Các bài viết hàng tuần của Nhà Báo Bùi Bảo Trúc trong mục Thư Gửi Bạn Ta
Ngày 4 tháng 1 năm 2010
Bạn ta,
Ce que ma femme veut, cái mà vợ tôi muốn, là câu tiếng Pháp dùng để quảng cáo cho một sản phẩm nào đó tôi đã quên mất tên trên tờ Ngày Nay của nhóm Tự Lực Văn Đoàn hồi những năm 1940.
Tôi đọc được câu này trong những tờ Ngày Nay của ông cụ tôi mang từ Hà Nội vào chất trong đống sách báo trên căn gác xép ở căn nhà cũ. Cái mà vợ tôi (?) muốn – ce que ma femme veut – hình như là một loại thuốc lá hay một loại nước hoa gì đó.
Nhưng ngày nay, cái mà vợ tôi (?) muốn lại có thể là nhiều thứ khác. Một trong những thứ người vợ muốn là cái quần jeans. Đó là theo một cuộc thăm dò mới đây tại nước Anh. Khoảng 29% phụ nữ Anh nói là mặc (được) chiếc quần jeans cũ còn thấy sướng hơn là những chuyện lẻ tẻ (?) trên giường.
Sau khi đánh bại những lạc thú gối chăn, chiếc quần jeans cũ này lại còn đem lại cho lạc thú nhiều hơn là chuyện được thăng chức trong công việc làm cho khoảng 28.9% phụ nữ. Hơn 20% nói là quần jeans cũ làm cho họ sướng hơn trúng số và 11.1% nói là vui còn hơn là khi được nghe lời cầu hôn.
Thảm biết là chừng nào. Thua cái gì thì còn hiểu được chứ tại sao lại thua cái quần jeans cũ? Thua cái quần jeans đã là nhục rồi. Thua cái quần jeans cũ thì còn gì nhục nhã hơn. Mà những cái quần jeans cũ thì có gì mà phải thua nó. Đó là những chiếc quần có những chỗ mầu xanh đã bạc. Ở chỗ đầu gối thường là những miếng rách, những chỗ mà sơ vải đã mòn, có khi là những lỗ thủng không được vá lại. Trên đùi, và phía sau, trên hai mông cũng có khi rách bươm. Vậy mà những cái quần đó vẫn đem lại cho 29% phụ nữ Anh những lạc thú nhiều hơn là những hoạt động được những viên thuốc xanh hình quả trám của hãng thuốc Pfizer sản xuất giúp đem lại.
Tại sao lại có thể như vậy được? Thế là bao nhiêu công khó nào một bữa tối với steak thịt bò Kobe, một chai Chateau Neuf du Pape Cuvee Papet 2006, tráng miệng bằng tiramisu có một chút espresso, trong không khí mơ hồ mùi Brut, tiếng vĩ cầm của bản Fascination và … Thế mà cũng đều thua cái quần jeans rách ở đầu gối và hai cái lỗ chưa vá ở sau mông đít.
Tôi đem chuyện này ra hỏi vài ba người bạn thì cũng không ai hiểu được. Một vài web-site còn chỉ cách làm một thứ bánh tên là better-than-sex cake. Tôi đọc những đoạn chỉ dẫn cách làm, và vận dụng tối đa trí tưởng tượng cũng vẫn thấy nó thua chai Chateau Neuf Du Pape. Vậy mà những chiếc quần Jeans cũ vẫn thắng.
Lại đem chuyện vô lý này ra hỏi một người bạn khác thì được giải thích là mặc được những chiếc quần jeans cũ nghĩa là chúng tôi không mập ra, không có chuyện ăn bao nhiêu xuống chỗ để ngồi bấy nhiêu, nghĩa là size của chúng tôi vẫn như cũ, không cần làm lyposuction hút ra bốn năm lít mỡ gầu vàng óng như tô nước béo chỉ thiếu mấy cọng hành trần, vẫn nhẹ nhàng kéo cái fermeture lên được, không cần phải nín thở, hóp bụng lại, lăn xuống đất, hét ầm nhà lên mà vẫn không kéo lên được như trong một quảng cáo cho chương trình diet, vẫn giữa cái quần jeans và mình không có gì len vào được như Brooke Shields quảng cáo cho quần jeans của Calvin Klein.
Nghĩa là xuống được vài ba pounds là hạnh phúc, là sung sướng giàn trời, hơn hẳn mấy chuyện lẻ tẻ kia.
