Saturday, 30 November 2013

Lộ hàng - Không bột sao gột nên hồ - Phạm Khắc Trung

Xin giới thiệu Quý Bạn bài viết mới nhất của Phạm Khắc Trung ở London Ontario. PKT sinh năm 1955 (di cư vào Nam bằng chuyến tàu chót trong bụng mẹ), cùng tuổi với Lê Ngọc Túy Hương, Phạm Thế Trung là một cây viết với tinh thần chống Cộng vững vàng, sáng tác đều đặn ở nhiều thể loại bút ký, bình luận và khảo cứu.
Các bài tự sự của PKT phần nhiều kể lại những điều mắt thấy tai nghe, những kinh nghiệm của bản thân trong 5 năm từ 1975 đến 1980 ở Sài Gòn, tiếp tục đời sinh viên, đi làm việc dưới chế độ Việt Cộng cho đến khi vượt biên.
Tôi có đi London thăm PKT tháng trước, hiện sống một mình, đi làm xưởng kỹ nghệ sản xuất giấy nhám. Trung bị bệnh đục tinh thể mắt với một mắt bị mất thị lực hoàn toàn và một mắt thị lực yếu nên vừa bị rút lại bằng lái xe và hiện phải cuốc bộ đi làm mỗi bận khoảng 40 phút. (Phan Hạnh)

Phạm Khắc Trung và Phan Hạnh

Lộ hàng

Thời gian đó tôi ở nhà có một mình. Tuần đó lại làm ca sáng. Vừa đi làm về tới nhà, chưa kịp đóng cửa garage đã thấy xe anh Đức trờ tới. Tôi nhờ anh Đức chở tôi đi khám mắt định kỳ, cái hẹn lúc 16:00 ngày 16/08/2004.

Anh Đức tuổi Mùi, lớn hơn tôi một giáp, nhưng anh để râu mép trông già khú, trong khi mặt mũi tôi hồi đó nhìn trẻ hơn tuổi, nên bác sĩ Miller tưởng anh là cha tôi. Ông ân cần giải thích, căn dặn anh Đức lo cho tôi chu đáo.

Bác sĩ Miller viết thư tay giới thiệu tôi với bệnh viện. Ông nói rằng mắt bên phải của tôi đã hư hại gần như 100%, mắt bên trái đã hư khoảng 50% và áp suất đang rất cao, ông nói rằng tôi bị Glaucoma cấp tính, và có thể bị một căn bệnh gì đó nguy kịch hơn mà tôi quên mất tên, tôi có thể mù bất cứ lúc nào, có thể đêm nay ngủ một giấc tỉnh dậy sẽ không thấy gì nữa. Ông muốn tôi phải vô bệnh viện cấp cứu gấp, ông gạch hai hàng dưới chữ “cấp cứu khẩn” để nhấn mạnh, không thể chần chờ thêm.

Tôi nhờ anh Đức chở tôi về nhà tắm một phát cho khoẻ người, rồi thu xếp quần áo trước khi vô bệnh viện. Về đến nhà tôi, anh hối tôi vô tắm và lấy quần áo cho lẹ, còn anh thì ngồi xuống vỉa hè, móc cell phone gọi, khóc lóc sướt mướt kể sự tình cho vợ anh biết…

Đến bệnh viện trước 6 giờ chiều, nhờ thư giới thiệu của bác sĩ Miller, người ta đưa tôi lên khu “mắt” trên lầu 4 ngay. Bác sĩ bệnh viện tiếp tục nhỏ thuốc, tiếp tục đo, tiếp tực khám… rồi lại nhỏ thuốc… lại đo... lại khám... Áp suất mắt vẫn không thay đổi: 47 bên trái, 53 bên phải, trong khi bình thường khoảng 10-20 gì đó, họ nói thì tôi biết thế. Tới hơn 9 giờ tối, bệnh viện mới liên lạc được với bác sĩ đặc biệt. Họ cho tôi về, hẹn 8 giờ sáng hôm sau đến gặp bác sĩ Motolko. Vừa bước ra khỏi phòng khám, cũng là lúc anh Đức chở chị tìm tới, tiếng anh gọi tên tôi lanh lảnh trong dẫy hành lang sâu.

Bác sĩ Motolko xác định tôi bị Glaucoma cấp tính, loại narrow angle, ông nói loại này phá mắt rất nhanh. Mặc dù tài khoản lúc này eo hẹp, lại nhằm lúc gần cuối năm, ông nói với thư ký riêng của ông là cố gắng sắp xếp cho tôi một ca mổ sớm nhất để cứu con mắt trái, không thể chờ đến sang năm được, muộn mất!

Người ta nói “điếc không sợ súng”, điều này hoàn toàn đúng với tôi. Trước kia tôi đâu có biết gì về căn bệnh Glaucoma này mà dự phòng, bây giờ nghe giải thích, liên tưởng lại, mới biết mình đã có triệu chứng từ hơn năm trước.

