Sanh năm 1930. Qua đời ngày 3 tháng 1 năm 2018
Tại Houston (Texas) Hoa Kỳ
Hưởng thọ 88 tuổi
Đôi dòng tiểu sử về
thầy
Nguyễn
Văn Trường
* Cử Nhân Giáo
Khoa Toán. Cao Học Toán
* Nguyên Quyền
Giám Đốc Học Vụ Ban Khoa Học
Trường ĐH Sư Phạm
Huế.
* Nguyên Tổng Giám
Đốc Trung Tiểu Học và BDGD
* Nguyên Tổng
Trưởng Giáo Dục, Nội Các Trần Văn Hương
* Nguyên Ủy Viên
Giáo Dục, Nội Các Nguyễn Cao Kỳ
* Nguyên Giảng Sư
Trường ĐH Sư Phạm Huế và Sài-Gòn
* Nguyên Giảng
Viên các Trường ĐH Đà Lạt, Vạn Hạnh
Thời gian trôi mãi trôi, tôi không làm
sao quên được, nên tôi vẫn nhớ vào mùa hè năm 1997. Đã hơn hai mươi năm rồi nhỉ,
chặng đường khá dài cho một kiếp người. Nhưng quanh qua quẩn lại thời gian qua
quá nhanh, hè đi rồi hè đến như cái chớp mắt! Gẫm lại hai mươi năm ngắn ngủi và
nhẹ nhàng đi qua, ai còn ai mất trong nhân sự của Trung học Phan Thanh Giản và
Đoàn Thị Điểm Cần Thơ ngày xưa. Ở cái thuở thanh bình thạnh trị mà học trò có
tâm hồn trong sáng như tờ giấy trắng, như bông lúa mới trổ đòng đòng ở Tây Đô
của miền Nam nước Việt.
Năm đó, tôi
đang học lớp Đệ tam nữ Trung hoc Đoàn Thị Điểm (Cần Thơ) Nguyễn Thị Huệ cùng
lớp chung trường, chúng tôi là đôi bạn thân thiết. Giữa năm thì có Thái Minh
Kiệt quê ở đâu miệt Sa-Đéc đang học lớp Đệ nhị trường nam Trung học Phan Thanh
Giản và hai ba anh bạn khác, kẻ sinh viên, người quân nhân, công chức. Chúng
tôi được quen biết vì nhà má chị Huệ nấu cơm tháng cho những thanh niên độc
thân ở trọ. Còn Dương thị Giàu, Dương Thị Có ở sau nhà tôi lần luợc cũng đậu vào
Đoàn Thị Điểm, và Nguyễn Thị Thu (tiệm may Thu Hồng) cũng là đồng môn sau tôi mấy
lớp.
Những thanh
niên trong nhóm, tôi và chị Huệ thân với Thái Minh Kiệt nhiều hơn vì chúng tôi
còn là học sinh cùng trường nam và trường nữ cách nhau chỉ tấm vách tường cao
quá đầu, hai mùa mưa nắng trơ gan cùng tuế nguyệt rêu phong. Thỉnh thoảng chúng
tôi rủ nhau đi ăn mì, hũ tíu, trong những đêm mưa mùa dai dẳng của miền Hậu
Giang. Có khi đi xem chiếu bóng ở rạp Tây Đô với những phim kinh điển vang bong,
đi vào lòng người mộ điệu cho mãi đến bây giờ, như:
* Mùa Thu Lá Bay, Dòng Sông Ly Biệt, Hải Âu
Phi Xứ, Xóm Vắng, Tình Buồn phóng tác theo tiểu thuyết cùa bà xẩm Quỳnh Dao. Cùng nhiều phim các Quốc Gia
khác như: Anh, Ý, Pháp, Ấn, Thái Lan, Nhật...
* Cầu sông Kwai “The Bridge on the River Kwai” là một bộ phim về Chiến tranh thế giới thứ hai
chuyển thể từ “Le Pont de
la Rivière Kwai” của nhà
văn Pháp “Pierre
Boulle”. Phim này
đoạt giải Oscar năm 1957. Phim do David
Lean đạo diễn với sự tham gia diễn xuất của Alec Guinness, Sessue Hayakawa, Jack Hawkins và William
Holden (tài liệu Google).
