Tuesday 12 November 2013

VOA & BBC: Việt Nam thắng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc

Một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Geneva.

Một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Geneva.
Tin liên hệ
Việt Nam, Trung Quốc, Nga, Ả Rập Xê-út và Cuba đã thắng cử vào Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.

Ðại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm nay biểu quyết về 14 thành viên mới của Hội đồng 47 ghế. Các tổ chức nhân quyền đã lên tiếng phản đối các ứng viên gây nhiều tranh cãi lấy làm bất bình trước kết quả biểu quyết này.

Cùng được chọn vào các nhiệm kỳ 3 năm có Algeria, Anh, Pháp, quần đảo Maldives, Macedonia, Mexico, Maroc, Namibia, và Nam Phi.

Tổ chức Human Rights Watch có trụ sở ở New York nói các ứng viên như Trung Quốc, Nga, Ả Rập Xê-út, Việt Nam và Algeria có thành tích nhân quyền kém cỏi trong nước khiến họ không thể là các thành viên hữu ích trong hội đồng.

Tổ chức UN Watch có trụ sở ở Geneva, hoạt động như một cơ quan theo dõi các hoạt động toàn diện của Liên Hiệp Quốc, nói rằng để cho các quốc gia như thế tham gia vào Hội đồng Nhân quyền có tác dụng giống như “biến một kẻ chuyên phóng hỏa thành người đứng đầu một sở cứu hỏa”.

Tổ chức này cũng bao gồm cả Cuba trong số các ứng viên mà tổ chức phản đối.

Một trong những lời phản đối thông thường nhất nhắm vào các ứng viên này là họ thường đàn áp bất đồng chính trị.

Những lời phản đối khác phát xuất từ những bộ luật về lao động có tổ chức, lối hành xử tệ hại của lực lượng an ninh, và sự duy trì chế độ độc quyền độc đảng.

Các thành viên của Hội đồng Nhân quyền được bầu theo khu vực. Trong nhiều trường hợp, các ứng viên ra tranh cử mà không có đối thủ.

Hoa Kỳ hiện đang ở trong Hội đồng Nhân quyền và nhiệm kỳ sẽ đáo hạn vào năm 2015.

BBC:VN được bầu vào Hội đồng Nhân quyền

Cập nhật: 17:02 GMT - thứ ba, 12 tháng 11, 2013


Việc bầu thành viên Hội đồng Nhân quyền diễn ra tại Đại hội đồng LHQ trong thứ Ba 12/11
Việt Nam lần đầu tiên có ghế trong Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc sau cuộc bỏ phiếu hôm 12/11.
Việt Nam nhận được 184 trên 192 phiếu bầu.
Phát biểu sau khi có kết quả, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh nói Việt Nam sẽ "thực hiện tốt các nghĩa vụ và cam kết của một quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền và thành viên Liên Hiệp Quốc".
Trung Quốc, Nga, Ả rập Saudi, Cuba cũng được bỏ phiếu bất chấp chỉ trích của các nhóm nhân quyền.
Đại hội đồng Liên hiệp quốc trong hôm thứ Ba đã bầu 14 thành viên mới vào cơ quan gồm 47 đại diện đặt tại Geneva, là cơ quan theo dõi về tình trạng nhân quyền bằng cách ra các nghị quyết, nếu cần.
Hội đồng Nhân quyền cũng có các giám sát viên đặc biệt chuyên theo dõi tình hình và các vấn đề lớn tại các nước, từ việc thi hành án tử hình tới việc tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.
Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, có trụ sở chính tại New York, chỉ ra rằng năm ứng viên, gồm Trung Quốc, Nga, Ả rập Saudi, Việt Nam và Algeria, đã khước từ việc để các giám sát viên nhân quyền Liên Hiệp Quốc tới thăm và điều tra về các vụ bị cho là có tình trạng lạm dụng.
Đây là lần đầu tiên Hà Nội có chân trong Hội đồng Nhân quyền kể từ khi cơ quan này được thành lập năm 2006.

Đại diện theo khu vực

Các vị trí trong Hội đồng được phân bổ theo khu vực, và các nước trong những khu vực đó chọn lựa ứng viên vào vị trí đại diện cho vùng. Có khi việc bầu chọn có tính cạnh tranh cao, có khi không.
Toàn bộ 193 thành viên Đại hội đồng sẽ bỏ phiếu trong hôm thứ Ba.
Khối châu Á có các ứng viên không bị phản đối cho bốn ghế, là Trung Quốc, Maldives, Ả rập Saudi, và Việt Nam.

14 thành viên mới

  • Việt Nam
  • Algeria
  • Anh
  • Ả rập Saudi
  • Cuba
  • Maldives
  • Macedonia
  • Mexico
  • Morocco
  • Namibia
  • Nam Phi
  • Nga
  • Pháp
  • Trung Quốc
Ả rập Saudi có lúc được cho là sẽ gặp khó khăn trong quá trình bỏ phiếu tại Đại hội đồng sau khi đã được bỏ phiếu thuận, nhưng một ngày sau lại khước từ vị trí trong Hội đồng Bảo an cho nhiệm kỳ 2014-2015, một diễn biến chưa từng xảy ra trước đây.
Cho tới cuối tuần trước, Jordan vẫn là một ứng viên đại diện cho khối Á châu, nhưng sau bị rớt khỏi cuộc đua vào Hội đồng Nhân quyền, mở đường cho Ả rập Saudi vào vị thế không bị phản đối.
Jordan nay đang muốn hướng tới việc thế chỗ Ả rập Saudi tại Hội đồng Bảo an.
"Việc Jordan rời khỏi nhóm ứng viên Á châu là một cú đánh lớn, bởi việc thiếu cạnh tranh cũng có nghĩa là các nước như Ả rập Saudi có thể được bầu chọn vào hội đồng mà không bị sờ tới hồ sơ nhân quyền," bà Peggy Hicks từ Human Rights Watch nói.
"Các nước như Trung Quốc và Việt Nam cần phải bị đặt câu hỏi về tình trạng vi phạm nhân quyền, bắt giữ các nhà hoạt động, và cần bị áp lực phải đưa ra cam kết có tiến trình cải thiện rõ ràng nếu khi muốn được bầu chọn vào hội đồng."
"Không có cạnh tranh thì các mục tiêu cao quý của nghị quyết thành lập Hội đồng Nhân quyền, theo đó nói các thành viên sẽ duy trì 'những tiêu chuẩn cao nhất' về nhân quyền sẽ trở thành những lời hùng biện không khả thi," bà nói.
Bên cạnh các ứng viên đại diện cho châu Á là các ứng viên đại diện các khu vực khác, gồm:
  • Nhóm châu Phi có năm ứng viên cho bốn ghế: Algeria, Morocco, Namibia, Nam Phi, và Nam Sudan.
  • Nhóm Đông Âu, gồm Nga và Macedonia, không vấp phải phản đối nào cho hai ghế.
  • Nhóm Tây Âu và các nhóm khác, gồm Pháp và Nga, không vấp phải phản đối nào cho hai ghế.
Hiện Hoa Kỳ đang là thành viên của hội đồng này, với nhiệm kỳ sẽ kết thúc vào năm 2015.