Saturday 30 November 2013

Tuyên Cáo Thành Lập "Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam”

VIETNAMESE WOMEN FOR HUMAN RIGHTS | PHỤ NỮ NHÂN QUYỀN VIỆT NAM

Cho đến thế kỷ 21- thời đại của tri thức và dân chủ tự do, Việt Nam vẫn còn là quốc gia có một hồ sơ dày cộm về đàn áp Nhân quyền.

Nhân quyền được coi là thước đo quan trọng để định hình mức độ văn minh và là điều kiện tiên quyết tạo ra phúc lợi tinh thần và giá trị nhân văn cho con người. Thế giới ngày hôm nay đã và đang đề cao Nhân quyền trong tất cả các lĩnh vực hoạt động xã hội. Tuy nhiên hiện nay người dân Việt Nam vẫn chưa có cơ hội thụ hưởng Nhân quyền theo dúng ý nghĩa tốt đẹp và nhân bản nhất của nó. Bằng chứng là nhiều người bảo vệ Nhân quyền ở Việt Nam vẫn đang tiếp tục bị đàn áp bằng nhiều hình thức, đặc biệt là những người phụ nữ.


Trong bối cảnh đó, thiết nghĩ, việc hình thành và phát triển các tổ chức xã hội dân sự bảo vệ Nhân quyền là điều cần thiết và khẩn cấp. Các tổ chức này không chỉ quan trọng đối với lợi ích của mỗi cá nhân người dân mà còn thiết thực đối với việc xây dựng nền tảng thăng tiến xã hội. Vì thế, chúng tôi - những người quan tâm về nhân quyền nói chung và nhân quyền của nữ giới nói riêng cùng nhau cho rằng việc thành lập Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam (http://vnwhr.net/) là sự cần thiết để đại diện một cách độc lập, công bằng và vô vị lợi cho toàn thể những người phụ nữ đã, đang và sẽ bị tổn thương về Nhân quyền, lập nên một tổ chức sinh hoạt dân sự có tên gọi là Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam nhằm:

- Gắn kết các cá nhân phụ nữ chịu thiệt thòi và dễ bị tổn thương từ các vụ việc vi phạm Nhân quyền.

- Lên tiếng và có những hành động bảo vệ thiết thực đối với những người phụ nữ đã và đang bị xâm phạm phẩm giá và các quyền con người cơ bản.

- Chia sẻ và tuyên truyền những kiến thức nhằm nâng cao trình độ hiểu biết của phụ nữ Việt Nam về quyền con người và về vai trò của phụ nữ trong một xã hội tôn trọng nhân quyền.

Tôn chỉ của Phụ nữ Nhân Quyền Việt Nam không gì quan trọng hơn là nâng cao nhận thức của từng cá nhân trong xã hội về phẩm giá con người và những quyền con người cơ bản của chính mình cũng như của người khác, từ đó góp phần thúc đẩy một xã hội tôn trọng nhân quyền.

Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam là một tổ chức xã hội dân sự, phi chính trị cam kết góp vai trò của mình vào mục tiêu kiến tạo một xã hội Việt Nam tôn trọng nhân quyền, và là một bộ phận không tách rời trong phong trào bảo vệ nữ quyền trên thế giới.

Ngày 25/11/2013.
Ban Vận Động
____________________

LỜI KÊU GỌI HỖ TRỢ “PHỤ NỮ NHÂN QUYỀN VIỆT NAM”

Chị em thân mến,

Chúng ta được sinh ra làm con người, chỉ riêng điều đó khẳng định giá trị tự thân và quyền bình đẳng cố hữu của chúng ta khi so sánh với những người đồng loại khác. Mỗi cá nhân trong xã hội loài người được phân biệt dựa vào vai trò, nhiệm vụ chứ không phải dựa vào phẩm giá. Do đó, với tư cách là những thực thể hiện hữu có phẩm giá, chúng ta có những quyền bất khả xâm phạm mang tính phổ quát. Và chừng nào chúng ta còn được xác định là con người, chúng ta không thể nào chấp nhận sự bất bình đẳng về Nhân phẩm, Nhân quyền và vai trò xã hội.

