Đôi Dòng :
Mỗi người Dalat xa xứ sẽ nhớ về nơi ấy theo mỗi hoài niệm riêng …
Có thể là niềm nhớ về tháng 11 với hoa dã quỳ nở rộ vàng ong hè đường, hàng rào, sườn đồi, con dốc quanh co … Hay tháng 1 với mai anh đào kiêu kỳ sắc hồng mỏng manh mà tươi tắn khoe sắc dọc theo bờ hồ Xuân Hương hay trên con phố Trần Hưng Đạo đài các … Hoặc tháng 6 với sắc tím man mác nỗi nhung nhớ diệu vợi của hoa phượng tím …
Tôi không có may mắn được nhớ về Dalat với những sắc hoa đẹp đẽ như thế, tôi nhớ về Dalat chỉ vì một đêm mịt mù khói lửa của tháng ba năm ấy tôi phải rời xa Dalat và theo đó, tôi vĩnh viễn mất Dalat tuổi thơ của tôi !
Tháng ba năm ấy, không chỉ riêng chúng tôi mà rất nhiều người Dalat đã phải rời xa nơi ấy ! Rời xa trong nỗi hốt hoảng, bước chân vô định, như trốn chạy, như miễn cưỡng rũ bỏ, như bất đắc dĩ chối từ … Có người đi tạm ít ngày rồi trở lại thì thấy cuộc sống mình đang rất khác từng ngày vì chủ nhân mới … Có người rời xa Dalat, xa mãi rồi cũng có lúc trở về chợt thấy mình chỉ còn là khách trọ … Cũng có người rời xa Dalat mãi đến nay vẫn chưa về, thấy nặng trong tâm như người phụ bạc …
Nhưng hết thảy, mọi người đều mất mát điều gì đó vào tháng ba năm ấy ! Ước mơ chăng ? Tâm hồn chăng ? Phẩm giá chăng ? Tự do chăng ? Người thân, người tình, bè bạn … Tất cả đều từ mốc thời gian tháng ba năm ấy !
Tôi đã từng gọi đấy là “Tháng Ba Buồn” …
Mạnh Đang , đả viết như thế !
Và tôi gọi đó là tri âm đang vang vọng trong cái chòi lá "NetpressO CàPhê" của tôi .
Trân trọng mời đọc ...
KÝ ỨC DALAT
- DƯ ÂM & DƯ HƯƠNG -
- DƯ ÂM & DƯ HƯƠNG -
“Đến là nghi tâm, đi là diệu tưởng”
Khoảng những năm đầu thập kỷ bảy mươi của thế kỷ trước, mẹ tôi, nguyên là công chức của chính quyền Sài Gòn cũ chuyển về Dalat làm việc, nơi đến của bà ở thành phố cao nguyên này là Chi Lăng, Dalat …
Tôi theo mẹ về Dalat từ khi ấy.
Tôi còn nhớ về thanh âm làm thức giấc hai mẹ con chúng tôi trong buổi sáng sớm đầu tiên ở Dalat, đó là tiếng mưa rì rào, tiếng mưa lúc khoan lúc nhặt, lúc như kể lể hờn giận, lúc như lặng thầm xa vắng … Sợ cơn mưa, ngại cái lạnh đất cao nguyên, mẹ tôi người vừa rời nơi sống ở vùng đồng bằng ấm áp đã không dám mở tung cánh cửa sổ như thường nhật …
Khi tiếng mưa có vẻ đã ngớt, mẹ tôi mở cửa sổ trông ra ngoài thì hóa ra lại không thấy một giọt mưa nào cả, ngoài những giọt sương mai long lanh còn vương vấn trên hoa lá, thì lối đi trên vườn vẫn còn nguyên khô ráo, nhưng tiếng mưa lại vẫn từ đâu đó vọng về chưa dứt …
Sau đó, nhìn những ngọn thông chao nghiêng, ngả ngớn vào nhau theo từng cơn gió thì mẹ tôi mới chợt đoán hiểu về nguồn gốc của âm thanh nghe như tiếng mưa này và rồi theo người Dalat, chúng tôi gọi nó là : “tiếng thông reo” …
Hình như tiếng thông reo nghe rào rạt nhất vào giấc sáng sớm thì phải, hay có lẽ là do đây là khoảng khắc tĩnh lặng nhất trong ngày, nên tiếng thông reo nghe càng rõ nét hơn ? Rồi thỉnh thoảng đâu đó trong ngày, mọi người lại nghe tiếng thông reo như nhắc nhớ về sự hiện diện của niềm hoan lạc giữa đất trời Dalat …
Thế nên, tiếng thông reo ở Dalat có lẽ đã trở thành một tài sản phi vật thể mà mỗi người dân Dalat xa xứ phải nhớ nhung, phải luyến tiếc … Là một trải nghiệm lạ lẫm cho du khách đến Dalat, để khi họ về nhà họ có món quà là câu chuyện kỳ thú kể cho người thân.
Không chỉ âm thanh của thông, mà chính mùi hương tự nhiên tỏa ra từ những vệt nhựa thông óng ánh vàng tươm trên thân cây thông mới là mùi hương vương vấn suốt một phần tuổi ấu thơ của tôi ở Dalat.
Ngày ấy, tôi và vài đứa bạn cùng trang lứa tha thẩn dùng gậy chọc lấy nhựa thông quệt vào đầu gậy làm đuốc … trò chơi tinh nghịch của trẻ con khi ấy may đã không gây hậu quả xấu gì !? ngoại trừ hậu quả làm tôi vương vấn mùi hương ấy mỗi khi nhớ về Dalat.
Thế nên, tuy Dalat được mệnh danh là thành phố hoa, thành phố ngàn hoa, nhưng tôi lại không nhớ lắm về sắc hoa hay hương hoa, mà chỉ nhớ mùi hương nhựa thông của tuổi ấu thơ mà thôi …
Sau này, khi có dịp trở lại Dalat thì hầu như tôi không còn nghe dư âm của tiếng thông reo nữa, có lẽ vì thông phải nhường đất sống của mình cho những cư dân Dalat mới … nhưng rất may, dư hương của hương nhựa thông thì thỉnh thoảng vẫn còn phảng phất ở những vùng ngoại ô Dalat …
Thật tiếc khi một phần Dalat trong lòng tôi đã mất …
KÝ ỨC DALATPHẦN 1
- THÁNG BA BUỒN -
- THÁNG BA BUỒN -
Xin chào nhau giữa con đường
(1) Thơ thi sỹ Bùi Giáng - Chào Nguyên Xuân
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau (1)
Ấp Chi Lăng, nơi mẹ tôi nhận nhiệm sở mới, họ cấp cho mẹ tôi một căn hộ gồm hai phòng nhỏ, liền kề có một phòng khám y tế, đó là khu bệnh xá nơi mẹ tôi làm việc.