Đó là một phim
chiến tranh buồn... xem xong phim, ra khỏi rạp hát tôi còn thút thít khóc! Vì
tôi sanh ra và lớn trong quê hương chinh chiến không ngừng “Những chàng trai giống dòng hào kiệt/ Xếp bút nghiên theo việc kiếm
cung” Đã có biết bao nhiêu người ra đi không trở lại. Nên phim“Cầu sông Kwai” hoàn cảnh những quân
nhân bị bắt làm tù binh... đã khiến nỗi buồn thương hiu hắt, và luôn tiềm ẩn
trong tâm tư tôi. Rồi sau ba mươi, tháng tư, năm một chín bảy mươi lăm (30, 4,
1975) những chiến binh Việt Nam Cộng Hòa bị bắt đi tù cải tạo, nên niềm xao
xác, đau thương càng nhiều càng dâng cao hơn trong lòng, và có lẽ sẽ theo tôi
suốt quãng đường lưu lạc, còn lại của cuộc đời nhiêu khê nhiều hện lụy nầy.
Sau phần hai,
chúng tôi rời trường mẹ Phan Thanh Giản & Đoàn Thị Điểm. Bạn bè kẻ học
nghề, người đi làm, vào quân ngũ, ít khi gặp lại nhau. Cho mãi mười mấy năm sau
trận đổi đời đó, tôi và Thái Minh Kiệt bôn đào ra xứ người, nhưng vẫn không
biết tin nhau. Không hẹn, mà ở hải ngoại chúng tôi viết văn làm thơ. Việc làm
tình nguyện mất nhiều thời gian và tâm trí nầy, trước là làm niềm tiêu khiển
cho tâm tư mình về hoài niệm xa xưa nơi quê nhà, ở vùng xa xứ lạ. Sau đó thì gởi
đến độc giả, cũng là để làm niềm vui cho tha nhân qua những tờ báo tuần, báo
tháng, đạc san, rải rác khắp nơi nào có người Việt lưu vong. Tôi và anh Thái
Minh Kiệt đều dùng bút hiệu nên ở cùng ban biên tập cho một vài tờ báo mà không
biết gì về nhau. Cho mãi hơn mười năm sau, chúng tôi mới liên lạc được nhờ anh
bạn chung nhóm ngày xưa hiện cư ngụ ở Úc cho biết: “...Thái Minh Kiệt bây giờ
viết văn có bút danh Nguyễn Văn Ba... ”.
Anh Thái Minh
Kiệt là đồng môn đầu tiên cho tôi biết, vào ngày 2 và 3 tháng 8 năm 1997 ở
Houston sẽ có hai ngày lễ kỷ niệm cựu học sinh Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm
Cần Thơ do đồng môn cựu Đại/Tá Huỳnh Văn Lai tổ chức. Anh Kiệt xúi tôi đi, còn
anh thì mấy ngày đó bận rộn nên không tham dự được, hẹn năm tới, nếu có tổ chức
anh sẽ tham dự.
Tôi đến Houston ngày hè nắng đổ! Vách của
các văn phòng, hay thương mại, lối đi trong phi trường đa số là kiếng trong
suốt, nhìn thấu bên ngoài, thấy toàn nhà cửa khang trang, cây xanh lá thắm
không gian trong vắt và nền trời rạng rỡ xanh rất xanh. Tôi nghĩ thầm miệng người
hay phóng đại, trời đẹp như vầy mà thiên hạ đồn “Texas nắng cháy da phóng trán”.
Nhưng khi mở cửa ra ngoài để đến chỗ đậu xe, thì “Ôi thôi, thần hoàng thổ địa, ông bà ông vải ơi” nóng muốn nín thở!
Cùng chuyến
bay với tôi từ Chicago đến đây còn có giáo sư Nguyễn Hữu Lễ. Đã cùng sống ở thành
phố Chicago và biết nhau bao nhiêu năm rồi, vậy mà cho đến đi dự Đại hôi lần đó
chúng tôi mới biết là đồng môn với nhau lúc còn học ở Trung học Phan Thanh
Giản & Đoàn Thị Điểm năm xưa.