Ngày nay, dù nhân loại đã đạt được những thành tựu không thể chối cãi, ở nhiều nơi trên thế giới nói chung và ở nhiều vùng đất Á Đông của chúng ta nói riêng, phụ nữ vẫn đang là đối tượng của những hành xử bất công trong sự thông đồng đáng xấu hổ giữa các định chế văn hoá và pháp luật. Như chị em đã biết, nền văn hoá cũ và cái não trạng mất cân bằng của nó đã mặc định những giá trị bất công và mang tính kỳ thị đối với phụ nữ. Vị thế dễ bị tổn thương dành cho nữ giới vẫn được duy trì cho đến ngày nay, bất chấp những tuyên bố hoa mỹ của chính quyền về quyền bình đẳng giới tính.

Pháp luật và các định chế chính trị của Việt Nam không những không có khả năng bảo vệ quyền tự do của người dân mà còn là công cụ tước đoạt các Nhân quyền không thể chuyển nhượng.Trong bối cảnh đó, hoàn cảnh của nữ giới còn tồi tệ hơn nhiều lần. Và thực tế cho thấy, chị em phụ nữ chúng ta, trong cuộc đấu tranh bảo vệ Nhân quyền và lợi ích chính đáng của mình đã chịu nhiều đàn áp, sách nhiễu không kém nam giới và nhận lãnh những hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều từ chính sách đàn áp ấy, cả về vật chất lẫn tinh thần.

Chúng ta nên làm gì khi Nhân quyền của chính chúng ta bị xâm phạm? Chúng ta nên làm gì khi lợi ích vật chất và tinh thần của chúng ta bị tước đoạt bởi Nhà cầm quyền? Chúng ta phải làm sao khi lòng tự hào được làm một con người và sự tự tôn trong tư cách người phụ nữ bị chà đạp trong đồn công an, trên đường phố, trong công xưởng? Chúng ta phải làm gì khi phải chịu những đau khổ tinh thần khó chữa lành khi chứng kiến những người thân yêu của chúng ta bị đàn áp, sách nhiễu, tù đày trong cuộc đấu tranh cho tự do và Nhân quyền hay bị tra tấn, bắt giữ vì sự lộng hành của công an? Chúng ta phải làm gì khi đối mặt với thực tế rằng tương lai con cái chúng ta vô cùng ảm đạm vì cha mẹ chúng là đối tượng của sự đàn áp? Chúng ta nên đối phó thế nào khi danh dự của mình bị bôi nhọ bởi báo chí Nhà nước? Tất nhiên, chúng ta không thể cam chịu.

Trong tinh thần tôn trọng Nhân phẩm và Nhân quyền, trong sự thấu hiểu những thiệt thòi mà chị em chúng ta đã và đang chịu đựng trong một thể chế mà pháp luật không nhằm bảo vệ Nhân quyền và Dân quyền, trong niềm khát khao Tự do và Công lý, trong mong ước được dấn thân cho cuộc đấu tranh bảo vệ Nhân quyền mà đối tượng đặc biệt là phụ nữ, chị em chúng tôi-những phụ nữ đã từng có kinh nghiệm bị tước đoạt Nhân quyền-bất chấp sự khác biệt về quan điểm, hoàn cảnh và địa lý, đã ngồi lại với nhau trong cùng một mục tiêu bảo vệ Nhân quyền của nữ giới, đặc biệt là những người phụ nữ vì lên tiếng cho Nhân quyền mà bị đàn áp và thành lập nên một tổ chức dân sự có tên là PHỤ NỮ NHÂN QUYỀN VIỆT NAM (http://vnwhr.net/).

