Wednesday, 28 August 2013

VOA: Lần đầu tiên có bằng cử nhân Việt Ngữ tại Hoa KỳLần đầu tiên có bằng cử nhân Việt Ngữ tại Hoa Kỳ

Bà Natalie Trần (trái) là đồng chủ tịch Hội đồng Cố vấn Giáo dục Mỹ - Việt của Đại học Cal State Fullerton.

Bà Natalie Trần (trái) là đồng chủ tịch Hội đồng Cố vấn Giáo dục Mỹ - Việt của Đại học Cal State Fullerton.
Một trường đại học của Hoa Kỳ đang gấp rút chuẩn bị các chương trình đào tạo cử nhân Việt Ngữ để giúp các sinh viên có hành trang tốt hơn khi hòa nhập với cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ cũng như ở các nước khác.

Đại học Cal State Fullerton tại tiểu bang California hiện đang chuẩn bị cho 3 chương trình giảng dạy gồm chương trình bằng cử nhân Việt Ngữ, chương trình sư phạm giảng dạy Việt Ngữ và chương trình song ngữ Việt - Anh.

Bà Natalie Trần, giảng viên tại trường này, cho VOA Việt Ngữ biết rằng bà cảm thấy có trách nhiệm tham gia và đóng góp cho chương trình này vì bà là người Mỹ gốc Việt.

Bà nói: “Cộng đồng người Việt Nam sống tại hải ngoại đã được 38 năm. Chương trình này giống như một ước mơ, và một hoài bão của nhiều người trong cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại. Cộng đồng Việt Nam ở quận Cam có một số lớp Việt Ngữ đang dạy trong các trường công lập nhưng mà đa số các thày cô dạy các lớp này có chứng chỉ dạy các môn khác như toán, lý hay hóa. Hiện giờ chưa có chương trình nào đào tạo cho giáo viên có kinh nghiệm và kiến thức để dạy các chương trình Việt Ngữ. Thì đây sẽ là chương trình đầu tiên”.

Cộng đồng người Việt Nam sống tại hải ngoại đã được 38 năm. Chương trình này giống như một ước mơ, và một hoài bão của nhiều người trong cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại.
Đây được coi là chương trình đào tạo cử nhân Việt Ngữ đầu tiên và duy nhất ở Mỹ hiện nay và sẽ chính thức nhận học viên vào năm 2014.

Bộ Giáo dục Mỹ đã hỗ trợ một khoản ngân quỹ để Đại học Cal State Fullerton thực hiện các chương trình vừa kể.

Dân biểu Ed Royce, một nhà lập pháp quan tâm tới tình hình Việt Nam và là một cựu sinh viên của Đại học Cal State Fullerton, được cho là người đã có công giúp trường này giành được khoản ngân quỹ thực hiện chương trình đầu tiên là hơn 200 nghìn đôla.

Với số lượng người Việt tại Mỹ tập trung nhiều nhất ở California, hiện có nhu cầu lớn học tập Việt Ngữ tại bang này.

Bà Natalie nói Việt Ngữ rất quan trọng đối với cộng đồng tại đây, nhất là những người trẻ tuổi.

Bà nói: “Vấn đề ngôn ngữ rất là quan trọng và cần thiết. Khi mà các em có được hai ngôn ngữ thì các em có rất nhiều lợi ích cho cộng đồng của chúng ta cũng như cho cộng đồng Mỹ. Thứ nhất là vấn đề tìm việc làm có thể dễ dàng hơn.Thứ nhì là tiểu bang California cần một lực lượng lao động không những có kiến thức văn hóa mà còn biết cả ngôn ngữ về Việt Nam để sử dụng hàng ngày đồng thời tăng cường khả năng đóng góp cho cộng đồng”.

Việc thành lập Hội đồng Cố vấn Giáo dục Mỹ - Việt của Đại học Cal State Fullerton mà bà Natalie là đồng chủ tịch được coi là một bước quan trọng trong quá trình chuẩn bị cho chương trình đào tạo.

Natalie cũng nhận được rất nhiều đóng góp ý kiến từ các vị không những trong cộng đồng Việt Nam tại Quận Cam mà còn từ các tiểu bang khác mà còn từ nươc khác như Úc hay Canada, nơi cộng đồng Việt Nam sinh sống.
Các thành viên của hội đồng này bao gồm nhiều thành phần trong cộng đồng người Việt, trong đó đa phần là những người làm việc trong ngành giáo dục.

Bà Natalie cho biết các thành viên của hội đồng đã có những đóng góp nhằm hình thành chương trình giảng dạy cử nhân Việt Ngữ.

Nữ giáo sư này cho hay, cộng đồng người Việt nói chung phản ứng tích cực trước tin sẽ có chương trình đào tạo cử nhân Việt Ngữ.

Bà Natalie nói: “Trong thời gian 6 tháng nay, khi mà Natalie đi ra tiếp xúc với cộng đồng thì cảm thấy cộng đồng của mình hết sức nỗ lực hỗ trợ cho 3 chương trình này, như là về phương diện truyền thông cũng như là về phương diện phân phối chia sẻ tin tức cần thiết cho chương trình này cho các hội đoàn và các tổ chức. Natalie cũng nhận được rất nhiều đóng góp ý kiến từ các vị không những trong cộng đồng Việt Nam tại Quận Cam mà còn từ các tiểu bang khác mà còn từ nươc khác như Úc hay Canada, nơi cộng đồng Việt Nam sinh sống”.

Ngoài ngôn ngữ, theo bà Natalia, các sinh viên cũng sẽ được giảng dạy về cả văn hóa và lịch sử Việt Nam.

Giới chức của trường báo chí địa phương hay rằng họ hy vọng sẽ đào tạo được khoảng 100 sinh viên thuộc cả 3 chương trình mỗi năm
.