Võ Văn Tạo (Danlambao) - Tháng 6-2012, báo chí các “lề” rầm rộ đưa tin: theo đánh giá của Quỹ Kinh tế mới (NEF), Việt Nam đứng nhì thế giới về chỉ số hạnh phúc, chỉ sau mỗi Costa Rica! Nhân sự kiện này, các báo “lề đảng” “nhảy cẫng” đồng loạt tán dương. Báo “lề dân” lại có dịp dè bỉu, công kích báo “lề đảng”. Người dân ù cả tai, hoa cả mắt, chẳng biết đâu mà lần.
Ngót 2 năm thu thập thêm thông tin và nghiền ngẫm đề tài này, nhân sự kiện vừa được báo Tuổi Trẻ phát hiện và đăng tải (phóng sự kèm video clip người thật việc thật ở bản Sam Lang -Điện Biên) về câu chuyện học trò, cô giáo, người dân hàng ngày vượt suối lũ bằng cách chui vào... túi bóng (nilon), nhờ thanh niên khỏe mạnh kéo qua, người viết bài này đã có thể rút ra được kết luận khó phản bác: NEF và báo “lề đảng” chuẩn không cần chỉnh (xin nói thêm, NEF là tổ chức quốc tế hẳn hoi, mặc dù tên gọi của nó có gợi lại thảm họa “kinh tế mới” – chẳng mấy hạnh phúc với hàng triệu gia đình). Báo “lề dân” chỉ được cái xuyên tạc, thiếu thiện chí.
Xin chứng minh:
Này nhé, ai dám phản bác kết luận: chỉ những người có sức khỏe thể chất và tinh thần thật mạnh mẽ, lạc quan mới dám tham gia các môn thể thao mạo hiểm như leo núi, chèo xuồng vượt thác ghềnh...?
Này nhé, nếu không có sức khỏe hạng A, đố bạn hàng ngày cuốc bộ đường rừng từ vài cây số đến hàng chục cây số.
Này nhé, ai dám bảo việc đi rừng hằng ngày không cho ta duy trì sức khỏe dẻo dai?
Này nhé, ai dám nói việc vượt suối bằng túi bóng không mạo hiểm bằng các trò leo núi, chèo thuyền vượt thác ghềnh?
Này nhé, du lịch mạo hiểm đâu chỉ có ở Sam Lang? Bạn có thể thấy hàng ngày ở khắp nơi trên đất nước ta tươi đẹp. Từ Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên (đu dây vượt suối), đến đồng bằng sông Cửu Long (cầu tre, cầu khỉ), dọc quốc lộ 1A cùng hàng trăm tuyến đường bát nháo khác…
Này nhé, người dân vùng sâu, vùng xa, vốn dĩ được nhà nước xếp vào dạng nghèo khó, lạc hậu… còn hạnh phúc đến mức hàng ngày vẫn có điều kiện thực hành du lịch mạo hiểm, thử hỏi người dân ở đô thị còn hạnh phúc đến cỡ nào?
_______________________________________
17-03-2014 08:46
TTO (Lê Đức Dục - Đà Trang) - Các cô giáo chui vào những bao nilông và ngồi lọt thỏm trong bao cho miệng bao trùm kín quá đầu. Những thanh niên trai bản biết bơi sẽ túm gọn miệng bao “đựng” cô giáo và kéo các cô bơi vượt qua suối.
Trong câu chuyện về điểm trường “Tháng ba biên giới” được xây dựng ở bản Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên (Ngôi trường mới ở Sam Lang), chúng tôi đã nhắc tới cung đường dài 18 cây số từ trung tâm xã Nà Hỳ vào bản.
Vào mùa lũ, các thầy cô giáo, học sinh ở bản Sam Lang phải chui vào túi nilông
và nhờ người biết bơi kéo qua suối - Ảnh trích từ clip của cô giáo Tòng Thị Minh
Ảnh trích từ clip của cô giáo Tòng Thị Minh
|
Ảnh trích từ clip của cô giáo Tòng Thị Minh |
Video clip do cô giáo Tòng Thị Minh cung cấp
Nhưng ấn tượng của cung đường này không chỉ là những con dốc dựng đứng, những vực sâu hun hút mà sơ sẩy một chút có thể đánh đổi cả sinh mạng mình.
