Tháng Chín 2013, trên Internet Rừng Phong Virginia, thấy có những bài viết về Nhà Văn – Nhà Thơ –Nhà Nhạc Nguyễn Ðình Toàn. Tôi – CTHÐ – trích đăng mấy bài:
Tác giả Phan Xuân Sinh viết về Văn nghệ sĩ Nguyễn Ðình Toàn, ngày 11/07/2012, ở Houston
Khi chúng tôi dự trù tổ chức “Chiều Nhạc Nguyễn Ðình Toàn”, chúng tôi không nhớ là chiều Nhạc cũng là chiều diễn ra những trận đá banh EuroCup ở vào thời điểm quyết liệt nhất. Ảnh hưởng của Giải Túc Cầu Âu Châu làm cho một số quí vị vì phải xem trận đá banh nên không tới dự “Áo Mơ Phai – Chiều Nhạc của Nguyễn Ðình Toàn.” Chiều Nhạc tổ chức tại Café Canvas, Houston, Tuy vậy số người đến dự vẫn đông. Chúng tôi khai mạc Chiều Nhạc đúng giờ; đó là một sinh hoạt đúng với tinh thần văn hóa, không kéo dài thời gian chờ đợi và tất cả quý khách tham dự rất lịch sự giúp cho chương trình tiến diễn một cách tốt đẹp.
Ðêm, nghe lại nhiều lần những ca khúc của Nguyễn Ðình Toàn, người nghe như bị thôi miên, cuốn hút theo, và thèm nghe thêm nhiều lượt nữa, cõi nhạc Nguyễn Ðình Toàn tha thiết, réo rắt, thăm thẳm, buồn hiu!
Có phải vì đêm nay, đêm tái hiện trong cơn mê sảng thời đại, những ‘oan hồn điên cuồng còn chảy tuôn máu chưa hề quên, khăn tang nào che ngang đầu, những kiếp người một đời giông bão…,’ và có thật một nỗi buồn gan thắt nữa, trùm lấp vào ‘đêm thao thức trông trời, xa vắng tin người âm u tiếng đời vui. Sao rơi rớt lưng trời hay nước mắt đưa người…!
*
Nhà văn Nguyễn Ðình Toàn nổi tiếng năm 1962 bằng Truyện dài “Chị Em Hải” do Nhà Xuất Bản Tự Do ấn hành.
Suốt mười năm sau đó, ông cho ra đời thêm 10 tác phẩm, gồm truyện ngắn, truyện dài, trong đó có cuốn “Áo Mơ Phai” được trao tặng Giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc năm 1972, tác phẩm này đã làm ông khốn đốn không ít trong nhà tù cộng sản sau năm 1975. Ngoài ra ông còn là một nhà thơ với tập thơ Mật Ðắng. Sau thời Ðệ Nhị Cộng Hòa 1963, ông là người khai sinh chương trình Nhạc Chủ Ðề, phát thanh hàng tuần trên Ðài Sài Gòn, đặc biệt với lời dẫn nhập do chính ông đọc và viết cho mỗi bài hát.
Ý kiến của Nữ ca sĩ Quỳnh Giao:
“Ông viết lời giới thiệu như người ta làm thơ. Văn phong ông cổ điển, khác với lời viết của Mai Thảo, khác lời nhạc của Trịnh Công Sơn, lời viết về bản nhạc trong Nhạc Chủ Ðề là một loại thơ dẫn vào nhạc. Chương trình ăn khách và tạo ra một trào lưu chính là nhờ giọng nói truyền cảm, như lời thủ thỉ của Nguyễn Ðình Toàn. Ông dẫn thính giả vào nhạc bằng câu “Hỡi em yêu dấu” như ông chỉ nói với một người. Qua làn sóng điện người nghe thấy lời thì thầm với riêng mình những cảm xúc do ca khúc gợi lên. Ông tạo ra một không khí tình cảm dịu dàng, điệu nghệ, để người nghe chuẩn bị đón nhận. Nhạc Chủ Ðề Nguyễn Ðình Toàn đã là nơi báo hiệu hào quang sáng lên trên các ca sĩ sau này là những tên tuổi lẫy lừng như Sĩ Phú, Khánh Ly, Lệ Thu.”