Một buổi tối năm 2003, tôi nhớ nhằm mùa hè, bởi cái anh sinh viên làm hè sửng sốt kêu lên, sao mắt tôi đỏ ngầu như mắt Dracula? Supervisor dắt tôi lên phòng y tế, nhờ bảo vệ mở cửa, anh ta lục lọi tìm thuốc nhặm mắt nhỏ cho tôi.

Sức khỏe tôi bắt đầu xuống dốc, tính từ lúc tôi bỏ hút thuốc nhân ngày của Cha (Father Day) 16/06/2002. Nicotine hành hạ, vật vã tôi suốt hai tháng trời, nhất là trong giấc ngủ chập chờn, nhưng rốt cuộc tôi đã thắng được chính mình. Tháng 11/2002 tới đợt khám Silicone trong sở, người ta phát hiện dung tích phổi tôi bị mất 70%, thế là tôi được “niêm phong” gửi về gặp bác sĩ gia đình để thẩm định.

Sau vài câu hỏi thông thường, bác sĩ gia đình tôi phán: “Sau 28 năm nghiện thuốc lá nặng, nay bạn bỏ đột ngột nên bị phản ứng ngược, phải mất từ 6 tháng đến một năm sức khỏe mới trở lại bình thường”. Tôi hỏi giỡn: “Nếu bây giờ tôi hút thuốc lá trở lại, liệu sức khỏe của tôi có bình thường lại ngay không?” Bà cười rộn rã nhưng không trả lời trực tiếp câu hỏi của tôi: “Cai thuốc lá khó hơn cai á phiện, bạn đã vượt qua được nửa năm rồi, tôi nghĩ bạn không nên hút lại”. Từ đó bà sát sao theo dõi sức khỏe của tôi hơn, và đến đầu tháng 9/2003 thì kê toa bắt tôi uống thuốc hạ áp huyết.

Qua đầu năm 2004, mỗi khi ngủ dậy, tôi thấy mắt mờ mờ như có lớp mây phủ, khoảng 5-6 phút sau thì sáng lại như thường. Tôi có phàn nàn với bác sĩ gia đình, bà trả lời rằng có thể tại tôi thiếu ngủ vì làm theo ca.

Vài tuần sau đó, thời gian kéo mây mờ mắt tăng dần lên 10-15 phút, lần này bác sĩ gia đình tôi nghi do phản ứng của thuốc hạ áp huyết, bà đổi thuốc khác cho tôi dùng.

Rồi cứ uống thuốc mới như vậy 5-6 tuần, bệnh tình đã không thuyên giảm, mà thời gian mờ mắt cứ tăng dần, bác sĩ gia đình tôi lại đổi thuốc khác. Cứ thế kéo dài hơn nửa năm trời, bà không nghĩ tôi bị bệnh mắt mà giới thiệu tôi đi khám, âu cũng là cái vận xui của mình. Sau này nhận giấy xác định của bác sĩ Motolko xếp tôi vào loại “physical blind” (không biết dịch sang tiếng Việt ra sao), do bệnh Glaucoma gây ra từ hơn 2 năm trước, ít nhất là ngay sau lần khám mắt kỳ trước (tháng 08/2002). Bác sĩ gia đình ngại tôi mướn luật sư kiện đòi bồi thường bởi sự sơ suất của bà, nhưng tôi đâu làm thế được.

Nói theo thuyết “Nhân Quả” của nhà Phật thì tôi phải trả cái nghiệp tiền kiếp. Nếu tôi còn thưa kiện để nhận bồi thường, tức là tôi cứ lôi kéo dây dưa, chưa dứt khoát trả xong cái nghiệp này, lại tiếp tục kéo dài cho tới những kiếp sau. Còn nếu lý luận rằng tôi có số “hưởng của”, một kiểu “trúng số” mà Trời ban cho tôi, thì tôi cũng cám ơn Trời, xin để của đó chia cho những người cùng khó.

Tôi có học qua về kinh tế tài chánh nên biết lãi kép tỷ lệ thuận với thời gian. Mà ông Trời lỡ sinh cho tôi cái bản tính sòng phẳng, không thích ăn gian, ăn quịt. Lại không biết phung phí, xa hoa, nên tôi tránh không vướng vào những khoản lời nhiều một cách vô lý. Bởi thế nên tôi không thích mang nợ ai, cả tiền lẫn tình. Lỡ có nợ rồi phải tìm cách thanh toán cho xong, dứt sớm chừng nào tốt chừng nấy.

Lại nữa, mỗi khi nhìn vào ngọn đèn, bất cứ đèn gì, đèn xe hơi, đèn điện, đèn đường..., tôi lại thấy hào quang hiện lên xung quanh ngọn đèn đó, nhưng cứ nhớ tới lời người bạn trẻ Nguyễn Thanh Sơn từng nói: “Dường như anh Trung không phải người phàm”, tôi lại đinh ninh là thật nên không buồn thắc mắc.