À, có như thế chứ. Ai đời đàn ông đàn ang, lên thác xuống ghềnh, đông tĩnh đoài tan lại chịu thua cái quần jeans cũ.
Trong trường hợp như lối giải thích vừa kể trên thì nghe cũng được.
Ngày 5 tháng 1 năm 2010
Bạn ta,
Một phụ nữ Ả Rập Xê Út cách đây mấy tháng đã đầu đơn xin li dị người chồng vì một lý do có lẽ chưa bao giờ được nại ra tại một tòa án tây phương chứ chưa nói tới tại một tòa án Ả Rập Hồi giáo rất bảo thủ như ở Ả Rập Xê Út.
Người chồng bị vợ xin li dị vì trong điện thoại cầm tay của chàng, chàng ghi số điện thoại của vợ, nhưng lại không ghi tên vợ bên cạnh, mà ghi tên của cái nhà tù mà cả thế giới Ả Rập thù ghét, trại tù Guantanamo.
Chàng không ghi tên của nàng, mà dùng tên nhà tù Guantanamo để gọi nàng.
Làm như vậy thì có khác gì nói rằng sống với nàng cũng không khác gì bị nhốt trong trại tù khủng khiếp của Mỹ ở Guantanamo.
Cũng một lối suy nghĩ gần như người đàn ông Ả Rập nọ, là lối suy nghĩ của một người đàn ông Ý. Ông ta là người ở Sicily. Đàn ông Ý ở Sicily rất đàn ông. Mafia cũng xuất xứ ở Sicily. Nói vậy để thấy các chàng không vừa. Dám giết người cho Mafia thì còn sợ gì nữa.
Vậy mà có người vẫn sợ mẹ cháu ở nhà.
Người đàn ông 35 tuổi này hôm giao thừa dương lịch vừa qua đã cho thấy điều đó.
Đêm ấy, gia đình vợ chàng đến thăm và quyết định ở lại đón năm mới với vợ chồng chàng. Chàng ở với vợ đã chết khiếp, nay còn cả gia đình nhà vợ đến đón giao thừa một phiên gác đêm nên chàng càng khiếp hơn. Chàng thấy ở nhà coi bộ không xong nên chàng đến quận cảnh sát xin cảnh sát cho vào tù tị nạn chính trị. Cảnh sát từ chối ấy cớ chàng có phạm pháp bao giờ đâu để nhốt chàng. Chàng năn nỉ cách mấy cũng không được cho vào tù ở đỡ một đêm. Cảnh sát vẫn một mực không chịu, nói rằng chàng có phạm pháp thì mới được cho ở tù. Chàng giải thích cách nào cũng không được thỏa mãn.
Cùng tắc biến. Chàng đi tới một cửa tiệm thuốc lá ở bên cạnh bót cảnh sát, bước vào, thò tay lấy mấy cái kẹo cho vào túi, rồi móc con dao ra dí vào mặt chủ tiệm. Chủ tiệm gọi cảnh sát. Chàng bình tĩnh ngồi chờ cảnh sát bắt chàng về tội cướp và đưa chàng về bót.
Chao ôi, tại sao lại có người khổ như thế trên thế giới này! Sợ ở nhà với vợ và má vợ còn hơn là bị tù thì khổ biết là chừng nào.
Nhớ lại chuyện Đức Khổng Tử dẫn học trò đi lăng quăng thấy một người đàn bà ngồi than khóc ở ngoài đồng bèn sai thầy Tử Cống đến hỏi. Người đàn bà thưa rằng trong vùng có nhiều hổ. Cả nhà bà, hết bố chồng, đến chồng, rồi lại con đều bị hổ ăn thịt. Tử Cống hỏi tại sao không đi chỗ khác mà ở để tránh hổ.
Người đàn bà đáp tuy ở đó có nhiều hổ dữ nhưng quan trên không đến nỗi tàn bạo, hà khắc như các nơi khác nên không muốn dọn nhà đi. Khổng Tử nói với các học trò phải rằng chính sách hà khắc của quan lại còn khốc hại hơn hổ là hổ dữ.
Đức Khổng Tử mà còn sống đến ngày nay thế nào đọc bản tin Reuters chẳng nói rằng cảnh sát, cò bót, ở tù tuy thế cũng vẫn còn dễ thở hơn là vợ ở nhà. Có phải vì vậy mà Khổng Tử cứ dẫn học trò đi lăng quăng không dám ở nhà với mẹ cháu hay không.