Tất cả chị em phụ nữ Việt Nam chúng ta có quyền được sống trong một xã hội tự do, an toàn, thịnh vượng nhưng thực tế thì ngược lại. Và lưu ý rằng, Tự do và Nhân quyền là những giá trị không thể có nhờ cầu xin, chờ đợi. Chúng ta phải lên tiếng vì các vụ đàn áp và kêu cầu chính quyền phải tôn trọng nhân quyền. Và chỉ khi Nhân quyền và lợi ích của những người phụ nữ được tôn trọng, lợi ích của gia đình và con cái chúng ta mới được bảo vệ.

Vì vậy, chúng tôi tha thiết kêu gọi sự ủng hộ và tham gia của tất cả những chị em phụ nữ Việt Nam quan tâm đến vấn đề Nhân quyền không phân biệt thành phần xã hội. Chúng tôi cũng trân trọng đón nhận sự yểm trợ của những quý ông tôn trọng Nhân quyền của nữ giới và yêu quý phụ nữ. Sự tham gia và yểm trợ của tất cả quý vị không những tạo điều kiện thuận lợi cho Hội chúng tôi lên tiếng bảo vệ chị em phụ nữ, mà còn giúp thăng tiến Nhâm phẩm, Nhân quyền và Tự do của tất cả người dân Việt Nam nói chung trong một thời đại mà Nhân quyền là giá trị được cổ vũ hàng đầu bất chấp sự khác biệt về văn hoá, địa lý và chính trị.

Thay lời kết, chúng tôi xin kính gởi lời chúc bình an và lòng yêu quý đến tất cả chị em phụ nữ Việt Nam cũng như gởi lời cảm tạ đến tất cả người Việt Nam quan tâm đến Nhân quyền trên khắp thế giới. Xin đồng hành với chúng tôi trong cuộc vận động khó khăn này.

Ngày 25/11/2013
Ban Vận Động
_________________

Thành viên

1. Bùi Thị Nữ, Sài Gòn
2. Dương Thị Tân, Sài Gòn
3. Dương Thị Xuân, Hà Nội
4. Đinh Phương Thảo, Sài Gòn
5. Đinh Thị Nguyễn Thảo Quỳnh Như, Sài Gòn
6. Huỳnh Khánh Vy, Quãng Nam
7. Huỳnh Phương Thảo, Quãng Nam
8. Huỳnh Thị Hưởng, Quãng Nam
9. Huỳnh Thị Thu Hồng, Quãng Nam
10. Huỳnh Thục Vy, Sài Gòn
11. Lê Ngọc Hồ Điệp, Sài Gòn
12. Lê Thị Công Nhân, Hà Nội
13. Lê Thị Phương Anh, Quãng Trị
14. Mai Thương Thảo, Hà Nội
15. Ngô Thị Hồng Lâm, Bà Rịa-Vũng Tàu
16. Nguyễn Hoàng Vi, Sài Gòn
17. Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nha Trang
18. Nguyễn Nữ Phương Dung, Sài Gòn
19. Nguyễn Thảo Chi, Sài Gòn
20. Nguyễn Thị Ánh Ngân, Bà Rịa-Vũng Tàu
21. Nguyễn Thị Cúc, Sài Gòn
22. Nguyễn Thị Huyền Trang, Hà Nội
23. Nguyễn Thị Huyền Trang, Sài Gòn
24. Nguyễn Thị Kim Liên, Long An
25. Nguyễn Thị Kim Thanh, Bình Dương
26. Nguyễn Thị Nga, Hải Phòng
27. Nguyễn Thị Thu Hiền, Hà Nội
28. Nguyễn Thị Yến Trang, Sài Gòn
29. Phạm Thanh Nghiên, Hải Phòng
30. Phạm Thị Anh Kiều, Lâm Đồng
31. Tạ Minh Tú, Bạc Liêu
32. Trần Thị Nga, Hà Nam
33. Trần Thị Tô, Nghệ An
34. Trịnh Kim Tiến, Sài Gòn
35. Vũ Minh Khánh, Hà Nội



