Thursday 29 August 2013

Về những Kháng Chiến Quân đã hy sinh

Lời Giới Thiệu: Đoản văn giới thiệu đến quý độc giả sau đây viết về những nhân vật đi làm lịch sử và vĩnh biệt vào lòng đất mẹ. Những dao động xuất hiện lúc thì “bừng bừng”, khi thì “bùi ngùi” trong đầu tác giả chính vì những chi tiết này là những sự thật đã xoắn cuộn theo suốt đời sống của tác giả. Bài viết, do đó, tựa như thước phim sử liệu, đẹp ở sự thật mà nó mang lại, trong phẩm cách của những tâm hồn xả thân cứu nước. Những tâm tình của tác giả qua những lời kể sẽ là những dữ liệu tốt cho mai sau muốn biết về những con người đi làm lịch sử của 30 năm trước, khi mà cả nước đang than khóc vì sự bại vong thì đã có những con người can đảm đứng lên tháo gỡ vành tang bi quan đó, đảm nhận trọng trách đầy khó khăn nhưng rất vinh quang trong thời kỳ cứu nước. Xin mời quí độc giả theo dõi Bài viết Về những Kháng Chiến Quân đã hy sinh của tác giả Trần Đức Huy.
---------------------------
Mỗi năm cứ đến ngày oan trái
Ta thắp hương lòng để nhớ thương

Hai câu thơ của nhà văn Hoàng Hải Thủy thường được nhắc tới vào những dịp kỷ niệm 30 tháng 4, đánh dấu ngày giặc từ phương Bắc tràn vào nhuộm đỏ miền Nam, đẩy hàng triệu người ra biển, đưa hàng vạn vạn người vào chốn lao tù và nửa phần còn lại của đất nước cùng với miền Bắc đã phải chịu một cuộc sống đọa đày tăm tối nhất trong lịch sử. Đối với người viết, ngoài cái ngày “oan trái” của tháng tư uất hận, mỗi năm cứ vào mùa Tsuyuake (梅雨明) (có nghĩa là mùa mưa vừa dứt khoảng giữa hay cuối tháng 7), trời bắt đầu đổ nóng là lòng mình lại vương vào những tâm trạng thật lẫn lộn, tương phản, lúc thì “bừng bừng”, khi thì “bùi ngùi”. “Bừng bừng” lúc chứng kiến cảnh đoàn người từ khắp năm châu lũ lượt trở về đất mẹ lập chiến khu chống giặc vào khoảng thời gian này của 30 năm về trước, “bùi ngùi” vì chỉ vài năm sau đó những toan tính lấp biển vá trời đã phải gián đoạn khi đoàn quân tiền phương đã anh dũng hy sinh tại rừng núi Đông Dương sau nhiều trận chiến đấu kinh hoàng trên đường xâm nhập.
Là một người có chút can dự đến những ngày tháng khởi đầu đó, nhân mùa Tsuyuake, cũng là mùa của ngày hội sông Ngân (Ngưu Lang Chức Nữ), mùa mà người Nhật và các em học sinh thường có thói quen viết và treo những mảnh giấy trên những cành cây trước nhà ghi lại ước nguyện của mình, người viết cũng xin được trải lòng ghi lại đây một vài ước nguyện, một vài ý nghĩ, xem như “một nén hương” chân thành gửi đến các chiến hữu, bạn bè đã hy sinh để thực hiện ước mơ mà lúc đó đối với nhiều người vẫn chỉ là chuyện viễn mơ huyền hoặc: “Mai Này Chúng Ta Cùng Về Việt Nam”. Bài viết chỉ là góp nhặt và sắp xếp lại những ký ức đã rời mình quá xa, những chắp nối không thứ tự, nhưng xin được hiểu cho đây là những tâm tình rất thật dựa trên những sự thật.

