Ra mắt cuốn « China Dream/Giấc mộng Trung Hoa », phiên bản tiếng Pháp, của nhà văn Mã Kiến (Ma Jian), tiểu thuyết trào phúng tố cáo chính sách « tẩy não » của chế độ Tập Cận Bình. Bắc Kinh khơi lại dự án đập thủy điện bị đình chỉ cách nay 7 năm tại Miến Điện.
Trong mùa sách văn học đầu năm 2019 tại Pháp, có một cuốn rất được chú ý : Tiểu thuyết « China Dream / Giấc mộng Trung Hoa », phiên bản tiếng Pháp, của nhà văn Mã Kiến (Ma Jian), ra mắt hồi tuần trước. Nhà văn Trung Quốc đề tặng cuốn sách này cho George Orwell, tác giả cuốn tiểu thuyết kinh điển về xã hội toàn trị, mang tựa đề « 1984 ». Theo Mã Kiến, George Orwell đã « dự báo hết » về xã hội Trung Quốc đương đại.
Nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết trào phúng của Mã Kiến là Mã Đạo Đức (Ma Daode) một viên chức của đảng thuộc bộ phận được gọi là « Ủy Ban Quản Lý Giấc Mộng Trung Hoa ». Nhiệm vụ của cơ quan đặc biệt này là tìm cách xóa khỏi đầu óc mọi công dân Trung Quốc « những giấc mơ và những kỷ niệm xấu về quá khứ ». Điều trớ trêu ở chỗ là chính cán bộ đảng này cũng thường xuyên bị ám ảnh bởi các ác mộng thời Cách mạng Văn Hóa. Bởi, trước khi làm được nhiệm vụ tẩy não những người khác, ông ta phải tự tẩy chính não mình.
Theo nhà văn Mã Kiến, sống lưu vong tại Anh từ cuối những năm 1990, lịch sử của Trung Quốc sau năm 1949 đã bị đảng Cộng Sản viết lại hoàn toàn. Đó chính là công cụ giúp cho chế độ « tẩy não » toàn dân, và thế vào phần não trống là một lịch sử được viết theo lập trường của đảng, là những tuyên truyền về một « Giấc mộng Trung Hoa » mới.
Giống như các tiểu thuyết trước đây (Hồng Trần, Bắc Kinh Coma hay Dark Road), cuốn « Giấc mộng Trung Hoa » của Mã Kiến bị cấm tại Trung Quốc (1). Tác phẩm của nhà văn lưu vong cho thấy đằng sau khẩu hiệu Giấc mộng Trung Hoa của Tập Cận Bình là bao nhiêu cuộc thảm sát, đàn áp khốc liệt, từ Cách mạng Văn Hóa cho đến Thiên An Môn...
Chuyến đi giới thiệu tiểu thuyết mới của ông tại Hồng Kông hồi tháng 11/2018 suýt lỡ dở, do trung tâm nghệ thuật Tai Kwun, nơi tổ chức Liên hoan sách quốc tế, từ chối tiếp. Nhiều người đoán chắc có bàn tay của Bắc Kinh.
Miến Điện: Bắc Kinh khơi lại một dự án thủy điện bị dân lên án
Vào những ngày cuối năm 2018, chính quyền Bắc Kinh đã tìm cách khơi dậy dự án đập thủy điện Myitsone, tại miền bắc Miến Điện, vốn bị đình chỉ từ 7 năm nay. Đại sứ Trung Quốc tại Miến Điện đã đến tận khu vực này để tiếp xúc với các giới chức địa phương. Tuy nhiên, tường thuật sau đó của đại sứ Trung Quốc đã bị phản bác.. Thông tín viên Eliza Hunt từ Rangoun cho biết :
« Theo đại sứ Trung Quốc, dân cư tại bang Kachin hoàn toàn không phản đối việc xây đập thủy điện. Đại diện ngoại giao Trung Quốc nói đã có được thông tin về việc này từ một số giới chức chính trị địa phương. Trong khi đó, những người này hồi đầu tuần cho biết họ đã nói với đại sứ Trung Quốc điều hoàn toàn ngược lại.
