Marcus Junius Brutus (85-42 BC)
Những ngày gần đây, vài người bạn thân hỏi riêng tiện nhân nghĩ gì về cựu tướng Tôn Thất Đính vừa từ trần và những phản tướng đã nhúng tay vào máu của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, tháng 11 năm 1963. Tiện nhân trả lời: “Tôi không nghĩ gì cả. Vì người chết đã chết, để lại bao nhiêu oan khiên, thù hận, chia rẽ cho người sống, bên này hay bên kia dãy núi Pyrénées với sự thật mà mỗi bên muốn ôm khư khư với ít nhiều cố chấp. Nếu phải nói, tôi chỉ nói một điều mà ai cũng phải công nhận, bọn người đảo chánh, đúng sai chưa cần bàn, đã quá hạ tiện, dã man, rừng rú: giết một lãnh tụ đã chịu đầu hàng, một cách tàn nhẫn và đê hèn đến thế!”
1) Nhiều người đã viết để kết án họ rất hay, với đầy đủ tài liệu, dẫn chứng, tiện nhân nếu muốn viết thêm cũng không thể bằng được.
2) Hiểm họa Cộng sản, Việt cũng như Tàu, hiện nay còn nặng như tảng băng trước mắt. Nặng hơn cái chết của cụ Diệm, dù sao cũng đã xảy ra nửa thế kỷ rồi và đã thuộc về lịch sử, và lịch sử thì lúc nào cũng công minh, công bằng, công chính, kể cả nếu phải đợi hàng trăm, ngàn năm, bao nhiêu thế hệ nữa mới gặp thấy được. Năm mươi năm, dù sao, vẫn chưa đủ cho những xúc cảm cá nhân lắng xuống và lòng người thật bình tĩnh. Biết thế, mỗi năm, nhất là vào tháng 11, Việt Cộng xúi giục bên này đánh trước bên kia, để bên kia trả đũa bên này, mà quên đi kẻ thù chính và duy nhất, là chúng nó, một lũ đích thực gian ác, trong khi chúng nó đứng ngoài vỗ tay, trục lợi. Chúng ta không dại.
3) Việc lật đổ và thảm sát cụ Diệm, phải chăng nếu không có bàn tay lông lá của quan thầy Mỹ nhúng vào, thì dù có hàng trăm Thích Trí Quang, hàng ngàn Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính… cũng bất thành? Nếu đúng thì thường người ta mắng chủ, ai lại đi đánh tớ?
Quả vậy, trong bản thảo hồi ký của Bà Ngô Đình Nhu (do Luật sư Trương Phú Thứ, người quen thân bà Nhu, đang cất giữ, mà tiện nhân đã được may mắn đọc trong tư cách đồng dịch giả và hiệu đính viên, chứ không phải quyển sách do con bà, Ngô Đình Quỳnh, mới xuất bản và ra mắt tại Paris mà tiện nhân chưa đọc), bà không hề nhắc đến bất cứ phản tướng nào. Bà chỉ kết tội một cá nhân duy nhất: John F Kennedy, và chính trị lật lọng cố hữu của Mỹ mà bà gọi là impéro (đế quốc, đáng chê, chỉ sau Coco, cộng sản, vàColo, thực dân).
Ngày 22/11 vừa qua, kỷ niệm 50 năm ngày JFK bị ám sát, báo chí, truyền hình, truyền thanh Mỹ cho đi hàng loạt những bài tưởng niệm và vinh danh ông. Không một chi tiết nào trong đời sống, cái chết, và sự nghiệp chính trị của ông bị bỏ sót. Ngoại trừ việc âm mưu giết cụ Diệm để đưa quân Mỹ vào chiến đấu tại Việt Nam. Tại sao? Vì, theo thiển ý, âm mưu ấy, nay đã được giải mật, là một vết nhơ trong lịch sử cận đại Hoa Kỳ, không bao giờ tẩy rửa được.
Brutus trong vở kịch Julius Caesar của Shakespeare
Cái chết của Caesar bởi Vincenzo Camuccini
Trong đám phản tướng 1963 có một người mà mỗi lần được nhắc làm tiện nhân không khỏi nghĩ đến Marcus Junius Brutus (85-42 BC), sống cùng thời với người hùng Julius Caesar. Đó là Tôn Thất Đính.
Brutus là một chính trị gia (senator, thượng nghị sĩ) vào cuối đời Cộng Hòa Rome (trước khi Rome trở thành đế quốc dưới triều hoàng đế tiên khởi Augustus, tức Octavius). Brutus được dư luận cho là con nuôi hoặc người thân cận chịu ơn của Caesar. Dù với danh nghĩa nào, Brutus được Caesar hết lòng tin cậy và nâng đỡ, cho làm thống đốc của xứ Gaule (tiền thân của Pháp quốc bây giờ, bị Caesar chiếm đóng năm 58-51BC, trở thành một tỉnh của Rome) khi ông này đưa quân vào Africa đuổi theo Caton và Scipion. Năm 45, Brutus được bổ nhiệm làm thẩm phán (praetor urbanus) quyền hành rộng lớn, và chính điều này là một trong những nguyên nhân khiến Gaius Cassius, anh vợ và thượng nghị sĩ đồng nghiệp của Brutus, rất bất mãn với Caesar.
