Tuesday, 4 March 2014

Thầy tôi, Giáo Sư Phạm Huy Ngà - Phạm Khắc Trung

Lên Đệ Nhị, tôi qua trường Thăng Long ghi danh học. Trường trung học tư thục Thăng Long tọa lạc trên đường Hồng Thập Tự, kế góc đường Nguyễn Thiện Thuật, gần bùng binh Cộng Hòa, do Giáo Sư Toán Vũ Bảo Ấu làm Giám Đốc, và Hiệu Trưởng là Giáo Sư Vật Lý Phạm Huy Ngà.

Danh sách quý thầy phụ trách lớp 11B4 của tôi năm đó gồm: GS Nguyễn Bát Tuấn dạy Toán Hình Học, GS Nguyễn Khắc Ngữ dạy Đại Số, GS Phạm Huy Ngà dạy Vật Lý, GS Trương Đình Ngữ dạy Hóa Học, GS Chu Ngọc Thủy dạy Vạn Vật, GS Nguyễn Văn Khánh dạy Công Dân Sử Địa, GS Phạm Vân Trung dạy Việt Văn, GS Bùi Đình Mạc dạy Anh Văn.

Hôm gần Tết, thầy Trung mang vào lớp một gói quà nhỏ, thầy định tổ chức đấu giá gây quỹ “Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ” do nhà trường kêu gọi. Thầy Trung đưa ra nguyên tắc, rằng thầy sẽ ra giá tối thiểu trước cho món quà đó, khi có người trả giá cao hơn, thầy sẽ đếm đến tiếng thứ ba mà không ai trả thêm thì người trả giá cuối cùng sẽ thắng! Tôi ngồi dưới dơ tay phát biểu:

− Thầy ôi! Đấu giá kiểu đó đâu có thu được nhiều tiền!

Thầy biện bạch rằng luật đấu giá như vậy đấy. Tôi cố cãi:

− Mục đích là thâu được nhiều tiền cho "Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ", mình phải đổi luật chơi cho sôi nổi mới câu được nhiều tiền.

Thầy vẫn tự tin giữ nguyên tắc cũ, thầy dơ món quà lên bảo:

− Tôi trả món quà này 50 đồng, nào mời các anh chị trả thêm!

Ngồi đầu bàn ba dẫy bìa, tôi phất tay buông gọn:

− Thôi thầy lấy đi!

Cả lớp thấy chuyện tiếu lâm nên bò lăn bò lộn ra cười. Mặt thầy đỏ ké như mặt Trương Phi khi nổi giận, thầy gục người xuống rũ rượi ho, tay lo quệt chùi nước mắt trên mặt, thầy vừa bị sặc vì cười...

Chờ cả lớp cười no nê xong rồi, thầy mới tủm tỉm nhìn tôi nói:

− Món quà do tôi mang tới, bây giờ tôi bỏ 50 đồng ra mua rồi lại ôm về? Anh đáo để nhể! ... Bây giờ thế này, tôi với anh đổi chỗ, anh lên bục tổ chức đấu giá theo ý anh, tôi ngồi chỗ anh làm một thành viên, anh kiếm không được 50 đồng sẽ bị phạt!

Và tôi rất tự tin, hiên ngang đi lên bục giảng.

Lớp học có 3 dẫy bàn, mỗi dẫy khoảng 50 học sinh, nên tôi chia lớp thành 3 nhóm, mỗi nhóm tôi nhờ một bạn nhanh nhẩu chạy lên chạy xuống đốc thúc học sinh tham gia và thu tiền khi có người ra giá. Tôi tổ chức đấu giá tập thể, ai kêu thêm sẽ cộng vào số tiền đang có của nhóm mình, tiền bỏ ra rồi không hoàn lại, khi không còn ai ra giá nữa, nhóm nào đã bỏ ra nhiều tiền nhất sẽ thắng, hai nhóm thua mất trắng tiền. Bởi đã kêu giá rồi là mất toi tiền, nên các học sinh như đang ngồi trên lưng cọp không dám xuống sợ mất tiền không, nên càng phải dốc hầu bao mong thủ thắng, dẫn đến kết quả thật khả quan, món quà của thầy mang tới thu vào xấp xỉ 3 ngàn. Hết giờ, thầy Trung hoan hỉ mang số tiền lớn xuống văn phòng nộp, mới ngày đầu ra quân mà đã gạt hái được thành công ngoài mong muốn của thầy. Chẳng biết thầy Trung khoe thế nào mà thầy Ngà nhờ ông Giám Thị lên lầu kêu tôi xuống văn phòng cho thầy gặp. Thầy Ngà vỗ vai khen tôi xong, thầy nhờ tôi đứng ra tổ chức đấu giá gây quỹ “Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ” cho toàn thể các lớp học của trường, gồm cả những lớp sáng lẫn lớp chiều. Dĩ nhiên tôi nhận lời liền.