Lần đầu
tiên tổ chức đại hội, những đồng môn phương xa về dự được quý anh chị ở Houston
chia nhau đón đưa về nhà tiếp đãi tiếp đãi thân mật như một thành viên trong
gia đình. Lần đó tôi và đồng môn Mỹ Châu tiểu bang xa (em gái sư huynh Phạm thành
Tín) ở nhà anh chị Hai Nguyễn Phước Trang.
Tiền đại hội
vào ngày thứ sáu tổ chức tại nhà sư huynh Nguyễn Bửu Thoại. “Vạn sự khởi đầu nan” mới năm đầu họp
mặt cựu học sinh Phan Thanh Giản &Đoàn Thị Điểm ở xứ người, chắc chắn ban
tổ chức gặp nhiều bận rộn, vất vả, với số rất đông như là thầy cô và đồng môn
từ các tiểu bang và nước ngoài đến như Canada, Pháp, Anh, Hy Lạp.,
Đã bảy giờ
chiều, hoàng hôn chỉ còn le lói những tia nắng nhạt ở chân trời xa... nhưng
than ôi Texas vẫn còn nóng quá chừng chừng đi thôi! Trong xe có máy lạnh, mở
cửa xe vừa thọt chân ra để bước xuống, mèn ơi tôi lại nhăn nhó lớn họng suýt
soa kêu “Nóng quá! Nóng quá...” Đó là tâm trạng chung của mọi người có mặt hôm
nay, dù trong nhà huynh Nguyễn Bửu Thoại máy lạnh chạy 24/24 giờ không ngừng
nghỉ, nhưng không ai bảo ai mấy người chúng tôi chạy vào nhà một chút rồi chạy
ra cho người khác vào để tránh cái nóng thê thiết bên ngoài.
Đến
hơn tám giờ, mặt trời lặn nhưng không gian vẫn còn trong sáng và nóng lắm! Lúc
bấy giờ thầy cô đồng môn đã đến đông đủ... mà huynh Nguyễn Bửu Thoại và hai ba
huynh khác còn vắt vẻo trên cây thang để mắc điện cho khán đài lộ thiên trước
sân nhà và cơn nóng vẫn còn hừng hực điếng cả người quý vị ạ!
Lần
đầu tôi gặp ông Nguyễn Văn Trường trong buổi tiền đại hội cựu học sinh Phan
Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm (Cần Thơ) tại khuôn viên (sân trước) nhà huynh
Nguyễn Bửu Thoại. Với tôi thuở đó ông Trường cũng như bao nhiêu nam đồng môn
khác của trường về dự đại hội. Chúng tôi không ai quen biết ai, vì sự chênh
lệch tuổi tác, vì qua bao nhiêu thăng trầm dâu bể của cuộc đời, trong khi thời
gian cứ mãi lạnh lừng trôi, đào thải chẳng chút kiên vị, và đã tàn phá dung
nhan mùa hạ của mỗi nhân sự. Cho nên dù có quen biết lúc còn cùng lớp, chung
trường đi nữa, chúng tôi cũng khó mà nhận diện nhau liền được.
Chùm nhum một
nhóm có mấy người gồm “nình” ông và “nình” bà, trong đó có cả hiền thê của ông
Trường là bà Hồ Đắc A Trang nữa.
Ông Nguyễn Văn
Trường tôi gặp lần đầu đó có mái tóc hoa râm cắt ngắn như những quân nhân. Ông
mặc đơn giản áo sơ-mi dài tay màu trắng có thắt cà-vạt sọc xéo pha hai màu
trắng nâu, bỏ trong quần, với thắt lưng gọn ghẻ hẳn hoi. Ông mang giầy da màu
của trái muồn quân chín (loại trái tròn lớn hơn ngón tay cái, ăn chua chua,
ngọt ngọt, và trước khi ăn phải vò cho nó mềm, nếu không vò ăn sẽ chát và có mũ
dính miệng) mang kiếng trắng gọng vàng ánh. Ông Nguyễn Văn Trường có dáng thanh
cảnh dong dỏng cao, đôi mắt sáng, nụ cười bùi ngùi, giọng nói ôn tồn, tự nhiên,
vui vẻ và từ tốn.Thoạt nhìn ông giống như một nông dân chất phát, chân tình
khiêm nhường, được sanh ra và lớn lên bên dòng sông Hậu nước ngọt muôn đời,
hiền hòa mang phù sa bồi đắp ruộng vườn che chở mái nhà Nam.
