Nói đến võ thuật Trung Hoa, người ta thường nhắc đến Lý Tiểu Long với những màn trình diễn Kung Fu đẹp mắt. Nhưng là người có võ công tuyệt đỉnh, lại là bậc tài tử điện ảnh nổi tiếng, vì sao anh lại đột ngột ra đi khi tuổi đời còn sung mãn?
Thành danh từ phim ảnh cùng với kỹ năng võ thuật siêu phàm, Lý Tiểu Long được xem là biểu tượng số 1 của võ thuật Trung Hoa thế kỷ XX.
Việc Lý Tiểu Long đột ngột ra đi năm 32 tuổi đã đem đến sự tiếc nuối vô hạn cho người hâm mộ cũng như giới yêu thích võ thuật toàn cầu. Nhưng nhìn từ khía cạnh võ công truyền thống, Lý Tiểu Long là người luyện võ thực thụ, đáng lẽ anh đã có thể để lại sự nghiệp huy hoàng hơn thế nữa…
Năm 1941 khi mới 1 tuổi, Lý Tiểu Long cùng gia đình trở về Hồng Kông và sống ở căn hộ số 218 đường Nathan. Lúc nhỏ Lý Tiểu Long có vóc người gầy yếu, cha anh muốn con trai trở nên khỏe mạnh nên đã dạy Thái Cực Quyền cho anh từ năm lên 7. Ông không chỉ muốn con trai được rèn luyện thân thể mà còn hy vọng sẽ làm bớt đi sự hung hăng thích đánh nhau của con, mục đích cũng là để anh tu tâm dưỡng tính. Nhưng có vẻ việc này không đạt hiệu quả như mong đợi vì Tiểu Long vẫn ham thích đấm đá cho đến hết cuộc đời mình.
Thời niên thiếu Lý Tiểu Long sống trong gia đình khá giả, nhưng vì khu dân cư ngày một đông đúc dẫn đến những cuộc xung đột băng đảng tranh giành địa bàn, hoàn cảnh xung quanh nguy hiểm hơn, làm cho tính tình Lý Tiểu Long cũng ngày càng hung hăng.
Năm lớp 4, Lý Tiểu Long bị đuổi học do đánh nhau và vắng mặt nhiều lần nên phải chuyển sang trường St. Francis Xavier’s College. Năm 13 tuổi, cũng vì đánh nhau thua mà Lý Tiểu Long đến bái Diệp Vấn làm thầy học võ, với mong muốn sẽ chiến thắng tại tất cả các trận tỉ thí đường phố.
Biết được tâm tính cậu học trò đặc biệt này, sư phụ Diệp Vấn đã dạy võ công thực chiến cho Lý Tiểu Long. Trong một bài báo đăng ở Hồng Kông, võ sư Diệp Chuẩn (con trai Diệp Vấn) cũng kể rằng cha ông thấy Tiểu Long tiếp thu nhanh lại chịu khó nên đã dành cho Tiểu Long những sự ưu ái đặc biệt. Ngoài Diệp Vấn, Tiểu Long cũng thường được luyện tập với sư huynh Hoàng Thuần Lương, một người rất ưa thích thực chiến. Nhờ vậy trong 6 năm, Lý Tiểu Long đã tiến bộ rất nhanh, dù tuổi còn trẻ nhưng võ thuật đã rất cao.
Có thể bạn cho rằng đây là may mắn lớn của Lý Tiểu Long vì sau này anh thành danh nhờ võ công thực chiến. Nhưng người viết lại cho rằng đây mới thực sự là điều không may của Lý, vì võ công truyền thống chú trọng xây dựng nền tảng thời gian lâu dài, “hậu tích bạc phát”, sau khi tích lũy đủ nội lực thì mới có thể phát triển nhanh và vững chắc được.
Lý Tiểu Long chỉ chú trọng thực chiến nên rất có thể Diệp sư phụ đã huấn luyện anh theo cách chiêu đối chiêu để tập phản xạ và sức chịu đựng. Cách này giúp anh mau thành tựu nhưng lại không thể tích lũy đủ nội lực cần thiết cho các bước đi sau này. Cho nên, những gì Lý Tiểu Long học được chưa chắc hẳn là tinh hoa võ công thực thụ.
Người học võ coi trọng ngộ tính và kiên trì khổ luyện lâu dài
Có một giai thoại khá thú vị về cách Lý Tiểu Long nhận định về võ thuật. Câu chuyện này sau đó trở thành nền tảng cho một trong những triết lý võ thuật nổi tiếng của anh: “Be like water” (Hãy như nước). Lý Tiểu Long đã viết trong các tài liệu võ thuật của mình:
Có một lần trong lúc tập luyện, sư phụ của tôi, tiên sinh Diệp Vấn, lúc đó đi qua tôi và nói: “Tiểu Long, hãy thả lỏng người ra, làm cho tư duy của con lạnh lùng trở lại, hãy quên đi bản thân, đối phương không động thì ta không động, nếu đối phương động thì ta phải động trước”.
“Thì ra là vậy”, tôi nghĩ, “Ta phải thả lỏng!”. Tôi làm theo lời chỉ bảo của sư phụ, nhưng càng gò ép bản thân thả lỏng, thì ý thức của tôi càng căng thẳng hơn, càng khó đạt được thả lỏng thực sự. Đúng lúc tiến thoái lưỡng nan, sư phụ lại nói với tôi: “Tiểu Long, hãy thuận theo tự nhiên, không được gò ép, không được đi vào chỗ bế tắc, biến tắc thành thông. Tuần này không cần phải tập nữa, hãy chịu khó về suy nghĩ đi”.