Bác sĩ Motolko bảo: “Áp suất tăng cao nén tinh thể làm mắt đau nhức lắm. Áp suất trong mắt bạn tăng hơn gần 3 lần bình thường mà bạn không cảm thấy đau, có thể khả năng chịu đựng của bạn giỏi, có thể dây thần kinh của bạn bị hư. Dù ở trường hợp nào chăng nữa, đó cũng là nỗi bất hạnh mà bạn phải gánh chịu, bởi nếu bạn biết đau, người ta sẽ phát hiện sớm hơn mà chữa trị, không đến nỗi hư hại nặng như thế này”.

Bây giờ biết rõ bệnh tình mới đâm ra sợ. Nhất là mỗi ngày mỗi nhận ra thị lực của mình một yếu dần, tôi thấy rõ lắm kìa... Ngồi ngóng phone từ văn phòng bác sĩ Motolko kêu đi mổ mà sốt ruột từng phút từng giây. Nhất là lời nói của bác sĩ Miller, rằng “Ngủ một giấc tỉnh dậy sẽ không thấy gì nữa”, ám ảnh tôi ghê lắm. Đang ngủ ngon chợt tỉnh giấc, vụt vùng ngồi dậy xem đồng hồ coi mình còn thấy đường không, làm tôi tỉnh ngủ. Tôi sợ ngủ đến nỗi không dám nhắm mắt lại, lâu ngày thành ra mất ngủ chứ có gì đâu!

Thế rồi chuyện gì tới phải tới. Mổ mắt trái xong bác sĩ băng lại, cho tôi về nhà chờ sáng hôm sau mới tới tháo băng tái khám. Thật sự mới mù có 24 tiếng đồng hồ thôi đấy, mà tôi đã muốn điên lên được. Cho tới bây giờ, mỗi lần nghĩ tới thời gian ấy lại rùng mình hãi sợ. Đúng như điều các cụ nhà mình đã nói, “Mất thị giác là như mất nửa cuộc đời” rồi.

Cả đêm nằm thao thức hy vọng, mong trời chóng sáng để đi tháo băng mà trở về sinh hoạt bình thường. Đến chừng tháo băng ra, tôi nghiến chặt hàm răng để khỏi bật ra tiếng khóc. Mọi sự vật xung quanh tôi đều mờ mờ ảo ảo, tôi không còn nhận ra cái lằn ranh giữa tường và sàn căn phòng, lằn giao tiếp của hai bức vách; cây viết để trước mặt mà tôi dơ tay cầm hụt, bởi mắt đã xác định sai vị trí cho cái tay với bắt của mình... Bác sĩ Motolko nói còn quá sớm để có một câu kết luận? Than ôi!

Thế rồi cứ mỗi tuần mỗi đi tái khám, lần nào khám xong bác sĩ Motolko cũng nói “Good”, rồi hỏi tôi có thắc mắc gì không? Tôi không biết “Good” thế nào mà mắt không thấy đường, không nhận được lề đường mà bước, đi đứng đều quờ quạng như người đi trong đêm tối... Lúc đầu tôi còn hỏi, sau chán quá, tôi không buồn hỏi lại, chỉ cám ơn rồi lẳng lặng ra về.

Một hôm anh Đức nổi cáu nạt tôi: “Sao chú không hỏi ổng xem good là good thế nào?” Tôi nói hóm: “Quân tử nhất ngôn, một khi ông ấy đã nói good rồi thì dẫu mắt có mù ổng cũng không đổi lời đâu”. Hehehe! Hai anh em cùng cười thoải mái. Anh Đức thích lối nói chuyện hóm hỉnh của tôi. Anh nói, nói chuyện với tôi cả ngày không chán…

Đến lần tái khám thứ 4, bác sĩ Motolko nói: “Kết quả giải phẫu thành công mỹ mãn”. Lần này ổng kéo thật dài câu “v..é..r..y....g..u..ú..t.t.t” làm tôi nổi quạu, tôi sẳng giọng hỏi trong cay đắng: “Thị giác của tôi tệ hơn hồi chưa mổ, mà ông nói rằng very good là good làm sao?”

Đặt bàn tay lên bàn tay tôi để trên đùi, bác sĩ Motolko kéo ghế lại gần, từ tốn giải thích: “Cái quan trọng là bệnh Glaucoma, bệnh này phá thị giác gây ra mù mắt. Giải phẫu là biện pháp cuối cùng trong quá trình chữa trị. Lúc giải phẫu, tỷ lệ thất bại khoảng 10%, nếu thất bại phải giải phẫu lại. Còn chưa trừ xong bệnh này, là thị giác bạn còn bị mất thêm. Hôm nay tôi mừng vì biết chắc đã ngăn được bệnh này tác hại. Còn chuyện bạn không thấy rõ là chuyện tạm thời. Sau khi giải phẫu ai cũng bị kéo hột cườm, lệch tiêu điểm..., khi mắt bạn hoàn toàn bình phục tôi sẽ lột cái hột cườm kia đi, trả lại ánh sáng cho mắt bạn”.

