Saturday 14 July 2018

ĐI TÌM MỘT NGƯỜI VÀ THỜI GIAN ĐÃ MẤT - người lính già oregon

      1. Từ một năm nay, tôi cứ thắc mắc hoài, và đi tìm trong trí tưởng, về một người, đúng hơn, hình bóng của một người, mà tôi nhớ hình như là một cô học trò cũ, tại Nha Trang –nay bỗng trở thành nạn nhân, tuy không trực tiếp, nhưng nổi tiếng, thảm thương, của bọn lãnh đạo Cộng Phỉ độc tài, bán nước. Tôi nói “hình như” là bởi không chắc lắm. Nhưng những cái tên ít phổ thông, nghe lạ tai, như của cô, hoặc những cô khác, ví dụ, Túc Dung, Thu Mơ, Mộng Hằng, Hải Sâm, An Phong, Lệ Mẫn, Liễu Dương, Từ Tân, cả đến Nguyễn Thị Công, Trần Thị Quang, Lại Thị Tư, bình dị, không màu mè v.v… làm tôi nhớ rất dai, dù đã trên 48 năm rồi, và thỉnh thoảng còn nhắc giùm cho các giáo sư đồng nghiệp nào hỏi đến.

      Quả vậy, cuối năm 1970, từ Bình Định, tôi được đổi về Đại Đội 204 CTCT Nha Trang, đồn trú tại Bình Tân, gần Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân. Đại úy Phạm Văn Tải (hiện đang sống tại Portland) giao cho tôi Trung đội Chính Huấn kèm theo trung bình bốn cô ca sĩ, tức nữ huấn đạo. Cuối tuần, Trung đội đi công tác một lần, thường ban đêm, luân phiên tại các đơn vị và quân trường trong vùng, hay xa hơn, Ninh Hòa, Dục Mỹ. Công việc mới, như thế, khá nhàn hạ, sau bao năm bị tăng phái cho Sư đoàn 22 và 23, lội theo các đơn vị hành quân vào những thôn làng đầy nhóc du kích giả dạng thường dân. Ở Nha Trang, rảnh quá, tôi đâm ra “ngứa nghề”, thèm đi dạy lại, kẻo bỏ lâu “lụt nghề”, ngoài ra để kiếm thêm tí tiền còm. Vì là nhà binh, tôi không thể dạy các trường công lập sở tại, ví dụ Võ Tánh, hay Nữ Trung Học. Bèn mò đến trường Nữ Tư Thục Thánh Tâm, vì nghe nói bà hiệu trưởng cũng tốt nghiệp Văn Khoa Pháp Sài Gòn, niên khóa 1960-63, như tôi. Đến cầu may, chứ chẳng hy vọng gì. Tuy nhiên, vừa thấy tôi lò dò bước vô văn phòng, bà hiệu trưởng, tức Sơ Marie-Jeanne Phạm Thị Nhâm, nhận ra ngay cái anh chàng bạn học cùng lớp, cùng môn, cùng năm, dễ thương, nhưng hay cúp cua đi chơi, đi họp Thanh Sinh Công, hoặc đi công tác xã hội, và thường hỏi bà mượn bài vở bị thiếu. Sau một hồi cùng nhau ôn lại những kỷ niệm cũ, tôi được bà cho dạy liền một khi, không cần điều tra khả năng, bằng cấp, hay lý lịch.

      Để an toàn xa lộ và đúng thủ tục, Đại úy Tải đề nghị tôi làm đơn lên Bộ Tổng Tham Mưu, xin đi dạy thêm “ngoài giờ làm việc” –điều kiện ắt có và đủ, mà tôi luôn vi phạm, trên thực tế. Đơn được Trung tướng Tham Mưu Trưởng Nguyễn Văn Mạnh ký “thuận”, sau ba tuần lễ. Sơ Marie-Jeanne chỉ định tôi dạy ba lớp từ Đệ tam đến Đệ nhất. Còn các lớp dưới, thì chính bà và Sơ Paulina phụ trách. Có năm, vì hai Sơ quá bận, tôi phải kiêm luôn lớp Đệ tứ. Chuyện tôi được vô dạy trường Nữ Thánh Tâm đơn giản như vậy đó.