*
Nhà Văn-Nhà Báo Ðào Trương Phúc viết về Tình Ca Nguyễn Ðình Toàn và Nhạc Chủ Ðề.
“Tình ca- những tiếng nói thiết tha và tuyệt vời nhất của một đời người – bao giờ cũng bắt đầu từ một nơi chốn nào đó, một quê hương, một thành phố, nơi người ta đã yêu nhau… Tất cả mùa màng, thời tiết, hoa lá, cỏ cây của cái vùng đất thần tiên đó, kết hợp lại, làm nên hạnh phúc, làm nên nỗi tiếc thương của chúng ta”…
“Em đâu ngờ anh còn nghe vang tiếng em trong tất cả những tiếng động ngù ngờ nhất của cái ngày sung sướng đó: Tiếng gió may thổi trên những cành liễu nhỏ, tiếng những giọt sương rơi trên mặt hồ, tiếng guốc khua trên hè phố… Ngần ấy thứ tiếng động ngân nga trong trí tưởng anh một thuở thanh bình nào, bây giờ đã gần im hơi, nhưng một đôi khi vẫn còn đủ sức làm ran lên trong ký ức một mùa hè háo hức, một đêm mưa bỗng trở về, gió cuốn từng cơn nhớ… Anh bỗng nhận ra anh vẫn còn yêu em, dù chúng ta đã xa nhau như hai thành phố,,”
Ðó là những lời mở đầu một chương trình “Nhạc Chủ Ðề” trên làn sóng điện của Ðài Phát Thanh Sài Gòn, một buổi tối thứ năm nào đó của thập niên 60. Nguyễn Ðình Toàn đọc những lời giới thiệu ấy sau phần nhạc hiệu của chương trình, và tiếp theo là những giọng hát và những ca khúc chọn lọc đến với thính giả – giọng hát Duy Trác và “Hướng Về Hà Nội” của Hoàng Dương, giọng hát Thái Thanh và “Giáo Ðường Im Bóng” của Nguyễn Thiện Tơ, giọng hát Sĩ Phú và “Trở Về Dĩ Vãng” của Lâm Tuyền, giọng hát Lệ Thu và “Bóng Chiều Tà” của Nhật Bằng, giọng hát Khánh Ly và “Mùa Thu Chết” của Phạm Duy…
Những lời giới thiệu ấy, những lời ca tiếng hát ấy dội vào tâm tư của cả một thế hệ Việt Nam, một thế hệ lớn lên trong bối cảnh của những cơn binh lửa nối tiếp nhau trên quê hương. Và kỳ lạ thay, đến bây giờ những ca khúc ấy vẫn ở lại trong ký ức họ, cho dù nhiều năm tháng đã trôi đi, bao nhiêu khuôn mặt đã xa khuất, một cuộc chiến đầy cay đắng đã tàn để nhường chỗ cho một thảm kịch khởi đầu, một thế hệ đang lùi dần vào quá khứ trong khi nhân loại đón chào một thiên niên kỷ mới…
Nếu như đối với các thính giả ái mộ “Nhạc Chủ Ðề” của thập niên 60, chương trình phát thanh ấy là một thư viện cất giữ giùm cho họ những trang sách kỷ niệm vô giá của tuổi thanh xuân hay một thời yêu đương, thì đối với sinh hoạt văn nghệ nói chung, “Nhạc Chủ Ðề” là nhịp cầu tiếp nối giữa dòng nhạc tiền chiến và dòng nhạc sau cùng của miền Nam tự do. Chất nối kết hai dòng nhạc ấy là tình yêu, cho nên cuộc hành trình của “Nhạc Chủ Ðề” chính là cuộc hành trình của Tình Ca Việt Nam, dọc theo những năm tháng oan trái nhất của lịch sử…