Ngày 6 tháng 1 năm 2010
Bạn ta,
Mấy năm trước, một tay đánh golf nổi tiếng mà tôi không nhớ tên vì thú thực, tôi không để ý đến môn chơi này bao nhiêu, đã đưa ra một nhận định về golf và phụ nữ, và ngay lập tức liền bị các phụ nữ phản đối dữ dội, gọi chàng là một thứ sexist, và câu phát biểu của chàng thì đầy miệt thị và kỳ thị phụ nữ khiến chàng phải xin lỗi rối rít.
Người đàn ông này, chắc chắn không phải là Tiger Woods, nói rằng phụ nữ không thể đánh golf hay được, vì cơ thể của phụ nữ không thuận tiện cho môn chơi này. Chàng nói rõ rằng khi một phụ nữ cầm cây gậy, cúi xuống để quất vào trái banh, thì trái banh liền bị hai cái vú che đi mất, đánh khó trúng nên phụ nữ không thể xuất sắc trong môn đánh golf được.
Kỳ thị thấy rõ. Các phụ nữ liền nêu ra những tên tuổi như Natalie Gulbis, Paula Creamer, Michelle Wie … toàn là những phụ nữ chơi golf lại rất sexy để bẻ gẫy lập luận ấm ớ của chàng.
Vừa xong vụ này thì Newt Gringrich, lúc ấy là chủ tịch quốc hội, lại nói một câu đụng chạm nặng tới phụ nữ. Đại khái chàng nói là phụ nữ không nên được trao nhiệm vụ tác chiến vì phụ nữ không thể ở dưới hố cá nhân lâu được. Lý do là vì bàng quang của phụ nữ không giữ nước được lâu, nên các nữ quân nhân sẽ phải thường xuyên leo lên làm công tác thủy lợi. Điều đó sẽ tạo trở ngại trong khi ở ngoài mặt trận.
Lại một lần nữa các phụ nữ phải lên tiếng.
Lôi những đặc tính về cơ thể của phụ nữ ra để nói rằng phụ nữ yếu kém so với đàn ông là không nên. Hai chàng bị choảng cho mấy trận đáng đời.
Nhưng mới đây, một việc làm của Jana Rawlinson cho thấy những nhận định của hai người đàn ông kể trên có thể đúng chăng.
Jana Rawlinson là một nữ lực sĩ Úc từng hai lần đoạt giải vô địch môn nhẩy rào 400 mét tại Paris năm 2003 và năm 2007 tại Osaka. Hiện nay cô đang sửa soạn để tham dự Thế Vận Hội Luân Đôn năm 2012.
Jana Rawlinson thường xuyên được lên báo ở Úc. Cô nói rằng cô rất thích bộ ngực to của cô, nhưng cô không muốn làm thiệt thòi cho nước Úc (…enjoyed having large breasts but did not want to short-change Australia…)
Cô nói với tờ Woman’s Day như thế. Cô giải thích rằng chuyện có bộ ngực to và những cuộc tranh tài thể thao không đi chung được với nhau. Lý do là vì ngực to có thể gây rất nhiều trở ngại cho môn thể thao mà cô sẽ đại diện Úc đi tranh tà ở Luân Đôn năm 2012. Nhưng cô nhắc đi nhắc lại là cô vẫn thích cặp vú của cô. Cô không thích những phụ nữ vì tập quá độ làm cho họ không còn nữ tính nữa. Cô luôn luôn cố giữ hình ảnh của cô, một nữ lực sĩ, nhưng lại đầy nữ tính.
Cô nói rất thành thực rằng để có hình ảnh phụ nữ đó, cô đã đặt hai túi silicone vào người để có được bộ ngực hấp dẫn như cô đang có. Nhưng bộ ngực lớn đó có thể sẽ gây trở ngại cho môn nhẩy rào tại Thế Vận Hội Luân Đôn nên cô đã quyết định lấy hai cái bịch này ra, tạm cất đi, chờ đến sau khi tranh tài xong tại Luân Đôn đem bỏ vào người trở lại cũng không muộn.
Vậy thì chuyện có bộ ngực đồ sộ quá cũng có thể gây trở ngại cho thể thao. Nhận định của tay đánh golf là đúng.
