Sunday, 17 November 2013

CHUYẾN HẢI HÀNH CUỐI CÙNG - Trương Hữu Quýnh

Thư  Người Thủy Thủ già  HQ 17 gửi chiến hữu cùng Tàu , 
Bạn thân mến 
Thấm thoát hơn 38 năm rồi bạn và tôi ít người gặp nhau, ít lời trao đổi, ít thư thăm hỏi.  Không ai trách ai bởi hiểu rằng vì nỗi buồn và ấm ức của người bỏ Nước, vì cuộc sống khó khăn của người tỵ nạn, mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi bức xúc khác nhau. 
Tuy nhiên mọi người đều có nỗi băn khoăn về nhau từ giờ phút chia tay vội vã hồi 4 giờ sáng ngày 30/4/1975 ngoài khơi Vũng Tàu.  Chúng mình có 187 người,100 người đã nhãy xuống thương thuyền động cơ để về nước, bao nhiêu người đi tù, bao nhiêu người sống sót gặp lại gia đình?  86 người cùng tôi đến được Phi Luật Tân rồi cũng tan hàng vội vã tại cầu tàu Subic Bay chiều tối ngày 7/5/75 , bây giờ cuộc sống thế nào?  Xin cầu mong tất cả bình yên. 
Nhân dịp Hội Hải Quân Bạch Đằng tổ chức cuộc Hội Ngộ của các chiến hạm và đồng bào  di tản tôi mong muốn gặp qúy Bạn nên ghi tên tham dự.  Kèm theo chúng tôi xin viết một đoản khúc nhắc lại hoạt động của Chiến Hạm trong Chuyến  Hải Hành Cuối Cùng, gợi lại vài kỷ niệm để  hàn huyên khi mừng gặp nhau tại San Jose. 
Chân thành,
Trương Hữu Quýnh