Theo lời, tôi ở nhà nghỉ một tuần, qua thời gian dài suy nghĩ, tìm tòi nhưng vẫn không tìm được lời giải đáp, tôi liền lên thuyền ra biển dạo chơi. Trên biển, tôi nghĩ lại những ngày huấn luyện đã qua và cảm thấy giận dữ bất bình với nó. Tôi đập mạnh xuống nước biển để xả nỗi bực tức trong lòng, lúc đó bỗng nhiên tôi nhận ra rằng:
Bản chất của võ thuật chẳng phải giống như nước hay sao? Ta đánh nó, nó không hề bị thương, ta lại dốc sức đánh nó, nó cũng chẳng mảy may bị thương tổn. Ta định bắt lấy nó, nó lại hiện ra như không có lực. Nước – vật chất nhỏ yếu nhất trên thế giới này, nhưng lại có thể chứa đựng bất cứ thứ gì, xem ra nhỏ bé không đáng kể gì, nhưng lại có thể xuyên qua vật cứng nhất trên thế giới này mà bản thân không hề bị tổn thương nào – Đó chính là ranh giới mà ta muốn vươn đến.
Bỗng nhiên một con chim bay qua, một làn sóng lăn tăn hiện lên trên mặt nước. Trong lúc tôi đang đắm chìm trong sự huyền diệu sâu xa của nước, một cách suy nghĩ thần bí mà kỳ dị bỗng nhiên hiện ra trong đầu óc tôi. Con chim trong nháy mắt lướt qua mặt nước đúng như hành vi đối ứng mà Diệp Vấn tiên sinh đã giảng giải, không được để bản thân ở vào trạng thái cứng căng, mà phải để thuận theo tự nhiên. Lên đến bờ, tôi để thuyền trôi theo con sóng, và cảm giác mình đã nhập vào thế giới tự nhiên, lúc đó trong lòng tôi hầu như không còn có mâu thuẫn, mà đã đạt đến sự hài hòa, không còn có đấu tranh, thế giới đại đồng.
Võ công truyền thống ngoài việc xây dựng nền tảng nội lực lâu dài ra thì còn đòi hỏi người học phải “ngộ” được “nội hàm” để có thể đạt đến tầng thứ cao hơn. Do đó người luyện võ không chỉ cần tố chất thân thể mà còn phải có ngộ tính tốt. Ngộ tính không phải là “thông minh” như người ta nghĩ mà là khả năng cảm nhận ở một tầng sâu khác, khả năng tiếp thụ những điều siêu thường vượt khỏi giới hạn con người.
Lý Tiểu Long không chỉ là người đam mê võ công thực chiến mà còn có ngộ tính khá tốt. Mặc dù chỉ thông qua một câu điểm hóa của sư phụ mà anh đã ngộ ra võ lý quan trọng từ nước và hiểu được nguyên tắc phát lực của Cương Kình, một loại kình lực căn bản quan trọng của võ công truyền thống. Đáng tiếc là anh chỉ học võ thực chiến nên chỉ có thể dừng lại ở Cương Kình, điều mà sau này anh tìm hết cách để bù đắp mà vượt qua nhưng vĩnh viễn không được.
Buông bỏ tâm tranh đấu mới có thể thành tựu võ công
Nhờ ngộ được Cương Kình từ nội hàm của nước mà Lý Tiểu Long có sự phát triển vượt bậc về võ công của chính mình. Nhưng lúc ngộ ra điều này Lý chỉ mới khoảng 17 tuổi, còn quá trẻ để nhận thức thâm sâu và tiến lên trình cao hơn.
Vì mục đích luyện võ của Lý Tiểu Long là để giành chiến thắng trong các trận thư hùng với các băng nhóm trên đường phố, nên anh không để tâm vào việc tham ngộ võ đạo và võ lý ở tầng cao hơn. Năm 1959, tức năm 19 tuổi, sau 6 năm khổ luyện Vịnh Xuân, do nhiều lần xung đột với hội Tam Hoàng trên đường phố và bị cảnh sát điều tra, cha mẹ Lý Tiểu Long đã quyết định gửi con sang San Francisco, nước Mỹ.
Với 15 đô la của bố và 100 đô la của mẹ, Lý Tiểu Long đã đến Mỹ sống với một người bạn cũ của bố. Ở đây anh vừa đi học vừa dạy võ ở trường, bắt đầu sự nghiệp võ thuật của mình trên đất Mỹ. Không lâu sau anh trở nên nổi tiếng với việc dạy võ và tham gia diễn xuất trong bộ phim truyền hình khá ăn khách là The Green Hornet (1966) khi mới 26 tuổi. Nhưng chính vì chìm đắm trong đỉnh cao danh vọng, anh đã để lỡ cơ duyên phát triển đến võ công thâm hậu.
Ở xứ sở thực dụng này, nơi cách xa quê hương võ thuật nửa vòng trái đất, Lý Tiểu Long hoàn toàn không còn cơ hội để hiểu thêm rằng những gì anh ngộ ra từ nước chỉ là bắt đầu con đường võ đạo; muốn hiểu được chân võ đạo cao siêu thì cần phải trải qua nhiều năm khổ tu cả về tâm lẫn thân nữa mới đạt thành. Anh cũng mất đi sự bảo ban vô giá từ các bậc chân sư võ học như Diệp Vấn, mà không biết rằng đó là sự mất mát lớn nhất đối với người luyện võ chân chính, khiến bản thân anh không bao giờ đạt đến đỉnh cao được nữa.