Ngay trước khu bệnh xá có trồng sẵn mấy luống hoa, nhưng ngày ấy còn bé, tôi nào đã biết thưởng thức hoa, ngược lại, tôi lại rất sợ và bực mình với các luống hoa này vì cứ phải đi vòng để tránh nó, thực chất là để tránh những sâu màu xanh mềm nhũn, lông lá tua tủa hay những con cuốn chiếu hôi hám, thỉnh thoảng bò sộc vào tận nơi ở …
Khu bệnh xá tựa như một ốc đảo hoàn toàn nằm cách biệt với những dãy nhà khác trong công sở …
Gần nhất với khu bệnh xá là dãy nhà làm việc thì cũng đã cách xa tầm 50m, nhưng từ nơi ở của mẹ con chúng tôi nhìn qua những cây thông già cũng chỉ thấy thấp thoáng tường mặt sau kéo dài của dãy nhà này, tường vốn được ốp đá đã lên rêu xanh từ thuở nào, trông cũ kỹ như bức tường thành cổ vậy …
Còn lại thì đìu hiu vắng vẻ, lạnh lẽo đến nao lòng, chỉ thấy cây xanh, hoa lá trên nền đất đỏ mấp mô …
Ở mặt sau căn hộ của chúng tôi, ngay cạnh gường ngủ có một ô cửa sổ lớn, đây là nơi ưa thích nhất của tôi trong căn hộ, vào những lúc không có sương mù thì tôi có thể phóng tầm mắt vượt qua những mái nhà và rặng cây thấp nhìn suốt ra tận con đường cái … tôi mường tượng như có thể thấy lơ thơ bóng người đi lại, vài chiếc xe đò nhỏ thong thả đưa khách từ Chợ Chi Lăng ra Khu Hòa Bình …
Trong cả khu công sở rộng lớn, tôi chỉ có được một hai đứa trẻ cùng trang lứa là con của đồng nghiệp mẹ tôi để làm bạn … Nhưng tôi nhớ, trong phần lớn thời gian, tôi hầu như tự bày trò chơi cho chính mình chơi là chính …
Cũng may rằng chỉ sau ít ngày đến Dalat, thì tôi đã đi học lớp đầu tiên của cấp tiểu học tại ngôi trường tọa lạc trên một đỉnh đồi, ngôi trường có kiến trúc tuyệt đẹp … mà đến thời gian gần đây tôi mới cảm nhận gần hết ý nghĩa, tầm vóc của nó … Trường Hùng Vương.
Trung Tâm Giáo Dục Hùng Vương
Nguyên thủy, ngôi trường do người Pháp xây dựng, sau vài lần đổi tên, đến thời điểm trước năm 1975 – thời điểm tôi theo học thì ngôi trường đã được mang tên Việt là Trung Tâm Giáo Dục Hùng Vương …
Tôi nhớ, ngôi trường có một dãy hành lang dài, mái che được mang hình ảnh như từng cơn sóng biển nhấp nhô … tại hành lang này, tôi đã có lần rút chiếc thắt lưng của mình ra quay tít để chống lại mấy anh chàng bạn học lớp trên đang lăm le ăn hiếp mình … may mà hành động “yêng hùng” đó không bị phát hiện, ngoài những “đối thủ” của tôi đang tròn xoe mắt ngạc nhiên về sự “chống đối” của nạn nhân …
Lần khác, trong giờ ra chơi, tôi cùng đứa bạn học thơ thẩn đi về phía một một bờ đất cao, đến nơi, chúng tôi rất thích thú khi phát hiện nơi mình đang đứng như là đỉnh đồi, nhìn xuống phía chân đồi có con đường nhỏ uốn lượn theo bờ hồ Xuân Hương, khung cảnh thật ngoạn mục, chúng tôi đã ngồi ở đấy để đua nhau ném quả thông xuống phía dưới xem của ai ném được xa nhất … cho đến khi nghe tiếng chuông gọi vào học. Đó đã từng là một sự kiện mang tính “phát hiện” đầy kỳ thú đối với lứa tuổi chúng tôi khi đó.
Nhưng thời gian tôi được học ở ngôi trường này không lâu …
Một ngày tháng 03/1975 (tôi không nhớ rõ ngày nào), vào buổi chiều, khi lũ học trò chúng tôi đang nghiêng đầu, nghểnh cổ nghe giảng dang dở bài học của lớp hai, thì bổng cả trường xôn xao, nhốn nháo … thầy cô lớp này, lớp kia chạy vội ra hành lang hốt hoảng thông tin cho nhau điều gì đó về “Việt cộng” … lớp học đột ngột bị ngưng ngang, cô thầy, học trò í ới gọi nhau rồi đổ xô chạy vội vàng xuống sân … tôi cũng cuốn cặp chạy cùng mọi người ra cổng rồi chui tọt vào chiếc xe quen thuộc mà hàng ngày đưa đón chúng tôi đến trường, lúc này xe đang đậu trước cổng … nhưng phải đợi chờ rất lâu thì chú tài xế mới hộc tốc chạy bộ đến đưa chúng tôi về nhà … trên xe, lũ học trò chúng tôi cứ ngơ ngác, im thin thít vì sợ, nhớn nhác nhìn nhau, không còn dám đùa giỡn như mọi khi … trên đường xe cộ cũng dường như hối hả đi lại khác nhịp sống thong thả hàng ngày.