Tính tôi mau nóng nhưng cũng mau nguội, tôi xuống giọng ôn hòa hỏi ông: “Chừng nào ông có thể lột hột cườm giúp tôi? Sau khi lột hột cườm rồi, mắt tôi có sáng lại như cũ không?” Ông nhún vai đứng dậy, chắp tay sau đít, đi tới đi lui trong phòng. Ông giải thích cho tôi, mà như ông nói với chính mình: “Vài tháng, …vài năm không chừng. Khi nắm chắc, tôi sẽ lột. Sau khi lột hột cườm rồi, dĩ nhiên bạn sẽ lấy lại sharpness, nhưng vision sẽ không còn được như xưa”.

Khó khăn lắm tôi mới dùng kính lúp viết được ít chữ, gửi thư báo cho anh bạn trên Toronto biết hoàn cảnh. Anh bạn phone xuống hỏi thăm rồi an ủi tôi: “Không viết được nữa thì làm thơ!” Tôi liền tìm một xấp giấy học trò và cây marker đen, giang sơn của tôi bây giờ là chiếc ghế bố đặt trước cái TV trong phòng gia đình. Lúc hứng thì tôi ngồi dậy viết dăm bẩy chữ, lúc buồn thì mở TV nằm nghe tin tức, mệt thì ngủ... Chiều chiều tôi mở chương trình Prime News Tonight, đài CNN, nghe cô Erika Hill đọc tin tức tổng kết trong ngày. Tôi mê giọng đọc líu lo như tiếng chim hót, và tiếng cười lanh chanh như tiếng khánh của cô này.

Ngày nào anh Đức cũng ghé thăm tôi nói dóc. Làm ông Từ quét lá đa từ khi qua Canada tới giờ, ai thất nghiệp mặc ai, anh cứ thảnh thơi như “bò kéo xe” vậy. Sáng chở vợ đi làm rồi anh mới tà tà đến nhà thờ quyét dọn, làm một lèo tới 1 giờ trưa là xong mọi việc. Siêng thì anh ghé về nhà đặt sẵn nồi cơm cho chị, làm biếng thì anh xuống thẳng nhà tôi ngồi tán dóc, chờ tới gần 5 giờ đi đón vợ. Hôm nào làm thêm overtime chị phone cho anh biết, hễ mệt thì anh về nhà nằm ngủ, nhưng thường thì anh ở chơi với tôi tới 7-8 giờ đi đón chị luôn.

Xấp giấy viết bằng marker đen, chữ to tổ trảng nằm dưới sàn nhà, ngay chân ghế bố tôi nằm. Không cần lượm lên, anh Đức ngoái cổ đọc lớn: “Cô ngồi kể chuyện cuộc đời / Đôi chân vắt chéo, mím môi không cười”.

“Ý trời trời! Mắt đã dzậy mà còn bày đặt làm thơ nữa chứ!... Ngon há!”

Tôi chưa kịp lên tiếng, anh đã lật đật hỏi dồn: “Mà chú tả ai dzậy chú?”

Tôi chỉ vào cái TV cười nói: “Anh thấy cô Erika đang ngồi đọc tin tức đó không, có phải là cô đang ngồi kể chuyện cuộc đời không nào?”

Nhìn cô Erika Hill trong TV, anh Đức cười vui: “À ha! Đúng là cổ ngồi vắt chéo đôi chân nè! Ý mà cô này lúc nào cũng toe toét cười có duyên dzậy mà chú nói cổ không cười là sao?... Bộ chú không thấy sao chú?... Chú nói cổ mím môi... mím môi... ý... mím môi làm sao đọc tin tức được chú?”

Anh Đức tru mỏ, nheo mày ngồi xuống chiếc ghế cạnh tôi, anh lẩm nhẩm đọc lại hai câu thơ tôi viết, mắt anh nhíu lại, đăm chiêu suy nghĩ. Tôi nằm im, giả đò như đang chăm chú nghe tin tức, nhưng thực sự là đang theo dõi động tịnh của anh. Tôi tính chọc anh thêm một chặp nữa rồi sẽ giải thích, chứ anh đâu có kiên nhẫn, hôm nay mà chưa tìm ra đáp án, anh sẽ không yên tâm ra về...

Bỗng dưng anh Đức vỗ vô đùi đánh đét một cái thật lớn, anh nhảy dựng dậy, reo lên như đứa con nít mừng mẹ đi chợ về được quà, miệng anh lắp ba lắp bắp: “Ây! Chú mày tả thanh nhưng có ý tục rồi phải không? Người ta nói “đi nhai đứng ngậm ngồi cười”. Hehe! Cô này ngồi vắt chéo chân nghĩa là mím môi đúng không? Hehe! Mím môi làm sao cười được?... Hay hay!... Câu trên chú tả cái miệng trên,... câu dưới chú tả cái miệng dưới,... đúng không chú?... Hay hay... Cô ngồi kể chuyện cuộc đời / Đôi chân vắt chéo, mím môi không cười!... Hay hay... Hehe...”