Theo thần thoại Hy Lạp, ở vùng Amazon ngày xưa có một bộ lạc gồm toàn phụ nữ. Tất cả đều là những chiến sĩ anh dũng, cưỡi ngựa bắn cung rất giỏi. Để bắn cung trong lúc phi ngựa, các phụ nữ này đã dùng lửa đốt đi một bên vú để khi giương cung bắn, cây tên không gặp trở ngại. Bộ lạc Amazon của thần thoại Hy Lạp nay không còn dấu tích nào nữa nên không thể kiểm chứng được chi tiết này. Có thể nào một vài khu vực của phụ nữ là trở ngại cho một số công việc chăng?
Có thể lắm. Nếu không thì tại sao Jana Rawlinson lại phải … lấy ra rồi lại bỏ vào như không vậy?
Hay vì những trở ngại đó mà nữ nhạc sĩ dân ca Mỹ Dolly Parton đã phải bỏ học đàn ghi ta từ rất sớm. Vì thêm vài ba năm nữa thì làm sao còn trông thấy phim đàn nữa mà học. Có thể tại vậy mà Dolly Parton chơi ghi ta cũng không hay lắm chăng?
Không biết có lái xe được không? Nhưng cũng có người tháo ra được như Jana Rawlinson, có người không tháo được thì làm sao?
Sophia Loren cho biết cô không bao giờ jogging, vì vừa chạy vừa phải dùng hai tay nâng thì làm sao chạy?
Ngày 7 tháng 1 năm 2010
Bạn ta,
Mùa đông năm nay là mùa lạnh và nhiều tuyết nhất ở nước Anh từ nhiều năm trở lại đây. Ở miền bắc, Manchester phải đóng cửa phi trường hơn một ngày. Ở Luân Đôn tuyết cũng rơi nhiều trong ngày hôm qua. Việc đi lại rất khó khăn. Nhưng trong 24 tiếng đồng hồ tuyết mãn thiên hoa vũ đó, nhiều người cũng tìm được những niềm vui mới.
Không phải niềm vui của Kim Thánh Thán đang đêm mở cửa nhìn ra ngoài thấy tuyết ngập đầu gối, quay vào trong nhà mở một chai rượu ra uống và kêu ầm lên "Chẳng cũng khoái ư!" như Lâm Ngữ Đường kể lại trong Sinh Hoạt Đích Nghệ Thuật.
Theo một bản tin Reuters, thì nhiều người đã truy cập vào địa chỉ IllicitEncounters.com trong internet. Địa chỉ này cung cấp những phương tiện để người ta có thể thực hiện vài ba chuyến đi ngang về tắt cho đỡ buồn trong mấy ngày tuyết.
IllicitEncounters.com cho biết trong 24 tiếng đồng hồ tính cho đến sáng ngày thứ Tư, con số người lần đầu tiên truy cập vào địa chỉ này đã lên tới mức kỷ lục. IllicitEncounters.com nói là những người mới truy cập lần đầu là những người ở các vùng bị bão tuyết nặng nhất như Hampshire, Berkshire và phía tây nước Anh. Điều này khiến IllicitEncounters.com phải tăng cường thêm nhân viên để đối phó. Trong có sáu ngày, con số người mới gia nhập website này đã tăng hơn 2 ngàn 500 người. Hiện nay,IlicitEncounters.com có khoảng 350 ngàn thanh viên. Website này nói là họ tạo cho những người này một môi trường an toàn, không ai phê phán ai để những người đàn ông và đàn bà có vợ hay chồng có thể gặp nhau.
Con số 350 ngàn trong tổng số 61 triệu người Anh có thể không là một con số lớn. Nhưng 350 ngàn chỉ mới là con số của những người sử dụng internet để gặp nhau. Trong khi còn có biết bao nhiêu người khác cũng gặp nhau nhưng không qua internet. Còn điện thoại cầm tay đã tính chưa? Còn các phương tiện khác nữa chứ đâu phải chỉ có internet và cell phone.
Cho nên trận bão tuyết của mùa đông năm nay đã chắc gì làm cho người dân Anh khốn khổ như báo chí đã nói mấy hôm nay. Không thì tại sao cứ vang vang bài Let It Snow từ mấy hôm nay?
Thiên nhiên thì rất đúng hẹn. Ngoài trời tuyết trắng xóa. Đi ra ngoài là một cực hình. Các bản tin thời tiết bao giờ cũng kêu gọi mọi người nếu không phải ra ngoài thì cứ ở nhà.
