Thursday 20 March 2014

THƯ GỬI BẠN TA của Bùi Bảo Trúc 21-3-2014


THƯ GỬI BẠN TA của Bùi Bảo Trúc

Các bài viết hàng tuần của Nhà Báo Bùi Bảo Trúc trong mục Thư Gửi Bạn Ta
VƯỢT SÔNG ĐI HỌC
Thời đi học, tôi rất sợ và rất ghét những tấm gương hiếu học của vài ba ông Tầu, những người làm cho tuổi thơ của tôi bị các ông nhồi thêm bao nhiêu phần khốn khổ. Một ông nhãi con (Uất Trì Cung thì phải) thì đi chăn heo, thập thò ngoài cửa lớp để học lóm vài ba chữ của ông thầy. Ông nhãi khác (Trác Dận) thì bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng để làm đèn học. Ông khác thì cột búi tóc lên xà nhà để không ngủ gục trong lúc học bài. Ông Châu Trí thì quét lá đa vun vào góc sân, đốt lên để học bài...
Nhưng tất cả những tấm gương hiếu học đó đều nhanh chóng bị dẹp ngay bằng lý luận đem phần thắng lợi (nhất định về cho mình) theo cách nhân vật Ả Q của Lỗ Tấn. Tại sao có đèn néon lại phải dùng đom đó, hay đốt lá khô thay cho đèn học? Tại sao phải thập thò ngoài cửa lớp khi có thể vào lớp ngồi như... tôi chẳng hạn. Tôi không có búi tóc làm sao treo... đầu lên xà nhà để học?
Cũng may vì cách đây hơn nửa thế kỷ chưa có những tấm gương hiếu học như đoạn video clip mà tôi coi được hồi tuần qua. Video clip này do một cô giáo dậy một trường tiểu học ở bản Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên thu được. Gương hiếu học của những em học sinh nhỏ ở Nà Hỳ chắc chắn sẽ làm cho mấy anh Tầu đáng ghét (mà cụ giáo rất yêu và nể phục) xấu hổ đến chết được.
Các em học sinh ở Sam Lang hết sức vất vả trong việc đến trường kiếm vài ba chữ . Nhưng các em không than vãn gì hết. Cha mẹ của các em cũng là những tấm gương can đảm hy sinh vô cùng lớn. Can đảm và hy sinh cho việc học của các em. Sáng nào cha mẹ các em cũng đẩy các em ra khỏi nhà để tới trường đi học. Để tới được trường, chuyến đi của các em không có mẹ âu yếm nắm tay dẫn đi trên con đường làng như cảnh đến trường mà Thanh Tịnh tả hết sức thơ mộng, hay như cảnh cậu bé An Di trong Tâm Hồn Cao Thượng trở lại trường sau mấy tháng hè. Cũng không tung tăng qua vườn Lục Xâm Bảo như một đoạn văn của Anatole France.
Để đến được lớp học, các em phải qua một khúc sông nước chẩy siết tuy mực nước có thể không sâu lắm. Trong đoạn video, nước sông chỉ ngập tới cổ của người lớn. Các em không đi đến trường bằng cầu treo, cầu ván đóng đinh như trong mấy câu ca dao Nam bộ:
...Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dẫn con đi
Con đi trường học, mẹ đi trường đời...
Ở bản Sam Lang thì các em không đến trường bằng cầu. Dẫu sao thì cầu ván hay cầu tre thì cũng vẫn là cầu. Các em vượt sông bằng cách hiện đại hơn. Hiện đại vì cách đây vài chục năm thì đã làm gì có những cái túi ni lông. Những cái túi ni lông lớn khoảng cái túi rác 30 gallon chúng ta dùng ở nhà. Các em đến bờ sông thì có người cầm cái túi ni lông cho các em chui vào, ngồi xuống. Một người lớn túm lấy cái miệng bao ni lông, rồi kéo xuống sông. Người thanh niên nắm lấy cái bao ni lông trong đó có em, và lôi cái bao đó sang bên kia dòng nước chẩy siết đó. Đoạn video cho thấy người thanh niên dùng hết sức mình và phải mất mấy phút vất vả mới lôi được cái bao sang bên kia sông. Đến được bên kia sông, em nhỏ mới chui ra, leo lên bờ rồi đi bộ tiếp để đến trường.
