Monday, 3 March 2014

Em Họ Tôi, Bị Bệnh Tâm Thần Phân Liệt, Là Một Kẻ Giết Người

· Cầm dao giết cha mình là một hành động điên dại. Nhưng đóng cửa  bệnh viện tâm thần, sa thải nhân viên nhà thương điên, để gia đình người bệnh tự lo liệu cho người thân bị tâm thần phân liệt cũng là một việc làm điên rồ.
· Câu chuyện thương tâm của một gia đình có đưá con trai bị chứng bệnh tâm thần phân liệt được ký giả Mac McClelland kể lại bằng ngòi bút linh hoạt sau đây.
 
Khi gặp Houston , em họ của tôi lần đầu, tôi hết sức ngạc nhiên về cái dáng dấp  nhỏ bé, và nét trẻ trung của em. Trong cái nhìn của người khách lạ, em qúa  nhỏ, và rất trẻ so với số tuổi đời 22 của em. Tôi lại càng ngạc nhiên hơn về chữ nghĩa em dùng trong lúc nói chuyện. Em dùng rất nhiều từ dễ thương, và phong phú, những chữ chỉ có trong thơ văn, cho đến khi em bắt đầu cảm thấy khó chịu, và ngập ngừng không muốn nói chuyện. Trông em không có vẻ gì là một tên sát nhân vừa cầm dao đâm chết người khác.
 
Những triệu chứng xảy ra cho Houston trước khi xảy ra thảm kịch kinh hồn đúng là những dấu hiệu bộc phát cổ điển ở người bị mắc bệnh tâm thần phân liệt. Tiếng Anh gọi là Schizophrenia.  Có đôi lúc, những dấu hiệu đó mang tính chất bí hiểm. Em Houston từng theo học tại trường Santa Rosa Junior Col lege , phía Bắc Cal if ornia . Em sống với mẹ, và thường hay chơi đàn guitar với cha, khi em cảm thấy buồn chán, muốn xa lánh người khác. Em ngủ li bì suốt ngày, rồi ban nhạc của em tan rã, từ đó em không còn ai là bạn bè cả. Cha của em, chú Mark, và mẹ em, dì Marilyn tìm cách giúp em. Họ đưa em đi gặp bác sĩ chữa bệnh tâm thần. Ông cho biết em có triệu chứng của người bị bệnh tâm thần phân liệt. Ông đề nghị cần phải đổi thuốc chữa bệnh trầm cảm của em. Nhưng rồi tám tháng trôi qua, không thấy có kết quả tốt đẹp hơn. Em bị sa thải, đuổi hai ba việc làm khác nhau. Houston bắt đầu ăn cắp loại thuốc Adderall của mẹ em. Em nói thuốc này giúp em cảm thấy dễ chịu. Mẹ em giận quá đuổi em ra khỏi nhà. Em phải dọn về ở với cha em.
Cô Annette, em ruột của ông Mark, cha em, nhận xét về Houston như sau: “Thằng nhỏ không còn là thằng cháu dễ thương của tôi nữa. Tôi biết nó từ ngày nó mới sanh ra. Trước đây nó nói chuyện nhiều,vui vẻ và dễ thương lắm. Bây giờ lúc nào mặt nó cũng lo âu, buồn rầu, lặng thinh, và hay nói những điều nhảm nhí chẳng đâu vào đâu cả. Tôi hỏi nó việc chữa trị có tốt không. Nó trả lời là “tệ lắm”.

Càng về sau, căn bệnh của Houston càng trở nên nặng thêm. Em bắt đầu có những hành động hung hăng dữ tợn. Em phá đổ đạc, bẻ gẫy bàn ghế trong nhà. Em ném mẹ em từ góc phòng này đến cuối góc kia. Đau lòng thấy con trở bệnh nặng, cha mẹ em cầu cứu đến bác sĩ chuyên về tâm thần, hỏi thăm họ mình phải làm gì trong những trường hợp như vậy. Bác sĩ khuyên nên gọi cảnh sát giúp cho một tay.

Nhưng chú Mark không muốn gọi cảnh sát. Lý do thứ nhất là ông nghĩ tình trạng của Houston không đến nỗi nguy hiểm, em chỉ bực bội trong người, và chán nản, tuyệt vọng thôi. Ngoài ra, ông nghĩ để em Houston bị giam trong nhà thương điên không chắc gì sẽ giúp em ổn định. Ông ráng nghĩ cách nào để giúp đứa con trai của mình một cách hữu hiệu, và có tình có nghĩa. Ông nói với vợ ông, cô Marilyn: “Bà cứ để nó cho tôi trông nom cho.”.

