Wednesday, 4 December 2013

Hội thảo về chương trình định cư người tỵ nạn Đông Dương 1975-1980

sinhcad02291113

Với sự bảo trợ của Bộ Di trú Canada, hai cơ quan Canadian Immigration Historical Society (CIHS) và Canadian Sponsorship Agreement Holders Association (SAHs) đã phối hợp với Centre for Refugee Studies (CRS) tổ chức 3 ngày hội thảo, từ 21/11 đến 23/11, tại Viện Đại học York, về vấn đề nhập cư người tỵ nạn Đông Dương trong khoảng thời gian từ 1975-1980.

Cuộc hội thảo, được thực hiện nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Centre for Refugee Studies thuộc Viện Đại học York, đã quy tụ những cựu thuyền nhân và người tỵ nạn bằng đường bộ, các giáo sư đại học, các cựu tham vấn viên, nhân viên Bộ Di trú, thành viên các tổ chức cứu trợ trong thập niên 70.

Mở đầu buổi hội thảo, ban tổ chức đã cho chiếu lại đoạn phim 2 phút lướt qua hình ảnh của những người phải bỏ nước ra đi và tưởng niệm những người đã vận động, cộng tác trong chương trình tiếp cư người tỵ nạn nay đã qua đời.

Trong 3 ngày liên tục, những người tỵ nạn năm xưa, từ các tỉnh bang về, đã kể lại hành trình vượt biên trong quá khứ.

Ông Nguyễn Văn Nhu, cựu sĩ quan hải quân VNCH cư ngụ tại Toronto, cho biết sau 6 năm trong trại tù cộng sản đã vượt biên 3 lần bằng ghe máy mới đến được Canada sau một thời gian tạm trú tại đảo Galand. Sau khi chấm dứt phần phát biểu, một cử tọa đã hỏi ông Nhu đã được giảng dạy những điều gì trong trại được mang tên “Cải tạo”. Ông Nhu cho biết “không có gì để học”. Để giải đáp thắc mắc này, ông Phoungern Sombounkhahn, một người Lào tỵ nạn, đã bổ túc thêm rằng trại tù này không được sử dụng để “cải tạo” nhưng là để “loại trừ” những thành phần nguy hiểm cho chế độ.

Bà Nguyễn Kim đến từ Winnipeg cũng đã kể lại hải trình gian nan của mình. Lênh đênh trên biển cả nhiều ngày, gặp hải tặc, nhưng cuối cùng 87 người trên ghe cũng đã được Canada đón nhận sau thời gian tạm trú tại Mã Lai.

Tuy nhiên, hành trình vượt biên bằng đường bộ của gia đình cô Samnang Eam, người Campuchia, đã khiến cử tọa xúc động nhất. Cha của cô Sam đã tường thuật trong nước mắt chuyến đi của gia đình ông. Tối 07/05/1979, gia đình ông gồm hai vợ chồng và 5 đứa con đã trốn khỏi Campuchia do Khmer Đỏ kiểm soát, đi xuyên rừng trong đêm mưa để sang Thái Lan. Trên đường đi, vợ ông đã hạ sanh cô Sam Eam, trong khi cả gia đình đều đói và khát. Trong 22 ngày cuốc bộ ròng rã, 4 trong số 5 người con của ông đã thiệt mạng vì đuối sức và bệnh tật. Hai vợ chồng ông và đứa con còn lại cùng với cô Samnang Eam vừa mới chào đời đã ở trại tỵ nạn Thái Lan trong 5 năm cho đến tháng 11 năm 1985 thì được chấp thuận định cư tại Canada.

Giáo sư danh dự môn Triết học thuộc Đại học York, ông Howard Alderman, người đã sáng lập Operation Life Line, đã hồi tưởng lại kỷ niệm về những ngày tháng tham gia các hoạt động cứu giúp, đón nhận người tỵ nạn Đông Dương nhập cư. Ông nhắc lại một số chuyện đã xảy ra, chẳng hạn như có người đến phi trường Canada mà vẫn mang theo nước uống trong hành lý vì vẫn còn bị ám ảnh bởi những ngày khát nước trên đại dương, hoặc có người trong nhiều ngày chỉ quanh quẩn đi tìm viên kim cương mang theo đã bị thất lạc.

Ông Michael J. Molloy, Chủ tịch Canadian Immigration Historical Society (CIHS), đã trình bày khối lượng công việc mà nhân viên chính phủ và tư nhân Canada đã phải làm để lo thủ tục định cư cho 60.000 người tỵ nạn Đông Dương trong 2 năm 1979-1980, trong đó có 32.000 người do 7.000 nhóm bảo lãnh, 1.800 người được thân nhân đón nhận và 26.000 người do chính phủ bảo trợ. Các nhân viên di trú, tham vấn viên, cơ sở y tế, cơ quan phụ trách việc ổn định dịch vụ cư trú, tổ chức bảo trợ, phải tăng cường nhân viên và làm việc gấp đôi, gấp ba để giải quyết số lượng người đến Canada hằng tuần. Ông Michael J. Molloy cho biết, tính từ 1975 đến 1995, Canada đã đón nhận 137.000 người tỵ nạn từ Việt Nam, Campuchia và Lào.

Do các thành quả đạt được, năm 1986, Cao ủy Liên hiệp quốc về người tỵ nạn đã trao tặng Canada bằng tưởng lục ghi nhận nỗ lực phục vụ người tỵ nạn của người dân và chính phủ Canada.

Thượng Nghị sĩ Ngô Thanh Hải đã có mặt và phát biểu trong buổi tiệc buffet họp mặt các tham dự viên được tổ chức vào tối 22/11.

Sau ba ngày tường trình và thảo luận, cuộc hội thảo đã kết thúc vào 4 giờ chiếu ngày 23/11 với phần phát biểu tổng kết do Giáo sư Naomi Alboim thuộc Viện Đại học Queen trình bày.