Thursday 27 March 2014

ĐIỀU TRẦN TRƯỚC ỦY BAN NHÂN QUYỀN TOM LANTOS HOA KỲ ngày 26-03-2014

Về vai trò của các tổ chức Công giáo trong xây dựng xã hội dân sự ở Việt Nam nhằm bảo vệ nhân quyền, thúc đẩy dân chủ, và giải quyết các vấn nạn xã hội.
(Bản đọc trước camera)
Kính thưa toàn thể Quý vị

Tôi hết lòng xin lỗi Quý vị vì không thể đến Hoa Kỳ để hiện diện trong căn phòng này trước mặt toàn thể Quý vị. Lý do là tôi đã bị nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam quản thúc và thường xuyên theo dõi từ hơn 10 năm nay. Mong Quý vị thông cảm. Xin cảm ơn. 

Kính thưa toàn thể Quý vị

Nhân việc Uỷ ban Nhân quyền Tom Lantos tổ chức buổi điều trần về vai trò của các tổ chức tôn giáo trong xây dựng xã hội dân sự ở Việt Nam, chúng tôi xin có bài điều trần nhỏ như sau
1- Những thuận lợi của các tổ chức Công Giáo trong vai trò xây dựng xã hội dân sự. 

Giáo hội Công giáo, với cơ cấu Giáo phận, Giáo xứ, Dòng tu và các tổ chức bên trong từng cơ cấu, là những xã hội dân sự với nhiều thuận lợi trong vai trò xây dựng xã hội, quốc gia. Tại miền Nam VN trước 1975, đã có những tổ chức giáo dục như Hướng đạo Công giáo, Thanh Sinh Công, Thanh Lao Công… từ thiện như Caritas, Misereor…. xã hội như Phong trào Công lý Hòa bình, Phong trào Chống tham nhũng, Ủy ban Cải thiện chế độ lao tù… 
2- Những hạn chế và khó khăn mà những tổ chức này đang phải đối đầu trong sinh hoạt tôn giáo và thực thi sứ mạng phục vụ nhân quần, xã hội. 
Sau năm 1975, khi Cộng sản lên nắm chính quyền và xây dựng chế độ vô thần, độc tài, toàn trị, thì những tổ chức nói trên phải ngưng hoạt động. Chỉ còn lại cơ cấu điều hành ở các giáo phận, giáo xứ và dòng tu thôi, nhưng họ luôn luôn bị theo dõi và lũng đoạn. Nhiều Giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân đi tù. Hiện nay thì vài tổ chức dân sự đang cố gắng phục hồi và sinh hoạt âm thầm như Hướng đạo Công giáo, Cơ quan bác ái Caritas, Ủy ban Công lý Hòa bình. Một số chức sắc đứng ra thành lập Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền nhằm đấu tranh cho tự do tôn giáo và dân chủ nhân quyền từ năm 2001. Một số vị khác tham gia Hội đồng Liên tôn.

Các tổ chức dân sự đó hoạt động về mặt lý thuyết lẫn thực hành. Về mặt lý thuyết, Hội đồng Giám mục VN từng có Thư góp ý với Nhà nước, Kiến nghị gởi thủ tướng và ban tôn giáo, Thư ngỏ gởi cho các Cơ quan Lập pháp Việt Nam, Quan điểm về một số vấn đề trong hiện tình xã hội, và mới nhất là Thư nhận định và góp ý sửa đổi Hiến pháp. Ủy ban Công lý Hòa bình thì tổ chức các khóa học cho giáo dân về học thuyết xã hội Công giáo, nghiên cứu những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, và nhân quyền tại VN, lên tiếng thỉnh thoảng về vài vụ việc bất công trong xã hội.
Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền thì có hơn 100 văn bản về các vấn đề tự do tôn giáo và dân chủ nhân quyền. Các Hội đồng Liên tôn có Tuyên bố về chính sách tôn giáo của CS tại VN, Lời Kêu Gọi Dân Chủ Cho Việt Nam, có các bản lên tiếng về Hiến pháp, về Pháp lệnh tôn giáo, về nhiều vụ vi phạm nhân quyền. Ngoài ra còn có Nhóm Bảo vệ Sự Sống thuộc Giáo phận Vinh, Nhóm Truyền thông và Phòng Công lý Hòa bình thuộc Dòng Chúa Cứu thế, cả ba đều có những hoạt động liên quan đến thông tin và xã hội. 