Sau ngày hôm ấy tôi nghỉ học, trí óc non dại của tôi đã rất vui mừng vì mình không phải đi học nữa ! Nhưng tôi đã không biết để luyến tiếc rằng cái ngày thầy trò tôi nháo nhào bỏ chạy khỏi ngôi trường chính là ngày học vinh dự cuối cùng của tôi dưới mái trường đã đào tạo được biết bao thế hệ thành nhân, thành tài …
Cũng từ hôm ấy, bên cạnh “ông kẹ”, thì trong tâm trí của tôi có thêm một nỗi lo sợ khác là “Việt cộng” … “ông kẹ” do người lớn hù dọa từ tấm bé nên tôi sợ, nhưng “Việt cộng” thì chính người lớn còn phải sợ thì suy ra : Chắc chắn “Việt cộng” phải khủng khiếp, ghê rợn hơn “ông kẹ” rất nhiều …
Trong những ngày cuối tháng 03/1975, tôi nghe người lớn thì thầm nói chuyện với nhau về những lời đồn đại như : “Việt cộng” đã chiếm tỉnh này, người dân đang di tản ở tỉnh kia, rồi nào người Thượng sẽ về chặt đầu người Kinh đòi đất … hay và thông tin cho nhau : Hôm qua cửa hiệu ABC gì đó đã đóng cửa dọn cả nhà chạy về Sài Gòn, hôm nay gia đình ông bà XYZ đã có giấy được xuất cảnh ra nước ngoài v.v…
Sự lo lắng, hoang mang của người lớn tác động lây đến những đứa trẻ con như tôi cảm thấy bất an …
Bố tôi ở Sài Gòn liên tục gọi điện thoại lên để bàn bạc, thúc giục mẹ tôi việc về Sài Gòn, nhưng hình như mẹ tôi vẫn cố nán để chờ đợi một quyết định chính thức của công sở về việc thuyên chuyển … Sự mẫn cán vì chức nghiệp của mẹ tôi đã khiến chúng tôi có lúc lâm vào hoàn cảnh nguy khốn chưa từng có trong cuộc đời chúng tôi …
Một buổi sáng, mẹ con chúng tôi đi Chợ Chi Lăng thì thấy một chiếc xe zeep vẫn chở viên sĩ quan đứng uy nghiêm trong bộ quân phục, găng tay trắng muốt, kiếm lệnh đeo bên hông, xe chạy từ từ qua khu vực chợ hướng về cổng Trường Võ Bị Sĩ Quan Dalat gần đấy, đây là những hình ảnh thường thấy, nhưng trong những ngày này, mọi người đều đưa mắt dõi theo như một liệu pháp tự trấn an mình …
Nhưng sự an tâm không giữ được mấy chốc, cho đến khi ông giám đốc nơi mẹ tôi làm việc đột nhiên không đến sở nữa, hay một hai gia đình công chức rời khỏi khu vực công sở nói dọn ra ngoài ở cho an toàn, thì theo đó, tôi lại mất nốt những người bạn hàng xóm trong số bạn ít ỏi của mình …
Không chỉ ở nơi mẹ tôi làm việc, mà trong những ngày này, Dalat vốn thường tĩnh lặng thì lại càng dần trở nên đìu hiu, lạnh lẽo và vắng vẻ khác thường … có một hôm mẹ cùng tôi đến bệnh viện tỉnh lấy thuốc, đường đi ngang qua khu Hòa Bình, nơi có thể xem là đông đúc người bậc nhất của Dalat thì người đi lại cũng rất thưa thớt, vội vã … đương nhiên, lúc này du khách không còn ở đây nữa … thay thế cho những hàng ăn, cửa hiệu là những cánh cửa đóng kín im ỉm … những cư dân Dalat đang còn ở lại đó sống trong một tâm trạng khó tả … Dalat như người đang hấp hối …
Dường như ai cũng dự cảm được đó chỉ mới là những con sóng nhẹ để cảnh báo về vô vàn con sóng thần hung tợn, đang ồ ạt đuổi đến từ phía sau … Nhưng không ai có thể ngờ được rằng con sóng cuối cùng sẽ làm thay đổi đến tận gốc rễ cuộc đời của hàng triệu người dân Miền Nam ...
Là một phần của Miền Nam, Dalat không dành riêng một ngoại lệ nào cho số phận của mình ...
Là một phần của Miền Nam, Dalat không dành riêng một ngoại lệ nào cho số phận của mình ...
(2) Cách gọi phổ biến chỉ "phía bên kia" của người dân Miền Nam trước năm 1975
KÝ ỨC DALAT -
PHẦN 2
- ÁM TƯỢNG ĐÊM …
(tiếp theo)
PHẦN 2
- ÁM TƯỢNG ĐÊM …
(tiếp theo)
Đà Lạt còn chút sương mờ
Vén sương tôi đón tuổi thơ tôi về
Nhiều năm về trước, ở Sài Gòn, người ta cho đổi những bóng đèn đường từ ánh sáng sắc trắng quen thuộc mà tôi đã thấy từ trước những năm 1975 sang đèn có ánh sáng sắc vàng cam … Khi ấy, trong suốt thời gian đầu, thấy sắc vàng cam của các ngọn đèn đường, tôi thấy lòng mình u uất, nặng nề lạ lùng, thấy lạ lắm mà cũng như rất quen thuộc … lạ vì quả thật là lần đầu tiên trong đời tôi thấy các ngọn đèn đường có sắc vàng cam, mà thấy cũng quen thuộc lắm … nhưng kỳ lạ là tôi không rõ, không thể nhớ nổi là quen thuộc như thế nào ? chỉ mơ hồ cảm nhận rằng dường như nó gắn chặt với một ký ức rất sâu sắc nào đó ? hay một giấc mơ đau buồn cùng cực mà tôi đã từng có ở tuổi ấu thơ chăng ?