Theo lịch sử, năm 44, Caesar bị đâm tại thềm Thượng viện bởi Casca và Cassius, và vài kẻ phiến loạn khác, chưa chết và còn rút kiếm chống đỡ, và cuối cùng bị Brutus đến đâm bồi thêm và ngã xuống.
Trong vở kịch Julius Caesar (1599), Shakespeare giữ những chi tiết lịch sử (cf Plutarque, Marcus Brutus, viết năm 75 sau Thiên Chúa) nhưng thêm những câu bất hủ, trở thành danh ngôn, chẳng hạn câu này Caesar nói với vợ, Calphurnia, lúc bà can ngăn ông đừng đi đến Thượng viện ngày hôm ấy (vì thấy trên trời xuất hiện những chùm sao chổi, comets, báo hiệu cái chết của những hoàng tử, princes, ngụ ý người cao sang, tức chồng mình):
Calphurnia: When beggars die there are no comets seen:
The heavens themselves blaze forth the death of princes.
Caesar: Cowards die many times before their deaths;
The valiant never taste of death but once.
(Những kẻ hèn nhát chết nhiều lần trước khi chết thật
Người dũng cảm biết cái chết chỉ một lần thôi)
Of all the wonders that I yet have heard,
It seems to me most strange that men should fear,
Seeing that death, a necessary end,
Will come when it will come (Act I, scene 2, 30-37)
Hoặc khi thấy Brutus tiến đến đâm mình, ông không chống cự nữa, lấy vạt áo che đầu và đau đớn hỏi:
Caesar: Et tu, Brute? (Latin, có nghĩa: You too Brutus? Cả ngươi nữa, Brutus?) – Then fall, Caesar! [Dies] (Act II, Scene 1, 77).
Ghi chú: Theo sử gia Latin Suetonius (69-125 sau TC) trong quyển Vies des douze Césars thì khi thấy Brutus sấn tới, Caesar đã thồt lên bằng tiếng Hy Lạp, có nghĩa: And you, my son? (Và cả con nữa, hỡi con trai?)
Sau đó, theo lịch sử và vở kịch của Shakespeare, Cassius và Brutus bị Octavius và Marcus Antonius –trung thành với Caesar– buộc vào tội phản nghịch, làm quốc gia rối loạn, phải bỏ trốn đến đảo Crete của Hy Lạp, mộ lính, chiến đấu chống quân của hai tướng La Mã. Trong trận Philippi (42 BC), Brutus bị đánh bại và tự tử.
Có những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai nhân vật Brutus và Tôn Thất Đính: a- Cả hai đều thọ ơn, nếu không nói là con cưng, của người mình phản bội; cả hai được chủ tín cẩn và ban cho tước quyền cao trọng b- Khác với Brutus: Tôn Thất Đính không trực tiếp giết cụ Diệm, không chống chủ mình vì lý tưởng quốc gia, không tự tử chết tại chiến trường.
Brutus trong Inferno của Dante
(cf A Reading of Dante’s Inferno, U. of Chicago Press, 1981 của Wallace Fowlie)
Inferno (Địa ngục, viết năm 1300) là phần đầu (trước Purgatorio, Luyện ngục, và Paradiso, Thiên đàng) trong tuyệt phẩm La Divina Commedia (La Divine Comédie) của thi hào Ý Dante Alighieri (1265-1321). Trong sách, người kể truyện, tức Dante, được thi hào Latin Virgile (70-19 BC, tác giả thiên anh hùng caL’Énéide) dẫn xuống thăm Địa ngục, dưới đáy mặt đất –nơi mà trước cửa có một tấm biển đề rõ: “Lasciate ogni speranza voi ch’entrate” (Hỡi các ngươi đang bước vào, hãy vứt bỏ hết mọi hy vọng).
Địa ngục trong Dante có chín tầng, dưới dạng chín vòng đồng tâm (concentrique), giam giữ các linh hồn tùy theo tội trạng lúc còn sinh tiền. Đầu tiên hai thi hào được dẫn vào tiền đình (vestibule), nơi “tập trung cải tạo” những người, được gọi là uncommitted, khi ở trần gian không chịu dấn thân, thiếu lập trường trước / về điều thiện hay điều ác –những kẻ mà danh từ hôm nay gọi là ba phải, cẳng giữa, nửa nạc nửa mỡ, ngậm miệng ăn tiền. Trong số có Pontius Pilate, tổng trấn xứ Judée, và trong Phúc Âm là thẩm phán đã xử án Chúa Giêsu, rửa tay, trốn trách nhiệm, phó mặc số phận Ngài cho đám dân chúng quá khích.
Sau đó hai người được chở qua sông Acheron đến khu vực địa ngục chính thức gồm chín tầng: tầng 1-5 giam những tội phạm nhẹ, chẳng hạn tà dâm, ngoại tình (tầng 2), tham ăn (tầng 3), ham tiền, hà tiện (tầng 4), nóng giận (tầng 5).