Không bột sao gột nên hồ

Hè 1977, chúng tôi ra trường và đi nhận nhiệm sở ngay. Tôi về làm Tài Vụ cho nhà máy xay Bình Tây trong Chợ Lớn, người bạn học thân lúc ấy lớn tuổi hơn tôi, về làm Phó phòng Tổ Chức (phòng Nhân Viên cũ) cho Sở Công Nghiệp tỉnh Sông Bé (Bình Dương cũ).
 
Một buổi trưa cuối tuần gần Giáng Sinh năm ấy, tôi ghé cư xá Thanh Đa thăm gia đình người bạn này. Vợ anh vồn vã mời tôi:
 
− Chú Trung ngồi chơi chờ chút, anh ấy cũng mong gặp chú lắm đấy. Anh ấy vô sở từ sáng chắc cũng sắp về tới rồi.
 
Tôi thắc mắc:
 
− Chủ Nhật chắc đi lao động chứ làm lụng gì hả chị?
 
Chị cười ruồi:
 
− Nghe đâu họp hành gì đó thôi!
 
Tôi chưa hút xong điếu thuốc anh ta đã mở cửa bước vào, thấy mặt tôi anh mừng ra mặt, nhưng lại vừa tức tưởi khóc vừa chửi:
 
− ĐM! Dã man quá! Tao mới đi dự xử bắn một Thượng Sĩ Ngụy!
 
Rồi anh chậm rãi kể nguyên nhân:
 
− Trước kia gia đình ông Thượng Sĩ này có cái máy Radio-Cassette hiệu AIWA. Sau “dải phóng” túng thiếu mới đem bán lấy tiền đong gạo nuôi vợ con, nhưng bỏ sót cái microphone trong hộc bàn. Thấy không quan trọng nên ổng không vất đi, chắc cũng tiếc rẻ một phần. Rủi sao du kích bắt gặp, cho đó là bộ phận của cái điện đài, và nghi CIA gài ổng lại để thâu lượm tin tức hàng ngày, rồi dùng cái điện đài đó mà liên lạc, báo cáo... Chúng nó đánh ổng bầm dập mà ổng vẫn ngoan cố không nhận tội, rốt cuộc tòa án nhân dân tỉnh Sông Bé cũng tuyên bố tử hình, bằng chứng điển hình duy nhất có cái microphone...
 
Kể đến đó anh chợt nhớ ra điều ấm ức nên lẩm bẩm chửi đổng:
 
− ĐM! Tiệc tùng thì Trưởng Phòng đi, còn tử hình nó giao cho thằng Phó! Đéo mẹ cha nó!
 
Sau đó anh lại tiếp tục kể:
 
− Thấy nó bịt mắt, bịt miệng lôi ổng ra mà tao không cầm được nước mắt. Hai thằng công an xốc nách lôi ổng ra trói vào cây cột ngoài sân vận động, chứ nó đánh ổng nhừ tử rồi đâu còn sức lê nổi nữa đâu. Nhắm chừng ổng chẳng còn sức chó đâu để la mà nó sợ vẫn bịt miệng?
 
Nghe tới đây tôi phẫn uất nên buột miệng chen vào:
 
− ĐM chúng nó là một lũ hèn! Nó sợ không bịt miệng rủi ổng la “Hồ Chí Minh muôn năm” lại không biết xử trí thế nào? Lệnh trên đã tử hình nên tha không được, mà bắn thì tự chửi vào mặt mình!
 
Anh bạn tôi nổi quạu chửi thề:
 
− ĐM! Ai mà điên như mày?
 
Tôi gân cổ cãi:
 
− Đằng nào cũng chết, sợ gì mà không quậy cho nó rối bem lên?
 
Anh bạn tôi vẫn bực bội chửi tôi khùng, trong khi vợ anh ngồi đan gần bên lại ôm bụng cười ngất, rồi bảo:
 
− Ai không dám chứ chú Trung dám lắm!
 
Thấy có người về phe mình, tự dưng tôi nổi hứng, cắc cớ nói:
 
− Bảo ông ấy là CIA là không đúng tội, nhưng xử tử hình thì quả là đúng người, chẳng có oan khiên gì ráo!
 
Anh bạn tôi tức quá không nhịn nổi gầm lên:
 
− Mày nói năng như cái đầu buồi!"
 
Tôi vừa cười vừa nhẩn nha giải thích:
 
− Anh nhớ chuyện người ta bắt được người thiếu phụ ngoại tình, họ tính làm khó nên giải đến hỏi Jesus rằng liệu có đáng ném đá hay không? Jesus trả lời rằng ai thấy mình không có tội thì cứ tự nhiên lượm đá ném! Thiên hạ phân vân một lúc rồi bỏ đi hết nên người thiếu phụ không bị giết, đúng không?
 