Sau này, danh vọng ập đến quá sớm đã làm con đường tìm Đạo phải dang dở phí hoài hết một đời, thật đáng tiếc thay. Thế giới có thêm một diễn viên xuất chúng nhưng võ đạo mất đi một hành giả có tiềm năng…
Võ đạo không phải thương mại, tâm không tịnh thì không thể học võ công chân chính
Có một câu chuyện được con trai của Diệp đại sư là Diệp Chuẩn kể lại trong bài viết đang được đăng tải trên một số website của các chi nhánh Vịnh Xuân quyền. Bài viết có đoạn:
“Trước khi Lý Tiểu Long sang Mỹ, Diệp Vấn đã dặn rằng võ thuật Trung Hoa là một trong những nghệ thuật tinh vi của người Trung Quốc nên đừng dễ dàng dạy cho người nước ngoài. Đây là quan niệm phổ biến ở các vị võ sư lớn tuổi thời đó và Lý Tiểu Long đã hứa. Nhưng rất nhanh sau khi đến Mỹ, Tiểu Long đã mở võ đường dạy môn sinh nước ngoài kỹ thuật Vịnh Xuân trong sự ngạc nhiên và thất vọng của Diệp Vấn.
Mùa hè năm 1965, Lý Tiểu Long trở lại Hồng Kông vì cha mất và giải quyết số tài sản thừa kế. Anh đã trở lại võ quán thăm Diệp sư phụ và đặt vấn đề muốn học nốt bài cuối cùng của kỹ thuật Vịnh Xuân là Mộc Nhân Thung. Đó là bài học mà anh chưa kịp học trong quãng thời gian trước khi đi Mỹ. Đồng thời Lý Tiểu Long cũng muốn quay video cảnh Diệp Vấn tập bài Tiểu Niệm Đầu để làm tài liệu giảng dạy khi về Mỹ. Đổi lại, Lý Tiểu Long đề nghị mua cho sư phụ một căn nhà lớn.
Nhưng lời đề nghị có phần thực dụng của Tiểu Long khiến sư phụ tổn thương và ông đã từ chối. Diệp Vấn nói:
“Tôi không thể đồng ý điều đó vì lý do: Thứ nhất là cậu không phải học trò duy nhất của tôi. Thứ hai, tôi chưa bao giờ đồng ý một yêu cầu nào của bất kỳ một học trò nào tương tự như vậy. Nếu tôi đồng ý với cậu, tôi sẽ phải ăn nói ra sao với các học trò khác?”.
Lý Tiểu Long quay sang nhờ Diệp Chuẩn giúp đỡ nhưng Diệp Chuẩn nói: “Quả thật chúng tôi đã sống khó khăn từ ngày mới sang Hồng Kông hơn 10 năm về trước. Chúng tôi thậm chí vẫn còn đi ở trọ chưa có nhà riêng. Lời đề nghị về một căn nhà mới có thể giúp chúng tôi bớt nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bậc nam tử có nhiều thứ quý báu hơn là sự thoải mái về đời sống vật chất. Bên cạnh đó, cha tôi có cá tính rất mạnh và ý chí kiên định. Điều này cả tôi và cậu đều biết. Nếu ông đã từ chối cậu, tôi không thể thuyết phục ông thay đổi quyết định được”.
Cũng theo Diệp Chuẩn, sau khi Lý Tiểu Long trở nên nổi tiếng trên màn ảnh và phát biểu những lý thuyết về môn Tiệt Quyền Đạo của mình trên sách báo thì Diệp Vấn không bao giờ nhắc đến Tiểu Long nữa. Thậm chí Diệp Vấn không thích người khác nói về Tiểu Long trước mặt mình”.
Lý Tiểu Long lúc này đã có bản lĩnh võ công và khá nổi tiếng trên thế giới, vậy vì sao anh phải quay lại tìm Diệp Vấn để học và thậm chí còn nguyện ý trả một số tiền rất lớn?
Bậc danh sư cổ truyền như Diệp Vấn khi làm gì đều có ẩn ý trong đó. Thực chất, không phải hành động lập võ đường dạy cho người nước ngoài hay đề nghị mua cho thầy căn nhà để đổi lấy võ đã làm Diệp Vấn thất vọng. Đó chỉ là lý do bề mặt mà thôi.
Sự thực là sau nhiều năm luyện võ thực chiến, thân thể đã đến giới hạn cần đột phá, nhưng do không được chuẩn bị nền tảng cơ sở nội lực đầy đủ nên Lý Tiểu Long không thể nào bước qua ngưỡng cửa đó để tiến đến trình độ cao hơn. Anh biết giá trị của nền tảng đó và muốn bù đắp lại bằng mọi giá nên không nề hà chuyện tiền bạc. Nhưng đó là chuyện không thể, vì ngay từ đầu Diệp sư phụ đã quyết định không truyền cho anh những điều tinh túy. Vì để xây dựng nền tảng đó không chỉ đòi hỏi khổ luyện trong thời gian dài mà còn cần phải tu tâm dưỡng tính, đạt đến sự thanh tĩnh nhất định mới có thể đạt thành tựu.
Với tâm tranh đấu mãnh liệt từ nhỏ, dẫu có dạy thì cũng là vô ích, đến giờ Lý Tiểu Long mới phát hiện ra thì đã quá muộn màng. Không phải sư phụ không muốn truyền mà là vì Lý Tiểu Long không có đủ khả năng. Ngày xưa đã không đủ đức hạnh để học, ngày nay lại thêm tâm danh lợi đầy đầu, sao có thể học mà đạt thành tựu đây?
Nhưng vì sao sư phụ Diệp Vấn lại từ mặt Lý Tiểu Long cho đến lúc ông mất, trong khi anh đã nổi tiếng khắp năm châu?