Thầy giáo Lò Văn Chiến dù quá quen với cung đường này song không ít lần khiến tôi thót tim khi ngồi sau chiếc xe máy của thầy.
Nhất là những đoạn dốc dựng đứng mà đất dưới nền đường đã vụn thành một lớp bột mịn như rây, dày cả tấc.
Bánh xe không bám được vào nền đường, cứ thế trượt dài trong mớ bột đất tơi mịn dù đã đạp thắng xe hết cỡ, trong khi bên vệ đường là vực sâu hun hút.
Liều mình vượt suối
“Tất cả vì học sinh thân yêu”
“Tất cả vì học sinh thân yêu” là câu khẩu hiệu được viết rất trang trọng trên tường của nhiều ngôi trường. Nhưng ở Sam Lang, “tất cả vì học sinh thân yêu” không hề là câu khẩu hiệu, nó hiện ra cụ thể trên chặng đường mà các thầy cô giáo như cô Minh, thầy Quý, thầy Sen, thầy Trường, thầy Chinh... đang mang con chữ đến với học sinh của mình. Câu khẩu hiệu đó được cụ thể hóa và có khi đầy nguy hiểm như câu chuyện vượt suối mùa lũ bằng túi nilông mà chúng tôi vừa kể!
Khi gặp cô giáo Tòng Thị Minh, giáo viên mẫu giáo đang dạy ở điểm trường Sam Lang, nhắc lại chặng đường vừa đi từ Na Hỳ vào Sam Lang và bày tỏ sự khâm phục với “tay lái lụa” của các cô giáo khi hằng tuần đi về trên chặng đường này, cô Minh cười bảo: “Các anh đi hôm nay trời khô ráo, quá sướng, vào đây mùa lũ thì các anh phải xem cái này!”.
Nói rồi cô Minh mở điện thoại cho chúng tôi xem một đoạn clip cảnh vượt suối đến trường vào mùa lũ mà tôi tin chắc chưa ở đâu trên thế giới này có kiểu qua suối kỳ lạ như thế.
Đã từng xem những thước phim về “đu dây qua sông”, ôm can nhựa, ôm thân chuối bơi qua sông... nhưng đoạn clip cô giáo Minh quay bằng điện thoại và mở cho xem nằm ngoài tất cả sự tưởng tượng của chúng tôi.
Trong chiếc điện thoại của cô giáo Tòng Thị Minh, đoạn clip quay cảnh các cô giáo đứng bên bờ suối, nước xiết cuồn cuộn.
Rồi các cô chui vào những bao nilông và ngồi lọt thỏm trong bao cho miệng bao trùm kín quá đầu. Những thanh niên trai bản biết bơi sẽ túm gọn miệng bao “đựng” cô giáo và kéo các cô - lúc này nằm im trong túi nilông ấy - để bơi vượt qua suối. Một tay túm miệng bao, một tay sải nước bất chấp con suối mùa lũ đang băng băng chảy xiết.
Tất nhiên các cô giáo nằm im và nín thở khi nằm trong cái “phao túi bóng” ấy. Nói dại, nước thì xiết, cái túi nilông mỏng manh, nhỡ tuột tay hay các cô cựa quậy vì ngộp làm cái túi mỏng manh kia rách thì tính mạng các cô giáo sẽ thế nào giữa dòng suối ấy đây?
Thấy chúng tôi quá quan tâm tới đoạn phim quay cảnh vượt suối mùa lũ có một không hai này, cô Minh bảo: “Ôi chuyện bình thường mà, chúng em chỉ có cách đó qua suối thôi chứ chả cây cầu nào chịu được lũ rừng cả”.
Con suối cô Minh quay cảnh tượng “rùng rợn” kia là suối Nậm Pồ, đoạn giáp ranh giữa hai bản Lai Khoang và Sam Lang, trên trục đường từ trung tâm xã vào tận đường biên giới Việt - Lào.