Nghe tôi giải thích đứng đắn, anh bạn tôi bớt giận cười khề khà bảo:
 
− Đúng! Rồi sao nữa?
 
Chị vợ cũng ngừng đan, ngồi yên lắng nghe tôi giải thích. Thấy thế tôi mới lấy gân nói tiếp:
 
− Tôi hỏi anh, chứ trong bụng mọi người, có ai là không căm hận, từng nguyền rủa Bác và Đảng không? Như vậy, dù có bắt và xử tử bất cứ người nào về tội phản động cũng đều không oan, cho nên tôi nói xử tử ông Thượng Sĩ kia là đúng người tuy không đúng tội!
Anh bạn tôi chồm dậy cười ha hả bắt lấy tay tôi siết mạnh. Chị vợ cũng cười lớn tiếng khen:
 
− Hay lắm! Chú Trung nói phải lắm!
 
Tôi say men chiến thắng nên thừa cơ xông tới:
 
− Bởi vậy Do Thái mới có câu thành ngữ rằng: "Bạn cứ đánh vợ bạn đi. Bạn không biết nó có tội gì nhưng nó biết!"
 
Anh bạn tôi thích chí vỗ tay cười thật lớn:
 
− Haha! Có lý lắm! Có lý lắm!
 
Chị vợ nguýt chồng thật dài rồi quay qua tôi trách:
 
− Chú Trung đừng có lợi dụng vơ chuyện này vào chuyện nọ không được đâu đó nhen!
 
Sau này tôi vượt biên và định cư ở Canada, lúc đọc quyển “Viết cho mẹ và quốc hội”, ông Nguyễn Văn Trấn kể vào thời Cải Cách Ruộng Đất, có người lúc bị xử bắn cũng hô to rằng “Hồ Chí Minh muôn năm”, khiến dân chúng tham dự bấm bụng dở khóc dở cười, trong khi bọn đầu trâu mặt ngựa và đội hành quyết bẽ mặt... Đọc đoạn đó tôi khoái chí rung đùi cười ha hả, hóa ra trên thế gian cũng có người đồng cảm với mình!
 
Tội ác của CS to lớn vô cùng, không phải chúng chỉ đày đọa và giết người bừa bãi trong các nhà tù nhỏ mà chúng gọi là trại tập trung cải tạo đâu, mà trong nhà tù lớn (ngoài đời), chúng cũng từng đày đọa, cướp đoạt và giết người bừa bãi lắm. Trong cuốn “Viết cho mẹ và quốc hội”, ông Nguyễn Văn Chấn cho biết (Trích):
 
“Mình phải thay trâu mà kéo cày, nhưng vẫn tin như thật: có cơm chan nước mắt mà lùa là nhờ ơn Đảng, ơn Bác.
 
Tôi chắc rằng không thể trong Nam mà làm được cải cách ruộng đất như vậy.
 
Tội ác của cải cách ruộng đất thì nói sao cho hết.
 
Anh đi hỏi bất cứ người dân nào họ cũng kể ít nhứt một chuyện, nghe khó tưởng tượng là có thiệt cho anh nghe.
 
Tôi lại là nhiều chuyện:
 
Ở Hải Dương, huyện Thanh Hà, xã Trường Thành có một ông đồ. Ông hai vợ. Vợ lớn nân. Ông kiếm vợ hai, và được một mụn con. Vợ lớn của ông có một miếng đất nho nhỏ và mướn người ta làm. Vậy mà ông bị đấu tố và bị quản thúc tại gia.
 
Ông ra vào than thở. Mình lấy lễ nghĩa mà dạy đời. Nay người ta gọi mình là thằng nọ, thằng kia. Đời như vậy thì sống làm gì nữa!
 
Bữa kia, ông họp mặt với đủ hai bà. Ông biểu chạy sang xin hàng xóm một trái bầu. Và ông nói hôm nay cả nhà ba người lớn và đứa trẻ ăn bầu luộc, uống nước bầu thỏa thê với một bữa ăn không mấy khi có. Cơm xong (tôi nói văn học quen miệng chứ đâu có cơm).
 
Tối lại ông treo cổ:
 
Người nhà nho ấy chết vì Đảng đã phát động người ta chà đạp đạo lý luân thường. Anh nghe, anh có thấy tội nặng của trung ương các anh không?
 
Anh Khiêm nói hóm:
 
− Theo chú mày là tội gì nè? Ông già tự vận chớ có ai đem bắn ổng đâu?
 
− Trời ơi! Anh chà đạp con người, là anh đã giết ổng rồi, trước khi ổng tự tử!
 
Tôi phải nói tiếp theo một tội các anh giết người đồng chí. Đồng chí ấy tên là Nguyễn Văn Soạn, đương bí thơ liên chi tứ xã Lâm Thao. Bị quy đủ ba tội để được tử hình.
 
Tội đầu: phản động chui vào hàng ngũ Đảng.
 