Đến một ngày, tôi có dịp trở lại Dalat, vào buổi tối và khi nơi này cũng đã bắt đầu sử dụng những bóng đèn đường chiếu ánh sáng sắc vàng cam, ánh đèn hắt bóng xuống vỉa hè vắng, hắt bóng lên con dốc quanh co, như bất lực muốn xuyên thấu màn đêm mù sương lạnh, thì ám tượng ký ức trong tôi tưởng đã chôn chặt chợt thức giấc, làm vỡ òa cảm xúc kinh hoàng của tuổi ấu thơ khi tất cả những yếu tố để nhắc nhớ về ký ức ấy đang hội tụ, bất chợt, tôi có câu trả lời cho tâm trạng u uất của mình trước ánh sáng sắc vàng cam của ngọn đèn đường trong đêm …
Ám tượng ký ức tuổi thơ của tôi, ám tượng đêm …
Ám tượng từ buổi tối muộn ngày 30/03/1975, mẹ con chúng tôi đã lên gường chuẩn bị cho giấc ngủ mộng mị … thì đột nhiên : “Ùm, oàng, oàng …” rồi “oàng …” có nhiều tiếng nổ to vang trời, chấn động, rung rinh cả nền đất, các tấm kính ốp cửa sổ run bần bật từng cơn, điện đóm chợt tắt phụt … mẹ tôi giật mình thảng thốt vột đẩy tôi trốn xuống dưới gầm gường … cùng với tiếng nổ liên tục thì bầu trời đêm đen kịt bổng đỏ rực rồi chuyển sang sắc vàng cam, sáng lên từng cơn một, chiếu vệt sáng lúc đỏ lúc vàng cam lừ đừ qua khe cửa, từ trái qua rồi từ phải qua liên tục không dứt … mẹ con chúng tôi run lẩy bẩy dưới nền nhà sắc lạnh theo từng tiếng nổ rền …
Độ vài phút thì có tiếng chân người chạy rầm rập, tiếng nói lao xao, ngắt quảng, rồi tiếng đập cửa thình thịch la thất thanh : “Chị Thư ơi (tên mẹ tôi) chạy đi, Việt cộng vào bây giờ”, mẹ con chúng tôi rụng rời tay chân … Ôi trời ! kẻ làm tôi khiếp sợ hơn cả ông kẹ sắp xuất hiện chăng ? Mẹ tôi, bà chỉ kịp quơ vội thêm cái áo măng-tô choàng thêm cho tôi rồi dắt díu tay tôi chạy vội ra ngoài …
Ra đến cửa khu bệnh xá, dưới ánh sáng rực sắc vàng cam như lửa cháy in trên bầu trời đêm, chúng tôi chỉ còn thoáng thấy những bóng người cuối cùng của những gia đình công chức đang khuất dần sau khung cổng hướng ra đường cái … mẹ con chúng tôi lập cập, run rẩy chạy theo …
Chạy ra đến cổng, luống cuống vấp phải những viên đá xanh mấp mô lát lề đường mà mẹ tôi trượt ngã sóng soài … tôi, sức trẻ con bảy tuổi cố gắng kéo mẹ đứng dậy, miệng trấn an : “Mẹ cứ yên chí, có con đây, có con đây …” … Sau này nhắc lại, tôi vẫn không hết mắc cỡ khi mẹ tôi cười mà rằng : “Không biết ông con khi ấy làm được gì mà cứ anh hùng cái miệng “Có con đây” … nhưng mắt bà ngấn lệ … có lẽ bản năng chở che, đùm bọc luôn luôn tiềm ẩn trong tâm thức mỗi người đàn ông, cho dù khi họ vẫn còn là đứa trẻ con chăng ?
Lúc này, chúng tôi thấy khá nhiều người đang cùng hối hả chạy hướng về phía trung tâm thành phố … Chúng tôi cứ thế chạy theo, như những bước chân vô định mà không rõ đích đến cuối cùng là đâu ? Trên bầu trời đêm, vẫn sáng hực sắc vàng cam theo từng tiếng nổ của đạn pháo nổ liên hồi … Chúng tôi nghe những người cùng chạy nói chuyện với nhau qua tiếng thở hổn hển, giọng đứt quãng : “Nghe đâu … Trường võ bị sĩ quan đã di tản từ lúc trưa rồi !?!” … Câu chuyện này như một lời đồn không rõ hư thực, nhưng gây hoang mang cùng cực, nó lan truyền nhanh chóng như cơn đại dịch, những người dắt díu nhau chạy trong đêm nay có lẽ là những người sau cùng ở Dalat biết về câu chuyện này !?
Cư dân Dalat có lẽ không bao giờ muốn nhớ lại ngày này, ngày mà Dalat trải qua những thời khắc chưa từng có kể từ ngày Bác sỹ Yersin khám phá ra vùng đất thần tiên này, bởi lẽ, trong hầu hết thời gian tồn tại của mình, thì Dalat như một vùng đất hứa mà du khách luôn luôn muốn tìm đến, để ân hưởng lạc thú thiên nhiên, để chiêm nghiệm lòng mình … thì bây giờ, không có du khách ở đây đã đành, mà cả những cư dân Dalat đang tìm mọi cách để trốn chạy, để thoát thân, để di tản khỏi Dalat càng nhanh, càng xa thì càng tốt …
Mẹ con chúng tôi là một trong số họ … chúng tôi chạy một đoạn đến giao lộ có ngôi trường Phan Chu Trinh tọa lạc thì theo dòng người rẽ trái rồi lại rẽ trái một lần nữa vào đường Hùng Vương, ngay gần đấy, một đoàn xe be (tức loại xe reo chở gỗ) đang đậu sẵn ở đấy, họ dường như đang chuẩn bị để khởi hành, mẹ tôi cùng nhiều người dừng lại xin đi nhờ, may mắn, một tài xế chấp nhận cho mẹ con chúng tôi lên xe, có lẽ họ động lòng thương tình hoàn cảnh của phụ nữ với con nhỏ chăng ?
Yên vị trên khoang tải của xe tầm một lát, xe nổ máy, mọi người thở phào nhẹ nhõm, nhưng thay vì khởi hành thì cả đoàn xe đều chạy vào bãi đậu ngay bên kia đường, họ tắt máy xe … Mọi người đang ngồi trên xe đều ngơ ngác đến thảng thốt, họ đinh ninh trong hoàn cảnh “dầu sôi, lửa bỏng” như thế này thì rời Dalat sớm lúc nào hay lúc ấy … thế nhưng, cùng với những hành khách quá giang xe, thì mẹ con chúng tôi không có nhiều sự lựa chọn … ai đó báo là đoàn xe sẽ khởi hành vào sáng hôm sau !
Đêm ấy, chúng tôi không ngủ trên xe mà chập chờn giấc ngủ mộng mị dưới gầm chiếc xe be … lúc ấy và tại đó có lẽ là nơi an toàn nhất cho chúng tôi trong cảnh trời đêm với sắc vàng cam vẫn cứ hực lên như sài giật từng cơn theo tiếng nổ của đạn, của pháo vang rền, rung chuyển nền đất, liên tục hết cơn này đến cơn khác không dứt …
Sắc vàng cam trong đêm cuối tháng ba năm ấy đã len lỏi rồi ngự trị trong tâm tư của tôi đến mức trở thành ám tượng ký ức tuổi thơ mà tôi không hề hay biết …
Hôm sau, chúng tôi rời Dalat nơi mà mãi cho đến khi viết những dòng chữ này thì tôi vẫn luôn luôn muốn trở lại … thực tế, tôi đã trở lại nhiều lần, nhưng sau mỗi lần trở lại, trong tôi vẫn có nguyên cảm giác như chưa bao giờ được trở lại đó …
Sáng tinh sương hôm sau, sáng đầu tiên của chuỗi hành trình mười hai ngày di tản sau đó, tuổi thơ của tôi bắt đều biết đến những địa danh lạ lẫm mà một số tôi còn nhớ đến ngày hôm nay : Rừng Lá, Sông Phan, Bình Tuy … để trở về đích đến cuối cùng là Sài Gòn ! Và trong chuyến hành trình ấy, tôi đã phải chứng kiến những hình ảnh mà lẽ ra tuổi thơ không nên thấy, và cũng không có bậc làm cha làm mẹ nào mong muốn con mình phải thấy !
