Sunday 15 December 2013

LÝ − TƯỚNG − SỐ - Phạm Khắc Trung

Lúc người ta ký kết cái hiệp định để chia đôi đất nước Việt Nam ở Genève, tôi còn là một cục máu trong bụng mẹ, nên đã không được tính vào trong con số một triệu người may mắn, đã bồng bế nhau chạy từ Bắc vào Nam để lánh nạn cộng sản.
 
Tôi sinh ra ngay giữa cái khúc quanh quan trọng của giòng lịch sử đó, khi chiến tranh đã tạm ngưng trên quê hương thân yêu, trong khi chính quyền cộng sản miền Bắc lo chỉnh trang quân đội nhằm thực hiện tiếp mộng bành trướng xâm lược, thì chính quyền miền Nam bắt tay ngay vào việc xây dựng một chế độ Cộng Hòa, cuộc sống gọi là tạm thời yên ổn, duy những người di cư như gia đình tôi là mang nhiều xáo trộn trước cuộc sống mới, tình hoài hương lúc nào cũng canh cánh bên lòng, họ nhớ từ những gốc nhãn, những bụi tre, từ mồ mả ông bà, cho chí con đường làng, ngôi đình làng, giếng làng, sinh hoạt của làng.... Lòng bâng khuâng khôn tả, nghĩ thương cho kẻ đi, xót cho người còn kẹt lại... Tôi là đứa may mắn nhất trong đám anh chị em chúng tôi, tôi được ôm ấp nâng niu, được truyền hết từ tay này qua tay khác, hết bà rồi đến cha, qua cha lại đến mẹ, sau mẹ là các cô các chú láng giềng. Tôi ngủ quên trong câu ca dao, tôi thức giấc giữa những câu chuyện cảm hoài, tôi giỡn đùa bên những câu phong dao tục ngữ, tôi say đắm trong những câu chuyện cổ tích, tôi ngẩn ngơ giữa những tiếng hát câu hò của trai gái đối đáp chọc ghẹo nhau trong thôn xóm...
 
Cha mẹ tôi cho tôi đi học thật sớm, "đến trường cho quen chúng quen bạn", mẹ tôi thường nói vậy. Gọi là trường chứ thật ra là căn nhà lá vách đất ngay sau lưng nhà tôi. Căn nhà được ngăn đôi bởi bức phên tre, chỉ chừa mỗi cửa ra vào ở giữa nhà: Nửa phía trong, mé bên phải kê một chiếc giường tre; mé bên trái, góc sát tường sau để một nửa chiếc thùng thiếc bên trong có đắp đất sét, ở thành sát đáy thùng có khoét lỗ vuông để đút củi vào đốt, vài chiếc nồi con con treo vất vưởng trên tường, một chiếc bàn con với hai chiếc ghế đẩu dựa vào phên tre, trên bàn lúc nào cũng bày một ấm trà, vài chiếc bát sứ, một chiếc đèn dầu nhỏ luôn leo lét, và một ấm thuốc lào. Nửa bên ngoài là lớp học, lớp học chỉ có một bảng đen treo trên vách, ba dãy bàn đóng bằng tre với miếng ván dài làm mặt bàn, học sinh độ chục đứa trong xóm với tuổi tác bất đồng, mọi người đều gọi thầy giáo của chúng tôi là "Cụ Cửu". Cụ Cửu ở có một mình, nghe nói thì con cháu cụ đã thất lạc trong thời loạn lạc, chẳng biết sống hay còn. Người cụ hơi to chiều ngang, dáng đi chậm chạp, tóc cắt ngắn, ba chòm râu và lông mày bạc phơ. Cụ hút thuốc lào, uống nước chè tươi, thỉnh thoảng mới thấy cụ nhai chõm chẽm một miếng trầu, có lẽ tại hàm răng đen chiếc còn chiếc mất của cụ. Lúc nào cụ cũng mặc bộ đồ bà ba trắng, tay phe phẩy chiếc quạt giấy, chân đi guốc mộc, nhưng khi ra lớp, cụ lại khoác thêm chiếc áo dài the đen trông thật đạo mạo.
 