Đôi lời tâm sự
Trong cái nóng bức của những ngày gần cuối tháng 7, nhân dịp “tái ngộ” với anh em trong gia đình sau một thời gian khá dài, cùng sự góp mặt của một vài người bạn cũ đã quá lâu không gặp, nhà tôi ngập tràn tiếng cười tiếng nói. Phải nói là quá lâu mới có dịp như vậy nên chúng tôi huyên thuyên đủ chuyện, từ chuyện trong nhà ra ngoài ngõ, từ chuyện dưới biển rồi bay vút lên trời. Cho đến một lúc, trời đã hơi khuya, cuộc vui trở nên trầm lặng. Chuyển sang phần âm nhạc giúp vui, chúng tôi đã đàn hát cho nhau nghe đủ loại nhạc từ trữ tình, quê hương sang cổ điển. Từ bài hát Tình Quê Hương “anh về qua xóm nhỏ, em chờ dưới bóng dừa, nắng chiều lên mái tóc, tình quê hương đơn sơ” của Đan Thọ mà tôi rất thích và được các bạn yêu cầu hát lại khi nhắc lại kỷ niệm của 26 năm trước, lúc tham dự ngày khánh thành Làng Đông Tiến “Phùng Tấn Hiệp” ở Himeji, rồi đến Nụ cười sơn cước “Tôi nhớ mãi một chiều xuân chia phôi, mây mờ buông xuống núi đồi mà trong lòng mờ hơn ở ngoài trời” của nhạc sĩ Tô Hải, cho đến những bài hát trữ tình: “Dù sao đi nữa, anh vẫn yêu em….”. Bằng những giọng ồ ề, lạc lên lạc xuống, hoặc không còn mượt mà vì đã không hát quá lâu, nhưng cũng quá đủ để chúng tôi có cơ hội mộng mơ, thả hồn về những ngày xa xưa cũ. Cây đàn được chuyền từ người này sang người khác và đến phiên người bạn ngồi bên cạnh. Anh bắt đầu gẩy “phành phành”, “í a” một bài hát mà anh ta khoe là do anh phổ từ một bài thơ mà mọi người có thể đã biết hoặc ít ra cũng đã có dịp nghe qua. Ban đầu, tôi không để ý lắm những gì anh “í a” hoặc những gì anh “phành phành” vì đối với tôi, anh bạn này vốn là một trong những loại “đàn sĩ” và “ca sĩ” không bao giờ được tôi “tuyển chọn” mỗi lần tổ chức các chương trình văn nghệ tại Nhật. Rồi anh bắt đầu nghêu ngao:  

Nửa khuya ghé thăm anh
Gió đông về lành lạnh
Giữa bầu trời hiu quạnh
Hờ hững nước trôi quanh
Anh nằm bên dòng suối
Trơ vơ một góc chanh
Con chim nào đang khóc
Vì thương lá đoạn cành
Kìa anh cây chanh nhỏ
Hôm dúi vội bên anh
Bây giờ chanh đã lớn
Mồ anh cũng cỏ xanh
Anh giờ thôi áo trận
Thay vào áo sử xanh
Tôi còn mang áo cũ
Đêm ngày vẫn đấu tranh
Ghé thăm anh nửa phút
Rồi tiếp tục di hành

Cách chuyển âm có vẻ là lạ đang từ tông đô (C) trưởng đổi qua la (A) trưởng không gượng gạo, khiến tôi chú ý lắng nghe, chợt thấy lời bài hát này có những từ quen quen, à thì ra đó là bài thơ “Thăm Bạn” của kháng chiến quân Nguyễn Đức Thắng trích trong tập thơ Con Đường Mới do cơ sở Đông Tiến xuất bản năm 1986. Tôi giật cây đàn và yêu cầu anh hát lại để tôi sắp xếp tông gam bản nhạc cho có đầu có đuôi. Tiếng nghêu ngao âm trật âm vuột của anh đã làm lòng tôi xao xuyến. Hình ảnh các kháng chiến quân Hoàng Cơ Minh, Lê Hồng, Trần Thiện Khải, Ngô Chí Dũng, Phùng Tấn Hiệp, ….. đã từ từ hiện về trong giấc ngủ chập chờn suốt đêm hôm đó. Trên trang giấy này, hôm nay tôi xin đặc biệt tâm sự về 2 kháng chiến quân đã hy sinh mà cả hai đều là người tôi muốn gặp nhưng tôi chỉ gặp được một người.