“Tình Ca Việt Nam” là tựa đề của băng nhạc đầu tiên và duy nhất do người khai sinh chương trình “Nhạc Chủ Ðề” – nhà văn Nguyễn Ðình Toàn – thực hiện vào năm 1970. Ngày đó trên quê hương chúng ta, compact disc và video chưa xuất hiện, mới chỉ có hình thức “bande magnetique,” và các phòng thâu băng cũng chưa có những thiết bị kỹ thuật tối tân để lọc âm thanh, ghép tiếng hát… Nhưng ngày đó cơn lốc chiến tranh đã cuốn hàng triệu người tuổi trẻ từ thành phố ra sa trường và đưa lửa đạn mịt mù từ sa trường về thành phố. Giữa giông bão chiến tranh, trong nỗi mong manh bọt bèo của thân phận con người và số phận đất nước, những ca khúc bất hủ của kho tàng Tình Ca Việt Nam được ghi lại và cất lên qua những giai điệu tuyệt vời nhất, vào giai đoạn thăng hoa nhất của những tiếng hát Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Duy Trác, Sĩ Phú, Võ Anh Tuấn, tiếng dương cầm của Nghiêm Phú Phi và Lê Vũ Lê Văn Chấn, tiếng vĩ cầm của Ðan Thọ, Tuấn Khanh, Phạm Văn Phúc, Ðào Duy… tiếng clarinette của Ðỗ Thiều và Lê Ðô, tiếng đại hồ cầm của Nhật Bằng, nhịp trống của Trần Quang Mây…
Hơn ba mươi năm sau, khi khối người Việt Nam lưu lạc nơi hải ngoại đã chuyển tiếp từ thế hệ thứ nhất qua thế hệ thứ hai, rồi thế hệ thứ ba, “Tình Ca Việt Nam” mới được in và phát hành lần đầu tiên dưới hình thức CD. Nguyễn Ðình Toàn gửi đến thính giả mười lăm bài hát cũ của chương trình “Nhạc Chủ Ðề” trên làn sóng điện của Ðài Phát Thanh Sài Gòn, cùng lúc với tuyển tập ca khúc thứ hai do ông sáng tác “Tôi Muốn Nói Với Em”. Và như thế, phải chăng một nhịp cầu đã được nối trở lại?
Nhưng câu hỏi ấy đặt ra để làm gì nhỉ? Ba mươi năm quá đủ dài để dập vùi bao nhiêu cuộc đời, xé nát bao nhiêu giấc mơ, cuốn phăng bao nhiêu ân tình, nhưng vẫn chưa và có lẽ chẳng bao giờ xóa sạch được dấu vết kỷ niệm trên ký ức của những người đã lạc nhau trong một cuộc bể dâu. Ba mươi năm trước, khi viết lời giới thiệu “Hướng Về Hà Nội”, Nguyễn Ðình Toàn nhắn nhủ rằng sự chia lìa hai thành phố trên cùng một đất nước cũng đớn đau y như cuộc phân ly giữa những cặp tình nhân sinh ra đời để yêu nhau.
Bây gờ đây, có những người mở mắt chào đời ở Hà Nội và trưởng thành ở Sài Gòn nhưng chẳng biết có còn được một ngày trở về để nhìn lại hai thành phố thân yêu ấy lần nữa hay không. Sự chia lìa giữa người và người đã trộn lẫn trong cuộc phân ly giữa người và quê hương, cũng như những con sông đều trở thành dòng vĩnh biệt để chảy vào biển cả câm lặng.
“Ta đã xa nhau như đời xa cõi chếtCó bao giờCòn có bao giờ ta thấy lại nhau không?”
Ðó là lời của “Em Còn Yêu Anh“, một trong những ca khúc Nguyễn Ðình Toàn viết khi ông sống sót trở về từ lao tù và ngơ ngác giữa một thành phố đã bị đổi tên, trên một quê hương nơi mà “sông chia dòng vĩnh biệt” và “người với người đã trở thành thiên tai.” Mỗi ca khúc ấy là hóa thân của một bài thơ, được viết trong đầu rồi hát trong tim, như sự mài dũa trí nhớ để chống chọi với một cơn mộng dữ. Nhưng dẫu cho đau buồn bao nhiêu và cay đắng chừng nào, những bài thơ ấy vẫn còn nguyên vẹn sự óng chuốt và mềm mại, cũng giống như những lời giới thiệu “Nhạc Chủ Ðề” của thập niên 60.