Năm ngoài ba tuổi, tôi đã biết đọc và viết, năm đó tôi bị bệnh nặng tưởng chết, phải nghỉ học suốt năm. Đến khi hết bệnh thì cụ Cửu đã bắt được liên lạc với con cháu cụ nên dọn lên Phú Nhuận ở với cháu với con, ba tôi mua lại căn nhà của cụ, thế là lớp học không còn. Trong thời gian ở nhà cho tới lúc lên năm vào trường công lập, ngày ngày tôi quấn quít bên bà ngoại, đọc Kinh Phật và Kiều cho bà nghe, bà thường kể chuyện cổ tích, chuyện ngoài Bắc và dạy tôi những bài hát ca dao.
 
Người thầy thứ hai tôi gặp trong đời, đã ảnh hưởng đến cuộc đời tôi suốt về sau này là thầy Chiểu. Thầy người Bắc, dạy tôi lớp Năm và lớp Ba (tức lớp Một và lớp Ba bây giờ). Thầy Chiểu lúc đó khoảng hăm tám ba mươi, khổ người vừa phải, thầy thích ca dao và ưa kể chuyện về những vị anh hùng của dân tộc, thầy là một thanh niên yêu nước nhiệt thành, thầy thường nói: "Ai cũng công nhận Việt Nam ta là một nước anh hùng, dân tộc ta hiên ngang bất khuất, từ giặc Tàu, giặc Mông Cổ, cho chí giặc Tây, dân tộc ta chưa từng khuất phục dưới sức mạnh của bất cứ loại giặc nào. Tiếng Việt ta lại giàu đẹp vô cùng, dồi dào phong phú như nước biển, như lá rừng không sao đong đếm được, chỉ nói riêng về ca dao tục ngữ không cũng học suốt đời không hết. Vậy sao ta không chăm chú học tiếng Việt, lại bo bo đi học đòi ở tiếng Hán, tiếng Tây. Học chữ Hán cho giỏi cũng chỉ làm ông Đồ ngồi bán chữ, học chữ Tây cho thạo cũng chỉ làm tới ông Thông là cùng..." Tôi phục thầy lắm, thế giới xung quanh tôi như chỉ có mình thầy, thầy là thần tượng của tôi, tôi tự nhủ lớn lên chỉ chăm chỉ học tiếng Việt cho thật thông thạo, nhất quyết không thèm học chữ Tây, chữ Hán kẻo phụ lòng thầy!
 
Chẳng biết thơ văn đã thấm vào huyết quản tôi tự lúc nào, tôi mê đọc sách, tiền bạc cha mẹ cho để ăn quà, tôi chỉ để dành mua sách đọc. Tôi ham đọc đến nỗi cha mẹ tôi sợ ảnh hưởng đến việc học hành nên đã ra lệnh cấm ngăn. Kể ra thì tôi cũng đọc khá nhiều loại sách, có sách tôi chỉ đọc được nửa chừng rồi bỏ ngang, có sách tôi đọc năm bảy lượt, nhưng tựu trung thì không có sách nào khiến tôi rung động cho bằng những câu ca dao tục ngữ, không có loại sách nào khiến tôi suy gẫm cho nhiều bằng những chuyện cổ tích của nước Nam ta. Đấy, ca dao tục ngữ đối với tôi là tâm, chuyện cổ tích đối với tôi là hồn, tâm hồn tôi tự nhiên và giản dị! Giản dị như văn chương bình dân, tự nhiên như văn chương truyền khẩu.
 