Cô Minh bảo: “Hồi tháng 9-2013 em bắt đầu chuyển từ Nà Bủng về điểm trường này. Lần đầu gặp lũ không biết làm thế nào để đi qua thì thấy dân bản đều “vượt lũ” bằng cách này nên cũng liều mình làm theo”.
Hôm đó cô Minh đi cùng với cô giáo Huệ, dạy ở Nậm Chua. Cô Huệ nhìn thấy thế hơi hãi không dám qua, vậy là cô Minh đánh bạo chui vào bao và nhờ dân bản đưa qua suối.
Qua tới bờ bên kia, cô Minh vừa gọi với sang động viên cô Huệ, trong clip còn có tiếng của cô Minh: “Chui vào đi, chui vào đi, chị to hơn em mà còn chui được vào cơ mà...”.
Vừa gọi cô vừa lấy chiếc điện thoại quay cảnh cô Huệ qua suối trong túi nilông làm kỷ niệm vì quá... ấn tượng. Nhìn cô Huệ vừa được đưa qua suối, chừng ngộp thở bởi bị nhốt kín trong bao, nét mặt thất thần.
Chiếc cầu treo còn trong mơ ước
Nhìn nguy hiểm chết người như thế, nhưng khi đã qua được rồi thì những lần sau gặp lũ dâng ngập cầu các cô cứ bình tĩnh chui vào bao nilông rồi nhờ dân bản vừa bơi vừa kéo cái túi qua suối.
“Em thấy cũng bình thường như... cân đường hộp sữa thôi mà!” - cô Minh hài hước.
Cô giáo Tòng Thị Minh và học sinh của mình tại bản Sam Lang - Ảnh: Ngọc Quang |
Cô còn một đoạn clip khác quay cảnh vượt suối của học trò, bởi không chỉ các cô giáo, nhiều phụ huynh cũng đưa con vượt suối đến trường bằng cách ấy.
Tất nhiên các em còn bé nên chuyện để các em vào bao nilông xem ra dễ dàng hơn. Trong clip, những ông bố cứ đặt con vào bao rồi tóm lấy miệng túi nhấc bổng và kéo ra suối, bất chấp dòng nước xiết chảy băng băng.
Nằm gọn trong chiếc túi, qua bên kia suối vẫn khô ráo áo quần. Thật tình, so với cảnh “đu dây” trong câu chuyện về đường đến trường của các em học sinh miền tây Quảng Bình làm xôn xao dư luận mấy năm trước, chuyện qua suối bằng cách nằm trong những túi bóng ở Sam Lang nằm ngoài sự tưởng tượng.
Hai đoạn clip quay bằng điện thoại đã được cô giáo Minh đồng ý tặng lại phóng viên Tuổi Trẻ và sẽ gửi đến bạn đọc trên TVO (tv.tuoitre.tv).
Rời Sam Lang, trên đường trở lại Nà Hỳ chúng tôi đã dừng lại bên chiếc cầu được ghép bằng những mảnh ván gỗ bắc mỏng manh qua suối Nậm Pồ.
Mùa khô lòng suối trơ cạn, nhưng mùa mưa lũ thì như bao con suối trên những địa hình chia cắt bởi nhiều đồi núi dốc, chỉ một trận mưa nguồn là dòng suối trở nên mênh mông cuồn cuộn nước.
Những người dân bản nói đến mùa lũ chiếc cầu lại được tháo đoạn giữa ra, kéo về hai phía, mùa khô đến lại kéo cầu ra. Và từ Nà Hỳ vào Sam Lang, dù Nậm Pồ là con suối lớn nhất nhưng những con suối còn lại cũng khiến chuyện đi lại của dân bản càng cam go hơn.
Bao giờ thì có những cây cầu treo dân sinh vượt suối trên tuyến Nà Hỳ - Sam Lang cho các thầy cô và học sinh có thể an tâm tới trường, cho người dân bình an lên nương?
Chúng tôi nghĩ chắc sẽ còn lâu mới có thể xây ở đây những cây cầu vượt suối. Bởi ngay trục đường chính nối từ tuyến đường Mường Chà đi Mường Nhé chạy vào huyện lỵ Nậm Pồ còn chưa được thi công tử tế thì chuyện làm cầu treo vào bản chắc còn phải rất lâu nữa!