Thật là kỳ lạ khi mỗi câu thơ và lời hát này, sau bao nhiêu đợt sóng quay cuồng của định mệnh, vẫn có thể mang người ta trở lại với một ngày nắng vui hay một chiều mưa buồn, một buổi sớm mai trong mảnh vườn nhỏ của Hà Nội hay một đêm khuya hiu hắt trên đường phố Sài Gòn. Nếu người ta tái ngộ với chính mình qua những dòng thơ “Em Ðến Thăm Anh Ðêm Ba Mươi” thì người ta cũng cảm thấy lòng trẻ lại với “Căn Nhà Xưa”. Cái rung cảm của năm nào “Tay em lạnh để cho tình mình ấm, môi em mềm cho giấc ngủ anh thơm, sao giao thừa xanh trong đôi mắt ngoan, trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết” – vẫn trở lại đầy ắp trong lời thầm thì của mấy chục năm sau:
“Em có nhớ căn nhà xưa bên khu vườn cải, nơi những sớm mai nằm nghe nắng ròn trên mái… Có những sớm em tìm đến, với những đóa hồng khép nép giữa vòng tay ôm… Nghe sau lưng em có chiếc lá mừng, đã đổi màu xanh lấy hương nồng…”
Những ca khúc ấy khiến người ta bâng khuâng tự hỏi: “Biết đâu có một ngày ở hai phương trời cách biệt mà cũng đều là đất khách quê người, có đôi tình nhân cũ tuy xa nhau hàng ngàn dặm nhưng đang cùng chia xẻ với nhau một thanh âm quen thuộc, để nhắn nhủ nhau rằng ” Tình Ca – những tiếng nói thiết tha nhất của một đời người – bao giờ cũng bắt đầu từ một nơi chốn nào đó, một quê hương, một thành phố, nơi người ta đã yêu nhau…”
“Tôi Muốn Nói Với Em” [2001] là tuyển tập ca khúc thứ hai của Nguyễn Ðình Toàn, sau tuyển tập “Hiên Cúc Vàng” [1999] với 10 ca khúc đánh dấu những ngày đầu tiên khi tác giả đặt chân tới nước Mỹ. Và tiếp theo đó là tuyển tập thứ ba: “Mưa Trên Cây Hoàng Lan” [2002]. Một trong những ca khúc của tuyển tập này, được trình bày qua giọng hát Khánh Ly, mang tên “Nước Mắt Cho Sài Gòn,” với những lời hát mà ngay từ đầu năm 1976 đã trở thành rất quen thuộc với thính giả hải ngoại, nhưng dường như chỉ được biết đến dưới tựa đề bài hát “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên” của một tác giả khuyết danh.
“Sài Gòn ơi, ta mất người như người đã mất tên – như dòng sông nước quẩn quanh buồn – như người đi cách mặt xa lòng – ta hỏi thầm em có nhớ không… Sài Gòn ơi, đến những ngày ôi thành phố xôn xao – trong niềm vui tiếng hỏi câu chào – sáng đời tươi thắm vạn sắc màu – còn gì đâu…”
Sài Gòn trong ” Nhạc Chủ Ðề ” có thể chỉ là một nơi chốn kỷ niệm nào đó – “một thành phố nơi người ta đã yêu nhau”. Nhưng đối với tác giả bài hát, và đối với cả một thế hệ những người yêu quý ông, Sài Gòn giống như một chiếc hộp thần bí mà Pandora đã vô tình mở ra, và những oan khiên thống khổ tràn ngập không gian là cái giá phải trả cho những hạnh phúc tuyệt vời mà người ta nhận từ thế giới huyễn hoặc của một thời tuổi trẻ.
