Thursday, 15 August 2013

Sau Khi TQ Thoái Trào, Cơ Hội Cho Việt Nam

Nguyễn Xuân Nghĩa & Vũ Hoàng RFA
Cái gọi là ưu thế ổn định chính trị của Việt Nam cũng chỉ là chuyện ảo...
Đến bây giờ thì hầu hết các trung tâm kinh doanh và nghiên cứu của thế giới đã đồng ý về một thay đổi lớn trong luồng giao dịch toàn cầu, là khi kinh tế Trung Quốc đi vào một giai đoạn thoái trào kéo dài. Trong giai đoạn ấy, nhiều quốc gia có thể tìm ra cơ hội trám vào khoảng trống do Trung Quốc để lại sau nhiều thập niên tăng trưởng và thu hút đầu tư quốc tế. Việt Nam có cơ hội đó hay không? Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về chuyện này qua phần trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Xin mời quý thính giả theo dõi cách đặt vấn đề của Vũ Hoàng.
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, sau 30 năm đạt mức tăng trưởng vượt bậc so với 30 năm khủng hoảng liên tục thời Mao Trạch Đông, Trung Quốc đã có dấu hiệu trì trệ và phải cải sửa chiến lược phát triển nên sẽ có đà tăng trưởng thấp hơn, với nhiều rủi ro bất ổn ở bên trong. Chiều hướng ấy đã bắt đầu sau năm năm bơm tiền kích thích kinh tế mà chỉ kích thích sự lãng phí và để lại một núi nợ khổng lồ. Bên cạnh Trung Quốc, khối công nghiệp hoá Âu-Mỹ-Nhật cũng cố gắng cải sửa từ năm năm nay và bây giờ đã có nền móng tương đối quân bình hơn và bắt đầu hồi phục để đóng góp đến 60% vào mức gia tăng sản xuất của toàn cầu. Ngược lại, nhóm kinh tế đang phát triển lại có triệu chứng mệt mỏi và suy trầm, chứ không thể là đầu máy tăng trưởng cho kinh tế thế giới như người ta đã trông đợi trước đây....

Khi nhìn lại thì sự thay đổi sau năm năm sóng gió vừa qua, và nhất là sự sa sút của Trung Quốc sau mấy chục năm bung lên rất mạnh, đang đưa kinh tế toàn cầu vào một hoàn cảnh mới. Thưa ông, trong hoàn cảnh đó, Việt Nam có thể làm gì để khai thác cơ hội và giảm thiểu rủi ro?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ông vừa nêu lên một số điểm chính trong bối cảnh. Đó là thứ nhất, nạn suy trầm của khối kinh tế đã phát triển khiến các nước công nghiệp hóa trải qua giai đoạn cải tổ lớn và nay đã tạm có nền móng quân bình hơn để đạt mức tăng trưởng cao hơn, dù chưa mạnh thì vẫn có ảnh hưởng nhất vì đóng góp đến 60% vào đà gia tăng sản xuất của toàn cầu. Phần còn lại, là 40%, thuộc các nước đang phát triển, ngày nay cũng lại có triệu chứng hụt hơi chứ không sáng láng như họ đã mơ ước. Trong khung cảnh ấy ta mới nhìn vào Trung Quốc....

- Xứ này có dân số rất đông, áp dụng chiến lược phát triển của Nhật Bản và Đông Á nói chung, là khai thác lợi thế nhân công rẻ để làm gia công cho thế giới nhờ xuất khẩu hàng chế biến với giá cực thấp. Vì khởi đi từ một mức gần với số không, Trung Quốc có đà gia tăng ngoạn mục mà thật ra vẫn thiếu phẩm chất trong tăng trưởng. Khi lợi thế lương rẻ đã hết công hiệu, họ không bước lên trình độ sản xuất cao hơn, có giá trị gia tăng lớn hơn, như các nước tân hưng Đông Á là Nhật Bản, rồi Đài Loan và Nam Hàn. Đã vậy, vì quá lệ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu, khi thấy kinh tế toàn cầu bị Tổng suy trầm năm năm về trước, Trung Quốc bơm tiền kích thích kinh tế mà bơm không đúng chỗ và chỉ thổi lên bong bóng đầu cơ trong nạn sản xuất thừa nên sẽ bị khủng hoảng như các nước Đông Á đã từng bị. 

- Chúng ta cần nhắc lại chuyện đó để thấy là sau khi bị khủng hoảng năm 1991, Nhật Bản không dám cải sửa nên trải qua 20 năm lụn bại đến nay mới có vẻ hồi phục. Ngược lại, Nam Hàn bị khủng hoảng năm 1997 mà lập tức cải cách nên có cơ sở vững mạnh hơn và cạnh tranh thắng lợi với chính Nhật Bản là một khuôn mẫu đi trước. Những bài học đó có thể là kinh nghiệm cho Việt Nam khi môi trường chung quanh đang có thay đổi, vừa mở ra cơ hội mới mà cũng đặt ra nhiều thách thức, chưa nói gì đến vấn đề an ninh vì vị trí riêng của xứ này bên cạnh Trung Quốc.