Lối sống và tư duy của một người sẽ quyết định số mệnh của người đó. Cách sống và suy nghĩ đầy tranh đấu của Lý Tiểu Long đã gây nhiều bất ổn ngay từ nhỏ nên cũng quyết định vận mệnh không tốt sau này. Diệp Vấn là bậc danh sư võ thuật cổ truyền đồng thời cũng có khả năng xem tướng mệnh, có thể ngay từ đầu ông đã thấy trước tương lai của Lý Tiểu Long sau này. Ông đã từng nói rằng Lý Tiểu Long có tướng đoản mệnh – Liệu có thể đem võ học vô giá truyền cho một người có mệnh số ảm đạm hay không? Nếu làm thế, khác nào bêu xấu danh tiếng bản thân và ảnh hưởng môn phái của chính mình? Diệp đại sư quả không hổ là tông sư vậy.
Sai lầm luyện võ kết hợp thể hình: Thành tựu thì nhanh, vận mệnh thì chóng…
Sau khi trở về Mỹ năm 1965, Lý Tiểu Long đã thay đổi cách tiếp cận với việc luyện võ và dựa theo cách tập thể hình truyền thống tạo ra chương trình tập luyện riêng cho mình như sau:
“Lý Tiểu Long đã theo phương pháp thể hình truyền thống để xây dựng những cơ bắp đồ sộ và toàn diện. Chương trình tập luyện Weight training mà Lý Tiểu Long sử dụng trong thời gian lưu trú tại Hồng Kông năm 1965 nhấn mạnh vào cánh tay. Tại thời điểm đó, Lý Tiểu Long tập biceps curl (bo tay trước) có trọng lượng 70 đến 80 lb tương đương 32 đến 36 kg mỗi tay 3 hiệp 8 lần, cùng với các bài tập khác, chẳng hạn như squat (gánh tạ), push-up (chống đẩy), reverse curl (chống đẩy đảo ngược), concentration curl (nồng độ cơ bắp), French presse (tập tạ kiểu Pháp), wrist curls (sức mạnh cổ tay) và reverse wrist curl (trồng cây chuối), Lý Tiểu Long thực hiện từ 6 đến 12 lần mỗi hiệp. Bruce (tên tiếng Anh của Lý Tiểu Long) luôn luôn thử nghiệm với các bài tập hàng ngày để tối đa hóa thể chất của mình và đẩy cơ thể con người tới giới hạn của nó. Anh sử dụng nhiều bài tập khác nhau, bao gồm cả nhảy dây.
Lý Tiểu Long tin rằng các cơ bụng là một trong những nhóm cơ quan trọng nhất đối với một võ sư, bởi hầu như tất cả các chuyển động đều đòi hỏi một mức độ nào đó nhóm cơ này. Mito Uyehara nhớ lại rằng: “Bruce Lee luôn luôn cảm thấy rằng nếu phần bụng của bạn không được phát triển, thì việc đánh đấm không phải là chuyện của bạn”. Theo Linda Lee Cadwell, ngay cả khi không tập luyện, Lý Tiểu Long sẽ thường xuyên thực hiện các bài tập ngồi dậy liên tục và các bài tập bụng khác suốt cả ngày khi ở nhà, chẳng hạn như trong quá trình xem truyền hình. Bà cho biết: Bruce phát cuồng về những bài tập cơ bụng. Anh ấy luôn luôn thực hiện đứng lên, ngồi xuống, dậm chân tại chỗ, nâng cơ bụng và gia tăng thể lực.
Lý Tiểu Long tập từ 7 giờ sáng đến 9 giờ sáng, bao gồm các bài tập bụng, rèn luyện tính linh hoạt và chạy. Từ 11 đến 12 giờ anh thường tập cử tạ và đạp xe. Một bài tập điển hình của anh là chạy 2-6 dặm (3.6-9.6 km) từ 15-45 phút, khi chạy anh thay đổi tốc độ trong 3-5 phút; đạp xe tương đương với 10 dặm (khoảng 16 km) trong 45 phút bằng xe đạp của phòng tập. Anh thỉnh thoảng thực hiện với nhảy dây 800 lần sau khi đi đạp xe. Sau đó lại thực hiện bài tập để tôi luyện nắm đấm của mình, bao gồm thục mạnh tay vào xô đá thô và sỏi 500 lần vào những ngày tập luyện.”
Thay đổi trong cách suy nghĩ về luyện võ của Lý Tiểu Long bắt đầu từ sau khi Diệp sư phụ nói lời từ chối. Anh không còn cách nào khác nên phải tự mình sáng chế ra một loại phương pháp để nâng cao tiềm năng bản thân hòng đột phá đến trình độ cao hơn. Nhưng đây chính là sai lầm lớn nhất mà anh từng làm.
Chương trình huấn luyện nói trên cộng với lối sống phóng túng sau này đã thực sự hủy diệt cuộc đời anh. Nó chính là con đường làm suy hao cơ thể nhanh chóng, vì nó hoàn toàn ngược lại với võ công truyền thống.
Ví dụ dễ thấy nhất chính là quan điểm của Lý Tiểu Long về tầm quan trọng của cơ bụng đối với việc luyện võ: “Lý Tiểu Long tin rằng các cơ bụng là một trong những nhóm cơ quan trọng nhất đối với một võ sư, bởi hầu như tất cả các chuyển động đều đòi hỏi một mức độ nào đó nhóm cơ này”. Cơ bụng có tác dụng đối với việc phát lực cho các chiêu thức, điều đó đúng khi áp dụng với các môn sinh nhập môn và sơ cấp: Họ cần học cách vận dụng cơ bắp để phát lực trong các chiêu thức, đặc biệt là cơ bụng.