Sài Gòn là nơi từ đó, suốt thập niên 60, qua làn sóng điện giữa đêm khuya thanh vắng, chương trình “Nhạc Chủ Ðề” đã gửi đến thính giả những viên ngọc trác tuyệt nhất của kho tàng Tình Ca Việt Nam, những sáng tác bất hủ của Ðoàn Chuẩn, Ðặng Thế Phong, Nguyễn Thiện Tơ, Dương Thiệu Tước, Nguyễn Văn Khánh, Ngọc Bích, Lâm Tuyền, Phạm Duy, Hoàng Trọng, Nhật Bằng… mỗi bài hát là tặng vật vô giá mà chỉ riêng các cặp tình nhân Việt Nam mới có thể chia sẻ cùng nhau. Sài Gòn cũng là nơi mà Nguyễn Ðình Toàn đã viết lên những ca khúc của chính ông, đầy chất Thơ và miên man Tình tự, ghi lại dấu vết những cuộc tình không may, nổi trôi giữa cơn gió định mệnh khắc nghiệt, trên một quê hương tan nát vì khói lửa đạn bom. “Một Ngày Sau Chiến Tranh” là một trong những ca khúc ấy, vẽ lên hình ảnh quê hương như trong giấc mơ, những người trai trẻ ra đi ngày nào khi trở lại thấy mình già, nhưng “dẫu sao lòng anh vẫn đầy bao nỗi vui, đóa xương rồng sắc tươi hồng trong bó gai, ôi gió mát trời xanh ơi, sông sâu chôn những hồn ai, cây cao đã héo bao nhiêu nụ đời…”
Tiếc thay chiến tranh không tàn như trong một giấc mơ. Chiến tranh đã kết thúc bằng một cơn ác mộng, và ngay cả những viễn ảnh đen tối nhất vẽ nên bởi một đầu óc bi quan nhất cũng không thể so sánh nổi với thực tại về mức độ kinh hoàng. Cuộc chiến nửa thế kỷ chỉ kết thúc để mở đầu cho một thảm kịch mới, để biển Ðông trở thành mồ chôn cả triệu xác người, mảnh đất quê hương biến thành trại tù vĩ đại, và người ta bám víu vào mỗi cuộc chia ly như một niềm hy vọng đau xót. Trong những năm tháng nhọc nhằn cùng khổ, đầy bất trắc ấy, giữa một thành phố yêu dấu đã bị mất tên, có những người bạn thầm thì với nhau “Nước Mắt Cho Sài Gòn”, để nhớ… Rồi cơn sóng thời gian lại cuốn đi, hết thập niên 70, rồi hết thập niên 80, cuộc bể dâu tiếp tục vùi dập từng mảnh đời, chia xa những thân tình, thử thách những số mệnh, như âm vang của một lời tiên tri nhẹ nhàng nhưng đau đớn:
“Này đường xưa tôi điKhóm cây bao lần thay lá nhớDòng đời trôi quanh coCó khi xui người lỗi hẹn hò…”
Dường như mỗi bài hát mà Nguyễn Ðình Toàn viết và mang theo khi ông rời xa quê hương là dấu vết còn sót lại của một thời mà người ta cùng nghe với nhau và hát cho nhau nghe những bản tình ca. Những bài hát ấy rất buồn, mỗi lời hát có thể như một tiếng thở dài chua xót, nhưng đó là ngôn ngữ của tình ca, của hạnh phúc và khổ ải quyện lẫn với nhau thành tặng phẩm của trần gian. Như ai đã nói: “Chẳng có gì khác biệt giữa những giọt lệ khóc thương và những giọt lệ mừng vui”, biết đâu mỗi kỷ niệm đắng cay âm thầm chứa đựng một phút giây hạnh phúc?
Và nếu Sài Gòn – như lời hát viết cho một người tình đã mất tên – chính là chiếc hộp oan nghiệt mà Pandora đã mở ra, thì người ta cũng có thể nhắc nhở nhau rằng chiếc hộp ấy đã được đóng lại sau khi tất cả những thống khổ và bất hạnh đã tràn ngập không gian, và nơi đáy hộp vẫn còn sót lại một tặng vật cuối cùng, mang tên hy vọng, để Sài Gòn sẽ không mãi mãi chỉ là một “Quê Hương Thu Nhỏ” trong lòng người viễn xứ.