Và vì rất lâu nên không thể biết các thầy cô giáo và học sinh nơi đây sẽ có thêm cách nào khác để qua suối mùa lũ.
Nguy hiểm như thế thì liệu sẽ xảy ra hậu quả gì hay không? Chắc tất cả lại áp dụng “sáng kiến” chui vào bao nilông rồi dìu bơi qua suối đầy nguy hiểm và hơi rùng rợn như những gì bạn có thể xem trong đoạn phim trên TVO của báo Tuổi Trẻ!
Chỉ mới mở đường rộng hơn
Hôm làm việc với thiếu tá Phương Công Quý, đồn trưởng đồn biên phòng Nà Hỳ, anh bảo cũng nhờ xây ngôi trường ở Sam Lang mà bà con “hưởng lợi” thêm từ con đường nay đã rộng hơn trước. Bởi trước đây là tuyến đường dân sinh, chỉ có xe máy đi được, nay chở hàng tấn ximăng, sắt thép vào Sam Lang xây trường thì phải dùng ôtô vận chuyển chứ không thể gùi cõng đi hàng chục cây số được. Vậy là cả lính biên phòng, cả dân bản, với sự hỗ trợ máy móc của vài doanh nghiệp trên địa bàn đã mở rộng mặt đường đủ cho ôtô tải chạy chở vật liệu vào. Và dân nơi đây cũng chỉ có thể “hưởng lợi” thêm chút rộng rãi của mặt đường vào mùa khô mà thôi, từ tháng 5 đến tháng 10 mùa mưa xuống, chẳng xe cộ nào đi được trên tuyến này, chỉ có cách duy nhất là đi bộ. Đi bộ dẫu có xa nhưng đi mãi cũng đến, riêng chuyện qua suối quả là nan giải!
-------------------------------------
(Người Lao Động onlines) – Trong một đánh giá mới nhất của Quỹ kinh tế mới (NEF) thì Việt Nam được xếp là nước đứng thứ 2 về chỉ số hạnh phúc trên thế giới.
Bảng đánh giá Chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI) của Quỹ kinh tế mới (NEF) |
Chỉ số này là sự đánh giá kết hợp từ các yếu tố như việc người dân hài lòng với cuộc sống hiện có, tuổi thọ bình quân cao, và tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên ít gây tác động tới môi trường.
Bảng đánh giá Chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI) được công bố hôm 14-6 là kết quả nghiên cứu của Quỹ kinh tế mới (NEF), một tổ chức phi chính phủ nghiên cứu về kinh tế, xã hội và môi trường có trụ sở tại Anh. Về HPI, Việt Nam chỉ xếp sau Costa Rica – đất nước lần thứ hai liên tiếp đứng đầu trong danh sách 151 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát.
HPI được xây dựng căn cứ 3 tiêu chí mức độ hài lòng với cuộc sống, tuổi thọ trung bình và sự bền vững môi trường (hay còn gọi là dấu chân sinh thái).
Bảng xếp hạng năm nay thể hiện sự “lên ngôi” của các quốc gia Trung Mỹ. Trong top 5, ngoài Việt nam 4 nước còn lại đều là các quốc gia Trung Mỹ, trong đó nước xếp thứ 5 El Salvador là quốc gia có tỉ lệ giết người cao thứ 2 trên thế giới.
Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia ở vị trí thứ 14, Thái Lan thứ 20, Philippines thứ 25, Lào thứ 37, Myanmar thứ 61, Malaysia thứ 84, Campuchia thứ 85, Singapore thứ 90. Trong số các nước lớn ở châu Á, Ấn Độ xếp thứ 32, Trung Quốc ở vị trí 60 và Hàn Quốc 63.
Các nước có thu nhập được đánh giá cao dường như có mức xếp hạng không mấy “khả quan” như Anh có thứ bậc cao nhất (41), đứng trên Nhật (45), Đức (46), Pháp (50), Italy (51), Canađa (65), Mỹ (105) và Nga (122).
Những nơi được đánh giá là bất hạnh trên thế giới gồm có Botswana, Chad và Qatar.
Linh San (Theo Ticotimes)