Một người chưa gặp: Kháng chiến quân Lê Hồng
Cách đây 3 năm, trong bài viết có tên “Về một người bạn đã hy sinh” tôi đã ghi lại một số kỷ niệm về một người bạn đã mất tích hy sinh trên đường về chiến đấu giành lại tổ quốc. Để bắt đầu cho những giòng chữ sau đây, tôi xin trang trọng nhắc lại tên anh một lần nữa: Ngô Chí Dũng, một người con yêu của đất nước mà tôi đã có cơ may làm bạn và cũng chính vì gặp anh mà tôi đã được chứng kiến và tham dự những sự kiện lịch sử mà trước đó không bao giờ tôi nghĩ tới.
Vào một ngày của tháng 6 năm 1981 tại Đông Kinh, sau nhiều giờ căng thẳng vì nghe họp bàn cho kế sách trở về Việt Nam của đại diện 3 tổ chức Lực Lượng Quân Dân, Tổ Chức Phục Hưng và Người Việt Tự Do, trong giờ “giải lao”, tướng Hoàng Cơ Minh đã dùng điện thoại để gọi đi đâu đó, ngồi phòng bên cạnh nhưng tôi vẫn nghe thấy giọng sang sảng của ông: “Minh đây, anh Hồng ơi”, không biết đầu giây kia nói gì, trao qua đổi lại được một lúc, tướng Minh chấm dứt: “Thôi chuẩn bị lên đường nhé, sẽ liên lạc anh sau”. Sau đó, tướng Minh cho biết người ông vừa nói chuyện là Trung Tá Lê Hồng. Tôi được biết và chính thức nghe về nhân vật Lê Hồng từ ngày đó và sau này trở thành tướng Đặng Quốc Hiền, Tư lệnh Lực Lượng Võ Trang của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam..
Trong chuyến sang Hoa Kỳ đầu tiên vào khoảng cuối tháng 7 năm 1981, sau khi được đón về “trụ sở” Tổ Chức Người Việt Tự Do, phân bộ Hoa Kỳ khá tồi tàn nằm trong một tòa nhà cũ kỹ của khu phố SanJose, anh Huỳnh Lương Thiện, người bạn “quản lý” đêm ngày cái “trụ sở” 24/24 cho tôi biết tướng Minh sẽ ghé lại để hỏi thăm một số chuyện từ bên Nhật vì biết tôi sang, anh Thiện cũng cho biết là tướng Minh sẽ đến chung với Trung Tá Lê Hồng. Tôi háo hức đợi chờ người mà tôi mong gặp đã từ lâu. Khoảng 11 giờ đêm, có tiếng gõ cạch cạch từ mặt kính của cái cổng chính nằm tuốt bên ngoài, từ “văn phòng” ra đến cổng phải đi qua một cái sân dài, tiếng gõ dù nhỏ nhưng nghe rất rõ vì xung quanh giờ đó chả còn ai cả ngoài tụi tôi. Anh Thiện ra mở cửa, tướng Minh cao lớn bước vào, gặp tôi ông tươi cười và bắt tay tôi thật chặt, bàn tay ướt đẫm mồ hôi của ông to lớn bao trọn cả bàn tay tôi. Chào hỏi xong xuôi, ông vào chuyện, ông hỏi tôi ở Nhật thế nào, tôi lần lượt trả lời rồi lại nghe ông tiếp tục nói về những gì ông đã làm và sẽ làm. 45 phút nhanh chóng trôi qua, ông vội vã chào tụi tôi ra về vì cho biết sẽ còn phải đi gặp vài anh em khác nữa. Đưa ông ra tới cửa, tôi thắc mắc là ông bảo đi với Trung Tá Lê Hồng, mà suốt buổi tôi chẳng thấy ông Lê Hồng ở đâu và cũng không thấy ông nhắc nhở chuyện có ông Lê Hồng đi chung cả. Mấy lần tôi định hỏi, nhưng thấy ông vội quá nên thôi. Thắc mắc này cứ theo tôi mãi cho đến khi có một vài người khác cũng gặp trường hợp giống tôi kể lại: nếu ông Hồng mà đi chung với ông Minh, thì lúc nào ông Lê Hồng cũng tự cho mình một trách nhiệm là phải ở bên ngoài canh giữ bảo vệ “ông thầy” để lỡ có chuyện gì xảy ra…… À thì ra thế.
Tháng 11 cùng năm, phái đoàn từ Hoa Kỳ gồm 6 người đã lên đường nhập nội từ San Francisco. Cũng xin nói rõ là vào thời điểm đó, “quốc nội” theo định nghĩa của 3 tổ chức đã thỏa thuận là “Đông Dương bao gồm Nhật Bản”. Trước đó một hôm, tôi gặp lại tướng Minh ở San Jose, ông ôm tôi thật chặt nói: xong tất cả rồi, ngày mai là lên đường thôi.