Vậy là đôi ta bị tuyết làm khó … chỉ còn nhau trong nhà. Đến cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm nay, các bảo sinh viện ở nước Anh sẽ thình lình bận rộn khác thường. Những đứa bé cất tiếng khóc chào đời vào dịp này sẽ là những kỷ niệm của trận tuyết năm 2010. Và nhiều đứa bé sẽ trông không giống cha chúng cho lắm nếu những con số của IllicitEncounters.com là đúng.
Ngày 8 tháng 1 năm 2010
Bạn ta,
Sau hơn ba chục năm sống ở nước Mỹ, tôi mới biết thêm được một thứ mà tất cả những người đàn ông may mắn khác đều đã biết từ lâu.
Tôi không biết Saran Wrap là cái gì hết, cho đến chiều nay, ghé chợ làm công việc nội trợ cho cuối tuần, tình cờ thấy nó trên một cái giá bầy các sản phẩm dùng trong nhà bếp.
Tôi không biết Saran Wrap là nó.
Wrap mà tôi biết trước đây là cái sarong mà Heddy Lamarr đã cho khán giả màn ảnh Mỹ làm quen trong một cuốn phim về nam Thái Bình Dương hồi những năm 1940. Cũng có khi nó được gọi là wrap-around mà ngày nay, nhiều phụ nữ thỉnh thoảng vẫn còn mặc nó. Tôi không có điều gì để phản đối chuyện đó hết. Nó tạo ra những ẩn hiện không lường được những khi người mặc nó bước đi, gió thổi, lên cầu thang hay leo lên những chiếc SUV cao nghều nghệu như chiếc Honda Passport của tôi. Trí tưởng tượng những lúc đó được kích thích tối đa, một thứ tập luyện cho đầu óc khỏi ù lỳ, lười biếng, nhất là với những người tuổi tác đã quá nửa thế kỷ.
Phụ nữ Indonesia, Malaysia, Miên, Miến Điện... và luôn cả đàn ông ở Tonga, Samoa, Fiji cũng mặc nó.
Thế rồi cách đây đã lâu, Marabel Morgan, một tiểu thuyết gia Mỹ, trong một cuộc phỏng vấn truyền hình, có đưa ra một đề nghị để giữ hạnh phúc cho các gia đình Mỹ: sáng đưa chồng ra cửa đi làm, chiều đón khi chàng ở sở về, người phụ nữ nên quấn quanh người bằng cái (?) Saran Wrap.
Tôi thấy nhà văn này rất có lý. Thay vì đầu bù tóc rối, cái áo ngủ nhầu nhẹt, đôi sleepers lẹp xẹp, vừa đi vừa ngáp trông như cái đường hầm Lincoln vào thành phố New York, để tiễn chàng ra cửa, người phụ nữ đi một đường sarong như Heddy Lamarr thì được quá đi chứ. Lại cho thêm tí nhạc Hạ Uy Di uốn éo như sóng biển mà không được sao?
Chao ơi, tại sao hạnh phúc toàn là những điều chỉ xẩy ra cho những người khác, như người bạn ngồi cạnh tôi vẫn than thở? Tại sao Thượng Đế lại bất công như thế, trong khi mỗi ngày, biết bao nhiêu người đàn ông trở về nhà, mở cửa bước vào chỉ thấy một đống giấy đòi tiền và thư từ nhảm nhí mời mua cái này cái nọ, chẳng thấy sarong ra đón gì hết trơn hết trọi.
Tôi mang niềm ấm ức như thế suốt mấy ngày vừa qua, thắc mắc không biết những chiếc sarong do Saran sản xuất, hay kiểu của Saran vẽ như thế nào, Victoria's Secret có bán không, và trông ra sao, có giống Heddy Lamarr không, có in hoa dâm bụt, hoa đại, hoa phượng như những cái sarong ở nam Thái Bình Dương không, hay làm bằng vải batik như ở Indonesia.
Và chiều nay, ở siêu thị, tôi thấy nó. Trông nó không có vẻ gì là để... mặc lên người hết. Lúc ấy, đứng cạnh tôi là một phụ nữ. Đem hết can đảm còn lại, tôi hỏi bà về cách dùng của nó. Tôi được giảng giải ngọn ngành, nhưng trong những công dụng của nó, tôi không thấy cách dùng mà Marabel Morgan đề nghị. Người phụ nữ kia, sau khi giải thích cho một người đàn ông Á châu ngớ ngẩn, đã bỏ đi nên tôi không thể hỏi tiếp là Saran Wrap... đi ra cửa đưa đón chồng như thế nào.