Nhưng cơ bụng chỉ là một phần của việc hô hấp theo phương pháp bí truyền để tích tụ nội khí sản sinh ra kình lực, là bước đầu trong việc xây dựng nền tảng nội lực thâm hậu cho võ giả để sau này tiến lên trình độ cao hơn một cách vững chắc. Vì thế võ công cổ truyền từ bậc trung cấp trở lên chú trọng luyện khí tập trung ở bụng dưới (đan điền) để phát triển nội công chứ không phải phát triển cơ bụng. Dĩ nhiên cơ bụng của võ giả sẽ phát triển rất mạnh mẽ do quá trình khổ luyện hô hấp thổ nạp khi vận công. Còn luyện tập cơ bắp kiểu thể hình một cách quá đà sẽ gây ra nhiều nội thương khó chữa, cũng như làm cơ thể lão hóa nhanh chóng. Võ công truyền thống không hề khuyến khích điều này. Vì võ học thoát thai từ văn hóa cổ, vốn trọng sự hài hòa và trường cửu, nên nếu luyện võ đúng đắn thì càng luyện càng sống thọ và nội lực càng sung mãn.
Ví dụ như các đại danh sư võ học ngày xưa đến 80 tuổi nội công vẫn sung mãn, trong khi đó các võ sĩ hiện đại như MMA hay quyền anh thì đến 40 là cơ thể đã bắt đầu suy thoái. Thậm chí một số võ sĩ nổi tiếng còn bị bệnh khá nặng không chữa được do di chứng chấn thương.
Trong võ công truyền thống, khi một võ sư phát triển được nội công thì cơ bắp sẽ giảm tầm quan trọng, và những chiêu thức tấn công từ cơ bắp của các võ sĩ thông thường sẽ không còn làm tổn thương được người đó. Có thể do Lý Tiểu Long học võ để giao đấu và thời gian học ngắn (6 năm) nên anh chỉ học võ công thực chiến mà hoàn toàn không học được cách luyện nội công từ Diệp đại sư. Điều này dẫn đến tư duy sai lầm khi anh muốn phát triển lên tầng cao hơn, tầng của nhu kình và nội lực. Anh chỉ biết cách phát triển cơ bắp thân thể đến cực hạn chứ không thể đạt đến các trình độ cao siêu hơn, trình độ dành cho các đệ tử nội môn chân truyền.
Cái ‘Đạo của nước’ mà Lý Tiểu Long ngộ được năm 17 tuổi đem đến cho anh “Nhất Thốn Quyền” lừng danh. Nhưng nó chỉ là khởi đầu, sau đó hành giả công phu còn phải theo sự chỉ dẫn của sư phụ khổ luyện tâm thân trong nhiều năm mới có thể chuyển hóa từ cương kình sang nhu kình, bước lên tầng cao mới. Rồi một thời gian dài sau nữa, sự tu luyện tinh tấn của hành giả cộng thêm Đạo Tâm vững chắc không vướng danh lợi thì một ngày đủ cơ duyên sẽ đốn Ngộ mà dung hòa tất cả kình lực nội công biến thành một thể năng lượng cao hơn, xuất ra công lực. Đó là cảnh giới của Ueshiba (sáng tổ Aikido), của Miyamoto (đệ nhất kiếm thánh Nhật Bản), của Ngũ Mai sư thái (sáng tổ Vịnh Xuân), v.v. Đến trình độ này thì thậm chí chỉ với một ánh nhìn hay một cái phất tay cũng đã đủ hóa giải mọi cuộc xung đột, đâu cần cạnh tranh cơ bắp làm gì khi tất cả chiêu thức trên đời không thể làm tổn thương đến họ.
Nói tóm lại, sự từ chối của Diệp sư phụ cộng với “sáng tạo” của Lý Tiểu Long kết hợp luyện võ và thể hình có thể coi là một trong những nguyên nhân khiến anh không thể tiến xa hơn trên con đường võ học.
Tiệt Quyền Đạo, cách mạng võ thuật hay phá hoại võ học?
Sau khi bị sư phụ từ chối, Lý Tiểu Long ôm nỗi thất vọng trở về Mỹ. Ngay sau đó anh đã tổng hợp tất cả kiến thức sở trường của mình kết hợp một số môn phái anh từng học qua mà lập ra Tiệt Quyền Đạo.
Mặc dù nó đã gây tiếng vang lớn khi Lý Tiểu Long biểu diễn trong lần đầu tiên giới thiệu ra công chúng tại Giải thi đấu Karate quốc tế Mỹ (1967). Theo đó, Lý Tiểu Long mời nhà vô địch karate người Mỹ là Vic Moore thử ngón đòn này và khiến ông phải lắc đầu bái phục. Đây cũng là lý do truyền thông Mỹ phong tặng Lý Tiểu Long danh hiệu là một trong những người tạo nên cách mạng trong thế giới võ thuật.
Nhưng từ góc độ của võ công chân chính mà xét thì sự ra đời của Tiệt Quyền Đạo lại là phá hoại lớn nhất với võ học. Vì sao nói như thế?
Đầu tiên là vì người lập phái này chưa đủ sức để khai tông lập phái theo quan điểm võ học truyền thống.
Lý Tiểu Long lập ra Tiệt Quyền Đạo khi còn khá trẻ, năm 27 tuổi. Trong lịch sử xưa nay chưa có bậc đại sư khai phái nào trẻ như thế. Ở đây không có ý nói rằng trẻ tuổi thì không thể lập phái, mà là vì khả năng thực tế chưa đủ tầm.