Sau hai tuần xông xáo, tuy trường tôi nhỏ, học sinh không đông, nhưng số tiền thu được cho quỹ “Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ” không ít chút nào, được tòa Đô Chánh gửi giấy khen thưởng. Nếu tôi nhớ không lầm thì năm ấy trường tôi đứng hạng thứ ba của thành phố. Bởi thế nên thầy Ngà đặt cho tôi biệt danh là “Chuyên Viên Đấu Giá”, và năm nào tôi cũng đứng ra tổ chức đấu giá cho trường, ngay cả khi tôi đã lên đại học, tôi vẫn giữ liên lạc với thầy, mỗi năm tôi thu xếp lịch trình, về trường tổ chức đấu giá gây quỹ “Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ”.

Cũng dịp Tết năm đó, tôi đem biếu quý thầy tờ báo Xuân do Nhóm Bạn trẻ Đất Việt chúng tôi thực hiện. Vài ngày sau khi đọc xong tờ báo, thầy Ngà gọi tôi vào văn phòng cho thầy hỏi han chi tiết về nhóm chúng tôi. Tôi có dịp giới thiệu với thầy, chúng tôi là nhóm học sinh có chung chí hướng, tụ họp nhau làm báo, sinh hoạt trại, và rủ rê nhau làm công tác từ thiện nhỏ trong phạm vi cho phép. Thầy Ngà biết tôi là Trưởng nhóm, nhưng thầy muốn gặp toàn bộ anh em trong Ban Điều Hành. Hồi đó làm gì có cell phone để gọi nhau, tôi nhờ Trần Bảo Dân và Hồ Chí Thành chạy đi triệu tập Vũ Hà Trung, Đinh Văn Phát, Đặng Kim Lân..., tới quán cà phê Chiêu vẫn hẹn, còn tôi làm tài xế đến trường đón thầy tới quán cà phê. Thầy đặt điều kiện phải để thầy trả tiền cà phê thầy mới đi, biết không thay đổi được ý thầy, tôi đành tuân lệnh.

Tại quán cà phê, thầy trò chúng tôi chuyện trò thoải mái. Thầy cười vui vẻ vì những câu giỡn đùa chúng tôi ghẹo nhau. Thầy hỏi han về việc học, dự kiến tương lai, lối nghĩ, cách nhìn... với từng người trong bọn, nghĩa là thầy “nắn gân nắn cốt” đám học trò, rồi cuối cùng thầy khen ngợi chúng tôi, thầy khuyên chúng tôi nên giữ vững chủ trương, và thầy hỗ trợ chúng tôi rằng: “Từ nay, tôi sẽ cho các anh 5 ngàn đồng cho mỗi số báo các anh thực hiện”. Cả bọn reo mừng như trúng số, mà trúng số thật đấy, 5000 đồng đối với chúng tôi lớn lắm, học phí lớp Đệ Nhị lúc đó chỉ có 650 đồng mỗi tháng thôi, ba mẹ cho tôi 2000 đồng một tháng, bao trọn đủ cả tiền quà, tiền học phí, tiền sách vở, tiền xăng... Ngoài ra thầy còn viết thư giới thiệu chúng tôi với cơ sở ấn loát nơi thầy quay course ở đường Bùi Thị Xuân, gần trường Nguyễn Bá Tòng. Thầy yêu cầu ông chủ nhà in tính giá cho chúng tôi bằng với hợp đồng in của thầy. Trên đường chở thầy về lại trường, thầy cám ơn tôi đã dành cho thầy một buổi chiều tuyệt vời, thầy nói:

− Đã lâu lắm rồi, tôi mới tìm lại được bầu không khí nhộn nhịp, hồn nhiên, vui vẻ như chiều hôm nay.