Chương trình VN Tuần Qua (DCCT) phỏng vấn Blogger Hoàng Vi và Thục Vy của Phụ Nữ Nhân Quyền VN


Phụ Nữ Nhân Quyền bảo vệ nữ quyền

YếnTrang cùng các chị trong PNNQVN
Yến Trang (thứ hai từ trái sang) cùng các chị trong PNNQVN
Nguyễn Thị Yến TrangSaigon 30/11/2013.
Ngày 25.11.2013 là ngày thành lập Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam- đánh dấu một  bước chuyển quan trọng trong việc khẳng định Nhân quyền của con người nói chung, của Phụ Nữ nói riêng ở Việt Nam
Từ đầu năm 2013 đến nay, Phong trào đấu tranh cho Nhân quyền ở Việt Nam đã phát triển theo chiều hướng tích cực và để lại những dấu ấn quan trọng, mà đại diện cho Phong trào là hình ảnh những người Phụ nữ . Tên tuổi của những người phụ nữ như  Tạ Phong Tần,  Dương Thị Tân, Huỳnh Thục Vy, Phạm Thanh Nghiên, Mẹ Nấm, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Hoàng Vi, Đoan Trang …..đã được nhiều người biết đến như một đoàn quân tiên phong cho phong trào dân chủ ở Việt Nam, họ mạnh mẽ – kiên cường biết bao!
Sợ hãi luôn là rào cản lớn nhất ở những người dân đang sống dưới một chế độ độc tài. Khi nỗi sợ đó xâm chiếm hết mọi suy nghĩ thì những hành động đều bị giới hạn và chịu sự kìm kẹp của họ. Tất cả chúng ta đều đang phải sống trong một xã hội với những bất công, đàn áp…nhưng sự sợ hãi khiến chúng ta chấp nhận những bất công như một điều hiển nhiên. Và những người phụ nữ dám đứng lên đấu tranh đòi công bằng, người lên tiếng bảo vệ quyền của chính bản thân mình đều bị đàn áp, đánh đập, giam cầm. 
Trường hợp những người phụ nữ xuống đường biểu tình chống Trung Quốc xâm lược bị đánh đập dã man, bị hành hung như Nguyễn Hoàng Vi, Huỳnh Thục Vy… Chị Thúy Nga dân oan bị cưỡng chế, dọa dẫm, trấn áp tinh thần khi đang mang thai …Tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh phải chịu 7 năm tù giam vì đã lên tiếng đòi lại quyền lợi chính đáng của những người công nhân bị bóc lột sức lao động trái phép…Những hình ảnh đó đã dấy lên một làn sóng mạnh mẽ kêu gọi toàn thể chúng ta phải lên tiếng – phải vượt lên sự sợ hãi để đòi lại quyền con người chính đáng mà tự  thân mỗi người chúng ta đều đã bị xâm phạm.
Phụ nữ là phái yếu, phái đẹp, họ xứng đáng nhận được những gì cao quý, tốt đẹp nhất. Vậy mà  ở xã hội hiện nay, phụ nữ đang mạnh mẽ bước ra vận động dân chủ cho nước nhà thì lại trở thành đối tượng bị tổn thương nhiều nhất về mọi mặt. Người phụ nữ trong gia đình,đặc biệt là những người mẹ, người vợ có con, có chồng là những tù nhân chính trị lại phải hứng chịu nhiều sự bất công, thiệt thòi, mất mát. Trong tình cảnh đó, Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam được sáng lập. Thiết nghĩ đây là một nhu cầu cần thiết và cấp bách để hỗ trợ cho các chị em phụ nữ đã và đang bị đàn áp về mặt tinh thần lẫn thể chất.
Tất cả chúng ta đều có quyền và xứng đáng sống trong một xã hội tôn trọng nhân quyền, đặc biệt là khi Việt Nam đã trở thành thành viên của Hội đồng Nhân Quyền Liên Hợp quốc vào ngày 13.11 vừa qua. Khi quyền con người của chúng ta bị tước đoạt một cách vô cớ và tàn bạo, thì đây là lúc chúng ta cần ngồi lại với nhau đòi lại quyền đã mất đó, đơn giản vì tôi và các bạn đều là phụ nữ, đều cần được sự tôn trọng nhân phẩm và công bình xã hội.
Đừng lo sợ, đừng thờ ơ trước những bất công, đừng đầu hàng trước nhà cầm quyền độc tài.. Hạnh phúc không nằm ở đích đến mà nằm trên chính con đường chúng ta đang đi qua. Hãy lên tiếng, hãy cùng nhau đi tìm công bằng cho chính bản thân ta và Nhân Quyền cho tất cả các chị em phụ nữ.