Võ lâm mấy nghìn năm qua, để khai tông lập phái thì ít nhất bản thân võ giả phải đạt đến trình độ bằng hay cao hơn vị chưởng môn của tông môn mình, và do nhân duyên xảo hợp mà có giác ngộ đột phá về võ đạo sau nhiều năm tinh tu. Cũng chính là nói phải chuyên tâm ở một môn cho đến đại công cáo thành thì mới chuyển công pháp tái tu. Xưa nay những bậc khai tổ các danh môn đại phái chưa hề có ai luyện tạp lẫn môn khác trong quá trình học. Nói rõ ra là chiêu thức thì có thể tham khảo phái khác, nhưng cơ sở nội công, vận khí, nguyên tắc phát lực và thứ tự tập công là điều tuyệt đối không thể luyện tạp.
Ví như đạo sĩ Võ Đang có thể thi triển các bài quyền cước Thiếu Lâm, nhưng không thể học nội công tâm pháp của Thiếu Lâm được vì nó sẽ xung đột với thứ của Võ Đang mà người này đang luyện. Hay như Trương Tam Phong thuở xưa, nhờ tu Đạo ngộ ra Thái Cực Quyền và lập phái Võ Đang. Miyamoto Mushashi sau khi cả đời chinh chiến đã tham ngộ và lập ra Nhị Đao Môn (Nitoukan). Hay gần đây nhất chính là tổ sư của Aikido là Morihei Ueshiba, người đã theo học hàng chục môn phái cổ truyền Nhật Bản, mỗi môn ông đều đạt đến trình độ Menkyo Kaiden (nghĩa là được quyền thay sư phụ định đoạt số phận môn phái) rồi mới học tiếp. Sau cùng ông lên núi tu Thiền và tham ngộ ra võ đạo, dung hòa tất cả mà sáng lập ra Aikido, không giống bất kỳ môn nào ông đã từng học.
Thứ hai là nền tảng võ lý của Tiệt Quyền Đạo rất nông cạn, không có nhiều giá trị, hệ thống luyện tập không bài bản từ thấp lên cao
Lý Tiểu Long tập Vịnh Xuân thực chiến trong 6 năm cộng một số môn phái khác, đến năm 27 tuổi anh chưa học hết bản lãnh của sư phụ mà đã đứng ra khai tông lập phái nên cái gốc của môn này là hoàn toàn nông cạn. Kể cả lý thuyết “Be water” hay “Nghệ thuật chiến đấu bằng cách chặn đứng đòn tấn công của đối phương” của anh cũng mới chỉ là căn bản về Cương Kình kết hợp với Mộc Nhân Thung của Vịnh Xuân cùng một số phái khác mà thôi. Không cần so với môn nào, ngay cả so với Vịnh Xuân thì cũng còn thấp lắm.
Hậu quả của việc này là người tập Tiệt Quyền Đạo mãi mãi không thể đạt đến đỉnh cao như Lý Tiểu Long mà chỉ có thể thấp hơn. Mà bản thân Lý Tiểu Long thì không phải là đỉnh cao của võ công thực sự.
Lý Tiểu Long sau nhiều năm đúc rút kinh nghiệm từ nhiều môn võ mà lập thành một đường lối riêng, mục đích khiến cho người tập có thể nhanh chóng đánh bại đối thủ ngay trong vài chiêu giao đấu bằng cách chặn đứng đòn tấn công ngay khi nó bắt đầu. Lý tưởng của nó là khiến cho người tập có thể đạt trình độ cao ngay sau thời gian ngắn tập luyện.
Nhưng những điều đó chỉ đúng với Lý Tiểu Long và một số người có căn bản võ công khá giỏi hay đã học Vịnh Xuân đến trình độ nhất định, đặc biệt là những người có kinh nghiệm thực chiến, cùng lắm có thể giúp một số người tăng khả năng chiến thắng trong những trận giao đấu ngoài phố mà thôi. Nếu không luyện xuất ra nội công thì vĩnh viễn không thể chiến thắng các cao thủ thực sự, mà nội công nếu không có nền tảng võ lý và thủ pháp bí truyền qua hàng chục năm thì không thể xây dựng nên. Còn Lý Tiểu Long lại không hề có nền tảng này.
Thứ ba là vì Tiệt Quyền Đạo phản đối cách xây dựng nền tảng truyền thống nên gây nguy hiểm cho người tập.
Mục đích của một võ phái chân chính không phải để đánh nhau hay chiến thắng trong các trận thư hùng, mà là giúp hành giả thăng hoa bản thân đạt đến Võ Đạo. Ví như Aikido nói: “Võ đạo là tình thương” hoặc Thái Cực Quyền hay quyền pháp Thiếu Lâm đặt trên nền tảng của giáo lý tu luyện cũng nói lên điều này.
Vì võ công truyền thống coi trọng việc xây dựng nền tảng nên mất nhiều thời gian để luyện tập phần căn bản và tâm pháp, cũng như tích lũy nội công giúp môn sinh tránh bị tổn thương trong khi luyện tập mà sinh ra bệnh hậu sau này. Điều dễ thấy là các tôn sư võ cổ truyền đều sống thọ từ 70 đến trên trăm tuổi mà nội lực chiêu thức vẫn sung mãn dẫu đã cao niên. Đó là do quá trình rèn luyện và xây dựng căn bản rất kỹ càng và vô cùng khoa học. Sau khi nền tảng đại thành, họ như con hùng ưng sải cánh bay xa có thể đạt đến trình độ cao siêu khiến người đời kinh ngạc.