Đó là riêng đối với tôi, chứ trong thiên hạ thì số người từng ngưỡng mộ văn chương bình dân, không hết lời ngợi ca loại văn chương truyền khẩu thì phải nói là kể ra không hết (đúng hơn là tôi không biết hết được), hãy đơn cử quan niệm của cụ Phạm Quỳnh: "Há chẳng biết là cái tiếng quốc âm rất quí báu của ta dư? Há chẳng phải là những lời tục ngữ, câu ca dao, ta thường nghe thấy trong dân gian, mà dẫu người học thức lắm khi cũng phải chịu là hay, cũng không từ dùng đến? Há chẳng phải là cái văn chương truyền khẩu kia, mẹ dạy cho con từ khi bú mớm, chồng nói với vợ những lúc đêm khuya, trai gái ngâm vịnh với nhau những ngày hội hè vui vẻ hay là dưới bóng nguyệt tờ mờ! Mà cái văn chương truyền khẩu ấy, tuy không có sách nào biên chép, mà tôi dám quyết là một thứ văn chương rất phong phú, tưởng không có nước nào có một cái văn chương truyền khẩu giàu như nước ta. Mà cái văn chương truyền khẩu ấy, tuy không khỏi nôm na mánh qué, song thật có ý vị vô cùng, có thể nói bao nhiêu luân lý, học thức, mĩ thuật, văn từ phổ thông trong dân gian là bao gồm chung đúc cả ở đấy" (Tục ngữ ca dao, Phạm Quỳnh, tuyển tập và di cảo, An Tiêm, Paris, 1992).
 
Lúc lên đại học, qua năm thứ hai chúng tôi được học môn Văn Minh Văn Hóa Việt Nam, do Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích giảng dạy. Đây là một môn học hết sức mới lạ đã gây nên những cuộc tranh luận rất hào hứng và sôi nổi giữa đám sinh viên thuộc "khu nhà lá" chúng tôi, những cuộc thảo luận của chúng tôi không diễn ra trong khuôn viên nhà trường, mà thường xảy ra một cách bất thường ở những quán cà phê, và lẽ dĩ nhiên là chúng tôi không hề lưu tâm đến việc lập biên bản để lưu giữ hay tường trình.
 
Trong một buổi giảng, Giáo Sư Bích đã dùng hệ thống số "một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười..." để chứng minh cái tính chất riêng biệt của ngôn ngữ Việt Nam, nó hoàn toàn độc lập và không hề chịu ảnh hưởng của bất cứ một ngôn ngữ nào khác... Có lẽ tôi là đứa đắc ý nhất, ít ra cũng phải thế chứ! Chẳng có nền văn hóa nào mà không khởi đầu từ ngôn ngữ, nên khi xét về hình thức thì một khi ta đã vay mượn ngôn ngữ của ai là đã đầu phục văn hóa của họ, coi là cao hơn rồi.
 
Bài giảng trên đã chứng tỏ được rằng Việt Nam ta đã có một ngôn ngữ đặc sắc và một nền văn hóa siêu tuyệt từ trước khi bị người Tàu thống trị. Chính nhờ có được cái ngôn ngữ độc đáo và nền văn hóa siêu tuyệt đó, người Việt Nam ta mới có một sức sống mạnh mẽ, không có gì chế ngự được, để vững chắc trải qua thời kỳ đen tối dưới ách thống trị, dưới tròng đô hộ của giặc Tàu trong suốt 11 thế kỷ, để không những đã không bị đồng hóa, mà còn đồng hóa ngược lại những kẻ xâm lăng Hán tộc, gây nên một sự kinh ngạc khôn lường cho nhiều nhà sử học phương Tây.
 
"Số" là qui luật số học, là cái điển hình cụ thể, "Số" xuất hiện lu bù trong văn chương truyền khẩu Việt Nam:
 
Khởi từ những câu tục ngữ như:
 
            Tứ tung, ngũ hoành.
 
hay:
 
            Sinh năm, đẻ bảy.   
 
hay:
 
            No ba ngày tết, đói ba tháng hè.
 