Vì thế, chú Mark không gọi cảnh sát, và Houston cũng không được giúp đỡ gì hơn. Em Houston rơi vào tình trạng mơ mơ màng màng, không tỉnh táo. Em đang có mối liên lạc mang tính chất thần giao cách cảm với một kẻ nào đó. Em có những suy nghĩ quái đản về cha mẹ em. Hai người đã ly dị nhau khá lâu rồi. Em nghĩ rằng đứa em gái của em, ở tuổi teen, tên là Savannah , dính líu vào đường giây gái điếm. Em nghĩ đến câu chuyện đứa bạn kể cho em nghe là nó đã tự cắt thân thể đế cúng dường cho ma qủi, và chính cha của em, ông Mark đang tìm cách đầu độc em bằng chất “chì”,một hoá chất độc hại. Em còn nghĩ đến nhiều chuyện quái dị, độc ác khác nữa.

Thế rồi vào một buổi tối tháng 11 năm 2011, em Houston trở về nhà, em đâm cha em 60 nhát dao bằng bốn con dao khác nhau. Khi em gái của em chạy từ trên lầu xuống và gọi điện thoại cấp cứu 911, cô bé trông thấy Houston đang định chặt đầu chú Mark.

Gần một năm sau ngày chú Mark bị  chết thảm, cô Annette, em gái chú Mark vẫn còn khóc thương cho người anh trai của mình. Cô nói với tôi về em Houston rằng mặc dù hành động của em Houston hết sức “hung ác”, nhưng điều đó không có nghĩa là chính em cũng chỉ là một nạn nhân của căn bệnh. Cô nói: “Cô thương cháu Houston lắm, khi  nó vừa sanh ra, cô đã có mặt  ở bệnh viện. Sau này cô biết thằng bé bị bệnh tâm thần rất nặng.”. Cô ngừng nói, thổn thức khóc, và để tôi nói thay cho cô.

Bác sĩ tâm thần E. Fuller Torrey là một chuyên gia rất giỏi về chứng bệnh tâm thần phân liệt, và bệnh trầm cảm. Ông sáng lập ra tổ chức bất  vụ lợi bênh vực cho những người bị bệnh tâm thần tên là   Treatment Advocacy Center .  Ông nói trường hợp của em Houston là thí dụ điển hình về “một thảm kịch có thể tiên liệu trước được”. Ông cũng kể ra những trường hợp bắn người loạn xạ ở trường Virginia Tech thành phố Blacksburg, và vụ bắn người ở rạp chiếu bóng tại Aurora , Col orado , và gần đây là vụ bắn trẻ em ở trường tiểu học Sandy Hook, Connecticutt, và còn khoảng hơn một chục vụ giết người khác nữa. Cơ hội trông thấy trước những dấu hiệu ở những thủ phạm bắn người rất là hiếm. Hoạ hoằn lắm cũng chỉ thấy được ở một hay hai tên. Bác sĩ Torrey ước tính rằng khoảng 10% những vụ bắn loạn, sát nhân vô lý gây ra do những người từng bị bệnh tâm thần, và không được chữa trị, giống như trường hợp Houston em họ tôi. Ông còn nói thêm: “Con số tôi ước đoán là con số khiêm nhường, thực tế có thể còn cao hơn.”.

Dĩ nhiên đa số những hành vi “bạo động” xảy ra trong xã hội chúng ta đều gây ra bởi những kẻ “tỉnh táo”. Và đa số những vụ bạo động xảy ra bởi người bị bệnh tâm thần nặng xảy ra là do chính đương sự nổi điên. Trong trường hợp người bị bệnh tâm thần phân liệt đa số đều kết thúc bằng hành vi tự sát của người điên, hay bị chết trên đường phố. Riêng trường hợp của Houston kết thúc lại khác. Một kết thúc “lành”, không chết người, hiếm khi xảy ra lắm. Trong lúc các tiểu bang, và quận hạt cắt đi nhiều dịch vụ giúp đỡ người bị bệnh tâm thần, chúng ta thấy hậu quả của những cắt giảm này ảnh hưởng đến cuộc sống chung của xã hội, và cuộc sống của người bệnh như thế nào.
 
