Hải quân Hoa Kỳ thách thức tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại Bãi Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa trên Biển Đông, thông qua một hoạt động tự do hàng hải vào thứ Sáu (23/3).
Tạp chí hàng hải USNI News đưa tin, một viên chức quốc phòng Hoa Kỳ đã xác nhận rằng tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin (DDG-89) của Mỹ đã tiến hành các hoạt động hàng hải qua một hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc kiểm soát vào ngày thứ Sáu (23/3),
Cụ thể, tàu Mustin đã đi vào phạm vi 12 hải lý quanh Bãi Đá Vành Khăn, một hòn đảo nhân tạo trong chuỗi đảo Trường Sa, và tiến hành các cuộc diễn tập gần căn cứ của Trung Quốc.
Đáp lại điều này, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Nhậm Quốc Cường (Ren Guoqiang), tuyên bố trong một thông cáo qua CNN: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các hòn đảo và vùng biển lân cận của chúng ở Biển Đông”.
“Bằng cách đưa các tàu quân sự vào các khu vực này mà không được phép, Mỹ đã làm tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, vi phạm các quy tắc cơ bản về quan hệ quốc tế và gây tổn hại đến hòa bình và ổn định khu vực.”
Trung Quốc tuyên bố hai tàu khu trục Hải quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân đã ngăn chặn tàu khu trục Hoa Kỳ.
Bãi Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa, trong một bức ảnh chụp từ vệ tinh vào năm 2016 (Ảnh: CSIS/AMTI/Digital Globe)
Trong một tuyên bố không công nhận chi tiết về hoạt động, Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cho biết họ tiến hành các hoạt động trong phạm vi của luật pháp quốc tế.
“Tất cả các hoạt động được thiết kế phù hợp với luật pháp quốc tế và chứng minh rằng Hoa Kỳ sẽ bay, đi biển và hoạt động ở những nơi mà luật pháp quốc tế cho phép. Chúng tôi thường tiến hành các hoạt động Tự do Hàng hải (FONOP), như chúng tôi đã làm trong quá khứ và sẽ làm trong tương lai”, theo một tuyên bố của Trung uý Nicole Schwegman cung cấp cho USNI News.
“Các hoạt động FONOP không phải là về bất kỳ nước nào, cũng không phải là đưa ra tuyên bố chính trị nào. Hoa Kỳ có lập trường mạnh mẽ trong việc bảo vệ các quyền, sự tự do và đảm bảo tất cả các nước được sử dụng hợp pháp vùng biển và vùng trời, tất cả các tuyên bố chủ quyền hàng hải phải tuân thủ Luật pháp quốc tế được phản ánh trong Công ước Luật Biển.”
Thách thức gần đây nhất được biết đến của Mỹ đối với sự kiểm soát của Trung Quốc tại Bãi Đá Vành Khăn là vào tháng 8 năm ngoái, với sự tham gia của tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John S. McCain (DDG-56), theo USNI News. Vào tháng 5, tàu USS Dewey (DDG-105) đã đi vào phạm vi 6 hải lý tính từ căn cứ của Trung Quốc trên Bãi Đá Vành Khăn và dành 90 phút hiện diện trong vùng biển 12 hải lý của căn cứ này.
Tàu chiến USS John S. McCain của Hoa Kỳ (Ảnh: Wikipedia)
USNI News cho biết hoạt động FONOP của Mỹ hôm thứ Sáu là lần thứ hai được biết đến trong năm 2018.. Vào tháng 1/2018, tàu USS Hopper (DDG-70) đã hoạt động gần Bãi cạn Scarborough ở ngoài khơi bờ biển Philippines, một quan chức quốc phòng xác nhận USNI News hôm thứ Sáu.
Các hoạt động FONOP của Mỹ tại Biển Đông nhằm thách thức Trung Quốc diễn ra thường xuyên hơn dưới chính quyền của Tổng thống Trump. Tháng 7/2017, ông Trump đã phê duyệt kế hoạch một năm cho phép hải quân Mỹ tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, trong khi dưới thời Obama mỗi hoạt động như vậy phải xin phép từng lượt.
Nhiều lãnh đạo hải quân Mỹ phê phán cựu Tổng thống Obama đã không cho phép các cuộc tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông từ năm 2012 đến năm 2015, theo tạp chí Hải quân (Navy Times) của Mỹ. Trong thời gian đó, Trung Quốc ra sức xây dựng các đảo nhân tạo và lắp đặt các thiết bị quân sự, tạp chí này cho biết.
Mai Liên