Đến những câu ca dao như:
 
            Làm sao giữ trọn đạo ba,
            Sau dầu có thác cũng là thơm danh.
 
hay:
 
            Thương nhau cau sáu bổ ba,
            Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười.
 
hay:
 
            Mồng bảy hội Khám, mồng tám hội Dâu,
            Mồng chín đâu đâu trở về hội Gióng.
 
hay:
 
            Một chờ, hai đợi, ba trông,
            Bốn thương, năm nhớ, bảy, tám, chín mong, mười tìm.
 
hay:
 
            Một duyên hai nợ ba tình,
            Chiêm bao lẩn quất bên mình năm canh.
            Nằm một mình nghĩ một mình,
            Ngọn đèn khêu tỏ, bóng huỳnh bay cao.
            Trông ra nào thấy đâu nào?
            Đám mây vơ vẩn, ngôi sao mập mờ.
           
hay:
 
            Một thương tóc bỏ đuôi gà,
            Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.
            Ba thương má lún đồng tiền,
            Bốn thương răng lánh hạt huyền kim thoa.
            Năm thương cổ yếm đeo bùa,
            Sáu thương nón Thượng quai tua dịu dàng.
            Bảy thương nết ở khôn ngoan,
            Tám thương miệng nói lại càng thêm xinh.
            Chín thương cô ở một mình,
            Mười thương con mắt hữu tình với ai!
. . .
 
Cho chí những câu truyện cổ tích như: Hùng Vương truyền được mười tám đời; ngày Mười tháng Ba là ngày Giỗ Tổ; con ngựa sắt cao mười tám thước, cây gươm sắt dài bảy thước của Phù Đổng Thiên Vương; cây gậy thần chín đốt; cây tre trăm mắt...
 
Thậm chí ngay đến những con số ẩn tàng như Trống Đồng chia làm hai phần là mặt trống và thành trống; mặt trống lại gồm có bốn tổ với mặt trời có tia nổi ở giữa; thành trống lại chia làm ba phần là tang trống, thân trống và chân trống; đó là chưa kể đến những con số ẩn tàng trong mỗi tổ, trên tang trống và thân trống...
 
Và những con số điển hình trong bài hát đố là năm cửa, sáu khúc, bên đục bên trong, chín tầng:
 
        Ở đâu năm cửa chàng ơi?
        Sông nào sáu khúc nước chảy xuôi một giòng?
        Sông nào bên đục bên trong?
        Núi nào thắt cổ bồng mà có thánh sinh?
        Đền nào thiêng nhất xứ Thanh?
        Ở đâu lại có cái thành tiên xây?
        Ở đâu là chín tầng mây?
        Ở đâu lắm nước ở đâu nhiều vàng?
        Chùa nào mà lại có hang?
        Ở đâu lắm gỗ thời chàng biết không?
        Ai mà xin lấy túi đồng?                       
        Ở đâu mà lại có sông Ngân Hà?
        Nước nào dệt gấm thêu hoa?
        Ai mà sinh ra cửa, ra nhà chàng ôi?
        Kìa ai luyện đá vá trời?
        Kìa ai trị thủy cho đời được yên?
        Em hỏi anh trong bấy nhiêu lời,
        Xin anh giảng rõ từng nơi từng người.
 
Lại một buổi giảng khác tối hôm nào nơi giảng đường A ở đường Hoàng Diệu, Giáo Sư Bích bắt đầu bằng một câu hỏi: "Tại sao con chim biết bay?" Một anh sinh viên nọ mau mắn trả lời: "Bởi vì nó có cánh!" Giáo Sư Bích hỏi tiếp: "Tại sao nó có cánh?" Thì anh ta lại trả lời: "Để nó bay!" Giáo Sư Bích lại hỏi: "Tại sao nó bay?" Thì anh ta lại trả lời: "Bởi vì nó có cánh!" Thầy trò cứ loanh quanh giữa cái "hiện tượng" và "biểu tượng" chứ không đi tìm cái "thực lý" như thế làm cả lớp cười ồ lên, phải nói là thầy trò chúng tôi hôm đó được một trận cười thoải mái...
 