DÌ TERRI: CÙNG BỆNH TÂM THẦN, NHƯNG KẾT THÚC KHÁC HẲN
 
Bệnh tâm thần phân liệt của Houston không phải là trường hợp duy nhất trong gia đình chúng tôi. Tôi còn một bà dì, tên là Terri, em ruột của mẹ tôi, cũng vướng bệnh tâm thần. Căn bệnh bộc phát vào năm 1977 khi dì mới 16 tuổi. Dì sống ở gần nhà mẹ tôi, tiểu bang Ohio . Bỗng dưng có một ngày dì vung tay lên trời nói năng lảm nhảm ở sân sau nhà.

Khi mẹ tôi trông thấy hành vi dị hợm của dì, bà gọi điện thoại cho bác sĩ gia đình hỏi ý kiến. Ông khuyên bà: “Bà hãy tìm đủ mọi cách kéo cô ấy vào trong xe hơi để chở đến nhà thương điên Woodruff ở Cleveland , tên là Woodruff Psychiatric Hospital.”. Mẹ tôi xí gạt dì, nói sẽ đưa dì ra phi trường để gặp anh chàng nhạc sĩ Chris Squire, vì bà nghe dì nói lầm bầm trong miệng về ban nhạc trẻ này. Dì bằng lòng ngay, và nói với mẹ tôi dì muốn bay sang Canada để gặp những người trong ban nhạc.

Phải có khoảng năm sáu người y công mặc áo bờ lu trắng níu kéo, giữ tay giữ chân mới lôi được dì Terri vào trong  nhà thương điên. Dì la hét, đấm đá mọi người khi xe của mẹ tôi chở dì đến hành lang bệnh viện. Tình hình thay đổi như thế đấy, dì Terri của tôi, một nữ sinh thông minh, học giỏi lúc nào cũng được điểm A, nhưng bị bệnh tâm thần phân liệt, nên mới ra nông nỗi như vậy.

Ông bà ngọai tôi tìm đủ mọi cách để đem dì Terri về nhà. Họ không phải là nhà chuyên môn chữa trị cho người điên, vì vậy hai cụ cứ phải đưa dì Terri đi ra đi vào bệnh viện nhiều lần để lấy thuốc, đổi thuốc chữa bệnh điên, mỗi khi thấy dì Terri lâm vào tình trạng không ổn định. Nhưng sau vài lần dì Terri nổi cơn điên, có lần dì bẻ gẫy cánh tay của bà ngoại, gia đình đành phải đưa dì Terri đưa vào sống trong “group home”, nơi tập trung những người trẻ sống dưới sự chăm sóc của người quản trị. Chỉ sáu tháng sau, group home này đuổi dì ra khỏi nhà, vì dì bạo động quá. Vì vậy, ông bà ngoại phải thuê một phòng cho dì ở trong một căn duplex, hai đơn vị, Người ta lại đuổi dì đi. Sau đó, dì bị trục xuất một lần nữa.  Hai group home khác ở Cleveland cũng lại trục xuất dì. Từ ngày nhà thương điên của tiểu bang Cleveland Psychiatric Institute đóng của, dì Terri cứ phải thay đổi chỗ ở nhiều lần.   

May mắn là dì sống ở Ohio , một tiểu bang  có Department of Mental Health (Sở Phụ Trách Bệnh Tâm Thần) cương quyết lo cho bệnh nhân tâm thần sau khi người bệnh rời khỏi nhà thương điên. Dì Terri của chúng tôi lại có phước được một bà cán sự xã hội hết lòng chăm lo cho dì. Bà Eleanor Dockry, một phụ nữ nhó nhắn, có cái cằm dài, mái tóc đen huyền, đeo kính trắng gọng đồi mồi mầu đen. Bà được cơ quan cung cấp dịch vụ cho người hồi phục sau khi chữa trị bệnh nghiện rượu, ma túy, hay bệnh tâm thần giao phó chăm lo cho dì tôi. Đây là một cơ quan bất vụ lợi trực thuộc chính quyền quận hạt. Bà Eleanor bàn với bà ngọai tôi rằng nếu bà cụ có đủ tiền, nên mua cho dì một căn nhà tiền chế loại mobile home để dì sống riêng một mình. Ông bà ngoại tôi gom góp tiền khắp nơi và mua cho dì Terri một căn mobile home gần gia đình.