Ví dụ nổi tiếng nhất ở Việt Nam là cố đại võ sư Hà Châu của Hồng Gia Quyền, người được mệnh danh là “người ngoài hành tinh” khi ông có thể thi triển công lực siêu phàm cho đến tận năm 82 tuổi. Trong cuốn sách “Những người có khả năng siêu phàm” do NXB Kindersley ấn hành năm 1991 tại Luân Đôn và tái bản năm 1992 tại California, võ sư Hà Châu được xếp vào một trong ba kỳ nhân thế giới với những tuyệt kỹ công phu hiếm có.
Vậy mà Tiệt Quyền Đạo lại phản đối các phương pháp truyền thống như hệ thống quyền pháp và tấn pháp cố định từ căn bản đến nâng cao vì cho rằng mất thời gian. Vì thế Tiệt Quyền Đạo cùng lắm chỉ là một môn thể thao võ thuật giúp rèn luyện phản xạ cơ bắp để tự vệ kết hợp giữa chiêu thức Vịnh Xuân và một số môn võ khác.
Tiệt Quyền Đạo chỉ mang lại hiệu quả cho những bậc anh tài muốn xưng vương xưng bá nơi đường phố, nhưng lại không thể giúp người học tích lũy nội lực cao siêu để đạt đến đỉnh cao võ đạo.
Bản thân sáng tổ Triệt Quyền Đạo với sự rèn luyện chăm chỉ cũng không thể có được nội công thâm hậu, cho nên các hậu nhân của môn này muốn đề cao thông qua Tiệt Quyền Đạo thì cũng chỉ như nằm mơ nói mộng mà thôi.
Võ đạo trọng đức, coi sắc dục và danh vọng là tử quan
Võ công truyền thống trọng đức, đề cao sự phát triển hài hòa và lấy sự hòa nhập vào Đại Đạo của vũ trụ làm mục tiêu tối cao, từ đó mà đạt được Chân Võ, Chân Đạo. Vì thế nên lối sống phóng túng và đam mê sắc dục là điều cấm kỵ của những đệ tử chân chính, vì nó sẽ làm dao động Đạo Tâm, làm dơ bẩn thân thể của người luyện công chân chính, khiến họ không thể đạt tầng thứ cao hơn.
Vốn là người có ý chí mạnh mẽ và ngộ tính tốt, nhưng Lý Tiểu Long lại không vượt qua được các tử quan này. Điều này đã được Diệp đại sư tiên đoán ngay từ khi anh bắt đầu bái sư học võ. Theo lời Diệp đại sư thì Lý có tướng đoản mệnh với “chân đi gót không chạm đất”. Để đoản mệnh thì phải có lý do, ngoài lý do luyện tập sai lầm thì còn có nguyên nhân ở lối sống đào hoa và phóng túng.
Theo như nhà văn Lâm Yến Ni (chị dâu và là bạn rất thân của Lý Tiểu Long từ thời trẻ) kể lại thì: “Lần đầu Lý Tiểu Long ‘quan hệ’ là năm 14 tuổi với một nữ diễn viên lớn tuổi hơn mình. Với chuyện yêu đương, Lý Tiểu Long không quá câu nệ. Ngôi sao võ thuật có chiến tích tình trường cực kỳ phong phú. Thời thanh niên, Lý Tiểu Long trải qua nhiều mối tình chớp nhoáng với các người đẹp, mỗi cuộc tình có khi chỉ kéo dài trong vài tháng rồi lại chia tay.”
Sau khi nổi tiếng Lý Tiểu Long lại càng thể hiện sự đào hoa của bản thân. Ở Hồng Kông, tin đồn về các cuộc tình của anh luôn là đề tài nóng bỏng cho báo chí khai thác. Rất nhiều bóng hồng đã đi qua cuộc đời Lý Tiểu Long, trong đó có minh tinh màn bạc Miêu Khả Tú. Tuy nhiên việc anh chết đột ngột trên giường của người đẹp Đinh Phối mới thật sự là thê thảm cho cuộc đời của tài năng võ học. Cho đến nay, nguyên nhân thật sự dẫn đến cái chết của Lý Tiểu Long không được tiết lộ, những gì người hâm mộ biết được chỉ là một vài lý do không mấy thuyết phục như “phù não” và “chết do tai nạn bất ngờ do bản thân tự gây ra” (death by misadventure). Nhưng sự thật vẫn là sự thật.
Xét về khía cạnh luyện tập công phu võ thuật thì hai quả thận là nơi sinh tinh, là phần quan trọng cần phải bảo tồn nếu muốn luyện công có kết quả. Trong khi đó, sắc dục lại khiến người luyện võ tổn hao tinh lực, ngoài ra còn làm cho đạo tâm bị vấy bẩn, giảm khả năng tập trung, không thể nhập tĩnh vào trạng thái Thiền định để ngộ ra nội hàm thâm sâu hơn. Chính lối sống trác táng đào hoa ấy đã chôn vùi tài năng trẻ Lý Tiểu Long. Nếu cứ cố luyện tập công phu trong trạng thái như thế, nhẹ thì tổn thương thân thể dẫn đến bệnh nặng về sau, nặng thì đột tử hay lệch sang ma đạo. Năm 1970 chẳng phải Lý bị chấn thương nặng ở thắt lưng trong khi tập luyện đó sao, chính vì chấn thương này mà suýt nữa Lý phải rời bỏ điện ảnh và võ thuật vĩnh viễn. Dù rằng sau đó Lý Tiểu Long bình phục lại nhưng chỉ 3 năm sau đã qua đời ngay tuổi tráng niên đã nói lên điều này.
