Tuesday, 12 March 2019

Mỹ sẽ ‘hạn chế tin tình báo’ nếu Đức dùng linh kiện Huawei

image.png

Hoa Kỳ hôm thứ Hai (11/3) đã cảnh báo Đức về việc sẽ “hạn chế chia sẻ thông tin trong tương lai”, nếu họ mua thiết bị 5G của “các nhà cung cấp không tin cậy” như Huawei của Trung Quốc, theo SCMP.

Tạp chí WSJ cho hay, Đại sứ Hoa Kỳ Richard Grenell đã gửi thư cho Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmaier hôm thứ Sáu tuần trước, cảnh báo rằng trong trường hợp Đức hợp tác với Huawei, Hoa Kỳ có thể giới hạn việc chia sẻ thông tin tình báo và các trao đổi thông tin khác.

Một phát ngôn viên của Đại sứ quán Mỹ tại Đức, hôm thứ Hai, nói họ sẽ không bình luận về mối quan hệ ngoại giao, nhưng nói thêm rằng tính an toàn của mạng 5G khi sử dụng linh kiện của những nhà cung cấp bị đặt nghi vấn như thế nào thì mọi người đều biết.

“Với việc có những nhà cung cấp không đáng tin cậy cho hệ thống mạng của một đồng mình, có thể đặt ra những câu hỏi trong tương lai về tính toàn vẹn và bảo mật của thông tin liên lạc nhạy cảm trong quốc gia đó, cũng như giữa quốc gia đó và các đồng minh của họ”, người phát ngôn Đại sứ Mỹ tại Đức nói.

“Điều này dẫn tới việc có thể gây nguy hiểm cho sự phối hợp nhanh và chia sẻ thông tin [giữa các nước đồng minh]. Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các đồng minh để tìm ra cách bảo mật các mạng viễn thông nhằm đảm bảo khả năng tương tác liên tục”, người phát ngôn nói.

Bộ trưởng Altmaier xác nhận ông đã nhận được bức thư của Đại sứ Mỹ nhưng nói rằng không thể bình luận về nội dung của nó, và cho biết: “Chúng tôi sẽ sớm hồi đáp”.

Đức, giống như các nước EU khác, để đối phó với khủng bố và các mối đe dọa an ninh, phải phụ thuộc rất nhiều vào thông tin tinh báo do các Cơ quan An ninh Quốc gia, Cơ quan Tình báo Trung ương và các dịch vụ phản gián khác của Mỹ cung cấp.

Hoa Kỳ và một số nước phương Tây khác lo sợ những rủi ro an ninh khi sử dụng thiết bị 5G của tập đoàn viễn thống Huawei, vì nhiều báo cáo phản ánh tập đoàn viễn thông này có mối liên hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc, và thiết bị của Huawei có thể dùng để thu thập thông tin tình báo phục vụ Bắc Kinh. Do vậy nhiều nước đã tuyên bố quay lưng với thiết bị 5G của Huawei.

Mặc dù có ý định hợp tác với Huawei, chính phủ Đức vẫn cho thấy sự thận trọng. Thủ tướng Angela Merkel đã nói rằng cần phải nói chuyện với Bắc Kinh, “để đảm bảo rằng công ty [Huawei] không chỉ đơn giản là từ bỏ tất cả dữ liệu được sử dụng cho nhà nước Trung Quốc, mà còn có các biện pháp bảo vệ [dữ liệu] an toàn”.

Chính phủ Đức tin rằng để đảm bảo Huawei không chia sẻ thông tin nhạy cảm cho Bắc Kinh thì, bên cạnh một số biện pháp, cần thêm một điều khoản trong hợp đồng rằng tập đoàn viễn thông Trung Quốc phải công bố mã nguồn sử dụng trong các thiết bị 5G, cũng như phải cho phép các phòng thí nghiệm thực hiện các kiểm thử trên các thiết bị đó.
Huawei đã âm thầm trở thành nhà cung cấp thiết bị xương sống hàng đầu cho các mạng di động, đặc biệt là tại các thị trường đang phát triển trên thế giới, nhờ vào giá thiết bị rẻ hơn.

Đức, mặc dù là nền kinh tế hàng đầu Châu Âu, đã nhận thấy cơ sở hạ tầng dành cho chia sẻ thông tin của mình đã lạc hậu, hầu hết người Đức hiện tại đều đang dùng mạng 3G.

Mạng 5G được cho là có tốc độ truy cập dữ liệu nhanh hơn 100 lần so với 4G và được xem là bước quan trọng tiếp theo trong cuộc cách mạng kỹ thuật số giúp truyền dữ liệu gần như tức thời.

Đặng Hoàng