Suốt quá trình học môn Văn Minh Văn Hóa Việt Nam, tôi chỉ thâu thập được của thầy vỏn vẹn có hai chiêu thức: Một thực chiêu ở trên và một vô chiêu ở dưới. Gọi là thực chiêu vì "Số" là phần "Hình", là những "thực số", tức qui luật số học. "Hình" tuy hiện hữu đấy nhưng nếu không có "Lý" để giải bày thì những con số đó tuy có đấy mà có cũng như không. Vô chiêu là "Lý", "Lý" là phần khí nên tuy không thấy được nhưng "Lý" là vật khởi nguyên cho phần "Hình" sinh ra, "Lý" là sự sáng trước khi khởi "Số", "Lý" tuy không thấy nhưng vẫn thể hiện qua "Số" nên tuy không mà vẫn có. Phổ biến trong mọi vật có hình và có khí thì gọi là "Tướng", "Tướng" chính là hiện tượng và biểu tượng, là sợi dây liên lạc nối liền giữa "Khí" và "Hình", giữa "Lý" và "Số", làm cho Lý Số hanh thông.
 
Đức Khổng Tử nói: "Hưng ư Thi, lập ư Lễ, thành ư Nhạc" (Luận Ngữ, Thái Bá, VII), có nghĩa là ca dao tục ngữ là để hưng khởi cái ý chí đã tỏ cái ý nguyện chung; truyện cổ tích tích tụ hồn thiêng đất nước, làm tỏ tinh thần lập quốc; có điều hòa mà truyền bá cái ý nguyện chung và cái hồn thiêng đất nước đó được vĩnh viễn cho đến muôn vạn đời sau mới kể là "Thành". Bởi thế mà Đức Khổng Tử chú trọng vào việc học Thi, học Nhạc và học Lễ. Học Thi để biết "tựa vào cái nhân", học Nhạc để hiểu "ưu du ở nghệ thuật" mà làm cho thành, và học Lễ mà "giữ lấy cái đức". Không học Thi thì không có Nhân mà tựa nên tâm khí không hòa, tâm khí không hòa thì lý không đạt, lý đã không đạt thì làm sao có lời mà nói cho được? Học Lễ để "sửa sang phẩm cách cho đứng đắn" mà "giữ lấy cái đức", cho nên không học Lễ thì không giữ được cái đức, đã không giữ được cái đức thì lấy gì mà đứng? Ngài nói: "Bất học Thi vô dĩ ngôn...; bất học Lễ vô dĩ lập...: không học Thi không lấy gì mà nói; không học Lễ không lấy gì mà đứng..." (Luận Ngữ, Quí Thị, XVI). Trong quyển "Nho Giáo", phần "Lời Phát Đoan", cụ Trần Trọng Kim viết (Trích):
 
Ngày nay ta sở dĩ ngơ ngác, không biết đi về đường nao cho phải, không biết bấu víu vào đâu để làm cốt về đường lý tưởng là vì ta bỏ mất cái lòng tín ngưỡng. Xưa kia ta sùng bái đạo Nho, tin rằng cái tông chỉ đạo ấy hay hơn cả, dẫu đem ra thực hành không được hoàn toàn, nhưng vẫn cho là học chưa đến, chứ không ai cho là đạo không hay. Đến nay vì thời thế biến đổi, cái văn hóa của Âu Tây tràn sang, cách cư xử, sự hành động đều bị cái thế lực mới đổi hết cả đi, người ta thì cường thịnh và khôn ngoan đủ điều, mà mình thì suy nhược và thua kém mọi đường. Nhất là về đường vật chất, mình so sánh với người, hơn kém khác nhau xa lắm. Người mình trông thấy thế, không xét xem sự kém hèn của mình bởi đâu mà ra, vội vàng bỏ những điều xưa nay mình vẫn tín ngưỡng mà bắt chước cái mới của người ta.
 