Đập thủy điện Myitsone gây tranh cãi dữ dội tại Miến Điện : 85% dân chúng phản đối, theo một thăm dò dư luận năm 2017. Đập bị lên án do các hậu quả môi trường. Một khi vận hành, đập sẽ làm ngập một khu vực rộng tương đương Singapore, khiến dân cư phải sơ tán hàng loạt, và hủy hoại nhiều hệ sinh thái. Tiếp theo đó, người dân Miến Điện khó mà biết được là con đập sẽ mang lại lợi ích gì cho họ. 90% lượng điện do đập sản xuất sẽ được đưa trực tiếp sang Trung Quốc.
Một cuộc biểu tình của người Miến Điện chống dự án Trung Quốc xây đập Myitsone trên dòng Irrawaddy, năm 2011.REUTERS/Bazuki Muhammad
Vào lúc chưa lên nắm quyền, nhà đối lập Aung San Suu Kyi đã phản đối việc xây đập. Nhưng cho đến nay, bà Aung San Suu Kyi không giải quyết việc này. Vào lúc bà mới lên nắm quyền, chính phủ đã lập ra một ủy ban về đập thủy điện, nhưng các báo cáo chưa bao giờ được công bố.
Hiện tại, đối với chính quyền Miến Điện, khó mà đưa ra một quyết định về vấn đề phức tạp này. Một mặt, có sự phản đối mạnh ở địa phương vào thời điểm một năm trước bầu cử. Mặt khác, nếu từ bỏ dự án, Miến Điện phải bồi thường gần 800 triệu đô la ».
Trung Quốc "đòi nợ" Aung San Suu Kyi ?
Về vai trò mờ ám của Trung Quốc trong dự án đập này, thông tín viên Eliza Hunt cho biết thêm:
« Miến Điện bị cô lập trên trường quốc tế do cuộc khủng hoảng Rohingya, cộng đồng thiểu số theo đạo Hồi, bị quân đội Miến Điện ‘‘thanh lọc sắc tộc’’. Việc Bắc Kinh giành quyền phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An để ngăn chặn các quyết định trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhắm vào Miến Điện quả là rất quý giá cho chính quyền nước này. Theo một số nhà quan sát, xung đột trong vấn đề ngôi đập thủy điện Myitsone có thể là một phương tiện gây áp lực của Trung Quốc nhằm có thêm sức nặng trong đàm phán, buộc Miến Điện phải có nhiều nhân nhượng hơn đối với nhiều công trình xây dựng cơ sở hạ tầng khác của Trung Quốc tại nước này ».
Tình hình xung quanh dự án đập Myitsone hết sức phức tạp. Theo nhận định của báo Irrawaddy - một trang mạng độc lập Miến Điện có uy tín, thì chính phủ của bà Aung San Suu Kyi đang bị kẹt giữa một bên là tập đoàn quân sự Miến Điện (nắm giữ các bộ chủ chốt Quốc Phòng, Nội Vụ, Biên Phòng và chiếm 25% ghế nghị sĩ Quốc Hội, sẵn sàng bác mọi cải tổ Hiến pháp theo hướng dân chủ hóa) và bên kia là chính quyền Trung Quốc nắm giữ nhiều nguồn lực tại Miến Điện và đang muốn thao túng quốc gia này hơn nữa. Đặc biệt thông qua dự án « Một vành đai, một con đường », cũng như qua vai trò môi giới cho các đàm phán giữa chính quyền Miến Điện và các lực lượng vũ trang sắc tộc thiểu số, mà một số có quan hệ gần gũi với Bắc Kinh.
- Đọc thêm : Một cuộc bỏ phiếu đầy bất trắc
Vẫn theo Irrawaddy, trong những tháng qua, bà Aung San Suu Kyi đã cố gắng dùng áp lực của Trung Quốc để buộc tập đoàn quân sự hùng mạnh phải có những nhân nhượng, nhằm đạt được một thỏa thuận hòa bình với các sắc tộc, ổn định tình hình trong nước. Trước mắt, việc giới quân sự chấp nhận ngừng bắn 4 tháng với các lực lượng vũ trang sắc tộc, để đàm phán, kể từ cuối tháng 12/2018, có thể coi là thành công bước đầu với Aung San Suu Kyi.
Tuy nhiên, đúng vào lúc thỏa thuận ngừng bắn 4 tháng nói trên được đưa ra, Trung Quốc lại tìm cách khơi dậy vấn đề đập Myitsone, như để đòi « một món nợ ». Lãnh đạo chính phủ dân sự Miến Điện sẽ phải trả giá nào, khi mời đến Bắc Kinh can thiệp ?