Vũ Hoàng: Từ cái nhìn toàn cảnh về cả thời gian lẫn không gian để nói tới nhiều đổi thay đang xảy ra và có thể kéo dài khá lâu trong tương lai, thưa ông, đâu là những định đề chủ yếu mà Việt Nam cần quan tâm?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là như mọi nước nghèo vừa bước vào giai đoạn khởi phát hay "cất cánh", Việt Nam cần vốn nên phải huy động đầu tư từ bên ngoài. Các quốc gia kia, kể cả Trung Quốc, đều trải qua giai đoạn ấy. Khi đó, vấn đề chủ yếu là ta có gì hấp dẫn hơn xứ khác để thu hút đầu tư? 

- Thế rồi, sau mấy năm hồ hởi khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO với lượng đầu tư quốc tế tăng vọt vào năm 2007, tình hình lại sa sút, từ đỉnh cao là hơn 70 tỷ đô la vào năm 2008 lại sụt tới 23 tỷ năm 2009 và năm qua chỉ còn 13 tỷ so với kỳ vọng 17 tỷ. Mình cần nhìn lại chuyện này vì đấy là lúc mà khối công nghiệp hoá đang bị co cụm và họ dồn đầu tư vào các nước đang phát triển để tìm cơ hội kiếm lời cao hơn. Nghĩa là vì những sai lầm và thậm chí lạm dụng trong quản lý vĩ mô, khi thiên hạ tìm nơi đầu tư thì họ lại tránh Việt Nam. 

- Sau hai năm sóng gió và nhiều biện pháp cải sửa giữa những tai tiếng về các đại gia làm ăn phi pháp và về một núi nợ xấu chưa biết thanh toán thế nào, Việt Nam lại chớm có hy vọng thu hút đầu tư kể từ đầu năm nay, với ngạch số gần 12 tỷ trong bảy tháng đầu năm. Nhưng ta không quên là nhóm công nghiệp hoá lại thất vọng với các thị trường đang lên và rút vốn đầu tư về để khai thác tiềm năng phục hồi của khối Âu-Mỹ-Nhật ở nhà. Vì vậy, bên cạnh hy vọng vừa chớm nở và cơ hội sẽ thuận lợi hơn khi tư bản triệt thoái khỏi thị trường Trung Quốc để tìm nơi đầu tư có lợi hơn, Việt Nam nên thấy rằng mình không tất nhiên là nơi hấp dẫn nhất.

Vũ Hoàng: Ông hàm ý Việt Nam cần xây dựng một môi trường thuận lợi cho đầu tư quốc tế khi các doanh nghiệp có thể rút khỏi thị trường Trung Quốc để tìm vào nơi có lợi hơn?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta cần nhìn ra quy luật phũ phàng của kinh tế hay kinh doanh là "vui lòng khách đến, buồn lòng khách đi". Trong chuyện này, khách là các doanh nghiệp có vốn đầu tư. 

- Thứ nhất, họ ào ạt trút tiền vào rồi thất vọng bảo nhau triệt thoái thì đều có thể gây chấn động cho nền kinh tế, đấy là chuyện mà các nước tân hưng Đông Á đã thấy từ vụ khủng hoảng 1997-98. Thứ hai, các doanh nghiệp có thể quyết định đem tiền đầu tư vào rất nhanh thường là loại nhỏ và vừa, với những yêu cầu khác biệt với các tập đoàn lớn. Đầu tư vào một quán bán thịt bầm ngoài phố có khác với đầu tư của Intel hay Samsung ở vùng ngoại thành. Thứ ba và quan trọng nhất, Việt Nam nên nhớ rằng lợi thế nhân công rẻ không là yếu tố bất biến và vĩnh cửu vì chúng ta bán sự nghèo khổ cho khách đầu tư bằng lương bổng thấp để mong rằng nguồn vốn đó sẽ làm cho dân mình giàu hơn, tức là phải có lương cao hơn sau này nên ưu thế về lương sẽ phải hết. 

- Do đó, ngay từ khi thu hút đầu tư để dân mình làm gia công cho thiên hạ thì đã phải nghĩ đến việc tiến lên bậc thang cao hơn của chu trình sản xuất, để chế tạo mặt hàng có giá trị hơn, đòi hỏi tay nghề và kỹ thuật khác. Khi đó ta mới hy vọng giữ khách đầu tư ở lại để tìm doanh lợi cao hơn. Muốn vậy, nhân công của ta phải có năng suất cao và phải được giáo dục đào tạo theo hướng khác hơn là chỉ giữ khách bằng lương rẻ, vì ngoài Việt Nam còn có Miên Lào, Miến, Ấn, hay Bangladesh cũng sẽ khai thác lợi thể lương thấp. Đó là chuyện về dài mà phải sớm thấy ra.

