Bạn tôi, ông George Yeo, cựu Bộ Trưởng Ngoại Giao của Singapore nói với tôi: “Tất cả chúng ta phải ngạc nhiên về sự tương phản giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn.” Ông muốn ám chỉ về nghệ thuật cai trị ở hai thủ đô. Ở Á châu người ta cho rằng Hoa Kỳ mất dần khả năng thực hiện chính sách công quyền. Ví dụ như vụ Iraq , và việc áp dụng Luật Bảo Hiểm Sức Khoẻ Obamacare. Ngược lại, ở Bắc Kinh, người ta hoạch định một cách hệ thống hàng loạt những cải cách có thể sẽ làm cho Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng một thập niên.
Sự tương phản thật rõ nét vào lúc này bởi vì Trung quốc phải đối phó với nhiều thử thách và họ sẽ phải thực hiện những cải cách quan trọng về kinh tế, chính trị và xã hội để dìu dắt nước Trung Hoa thoát khỏi “cái bẫy của nền kinh tế có mức thu nhập trung bình”. Trước đây nhiều nước khác từng phải trải qua cái bẫy này sau một thời kỳ phát triển kinh tế quá nhanh. Mặt khác, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là một nước có nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới, với một xã hội phát triển và năng động. Nước Mỹ chỉ cần một vài chính sách hợp lý về những vấn đề như xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất, trợ cấp luật định, và di trú. Vậy mà cho đến nay, ở Hoa Thịnh Đốn vẫn chưa thấy đề cập đến các vấn đề trên.
Ông Yeo và tôi là những khách được tổ chức Berggruen Institute Global Think Tank mời đi thăm Trung quốc để có dịp gặp gỡ các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của nước này, kể cả Chủ tịch Tập Cận Bình. Tôi để ý thấy các nhà lãnh đạo hiện nay tỏ ra tự tin, thoải mái hơn những nhà lãnh đạo mà tôi từng gặp cách đây hơn 20 năm. Ngày xưa, các nhà lãnh đạo tỏ ra khiêm tốn hơn, họ thường nói nhiều về những vấn đề, những nhược điểm của nước Trung Hoa , và luôn luôn cho rằng đất nước của họ còn thua kém Hoa Kỳ rất xa. Kỳ này, chúng tôi không còn thấy thái độ nhún nhường như hồi trước. Nhưng có một điều không thay đổi là Trung quốc vẫn tiếp tục đi tìm kiếm những ý kiến hay để học hỏi. Ông Tập nói với chúng tôi: “Một trong những lý do giúp Trung quốc thành công là chúng tôi chịu khó học hỏi từ nhiều nước khác, kể cả những nước nhỏ bé như Singapore . ”.
Công tác cải tổ ngày nay rất lớn, song không thể lớn hơn những cải cách trong quá khứ. Năm 1978, ông Đặng Tiểu Bình công bố về: Những cải cách đưa Trung quốc chuyển sang nền kinh tế thị trường . (Hảy tưởng tượng công cuộc cải cách đó khó khăn đến nhường nào khi phải tìm ra những nhà quản lý cho nền kinh tế thị trường bắt đầu từ số không. Đã thế, lúc bấy giờ toàn thể hệ thống trường đại học trong nước bị đóng cửa trong suốt mười năm.). Cuộc cải cách bộc phá lần thứ hai được Chủ tịch Giang Trạch Dân công bố năm 1993 để đưa nền kinh tế cô lập nhất thế giới trước đây tiến ra giữ vai trò kinh tế toàn cầu. Lần này, Đại Hội Toàn Đảng Cộng Sản họp vào cuối tuần sẽ đánh dấu một bước ngoặt quan trọng cho công cuộc cải cách lịch sử Trung Hoa cận đại.