Bao nhiêu chuyện có thể xẩy ra trong chuyến vượt sông đó.
Có thể nước chẩy siết, cái bao tuột ra khỏi tay người thanh niên. Có thể người thanh niên sau mấy chuyến, tay chân thấm mệt, cái bao rời khỏi tay. Cái bao ni lông bị nước cuốn đi. Em bé nằm trong làm sao thoát ra khỏi cái túi mà miệng túi đã bị túm lại. Em bé có thể ngạt thở vì phải ngồi trong cái bao quá lâu. Cái bao ni lông có thể rách , nước sông tràn vào. Cái bao có thể đụng phải những cành cây khô trôi trên sông kéo cái bao khỏi tay người thanh niên đang cố đưa em sang sông. Sau hai ba chục chuyến như thế, dẫu cho là có hai ba người thay phiên nhau nhưng chẳng lẽ sức người không mỏi mệt sao?
Chiếc bao có thể băng băng trôi theo dòng nước lũ. Đứa bé ngồi trong không vùng thoát ra được thì chuyện gì xẩy ra ai cũng có thể đoán được.
Mà không chỉ các em bé phải dùng phương tiện qua sông đó. Luôn cả các cô giáo cũng phải chui vào những chiếc bao ni lông đó. Thử lôi một cái bao bên trong có người nặng khoảng 40 kilô xem. Mỗi ngày hai lần phải phó mặc đời sống cho cái bao ni lông và bàn tay của những người thanh niên trong bản.
Nếu cô giáo Tòng Thị Minh không quay được đoạn video bằng smart phone thì thế giới còn lâu mới biết được những chuyến đi tử thần đó. Gọi là chuyến đi tử thần vì những chuyến đi của các em mỗi ngày còn kinh khiếp hơn những chuyến thực tập tại quân trường Thủ Đức, Đồng Đế biết là bao nhiêu. Trường huấn luyện sình lầy ở Malaysia chưa chắc đã kinh hoàng đến thế.
Trong một bức ảnh khác, cô giáo Minh đứng sau lũ học trò nhỏ của cô. Những em bé mặt sáng như gương tuy quần áo nhếch nhác, vá đùm vá đụp, chân giầy chân đất, số còn lại không có được đôi dép để đến trường. Cám ơn cô giáo Minh. Cô học sư phạm xong, được bổ về ngôi trường với những cảnh đời khốn khổ thế cô vẫn vui vẻ đến nhiệm sở với bầy em bé tội nghiệp đó. Những đứa bé đó được ở trong bàn tay nhân ái đó của cô bao lâu? Những đứa bé gái đó liệu có thoát được tay bọn khốn nạn lừa bán chúng sang bên kia biên giới để làm điếm không?
Cô hy sinh nhiều lắm chắc chẳng bao giờ đủ tiền hay đủ thì giờ về Hà Nội nghe giọng ca sến ca hát rồi kể chuyện tình với 4, 5 người đàn bà vẫn yêu nó đắm đuối, hay dẫn các em học sinh của cô đến tiệm McDonald’s ăn thử cái hamburger của rể thằng Ba Ếch, hay đi một chuyến shopping với một thằng đại gia nào đó ở Singpore hay Hongkong... Tội nghiệp cô. Tội nghiệp các em học sinh của cô!
Này các em bé vượt sông ơi. Các em đừng nản chí. Đừng bỏ học rồi khai bừa là có cử nhân luật trong rừng nhé, đừng quăng ra vài ba triệu mua lấy những cái bằng giả bán đầy đường, đừng học tập gương đạo đức của cái thằng chó mà khốn khổ đời nhé các em.
Xem đoạn video mà chỉ muốn chửi vài ba câu tục tĩu cho đỡ bực cái ... mình.