Hôm sau vì xúc động, tôi đã không có mặt trong nhóm người đưa tiễn 6 Kháng Chiến Quân, và thế là tôi lại mất cơ hội diện kiến với KCQ Lê Hồng.
Thời gian sau đó, tôi chỉ được thấy hình ảnh ông qua các đoạn phim ngắn ghi lại lúc luyện tập, học thảo tại chiến khu. Khoảng năm 1985 nghe nói ông đã bị bạo bệnh và hy sinh trên đường xâm nhập Việt Nam.
Nghe nhiều người bạn đồng ngũ của ông kể lại là ông có vóc dáng nhỏ con, gốc người Hà Tĩnh. Nguyên là một Sỹ quan rất mực uy tín, gan dạ, dũng lược của sư đoàn nhảy dù. Xuất thân từ tổ trưởng khinh binh, hạ sĩ quan Truyền tin Tiểu đoàn 3. Góp máu xương qua bao chiến trường, rồi được đặc cách gửi đi học Trường Hạ Sĩ Quan Nha Trang. Sau khi tốt nghiệp về lại Tiểu đoàn 3, chiến đấu từ Trung đội trưởng, lên đến Sĩ quan ban 3, Tiểu đoàn Phó, Tiểu đoàn Trưởng và sau cùng là Trung Tá Lữ đoàn phó Lữ đoàn 1. Ông cũng là 1 trong 12 người cuối cùng của Lữ Đoàn 1 xuống xà lan để đưa tất cả sang Guam trong giờ phút tướng Dương Văn Minh kêu gọi đầu hàng cùng tiếng oang oang của việt cộng trên đài phát thanh yêu cầu: “lữ đoàn dù của Trung Tá Lê Hồng hãy buông súng ra trình diện gấp”.
Trong lần trả lời báo chí nhân lúc công tác hải ngoại tháng 4/1984, tướng Hiền kể lại: khi được người cố vấn cũ bảo lãnh đưa về vùng hẻo lánh North Carolina, tặng ông tấm huy chương của tiểu đoàn 1 nhảy dù lúc ông là tiểu đoàn trưởng, ông đã bật khóc ngay từ ngày đặt chân đến Hoa Kỳ, ý định tìm đường trở về cũng đã nhen nhúm ngay từ ngày đó. Trong quyết tâm như thế, ông rời Carolina đến Hoa Thịnh Đốn và ông đã làm đủ mọi loại công việc, ông đã từng là người giúp việc cho một tiệm thực phẩm Việt Nam và tại đây đã gặp lại nhiều anh em nhảy dù cũ. Có người đã khóc khi thấy “đích thân” của mình đang lau chùi sàn nhà, cầu tiêu của tiệm, khác hẳn với hình ảnh một vị chỉ huy oai phong lúc nào cũng có mặt ở tuyến đầu của chiến trường. Ông cười và nói với các “đệ tử”: Mình phải làm lại từ đầu và luôn chuẩn bị tinh thần cho một ngày mai chứ, ở đây không có chỗ cho sự sang hèn hay oai phong gì cả. Ông gặp tướng Minh trong một cuộc biểu tình tại Nữu Ước và từ đó hai ông đã như hình với bóng đi khắp đó đây để chuẩn bị thực hiện những gì mà ông nói là cho một ngày mai.
Trong giấc ngủ chập chờn đêm hôm đó tôi bùi ngùi và đâu đây vẫn còn văng vẳng nghe giọng nói dõng dạc và dứt khoát qua 2 câu tuyên bố của ông mà tôi nhớ từng câu từng chữ.
Một là trong ngày Công Bố Cương Lĩnh Chính Trị tại Chiến Khu 8/3/1982 trước đoàn quân
“Tận dụng những gì khối dân tộc ta sẵn có để đánh đuổi kẻ thù. Phải gạt bỏ tinh thần, phải có cái này phải có cái kia mới thi hành được công tác. Một điều phải duy nhất mà các chiến hữu cần phải nhớ nằm lòng: đó là phải giải phóng Việt Nam”
Hai là trong Ngày Toàn Dân Kháng Chiến 29/4/1984 tại SanJose
Chúng ta vẫn thường nói là chúng ta đã chiến đấu rất can trường trong quá khứ, thì ngày nay, tình huynh đệ trong quân ngũ thời xưa không cho phép chúng ta bỏ rơi bạn đồng ngũ của chúng ta. Các anh em cựu quân nhân trong nước trông đợi rất nhiều vào các bạn đồng ngũ hiện đang sống đời tị nạn việt cộng tại hải ngoại. Ai cũng mong ngày thấy lại được các cấp chỉ huy cũ, ai cũng mong ngày thấy lại những bạn đồng ngũ cũ cùng sát cánh chiến đấu trên mọi trận tuyến mới. Đây là cuộc chiến đấu hoàn toàn vì tổ quốc, vì dân tộc, vì dũng khí, vì liêm sỉ. 