       2. Năm ngoái, tình cờ tôi được đọc một bài, rất cảm động và đanh thép, của một nhà văn lớn, vốn là đồng hương Nha Trang, Phạm Tín An Ninh (PTAN), đăng trên trang Dân Làm Báo, tháng 7, 2017, có tựa đề, “Thành Phố Nha Trang – Thiên thần và Ác quỷ”, sau khi Mẹ Nấm, tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bị Tòa Việt Cộng rừng rú tuyên án mười năm tù giam vì đã dám đứng lên tranh đấu đòi hỏi tự do, nhân quyền cho đất nước. Nhà văn PTAN cũng cho biết mẹ của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là một cựu nữ sinh trường Thánh Tâm, có tên Nguyễn Thị Tuyết Lan.

      Từ đó, tôi cố đi tìm Tuyết Lan, qua những dòng thư và trang giấy trên Mạng ảo. Như đi tìm thời gian đã mất, theo bước Marcel Proust. Rất khó khăn. Bởi thế giới của tôi hôm nay, khác xa khung trời huyễn mộng, ngạt ngào hương phấn trong À la recherche du temps perdu, ít nhất là trước lúc thời gian chưa được tìm thấy lại –có hương thanh bình tỏa ngát và hy vọng vươn xanh, có tiếng chim ca vang và gió đùa trong nắng, với những Albertine, những Gilberte, những Odette, và những nàng thiếu nữ yêu kiều dưới hoa đang tuổi trăng tròn, lòng đầy ắp mộng mơ và tình yêu thanh khiết… Trái lại, ở đây, Nha Trang, cũng như toàn cõi Việt Nam, gần nửa thế kỷ sau chiến tranh, khi tiếng súng đã im, nước mắt đã khô, khổ đau đã dứt, nhưng, vô phúc thay, phải sống trong nanh vuốt của loài “ác quỷ” mang hình người, có tên Việt Cộng, đang là một địa ngục trần gian, đích thực. Nha Trang, “miền quê hương cát trắng” ngày nào của tôi đã chết. Hoa bướm không còn. Rặng thùy dương dọc theo bãi cát mênh mông đã bị đốn sạch, để làm khu nhà nghỉ mát riêng biệt cho những thằng du khách Tàu, Nga, lúc nhúc như lũ chuột đói, hôi hám, kênh kiệu, mất dạy. Chim chóc thiên di về các hoang đảo xa. Khách sạn và tiệm ăn lớn nhỏ thi nhau mọc lên, ngăn chận gió biển thổi vào đất liền. Thành phố một thời thơ mộng đó của tôi, của nhạc sĩ Minh Kỳ, của nhà văn PTAN, và của biết bao đồng hương thân yêu còn bị kẹt lại, hay đang sống đời lưu vong, bây giờ chỉ thấy đầy dẫy những thằng Công an súc vật ác ôn, hung bạo, mập ú, chìm nổi, một sớm một chiều từ lỗ cống nào chui lên, rình rập, đánh đập, tra tấn, và thủ tiêu người dân bất lực, vô tội bị chúng bỏ tù. Như tại bất cứ thành phố nào khác. Cả nước Việt Nam là một địa ngục, ghê rợn còn hơn Inferno của thi hào Dante.

      3. Trở lại chuyện của Tuyết Lan. Bởi vì nghe lạ tai, cái tên đó gợi nhắc trong tôi hình ảnh chập chờn, mơ hồ sương khói của một nữ sinh cũ, hoặc ở trường Collège Français, mà tôi đã dạy trước khi bị gọi nhập ngũ, hoặc ở trường Thánh Tâm, mà tôi là giáo sư, như đã kể trên, sau khi được đổi về Đại Đội 204 CTCT. Sau khi đọc bài báo của PTAN, tôi mới biết chắc Tuyết Lan học Thánh Tâm, nhưng không rõ có học Pháp văn với tôi không. Tôi bèn nhắn hỏi cô em gái, hiện còn ở Nha Trang, mà tôi quên cũng là một cựu nữ sinh Thánh Tâm, vì tại Mỹ, không thấy có một Hội Ái Hữu Thánh Tâm, hay một học trò cũ nào để liên lạc. Hỏi một vài cựu giáo sư đồng nghiệp thì không ai nhớ. Và em đã trả lời:

      […] Chuyện cô Tuyết Lan em sẽ nhờ người hỏi giùm vì em không quen cô ta, em có thể tới nhà cô ấy nhưng sợ có công an chìm theo dõi vì nghe nói nhà cô ấy có người canh. Anh ráng đợi vài ngày nha.

      […] Em có nhắn tin cho Tuyết Lan trên facebook để hỏi về việc Anh nhờ nhưng cô ta không trả lời, có lẽ vì sợ , em không dám đến nhà, nhưng em có hỏi bạn cùng lớp với em hồi học TT thì hồi đó TL học sau tụi em một lớp và bạn em nói là không rõ TL có học Pháp Văn với Anh hay không. Em sẽ cố gắng hỏi giùm Anh.

      Chưa có thêm tin tức chính xác, và có thể Tuyết Lan không còn nhớ tôi, hay không dám nhận, hay tôi lộn cô với người khác, nhưng hình ảnh của một thời xưa cũ, êm đềm, bình yên, trước ngày nước mất nhà tan, trở về trọn vẹn trong trí tôi –bềnh bồng trên dòng sông dĩ vãng nhạt nhòa. Có những lúc tôi thấy rất rõ trước mắt một Tuyết Lan, ngày đó, còn trẻ, xinh đẹp và hiền thục, nếu không muốn nói nhút nhát, chăm chỉ và ít nói. Như những nữ sinh khác của tôi tại Collège và Thánh Tâm. 

       4. Tại sao tôi phải tìm kiếm Tuyết Lan, cô học trò cũ, mà nay dưới mắt bọn lãnh đạo tự phong và công an Cộng Phỉ trở thành một thứ hàng quốc cấm? Thấy sang bắt quàng làm họ ư? Không, Tuyết Lan mỗi tháng phải vất vả ra Thanh Hóa, vượt hàng ngàn cây số, để thăm nuôi con gái, Như Quỳnh, bị giam cầm giữa tuổi thanh xuân, phải chăm sóc một bà mẹ già và đứa hai cháu ngoại côi cút, tư gia thì bị bọn ác ôn canh giữ ngày đêm, không dám tiếp xúc với ai, thì sang nỗi gì, vào đâu, và với ai? Trái lại, tôi tìm cô, bởi ba lý do: 

      a) Tôi muốn bày tỏ lòng xúc động và ngưỡng mộ vô bờ, như một thầy giáo đối với mẹ, Tuyết Lan, và như một người cha, người ông đối với con, Như Quỳnh –cả hai là phụ nữ tay yếu chân mềm, nhưng vĩ đại, lẫy lừng, đã làm kẻ thù sợ hãi và những đồng hương Nha Trang, trong và ngoài nước, hãnh diện, vì lòng hy sinh cao cả và sự đấu tranh dũng cảm, mỗi người một cách, của hai mẹ con cho sự tồn vong của tổ quốc. Câu Như Quỳnh nói với mẹ, sau khi bị xử và kêu án: “Con xin lỗi mẹ và hai con vì những gì con làm đã làm khiến tình mẫu tử mẹ con bị chia cắt lâu dài, nhưng con không ân hận về những gì mình đã làm. Và nếu như phải lựa chọn lại, con sẽ vẫn làm như vậy”, đã khiến bao người ứa lệ, và đi vào lịch sử như câu nói bất hủ, để đời.

