THƯ GỬI BẠN TA của Bùi Bảo Trúc
Các bài viết hàng tuần của Nhà Báo Bùi Bảo Trúc trong mục Thư Gửi Bạn Ta
Ngày 2 tháng 9 năm 2013
Bạn ta,
Các học sinh trong nước đã trở lại trường để bắt đầu một niên học mới.
Các em trở lại trường thì chắc phải vui lắm. Niềm vui cũng giống như niềm vui của những học sinh vài ba thế hệ trước, như của bạn, của tôi. Ở đâu, lúc nào thì ai ai trong chúng ta cũng có một ngày tựu trường như của những ngày cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều, những đám mây bàng bạc của Thanh Tịnh, hay con đường băng ngang qua vườn Lục Xâm Bảo của Anatole France, hay ở cửa trường với cậu bé An Di của De Amicis tác giả của cuốn sách mà chúng ta ai cũng yêu, cuốn Tâm Hồn Cao Thượng.
Nhưng rất nhiều cha mẹ nhân dịp tựu trường năm nay thì lại rất "bức xúc."
Dân chúng ở cái xã nghèo này phần lớn làm nghề nông vất vả lắm mới lo được cuộc sống và chuyện học hành của con cái. Tựu trường năm nay, trường bắt các em phải mua đồng phục để đi học. Những bộ đồng phục này tốn khoảng 500 ngàn đồng, tương đương với một tạ thóc. Tưởng tượng một gia đình có hai đứa con. Mua hai bộ cho con đi học, gia đình các em sẽ mất 2 tạ gạo, khoảng 1 triệu đồng.
Nhưng nếu cần một bộ khác để thay đổi thì cứ nhân đôi lên là gia đình đó phải chi ngay 2 triệu đồng, tức là 4 tạ gạo.
Đồng phục của nam sinh gồm sơ mi trắng, quần dài, veste đồng mầu. Thay vì cravatte thì là một chiếc nơ con bướm bằng vải carreau như loại vải may những cái kilt của đàn ông Tô Cách Lan.
Đồng phục cho các em gái gồm sơ mi trắng, váy ngắn và jacket cùng mầu với đồng phục của nam sinh. Các em gái cũng đeo nơ ở cổ.
Phải nói đây là những bộ đồng phục đẹp. Thời tiểu học của tôi ở Hà Nội trước năm 1954 làm gì có được những bộ đồng phục kiểu cọ như thế.
Nhưng những bộ đồng phục ấy tạo ra những bức xúc khác chứ không hề giản dị như có người sẽ nghĩ.
Thí dụ tan học, các em nhiều khi phải giúp cha mẹ dẫn trâu cho chúng đi ăn cỏ, chiều đến tắm cho chúng rồi mới đưa về chuồng. Hay cũng có khi phải giúp mò vài con cua, bắt vài con ốc để
"cải thiện" bữa cơm chiều. Đồng phục đẹp như thế mà ngồi trên lưng trâu, lội xuống cái ao, đuổi giúp bầy vịt về chuồng thì đồng quê ta đẹp biết chừng nào. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh làm sao viết ra
được cảnh đồng quê đẹp được như thế!
Nhưng nếu không cẩn thận, các em mặc nguyên đồng phục leo lên mình trâu để thấy ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ… thì làm sao giữ được cho bộ đồng phục sạch sẽ để ngày mai mặc lại đi học?
Phải có bộ thứ hai thay đổi mới được. Bộ kia phải đem giặt. Đem ra sông, xuống ao giặt rồi phơi ở hàng rào vậy. Xà phòng kiếm ở đâu trong cái xã nghèo đó?
"Bức xúc" là phải!
Tại sao phải bầy ra trò đồng phục như thế? Xem phim Hàn quốc thì cứ việc xem, nhưng không cần phải nhắm mắt nhắm mũi chạy theo phim Hàn quốc như thế.
Có ăn chia với hãng may mặc nào thì cũng phải cố gắng cho hợp lý một chút chứ. Những bộ đồng phục kiểu Hàn quốc như thế sẽ tươm tất được mấy ngày trước khi dính bùn lem luốc, nhếch nhác cho các em thêm tủi thân về trò ăn chia của trường rồi làm khổ cha mẹ các em?
Có lẽ điều tốt đẹp duy nhất của những bộ đồng phục này là các em không đeo ở cổ cái khăn quàng đỏ, những cái khăn cứ mỗi lần trông thấy là tôi lại nổi máu
"bức xúc" lên.
Tin cuối cùng cho biết cái đề nghị ngu xuẩn ấy đã bị dẹp vì phụ huynh không cách gì xoay nổi tiền để mua sắm cho các em.
Ngày 4 tháng 9 năm 2013
Bạn ta,
Nhân chuyện đồng phục của học sinh, người ta đọc được trên
facebook một đoạn của một học sinh viết về bộ đồng phục không kịp lấy về cho kịp ngày khai trường.