Tính bắt chước vốn là tính tự nhiên của loài người, dẫu ở nước nào cũng thế cả. Nhưng giá ta có sẵn cái tinh thần tốt rồi, chỉ bắt chước lấy những điều có bổ ích thêm cho tinh thần ấy thì thật là hay lắm. Chỉ hiềm vì mình để cái tinh thần của mình hư hỏng đi, mà lại mong bắt chước sự hành động của người ta, thì sự bắt chước ấy làm cho mình dở hơn nữa. Vì đã gọi là bắt chước là chỉ bắt chước được cái hình thức bề ngoài mà thôi, còn cái tinh thần ở trong, phi lâu ngày nhiễm lấy được mà hóa đi, thì khó lòng mà bắt chước được, Thành thử bao nhiêu những sự bắt chước của mình chỉ là làm loạn cả tính tình, tư tưởng và phong tục của mình. Có lắm người vọng tưởng rằng mình cố bắt chước được người ngoài, là mình làm điều có ích cho sự tiến hóa của giống nòi mình. Không ngờ rằng sự bắt chước vội vàng quá, không suy nghĩ cho chín, lại thành cái độc gây ra các thứ bệnh cho xã hội của mình. Đó là một điều lầm lỗi của số nhiều những người tân học thời nay. Mà sự lầm lỗi ấy chỉ mỗi ngày là một thêm ra chứ không bớt đi được.
 
Mỗi một dân tộc có một cái tinh thần riêng, cũng như mỗi cây có cỗi rễ ăn sâu xa xuống dưới đất. Hễ cây nào cỗi rễ tốt, hút được nhiều khí chất thì cành lá rườm rà, cây nào cỗi rễ xấu, hút không đủ khí chất để nuôi các phần thân thể thì tất là cành lá còi cọc đi. Tinh thần của một dân tộc cũng vậy, gây thành từ đời nào không thể biết được, lưu truyền mãi mãi mới thành ra kết quả ngày nay. Dân tộc nào cường thịnh là vì biết giữ cái tinh thần của mình được tươi tốt luôn; dân tộc nào suy nhược là vì đã để cái tinh thần hư hỏng đi, không biết tìm cách mà nuôi nó lên" (Ngưng trích)
 
Cái nhà là nhà của ta,
Công khó ông cha dựng nên.
Cháu con hãy gìn giữ lấy,
Muôn năm giữ nước non nhà!
 
Cái ngôi nhà Cổ do công khó của ông cha dựng ra, tự nó là một bảo vật vô giá, dĩ nhiên chúng ta phải gìn giữ, tu bồi. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải cẩn thận để phân biệt, đừng lầm lẫn giữa căn nhà thật và căn nhà giả mà lại mang họa to. Chúng tôi xin mượn lời trong bài "Hoa hóa VN qua danh nghĩa Học Viện Khổng Tử. Tạm yên Iran, Mỹ sẽ 'chơi' Trung Cộng?", của nhà báo Hà Nhân Văn, đăng trên Thế Giới Mới Online, để kết thúc bài này (Trích):
 
"HỌC VIỆN KHỔNG TỬ: CON ĐƯỜNG HOA HÓA VN

Kỳ trước chúng tôi đã trình bày, các học viện Khổng Tử mà TC dựng lên chỉ là mượn danh nghĩa Đức Khổng Tử mà thực tế chỉ là Hán Nho với Đại sư Đổng Trọng Thư, người đẻ ra "đạo" Trị Bình của Hán để xâm lược. Gs. Lâm Chấn Hạo nói rõ: "Đời Hán xuất hiện Nho học do Đổng Trọng Thư làm đại biểu về tư tưởng. Đến đời Hán Vũ Đế, đã bãi truất Bách gia, độc tôn Nho thuật, xác lập địa vị chính thống của Nho học trong xã hội phong kiến (...) Hán Vũ Đế "độc tôn Nho thuật" (TQ văn hóa sử - Tam bách đề, sđd, T. II, tr. 27). Cho đến nay vẫn còn nhiều người lầm tưởng Tam cương và Tam tòng do Đức Khổng Tử đề ra! Tuyệt đối không phải! Tam cương tức "Quân, sư, phụ" và Tam tòng buộc phụ nữ phải "Tòng phụ, tòng phu, tòng tử" (đã dẫn) đều do một Đại sư Đổng Trọng Thư xướng xuất, các triều đại lấy làm khuôn vàng thước ngọc. Đức Khổng Tử trước sau chủ trương Dân vi bản, lấy dân làm gốc. Thầy Mạnh Tử phát huy thêm, đưa ra thuyết "Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh" (Dân là quí, rồi mới đến nhà nước, còn vua là nhẹ (khinh là nhẹ). "Đạo" Trị bình do Đổng Trọng Thư đề xuất. Ông Đại sư này, tự nhận là kế thừa Khổng Phu tử, tôn phò Hán Vũ Đế "chinh chiến liền năm, chinh phục bốn phương" (Về Hán Vũ Đế và Nho giáo Hán, xem: Nguyễn Tôn Nhan, Nho giáo Trung quốc, sách dày 1613 trang. Phần Nho giáo Tây Hán - Hán Vũ Đế, tt. 201-359).