Vũ Hoàng: Thưa ông, ngay trong hiện tại thì Việt Nam có những lợi thế nào khả dĩ huy động được nguồn lực đầu tư của các nước khi họ rút khỏi thị trường Trung Quốc?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thú thật là không mấy lạc quan với chuyện hứng tiền chảy từ Trung Quốc vào Việt Nam. Trước hết, các tổ hợp quốc tế Âu-Mỹ-Nhật đã đầu tư vào Trung Quốc từ lâu và xây dựng được một chu trình cung cấp hội nhập, nôm na là làm cơ phận này để ráp chế với cơ phận khác cũng sản xuất tại Trung Quốc trước khi xuất khẩu ra ngoài. Với tình trạng thoái trào hiện nay, lãnh đạo Bắc Kinh đang cố gắng kích thích tiêu thụ thay vì kích thích đầu tư sản xuất để xuất cảng, vì vậy, thị trường nội địa của Trung Quốc vẫn còn sự hấp dẫn của nó nên chưa chắc là các tập đoàn đầu tư, kể cả Nhật Bản, đã rút hết và nhìn vào Việt Nam với thiện cảm.

- Thứ hai, khi quyết định đem tiền đầu tư vào Việt Nam chẳng hạn, thiên hạ chú ý đến những gì? Họ chú ý đến hạ tầng cơ sở. Hạ tầng này gồm có vật chất là hệ thống xây dựng và giao thông vận tải lẫn hủy thải phế vật. Hạ tầng này cũng có loại vô hình là nền tảng luật lệ thông thoáng minh bạch và bộ máy hành chính liêm khiết, hữu hiệu. Thứ ba, hạ tầng này còn có loại tinh thần là trình độ kiến năng, là kiến thức và khả năng của nhân công vì các tổ hợp quốc tế suy nghĩ cho 5-10 năm tới chứ không chơi trò mỳ ăn liền. Trong năm mười năm đó, họ sẽ đào tạo ra lớp nhân viên có tay nghề và có khả năng tiến lên bậc thang cao hơn của chu trình sản xuất. Do đó, họ quan tâm đến hệ thống giáo dục và đào tạo, nhất là trong các ngành kỹ thuật và quản trị. 

- Khi kiểm lại dù sơ sài như vậy, ta cũng thấy ra nhiều nhược điểm của môi trường Việt Nam là chưa có trục lộ giao thông hay mạng lưới yểm trợ hạ tầng tỏa rộng mà chỉ tập trung vào Sàigon, vùng đồng bằng Cửu Long và chung quanh Hà Nội, Đà Nẵng. Việt Nam cần khai thác tiềm lực của nhiều địa phương khác thì mới có được sự phát triển cân đối và công bằng, là điều Trung Quốc muốn làm từ lâu mà thất bại nên mới rơi vào thoái trào.

Vũ Hoàng: Nói về hạ tầng cơ sở của kiến năng như ông trình bày, thì kỳ trước, chúng ta cũng vừa nhắc đến Nghị định 72 về việc kiếm soát mạng lưới điện toán, ông nghĩ sao về chuyện này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng đấy là tai họa vô lường và là một vụ tự sát chính trị.

- Khi Intel hay Samsung đang nói đến chuyện bạc tỷ trút vào Việt Nam và đào tạo một thế hệ mới có khả năng rất cao về công nghệ tin học thì Hà Nội lại đòi bịt mắt giới trẻ bằng mạng lưới kiểm soát thông tin và gây phản ứng từ các tập đoàn Google hay Microsoft thì đấy là một cách quảng cáo xuất sắc về sự lạc hậu của lãnh đạo. Hoá ra Hà Nội cũng chẳng khác gì Bắc Kinh! 

- Từ đó, thiên hạ còn suy ra một chuyện khác. Cái gọi là ưu thế ổn định chính trị của Việt Nam cũng chỉ là chuyện ảo. Giới đầu tư quốc tế sẽ sớm hiểu ra nỗi lo sợ của chế độ và còn thấy rõ hơn khi lãnh đạo của Việt Nam vẫn duy trì vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước để bảo vệ quyền lợi của tay chân và thân tộc. Nói cách khác, nếu Việt Nam chỉ là một sao bản con con của Trung Quốc thì chưa thể là một giải pháp thay thế khi người ta đã thất vọng với Trung Quốc. 

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.