chai đá đã ra lệnh, hãy giết, hãy bắn và mệnh lệnh này lập tức được truyền lên bộ não không còn lòng nhân.  Những ngón tay tê dại lạnh lùng bóp cò, thi nhau bắn xối xả những tràng đạn nổ tung trời.  Sức mạnh và quyền uy của người sai khiến quá mãnh liệt và tàn ác.  Trong khoảnh khắc cuồng loạn như ác thú say mồi, họ đành đoạn cắt đứt sợi dây tình người.  Đây mới là nguồn gốc của tội lỗi.
*
Cây cầu Jetty chỉ là những tấm ván ngoan hiền nằm trơ mình giữa biển khơi.  Ai dám bảo Jetty chỉ là những mảnh ván vô hồn?
Thưa không, Jetty cũng có trái tim co thắt nên Jetty biết thương xót và thông cảm với nỗi đau khổ và sự sợ hãi của những con người vừa tìm được hơi thở yên vui sau bao ngày điên đảo.   Jetty yêu kiều đã không ngần ngại xô ngã những nỗi kinh hoàng cay đắng đó xuống nước vì muốn rửa sạch những oan nghiệt đã đeo đẳng, bám dính theo họ suốt hành trình vượt biển.  Jetty trìu mến ve vuốt những bước chân hoàn hồn để họ nhẹ nhàng hãnh diện, đứng ngẩng đầu cao chào thưa hàng chữ kiêu sa Welcome To Pulau Bidong.
Giòng đời mãi trôi, và con sông thời gian cũng âm thầm cuộn chảy.  Đầu óc con người làm sao tránh khỏi những giây phút lắng đọng trong tâm hồn và ngồi thẫn thờ suy tư.   Chắc chắn không ai mà không có khoảnh khắc tư lự ngoảnh nhìn lại quá khứ của mình để rồi trầm ngâm nhận thức một cách trung thực, điều nào mình đã thực sự làm đúng và điều nào mình đã lỡ lầm làm sai.  Chúng ta thường được nghe câu nói trong dân gian, đời là một bài học bất tận.
Tôi thiết nghĩ, những anh công an của một thời tung hoành vùng vẫy trên biển Phú Quốc năm nào đó, bây giờ cũng đã già dặn tuổi đời hơn.
o       Chắc chắn các anh cũng đã có mái ấm gia đình, nghĩa là dòng máu nóng tuôn chảy trong con người của anh đã tạo sinh ra nhiều mầm sống bé nhỏ.  Đó là đàn con thơ dại của anh.
o       Có khi nào anh lặng người nhìn ra khoảng trời xa xăm để rồi ray rứt suy tư và nhớ về một đoạn đời mình đã nhẫn tâm bắn người vô tội không biết gớm tay khi họ chỉ là những con người gục đầu chịu làm người thua cuộc và lặng lẽ ra đi?
o     Bây giờ đầu óc tôi rất thanh thản nhẹ nhàng để cùng anh nhắc nhớ giờ phút kinh hoàng năm xưa như một kỷ niệm đời không mờ nhạt theo bước chân thời gian.  Chắc chắn, tôi không hề buộc tội hay trách móc gì anh nữa cả vì lòng tôi đã buông xả hết rồi.  Tôi chỉ mạo muội trải lòng mình, ghi lại vài cảm nhận theo ý nghĩ thoáng qua trong tôi.  Chúng ta cùng suy diễn thảm trạng ghê rợn hôm ấy cho mọi người cùng nhìn, cùng biết và cùng hiểu một cảnh tượng có thực ngoài biển Đông mà không là một sự dàn dựng giả tạo trong phim trường hay là một câu chuyện huyền thoại hư cấu.
o       Nếu ở trên mặt đất bằng phẳng, bất kỳ là ai khi nghe tiếng súng tạch tạch đùng đùng, phản ứng bẩm sinh của con người là phải kiếm đường chạy trốn khỏi hiện trường. Nếu không thể chạy được thì ít nhất, cái  trực tính nhanh lẹ để bảo vệ chính mình là phải nằm rạp sát đất.  Trên mặt biển u buồn chiều hôm ấy, con sóng cứ cuộn nhào điên đảo, chúng tôi có thể chạy đi đâu khi mà chung quanh chỉ toàn là nước, nước muôn trùng?  Còn nếu tôi muốn nằm mẹp trên sàn cây để tránh lằn đạn thì vô phương.  Buồng lái chật chội nhỏ xíu, hai cái đầu gối cứ co quắp như con tôm kho thì làm sao mà có khoảng trống nào để cho chúng tôi nằm xuống. Phản ứng tự nhiên chỉ là ngồi chịu trận mà thôi.
o       Trái tim hồng của anh có se thắt đến ăn năn hối hận chăng?
o       Khi anh nhìn đàn con của mình càng ngày càng khôn lớn, anh sẽ dạy chúng những gì cho con trẻ có một tương lai tươi sáng, có đạo đức để đúng nghĩa với hai chữ "làm người?"