Bà Eleanor đúng là một bà tiên cho dì Terri. Bà chăm sóc dì tôi suốt 23 năm dài. Mọi chuyện đều diễn ra một cách êm đềm, tốt đẹp. Mỗi tuần bà ghé thăm dì Terri ít nhất một lần, thường là hai lần. Bà đưa dì Terri đi ăn ở nhà hàng dì Terri thích, như tiệm McDonald. dẫn đi công viên chơi, dẫn đi xem các cửa hàng để dì Terri mua những món quà nhỏ cho mấy đưá cháu. Dì Terri được hưởng tiền tật của Social Security. Mỗi tuần bà Elea nor dẫn dì đi chích thuốc ngăn ngừa cơn điên. Bà cũng dẫn dì Terri đi cơ quan xã hội Neighboring. Ở đây người ta thường hay tổ chức những chuyến du ngoạn, hay những lớp học vẽ, làm thủ công, dạy ngồi thiền v.v..

Dì Terri sống tương đối tự lập, và hạnh phúc trong gần hai thập niên. Năm 2012, khi dì Pau la đến thăm để đón dì Terri đi chợ, mua thực phẩm. Dì Pa ula phát hiện ra dì Terri đã nằm chết trong đám cỏ mùa đông sau nhà. Nghe ra thì có vẻ tội nghiệp. Nhưng thực tế không đến nỗi quá phũ phàng, bởi vì dì Terri đã được chết ngay sân sau nhà mình. Tuy dì chết trẻ, ở tuổi 52, nhưng thử hỏi một người suốt ngày hút thuốc, trong người uống rất nhiều thuốc an thần, thì sống đến 52 cũng là tốt lắm rồi. Cuộc đời của dì Terri tốt đẹp như vậy cũng nhờ sự thương yêu hết lòng của bà ngoại, của dì Pau la, và nhất là của bà cán sự xã hội trong suốt 23 năm trường. Đây là một công tác vô cùng mệt mỏi, ai cũng chê không muốn làm. Chính quyền quận hạt, và tiểu bang từ chối, ngoảnh mặt làm ngơ, để rồi xã hội phải trả bằng một cái giá rất đắt.
 
MẠNG LƯỚI GIÚP ĐỠ NGƯÒI BỊ BỆNH TÂM THẦN BỊ BIẾN MẤT
 
Bệnh viện tâm thần mẹ tôi đưa dì Terri đến lần đầu tiên, bây giờ không còn nữa. Dưỡng Trí Viện Cleveland cũng không còn. Vào thập niên 1950’s có khoảng nửa triệu người Mỹ sống trong các trung tâm chữa bệnh tâm thần. Cứ 300 người Mỹ thì có một người bị tâm thần. Vào cuối thập niên 1970’s chỉ còn khoảng 160,000 trong dưỡng trí viện. Sự giảm sút này có được là nhờ các nhà hảo tâm, những chuyên gia chữa bệnh tâm lý, và chính khách cùng hợp lực giúp đỡ người bị bệnh tâm thần.

Ngày nay việc chăm lo cho người bị bệnh tâm thần rất thiếu xót, hầu như chẳng có gì. Cứ 7,100 bệnh nhân bị bệnh tâm thần, mới có một giường bệnh. Đó là tỉ lệ chữa bệnh của thờì xa xưa, hồi năm 1850. Lý do của sự suy đồi này có nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn như khi đuổi người bệnh tâm thần ra khỏi nhà thương điên, người ta sẽ tiết kiệm được nhiều tiền. Người ta lý luận rằng giữ những người bệnh tâm thần trong nhà thương làm gì trong khi thuốc chữa bệnh tâm thần bán đầy trên thị trường? Có người còn cho rằng để cho người điên ra khỏi dưỡng trí viện là một hình thức giải phóng những người này, giúp họ không bị những bàn tay con buôn lợi dụng. Trường hợp bị lợi dụng được trình bầy trong cuốn phim One Flew Over the Cuckoo’s Nest. Cuốn phim này mô tả hoàn cảnh người tỉnh táo chăm sóc người điên trở thành điên luôn, và người bị tâm thần sẽ chẳng bao giờ được chữa lành. Do đó, họ đề nghị nên để người bị bệnh tâm thần được chữa trị tại nhà, uống thuốc, và theo các lớp cố vấn tâm lý trong cộng đồng? Nghe ra thì hay lắm. Nhưng thực tế khác hẳn. 

Năm 1961, một ủy ban liên hợp hai hội đoàn: Hội Đoàn Y Sĩ Mỹ, và Hội Đoàn Bác Sĩ Tâm Thần đề nghị nên hội nhập người bị bệnh tâm thần vào xã hội bên ngoài. Kế hoạch này đặt sự tin tưởng vào cơ sở điạ phương chăm lo cho người bị bệnh tâm thần. Năm 1963, Quốc hội thông qua đạo luật cấp ngân qũi cho các trung tâm chữa bệnh tâm thần trong cộng đồng. Sau đó, chính các tiểu bang, do áp lực của phong trào bênh vực quyền của bệnh nhân, đã cắt giảm rất nhanh, rất nhiều những cơ sở chữa bệnh tâm thần.