Người dân miền núi VN trong Thiên đường Xã Hội Chủ Nghĩa 
Các cô giáo chui vào những bao nilông và ngồi lọt thỏm trong bao cho miệng bao trùm kín quá đầu. Những thanh niên trai bản biết bơi sẽ túm gọn miệng bao “đựng” cô giáo và kéo các cô để bơi vượt qua suối.
Một tay túm miệng bao, một tay sải nước bất chấp con suối mùa lũ đang băng băng chảy xiết. Tất nhiên các cô giáo nằm im và nín thở khi nằm trong cái “phao túi bóng” ấy.  Chuyện diễn ra ở bản Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.


Sau vụ qua cầu Chu Va ở tỉnh Lai Châu, một ông tướng công an "đỉnh cao" đã tuyến bố lý do cầu sập là "vì người Mông khi khiêng quan ngang qua cau thường đi rất nhanh" do đó  để bảo toàn tính mạng tốt nhất là người dân trong nước không nên "tiến nhanh tiến mạnh" lên những công trình xây dựng trên "thiên đàng" mà cứ nên tiếp tục đi bè, đu dây, lội nước hoặc nín thở qua sông bằng túi ny-lông.

đi bè

đu dây


lội nước
hoặc nín thở qua sông bằng túi ny-lông

ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

PAST AND PRESENT PERFECT (AGAIN!)
QUỲNH ANH
Thưa anh, một độc giả, ông Vọng Nhựt Tân của chương trình có đặt câu hỏi với QA và Trúc Giang về hai trường hợp PAST và PRESENT PERFECT đồng thời ông hỏi hai câu thí dụ ông đưa ra thì câu nào đúng, câu nào sai, và nếu đúng cả hai thì tại sao hai câu lại đều đúng. Trúc Giang đọc giùm QA hai thí dụ đó cho ông thầy.
TRÚC GIANG
Thưa chú, đó là câu JOHN WENT TO FRANCE THREE TIMES với thì SIMPLE PAST và câu I HAVE BEEN TO FRANCE THREE TIMES ở thì PRESENT PERFECT.
BÙI BẢO TRÚC
Câu hỏi rất hay. Chúng ta biết rằng Simple Past được dùng với những việc làm đã xẩy ra và đã hoàn tất. Thì Present Perfect được dùng để nói về những việc làm bắt đầu trong quá khứ nhưng chưa hoàn tất.
Câu John went to France three times được hiểu là John đi Pháp 3 lần. Cả ba chuyến đi đều đã hoàn tất. John nay đã trở về Mỹ. Chuyện đi Pháp đã xẩy ra và đã xong.
Câu I have been to France three times được hiểu là ông ta đã đi Pháp 3 lần. Nay ông đã về nhà, tức là việc đi Pháp của ông đã xong , đã hoàn tất. Vậy thì tại sao lại dùng Present Perfect? Dùng vậy là sai chứ đúng ở đâu?
Xin trả lời: câu này cũng đúng, vì ông đi Pháp ba lần nhưng không nói rõ vào ngày nào, tháng nào và năm nào, đó là một đặc điểm của thì Present Perfect. Cũng có thể ông (đã) đi Pháp ba lần, nhưng (có thể) chỉ mới đây thôi, chuyến đi Pháp của ông vẫn còn để lại nhiều kỷ niệm trong đầu ông ấy. Kỷ niệm ở đại lộ Elysée, ở tả ngạn sông Seine, ở tháp Eiffel vân vân.
John went to France three times nghĩa là John đã đi Pháp 3 lần, có thể những chuyến đi đó đã diễn ra quá lâu, John không còn nhớ gì về các chuyến đi đó nữa, hình ảnh về chuyến đi không còn bao nhiêu trong trí nhớ của ông.
Trường hợp hai câu này cũng giống như hai câu I have eaten breakfastI ate breakfast at home. Câu đầu (PRESENT PERFECT) nghĩa là tôi đã ăn sáng xong rồi, nhưng hậu quả của chuyện ăn sáng vẫn còn đây, tôi còn no lắm. Câu thứ hai (PAST) nghĩa là tôi ăn sáng rồi, nay không còn đói nữa nghĩa là hậu quả của chuyện ăn sáng không còn nữa, tôi lại thấy đói rồi.
QUỲNH ANH
Thưa anh hai câu này mà Quỳnh Anh đã nghe đôi ba lần khác nhau như thế nào: He has been to Spain He went to Spain.