Dáng dấp ông
gợi nhớ hình ảnh ba tôi lúc còn sanh thời. Ông già tôi cũng cao ráo, nước da
ngâm, người khỏe mạnh và nhứt là mái tóc cố hữu lúc nào cũng hớt cao như lính,
mà các con ông thường nghe người ta nói đó là kiểu tóc “đờ-mi-cua” (Demi
cours).
Trong nhóm
chúng tôi đứng nói chuyện ở hiên ngoài nhà nầy huynh Nguyễn Bửu Thoại hôm đó,
có tất cả tám người: ba nam nhi chi chí, và năm nữ lưu. Mỹ Châu ở
Massachusettes trẻ nhứt cũng ngoài năm bó, còn lại bốn phụ nữ kia ở tuổi hoàng
hôn... Chúng tôi nói chuyện linh tinh mọi thứ về lớp, về trường thuở ngày xưa,
những kỷ niệm ở Tây Đô, của Nam Kỳ Lục Tỉnh mình,rồi những chuyện gia đình sinh
sống trên đất nước tạm dung... Dù ở hải ngoại lâu năm chúng tôi vẫn còn giữ được
một chút chất phác, chân tình của dân miền Lục Tỉnh, không cầu kỳ, không màu mè
rêu cua không cần phải tỏ rõ lạ quen, mới biết hay biết lâu, hễ gặp nhau là tay
bắt mặt mừng gọi bằng anh, bằng chị, và chỉ một lát thì xưng hô loạn cào cào như
là bà nầy, chị nọ, anh kia. Tám người chúng tôi phút chốc thân mật và gọi nhau
bằng anh, bằng chị... nên tôi xưng hô với ông Nguyễn Văn Trường bằng anh
Trường, và bà xã anh là chị Hồ Đắc A Trang.
Tôi nhận thấy
năm nữ lưu trong nhóm trội nhứt là hiền thê của anh Trường còn giữ được dáng
vóc đài trang, thon gọn và sắc diện tươi mát. Chị sở hữu đôi mắt tròn, to, đen
láy, và nụ cười khả ái không sao chứa hết trong cái miệng nho nhỏ xinh xinh,
duyên dáng. Mỗi khi nhoẻn miệng cười thì đôi mắt chị cũng cười theo tỏa sáng cả
khuôn mặt. Tôi thầm nghĩ người phụ nữ có tên Hồ Đắc A Trang nầy ở thuở tuổi
thanh xuân chắc chắn là một đại mỹ nhân! Nồi ơi, chị còn có giọng nói thanh
thoát như chim hót, và ngọt như mía lùi nữa chớ! “Học trò xứ Quảng ra thi/ Thấy cô gái Huế chân đi không đành”, sự
thật đúng như vậy! Chị Hồ Đắc A Trang là phụ nữ đất Thần Kinh, anh Nguyễn Văn
Trường là chàng trai Nam Bộ cưới cô gái Huế.
Khi biết hoàn
cảnh đẹp của anh chị Trường. Tôi đã già cái đầu rồi mà máu lí lắc của học trò vẫn
còn vương vấn trong người, bèn nổi hứng rống họng giọng vịt cồ của mình ví von
hát có ca có kệ:
“.................................................
Hàng dừa cao im mơ soi bóng sông
Mộng ngày mai say sưa những ước mong
Gái miền sông Hương hẹn trai miền Cửu Long
Hai ta ước thề xây thắm tình duyên quê”
Mộng ngày mai say sưa những ước mong
Gái miền sông Hương hẹn trai miền Cửu Long
Hai ta ước thề xây thắm tình duyên quê”
..................................................
Mèn ơi tôi còn
đang cố gò giọng ồ ề thả hồn lên chín tầng mây ngân nga, thì tiếng vỗ tay của
quý anh chị đôm đốp vang lên khen ngợi...
Có chị cười
lớn, lên tiếng:
- Lời hát nghe quen quá, nhưng không biết bài
nào vậy chị?
Anh Trường
cười vui:
- Chị hát hay và hợp tình hợp cảnh. Nhưng nếu
hát hết bài thì càng hay hơn.
Có anh bảo:
- Hay lắm hát lại nguyên bài đi chị.