Tội kế: địch cài để làm chiến tranh tâm lý.
 
Tội ba: địa chủ bóc lột, cho dân muớn đất để cho dân cám ơn địa chủ nuôi mình.
 
Anh bị tra tấn gì anh cũng không nhận mình có tội.
 
Bị đấu tố và giam chung với anh là một quần chúng tốt. Người ta cũng dựng lên theo đúng thủ tục, có đủ ba tội, mà tội đầu là tuyên truyền nhục mạ Đảng.
 
Mới bị sơ vài cây đòn gánh vào lưng, anh đã: “dạ thưa có hết”.
 
Đồng chí Soạn hỏi sao vậy?
 
Người quần chúng trả lời rằng: đời tôi có đảng, mà đảng đã phát động người của đảng giết tôi, thì tôi chỉ có chịu chết mà thôi. Bây giờ đồng chí cùng tôi ôm nhau mà chết. Khác nhau chỉ có một điều, thân thể của đồng chí bầm dập còn của tôi thì lành” (Ngưng trích).
 
Mới đây, sau vụ việc bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường ném xác bệnh nhân thẩm mỹ trôi sông, công an Hà Nội mò tìm chưa ra người xấu số, vô tình lại vớt lên được 6 xác người khác không rõ xuất xứ trên sông Hồng, thì ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ Nhiệm Ủy Ban Tư Pháp khen ngợi: “Cơ quan điều tra Việt Nam là một trong những cơ quan giỏi nhất thế giới, phá án rất nhanh”. Thành thử ra, công an Hà Nội buộc lòng phải ngưng ngay công tác mò tìm, trước là để khỏi rối rem, sau là bảo vệ lời khen ngợi hết sức tốt đẹp của ông Phó Chủ Nhiệm.
 
Ngày 07/11/2013 ở New York, Đại Sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, ông Lê Hoài Trung đã thay mặt Chính Phủ Việt Cộng ký Công ước chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá con người, gọi tắt là Công ước chống tra tấn, để chuẩn bị ứng cử vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm khóa 2014-2016.
 
Các thế lực thù nghich lấy cớ đó mà ra rả nói xấu và chỉ trích chính phủ ta, họ cho rằng các hành vi tra tấn thể xác, khủng bố tinh thần, bức cung, ép cung khi thẩm vấn, khi giam giữ là chuyện thường tình xảy ra như cơm bữa hàng ngày ở Việt Nam, và chính điều đó đã dẫn đến nhiều cái chết oan khiên (gọi là tự tử) của người dân tại các đồn công an trong thời gian qua, hay gây ra những án oan sai mà tiêu biểu là vụ án hy hữu (nhờ thủ phạm ra đầu thú) của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, người vừa được tạm tha sau 10 năm ở tù oan vì tội giết người. Tệ lậu nhất là bản thân ông Nguyễn Thanh Chấn mới được tạm tha, đã chính thức tố cáo công khai trước dư luận, rằng ông đã phải hứng chịu những nhục hình ghê tởm liên tục từ các điều tra viên, từ những tù nhân khác do các điều tra viên này sai khiến. Những nhục hình đó bao gồm những biện pháp tra tấn thể xác, uy hiếp tinh thần, nhằm ép cung, buộc ông phải nhận tội giết người, thậm chí còn đạo diễn, sắp đặt cho ông "luyện tập" để nhập vai hung thủ...
 
Nhận định qua bài "Xét xử tên Nguyễn Thanh Chấn là đúng người nhưng chưa đúng tội", đăng trên blog của mình ngày 10/11/2013, Người Buôn Gió đã phân tích sâu sắc để tìm ra những khúc mắc trong vụ án hy hữu và ly kỳ này (Trích):
 
Tên Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang gần đây đã làm xôn xao dư luận vì án oan giết người của y.
 
Qua quá trình báo chí phanh phui và những lời khẳng định của các cán bộ điều tra vụ tên Chấn giết người, đã có thể kết luận.
 
1- Tên Nguyễn Thanh Chấn bị xử tù là đúng người, nhưng chưa đúng tội.
 
2- Cần xử lại tên Nguyễn Thanh Chấn đúng tội để chấn an dư luận, giữ vững hình ảnh của người chiến sĩ công an nhân dân, giữ vững niềm tin của nhân dân vào sự công bằng của pháp luật.
 
Tên Chấn mặc dù không giết người, nhưng khi được cán bộ điều tra hỏi đến, y đã nhận tội giết người. Mục đích là để cán bộ ta xử oan sai, qua đó tạo dư luận là hệ thống pháp luật ưu việt của nhà nước ta có nhiều điểm bất cập. Hòng để thế lực bên ngoài lợi dụng chỉ trích, nói xấu chế độ.
 