Thế nhưng, tất cả những lần lên tiếng trên không bao giờ được nhà cầm quyền VN hồi đáp cách nghiêm chỉnh. Trái lại họ còn tìm cách gây khó khăn. Chẳng hạn Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt bị bứng ra khỏi tòa TGM Hà Nội; Giám mục Hoàng Đức Oanh bị sách nhiễu; Dòng Chúa Cứu Thế luôn bị theo dõi và cản trở trong các hoạt động; nhiều linh mục và giáo dân đang bị ngồi tù vì lên tiếng cho công lý và sự thật. 
Đang khi đó thì các hoạt động thực tiễn của Công giáo bị hạn chế hay cấm cản bởi Pháp lệnh Tôn giáo tín ngưỡng và Nghị định áp dụng Pháp lệnh đó. Hai văn kiện này muốn khống chế, kềm tỏa 5 phương diện hay 5 yếu tố của tôn giáo là quy chế pháp lý, nhân sự, hoạt động, tài sản và quan hệ quốc tế. Nghĩa là cho đến nay, các tôn giáo và các tổ chức tôn giáo không được nhà nước công nhận như những pháp nhân. Nhân sự lãnh đạo luôn bị nhà nước kiểm soát từ việc chiêu mộ, huấn luyện, tấn phong đến bổ nhiệm. Các hoạt động thuần túy tôn giáo hoặc phục vụ xã hội đều phải xin phép, bị hạn chế, không cho vươn ảnh hưởng ra ngoài xã hội. Tài sản Giáo hội tiếp tục bị tước đoạt thêm, còn đất đai thì Giáo hội chỉ được quyền sử dụng. Quan hệ quốc tế của Giáo hội và việc các chức sắc lẫn tín đồ ra hải ngoại đều bị nhà nước kiểm soát, có khi ngăn cản. Điều đó làm cho các tổ chức/xã hội dân sự trong tôn giáo khó hoạt động và khó ảnh hưởng. Ngoài ra, nhà cầm quyền còn tạo nên một xã hội dân sự giả tạo là Ủy ban Đoàn kết Công giáo, thành viên của Mặt trận Tổ quốc, nhằm lũng đoạn nội bộ Giáo hội đồng thời lừa gạt quốc tế.
Đối với các tôn giáo khác thì nhà cầm quyền tạo ra những giáo hội quốc doanh bên cạnh các Giáo hội chính truyền. Các giáo hội quốc doanh này do nhà nước điều khiển, nhằm mục đích lũng đoạn, chia rẽ các Giáo hội chính truyền. Các giáo hội quốc doanh ấy cũng tham gia Mặt trận Tổ quốc là cơ quan ngoại vi của đảng CS, bao gồm trong đó các tổ chức/xã hội dân sự giả tạo.
3- Những dự định sẽ thực hiện trong 12 tháng tới để thay đổi tình trạng này

Trước hết các chức sắc tôn giáo, trong đó có các linh mục, quy tụ trong Hội đồng Liên tôn, ngày 01-05-2013, đã mạnh mẽ đòi hỏi Quốc hội phải chấp thuận một Hiến pháp đề cao các dân quyền và nhân quyền. Đến ngày 4-10-2013, chúng tôi đã mạnh mẽ phản bác Pháp lệnh tôn giáo và Nghị định áp dụng Pháp lệnh đó. Mới đây, ngày 17-02-2014, chúng tôi đã ra Bản lên tiếng về quyền con người và về các tù nhân lương tâm tại VN. Chúng tôi rồi đây sẽ soạn thảo Cương lĩnh của Hội đồng Liên tôn để có thể chính danh và dạn dĩ hoạt động. Nhiều chức sắc tôn giáo từng bị lao tù trong chế độ CSVN (trong đó có bản thân chúng tôi) cũng vừa liên kết với nhau thành một tổ chức dân sự mang tên Hội Cựu Tù nhân Lương tâm, nhằm góp phần phá vỡ ách độc tài của chế độ.