Chi, Oanh, Vi, Như, Trang và Nhung
Chi, Oanh, Vi, Như, Trang và Nhung

VRNs (28.11.2013) – Sài Gòn – Tổ chức sinh hoạt dân sự có tên gọi Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam ra đời với Tuyên Cáo Thành Lập “Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam”, vào ngày 26.11.2013.
Cô Yến Trang, một trong những thành viên của tổ chức xã hội dân sự Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam cho biết mục đích: “Thứ nhất, gắn kết các cá nhân phụ nữ chịu thiệt thòi và dễ bị tổn thương từ các vụ việc vi phạm Nhân quyền. Thứ hai, lên tiếng và có những hành động bảo vệ thiết thực đối với những người phụ nữ đã và đang bị xâm phạm phẩm giá và các quyền con người cơ bản. Thứ ba, chia sẻ và tuyên truyền những kiến thức nhằm nâng cao trình độ hiểu biết của phụ nữ Việt Nam về quyền con người và về vai trò của phụ nữ trong một xã hội tôn trọng nhân quyền.” 
Cô Yến Trang cho hay, lý do ra đời của tổ chức dân sự Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam: “[Tổ chức dân sự] Phụ nữ Nhân quyền VN không dựa trên một cá nhân hay một tổ chức mà chính những người phụ nữ đang bị chính sách đàn áp, sách nhiễu của pháp luật hiện nay lập nên, để lên tiếng bảo vệ cho những người phụ nữ đã và đang chịu sự đàn áp bóc lột.”
“Đối tượng của [Tổ chức dân sự] Phụ nữ Nhân quyền VN là tất cả những phụ nữ VN có độ tuổi từ 18 tuổi trở lên, có hành vi dân sự, quan tâm và ủng hộ cho mục tiêu của [Tổ chức dân sự] Phụ nữ Nhân quyền VN.” Cô Yến Trang cho biết thêm.
Cô Hoài Tô sống tại Vinh và là một trong những thành viên của Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam cho hay: “Người phụ nữ thường gắn với công việc nội trợ trong gia đình và ít tham gia vào các công tác của xã hội. [Tổ chức dân sự] Phụ nữ Nhân quyền VN là một cơ hội tốt để cho những người phụ nữ được gióng lên tiếng nói của họ, bày tỏ quan điểm của họ và tham gia vào các công việc của xã hội để thể hiện được trách nhiệm của một người công dân.”
Cô Yến Trang nêu nguyện vọng: “Điều tôi mong muốn nhất là tất cả các chị em phụ nữ VN có quyền sống trong một xã hội tự do và hạnh phúc, vượt qua sự sợ hãi bởi sự đàn áp, sách nhiễu [từ nhà cầm quyền cs] để đứng lên và lên tiếng cùng với nhau, và bảo vệ quyền lợi cho chính cá nhân người phụ nữ.”
Còn cô Hoài Tô mong muốn: “Tôi mong muốn có nhiều sự cộng tác của các bà mẹ tù nhân lương tâm là những người tiên phong, động viên nhau trong công việc hằng ngày, cùng nhau hành động để có sự thay đổi.”
Trong bản Tuyên cáo Thành lập “Phụ nữ Nhân quyền VN” cho biết thêm: “Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam là một tổ chức xã hội dân sự, phi chính trị cam kết góp vai trò của mình vào mục tiêu kiến tạo một xã hội Việt Nam tôn trọng nhân quyền, và là một bộ phận không tách rời trong phong trào bảo vệ nữ quyền trên thế giới.”
HT.VRNs

Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam

Các vận động viên và thành viên của nhóm “Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam”. Courtesy vnwhr.net
Các vận động viên và thành viên của nhóm “Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam”.
Courtesy vnwhr.net
 Lý do Phụ Nữ Nhân Quyền ra đời
Ngày 15 tháng 11 vừa qua, Xã hội dân sự Việt Nam vừa có thêm một thành viên mới: đó là một nhóm có tên gọi là:  “Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam”.
Trong cuộc vận động cho Nhân quyền ở Việt Nam, sự đóng góp của nữ giới là quan trọng và không thể chối cãi; nhưng họ lại là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất trước sự đàn áp của chính quyền. Có lẽ nhiều người không quên được hình ảnh blogger Huỳnh Thục Vy bị lôi kéo giữa công an trong các cuộc biểu tình, blogger Nguyễn Hoàng Vi bị xúc phạm thân thể, bị đánh chảy máu mũi trong đồn công an , gần đây nhất luật sư Lê thị Công Nhân bị công an hành hung ngay giữa đường phố Hà nội. Đã đến lúc những người phụ nữ này phải tự lên tiếng cho chính họ. Vì thế, Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam ra đời. Một trong những vận động viên của Phụ Nữ Nhân Quyền, chị Dương thị Tân, người vợ củ của người tù lương tâm Điếu Cày  cho chúng tôi biết lý do Phụ Nữ Nhân Quyền ra đời: 
“Trong bối cảnh hiện này, phụ nữ luôn luôn là những người dễ bị tổn thương nhất. Khi mà những gì người ta cần xúc phạm, người ta cần khủng bố thì người ta nắm vào chổ yếu của chị em phụ nữ. Người phụ nữ trong gia đình, nhất là gia đình của các tù nhân chính trị là những người luôn luôn hứng chịu những cảnh đau thương, thiệt thòi, mất mát nhiều nhất. Và, một điều nữa là khi mà Việt Nam đã tham gia vào Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc thì cái điều đầu tiên là họ cần phải tôn trọng Nhân quyền , nhất là Nhân quyền của chị em phụ nữ. Đó là cái lý do mà chúng tôi nhóm lại với nhau để trước hết là bảo vệ cho chính các chị em phụ nữ đó và sau nữa là bảo vệ gia đình của họ.”
Blogger Hoàng Vi, một trong những người đã từng bị xúc phạm thân thể và nhân phẩm trong đồn công an, cho biết lý do cô tham gia vào Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam :
“ Lý do khiến cho em tham gia vào Phụ Nữ Nhân quyền Việt Nam là vì em cũng đã từng trải qua những xâm phạm về quyền Tự do. Cá nhân em, em cũng đã từng bị tước đoạt những cái quyền căn bản của em, và thậm chí là bị xâm phạm thân thể và nhân phẩm một cách rất nặng nề cho nên khi Phụ Nữ Nhân quyền Việt Nam ra đời em cần phải tham gia để cùng mọi người lên tiếng bảo vện quyền của phụ nữ.”
Qua các quá trình bị đàn áp, sách nhiễu tại nhà riêng và các nơi công cộng, một ý tưởng liên kết lại để tự bảo vệ mình đã nhen nhúm, từ đó cuộc vận động âm thầm bắt đầu. Blogger Huỳnh Thục Vy, một trong những người tham gia từ đầu kể lại quá trình vận động như sau:
“Chúng tôi đã manh múm ý tưởng này từ lâu nhưng do hoàn cảnh khó khăn về nhân lực trong số chị em phụ nữ chúng tôi lẫn những sách nhiễu rình rập từ phía chính quyền nên ý tưởng này mới thực sự hoàn chỉnh từ cách này vài tháng thôi, chúng tôi đã có liên hệ với các NGO quốc tế và các toà đại sứ của các quốc gia dân chủ  đặt tại Việt Nam và đặc biệt là họ đều đồng ý với chúng tôi là có một sự thiếu vắng một tổ chức bảo vệ Nhân quyền cho nữ giới ở Việt Nam và họ cũng hứa sẽ đồng hành với chúng tôi trong cuộc vận động tự vệ này”.
Các vận động viên và thành viên của nhóm “Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam”. Courtesy vnwhr.net
Các vận động viên và thành viên của nhóm “Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam”. Courtesy vnwhr.net