Nho giáo và Khổng học qui vào các bộ sách Tứ thư và Ngũ kinh, ngoại trừ sách Xuân thư, còn lại tất cả đều do Đức Khổng Tử san định. Hán Nho, xin lập lại là do Đổng Trọng Thư, ông Đại sư này mới là Đại sư của Trung Cộng. Đổng đại sư nếu thật sự không khùng thì ông cũng bị mát thần kinh "ba năm không bước ra vườn nhà, ngồi sau bức rèm giảng bài, học trò nhiều người cả đời không nhìn thấy mặt thầy" (sách đã dẫn, phần Đổng Trọng Thư, xem: TQ nhân danh đại từ điển, Thương vụ aân thư quán xb, Đài Loan 1960, lưu trữ tại kho sách TQ, thư viện QH Hoa Kỳ). Ấy vậy mà TC vẫn xoáy vào Đổng Đại sư: chủ đạo của Hán Nho chứ không phải do Đức Khổng Tử. Bắc Kinh Đỏ lờ hẳn Mạnh Tử, bỏ hẳn kinh Xuân Thu, bộ sử biên niên của nước Lỗ do Khổng Tử biên soạn, đây là tác phẩm duy nhất của Khổng Tử, do ngài từng làm quan ở nước Lỗ, thăng lên đến "Trung đô tể" (Đô trưởng kinh thành) rồi Đại tư khấu tức Hình bộ Thượng thư và 4 năm quyền nhiếp việc chính trị nước Lỗ (xem: Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê, Đại cương Triết học Trung quốc, Cảo Thơm xb, Sàigòn 1966, tập Hạ, tr. 720).

HÁN HÓA: XƯA VÀ NAY

Khổng Tử, Khổng học, Nho giáo mà đảng và nhà nước CS Tàu tôn vinh, hoằng dương quảng bá, tuyên truyền chỉ là học thuyết của Đổng Trọng Thư như Thiên mệnh thiên tử nhà Hán và đạo Trị bình mà Hán Vũ Đế nhân danh để đi xâm lược bốn phương. Nước Nam Việt là nạn nhân đầu tiên. Nhà Hán lấy chữ Hán để Hán hóa thiên hạ, VN ta trước thế kỷ 19 gọi là chữ Nho, Nho học. Tổ tiên ta không gọi là Hán tự, Hán Nho. Đúng 1050 năm thống trị VN đã thất bại trong âm mưu Hán hóa VN qua Hán tự và Hán Nho. Ta có Việt Nho và Nôm Việt.

Một nhà ngôn ngữ học quốc tế, nghiên cứu sâu rộng, cặn kẽ về tiếng Việt, Thừa sai Lm. Émile Souvignet cho rằng người Việt đã Việt hóa cả Hán tự để có riêng một nền văn tự gọi là Hán Việt. Lm. Souvignet viết: "Tuy gốc Hán nhưng bao nhiêu chữ người Việt dùng Hán tự trong văn học và dân gian đã Việt hóa thành Hán Việt" (xem: Les origines de la langue annamite, HN 1922, 3è édition 199 pp. - Lm. Su Vi Nhê, "Cỗi rễ tiếng Việt", tạp chí Nam Phong số 107 tháng 7-1926 - Phạm Quỳnh, "Hán Việt văn tự". Nam Phong số 107, tháng 7-1926, tt. 12-20).