Nghe khen mình
thì khoái chí lắm lắm... nhưng thật ra tôi chỉ nhớ có bốn câu chót, trong bài “Tình Thắm Duyên Quê” của nhạc sĩ Trúc Phương. Khi “bổn cô nương” nghe
khen thì cười híp mắt mà còn làm bộ lắc đầu, ẹo ẹo, rồi nở nụ cười tàn nhẫn để lờ
đi, chớ có thuộc đâu mà hát hết bài nè trời!
Có anh trong
nhóm (sau nầy mới biết là bác sĩ Hùng) bảo:
- Chị hát hay quá, trông chị không giống người
ở địa phương nầy chắc ở tiểu bang khác đến, vậy còn có đồng môn nào nữa không?
- Cảm ơn anh, tôi ở Illinois thành phố Chicago.
Tôi chưa biết Chicago còn có thầy cô và đồng môn nào nữa không. Nhưng cùng
chuyến bay xuống đây với tôi có anh Nguyễn Hữu Lễ, quý vị biết anh Lễ chớ?
Anh
Trường và một hai người gật đầu tỏ ý là biết anh Lễ! Nhiều người biết anh Nguyễn
Hữu Lễ vì có một thời làm “Thanh Tra Giáo
Dục Miền Nam”. Tán hưu tán nai một hồi, trong nhóm có người biết tôi hay viết
lách và đã có tác phẩm, Mỹ Châu chủ nhà hàng, chị A Trang làm thư viện ở Texas.
Một lúc sau chị A Trang hỏi sách tôi có bán ở một vài nhà sách vùng Texas
không, vì mỗi năm chị đều đặt mua sách qua trung gian là nhà bán sách cho thư
viện, chớ không mua trực tiếp với tác giả.
Nghĩ tới nghĩ
lui một hồi, tôi nhẹ giọng bảo:
- Không được mua sách trực tiếp với tác giả,
nếu tác giả tặng trực tiếp thì thư viện không từ chối chớ chị?
Chị A Trang
mỉm cười gật đầu.
- Dĩ nhiên rồi.
- Vậy chị cho địa chỉ thư viện, tôi sẽ gởi sách
tặng.
Anh Trường
bảo:
- Sách viết thì bán giá chánh thức hoặc bớt bao
nhiêu phần trăm, chớ chị tặng thì coi như mất cả vốn lẫn lời.
- Thưa anh, tôi vốn vĩ chưa có khả năng sống
bằng nghề cầm bút anh ơi, viết là niềm vui là sở thích và đam mê nên viết
thôi... Ai ủng hộ thì tôi không từ chối, ai muốn thì tôi tặng cũng không sao,
vì mình viết ra cần có độc giả, chớ in sách để chật cả nhà xe, thì ông xã tôi
sẽ rầy và không cho in nữa.
Chúng tôi đang
nói cười vui vẻ thì loa phóng thanh của ban tổ chức oang oang mời đến dùng bữa,
và thưởng thức chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn của tiền đại hội. Thế là
rả đám, ai nấy tản mác đi lần về khán đài lộ thiên, và gần mấy chiếc bàn dài
chứa đầy những món ăn Nam Bộ. Do những nàng dâu, con gái đảm đang của trường
xưa ở địa phương, khéo tay nấu nướng đãi thầy, cô, đồng môn từ những nơi xa đến
dự Đại hội trường.
Ảnh chụp năm 1997.
Từ trái qua phải: Thầy NguyễnVăn
Trường,
DTDB, Hồ Đắc A Trang, Mỹ Châu
(hai chị, và anh đứng
kế không nhớ tên) người cuối là BS Hùng
(?).
Đang thưởng
thức những món ăn, nhưng tôi lấy làm ngạc nhiên nhận thấy rằng: Không biết tại
sao mà đồng môn hay cả thầy cô nào khi đi ngang qua anh Trường cũng chào hỏi,
hoặc nói chuyện với dáng vẻ hết sức nể trọng, và không kém phần cung kính?