BBT
He has been to Spain nghĩa là ông ấy đã đi du lịch ở Tây Ban Nha nhưng nay đã về nhà rồi. Nhưng khi nói He went to Spain là ông ta đã đi Tây Ban Nha và hiện nay có thể vẫn còn ở đó, chưa về nhà. Đây là hai thí dụ rất đáng nhớ.
TRÚC GIANG
Thưa chú, quay qua một thắc mắc khác của cháu. Cháu muốn chú giảng về cách dùng ALREADY và phải dùng nó như thế nào cho đúng?
BBT
ALREADY là một trạng từ, một ADVERB dùng để phụ nghĩa, nói thêm cho rõ nghĩa của động từ . Trạng từ này được dùng khi nói về một chuyện, một hành động đã xẩy ra, thừơng là sớm hơn sự chờ đợi của chúng ta. ALREADY được dùng trong những câu xác định (AFFIRMATIVE) với các thì hiện tại (PRESENT) quá khứ (PAST) và PRESENT PERFECT (HAVE/HAS + PAST PARTICIPLE) và PAST PERFECT tức là HAD+ PAST PARTIPLE, nhưng KHÔNG bao giờ với thì tương lai (FUTURE). Tôi sẽ đưa ra đây các thí dụ dùng ALREADY với các thì (TENSES) vừa kể trên.
HE ALREADY KNOWS (PRESENT) ALL THE ANSWERS FOR THE TEST cậu ấy (đã) biết tất cả những câu trả lời cho bài thi trắc nghiệm.
HER BROTHER ALREADY MOVED (PAST) TO FRANCE BEFORE THE FALL OF SAIGON Anh của cô ấy đã tới Pháp từ trước khi Sài Gòn thất thủ.
WE HAVE ALREADY BEEN (PRESENT PERFECT) TO HAWAII Chúng tôi đã tới thăm Hawaii.
WHEN I CAME, THEY HAD ALREADY LEFT (PAST PERFECT) FOR THE AIRPORT Khi tôi tới thì họ đã đi ra phi trường.
QUỲNH ANH
Nhân tiện, anh nói qua về vị trí của ALREADY cho QA và Trúc Giang.
BBT
Như hai cô thấy, bỏ ALREADY ra khỏi những câu vừa kể thì ý nghĩa không thay đổi bao nhiêu. Cho ALREADY vào thì ý nghĩa mạnh hơn, rõ hơn một chút mà thôi. Thường thì ALREADY được cho đứng ngay sau chủ từ (SUBJECT). Trong những câu PERFECT thì chúng ta đặt ALREADY đứng giữa HAVE/ HAS / HAD và PAST PARTICIPLE. Nhưng chúng ta cũng có thể đưa ALREADY vào trước, hay sau các thì này như I (ALREADY) HAVE (ALREADY) MET THEM, và WE (ALREADY) HAD (ALREADY) PACKED OUR LUGGAGE.
Bây giờ các cô cho nghe mỗi cô hai thí dụ với ALREADY coi.
QUỲNH ANH
HE WAS ALREADY OUT OF SAIGON WHEN THE COMMUNISTS CAME là ông ấy đã rời Sài Gòn trước khi Cộng sản vào.
THE TAXI HAD ALREADY LEFT FOR THE AIRPORT WITH THE PASSENGER là xe taxi đã chở ông ấy ra phi trường.
TRÚC GIANG
MY DAD HAD ALREADY SOLD THE HOUSE BEFORE GOING TO THE US là ba cháu đã bán xong ngôi nhà trước khi đi Mỹ.
DINNER WAS ALREADY COOKED BY THE MOTHER là bà mẹ đã nấu xong bữa chiều.
BBT
Trúc Giang còn thắc mắc gì nữa?
TRÚC GIANG
Cách đây đã lâu chú nói về những danh từ luôn luôn ở số nhiều (PLURAL), không bao giờ SINGULAR tức là số ít. Có bao nhiêu danh từ như thế thưa chú?
BBT
Không nhiều lắm, trong đó có SCISSORS (kéo) CLOTHES (quần áo), GLASSES (kính đeo mắt), GOODS là hàng hóa, STAIRS là cầu thang, FIREARMS là súng đạn, OUTSKIRTS là vùng ngoại ô...
QUỲNH ANH
Như vậy người ta phải luôn luôn nói là MANY SCISSORS hay sao, thưa anh?
BBT
Không. SCISSORS là một danh từ luôn luôn đi với A PAIR OF (SCISSORS) vì cái kéo có hai cái lưỡi. Cũng thế, chúng ta nói A PAIR OF JEANS (quần jeans), SHOES (giầy), GLASSES (kính đeo mắt), GLOVES (bao tay), EARRINGS (bông tai) và một vài danh từ khác.
TRÚC GIANG
Những danh từ chú vừa kể thì cứ nhìn là thấy phải là PLURAL ngay. Nhưng cũng có những danh từ trông thì tưởng là SINGULAR nhưng lại là PLURAL như SHEEP (cừu) DEER (hươu) hay FISH (cá)...