4- Những đề nghị gởi đến chính phủ Hoa Kỳ, đặc biệt là Quốc hội, và cộng đồng thế giới để hỗ trợ cho cho việc thực hiện các dự kiến trên.
Tại VN, kể từ đầu năm 2013, nhiều xã hội dân sự độc lập đã và đang xuất hiện, dù bị sự đàn áp và cấm cản của nhà cầm quyền. Tất cả đều là nỗ lực của các công dân tự do nhằm giành lại sự độc lập trong sinh hoạt xã hội, trong tổ chức hội nhóm, trong hành động phục vụ và cả trong nhận định chính trị. Chúng tôi mong chính phủ Hoa Kỳ, đặc biệt là Quốc hội, và cộng đồng thế giới chăm chú theo dõi sự hình thành và hoạt động của các tổ chức dân sự, ủng hộ chúng tôi về mặt tinh thần, mặt chính trị.

Cuối cùng, xin cảm ơn Quý vị đã lắng nghe. Xin Thượng Đế chúc lành cho Quý vị và cho đất nước Hoa Kỳ. 

Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi, Huế, VN, 26-03-2014

************

ĐIỀU TRẦN TRƯỚC ỦY BAN NHÂN QUYỀN TOM LANTOS HOA KỲ ngày 26-03-2014

Về vai trò của các tổ chức Công giáo trong xây dựng xã hội dân sự ở Việt Nam nhằm bảo vệ nhân quyền, thúc đẩy dân chủ, và giải quyết các vấn nạn xã hội.
(Bản gởi cho Ủy ban Tom Lantos)
Kính thưa toàn thể Quý vị

Nhân việc Uỷ ban Nhân quyền Tom Lantos tổ chức buổi điều trần về vai trò của các tổ chức tôn giáo trong xây dựng xã hội dân sự ở Việt Nam nhằm bảo vệ nhân quyền, thúc đẩy dân chủ, và giải quyết các vấn nạn xã hội, chúng tôi xin có bài điều trần nhỏ như sau
1- Những thuận lợi của các tổ chức Công Giáo trong vai trò xây dựng xã hội dân sự. 

Đạo Công giáo tự bản thân là một tổ chức thống nhất ở cấp hoàn vũ và ở cấp địa phương, mang danh xưng Giáo hội Công giáo. Tại mỗi quốc gia, Giáo hội này phân thành các Giáo tỉnh, Giáo phận, Giáo xứ, các Dòng tu và bên trong mỗi đơn vị này lại có nhiều tổ chức lớn nhỏ. Các Giáo đoàn và Dòng tu Công giáo địa phương ấy (cùng với những tổ chức bên trong của mình) có nhân sự dồi dào, tổ chức chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh, sứ mạng phục vụ, tinh thần dấn thân, uy tín trong quần chúng nên là những xã hội dân sự đúng nghĩa với nhiều thuận lợi trong vai trò xây dựng xã hội, quốc gia. Một số có chủ đích thuần túy tôn giáo, thờ phượng, một số có chủ đích văn hóa, từ thiện, giáo dục. 