Nhưng sinh ra trong một quốc gia phải chịu đựng thời gian dài chiến tranh, vận con dân khó mà tách rời với vận quốc gia, thì sự thiệt thòi của nhiều thế hệ tuổi thơ từ trước tôi cho đến sau tôi là điều khó tránh khỏi …
Nhưng ngẫm lại, mẹ con chúng tôi đã là những người rất may mắn, vì sau cùng chúng tôi vẫn về đến Sài Gòn, gia đình được đoàn tụ để sống những ngày mới, dưới chế độ mới được thiết lập sau khi di tản ít ngày, bởi lẽ, trong cuộc di tản khổng lồ của người dân Miền Nam trong thời điểm đó, thì nhiều đồng bào của chúng ta đã không giữ được mạng sống cho chính mình, cho người thân, gia đình ly tán, loạn lạc …
Và rồi, hàng triệu triệu người dân Miền Nam bắt đầu bước vào khúc quanh lớn chưa từng có trong cuộc đời mình, đương nhiên, theo vận nước …
VĨNH BIỆT DALAT
VĨNH BIỆT DALAT
VĨNH BIỆT DALAT
Xe be (xe reo) - Loại xe đã đưa chúng tôi di tản từ Dalat đến Bình Tuy (La Gi) |
tôi đi
khi nơi ấy đã là cõi mộng hoang
khi thông già đã bặt tiếng ru hờ
khi chi lăng nép mình trong sương trắng
khi đồi xanh rợp cỏ níu chân người
khi người rời mà chẳng nói chia tay
bởi ai đi nào đã biết ngày về
bởi khi về nào biết đã còn ai
tôi đi
Buổi sáng, mẹ đánh thức tôi dậy, tôi thấy mình đang nằm trên mép chiếc chiếu ẩm ướt cùng một vài đứa trẻ khác dưới gầm chiếc xe be … tôi đã không nhớ rõ mình đã thiếp đi như thế nào trong đêm, khi ấy còn đang rực nguyên ánh lửa đỏ sáng cả bầu trời đêm Dalat, bất thường tựa như thú hoang đang điên cuồng làm loạn.
Nhưng trong sáng nay, tôi ngỡ ngàng lắm vì thấy không khí yên ắng lạ thường, sự ồn áo quá mức của đêm qua đã tan biến đâu mất như chưa từng xảy ra vậy, khiến tôi tự hỏi chuyện đêm qua chỉ là ác mộng thôi chăng ? Nhưng quang cảnh xung quanh khi tôi thức giấc không phải là gường ấm, nệm êm quen thuộc đã giúp tôi câu trả lời cho sự kiện lúc đêm đã là sự thật !
Lúc này bãi xe khá đông người, nhưng dường như trong tâm tưởng của ai cũng đang trĩu nặng nỗi khiếp sợ chưa từng có trong đêm nên không dám gây nên tiếng động lớn … cứ như họ sợ lại làm thức giấc con thú hoang điên cuồng trong đêm !
Tôi được mẹ đỡ lên phần thùng xe be và ngồi trên một chiếc va li con, bên cạnh là một giỏ nhỏ toàn thuốc tây, ngay phía trên chỗ tôi ngồi có treo sẵn mấy tấm mền màu sắc sặc sỡ mà khi ấy chúng tôi hay gọi là mền Đại Hàn được căng sẵn để che nắng, không chỉ riêng xe chúng tôi mà hầu hết các xe be trong bãi đều căng phủ những chiếc mềm này … Tôi thấy những thứ này quen mắt lắm, về sau mẹ tôi mới kể lại rằng khi tôi đang ngủ, thì Bà đã trở về nơi ở của mẹ con chúng tôi ngay trong đêm đó trên chiếc xe be của hãng xe này, chuyến trở về đó là kết quả sự thỏa thuận chóng vánh mà cả hai bên, ông chủ hãng xe và mẹ con chúng tôi đều có lợi, thế nên, hãng xe đã cam kết đưa mẹ con chúng tôi đi di tản, nhưng một phần khác của nội dung thỏa thuận sẽ mãi mãi là điều không tiện chia sẻ … Chỉ có điều, tôi hiểu nguyên nhân khi mà ông chủ hãng xe đã xiết chặt tay mẹ tôi và bảo “Cô đã cứu chúng tôi !” lúc chia tay chúng tôi ở cảng cá thuộc Bình Tuy (La Gi) sau này …
“Ngộ biến tùng quyền”, khi bị đẩy đưa đến hoàn cảnh ngặt nghèo, thì từ một người phụ nữ “chân yếu, tay mềm”, một công chức mẫn cán chỉ biết đến 8 giờ vàng ngọc ở công sở và rất nhát bóng đêm thì mẹ tôi đã trở nên dũng cảm và mạnh mẽ phi thường, Bà đã lanh trí để tự giúp mình và giúp nhiều người khác theo cách và khả năng của Bà lúc ấy !!!
Cũng là cái duyên, vì còn hai hay ba gia đình của tài xế đêm qua không kịp đến bãi xe được, nên hãng xe đã đợi đến rạng sáng nay để họ kịp đến cùng đi, và nhờ thế nên mẹ tôi và hãng xe mới có duyên lập một thỏa thuận để giúp nhau !
Khi những tia nắng tinh tươm đầu tiên ló dạng trên ngọn thông già ở hè phố, thì đoàn xe be rùng mình nổ máy tiến ra phía cổng để bắt đầu chuyến hành trình rời thoát Dalat !
Phố xá hoang vắng tuyệt nhiên không có lấy một bóng người lai vãng, khiến con đường hẹp như trở nên rộng thênh thang, dài hun hút, con dốc thấp hôm nào nay cũng trở nên cao hơn, quanh co hơn … những ngôi nhà ven đường cửa trong, cửa ngoài cài then khóa kín im ỉm, những tấm màn ri-đô sau ô kính cửa sổ cũng đờ đẫn như hóa đá, vô cảm khi đoàn xe be đang khua động đường phố, lúc này tiếng nổ máy xe bổng trở nên ồn ào thái quá, trái với hình ảnh mọi người trên xe đang lặng thinh, cố gắng thu mình cho nhỏ lại trong chiếc áo ấm … có vẻ như vậy họ sẽ an toàn hơn !