Trong thời kỳ có Chiến Tranh Việt Nam , khủng hoảng kinh tế xảy ra, và thiếu ý chí chính trị, những yếu tố này làm cho việc tài trợ dịch vụ giúp người bị tâm thần trong cộng đồng bị cắt giảm trầm trọng. Năm 1980, đạo luật giúp người bị bệnh tâm thần tên là Mental Health System Act  được ban hành để cứu vãn tình hình. Nhưng chỉ một năm sau, chính ông Reagan đã rút hết tài nguyên dùng để áp dụng đạo luật này. Ngân sách liên bang dành để cho người bệnh tâm thần bị cắt 30%, chuyển trách nhiệm chăm lo cho chính quyền tiểu bang và điạ phương. Những  dịch vụ thiết yếu để giúp người bị bệnh tâm thần ở điạ phương dần dần không còn nữa. Người bị bệnh tâm thần bị đuổi ra ngoài. Họ sống vất vưởng trên hè phố.Từ năm 2009 cho đến nay, chính quyền tiểu bang cắt giảm $4.35 tỉ đô la để giúp đỡ, chữa trị cho người bị bệnh tâm thần.

Cho đến năm 2006, có 1.3 triệu người bị bệnh tâm thần ở Mỹ bị giam giữ trong những nơi họ từng bị quản thúc từ thế kỷ thứ 19 đến nay: Đó là Nhà Tù. Trong khoảng thời gian từ 1998 và năm 2006, số người bị bệnh tâm thần ngồi tù tăng gấp bốn lần. Năm năm gần đây, số tù nhân vướng bệnh tâm thần ở nhà giam quận hạt có lúc chiếm 50% tổng số tù nhân. Con số người bị bệnh tâm thần chiếm 25% hay 30% ở hầu hết các nhà tù là chuyện thông thường. Và tỉ lệ đó tiếp tục tăng cao.

Bác sĩ Torrey nhận xét:  “Dĩ nhiên chẳng ai  muốn trở về thời kỳ của những năm 1930 . Hồi đó bác sĩ tâm thần chỉ cần nói: Tôi không muốn nghe cái âm thanh nhức óc của anh, và tôi nhốt anh trong nhà thương điên trong ba tuần. Đây là nhà thương điên của tôi. Chúng ta cần có một thệ thống cân đối, có kiểm soát lẫn nhau, đừng quá nghiêm khắc với người bệnh, song cũng đừng quá lơ đãng, chểnh mảng trong việc chữa trị cho bệnh nhân.”.
 
CHUYỆN GÌ XẢY RA CHO EM HOUSTON ?
 
Quả lắc đu đưa ngày hôm nay đã ngả quá xa về phía quyền riêng tư của bệnh nhân, và sự chểnh mảng, thiếu xót trong việc chữa trị cho người bệnh. Sự kiện hệ thống chữa trị bệnh tâm thần bị phá nát khiến cho những người bị bệnh tâm thần, cần được chữa trị,  không còn chọn lựa nào khác. Lẽ đương nhiên xã hội phải lãnh những hậu quả nguy hiểm của tình trạng này. Bác sĩ Torrey nói: “Định  nghĩa nguy hiểm cho bản thân, và nguy hiểm cho người khác không được qui định rõ ràng. Ai muốn giải thích sao cũng đuợc.”. Bác sĩ Torrey cho biết rằng tại 8 tiểu bang định nghĩa nguy hiểm cho bản thân hay cho người khác là đầu mối quyết định người bệnh được chữa trị hay không. Nói rõ hơn: Bệnh nhân bị bệnh tâm thần chỉ bắt đầu được chữa bệnh khi người đó tỏ ra nguy hiểm cho bản thân, hay cho người khác.

Không cần biết bạn định nghĩa như thế nào, vấn đề cốt lõi là phải có những cơ sở đàng hoàng chữa trị cho người bị bệnh tâm thần. Bác sĩ Torrey nói: trong một bệnh viện tổng quát, người ta để riêng ra một khu  chăm sóc cho người bị bệnh trầm uất, hay rối loạn ăn uống không thể gọi là một cơ sở đàng hoàng để chữa bệnh tâm thần. Nếu chú Mark có thể đưa em Houston đến chữa trị tại một bệnh viện có nhân viên chuyên môn, có giường nằm, và thuốc men đầy đủ, chắc chắn hành vi tội phạm em Houston cầm dao giết cha hẳn là có thể ngăn ngừa được.