Trong thực tế, tại miền Nam VN trước 1975, đã có những tổ chức giáo dục như Hướng đạo Công giáo, Thanh Sinh Công, Thanh Lao Công… từ thiện như Caritas, Misereor…. xã hội như Phong trào Công lý Hòa bình, Phong trào Chống tham nhũng, Ủy ban Cải thiện chế độ lao tù… Tất cả đều được tự do hoạt động và có nhiều đóng góp đáng kể cho xã hội, như các tổ chức dân sự tại mọi nước trên toàn thế giới.
2- Những hạn chế và khó khăn mà những tổ chức này đang phải đối đầu trong sinh hoạt tôn giáo và thực thi sứ mạng phục vụ nhân quần, xã hội. 
Sau năm 1975, khi Cộng sản lên nắm chính quyền và xây dựng chế độ vô thần, độc tài, toàn trị, thì những tổ chức nói trên phải ngưng hoạt động. Chỉ còn lại cơ cấu điều hành ở các giáo phận, giáo xứ và dòng tu thôi, nhưng họ luôn luôn bị theo dõi và lũng đoạn. Hiện nay thì vài tổ chức dân sự đang cố gắng phục hồi và sinh hoạt âm thầm như Hướng đạo Công giáo, Cơ quan bác ái Caritas, Ủy ban Công lý Hòa bình. Ủy ban này chỉ mới được Hội đồng Giám mục VN thành lập lại tháng 10 năm 2010 nhưng chủ yếu cũng chỉ hoạt động trong nội bộ Công giáo. Có một số chức sắc đứng ra thành lập Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền nhằm đấu tranh cho tự do tôn giáo và dân chủ nhân quyền từ năm 2001. Một số vị khác tham gia các Hội đồng Liên tôn vốn lần lượt xuất hiện năm 2000, 2008 rồi năm 2013. 
Các hoạt động mang tính cách phục vụ nhân quần xã hội của các tổ chức dân sự thuộc Giáo hội Công giáo nằm trên hai mặt: lý thuyết lẫn thực hành. Về mặt lý thuyết, Hội đồng Giám mục VN từng có Thư góp ý với Nhà nước ngày 14-04-1991, Kiến nghị gởi thủ tướng và ban tôn giáo ngày 18-10-1992, Thư ngỏ gởi cho các Cơ quan Lập pháp của Nhà nước Việt Nam tháng 10-2002, Quan điểm về một số vấn đề trong hoàn cảnh xã hội hiện nay gởi đến toàn dân ngày 25-09-2008 và mới nhất là Thư nhận định và góp ý sửa đổi Hiến pháp gởi đến Ủy ban soạn thảo ngày 01-03-2013. 