Liên kết để đấu tranh

Một xã hội dân sự mới ra đời tại một nước độc đảng như Việt Nam vẫn luôn luôn là một sự thăm dò phản ứng của nhà cầm quyền cũng như xã hội chung quanh, chị Dương thị Tân chia sẻ những khó khăn và thuận lợi trong quá trình vận động:
“Về khó khăn thì những người đại diện trong cơ quan công quyền chưa có 1 thái độ gì cho đến ngày hôm nay. Chưa có thái độ gì chứ mình cũng không dám chắc là không có thái độ gì. Mình chỉ dám nói là chưa có động thái gì. Còn thuận lợi thì mình gặp rất là nhiều sự hưởng ứng, hỗ trợ tinh thần rất tốt từ những nơi mà mình yêu cầu cái sự hỗ trợ, yeu cầu sự quan tâm.”
Và nếu, trong tương lai sẽ có gặp khó khăn từ nhà cầm quyền thì họ cũng đã chuẩn bị cho mình những tư thế sẵn sàng, blogger Nguyễn Hoàng Vi chia sẻ:
“Từ  trước đến giờ thì những người phụ nữ đấu tranh cho Nhân quyền ở Việt Nam vẫn luôn luôn gặp những cái rủi ro, những cái nguy hiểm và em thấy rằng mọi người đều vượt qua những rủi ro, nguy hiểm đó và tiếp tục đấu tranh bây giờ đã đến lúc mọi người ngồi lại với nhau, liên kết lại với nhau, gắn bó lại với nhau để mà đấu tranh về vấn đề nhân quyền , em nghĩ mọi người trong ban vận động của hội thì đều sẵn sàng đối thoại với nhà cầm quyền và sẵn sàng đón nhận những cái gì mình không mong muốn mà do họ gây ra.”
Bên cạnh đó, Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam sẽ mở đầu một hướng đấu tranh khác, chủ động hơn. Cô Huỳnh Thục Vi, một trong 9 vận động viên nói rằng:
“Trước nay, những nhà đấu tranh bảo vệ Nhân quyền ở Việt Nam luôn bị động trước những đàn áp của chính quyền. Nhưng từ nay chị em chúng tôi muốn chủ động đối phó với tình huống. Chúng tôi đã có những kênh liên lạc cần thiết với các NGO Nhân quyền quốc tế, các Toà Đại sứ và các báo đài. Việc lên tiếng với truyền thông và các nhà ngoại giao nước ngoài là việc đầu tiên nhưng vô cùng quan trọng. Sau đó thì tuỳ tình huống chúng tôi sẽ xử lý. Trợ giúp tài chính, viếng thăm thân nhân của người  bị đàn áp là việc tiếp theo. Cuối cùng nếu một người bị bắt, chúng tôi  sẽ tìm kiếm luật sư và vận động các nhà ngoại giao các quốc gia tự do áp lực chính quyền Việt Nam  trả tự do cho người bị bắt.”
Phụ Nữ Nhân quyền khởi đầu với 35 thành viên là người trong nước, nhưng chị Tân cho biết Phụ Nữ Nhân quyền không phân biệt thành phần xã hội và sẽ không có biên giới địa lý cho những phụ nữ từ 18 tuổi trở lên muốn trở thành thành viên:
“Hôm qua thì đã có một số chị em ở bên ngoài gọi về muốn xin tham gia vào Phụ Nữ Nhân quyền. Chúng tôi sẽ mở rộng rất nhiều ra mọi hướng, kể cả là cho những người phụ nữ đang làm việc cho nhà nước, nhưng họ cos ý thức bảo về quyền con người, họ có ý thức bảo về chị em phụ nữ bị xâm hại, họ có ý thức bảo vệ quyền cho phụ nữ thì chúng tôi vẫn mời gọi. Và đương nhiên là chúng tôi có  mời gọi chị em phụ nữ ở hải ngoại tham gia cũng chúng tôi vấn đề này.”