Bà Robin Lipetzky, Luật Sư công tố, public defender, của quận hạt Contra Costa trong vùng Vịnh San Francisco mô tả những nguyên nhân đưa đến thảm kịch như sau: “Các bệnh viện được khuyến khích cho bệnh nhân về nhà càng sớm càng tốt. Chúng ta nhắm mắt làm ngơ về căn bệnh tâm thần ở người bệnh, cho đến một ngày người bệnh đó phạm tội, và bị bắt vào tù.  Rất nhiều lần, chúng ta cứ phải nghe cha mẹ của những người phạm tội than rằng họ tìm mọi cách để chữa trị cho con cái họ, nhưng tìm không ra cơ sở chữa bệnh. Đa số là thành phần thanh niên còn trẻ. Hầu như không có tài nguyên, cơ sở cung cấp dịch vụ để giúp cho những gia đình này.”. Bà thú nhận rằng việc ước tính chi phí  chữa bệnh cho người bị bệnh tâm thần là điều rất khó thực hiện.

Em Houston đã bị giam giữ trong 430 ngày tính đến ngày tôi vào thăm em hồi tháng Giêng năm 2013. Kinh phí nhà tù phải chi ra để giam giữ em khoảng $49,811. Em được cho uống thuốc, nhưng không có chuyên gia tâm lý chữa trị cho em. Sau khi giới thiệu mình là một người anh họ, bà con về phía dì Annette, hai đưá chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau trong ô cửa sổ dành cho khách thăm viếng. Em không than trách gì về việc người ta đối xử với em trong tù, nhưng em nói ngồi tù không có gì là thích thú. Em nói với tôi về căn bệnh của em, và hoàn cảnh nào đã khiến em rơi vào “tình trạng điên loạn”, để em phải ngồi tù. Em nói về ba loại nhà thương điên. Loại “điạ ngục hầm tối” trong đó em được ở trong một căn phòng, không tiếp xúc với bất cứ một ai ngoài xã hội. Xung quanh có những người điên la hét om xòm, nhức óc.  Em nói người nào vào đây cũng phát điên lên khi ở trong điạ ngục chừng 10 phút.

Chúng ta không cần nói chuyện về cái chết của chú Mark, hay về hành động ghê rợn em Houston làm khi giết cha, cũng như những câu chuyện ghê gớm khác mà người bị bệnh tâm thần có thể gây ra những thảm kịch trong xã hội. Đặc biệt, khi người bị bệnh tâm thần lại có súng trong tay, thì những thảm kịch như bắn loạn ở rạp hát, ở đền thờ, hay ở trường học là những thảm kịch hết sức đau đớn.

Lần sau cùng tôi gặp em Houston là tại toà án, hồi cuối tháng hai năm 2013. Đây chỉ là một buổi “hearing” tức là nghe điều trần. Sau đó, một buổi “hearing” khác lại được lên lịch vào ngày 5 tháng Tư. Em Houston không nhìn tôi, hay bất cứ ai có mặt ngày hôm đó. Thậm chí em cũng không nhìn cả mẹ em, dì Marilyn. Houston lặng thinh với khuôn mặt đau khổ nhìn vào hai ngón tay cái của em, đang bắt chéo với nhau. Có lẽ em đang đi vào vùng hoang tưởng, mặc dù em được cho uống thuốc an thần. Em cứ tưởng tượng là có người maý (robot) nào đó ở ngoài không gian đang nói chuyện với em. Bất kể là em nhận tội, hay không nhận tội đều được bồi thẩm đoàn chấp nhận.

Cuối cùng thì như mọi người đều dự đoán, Houston không bị kết án tù, nhưng được thuyên chuyển sang một nhà thương điên ở California . Ở đó, em sẽ sống trong nhiều năm, có thể suốt đời trong dưỡng trí viện. Em sẽ chiếm ngụ một giường bệnh, làm cho giường bệnh đó còn không được cấp cho một người khác bị bệnh tâm thần trầm trọng hơn. Chờ đến khi nào một thảm kịch khác xảy ra thì người đó với được đưa vào điều trị. 
 
Bài tường thuật của McClelland trên Reader’s Digest tháng 2/2014
Nguyễn Minh Tâm dịch