Ủy ban Công lý Hòa bình thuộc Hội đồng Giám mục thì có một số hoạt động như (1) tổ chức các khóa học cho giáo dân về học thuyết xã hội Công giáo, (2) nghiên cứu những yêu sách và thách đố của đất nước, thu thập và đánh giá những thông tin về chính trị, kinh tế, xã hội, về tình trạng nhân phẩm và nhân quyền tại VN, (3) lên tiếng thỉnh thoảng về vài vấn đề trong xã hội. Ví dụ vụ nhà nước xử án các giáo dân Cồn Dầu, Đà Nẵng (10-2010), vụ nhà nước lấy đất của Dòng Chúa Quan Phòng Sóc Trăng (12-2010), vụ bắt giữ và xử án luật gia Cù Huy Hà Vũ (8-2011), vụ nhà nước hủy bỏ cuộc Tọa đàm “Công lý cho Biển Đông” (10-2011), vụ 14 thanh niên Công giáo Vinh bị xử tòa (12-2012). 
Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền, thành lập từ 4-2001, có hơn 100 văn bản về các vấn đề tự do tôn giáo và dân chủ nhân quyền. Hội đồng Liên tôn năm 2000 có Tuyên bố về chính sách tôn giáo của CS tại VN (27-12-2000). Hội đồng Liên tôn 2008 có Lời Kêu Gọi Dân Chủ Cho Việt Nam (30-04-2008). Hội đồng Liên tôn năm 2013 thì cho đến nay đã có 6 bản lên tiếng về Hiến pháp, về Pháp lệnh tôn giáo, về nhiều vụ vi phạm nhân quyền. Ngoài ra còn có Nhóm Bảo vệ Sự Sống thuộc Giáo phận Vinh, Nhóm Truyền thông và Phòng Công lý Hòa bình thuộc Dòng Chúa Cứu thế, cả ba đều có những hoạt động liên quan đến thông tin và xã hội. 
Thế nhưng, tất cả những hoạt động lý thuyết nói trên (tức là lên tiếng với nhà cầm quyền và công luận), không bao giờ được nhà cầm quyền hồi đáp mà xem xét những đề nghị và yêu cầu nêu trong đó. Trái lại họ còn tìm cách gây khó khăn cho những chức sắc hoặc tín đồ quá mạnh miệng. Chẳng hạn Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt bị bứng ra khỏi tòa TGM Hà Nội; Giám mục Hoàng Đức Oanh và các linh mục dưới quyền tại Kontum thường xuyên bị sách nhiễu, thậm chí bị hành hung; Dòng Chúa Cứu Thế ở Sài Gòn và Thái Hà luôn bị theo dõi và cản trở trong các hoạt động, thậm chí bị cướp tài sản (đất đai); nhiều thanh niên Công giáo tại Giáo phận Vinh đang bị ngồi tù vì lên tiếng cho công lý và sự thật. 
Đang khi đó thì các hoạt động thực tiễn của tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng bị hạn chế hay cấm cản bởi Pháp lệnh Tôn giáo tín ngưỡng năm 2004 và Nghị định áp dụng Pháp lệnh năm 2012. Hai văn kiện pháp lý này muốn khống chế, kềm tỏa 5 phương diện hay 5 yếu tố của tôn giáo là quy chế pháp lý, nhân sự, hoạt động, tài sản và quan hệ quốc tế. Cho đến nay, các tôn giáo và các tổ chức tôn giáo không được nhà nước công nhận như những pháp nhân. Nhân sự, nhất là nhân sự lãnh đạo, luôn bị nhà nước kiểm soát từ việc chiêu mộ, huấn luyện, tấn phong và bổ nhiệm. Các hoạt động thuần túy tôn giáo hoặc phục vụ xã hội đều buộc phải xin phép, đều bị hạn chế, không cho vươn ảnh hưởng ra ngoài xã hội. Tài sản của Giáo hội tiếp tục bị tước đoạt thêm, còn đất đai thì Giáo hội chỉ được quyền sử dụng. Quan hệ quốc tế của Giáo hội và việc các chức sắc lẫn tín đồ ra hải ngoại đều bị nhà nước kiểm soát, có khi ngăn cản. Điều đó làm cho các tổ chức/xã hội dân sự trong tôn giáo khó hoạt động và khó ảnh hưởng. Ngoài ra, nhà cầm quyền còn tạo ra một xã hội dân sự giả tạo là Ủy ban Đoàn kết Công giáo, thành viên của Mặt trận Tổ quốc, nhằm lũng đoạn nội bộ Giáo hội đồng thời lừa gạt quốc tế. 
Đối với các tôn giáo khác thì nhà cầm quyền tạo ra những giáo hội quốc doanh bên cạnh Giáo hội Phật giáo VN Thống nhất, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy, Hội thánh Cao Đài chân truyền, các Giáo hội Tin lành Mennonite, Tin lành Lutheran… Các giáo hội quốc doanh này do nhà nước điều khiển, với mục đích lũng đoạn, chia rẽ các Giáo hội chính truyền. Các giáo hội quốc doanh ấy cũng tham gia Mặt trận Tổ quốc là cơ quan ngoại vi của đảng CS, bao gồm trong đó các tổ chức/xã hội dân sự giả tạo.

Bản thân chúng tôi cũng là nạn nhân của nhà cầm quyền CSVN. Tôi bị họ đuổi ra khỏi Đại chủng viện Huế tháng 5-1978 cùng với 17 đại chủng sinh khác vì tội “cứng đầu”. Nên đến ngày 21-5-1981, tôi đã phải chịu chức linh mục cách bí mật do tay Đức Giám mục Nguyễn Văn Thuận (lúc ấy đang bị quản thúc tại giáo xứ Giang Xá, giáo phận Sơn Tây). Ngày 21-10-1981, tôi bị công an bắt cùng với 4 đại chủng sinh khác thuộc giáo xứ Phủ Cam rồi bị kết tội “tuyên truyền phản cách mạng” trong một phiên toà, vì trước đó, vào ngày 21-9-1981, tất cả đã cùng nhau làm một vở kịch nhỏ giúp vui trong một buổi họp mặt phụ huynh chủng sinh tại giáo xứ. Bị án tù 4 năm, giam tại “trại cải tạo” Đồng Sơn (tỉnh Đồng Hới). Ở gần hết án, tôi bị nhà cầm quyền khám phá ra là một linh mục chịu chức không xin phép nhà nước nên bị giam thêm 3 năm nữa. Tổng cộng 7 năm tù. Được thả ra tháng 10-1988, tôi phải về ở nhà cha mẹ tại giáo xứ Phủ Cam, thành phố Huế. 