Đoàn xe tầm hơn mười chiếc di chuyển về phía đông dần dần rời xa Dalat … phố xá thưa dần. Trong tâm trạng rối bời, mơ hồ về hoàn cảnh, vô định về đích đến cùng với những dự cảm bất an … không ai trong đoàn người di tản kịp nghĩ đến chuyện nhìn lần cuối để tạm biệt Dalat, nơi đã dành cho họ quá nhiều cảm xúc và sẽ còn vương vấn mãi trong tâm thức của họ, cho dù có xa nơi này về thời gian tính bằng cả cuộc đời người hay về không gian xa cả một vòng quả đất …
…
khi người rời mà chẳng nói chia tay
bởi ai đi nào đã biết ngày về
bởi khi về nào biết đã còn ai
tôi đi
Theo từng cơn lắc lư, dằn xóc của loại xe vốn dĩ chỉ dùng vận chuyển gỗ từ rừng sâu … tôi đã rời xa và vĩnh viễn mất “Dalat ấu thơ” của tôi từ đó !
Sau này, khi đã trưởng thành, tìm hiểu thì tôi được biết con đường huyết mạch nối Dalat với Sài Gòn là Quốc lộ 20 đã bị “Việt Cộng” cắt đứt trước đó, từ ngày 25/03 tại La Ngà, Định Quán, ngày 28/03 tại Blao (Bảo Lộc), rạng sáng 31/03 tại Di Linh, nơi chỉ còn cách Dalat tầm hơn 60km !!! Đến rạng sáng ngày 03/04, ba ngày sau ngày chúng tôi rời Dalat, thì Dalat đã phải nằm dưới quyền kiểm soát của “chủ nhân mới” … thế nên, tôi mới hiểu lý do đoàn xe be đưa chúng tôi di tản đi về phía đông, hướng về Quốc lộ 1A lúc ấy vẫn đang dưới sự kiểm soát của chính quyền Sài Gòn cũ.
Khi phố xá nội thành Dalat lùi xa dần, thay vào đó là những vườn rau xanh ngát trên nền đất đỏ ngoại ô hiện dần ra, đôi khi, mọi người như mơ hồ bắt gặp đôi mắt lặng lẽ hiếm hoi từ những khe hở của vách căn nhà gỗ, dựng cheo leo trên con dốc nhỏ ven đường … các vườn rau rồi cũng bị khuất hẵn sau những cánh rừng thông già bạt ngàn, chập chùng hiện ra liên tiếp không dứt … mọi người đã có vẻ bình tĩnh hơn, lúc này, phần thùng tải chiếc xe be đã như một cái nôi khổng lồ ru mọi người vào giấc ngủ muộn, để bù cho đêm trắng kinh hoàng trước đó, tôi cũng ngủ thiếp đi …
Tôi không rõ đoàn xe đã đi được bao xa khi các gia đình của hãng xe và những hành khách bất đắc dĩ đang ngủ, nhưng mọi người đều chợt choàng tỉnh khi đoàn xe dừng lại đột ngột, đâu đó ai nói “có cướp” … gây lao xao, nhốn nháo đoàn xe, mặt mọi người tái xanh … thì ra, có một người đi xe gắn máy ngược chiều báo có cướp ở phía trước, nên đoàn xe phải dừng lại … Chúng tôi thấy ông chủ hãng xe cùng các tài xế đứng bên vệ đường nói chuyện với nhau rất căng thẳng …
Mọi người trên xe nhất là phụ nữ đều cởi bỏ các trang sức đeo trên người, một trong số mấy người phụ nữ người Hoa ngồi cạnh chúng tôi, là chủ một tiệm cơm trên phố Hòa Bình mà mẹ con chúng tôi quen mặt, bà thầm thì điều gì đó với mẹ tôi, mẹ tôi gật đầu thì bà nhìn quanh quất rồi dúi một bọc ni-lon giấu vào bụng tôi …
Dự cảm mình đang tham gia vào một điều gì đó bất thường của người lớn, tôi khoanh hai tay trước bụng ngồi im thin thít chăm chăm nhìn vào bà … bà nói : “con cứ nhìn ra ngoài xe bình thường …”.
Tài xe trở về vị trí của mình sau tay lái, đoàn xe lại tiếp tục hành trình trong không khí căng thẳng, lo sợ … vì hoàn cảnh bất trắc mà mình không thể tránh.
Trên xe bổng có người phụ nữ lộn trái chiếc áo ấm của mình rồi cứ thế mặc vào người, tôi thấy cô ấy thật kỳ lạ trong chiếc áo lôi thôi ấy, hai cái túi áo khác màu cứ bay phần phật theo gió, thế nhưng, dù không có nói với nhau trước, thì hầu hết phụ nữ trên xe đều bắt chước như thế, họ lùa tay hất làm tóc rối bù, hay sáng kiến hơn bằng những trang phục khiến họ trở nên xấu xí nhất, mẹ tôi cũng vậy, bà lật tấm bạt che sàn xe để quệt bụi từ đó vào mặt, vào tay chân mình, vào cả chiếc áo len màu hồng đang mặc mà bà đã từng rất yêu thích, bà lấy vội chiếc gương soi để làm việc đó một cách nhiệt thành … chiếc gương soi, vật bất ly thân để làm đẹp của người phụ nữ, nay trong hoàn cảnh bất thường người phụ nữ muốn mình xấu thì nó vẫn tiếp tục làm người bạn trung thành …
Bên cạnh nỗi lo chung vì sợ mất tài sản, người phụ nữ có nỗi lo rất riêng của mình vì sợ xúc phạm đến nhân phẩm trong hoàn cảnh loạn lạc, ly tán, không an ninh và tệ hơn, không còn được bảo vệ !
Chạy được một đoạn thì tôi thấy hai bên đường đã lác đác có nhà dân, chốc lát đông dần rồi đoàn xe giảm tốc độ tiến chầm chậm vào một thị trấn nhỏ hoang vắng … chợt chuyện đến rồi phải đến, một loạt đạn chỉ thiên khô khốc nổ vang đinh tai, từ hai dãy nhà bên phố đột ngột xuất hiện năm hay bảy người đàn ông cầm súng dài lăm lăm chĩa vào đoàn xe, vẻ mặt họ lạnh như tiền đầy vẻ đe dọa … chiếc xe be chồm giật ngược lên khi bị phanh gấp … một tài xế bước xuống nói gì với một người trong số những người đàn ông cầm súng kia, người này đi đến gặp từng tài xế từ đầu đoàn xe trở xuống, nhận của mỗi tài xế một bao giấy, chúng tôi đoán là có tiền trong những bao giấy đó, xong việc họ phất tay ra hiệu, rồi đoàn xe lại từ từ lăn bánh, khuôn mặt mọi người giãn ra nhẹ nhõm, nhất là phụ nữ, chủ nhân của bọc ni lon của cải giấu trong bụng tôi đã nhanh chóng thu hồi lại tài sản của mình …
Lần khác của một ngày sau đó, đoàn xe cũng được nghe báo về nhóm cướp ở một thị trấn nhỏ phía trước, sau mươi phút hội ý thì đoàn xe quày trở lại, chạy độ mươi cây số thì họ rẽ vào một con đường đất đỏ thẳng tắp giữa rừng cao su như từng ô cờ, có lẽ đây là một con đường khác để tránh cướp ? Nhưng công cốc, chạy thế đến khoảng nửa buổi thì đoàn xe đã phải dừng lại trước một cây cầu sắt đã đổ sập, khi đoàn xe quay đầu trở ra, tôi còn kịp thấy phần đuôi một chiếc xe tải đang hất ngược hướng lên trời từ hố cầu sập, hóa ra, chiếc cầu đã đổ sập khi chiếc xe tải ấy qua cầu … Tôi nghĩ, nếu nạn nhân không phải là chiếc xe tải ấy, thì nạn nhân có lẽ sẽ là một trong những chiếc xe be trong đoàn xe của chúng tôi !
Tôi nhớ đoàn xe của chúng tôi đã phải quay lui để tìm đường đi khác khá nhiều lần trong suốt chuyến hành trình di tản, khi thì tránh cướp ở phía trước, khi thì tránh trận chiến đang giao tranh, khi thì bị tắc vì đường đã bị phía “Việt cộng” kiểm soát … nhưng nghĩ cũng may, vì các tài xế của hãng xe be này đều là những người chuyên vận chuyển lâm sản, nên họ rất thông thuộc đường đi lối lại để tìm một con đường khác thay thế, bù lại việc đó cũng làm con đường di tản của chúng tôi trở nên quá xa xôi …
Vì cùng đường, trở lại con lộ cũ, đoàn xe phải chuẩn bị như lần đầu gặp nhóm cướp …
VĨNH BIỆT DALAT
( tiếp theo và hết )
Cùng đường, đoàn xe trở lại con lộ cũ và phải chuẩn bị như khi gặp nhóm cướp lần đầu … Mọi chuyện sau đó cũng đã diễn ra như thế …
Nhưng đến lần thứ ba thì chuyện đã tệ hơn, vì lần này không được báo trước nên không ai có sự chuẩn bị gì cả … Nhóm cướp đông lắm, sau loạt đạn dài đe dọa thì xuất hiện một toán cướp đứng trên những mái tole nhà ở cả hai bên đường cùng nhất loạt chỉa súng xuống đoàn xe, ở góc đứng này, tôi trông thấy họ cao to và dữ tợn quá, họ gần chúng tôi lắm, tưởng chừng như ai đó trong xe chỉ cần vươn tay ra cũng đã chạm được vào họng súng đen ngòm, sắc lạnh trong tay họ …
Bên dưới đường cũng lại có một toán khác, ai cũng đều có súng vung vẩy trên tay, họ quát to bắt mọi người ngồi im tại chỗ khi tài xế đại diện đoàn xe định dợm bước xuống nói chuyện … họ đi từng tốp hai ba người đến từng xe lục soát, bắt đầu là ở những xe đi đầu, thoạt tiên, chúng tôi nghe có tiếng phụ nữ nài xin rồi khóc thét lên, tiếng đàn ông chửi thề … lập tức có tên trong toán cướp đứng trên mái tole liền bắn vài phát súng chỉ thiên đinh tai để thị uy, tiếng khóc im bặt tức thì … ở xe chúng tôi, bà chủ tiệm cơm ngồi như trời trồng, vì có tên cướp đứng trên mái tole gần đấy cứ nhìn lom lom vào xe chúng tôi không rời mắt, lần này gói ni lon của cải của bà chủ tiệm cơm đã từng hai lần trốn dưới bụng tôi đã không còn may mắn như thế nữa, khi tên cướp phát hiện toan lấy đi thì bà đã khẽ giằng lại, thấy tên cướp quắc mắc thì bà khóc nấc lên rồi đành buông xuôi tay …
Me tôi tự nguyện đưa cho chúng chiếc dây chuyền, nên chúng chỉ khám qua loa túi xách rồi thôi, nhờ vậy mẹ tôi còn giấu lại được một ít nữ trang giấu trong một lọ thuốc tây …
Lần cướp thứ ba này vẫn là cướp của, phụ nữ vẫn an toàn …
Sau khi đã mãn nguyện với việc cướp phần lớn tài sản của mọi người, nhóm cướp cho đoàn xe tiếp tục hành trình, có vài phụ nữ trong xe của tôi khóc thút thít phần vì quá sợ hãi, phần vì tiếc của …
Một ngày khác, vào buổi chiều, đoàn xe đang phom phom chạy thì bổng phải giảm tốc độ, mùi hôi thối khó chịu thoang thoảng trong gió, phía trước loáng thoáng bóng xe quân sự đậu la liệt, có cả vài cụm khói đen bốc lên … càng đến gần thì mùi hôi thối, tanh tưởi càng rõ rệt, sộc thẳng vào mũi mọi người … cảnh tượng kinh khiếp chưa từng có như bày ra trước mắt, xác người chết là đàn bà, trẻ con … mặc thường phục, đàn ông mặc quân phục xanh, trắng còn nguyên tua gù màu vàng lủng lẵng đong đưa trong gió, tất cả đều thấm đẫm loang lỗ máu giờ đã đổi màu đen kịt, xác nằm vương vãi khắp nơi, dưới lòng đường, trên các xe quân sự, xe zeep, xe tải GMC … có chiếc nghiêng đổ, vài chiếc còn nguyên cụm khói đen đang bốc lên lên từ vết cháy nám nham nhở, xác người nằm vắt trên thành xe, cánh tay đưa ra ngoài cứng đờ như tượng, một cô trong xe tôi thảng thốt ú ớ chỉ một xác người đàn ông trong bộ quân phục màu trắng nằm đổ rạp mình trên tay lái … bị mất đầu !!! Không còn dấu hiệu sự sống nào trong cảnh tượng đó cả, ngoại trừ tiếng rùi nhặng vo ve o o không dứt như vỡ tổ muốn át cả tiếng động cơ xe … Có thể vẫn còn những người sống sót nhưng họ đã bỏ chạy mất đâu rồi cũng nên ?