BBT
Trúc Giang cẩn thận. FISH vừa là số nhiều (FISH ARE GOOD FOR US), vừa là số ít: HE CAUGHT ONE BIG FISH IN THE LAKE. Nhưng khi chúng ta có con số đi trước thì chúng ta dùng FISHES: WE FRIED 2 SMALL FISHES (hay FISH) FOR DINNER là chúng tôi chiên hai con cá cho bữa chiều.
QUỲNH ANH
Giờ tới lượt QA. Đã lâu rồi, QA xem bản tin buổi sáng của NBC thấy có một đoạn có tựa đề là WHERE IN THE WORLD IS MATT LAUER? QA thấy lũ con ở nhà cũng hay dùng mấy chữ này, nhưng trong những câu khác nhau khi nói chuyện. Anh giảng thêm về cách dùng này cho rõ.
BBT
Thực ra, hai cô bỏ hẳn IN THE WORD đi, câu vẫn có nghĩa như thường. Thêm mấy chữ ấy vào thì ý nghĩa của câu nói mạnh hơn mà thôi. Cách dùng đó cũng là để bầy tỏ một sự kinh ngạc, hay bực bội... Nếu không muốn dùng IN THE WORLD thì thay bằng ON EARTH cũng được. Ý nghĩa không thay đổi. Có thể dùng những chữ vừa kể trong các câu hỏi bắt đầu bằng WHAT, WHERE, WHEN, WHY, HOW.
Thí dụ WHAT IN THE WORLD ARE YOU TALKING ABOUT? Hay WHAT ON EARTH ARE YOU TALKING ABOUT? Cả hai câu chỉ có nghĩa là ông nói cái quái gì vậy. Nhưng khi thêm IN THE WORLD hay ON EARTH thì câu hỏi đó nghe có vẻ kinh ngạc, hay bực bội hơn là khi không có chúng đi cùng. Có khi chúng cũng không còn là câu hỏi nữa, mà là một câu hô thán để bầy tỏ sự ngạc nhiên, hay khó chịu nên không cần phải trả lời nữa. Trúc Giang cho nghe thử hai câu với WHERE và WHEN để xem chuyện gì làm cô kinh ngạc hay bực bội coi.
TRÚC GIANG
Cháu sẽ nói thế này: WHERE IN THE WORLD DID HE GO LAST WEEK? Hay WHERE ON EARTH DID HE GO LAST WEEK?
WHEN IN THE WORLD DID SHE COME HOME? hay WHEN ON EARTH DID SHE COME HOME?
QUỲNH ANH
Đây là hai câu của QA: WHY IN THE WORLD DID YOU READ MY LETTER? WHY ON EARTH DID YOU READ MY LETTER?
HOW IN THE WORLD DID HE KNOW THE ANSWER? hay HOW ON EARTH DID HE KNOW THE ANSWER?
BBT
Đó, hai cô cũng thấy là nếu bỏ IN THE WORLD và ON EARTH thì ý nghĩa của những câu thí dụ của hai cô sẽ không đổi thay gì hết. Chỉ có ý nghĩa của chúng nhẹ đi mà thôi. Nhớ là khi nói, chúng ta phải nhấn mạnh hay lên giọng ở những chữ IN THE WORLD và ON EARTH thì mới diễn tả được sự ngạc nhiên hay bực bội của mình.
Còn một điều này hai cô cũng nên biết, đó là chúng ta có thể làm cho những câu nói ấy mạnh hơn nữa. Nhưng nếu mạnh hơn nữa thì chúng lại biến thành những câu nói không được thanh tao hay lễ phép cho lắm. Tôi chỉ nói ra ở đây để hai cô biết chứ không hề có dự tính dậy hay bầy cách cho hai cô ... chửi thề đâu. Nếu thay IN THE WORLD và ON EARTH bằng hai chữ THE HELL thì câu nói đó sẽ mang ý nghĩa của một câu chửi thề. Nhưng gần đây, ý nghĩa chửi thề cũng bớt đi nhiều và những câu như thế cũng đang được đông đảo mọi người chấp nhận và không còn bị coi là tục tĩu nữa. Tôi nhớ có một tấm bích chương của bộ du lịch Australia kêu gọi du khách tới thăm Úc bằng câu WHERE THE BLOODY HELL ARE YOU? Bạn ở cái chỗ quái quỉ nào vậy, sao không tới thăm Australia đi? Nhưng thôi, hai cô đừng dùng hai chữ THE HELL vội, không thì lũ con ở nhà lại ào ào nhao nhao phản đối, bắt bẻ mẹ nữa thì không nên.
TRÚC GIANG
Cám ơn chú. Tuần tới cháu có mấy thắc mắc nữa nhờ chú giải đáp.