Đầu năm 2001, tôi hỗ trợ linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý trong việc đấu tranh cho tự do tôn giáo và dân chủ nhân quyền. Tôi bị công an gọi đi thẩm vấn trong vòng một tháng, sau đó tôi từ chối không tới đồn nữa nhưng vẫn tiếp tục đấu tranh. Thế là họ quản thúc tôi tại gia đình (lệnh miệng), cắt điện thoại bàn, phá điện thoại di động, luôn canh chừng theo dõi tôi lẫn thân nhân và bạn bè của tôi cho tới hôm nay. 
3- Những dự định sẽ thực hiện trong 12 tháng tới để thay đổi tình trạng này

Để tìm cách thay đổi tình trạng này, trước hết các chức sắc tôn giáo, trong đó có các linh mục Công giáo chúng tôi, quy tụ trong một tổ chức dân sự gọi là Hội đồng Liên tôn, ngày 01-05-2013, đã mạnh mẽ đòi hỏi Quốc hội VN phải chấp thuận một Hiến pháp đề cao các quyền con người và các quyền công dân. Đến ngày 4-10-2013, chúng tôi đã mạnh mẽ phản bác Pháp lệnh tôn giáo năm 2004 và Nghị định áp dụng Pháp lệnh năm 2012, là hai văn kiện cản trở cho hoạt động của các tổ chức dân sự trong tôn giáo. Mới đây, ngày 17-02-2014, chúng tôi đã ra Bản lên tiếng về quyền con người và về các tù nhân lương tâm tại VN, vốn là những con người đòi hỏi nhân dân phải có quyền lập ra các xã hội dân sự độc lập với nhà nước. Từ đây cho đến 06-03-2014, chúng tôi sẽ soạn thảo Cương lĩnh của Hội đồng Liên tôn với các điều khoản thông thường của một tổ chức, để có thể chính danh và dạn dĩ hoạt động. 

Nhiều chức sắc tôn giáo từng bị lao tù trong chế độ CSVN (trong đó có bản thân chúng tôi) cũng vừa liên kết với nhau thành một tổ chức dân sự mang tên Hội Cựu Tù nhân Lương tâm, nhằm góp phần phá vỡ ách độc tài của chế độ. 
4- Những đề nghị gởi đến chính phủ Hoa Kỳ, đặc biệt là Quốc hội, và cộng đồng thế giới để hỗ trợ cho cho việc thực hiện các dự kiến trên.
Tại VN, kể từ đầu năm 2013, nhiều xã hội dân sự xuất hiện, như Nhóm Anh em Dân chủ, Hội Phụ nữ Nhân quyền, Nhóm Truyền thông Chúa Cứu Thế, Mạng lưới Blogger Việt Nam, Hiệp hội Dân oan, Hội bầu bí tương thân, Nhóm Bảo vệ Sự sống, Hội đồng Liên tôn, Hội Cựu Tù nhân Lương tâm và mới nhất là Văn đoàn Việt Nam độc lập. Tất cả đều là nỗ lực của các công dân tự do nhằm giành lại sự độc lập trong sinh hoạt xã hội, trong tổ chức hội nhóm, trong hành động phục vụ và cả trong nhận định chính trị.

Chúng tôi mong chính phủ Hoa Kỳ, đặc biệt là Quốc hội, và cộng đồng thế giới chăm chú theo dõi sự hình thành và hoạt động của các tổ chức dân sự, ủng hộ chúng tôi về mặt tinh thần, mặt chính trị. Ngoài ra, quý vị có thể tạo điều kiện để chúng tôi trau dồi thêm khả năng hoạt động trong các tổ chức dân sự đó (như đã từng có những khóa học về phương cách đấu tranh bất bạo động, phương cách thực thi dân chủ mà có nhiều người từ VN đi ra tham gia). 

Cuối cùng, xin cảm ơn Quý vị đã lắng nghe. Xin Thượng Đế chúc lành cho Quý vị và cho đất nước Hoa Kỳ. 
Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi, Huế, VN