Càng xuống sâu, tội càng nặng: tầng 6-7 giam những tội nhân, như rối đạo, đạo đức giả, xúc phạm thần thánh, tự tử, giết người, bói toán.
Hai tầng 8-9 được dành cho tội nặng nhất. Tầng 8, chia thành mười bờ hào bằng đá có cầu thông nhau (bolgia), được canh giữ bởi Gyreon, quái vật có cánh, ba đầu và ba thân mình dính với nhau, nhốt những kẻ mang tội lừa đảo, gian dối, như dụ dỗ, nịnh hót, ăn cắp, ngụy cố vấn, gây chia rẽ, tham nhũng, coi tử vi, phù thủy, tiên tri giả… (Trong truyện Nôm khuyết danh, Phạm Công Cúc Hoa, của văn chương ta, không rõ thế kỷ nào, quan trạng Phạm Công được vua cho phép xuống âm phủ tìm vợ Cúc Hoa, và cuộc hành trình của chàng được vua theo dõi qua kính chiếu yêu của công chúa. Tại cửa của "Chàng Năm", tức vòng Âm phủ 5, Phạm Công cũng thấy giam rất nhiều "bọn thầy phù thủy chuyên bề gian ngoan", câu 2624, và "thấy lũ thầy bói lao nhao khóc ròng", câu 2656).
Cuối cùng là tầng 9 (canto, đoạn, XXXI), gồm bốn vòng, giam những kẻ phạm tội nặng hơn hết, dưới mắt Dante. Đó là tội phản bội (trong L’Éneide, 29-19 BC, quyển 6, của Virgile, thi hào Latin được nàng Sibylle của Cumae dẫn xuống địa ngục tìm cha, đi qua nhiều cửa ngục giam giữ những tội nhân, nhưng khác với trong Inferno, người ta không thấy câu nào trong L'Énéide nhắc đến những kẻ phản bội. Trong truyện Phạm Công Cúc Hoa cũng thế). Tội nhân bị dìm đến cổ trong nước hồ Cocytus, quanh năm lạnh cóng. Đứng đầu là Satan, kẻ phản bội Thiên Chúa, có ba mặt với ba màu đỏ, đen và vàng. Vòng 1 giam những kẻ phản bội anh em, gia đình, ví dụ Cain, trong Kinh Thánh, đã giết Abel, em ruột của mình. Vòng 2, những kẻ phản quốc. Vòng 3, phản bội tân khách của mình (hôtes).
Vòng 4 (canto XXXIV), chót nhất của Inferno, giam những kẻ phản bội chủ, thầy và ân nhân. Tại đây, Satan được chỉ định làm “cai tù”, tức “tù đầu gấu”, chuyên hành hạ những đồng tù, trong số có Judas Iscariot, kẻ bán Chúa, bị Satan nhai nát đầu, nhả ra, lột da lưng, nhưng cứ sống mãi, để cứ chịu cực hình ấy và đau đớn mãi. Và Cassius và Brutus, mà Dante cho là hai thủ phạm đã gây ra cuộc chính biến, phản bội và ám sát một người công chính, Caesar, và đã từ đó làm xáo trộn và hủy hoại sự thống nhất của đế quốc Rome. Satan dùng hai miệng bên trái và bên phải để ngậm và nhai đi nhai lại thân xác của Cassius và Brutus bị ngoạm ngược từ chân lên…
Rời Địa ngục, hai thi hào của chúng ta đến thăm Purgatorio, nhưng đó là một chuyện kể khác.
Dante nói chuyện với tội nhân (phản bội chủ và ân nhân) ở tầng 9, vòng 4
Rất tiếc, thi hào Dante sống vào thời Trung cổ Âu Châu. Nếu Inferno được viết vào những năm 1963 và sau đó nữa, chắc chắn ông sẽ ghi thêm một số tên lừa thầy phản bạn đời nay, Mỹ cũng như Việt Nam, vào danh sách những tội nhân bị giam dưới vòng cuối tầng 9 địa ngục, mà cái đầu bị Satan nhai mãi nhai hoài, vĩnh viễn.
Trong số đó, ngoài những phản tướng, những Brutus thời đại, đã giết chủ mình, phải kể đến tên Hồ tặc và lũ lâu la bộ hạ phản quốc đã mang chủ nghĩa Cộng sản khốn nạn, quái thai, quái đản, quái dị, áp đặt trên đất nước Việt Nam, sát hại dân lành. Và xa hơn, nhưng không kém ác ôn, những tên Việt Gian hải ngoại –phản bội quê hương Miền Nam đã nuôi mình khôn lớn, phản bội lý tưởng quốc gia, xóa bỏ quốc kỳ và quốc ca mà biết bao chiến sĩ đã hy sinh máu xương để bảo vệ– thay nhau trở về tình nguyện làm thân khuyển mã cho bọn lãnh tụ Việt Cộng, tự phong, tham tàn, độc tài, ngu dốt.
Phải chăng trong thời đại vô liêm sỉ, đảo điên, lừa lọc, tráo trở hiện nay của chúng ta, cũng giống như thời đại của Dante, tội phản bội là tội nặng nhất, đê tiện nhất?
Portland, 28/11/2013