Nhưng hỡi ôi! Quá tủi nhục, xấu hổ, phạm tội "tày trời" đối với tổ tiên xưa, chỉ trong vòng hơn 20 năm qua kể từ hội nghị Việt Hoa ở Thành Đô, Tứ Xuyên (vốn là đất cũ của Việt tộc) năm 1990, âm mưu Hoa Hán hóa VN đã ở mức độ thành công rất nhanh so với thời Bắc thuộc. Về phương diện văn học ngôn ngữ ngày nay có vào khoảng, ít nhất từ 300 đến 400 Hoa ngữ mới (Quan thoại) đã du nhập vào VN và trở thành Việt ngữ. Thí dụ như “gia cố”! Chữ "sự cố" thay cho chữ sự kiện mà VNCH và trước năm 1954, ta đã sử dụng đúng tiêu chuẩn nhất. Sự cố và sự kiện hoàn toàn khác nhau, VNCS kể cả hải ngoại là sử dụng “sự cố” thay cho “sự kiện”. Chữ "tư liệu" bắt chước TC thay cho “tài liệu”! Tài liệu lấy từ văn khố và từ lịch sử, vẫn cứ gọi là “tư liệu”! Điển hình nhất là chữ Trung quốc, trước đây từ chế độ VNCH trở về các triều đại Nguyễn Lê, Trần và Lý, ta chỉ gọi là nước Tàu, người Tàu, Bắc quốc, Trung Hoa, nước Hán. Nay thì một tiếng TQ, hai tiếng TQ, hàng TQ, người TQ... còn bao nhiêu chữ du nhập từ Hoa ngữ đã sử dụng với nghĩa từ rất ngớ ngẩn, thí dụ chữ “cầu thị”, trong một câu văn, chẳng ăn nhằm gì đến chữ “cầu thị” vẫn thêm vào chữ “cầu thị”!

Ta phải chống học viện kể trên chỉ là chống lại một Khổng Tử giả mạo, bóp méo, xuyên tạc của Bắc Kinh Đỏ. Khổng học cũng là học thuyết chính trị mà TC đã CS hóa. Sử gia La Chấn Vũ, một học giả Nho giáo lỗi lạc, ông soạn bộ "Trung quốc chính trị tư tưởng sử" (chủ yếu là Khổng Tử và Nho giáo) "bằng quan điểm Mác xít, tác giả nghiên cứu lịch sử tư tưởng cổ đại TQ" (xem: Lao Tư và Thịnh Lê, Nho Phật Đạo, sđd, tr. 1066). Sau khi thành lập Khổng Tử Cơ Kim Hội nhân ngày Đản sinh Khổng Tử, 22-9-1984 do Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Ủy viên Quốc vụ viện TQ, tên là Cốc Mục làm Hội trưởng danh tự, Khuông Á Minh, Ủy viên TƯĐ, Hội trưởng chấp hành với cương lĩnh "lấy chủ nghĩa Mác và tư tưởng Mao Trạch Đông làm chỉ đạo! Năm sau, ngày 10-6-1985, TC lại cho thành lập "TQ Khổng Tử nghiên cứu sở", một tổ chức ngoại vi của Đảng. Tôn chỉ của sở này ngay điều 1 đã khẳng định: "Lấy thái độ thực thi cầu thị Mác xít để nghiên cứu Khổng Tử và học thuyết Nho giáo"! Thế đó! Khổng học của TC là như vậy! Trước sau Khổng Tử của TC chỉ là danh nghĩa trùm phủ lên Đổng Trọng Thư (lập lại) người đưa ra cương lĩnh Tam cương, Tam tòng và "đạo" Trị bình! Thiên mệnh, thiên tử, thiên triều đời Hán Vũ Đế (lập lại): "Đổng Trọng Thư đã trở thành nhân vật kế thừa và phát triển Nho giáo" (xem Lao Tư và Thịnh Lê, Nho Phật Đạo, sđd, tr. 431). Bây giờ Đảng và nhà nước CHNDTH lại kế thừa và phát huy Đổng Trọng Thư "Đại Hán bành trướng bình thiên hạ (còn tiếp). Âm mưu thâm độc là thế!" 
(Ngưng trích)
 
 
Phạm Khắc Trung