Trong một chuyến đi vận động, đã nói với Nhân viên Toà đại sứ Úc tại Hà Nội, chị Tân đã nói: “Quý vị biết Việt Nam có một hồ sơ Nhân quyền tồi tệ nhưng quý vị đã bầu cho Việt Nam vào Hội đồng nhân quyền liên hiệp quốc thì quý vị phải có trách nhiệm với lá phiếu của mình. Từ nay trở đi, nếu có một trường hợp người Việt nam nào, đặc biệt và phụ nữ Việt Nam, bị sách nhiễu  hoặc bỏ tù thì người đó chính là nạn nhân của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc.”
Phụ Nữ Nhân Quyền không phải là tổ chức duy nhất của phụ nữ Việt Nam, bên cạnh đó, Việt Nam cũng có Hội phụ Nữ Liên Hiệp Việt Nam thành hình từ năm 1976. Tuy nhiên, Hội này không đáp ứng được nhu cầu của tầng lớp phụ nữ bị đàn áp vì đấu tranh cho Nhân quyền , cô Huỳnh Thục Vy nói:
“Cũng như tất cả chúng ta đều biết là Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam là một tổ chức xã hội nằm dưới một tổ chức lớn hơn, tức là Mặt Trận Giải Phóng Việt Nam mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chính là cánh tay nối dài của đảng Cộng sản Việt Nam nên những điều mà họ làm, những mục tiêu mà họ hướng tới laf quyền lợi của đảng Cộng sản chứ không phải quyền lợi của chị em phụ nữ Việt Nam, bởi vậy chúng tôi rất là mong muốn có một tổ chức mà chị em chúng tôi có thể ngồi lại với nhau để suy nghĩ tìm cách bảo vệ nhau, bảo vệ quyền lợi thực sự  bất chấp quyền lợi đảng của bất cứ đảng phái chính trị nào khác. Chúng tôi chỉ làm để bảo vệ nhân quyền của chính mình.”
Sự ra đời của Phụ Nữ Nhân Quyền là một thách thức và cũng là một cơ hội để Việt Nam chứng tỏ mình xứng đáng với vai trò  thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc trong 3 năm sắp tới.

Tiếp xúc với Luật sư Lê Thị Công Nhân, liên quan đến Tuyên Cáo vận động thành lập Tổ Chức Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam, tức Vietnamese Women for Human Rights

Thứ Tư, ngày 27.11.2013 
Thưa quý thính giả, như tin đã loan trong phần tin tức, một tổ chức "gắn kết các cá nhân phụ nữ chịu thiệt thòi và dễ bị tổn thương từ các vụ việc vi phạm nhân quyền. Lên tiếng và có những hành động bảo vệ thiết thực đối với những người phụ nữ đã và đang bị xâm phạm phẩm giá và các quyền con người cơ bản. Cũng như chia sẻ và tuyên truyền những kiến thức nhằm nâng cao trình độ hiểu biết của phụ nữ Việt Nam về quyền con người và về vai trò của phụ nữ trong một xã hội tôn trọng nhân quyền ". Quang Nam có buổi trao đổi với Ls. Lê Thị Công Nhân để tìm hiểu thêm về tổ chức mới này.

    0 Comments

DLSN

You may also like: