Saturday, 11 August 2018

Tập Cận Bình Lung Lay - Vi Anh

Người Tàu có câu “Hoạ vô đơn chí, phước bất trùng lai”. Câu này đang sớm đến với Chủ Tịch Tập cận Bình [TCB] đúng như câu ca dao Việt Nam, “Ngày xưa quả báo thì chầy, Ngày nay quả báo tới ngay nhãn tiền.”

Thực vậy, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ tấn công vào nền kinh tế của TC do TCB lèo lái đang bị lao đao, xói mòn kinh tế là  thế cầm quyền của Đảng CSTQ sau khi chủ nghĩa CS sụp đổ bị chôn theo xác của Liên xô CS. Thất bại kinh tế của nhà cầm quyền TCB làm mờ đi việc TCB được cái Quốc Hội đảng cử dân bầu và Bộ Chánh trị của Đảng Nhà Nước  TC huỷ bỏ định mức hai nhiệm kỳ hồi đầu năm 2018, đã nâng TCB có thể lên làm Chủ Tịch suốt đời, cho tới chết như hoàng đế Trung Hoa cổ đại. TCB có quyền nắm giữ  suốt đời ba vị trí quan trọng nhất là chủ tịch nước, tổng bí thư  đảng và chủ tịch quân ủy trung ương.

Nhưng lên ngôi hoàng đế ngồi chưa nóng ghế, thì TCB bị hai cái hoạ ập đến. Một là bị chiến tranh thương mại của Mỹ ở trong đại lục khi kinh tế TC tăng trưởng chậm lại, lại phải đối đầu thương mại với Mỹ nổ ra. Và chiến tranh này có thể lan tràn ra Biển Đông bị Mỹ và đồng minh kết hợp thành liên minh siết vòng vây TC.


Bình luận gia kinh tế Fraser Howie, hôm 27 tháng 7 nói rằng Trung Cộng không biết cách nào để đối phó với ông Trump, họ chỉ dùng lại cách cũ họ từng làm khi đánh hơi biến cố sắp xảy đến. Giới quan sát ghi nhận là thế bị động hiện nay của Trung Quốc, chỉ biết ăn miếng trả miếng trước các đòn tấn công của Mỹ, chứ chưa thấy có những biện pháp đối phó mạch lạc, có tính toán kỹ lưỡng như thường thấy trước đây. Bắc Kinh cũng có vẻ bị cô lập trong cuộc chiến thương mại, không lôi kéo được các thế lực kinh tế khác cùng chung sức chống Mỹ, tiêu biểu như Liên Âu vẫn đi sát với Mỹ.

Hiện tại làn sóng di dời những xưởng sản xuất từ Trung Cộng đến Mã Lai, Việt Nam đang gây lo âu, xáo trộn trong giới công nhân, giới tài chính Trung Cộng. Đợt di chuyển đầu tiên nầy ảnh hưởng đến 1 triệu công việc làm và 25,5 tỷ USD, ông Clara Chan Yuen-Shan giám đốc Hội Đồng Thương Mại các Xí Nghiệp Trẻ và Tổng Giám Đốc công ty cổ phần Lee Kee ở Hồng Kông tuyên bố.

Hai là trời hại TCB, nhà cầm quyền TC của TCB vướng vào vụ bê bối thuốc chủng ngừa vắcxin dỏm giết hại nhiều trẻ em TQ làm cho nhân dân TQ đồ thán, chống đối, hoài nghi về các chính sách và quyền lực của Chủ tịch Trung Quốc,  theo nhận xét của báo New York Times của Mỹ.

Thế là Trung Quốc chấn động bởi chiến tranh thương mại với Mỹ và bê bối vắcxin dỏm, như phước bất trùng lai, hoạ vô đơn chí ập đến vớí TCB. Cá nhân Ông phải điên đầu, uy thế của ông lung lay với thách thức lớn nhất này. 

Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun), giáo sư luật và luật hiến pháp tại Đại học Thanh Hoa danh tiếng ở Bắc Kinh, hồi tuần trước đăng trên website của Viện Nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc một bài viết được cho là táo bạo nhất từ trước tới nay của giới học giả Trung Quốc phê bình các chính sách cứng rắn của ông TCB.

Ông Hứa viết "Người dân cả nước, kể cả giới tinh hoa, một lần nữa cảm thấy mơ hồ về đường hướng quốc gia và về an ninh bản thân. Nỗi bất an đã lan tỏa thành một mức độ hoảng sợ khắp xã hội. "Đây là bài viết rất mạnh mẽ", Jiang Hao, một nghiên cứu viên tại Viện Thiên Tắc, nhận xét. "Nhiều trí thức Trung Quốc có lẽ cùng chung suy nghĩ, nhưng họ không dám nói ra".

Ông Tập đã phải triệu tập một cuộc họp Bộ Chính trị nhằm thảo luận các biện pháp đối phó với tình hình kinh tế và thương mại. Theo Tân Hoa xã của TC, Bộ Chính trị Trung Quốc kết luận,"Nền kinh tế vẫn ổn nhưng đang phải đối mặt với những vấn đề và thách thức mới, trong khi môi trường bên ngoài đang có những chuyển biến rõ rệt".

