Không chỉ có quy mô to lớn, thiết kế mang tính phong thủy của lăng Gia Long được các nhà kiến trúc triều đình Huế thực hiện hết sức hoàn hảo khiến hậu thế kinh ngạc.
Nằm ở địa phận xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, Thiên Thọ Lăng là lăng mộ của Nguyễn Thế Tổ Gia Long hoàng đế (1762-1820), vị vua sáng lập triều Nguyễn.
Toàn bộ khu lăng này là một quần sơn với 42 đồi, núi lớn nhỏ, trong đó có Đại Thiên Thọ là ngọn núi lớn nhất được chọn làm tiền án của lăng và là tên gọi của cả quần sơn này.
Lăng Gia Long trên thực tế là một quần thể nhiều lăng tẩm trong hoàng quyến nhà Nguyễn, trong đó lăng Thiên Thọ - nơi chôn cất vua Gia Long và vợ ông - nằm ở vị trí trung tâm.
Tổng thể khu lăng Thiên Thọ chia làm 3 khu vực: Phần chính giữa là khu lăng mộ của vua và hoàng hậu, bên phải là khu vực tẩm điện, bên trái là Bi Đình.
Khu lăng mộ nằm trên một quả đồi thấp được chia thành 7 cấp sân tế. Chân đồi là sân chầu với các hàng tượng đá uy nghiêm và Bửu Thành ở đỉnh đồi.
Bửu Thành là các vòng thành kiên cố bao bọc mộ phần.
Bên trong Bửu Thành có hai ngôi mộ của vua Gia Long và bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu, được song táng theo quan niệm "Càn Khôn hiệp đức" - một hình ảnh đẹp của hạnh phúc và thủy chung.
Mộ được xây dạng thạch thất, mộ vua cao hơn mộ hoàng hậu khoảng 1cm.
Đối diện với khu lăng mộ qua một hồ nước là hai cột trụ biểu uy nghi báo hiệu khu vực lăng. Xa hơn nữa là núi Đại Thiên Thọ đóng vai trò của bình phong che phía trước với đỉnh núi thẳng hướng trục chính của lăng. Đây là thiết kế mang tính phong thủy nổi bật của Lăng Gia Long.
Trên thực tế, các nhà kiến trúc triều đình Huế đã thực hiện thiết kế này một cách chính xác khiến hậu thế kinh ngạc. Để nhận ra điều này, chỉ cần bước ra phía sau ngôi mộ song táng của vua Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng hậu...
Khi nhìn vào vị trí thẳng góc của nơi tiếp giáp giữa phần nóc hai ngôi mộ, sẽ nhận ra đỉnh Đại Thiên Thọ nằm ở vị trí chính giữa, chính xác đến "không sai một li".
Chi tiết này khiến lăng Gia Long trở thành một lăng mộ mang kiến trúc phong thủy độc đáo bậc nhất của Việt Nam.
Bên phải khu lăng là khu vực tẩm điện với điện Minh Thành là trung tâm.
Minh Thành nghĩa là "sự hoàn thiện rực rỡ". Đây là nơi thờ vua Gia Long và hoàng hậu thứ nhất.
Bên trong điện Minh Thành, ngày trước có thờ nhiều kỷ vật gắn bó với cuộc đời chinh chiến của vua Gia Long như cân đai, mũ, yên ngựa. Sau các biến động thời cuộc, những kỷ vật này không còn nữa.
Bên trái khu lăng là Bi Đình (nhà bia).
Trong nhà bia lưu giữ một tấm bia lớn ghi bài văn bia "Thánh đức thần công" của vua Minh Mạng ca ngợi vua cha.
Bia được chạm khắc tinh tế và sắc sảo.
Ngoài lăng Thiên Thọ, quần thể lăng Gia Long còn các lăng mộ khác, bao gồm Lăng Quang Hưng, Lăng Vĩnh Mậu, Lăng Trường Phong, Lăng Thoại Thánh, Lăng Hoàng Cô, Lăng Thiên Thọ Hữu... của các thành viên hoàng tộc Nguyễn.
Theo giai thoại, trong quá trình giám sát xây dựng lại, vua Gia Long đã suýt thiệt mạng trong một tai nạn ở công trường.
Theo đó, một trận gió lớn đã làm sập ngôi nhà mà vua đang trú ngụ. Vua Gia Long tuy đã ẩn trong một cái hố nhưng vẫn bị thương ở trán, mí mắt và bị dập chân do một thanh xà rơi trúng. Hai hoàng tử thứ bảy và thứ tám là Tấn và Phổ bị trọng thương, nhiều người khác bị chết.
Dù vậy, vua Gia Long không trừng phạt các quan lại xây cất, ngược lại đã cấp thuốc men để chạy chữa cho họ, cấp phát 500 quan tiền và 500 tiêu chuẩn gạo cho dân làng Định Môn, gần nơi xây dựng lăng.
Theo đánh giá, kiến trúc lăng mộ vua Gia Long không tinh tế bằng các lăng sau này của vua Minh Mạng, Tự Đức hay Khải Định. Tuy nhiên, giá trị đích thực của lăng là sự phối trí tuyệt vời giữa cảnh trí thiên nhiên và kiến trúc.
Do điều kiện giao thông không thuận tiện (trước kia phải qua đò, nay đã có cầu phao, nhưng chỉ xe máy qua được), nên lăng Gia Long không phải là một điểm đến thu hút du khách thăm viếng.
Tuy nhiên, chính điều này đã đem lại cho không gian của lăng dáng vẻ nguyên sơ, không tạo ra cảm giác bị thương mại hóa như các lăng mộ nổi tiếng khác ở Huế.