Đứng lại trong chợ, tôi đọc những câu chỉ dẫn cách dùng thì cũng không thấy đề cập đến cách dùng mà Marabel Morgan gợi ý.
Người ta dùng Saran Wrap để gói những thứ cần giữ trong freezer. Đó là cách dùng ghi ngoài vỏ hộp. Thế thì tại sao lại dùng nó như một cái sarong?
Chẳng hiểu được. Hay là tại vậy, nhiều người đàn ông ở Mỹ hay than thở rằng người phụ nữ ở nhà lạnh như một con cá chết -- cold like a dead fish?
Hay quấn cái sarong Saran Wrap cũng không có gì là hạnh phúc?
TẠP GHI
KỶ NIỆM VỚI THẦY ÁNH
Có một cuốn truyện không dài lắm của Lê Thị Huệ mà chỉ cần đọc cái tựa lên cũng đã làm tôi tò mò nhất định phải tìm để đọc. Đó là khoảng năm 1988, hồi ấy tôi đang làm cho đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, phụ trách mục điểm sách cho chương trình Việt ngữ . Mỗi tuần tôi chọn một cuốn sách tiếng Việt xuất bản ở hải ngoại để giới thiệu với các thính giả trong nước.
Kỷ Niệm Với Mî Ánh .
Cuốn truyện nội dung tôi đã quên, chỉ còn nhớ cái tựa. Tôi thấy cái tựa hay tuyệt. Mî Ánh là cái tên đẹp. Tên của một phụ nữ. Tác giả viết về một câu truyện xẩy ra tại thành phố Đà Lạt. Không khí chiến tranh đầy khắp trong từng trang của cuốn truyện. Tôi không nhớ được thêm gì ngoài những chi tiết vỡ vụn đó.
Một điều kỳ lạ nữa là đọc cái tựa, tôi nghĩ ngay đến một ông thầy cũ. Ông dậy tôi hai năm ở trung học. Một năm đệ Ngũ, năm 1958, và một lần năm đệ Nhị, năm 1961. Ông thầy ấy là ông Ánh, thầy Ánh, giáo sư Ánh, giáo sư Vũ Ngọc Ánh.
Năm đệ Ngũ lớp tôi học ở trên lầu hai của trường Chu Văn An cũ, thầy Ánh dậy chúng tôi môn công dân giáo dục. Môn học này không có trong chương trình thi Trung Học Phổ Thông. Chúng tôi lại đang học năm mà chúng tôi gọi là năm về hưu, nghỉ ngơi để chờ sang năm sau, năm đệ Tứ với kỳ thi đầy đe dọa.
Dĩ nhiên năm đệ Ngũ là năm để chơi, để nghỉ của chúng tôi. Thầy Ánh dậy một môn không là môn có trong kỳ thi. Tôi chỉ còn nhớ mang máng chương trình công dân giáo dục của năm đệ Ngũ đề cập đến một số những vấn đề kinh tế, cuộc cách mạng kỹ nghệ ở Âu châu, ảnh hưởng đến các phong trào tự do dân chủ khắp thế giới. Ngoài ra, tôi không còn nhớ nổi chương trình dậy chúng tôi những gì. Chúng tôi bắt đầu lớn hơn lớp đệ lục một chút. Đã biết nghe nhạc, nhạc Việt và nhạc Pháp, nhạc Mỹ, dăm ba bài của The Platters, của Paul Anka , của Nat King Cole… Chúng tôi bắt đầu để ý vài ba cô hàng xóm, nhớ nhung vơ vẩn một người ở khu Đại Học Xá Minh Mạng, người con gái tên là Lan. Tội nghiệp không biết đến cả tên họ đầy đủ của cô…
Thầy Ánh đến với chúng tôi vào lúc đó. Ông dậy chúng tôi một môn học không lý thú gì cho lắm. Mà thực ra, chẳng có môn nào của năm đệ Ngũ trung học lý thú cả. Các môn khoa học cũng vậy, môn Việt văn thì chưa được đụng tới Kiều, mới chỉ vài ba đoạn Cung Oán, Chinh Phụ Ngâm. Tiếng Anh vừa xong được cuốn Sixième Bleue đang bắt qua cuốn Cinquième Beige…
Thầy Ánh năm ấy khoảng ngoài ba mươi, gấp đôi tuổi của chúng tôi. Vũ Kiện, con nhà văn Tam Lang Vũ Đình Chí ngồi cạnh tôi ở bàn đầu, và ngay trong giờ học thứ nhất của thầy Ánh, đã cho tôi biết một bí mật: thầy Ánh nhà giầu lắm, ở đường Lê Thánh Tôn, đi xe Mercedes.