Một người đã gặp: Kháng chiến quân Trần Thiện Khải
Vào những ngày đầu khi chiến khu đang được xây dựng, tôi nhận được những bài hát được kẻ và viết lại bằng một loại chữ rất bay bướm, điêu luyện trên những tờ giấy dầu thô. Người trách nhiệm văn phòng liên lạc giao cho tôi bản thảo với lời dặn dò: Tập nhạc này là của KCQ Trần Thiện Khải sáng tác và muốn anh em Nhật Bản tập dượt để sử dụng khi có nhu cầu.
“Nhận” lệnh, với chút ít năng khiếu khiêm nhượng của mình, tôi đã rủ anh em cùng nhau hợp soạn những bản nhạc của KCQ Trần Thiện Khải. Lời nhạc có âm hưởng như một tiếng kèn thúc quân khiến tôi và các anh em khác say mê thi thố tài năng….. dù thấp kém. Cứ tập và thâu xong vài bản nhạc là tôi vội gửi ngay về văn phòng liên lạc, nào là Đông Tiến, Những người em của làng Đồng Sơn, Tình anh Kháng Chiến, Một ngày kia, Trăng Chiến Khu, Mùa Xuân Khởi Nghĩa  v.v… và mỗi lần như vậy, lòng tôi cứ như lửa đốt vì mong muốn được nghe những lời phê bình trực tiếp từ anh nhạc sĩ KCQ lãng mạn đầy nghệ sĩ tính này. Nhưng cứ ngày này qua tháng khác, vẫn vắng tin anh, chỉ được văn phòng liên lạc nhắn lại là: “trong đó” mà không nói gì là OK đó, mấy ông cứ tiếp tục đi.
1985, 3 năm sau ngày công bố Cương Lĩnh, một hôm, Xứ Bộ Trưởng Nhật Bản đã liên lạc và nhắn với tôi là có người “trong đó” muốn gặp. Xong công việc của hãng, ba chân bốn cẳng quay về văn phòng thì tôi gặp được người Kháng Chiến Quân lãng mạn can trường: Trần Thiện Khải. Anh có cái dáng dong dỏng cao, khuôn mặt xương xương hơi khắc khổ. Anh cho biết là có họ hàng xa với nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Cũng có thể vì thế ngay trong phần mở đầu bài hát “Tình anh Kháng Chiến” có 5 chữ: Từ khi anh xa nhà…. Anh đã cẩn thận ghi chú là mượn đoạn này trong bài Tình Thư Của Lính của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.
Tôi háo hức hỏi: anh có nhận đủ nhạc tôi gửi không? nhạc tụi tôi chơi có được không? và anh có còn sáng tác nữa hay không. Anh cười hiền từ chậm rãi đáp: “Muốn lắm, nhưng không có thì giờ chiến hữu ơi”, “À mấy bài hát mà anh em ở đây làm tôi khoái lắm tuy đơn giản nhưng đúng là nhạc chiến khu, réo gọi hợp với rừng núi. Anh khuyến khích tôi cố gắng làm nốt những bản nhạc của anh mà tụi tôi chưa làm nhưng anh không hứa là sẽ sáng tác thêm vì bận hành quân liên miên.