      Cũng như, xin mở ngoặc, câu tuyên bố vô cùng khẳng khái của một nữ tù nhân khác, Lê Thị Công Nhân, vào tháng 3, 2007, sau khi bị kết án bốn năm tù ở và ba năm quản chế:“Tôi xin khẳng định bằng tất cả lương tâm, trách nhiệm của mình và tình cảm đối với đất nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam là tôi sẽ chiến đấu tới cùng, cho dù chỉ còn có một mình tôi, để đấu tranh trước hết giành lấy nhân quyền cho chính mình và giành lấy nhân quyền, tự do và dân chủ cho người dân Việt Nam... Và Cộng sản đừng có mong chờ bất kỳ một điều gì là thỏa hiệp, chứ đừng nói là đầu hàng từ phía tôi.” 

      Ôi, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Thị Tuyết Lan, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, và còn ai nữa, những nữ lưu hậu duệ xứng đáng và tuyệt vời của Hai Bà Trưng và Bà Triệu! Tôi, một tù nhân tám năm cải tạo và một năm vượt biên bị bắt, đã biết thế nào là gian khổ, tuyệt vọng và uất nghẹn trong ngục tù Việt Cộng, xin được một lần cúi đầu cảm phục, ngưỡng mộ các cô, những thế hệ tiếp nối, kiêu hùng, trước những việc mà các cô đã và đang làm, thay cho chúng tôi, những “chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt” ngày đó, mà nay bỗng thấy tuổi đời chồng chất, sức cùng lực kiệt. Cám ơn các cô.

      b) Tôi muốn lên tiếng tố cáo trước công luận thế giới, đúng hơn, lương tâm thế giới, về cách đối xử bất công và vô nhân đạo của bạo quyền Việt Cộng đối với chính công dân của mình. Như Quỳnh chỉ có một tội, là yêu nước và kêu gọi chống ngoại bang Tàu Cộng mà phải bị án giam mười năm, bị đồng tù cố tình chửi rủa, để hành hạ tinh thần, và độc ác hơn nữa, bị xa lìa hai đứa con còn thơ dại. Những giải thưởng này nọ cho Mẹ Nấm không làm bọn Cộng Phỉ ngu muội và đê tiện chùn bước, trái lại còn làm chúng tức thêm. Chưa kể, nhất cử nhất động, chúng phải tuân theo lệnh của quan thầy Tàu Cộng. Vì thế, chúng ta yêu cầu thế giới, bằng mọi cách, gây áp lực trên Tàu Cộng, để bọn này bắt đứa tôi tớ Việt Cộng phải thả Mẹ Nấm và các tù nhân lương tâm khác, tức khắc và vô điều kiện.

      c) Tôi muốn xin đồng hương Nha Trang, và đặc biệt những cựu giáo sư
và cựu học sinh trường Thánh Tâm trên toàn thế giới hãy yểm trợ gia đình Tuyết Lan và Như Quỳnh, đang trong cơn hoạn nạn, bi đát, chẳng những về tinh thần, đã đành, mà còn về vật chất nữa, ít nhiều tùy theo khả năng và phương cách riêng, hoàn toàn cá nhân và trực tiếp, qua những đường dây an toàn. Chúng ta đang ở quốc ngoại, sợ gì bọn Việt Cộng trong nước, mà đắn đo, chần chờ?

     Cầu chúc em Tuyết Lan và cháu Như Quỳnh luôn chân cứng đá mềm, dũng cảm, chịu đựng những bất công, khổ hạnh, gây nên cho em và cháu bởi Việt Cộng, loài thú hung ác nhất, còn sót lại trên hành tinh này, thay cho cả dân tộc đang bị đọa đày, bị bán đứng cho lũ Tàu Cộng. Xin Thượng Đế Toàn Năng phù hộ và che chở hai mẹ con, phá hết xích xiềng, bắt chúng trả tự do cho cháu Như Quỳnh, giải phóng toàn dân.

       Sau hết, xin Thượng Đế đoái thương, bảo vệ nước Việt Nam, không bị rơi vào tay giặc Tàu Cộng tham tàn.


Portland14/7/2018
NLGO