Chiếc xe Mercedes đen của thầy Ánh là chiếc duy nhất ở trường Chu Văn An hồi ấy. Các giáo sư khác thì đi Vespa như giáo sư T. hay đi mobylette như cụ X. xe Đức máy Sachs như thầy P. hay velosolex như cụ L.
Chỉ có thầy Ánh là đi Mercedes. Mãi sau mới có chiếc Renault 4 của thầy Q., rồi sau đó là chiếc Ford Taunus , chiếc Vauxhall của thầy T.
Thầy Ánh lúc nào cũng y phục tề chỉnh, không quá điệu bộ như thầy L. dậy Pháp Văn, hay xuềnh xoàng như giáo sư D., hay cả quỷnh như thầy H. Thầy dậy rất nghiêm túc nhưng không là một ông thầy "hắc" như tiếng chúng tôi dùng để gọi những ông thầy khó tính khác. Thầy không là vua zéro, vua consigne như hai ba ông thầy khác . Thầy dậy đủ những điều ghi trong chương trình. Đứa nào học thì học, không học thì kệ chúng. Thầy không giảng đạo đức chúng tôi bao giờ. Thầy nói năng nhỏ nhẹ. Cố gắng lắm tôi vẫn không nhớ là thầy đã to tiếng với chúng tôi ở trong lớp bao giờ.
Hết năm đệ Ngũ, tôi không gặp lại thầy ở lớp cuối của trung học đệ nhất cấp. Mãi khi lên đệ Nhị, tôi mới lại học thầy lần nữa.
Lớp đệ Nhị C của chúng tôi học ở căn nhà tôn giữa tòa nhà chính ba tầng và mấy lớp nằm ngang cũng mái tôn nhưng cửa giả kín hơn. Thầy Ánh lại dậy tôi thêm năm ấy. Ông dậy địa lý. Sử thì chúng tôi học với giáo sư Vũ Khắc Khoan. Việt văn vói giáo sư Vũ Hoàng Chương, Pháp văn với giáo sư Nguyễn Ngọc Diễm, Anh văn với giáo sư Phạm Đình Thắng.
Ngồi cạnh tôi là Đinh Ngọc Mô của Đố Vui Để Học. Phía sau là Nguyễn Văn Uy viết với bút hiệu Y Uyên. Bên kia là Vũ Khắc Dụng, thứ trưởng tài chính thời đệ nhị Cộng Hòa. Cao Đức Thạc, Đặng Lâm Sang đi Úc rồi ở lại.
Thầy dậy chúng tôi môn địa lý, là môn có trong kỳ thi tú tài 1. Thầy Khoan dậy sử bao giờ cũng chỉ dậy có một bài duy nhất là những việc người Pháp làm ở Việt Nam. Những bài khác thì tự mà học lấy. Thầy Diễm dậy văn chương Pháp, thầy Hoan dậy văn chương Anh, thầy Vũ Hoàng Chương dậy Việt văn, hay nhất là những lúc thầy nói về Tự Lực Văn Đoàn và thơ tiền chiến.
Thầy Ánh dậy địa lý, không sôi nổi như những môn của các ông thầy vừa kể. Sử địa không có hệ số lớn như các môn Việt, Anh và Pháp của tú tài 1 ban C. Chúng tôi không ngoan hơn một chút nào, mà chỉ càng ngày càng tinh quái và ma mãnh hơn. Trừ vài ba tên cù lần, chúng tôi đứa nào cũng trốn học nổi tiếng. Mấy quyển vở bỏ trong ngực áo, xe để ngoài hàng rào, thoắt một cái, chúng tôi đã bay ra ngoài cửa sổ, chạy ra ngoài hàng rào kẽm gai, ra đứng ở cạnh mấy xe bò viên gần thư viện quốc gia cũ hay đi thơ thẩn ở bờ sông, trong vườn Tao Đàn, chui rào vào sở thú, lượn xe qua các trường nữ...