Đoàn xe không thể chạy nhanh để thoát cảnh tượng đó được, trái lại, tài xế đã phải chạy xe thật chậm, đảo tay lái qua lại để tránh các tử thi người hay một vài bộ phận cơ thể người rơi vãi trên mặt đường …
Cảnh tượng hãi hùng và không khí hôi hám cô đặc tưởng chừng như sẽ cứ kéo dài mãi không dứt khiến mọi người cứ ngây người ra trong cơn mê sảng tập thể …
Nhưng may thay rồi chúng tôi cũng được thoát cảnh tượng đó, khi đến cuối đoạn đường chết chóc thì có một chiếc cầu nhỏ đã đổ sụp, ngay bên cạnh có một con đường đất có lẽ mới được mở vội chạy dọc theo ven bờ suối, được vài trăm mét thì có đoạn suối cạn, đoàn xe cứ thế lắc lư từng chiếc vượt qua …
Khi đã trở lại con đường nhựa, rất lâu sau đó mọi người vẫn cứ còn bần thần ngây người, không ai thốt được một lời nào …
Sau này, tôi nghe kể về cảnh tượng đó có thể đã là kết quả của trận giao tranh giữa quân nhân trường Võ bị sĩ quan Dalat di tản cùng gia đình họ với quân địa phương ngăn cản họ ! Hoặc đó là kết quả của một trận phục kích hay pháo kích của đối phương vào đoàn di tản !
Đoàn xe chạy cách đấy khoảng 20 – 30 cây số thì dừng, chúng tôi thấy các tài xế đứng chung lại một chỗ bàn bạc điều gì đó, rồi họ đề nghị khách của một xe xuống đường, họ dỡ tất cả hành lý xuống rồi dồn tất cả các thùng phi lớn của mỗi xe lên chiếc xe trống đấy, tôi nghe giải thích đoàn xe hết xăng, nên chiếc xe ấy phải trở lại nơi bãi chiến trường vừa rồi để hút xăng từ các xe quân sự đang nằm ở đó !!!
Không thể tưởng tượng là từng có một sự việc như vậy, nhưng rõ ràng, nó hợp lý trong hoàn cảnh đó, mọi người lại nén lòng chờ đợi trong lo âu như chính mình là người trong chiếc xe đi lấy xăng đó !
Chắc đến khoảng hơn hai tiếng đồng hồ sau, chiếc xe ấy đã trở lại, những người cùng đi trên chiếc xe ấy vẫy tay ra hiệu tốt đẹp, không nén được sự vui mừng, mọi người ồ lên hò reo vui vẻ …
Lúc này đã là chiều trễ, đoàn xe dừng lại nghỉ ngơi qua đêm, tôi nghe người lớn gọi đây là Rừng Lá … khi trời vừa sẩm tối, mẹ tôi và vài người phụ nữ khác cùng rủ nhau xuống một con suối cạn gần ven đường để rửa ráy … tôi có nhiệm vụ ôm quần áo và đứng “cảnh giới” cho họ … tôi nhớ khi ấy ở ven bờ và trên cạn, có từng nhóm những con vật nhỏ như con gà con, trong buổi tối thì chỉ thấy như một cục bông gòn màu đen, chúng cứ lúc nhúc tiến đến gần tôi, tôi sợ hãi cứ lùi mãi ra đến gần vệ đường, khi nghe mẹ gọi thì tôi tìm chỗ trống chạy ù xuống đưa quần áo … Đến giờ, khi đã trải qua đến nửa đời người, sống lâu hơn, biết nhiều hơn, nhưng tôi vẫn chưa hiểu khi ấy mình đã thấy con vật gì trong buổi tối hôm ấy ở nơi có tên là Rừng Lá ?
Tối đó, đến khoảng chín giờ tối thì mọi người lại ngủ rất say sau nhiều ngày đi đường mệt nhọc thì chợt phải choàng tỉnh khi có tiếng nổ súng đì đùng như chiến trận nghe khá gần, rồi hỏa châu được bắn tiếp nối lên chiếu sáng đỏ cả một vùng trời, tàn hỏa châu rơi sát ngay bên vệ đường … mọi người lại nhảy vội xuống đường trốn dưới gầm xe và ngủ lại tại đó đến sáng.
Tôi ngủ thiếp đi nên không rõ tiếng súng bặt yên từ khi nào … Hôm sau, đoàn xe khởi hành suông sẻ về đến tỉnh Bình Tuy, nay là Huyện La Gi thuộc tỉnh Bình Thuận. Tại đây, dân chúng tập trung đông bất thường, hóa ra con đường Quốc lộ 1A về Sài Gòn đã bị phong tỏa ở Xuân Lộc, nơi đang có giao tranh quyết liệt, nên lính và dân di tản các tỉnh Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng trở vào và các tỉnh trên Tây Nguyên xuống đều tập trung ở đây để tìm cách trở về Sài Gòn …
Mẹ con chúng tôi cùng với một số gia đình của hãng xe được đưa đến một cảng cá, ông chủ hãng xe gởi mẹ con chúng tôi đi bằng thuyền nhỏ về Long Hải, sau đó, chúng tôi đi xe đò về đến Sài Gòn sau khoảng tầm chục ngày lang bạt kỳ hồ …
Hành trình di tản của chúng tôi kết thúc có hậu, cho dù những tổn thương về tinh thần vẫn sẽ còn di chứng mãi trong tâm hồn … tôi đã phải chứng kiến những hình ảnh mà tuổi thơ không nên thấy, và cũng không có bậc làm cha làm mẹ nào mong muốn con mình phải thấy !
Nhưng sinh ra trong một quốc gia phải chịu đựng thời gian dài chiến tranh, vận con dân khó mà tách rời với vận quốc gia, thì sự thiệt thòi của nhiều thế hệ tuổi thơ từ trước tôi cho đến sau tôi là điều khó tránh khỏi …
Nhưng ngẫm lại, mẹ con chúng tôi đã là những người rất may mắn, vì sau cùng chúng tôi vẫn về đến Sài Gòn, gia đình được đoàn tụ để sống những ngày mới lạ lẫm, dưới chế độ mới được thiết lập sau khi di tản ít ngày, bởi lẽ, trong cuộc di tản khổng lồ của nhiều người dân Miền Nam trong thời điểm đó, thì nhiều đồng bào của chúng ta đã không giữ mạng sống cho chính mình, cho người thân, gia đình ly tán, loạn lạc …
Và rồi, hàng triệu người dân Miền Nam bắt đầu bước vào khúc quanh lớn chưa từng có trong cuộc đời mình, đương nhiên, theo vận nước nổi trôi …
...
Hết
Manh Dang
(Viết hoàn tất vào tháng 3/2014, để tưởng nhớ Mẹ - “người bạn” đồng hành với tôi trong chuyến di tản ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm ấy … )
"wake up and smell the coffee"
NetpressO
F r i e n d l y Yours