Dư Thị Diễm
Buồn tôi liền đến gần, rồi thỏ thẻ hỏi nhỏ đại huynh Nguyễn Phước Trang? Nghe
huynh Phước Trang cho biết tự sự, và kể sơ sơ về anh Nguyễn Văn Trường... Ôi,
tôi thiệt tá hỏa tâm tinh! Lẩm bẩm trong miệng: “Nồi đất ơi, thôi chết bà rồi! Thiệt
là ếch nằm đáy giếng chẳng biết trời cao đất rộng, chẳng biết thái sơn là gì
mà! Có phải chăng tôi mang cái bịnh vô ý vô tứ “chưa nói mà cười/ chưa đi mà chạy là người vô duyên” như lúc sanh
thời má tôi lúc nào cũng nhắc nhở con cái trong nhà, mà tôi là đứa có chú ý
đâu! Và cũng bởi anh Trường là một người hết sức bình dân, thành thật, khiêm tốn
trong lúc nói chuyện nên đã khiến tôi ngộ nhận anh là một đồng môn hay thầy
giáo xuất thân ở gia đình nông dân của Nam Kỳ Lục Tỉnh, chớ ai mà ngờ anh “Nguyễn Văn Trường là một nhà Đại khoa bảng trí thức, kiến thức rộng rãi của
Việt Nam. Ông đã có nhiều nhiệm kỳ đứng đầu ngành Giáo Dục của Miền Nam Cộng
Hòa”.
Không giấu gì
với quý vị, thầy cô và đồng môn xa gần, DTDB tôi thiệt cảm thấy vừa ái ngại,
vừa mắc cở và giận mình vô cùng kể! Và liền rót ly nước cam có đá mát lạnh tay,
bưng lại gần nơi anh Trường đang đứng thưởng thức món ăn.
Tôi trịnh
trọng và ngập ngừng cười cầu tài, rồi ngọt giọng đổi cách xưng hô:
- Mời thầy dùng nước cam cho mát dạ, và xin lỗi
cứ gọi thầy bằng anh và ăn nói lung tung mất trật tự suốt buổi nói chuyện.
Thầy
Trường cầm ly nước cam, hiền lành cười khì khì:
- Cảm ơn chị ly nước cam. Chúng ta đều giống
nhau, là những người tị nạn. Bây giờ tất cả là cựu hết rồi chị à, đừng câu nệ
và chị có lỗi gì đâu. Nhờ quý anh chị gọi bằng anh như vậy nên chúng ta truyện
trò rất tự nhiên, thân mật và vui vẻ.
Sau lần đại hội đầu tiên năm 1997 ở
Houston (TX) từ đó, cứ mỗi năm Trung học Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm luôn
tổ chức đại hội ở mỗi tiểu bang khác nhau trong nước Mỹ, hoặc ngoài nước Mỹ
như: Úc, Canada. Nếu có đi dự đại hội thì thầy Nguyễn Văn Trường cũng luôn tìm
đến gian hàng sách hỏi thăm, và ủng hộ đôi ba cuốn sách. Tôi tặng nhưng thầy
Trường không đồng ý, bảo: “Tôi có tiền hưu, chỉ phụ chút ít để chị in ấn
thôi...” rồi thầy để tiền trên bàn quày quả bước đi nhanh. Tôi lật đật phóng
theo nhét vào tay thầy một hai cuốn sách khác.
Nhớ
hôm đại hôi trường năm nào đó chị Hàn Thương (đồng môn), ngồi cạnh, thấy thầy
Trường đến bàn sách của tôi. Sau khi thăm hỏi một hồi, thầy ủng hộ quyển sách
mới nhất “Mênh Mông Nỗi Nhớ”. Trước
khi đi thầy vui vẻ bảo với tôi:
- Còn viết được, chị hãy cố gắng viết nghe... “Nếu ở quê nhà vào thời trước, thì chị là
người viết nổi tiếng...”
Tôi thật sự bùi
ngùi cảm động và mát lòng mát dạ với câu nói của thầy Nguyễn Văn Trường. Thầy lấy
sách rồi bước đi, chị Hàn Thương ngạc nhiên mắt mở to thao láo nhìn tôi, rồi
hất mặt (làm như ta đây ngon lắm vậy!) cao giọng bảo:
- Trời đất, bộ thầy Trường cũng đọc sách của bà
sao?
- Ừ, thì chị thấy rồi đó! Bộ tui viết tệ lắm
hả, nên chị hỏi thiệt là “có duyện hết chỗ chê” vậy nà?