Những ngày lưu lại Nhật, anh ngỏ ý muốn đi thăm lại ngôi chùa, nơi mà anh và 5 KCQ từ Hoa Kỳ khác đã có lúc làm “phu quét lá” trong khi chờ nhập nội. Tôi và anh cùng một người bạn lên thăm lại ngôi chùa ở Tokyo. Bước vào sân chùa thấy anh sinh động hẳn lên, anh chỉ chỗ này chỗ kia rồi nói  chỗ này là chỗ của tụi tôi, phần kia là của nhóm anh Hồng. Anh thêm: ông sư trụ trì chắc là lạ lắm khi có 6 người Á Đông lạ hoắc quét dọn sân chùa. Anh tâm sự: “đây là nơi tôi không quên được vì nó là nơi đầu tiên ghé chân trên đường về nước”. Khi trở lại chiến khu, tôi vẫn nghĩ rằng, sau chuyến thăm lại chốn cũ này với ý tưởng tràn đầy thế nào anh cũng sẽ cho ra đời được một vài bài hát, và tôi cứ đợi và đợi để mong được làm tiếp những bài nhạc, nhưng tin anh vẫn biệt tăm.
Vài năm sau đó, tôi lờ mờ nghe tin anh đã tự sát khi bị thương vào khoảng cuối tháng 8/1987 vì không muốn mình là một gánh nặng cho các kháng chiến quân cùng đoàn trong lần xâm nhập Việt Nam. Mãi đến 14 năm sau, tôi mới có dịp đốt cho anh một nén hương muộn trước di ảnh của anh và các KCQ khác trong ngày lễ truy điệu tại Tokyo 26 tháng 8 năm 2001

Lời Kết
Hôm nay nơi xứ người, nghe lại bài thơ cảm động, tôi lại nhớ tới các anh, tôi xin ghi lại lời bài thơ này một lần nữa mà tác giả là một trong những kháng chiến quân khi ghé thăm mộ anh, hay mộ của một kháng chiến quân nào khác đã viết để tiếc thương các Kháng Chiến Quân đã nằm xuống!

Gửi anh cây chanh nhỏ
Nhờ anh bón cho xanh
Mai này khi chiến thắng
Lúc đại cuộc đã thành
Có cây chanh làm dấu
Tìm cốt người hùng anh
Thôi chào nhau anh nhé
Chúc anh giấc mộng lành
Trời bây giờ cũng sắp
Vào xuân rồi đó anh

Viết đến đây mắt đã thấy cay cay. Tôi dừng bút ở đây với lời khấn nguyện: Cầu xin linh hồn các anh hãy dẫn dắt cho chúng tôi là những người
Tôi còn mang áo cũ
Đêm ngày vẫn đấu tranh
sớm tìm ra con đường ngắn nhất để thực hiện ước mơ không phải của riêng chúng tôi mà là của cả dân tộc: “Giải phóng Việt Nam” .

Trần Đức Huy
Tokyo-Nhật Bản