Đó là vụ bê bối vác xin dỏm của công ty Trường Sinh giết hại trẻ em như một cơn sóng ngầm trong nước bị phanh phui, làm dấy lên nỗi giận dữ trong dư luận, nhất là khi chính phủ từng cam kết sẽ xử lý triệt để vấn đề sau những vụ việc tương tự trước đây.

Nhưng quần chúng nhân dân TQ hoàn toàn không tin, vì vụ bê bối như thế thường xảy ra, vụ bê bối này là vụ thứ ba. Đây là cuộc khủng hoảng thứ ba ở Trung Quốc liên quan đến vắcxin từ năm 2010, khiến nhiều người đổ vỡ niềm tin vào nền dược phẩm nội địa và châm ngòi cho làn sóng phản ứng quyết liệt trong tầng lớp trung lưu với những cam kết của chính phủ.

Nhiều chuyên gia đối ngoại và quan chức đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng những biến cố gần đây đã khiến giới trí thức, cựu quan chức và tầng lớp trung lưu ngày càng hoài nghi về các chính sách cứng rắn của ông Tập. Một cựu quan chức Trung Quốc giấu tên nói rằng nhiều đồng nghiệp cũ của ông đã chia sẻ bài viết của giáo sư Hứa trên mạng xã hội.

Cựu quan chức này cùng nhiều người khác cho rằng nếu Bắc Kinh không có những điều chỉnh kịp thời, những hoài nghi như vậy theo thời gian sẽ lớn dần lên và làm suy giảm quyền lực của ông Tập, khiến các quan chức cấp cao trong chính quyền đặt câu hỏi về quyết sách của ông.

Richard McGregor, chuyên gia cấp cao tại Viện Lowy ở Australia, cho biết "Vài tuần gần đây, các dấu hiệu về nỗ lực manh nha phản đối quyền lực tuyệt đối của ông Tập đã bắt đầu xuất hiện", đồng thời cảnh báo nó có thể gây ra tình trạng bất ổn và tê liệt chính sách.

Một số dấu hiệu cho thấy sức ép từ căng thẳng thương mại và những lời phê bình trong nước đã khiến chính quyền của ông Tập có những bước đi nhằm xoa dịu dư luận. Một loạt bài viết trên tờ People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đã mỉa mai những học giả mạnh miệng tuyên bố rằng Trung Quốc đã trở thành siêu cường công nghệ vượt mặt Mỹ, đồng thời cảnh báo truyền thông về việc thổi phồng sức mạnh Trung Quốc.

Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng thể hiện các dấu hiệu cho thấy việc giảm bớt ca ngợi ông Tập, sau khi giáo sư Hứa cho rằng cần phải "hãm phanh" những hoạt động tuyên truyền mang tính sùng bái cá nhân như những gì từng diễn ra thời Cách mạng Văn hóa.

Nhà chức trách Trung Quốc từ giữa tháng 7 đã bắt đầu gỡ bỏ nhiều ảnh chân dung của ông Tập tại Bắc Kinh, dường như để làm giảm bớt những lo ngại về chủ nghĩa sùng bái cá nhân trước thềm hội nghị thường niên Bắc Đới Hà sắp diễn ra, theo Nikkei. Đây là hội nghị nơi các lãnh đạo đương chức và về hưu của Trung Quốc thảo luận các quyết sách quan trọng nhất của quốc gia.

Cựu chủ tịch Giang Trạch Dân và một số lãnh đạo lão thành được cho là đã gửi một lá thư dài cho ông Tập, hối thúc ông xem xét lại chính sách kinh tế và ngoại giao của mình. Nikkei cho hay có nhiều thông tin từ nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc rằng ông Tập sẽ thể hiện lòng tôn trọng hơn đối với các cựu lãnh đạo từng thực hiện công cuộc cải cách ở Trung Quốc và biến nước này thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Và đối với Mỹ báo Le Monde của Pháp cho biết hai ngày sau khi đạt thỏa thuận hưu chiến với Liên Âu, thống kê kinh tế quý 2 vừa qua của Mỹ cho biết tăng trưởng kinh tế của Mỹ đạt 4,1%, mức cao nhất từ 2014. Lý do của sự tăng trưởng đột biến này là do tiêu thụ tăng mạnh (4%), và cũng đồng thời do cải cách thuế. Các doanh nghiệp, được hưởng lợi, rút nhiều tiền lãi từ nước ngoài về hơn, khiến đầu tư trong nước tăng mạnh (7,3%).

Trước cái mạnh của Mỹ và cái yếu của TQ, có tin Trung Quốc sẵn sàng giải quyết bất đồng với Hoa Kỳ trên nguyên tắc bình đẳng. Ngày 3/8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu với báo giới sau cuộc gặp Ngoại trưởng  Mike Pompeo bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51. Ô. Vương xác  định việc hợp tác giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là lựa chọn đúng đắn duy nhất và Bắc Kinh sẵn sàng giải quyết bất đồng giữa hai nước trên nguyên tắc bình đẳng.