Thầy Ánh cứ thế trong lớp dậy tiếp, nghĩ là bọn học trò của thầy vẫn học hành chăm chỉ để sửa soạn cho kỳ thi cuối niên học.
Chúng tôi có lơ là với cả hai môn công dân và địa lý mà thầy dậy, nhưng kỳ lạ là tôi lại rất nhớ thầy. Thầy có cái giọng nói bây giờ vẫn còn nguyên. Giọng thầy nhẹ, hơi cao một chút.
Sau năm đệ Nhị C, tôi không gặp lại thầy nữa.
Cả trong thời gian thầy đắc cử vào ngồi ở thượng viện, tôi cũng không bao giờ gặp thầy. Công việc hồi đó của tôi lại càng khiến cho tôi khó đi gặp thầy tuy biết ông thầy cũ đang ngồi ở thượng viện.
Đời sống ném những học trò cũ của thầy đi khắp nơi. Có những người đã chết trong chiến tranh, có những người đi mãi, không bao giờ về nước, nói chi đến việc tìm lại ngôi trường cũ. Bao nhiêu vật đổi, sao dời. Năm 1975 lại bầy ra những chia cách khác. Khoảng năm 1984, tôi và một người bạn gặp thầy ở Virginia, rồi lại bặt tin mãi đến năm 2003, tôi mới lại gặp lại thầy ở California.
Cuốn sách thầy viết và xuất bản mới đây lại cho tôi một cơ hội gặp thầy một lần nữa.
Tôi chỉ biết ông trong vai trò một ông giáo. Ông giáo đứng trong lớp không giống ông giáo ở nhà. Tôi đã có những kinh nghiệm như thế khi theo ông bố tôi đi thăm những thầy giáo, cô giáo tiểu học, đồng nghiệp của bố tôi. Cụ giáo Côn mặc áo ta ở nhà tại phố Cửa Nam. Cụ giáo Mão nhà ở đường Sinh Từ lúc nào cũng áo dài. Bà giáo Nghĩa búi tóc, chải đầu lưỡi trai có khuôn mặt và nụ cười tuyệt đẹp. Bà giáo Huyền tóc bới cao, hay mặc chiếc áo dài mầu hoa lý. Đến gặp những ông bà giáo ở nhà, tôi thấy họ rất khác ở trong lớp. Nhưng bố tôi, ở trường là một ông giáo nghiêm khắc, ở nhà cũng dữ đòn không kém.
Những ông thầy ở trung học chúng tôi ít thấy trong những lúc ở ngoài lớp học. Thầy Ánh, đáng lẽ tôi phải được nhìn thấy thầy ở nghị trường, một nhà làm luật, không còn là ông giáo sư ở cái lớp học mái tôn hồi còn ở trường Chu Văn An nữa. Tôi đã không có cơ hội gặp ông khi ông ở thượng viện.
Nhưng cuốn sách ông viết lại đã cho tôi thấy một ông Vũ Ngọc Ánh khác. Cụ Vũ Ngọc Ánh thì đúng hơn.
Cầm cuốn sách cụ giáo cho tôi, tôi nghĩ một cách đùa nghịch: hồi trước thầy chấm bài của con, bây giờ thầy gửi cho cuốn sách, gợi ý muốn con viết một bài về cuốn sách của thầy, thế thì phải đọc thật kỹ mới được. Trước hết, phải kiếm cái bút đỏ đã…
Nhưng tôi quyết định chỉ đọc, không điểm cuốn sách này. Tôi sẽ chỉ nói về cụ giáo Ánh, một ông thầy cũ bao giờ cũng ở trong đầu của tôi. Chiếc xe Mercedes đen. Tiếng nói nhẹ của vùng Ninh Bình, như tiếng của bà ngoại tôi. Cái dáng ông đứng trong lớp. Nét hiền lành của ông. Cụ giáo Ánh bao giờ cũng để lại trong đầu những đứa học trò của cụ một hình ảnh của một người đàn ông tử tế, mẫu mực.
Làm được như vậy cũng là rất khó. Cuốn sách thầy viết chỉ làm được gần như thế.
Đó là kỷ niệm với thầy Ánh ở trong đầu ít nhất một người học trò cũ của thầy, của hơn một nửa thế kỷ trước.
Bùi Bảo Trúc