Nghe
tôi dí dỏm trả lời, Ngọc Nhi đứng lựa sách cười lớn. Thế rồi cả ba chúng tôi
nhìn nhau vui vẻ cùng cười ngất nga, ngất nghéo! Còn hụt hẫng trong tiếng cười
chị Hàn Thương vừa quơ quơ tay “thanh minh thanh nga”:
- Không phải, không phải tôi chê bà viết đâu
mà. Ý tôi muốn nói thầy Nguyễn Văn Trường thuộc Đại Sư Thúc Tổ về Văn Hóa Giáo Dục của miền Nam. Nên tôi nghĩ thầy
không thèm xem sách của bọn học trò tép rong, tép rêu như bọn mình chớ!
- Ừa chị nói nghe cũng “tầm phải” lắm! Có lẽ
thấy tôi ngồi nhìn trời hiu quạnh ngáp ruồi, nên thầy tội nghiệp đến ủng hộ
tinh thần đó mà.
Rồi
tôi nhìn về hướng đi, dáng thầy vừa cao vừa gầy mà thầm nghĩ: “Thầy Nguyễn Văn
Trường là một nhà mô phạm, trí thức, kiến thức hơn người, lại hết sức khiêm tốn
và bình dân. Thiệt đúng như nhận xét viết về, cựu Tổng Trưởng Giáo Dục Nguyễn
Văn Trường của nhiều cây viết có tầm vóc của miền Nam Cộng Hòa trước năm 1975,
và ra đến hải ngoại như: Nhà văn Hồ Trường An, Xuân Vũ, Tạ Quang Khôi...”
Thầy
Nguyễn Văn Trường là một trong những người con yêu của Tổ Quốc. Thầy đã đào tạo
biết bao nhiêu môn sinh nên người hữu dụng cho đất nước Việt Nam. Giờ đây, qua
bao nhiêu dâu biển thay đổi thăng trầm của cuộc đời, thầy an phận như những
người đồng cảnh ngộ khác, sống hết sức khiêm nhường, bình dị an vui với gia
đình ở tuổi về chiều nơi xứ lạ quê người. Tôi cảm thấy lòng mình xao xác, rưng
rưng, ngậm ngùi chợt nhớ tới bài học thuộc lòng ở thuở xa xưa lâu lắm, thật lâu
lắm rồi, nay chỉ còn nhớ tám câu, chớ, không nhớ tên bài và tác giả:
“..........................
Thầy ơi thầy khổ đã bao lần
Mái tóc sương pha đã mấy phần
Có lắm chiều tà mưa phủ trắng
Thầy cười tha thứ kẻ vong ân
Con nhớ ở đây cũng lúc nầy
Con còn bập bẹ mấy vần tây
Có lần thầy bảo chung cùng lớp
Gắng học mai sau sẽ có ngày
....................................................”
Thế rồi mùa hè hoa phượng thắm, hai
mươi (20) năm sau, (1997-2017) vào tháng 5 năm 2017 Houston thêm một lần nữa
tưng bừng hoa lá tổ chức đại hội kỷ niệm sự hiện hửu của trường Trung học Phan
Thanh Giản & Đoàn Thị Điểm Cần Thơ một trăm (100) năm. Buổi tiền đại hội,
thầy Nguyễn Văn Trường cũng đến gian hàng sách, nhưng đã hết sách thầy muốn.
Năm nay trông thầy có vẻ ốm, lưng hơi cong và già đi rất nhiều. Vậy mà tôi còn
nghe các anh chị trong ban tổ chức bảo: “Thầy lớn tuổi mà vẫn còn “gân” lắm...
Bởi thấy ban tổ chức quá bận rộn và thiếu nhân sự, nên thầy đã tình nguyện lái
xe ra phi trường đón, rước học trò và những người đến dự đại hội năm nay nữa
đó”
Khi
nói chuyện với thầy, tôi có hỏi thăm cô Hồ Đắc A Trang (hiền thê của thầy) thì
thầy Trường bảo:
-
Cảm ơn chị, mấy hôm rày bả không được khỏe nên không đến dự Đại hội lần nầy. Ờ
chị có biết thầy Kỳ chồng cô Chi (Hiệu Trưởng trường chị), và GS Chung Phước Khánh
đã qua đời rồi không? Người lớn tuổi lần lược ra đi!