Riêng tôi, sau lần trơ người như tượng đá chết sững giữa biển trong lằn đạn tạch tạch năm nào, tôi có nhiều lần tự hỏi rồi tự trả lời trong dòng suy diễn của chính mình.  Tôi hiểu và biết rõ, tôi đang nghĩ gì vì thời khắc tử sinh dạo ấy, tôi và anh công an cũng xấp xỉ ngang tuổi nhau.
Nếu ai đó đặt câu hỏi, tôi có trách móc những anh công an đó không?
o       Xin trả lời là, lúc đó tôi đã hoàn toàn hóa đá vì quá khiếp sợ kinh hoàng. 
o       Tôi thầm biết rằng, số mệnh của mỗi vì sao lấp lánh trong cõi đời tạm bợ này đều nằm trong sự phán xét của bề trên, của các Đấng thiêng liêng ngự trị trên cao.  Tôi không dám cãi lại định mệnh đã được an bài nên đành buông xuôi, im lặng chờ giây phút mình cởi áo trần gian.
o       Đạn tránh mình chứ mình không tránh đạn bao giờ.
Trải qua bao năm xây đời ở trời xứ lạ, không còn gì cho tôi mừng vui hơn nữa.  Tôi quá may mắn sống sót nên bình tâm sống chuỗi ngày an phận và tận hưởng những phép nhiệm mầu mà tôi có được sau lần thoát chết năm xưa.
o       Tôi nhất định không hỏi, tại sao các anh công an này làm như vậy?
o       Theo ý nghĩ thô thiển của tôi, đó là vì kiếp trước, có thể chúng tôi mắc nợ các anh nên kiếp này chiếc ghe mồ côi đi biển một mình phải bị các anh bắn cho máu đổ thịt rơi, cho trẻ thơ phải vội vàng xa lìa trần thế. 
Tôi vẫn nhớ như in gương mặt của anh công an nhảy qua ghe tôi cầm tay lái trong cơn hoảng loạn.  Nếu trời cao cho tôi có cơ duyên gặp lại anh trên đường đời xuôi ngược, tôi hứa với lòng mình là tôi vẫn vui vẻ và không hề giận anh đâu mà còn cám ơn những tràng đạn.  Bởi vì anh đã cho tôi biết cái giá trị sau lần sống sót đó, giá trị của mạng sống để đánh đổi niềm mơ ước.  Tôi cũng biết rằng những tràng đạn mà anh lỡ nhả ra để giết người chính vì anh bị đồng tiền hành hạ làm hoa mắt nên đã lạnh lùng đánh mất cả lương tri.
Cũng nhờ sau lần hãi hùng trực diện với những viên đạn anh bắn ra, nhưng tôi may mắn được thoát chết, tôi càng trân quí và cảm nhận cái giá trị tuyệt diệu của hai chữ tự do.  Nếu tôi là anh thì bây giờ, ngày đêm tôi sẽ trằn trọc, ăn năn hối hận biết bao vì đã tàn ác vô nhân đối với những người có cùng dòng máu Việt Nam với mình.
Chiếc ghe bé nhỏ có khác gì chiếc lá vàng khô giẫy chết giữa muôn trùng sóng vỗ.  Thân phận những con người hiền lành rất là tội nghiệp chỉ muốn trốn chạy khỏi bóng đêm, đánh đổi mạng sống để tìm chút ánh sáng ở cuối đường hầm.  Họ đã không ngừng quỳ sụp biết bao nhiêu lần chỉ để kỳ vọng đánh thức được nhân tính của anh hòng bảo toàn tính mệnh cho mình.
Tôi biết chắc rằng, những hình ảnh thảm khốc với máu chảy lênh láng, xác người khô cứng và muôn ngàn tiếng kêu la vang vọng tới trời xanh sẽ dằn vặt và ám ảnh tâm hồn anh cho đến hết kiếp này. 

Bạch Liên