Ðào Trường Phúc
o O o
CTHÐ: “Ðó là những lời mở đầu một chương trình “Nhạc Chủ Ðề” trên làn sóng điện của Ðài Phát Thanh Sài Gòn, một buổi tối thứ năm nào đó của thập niên 60.”
Ðúng dzậy. 10 giờ một tối Thứ Năm nào đó trong năm 1965, hay năm 1966, lần thứ nhất tôi nghe chương trình Nhạc Chủ Ðề của Ðài Phát Thanh Sài Gòn. Ðài Sài Gòn mới có chương trình Nhạc Chủ Ðề do Nguyễn Ðình Toàn khai sinh và phụ trách. Lúc 10 giờ tối xưa ấy tôi nằm lơ mơ bên cái radio. Lời Toàn nói đưa tôi vào giấc ngủ êm. Sáng hôm sau trong tòa soạn Nhật báo Tiền Tuyến, tôi viết bài Tạp Chi về Nhạc Chủ Ðề. Tạp Ghi tất nhiên là đăng trên nhật báo Tiền Tuyến. Tôi tin chắc bài viết của tôi là bài viết thứ nhất về Nhạc Chủ Ðề.
Năm tháng qua. Tháng Bẩy năm 1976, Toàn và tôi gặp lại nhau trong cái gọi là Khóa Bồi Dưỡng Chính Trị do bọn Bắc Cộng tổ chức. Khóa Học trong 21 ngày. Nhà Toàn ở trong Làng Báo Chí. Buổi trưa Toàn không thể đạp xe máy cọc cạch về nhà ăn cơm rồi lại đạp xe sang dự lớp 2 giờ trưa. Tôi rủ Toàn trưa về nhà tôi ăn cơm với tôi. Một buổi trưa Toàn cầm cây guitar của con tôi, dạo đàn vài phút, tôi nói:
“Nhạc của mày buồn quá.”
Toàn nói:
“Tao là một nhạc sĩ lỡ.”
Ðầu năm 1976 – vì không việc gì làm, quá buồn – một số người Sài Gòn bầy ra chuyện nuôi thỏ. Nhà Toàn ở làng Báo Chí, có vườn, tiện cho việc nuôi thỏ. Không thể mua rau cho thỏ ăn, Toàn đi cắt cỏ ở bãi cỏ quanh làng, đem cỏ về rửa sạch, phơi cho ráo nước rồi cho thỏ ăn. Cỏ phải cắt bằng liềm. Một chiều tôi đạp xe sang Làng Báo Chí thăm anh em. Gặp Toàn đi cắt cỏ về. Anh đội nón lá, bận bộ pijama nâu. Anh cho tôi xem vết sẹo ở bàn tay anh. Anh nói:
“Cả năm nay tao không được ăn miếng thịt bò. Mà liềm cắt tay tao, tao mất đến nửa lít máu. Làm sao tao sống được.”
Năm 1977 khi bị giam trong Xà-lim Khu B Nhà Tù Số 4 Phan Ðăng Lưu, qua ô cửa gió tôi nhìn thấy Nguyễn Ðình Toàn bị công an dẫn đi ngang để vào Khu Thẩm Vấn.
o O o
Ðào Trường Phúc chủ trương Tuần Báo Phố Nhỏ ở Falls Church, Virginia. Tôi viết riêng cho ÐT Phúc những lời này:
“Chắc Phúc cũng nhớ như tôi nhớ: Ân Tố Tố nói với Trưong Thúy Sơn:
“Em muốn ở nhân gian, trên tiên giới, dưới địa ngục, ở đâu đôi ta cũng sống với nhau.”
Thúy Sơn nói:
“Anh cũng muốn nói ới em một câu như thế.”
Hôm nay tôi nói với ông Ðào một câu gần giống như câu nói của Võ Ðang Thất Hiệp Trương Thúy Sơn:
“Tôi cũng muốn viết về Nguyễn Ðình Toàn và Nhạc Chủ Ðề như ông mà tôi viết không hay. Tôi mượn bài viết của ông. Mong ông thông cảm.”