Chuyến Hải Hành Cuối Cùng

     
Ngày 17 tháng tư 75 HQ17 từ phiá bắc Phan Rang đến vùng Cà Ná để cùng các chiến hạm bạn hải pháo chận đứng sự di chuyển của Cọng Quân trên quốc lộ 1, đặt biệt yểm trợ HQ503 vào gần bờ cứu vớt quân bạn triết thoái. 
Hôm sau, khi HQ503 bị Việt Cọng tấn công, dù xa bờ, đại pháo của HQ17 cũng chận bớt trọng pháo của VC. Ssau khi bị trúng đạn, HQ503 ra khỏi tầm đạn của địch dù HT503 bị thương cùng nhiều nhân viên và một số sỉ quan, nhân viên khác đã hy sinh. 
Tiếp theo HQ 17 được lệnh trực chỉ Trường Sa thay thế HQ16.  Thủy thủ đoàn HQ17 lên đường với nhiệm vụ tại quần đảo xa xôi bỏ lại đằng sau bạn bè còn đổ máu và gia đình bơ vơ trong loạn lạc. 
Điểm ngừng máy đầu tiên của HQ17 tại vùng Trường Sa là đảo Nam Yết.  Quân bạn trú đóng tại Nam Yết qúa mừng rỡ khi HQ17 đến vì nghĩ rằng sẽ được đón về đất liền, nhưng hốt hoảng thất vọng khi HQ17 cho biết sẽ tiếp tục hải hành đến vùng Song Tử Tây ở phía Bắc. Chúng tôi rời Nam Yết và để lại cho người trên đảo lời hứa, nếu được lệnh rút về chúng tôi sẽ không bỏ các Anh. 
HQ17 tiếp tục tuần tiểu vùng Song Tử Tây.  Sáng 29 tháng tư nghe Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu tuyên bố yêu cầu người Mỹ rút khỏi VN trong 24 giờ, HQ17 bắt đầu rút quân bạn trên Song Tử Tây, rồi về Nam Yết tiếp tục triệt thoái quân bạn về Vũng Tàu.  Chiều tối 29 khi cách bờ khoảng 40 hải lý, Hạm Trưởng HQ17 liên lạc BTL/HQ/V3/ZH để hỏi địa điểm đổ quân, được TL/V3/ZH trả lời “Tùy anh”. 
Chiến hạm đến cửa biển Vũng Tàu đêm khuya 29 tháng tư và cố gắng vào cửa sông Lòng Tào về Sài Gòn.  Vì thấy ghe thuyền ồ ạt ra biển cùng nhiều đạn trọng  pháo nổ gần Tàu nên HQ17 đành quay đầu ra khơi.  Đến thời điểm này HQ17 chưa biết HQ đã có chương trình di tản và nhiều chiến hạm đã đến được Côn Sơn. 
Khoảng 03:00AM ngày 30 tháng tư 75  chiến hạm dùng hai thương thuyền động cơ bỏ hoang trên biển để cho 2 ĐĐ Địa Phương Quân triệt thoái lên bờ.  Một giờ sau giữ được thêm hai thương thuyền khác cặp bên Tàu, HT cho tập họp nhân viên và tuyên bố đây là buổi họp chia tay, sau buổi họp mọi người có quyền rời Tàu xuống thuyền về nhà tìm gia đình hoặc ở lại theo Tàu cùng Hạm Trưởng (HT) ra đi. 
Thủy thủ đoàn HQ17 gồm 187 người, chỉ có 86 người theo Tàu ra đi.  Trước khi đi Chiến Hạm tiếp tục quanh quẩn tại cửa biển Vũng Tàu vớt đồng bào trên các thuyền con, các chiến hữu trên các tàu nhỏ không thể vượt đại dương và hy vọng may tìm gặp gia đình thủy thủ đoàn đã chạy ra biển. Tiếc thay chỉ có HT HQ 17 là người may mắn được HQ11 cho biết đã vớt được gia đình của mình.  Mãi qua nhiều năm về sau cố tìm hiểu cách nào vợ con mình lên được HQ11 để ra biển, khi tìm cám ơn anh San K10HQ  HT HQ11 và quý bạn bè đã giúp đỡ, nhờ tin tức góp nhặt, chúng tôi mới hình dung được hành trình của gia đình mình. 
Số là tối 29 tháng tư 75 cư xá HQ Thị Nghè bị pháo kích, mọi người đã di tản hết, anh Nguyễn Viết Tiến K8HQ gặp gia đình chúng tôi hớt hải lui tới trước nhà khi cửa cầu Avalanche qua HQCX đóng cứng, đã đưa gia đình chúng tôi xuống một LCVP chờ đón ai trước cửa rạch Thị Nghè để qua HQ11.  Chiếc LCVP ra được giữa dòng sông lúc HQ11 tách bến khởi hành.  May thay anh Nguyễn Đình Lâm K12HQ trên PCF thấy được, đã bốc gia đình chúng tôi, đuổi theo bắt kịp HQ11 ở Quatre Bras sông Lòng Tào.  Chúng tôi xin biết ơn Hải Quân,xin tri ân các anh Tiến, San, Lâm và qúy bạn bè đã giúp đỡ. 
Sáng sớm ba mươi tháng tư,  Hải Quân biết được HQ17 ở Trường Sa về đến trong vùng, đã yêu cầu HQ17 đảm nhận nhiều công tác. Sau khi ghé HQ11 gần vùng Côn Sơn đón gia đình, HT cho Tàu  quay ngược  lại hướng về bờ, cứu vớt các tướng lảnh và quân nhân trên LCM Giang Cảnh, trên PCF đang chết máy ngoài cửa Soài Rập, cứu HQ615 đang trôi trên đường đi Côn Sơn, đón thủy thủ đoàn và gia đình cùng người bỏ quê hương trên HQ470.  Hai chiến hạm sau cùng đã được nhận chìm để khỏi lọt vào tay địch. 
HQ17 trở lại Côn Sơn sau khi Hạm Đội đã khởi hành đi Phi.  Sau đó chiến hạm còn ngừng lại để vớt toán nhân viên kỷ thuật Mỹ thuộc đài kiểm báo Côn Sơn nên lên đường đi sau cùng. 
Ngàỹ 7 tháng 5 đến gần Subic Bay, sau khi tháo bỏ đạn dược và nghiêm chỉnh cử hành lễ hạ-thượng kỳ Việt-Mỹ, chiến hạm tự vận chuyển vào vịnh, cặp cầu.Chốc lác sau khoảng một tiếng đồng hồ, hơn 1500 khách di tản đã rời khỏi chiến hạm.
HT trở về phòng, thu vội hành lý sẵn sàng lên bờ.  Ra hành lang hữu hạm, HT khựng chân vài phút,nhìn quanh Tàu lần cuối.  Bỗng trên hệ thống phóng thanh quen thuộc, tiếng vị Niên Trưởng, thầy củ HQ của HT, vang lên “mời thủy thủ đoàn tập họp sau lái để đưa HT rời Tàu lần cuối”. Chào vĩnh biệt Anh Em xong, bước chân lên cầu thang, đưa tay lên trán, HT ngẩn ngơ không biết đối tượng nào mình đang chào tay. 
Sau 14 năm phục vụ Hải Quân, hơn 11 năm đi biển, chúng tôi phục vụ VNCH trên mọi loại chiến hạm từ  nhỏ nhất đến lớn nhất, hy vọng đi hết Tàu sẽ được lên bờ.  Tiếc thay chiến hạm cuối cùng, Tuần Dương Hạm Ngô Quyền HQ17 không về được bến mẹ.  Sau 38 năm lưu vong, niềm hy vọng sẽ có được mảnh đất nơi quê hương VN tự do để gửi vùi thân xác không còn nữa.  Hôm nay chỉ còn lại một chút tình, tình gia đình, tình bè bạn, tình chiến hữu, chúng tôi rất trân qúy gìn giữ và an phận là người  “Thủy Thủ Không Tàu”. 
Trương Hữu Quýnh