Hành vi của y là có tính toán thâm độc, y đã chủ định diễn tập tư thế giết người rất khớp với hiện trường. Trước đó y đôi lần giả bộ kêu oan muốn chết cho cán bộ ta xét về mặt tâm lý học tội phạm càng thấy khớp với tâm lý của những tên tội phạm. Đồng thời y không nhận tội ngay, mà một cách có bài bản ý nhận tội dần dần qua mỗi lần đấu tranh của cán bộ điều tra. Điều đó khiến cán bộ điều tra của chúng ta càng ngày càng bị y lừa gạt dẫn đến nhận định sai lạc.
 
Khi ra được khỏi nhà tù, tên Chấn tuy mồm nói ơn Đảng, ơn Chính phủ...nhưng mặt khác y lợi dụng quyền tự do ngôn luận. Tố cáo sai lệch rằng trong quá trình điều tra, cán bộ công an đã dùng những biện pháp tra tấn uy hiếp y, bức bách y nhận tội.
 
Qua sự xác minh khách quan, khoa học và rút kinh nghiệm bị y lừa lần trước. Lần này ban giám đốc công an Bắc Giang đã cẩn trọng tìm hiểu kỹ càng sự việc.  Quá trình xác minh cho thấy 6 cán bộ điều tra vụ tên Chấn không hề dùng biện pháp bức cung nào, tất cả là do tên Chấn tự nhận và thủ đoạn diễn tập hành vi phù hợp với hiện trường để lừa cán bộ ta.  Lời khai của 6 cán bộ đều trùng khớp nhất quán là không hề có biện pháp bức cung, tra tấn, dọa nạt nào.
 
Không dễ gì các lãnh đạo công an tỉnh Bắc Giang lại bị y lừa một lần nữa, bộ mặt của y đã bị bộc lộ. Cần phải trừng trị y thích đáng về hai tội là.
 
1- Tự nhận tội giết người làm sai lệch hồ sơ, gây ảnh hưởng đến uy tín ngành công an.
 
2- Vu khống cán bộ nhà nước trong lúc thi hành công vụ.
 
Có thể phải làm rõ động cơ nào đã khiến tên Nguyễn Thanh Chấn liên tiếp có những hành động bôi nhọ hệ thống pháp luật ưu việt của đảng và nhà nước ta. Sự ưu việt này đã được khẳng định trong công cuộc xây dựng CNXH, được bạn bè quốc tế đánh giá cao (như Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Syry, Iran...) Việt Nam đã có thành tựu trong cải thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, sắp tới chúng ta còn là đại diện nhân quyền trong liên hợp quốc nữa. Cần phải làm rõ trước những thành tựu mà chúng ta đạt được về quyền con người, phải chăng có sự cấu kết của tên Nguyễn Thanh Chấn với thế lực thù địch để phá hoại thành quả của chúng ta đang nỗ lực đạt được.
 
Mong rằng cơ quan công tố tỉnh Bắc Giang sớm đưa vụ án tên Nguyễn Thanh Chấn vu khống cán bộ nhà nước ra xét xử, cho bà con nhân dân thấy rõ ánh sáng công minh của Đảng và nhà nước ta. (Ngưng trích)
 
Bất chấp sự chỉ trích của các nhóm nhân quyền khắp thế giới. Ngày 12/11/2013, Việt Nam trúng cử với số phiếu cao nhất 184/192 trong số 14 nước thành viên mới được bầu, bao gồm các nước Nga, Trung Cộng, Cu Ba..., và lần đầu tiên trở thành thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.
 
Con số đồng thuận cao ngất ngưởng 96% trước đây chỉ xuất hiện trong các cuộc bầu bán ở Bắc Hàn, Cu Ba, Trung Cộng, Việt Cộng, là niềm tự hào cho Đảng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Ông Trần Văn Hằng, Chủ Nhiệm Ủy Ban Đối Ngoại của Quốc Hội tỏ ra đắc ý: "Điều này chứng tỏ chúng ta đã hội nhập quốc tế rất sâu, rất rộng", và đắc chí: "Đó sẽ là đòn đánh mạnh vào các đối tượng mà bấy lâu nay với mục đích cố tình bôi nhọ, vu cáo chúng ta". Ông Trần Văn Hằng "hồ hởi" sảng rằng: "Vào Hội đồng này, chúng ta là một thành viên của Hội đồng nên sẽ có tiếng nói rất quan trọng trong việc xác định để làm cho thế giới rõ hơn vấn đề quyền con người ở mỗi quốc gia và đặc biệt là để hiểu rõ hơn về quyền con người ở Việt Nam".
 
Quyền con người, thực ra vẫn còn là món hàng hết sức xa xỉ đối với người dân trong nước, nhưng lại là vật trang sức đắt giá để nhà cầm quyền Việt Cộng dùng để ngả giá trong việc trao đổi với Thế Giới Tự Do. Tục ngữ Việt Nam có câu: "Không bột sao gột nên hồ", còn nói theo lối nói của Lão Ngoan Đồng Tôn Thất Tuệ thì "Bi hài kịch bắt đầu, bi hài kịch chưa xong, bi hài kịch còn dài..."



Phạm Khắc Trung