Đây không phải chỉ là "con cưỡng cha mẹ, trăm đường con hư" như hai câu ca dao về những con cá không chịu ăn muối. Con cá này không chỉ cưỡng là cãi, là không nghe lời, mà là chửi cả cha lẫn mẹ tàn tệ không để đâu cho hết. Chỉ vì cha mẹ của nó không lấy bộ đồng phục may ở tiệm về cho nó mặc đi học.
Tất cả những chữ tục tĩu nhất để chửi bới đều được đem ra dùng không thiếu một chữ nào. Người cha và người mẹ được nhắc đến bằng đại danh từ "chúng mày". Ngôi thứ nhất xưng là "tao", rồi lại "ông". Câu cuối đưa ra một lời hăm dọa là mấy năm nữa khi đủ lớn thì cả hai đứa sẽ biết tay.
Cảnh đấu tố ở sân đình, người cha và người mẹ bị trói nằm cong queo dưới đất. Đứa con trai, cũng có thể là đứa con gái mặt mũi hung ác vung tay lên xỉa xói vào mặt hai người già, mắng nhiếc rằng chuyện sinh ra chúng thì cũng là kết quả của hai người sung sướng với nhau chứ công lao gì. Đằng sau là cảnh tòa án nhân dân, chiếc cờ búa liềm, ba bức ảnh Hồ, Mao và Sít ta lin…
Trong facebook ngày nay, những ngôn từ chửi bới còn hung hãn hơn, còn đểu giả hơn, còn khốn nạn hơn sau mấy chục năm trui luyện trong cái xã hội chó má ấy nhiều.
Vào internet, đánh thử mấy chữ "con chửi cha mẹ" là sẽ được đọc cả mấy chục những trang
facebook chửi cha mắng mẹ. Một đứa xin tiền mua điện thoại không được liền lên
facebook chửi cả cha lẫn mẹ, đứa khác gọi mẹ là "con điếm", một trang khác thì cha mẹ bị gọi là "hai con chó", một đứa khác nói là nuôi nó có 18 năm thì đừng nghĩ là nó sẽ nuôi lại sau này. Đứa này nói rõ đừng có trông chờ gì thằng con vàng con bạc có hiếu như kiểu con nợ…Một cặp vợ chồng dẹp bỏ tấm
poster in hình ca sĩ, quăng đi vài đĩa nhạc thì bị con gái gọi là "thằng chó, thằng khốn nạn " và dọa gọi bạn đến nhà thanh toán. Một đứa ở Sơn Tây chửi mẹ hết sức dã man vì xin tiền mua quần áo mẹ không cho, gọi mẹ là con đĩ mê trai, sửa sắc đẹp lung tung mà vẫn không coi ra gì…
Nhà kia lỗi đạo con khinh bố
Chị nọ chanh chua vợ chửi chồng …
Chị nọ chanh chua vợ chửi chồng …
Cảnh ông Tú Xương chứng kiến hồi ấy mà thấm tháp gì so với
facebook ngày nay.
Có điều là ngày xưa, chuyện con cái hỗn với cha mẹ thì cũng có, nhưng ít hơn ngày nay nhiều. Những cảnh như thế cũng ít khi thấy diễn ra công khai. Nhưng ngày nay thì khác. Với
facebook và internet thì những chuyện đó được phát tán ra rất nhanh và rất rộng rãi. Điều đáng ngai hơn là con số những người tán thành, "like" những vụ chửi cha mắng mẹ như thế lại rất nhiều, nhiều hơn ý kiến phản đối. Và hầu hết những chủ trang
facebook đó lại là những thành phần rất trẻ, gần như tất cả đều dưới 20 tuổi.
Như vậy thì không thể là tàn dư Mỹ ngụy, sản phẩm của xã hội bị vu là đồi trụy trước kia nhá.
Tất cả đều là các cháu ngoan của bác Hồ, đã học tập theo gương bác và làm đúng như đạo đức của Hồ Chí Minh.
Bây giờ không chơi trò đấu tố nữa thì chúng nó có facebook cho cả nước đọc cho sướng.
Ở miền Nam có câu này bây giờ nghe lại thấy hay vô cùng. Thấy con hư, người cha hay người mẹ nói rằng nếu biết đẻ ra thứ con như thế thì thà đẻ ra quả trứng luộc lên ăn còn hơn.
Nhưng đẻ ra quả trứng ung, trứng thối thì làm sao ăn?
Thì chúng nó nở ra, lớn lên viết facebook chửi cha chửi mẹ lên nghe cho sướng chứ còn làm gì nữa?
Ngày 6 tháng 9 năm 2013
Bạn ta,
Lớp 10 ở Việt Nam ngày nay, nếu tôi hiểu đúng, là lớp tương đương với lớp đệ Tam thời tôi học ở trung học.