Tôi cười buồn, nhẹ giọng:
- Dạ thưa em có nghe, từ đây trường mình thiếu
vắng hai vị, riêng DTDB em mất hai độc giả dài hạn thân tình đáng kính.
Hôm
sau chánh đại hội ở một nhà hàng lớn có gần cả trăm bàn tiệc. Chuyến đi nầy, tôi có mang theo sách để tặng
riêng thầy, cùng với sách của người bạn thầy từ bên Pháp gởi tặng, nhờ tôi trao
dùm. Để túi đựng sách trên bàn, tôi đi ba đồng bảy đổi một hồi trở lại bàn, thì
đâu mất tiêu túi đựng mấy cuốn sách? Tôi tìm đổ mồ hôi cũng không có! Anh Trần
Chấn Hòa (đồng môn ở Houston) nhờ MC giúp tìm dùm.
MC
lớn tiếng, duyên dáng: “Kính thưa quý vị, cô DTDB đặt trên bàn một túi nhỏ đựng
sách, đi đông đi tây khi trở lại đâu mất tiêu rồi. Ai có cầm nhầm xin làm ơn
trả lại dùm để cô tặng...” Lời dí dỏm của MC khiến mấy anh chị cười ồ lên. Lỗi
tại tôi, vì số người dự đại hội quá đông cả bảy tám trăm (700, 800), trong một
nhà hàng lớn trang hoàng gần cả trăm bàn tiệc đều giống nhau. Thật ra tôi cũng
quên, không biết mình để túi đựng sách ở bàn nào! Đến khi tìm được túi sách,
không đến tặng trực tiếp thầy vì tôi biết rằng thầy sẽ trả tiền, nên nhờ anh
đồng môn đi ngang trao dùm sách cho thầy Nguyễn Văn Trường.
Chừng
nửa giờ sau thầy Trường đến tận bàn tìm tôi cảm ơn, và móc bóp.
Tôi
lanh miệng:
- Thưa thầy không phải ủng hộ vì sách đó của
tác giả quen với thầy, nhờ tặng dùm, chớ không phải của DTDB.
May
mắn lúc đó nhà thơ Mai Lộc (GS và là đồng môn ở Nam CA) có mặt. Về nhà sau đại
hội gởi tặng bức ảnh mà huynh đã chụp thầy Nguyễn Văn Trường và tôi trong đại
hồi ở Houston năm 2017.
Thầy Nguyễn Văn
Trường và DTDB
Ảnh gs. Lộc chụp ở Đại hội Houston, năm 2017
Hai
mươi năm trước 1997 ở Houston, trong lúc thầy Nguyên Văn Trường và chúng tôi
nói chuyện có chụp chung bức ảnh ngày xưa gồm tám người (hình ở trên). Hai mươi
năm sau, 2017 tôi được chụp hình với thầy trong đại hội cũng ở Houston. Không
ngờ đó là tấm ảnh sau cùng tôi được chụp chung với thầy!
Thầy
Nguyễn Văn Trường là một trong những vị thầy khả kính, tài hoa, khiêm tốn, và
bình dị mà tôi được dịp trò chuyện... trong những lần đại hội của trường. Mặc
dù trong chúng tôi ít có người được thầy đứng lớp dạy, nhưng hầu hết cựu học
sinh Trung học Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm Cần Thơ luôn vô vàn kính
thương, kính ngưỡng, kính phục thầy Nguyễn Văn Trường.
Một
lần nữa, cựu học sinh Trung học Phan Thanh Giản và đoàn Thị Điểm Cần Thơ nói chung
và quý thầy cô: “Xin thắp nén hương lòng
tưởng nhớ cùng đồng kính bái biệt và nguyện cầu hương linh thầy Nguyễn Văn Trường sớm về cõi vĩnh
hằng”.
“Trích trong Đặc
San Đại Hội Thế Giới, San Jose 19 năm hạnh ngộ 2018.
Của cựu học sinh
Trung học Phan Thanh Giản &Đoàn Thị Điểm Cần Thơ”
California, tệ xá Diễm Diễm Khánh
An
Đông vũ phong phong 2018
DƯ THỊ DIỄM BUỒN
Email: dtdbuon@hotmail.com
https://www.dropbox.com/s/9br52tbs78k7iof/nvt.jpg?dl=0