Trong ít năm gần đây, Bắc Kinh tỏ ra bối rối. Họ biết những gì cần phải làm, và những gì cần phải hoãn lại. Chính việc trì hoãn mới là chuyện rất khó về chính trị. Nhà nước thường dùng tín dụng rẻ để kích cầu nền kinh tế mỗi khi họ thấy mức phát triển có chiều hướng suy yếu. Mặc dù các nhà lãnh đạo ý thức được điều này, và tiếp tục làm để giữ đúng lời hứa. Thủ tướng Lý Kế Cường mới nói với nhóm thảo luận như sau: “Nếu chúng ta cứ tiếp tục cấp tín dụng dễ dàng, chúng ta sẽ làm cho mức khiếm hụt ngân sách gia tăng thêm. Điều này cũng giống câu nói của cổ nhân: chúng ta bỏ thêm củi để dập tắt đám cháy.” .
Các nhà lãnh đạo Trung quốc từng hứa thực hiện cuộc cải cách kinh tế hướng về thị trường triệt để “chưa từng thấy”, “một cách toàn diện” đem lại những cải cách về “kinh tế, chính trị và xã hội.” Chúng ta phải chờ đợi và quan sát xem lời hứa này nghĩa là gì. Chắc chắn sẽ không có những cải cách làm cho chế độ trở nên dân chủ hơn. Có lẽ nó sẽ chỉ dẫn đến vài thay đổi về hành chánh để giúp guồng máy hành chính của Trung quốc được hữu hiệu, lương thiện, và trong sạch hơn. Ví dụ hệ thống toà án điạ phương từ bấy lâu nay bị tai tiếng là ổ tham nhũng sẽ bị cắt giảm, tước bỏ bớt quyền hạn, và sẽ lập ra hệ thống pháp đình mới giống như toà án liên bang của Mỹ.
Thực tế cho thấy cho đến nay nước Trung Hoa đi theo chiều hướng tụt hậu về chính trị, họ truy lùng những tiếng nói đòi hỏi dân chủ trên internet nhằm đàn áp những người đối kháng theo kiểu Mao trạch Đông trước đây. Một thành viên tham dự thảo luận đã mô tả sách lược đàn áp này như sau: “người ta đi theo phía tả về mặt chính trị để giúp làm kinh tế tốt về phía hữu.”. Ông ta nói rằng đó là chính sách của Đặng Tiểu Bình trước đây. Chính sách đó được tóm lược trong một câu chuyện khôi hài là họ Đặng đã ra lệnh cho anh tài xế phải bật đèn xi nhan quẹo trái trong khi vẫn bẻ bánh lái quẹo sang bên phải.
Đa số khách được mời thăm Trung quốc kỳ này đều tin rằng các nhà lãnh đạo sẽ thành công trong việc quản trị đất nước. Ông Yeo đưa ra nhận xét: “Giới lãnh đạo Trung quốc ý thức rất rõ về những căng thẳng chính trị, xã hội đang dâng cao trong nước, và họ đáp ứng bằng cách cho thả lỏng với một chút cởi mở trong xã hội và trên Internet. Nhưng họ sẽ tiếp tục can thiệp ngay tức khắc khi những căng thẳng này có thể trở thành biến động, không kiểm soát được. Họ là những kỹ sư chuyên nghiệp, và trong bất cứ hệ thống máy móc nào người ta cũng cần một chút va chạm, ma xát để hệ thống chuyển động chậm lại. Để cho ma xát nhiều quá sẽ làm cho máy ngưng họat động, nhưng ma xát ít qúa cũng không tốt, vì nó làm cho hệ thống bất ổn.”.
Tôi thích lối nói ẩn dụ này của ông Yeo. Một sự ví von hợp lý. Nhưng người ta lại thắc mắc không hiểu hệ thống chính trị có hoạt động giống như một bộ máy hay không, trong đó có nhiều bộ phận rời. Nhìn chung, quốc gia là tổng hợp của một dân tộc gồm có những con người. Nhiều khi con người hành động vì những thôi thúc của đam mê, nhiệt tình, của những kỳ vọng, sự sợ hãi hay nỗi tức giận. Muốn quản lý những khía cạnh này của con người e rằng sẽ là một thử thách rất khó, dù cho nhà nước có là những tay kỷ sư rất giỏi.
Bài phân tích của Fareed Zakaria trên Washington Post ngày 7/11/2013
Nguyễn Minh Tâm dịch