Năm đệ Tam, chúng tôi vừa xong Trung Học Phổ Thông, tức là bằng Brevet của chương trình Pháp. Năm học ấy được coi là năm nhàn nhã nhất của chúng tôi, sau kỳ thi Trung Học Phổ Thông và trước năm thi Tú Tài I.
Chúng tôi bắt đầu chương trình đệ nhị cấp, và được chọn Anh hay Pháp văn làm sinh ngữ chính. Chương trình Việt văn chúng tôi học lại Chinh Phụ Ngâm, còn truyện Kiều được đưa sang chương trình lớp đệ Nhị. Chúng tôi học Phạm Quỳnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, Tản Đà… Trong khi đó, Tự Lực Văn Đoàn được dành cho lớp đệ Nhị để thi Tú Tài I.
Nói hơi dài dòng như thế để nhớ lại là khi chúng tôi ở lớp 10 của chương trình ngày nay, chúng tôi đã viết thông thạo tiếng Việt. Về mặt chính tả Việt ngữ, chúng tôi không còn phải học nữa. Vài ba khó khăn về chính tả, chúng tôi đã xong từ khi học lớp Nhì, trước khi thi bằng Tiểu Học để vào năm thứ nhất của trung học.
Những chữ khó như nguệch ngoạc, khuếch khoác, công kênh, ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, huých nhau, huỳnh huỵch, khệnh khạng vân vân chúng tôi đã được dậy để viết chính xác khi còn ở lớp Nhì bậc tiểu học. Tức là 6 năm trước khi lên lớp đệ Tam hay lớp 10 bây giờ ở Việt Nam.
Tuần trước, trong internet, tôi đọc được lá thư của một học sinh lớp 10 gửi cho cô giáo và ông hiệu trưởng của trường em đang học để xin nghỉ học.
Đọc xong lá thư thì tôi không thể hiểu nổi trình độ của một học sinh lớp 10 ngày nay đã xuống cấp tệ hại đến như thế nào nữa. Đồng ý người học sinh này thú nhận là em học không được vì hay nghịch ngợm trong lớp, không theo kịp các bạn, học hành còn rất yếu, thường xuyên bị thầy cô phải nhắc nhở cố gắng hơn nữa đến độ em thấy không xứng đáng ngồi tiếp trong lớp và phải quyết định xin nghỉ luôn. Em không phải là một học sinh tiêu biểu của nhà trường hiện nay. Nhưng ít nhất, trong 10 năm ở trường, em phải học được một đôi điều chứ. Căn bản thôi cũng phải có.
Nhưng em học sinh này đã không cho vào đầu được một vài điều cho dù căn bản nhất . Đọc bức thư em xin nghỉ học là thấy ngay điều đó.
Em viết ở đầu thư cũng đầy đủ tên nước cùng với mấy chữ vô nghĩa lý luôn luôn phải có, không thể nào thiếu được: độc lập, tự do, hạnh phúc. Có điều em viết sai chính tả ngay ở những chữ quan trọng nhất. Đó là chữ NGĨA trong tên nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Chữ "tự do" cũng bị viết sai thành "Tự GIO".
Trong bức thư vỏn vẹn có 12 dòng, thì em đã viết sai chính tả đến 22 lần. Em lẫn lộn L với N: "này" viết thành "LÀY", "nên" thành "LÊN", những chữ viết với "NGH" đều thiếu chữ "H" như "NGỈ ", như "NGỊCH"…"trường" viết thành "CHƯỜNG", "hiệu trưởng" viết thành "hiệu CHƯỞNG" , "trong lúc" viết thành "CHONG lúc", "học sinh" viết thành "học XINH", "phụ huynh" viết thành "phụ HUNH", "sa sút" viết thành "XA XÚT".
Những chữ rất thường gặp và rất căn bản đều bị viết sai chính tả. Em học được những gì trong 10 năm ở trường? Tiếng Việt em viết còn sai thì những thứ khác trình độ em được bao nhiêu?
Người ta phải thắc mắc tại sao em học hành như thế mà vẫn được cho lên lớp, lên tới tận lớp 10 và chính em nhìn ra rằng em học hành kém cỏi khiến cả lớp không vươn lên được đến nỗi em phải xin thôi học.
Em học sinh này không học được bao nhiêu thứ ở trường nhưng chắc em học được một thứ khác quan trọng hơn ở nhà em. Em học được tính tự trọng và danh dự, những thứ em không hề được dậy ở trường. Vì tự trọng và danh dự, em thấy em không xứng đáng để ngồi tiếp ở trong lớp nữa. Em xin nghỉ học.
Nhưng nghỉ học rồi em làm gì?
Có thể đến lúc cần, em đi mua vài ba cái bằng cũng được. Hay nếu không mua, em cứ nhận đại là có bằng cử nhân luật như cậu Nguyễn Tấn Dũng thì rồi cũng xong.
Tôi nhớ một câu trong Kiều của Nguyễn Du:
"Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh"
Sự thực thì ngay bây giờ cũng đã kinh lắm rồi!