Võ công chân chính chỉ có thể kế thừa và phát triển bởi người có đạo đức
Suốt cuộc đời mình, đại sư Diệp Vấn đã thu nhận hàng trăm đệ tử. Trong đó có những người nổi tiếng, thành danh như Lý Tiểu Long, Trương Trác Khánh, v.v. Nhưng trước lúc qua đời năm 1972, ông lại nhắn nhủ: “Sau này nếu ai muốn học công phu Vịnh Xuân chính tông thì hãy đến Phật Sơn, tìm Quách Phú”.
Quách Phú cũng chính là người được ông truyền lại y bát là “Vịnh Xuân Quyền Phổ bí bản”. Vị đệ tử họ Quách này năm đó hơn 50 tuổi (1972) lớn hơn Lý Tiểu Long gần 20 tuổi, cũng là người bái sư muộn nhất.
Mới đầu, Diệp Vấn cảm thấy e ngại vì cho rằng anh đã lớn tuổi, khó có thể theo học và bắt kịp được với những học trò khác. Diệp Vấn kiên quyết không nhận Quách Phú làm đệ tử. Bị từ chối, Quách Phú không hề nản lòng và vẫn kiên trì xin bái sư Diệp Vấn. Cảm kích trước sự chân thành của anh, Diệp Vấn cũng đành phá lệ, thu nhận anh làm môn đồ thứ 7.
Nhưng tâm tính hiền lành cầu võ và sự chịu khó cùng thiên phú mạnh mẽ của người đệ tử này đã hoàn toàn chinh phục Diệp sư phụ. Chỉ sau 3 năm mà trình độ của ông tăng tiến rất nhanh.
Năm 1945, Phật Sơn bị sụp đổ, võ đường của Diệp Vấn phải đóng cửa, Quách Phú cũng về quê. Dù khoảng cách xa xôi nhưng thỉnh thoảng Diệp Vấn vẫn vượt quãng đường xa để đến chỉ bảo thêm cho cậu học trò của mình trong suốt mấy năm sau đó.
Cuối đời, Diệp Vấn trao lại cuốn bí kíp “Vịnh Xuân Quyền bí bản” với mong muốn truyền y bát Vịnh Xuân Quyền cho Quách Phú. Cuốn sách chứa các chiêu thức chính tông của bản môn và có cả thuật điểm huyệt gọi là “Đả mạch pháp” (loại công phu rất lợi hại nhưng nguy hiểm, chỉ những người đạt công lực thượng thừa và đạo đức tốt mới được truyền thụ).
Từ một người đến muộn nhất, không gì nổi bật mà cuối cùng Quách Phú lại thành người đứng đầu trong “Thất đại đệ tử” của Diệp Vấn, nhận y bát truyền thừa và đạt trình độ có thể nói là cao nhất của Vịnh Xuân hệ phái họ Diệp. Trong khi đó, những tên tuổi chói sáng như Tiểu Long lại ôm hận ra đi khi tuổi đời còn đang sung mãn.
Vì võ thuật thật sự đòi hỏi võ giả phải coi trọng đức độ thì mới có thể tập luyện và đạt đến trình độ cao. Người luyện võ đạt đến trình độ cao không nhất thiết phải nổi danh mà rất có thể là sẽ “trông bình thường hơn cả những người bình thường nhất”. Điều mà võ công chân chính muốn đạt đến chính là thông qua việc rèn luyện tâm thân mà thăng hoa về tinh thần để đạt đến võ đạo, chiến thắng chính mình chứ không phải chiến thắng người khác.
Chỉ tiếc là, Lý Tiểu Long đã thua chính dục vọng của bản thân trong trận chiến đời này…
Lời kết:
Trung Hoa cổ đại với nền văn minh năm ngàn năm đã để lại nhiều di sản quý giá, nhưng không phải di sản nào cũng được thế giới biết đến. Võ công chính là một trong những di sản như thế. Thế giới vẫn hoàn toàn mù mờ về môn nghệ thuật chiến đấu này của người Hoa cho đến một ngày Lý Tiểu Long xuất hiện.
Anh không những là ngôi sao võ thuật Trung Quốc nổi tiếng nhất, mà còn là thần tượng của vô số khán giả các thế hệ. Danh từ Kung Fu cũng vì anh mà xuất hiện, thậm chí nói đến võ thuật Trung Hoa người ta chỉ biết đến anh như biểu tượng sáng chói nhất.
Nhưng cũng chính vì sự hào nhoáng của những màn múa võ đẹp mắt mà nhiều người hiểu sai về công phu cũng như võ học cổ truyền. Người ta nhìn võ nghệ như một công cụ để đánh bại người khác và để nổi danh, kiếm tiền, trong khi bản chất của võ công là để chiến thắng tự thân, thăng hoa tinh thần và đạt đến Võ Đạo. Bề mặt thì có vẻ như võ thuật đang trong giai đoạn phát triển hoành tráng khắp thế giới, nhưng cái chân chính đã lụi tàn ngay lúc nó nổi danh mất rồi, tàn trong sự tán thưởng của người đời dành cho nó. Các bậc chân sư đã ra đi và không còn trở lại, chỉ còn những hậu nhân hay khoe khoang mà thôi. Nếu Lý Tiểu Long có thể chuyên tâm luyện bài bản theo cách truyền thống, buông bỏ sự truy cầu danh lợi bản thân, thì anh đã có thể đạt đến đỉnh cao võ học và sự nghiệp của anh có lẽ đã to lớn lâu dài và có ích hơn cho hậu thế vậy.
Tĩnh Thủy