Lên lớp 12 tôi không còn học với thầy Ngà nữa, danh sách quý thầy phụ trách Lớp 12B2 của tôi gồm có: GS Vũ Bảo Ấu dạy Hình Học và Hình Học Giải Tích, GS Ngô Quang Vỹ dạy Đại Số, GS Đinh Đức Mậu dạy Giải Tích, GS Võ Thế Hào dạy giải bài tập Toán, GS Nguyễn Khắc Lãng dạy Vật Lý, GS Nguyễn Tấn Thi dạy Hóa học, GS Phạm Vân Trung dạy Triết, GS Lê Kim Ngân dạy Công Dân Sử Địa, GS Chu Ngọc Thủy dạy Vạn Vật, GS Bùi Đình Mạc dạy Anh Văn, GS Nguyễn Văn Khải dạy Pháp Văn.

Thuở ấy tôi liến thoáng cười giỡn tối ngày, nên thầy Giám Đốc Vũ Bảo Ấu cũng thương và gọi tôi là "người ồn ào". Ngay buổi học đầu tiên, thầy Ấu mang tôi ra làm thí dụ giới thiệu với lớp học, thầy nói:

− Học toán phải biết linh động như "người ồn ào", chứ đừng ru rú như đám con gái ban A chán lắm! Mấy người ồn ào là bởi họ có tự tin. Có giỏi mới tự tin chứ. Tôi chẳng cần tra xét học trò giỏi làm gì!

Tôi ngồi dưới lên tiếng:

− Vậy là em đã đoán trúng tâm lý thầy rồi. Em giả bộ ồn ào để thầy tưởng em giỏi mà không kêu lên bảng.

Thầy Ấu vẫn cười cười và chậm rãi nói tiếp:

− Chỉ khi nào gặp bài toán khó, cả lớp chịu thua tôi mới kêu tới học trò giỏi thôi.

Cả lớp cười vang tán dương cú xút làm bàn của thầy. Thầy Ấu nhìn tôi cười ra chiều thích thú lắm.

Thế rồi thầy làm thật! Khi cả lớp chịu thua bài toán khó đầu tiên, thầy cầm cục phấn đưa về phía tôi, mỉa mai nói:

− Để xem anh còn ồn ào được nữa không?

May là tôi giải được bài toán đó mà duy trì danh hiệu “người ồn ào”. Nhìn ánh mắt thầy, tôi biết thầy hài lòng lắm. Hôm đó thầy nói:

− Học toán không phải là học những con số vô hồn, hay những công thức vô cảm như nhiều người lầm tưởng, mà học cái hệ thống lý luận linh động và vững chắc của toán học.

Rồi thầy bổ túc thêm:

− Đại đa số những nhà toán học còn là những triết gia!

Đã lỡ leo lên lưng cọp, cộng với chút kiêu hãnh trong lòng, tôi càng cố gắng học toán chăm hơn nữa để khỏi bẽ mặt với thầy và bạn bè trong lớp. 

Một lần thầy cho bài tập về nhà làm. Buổi học kế thầy hỏi, cả lớp lắc đầu. Thầy nghĩ chắc tôi cũng không làm được bài đó nên không kêu tôi lên bảng như mọi lần, thầy chỉ hỏi cầm chừng:

− Thế còn người ồn ào?

Một chút hãnh diện lâng lâng trong lòng, tôi làm bộ ra vẻ miễn cưỡng, lẳng lặng lên bảng giải bài toán đó. Thầy khen:

− Anh giải được bài này là giỏi lắm, nhưng để tôi giải cách khác một bên cho cả lớp so sánh.

Tôi ghẹo thầy:

− Cũng chả giỏi gì đâu thầy, em lục cả trăm cuốn bài giải mới tìm được bài đó.

Thầy nghiêm mặt nói:

− Anh xục tìm được bài giải bài này là đủ giỏi rồi. Nếu tôi có thẩm quyền, tôi sẽ cấp cho anh bằng tú tài liền, khỏi thi.

Sau lễ Giáng Sinh năm đó, trong một bữa tiệc của người quen, Tín, Võ và tôi được sắp ngồi chung bàn với một anh sinh viên năm thứ Hai nọ. Anh nổ liên tục như pháo đêm ba mươi Tết nên bị Tín với tôi thay phiên thọt lét. Bị rút mất ngòi nổ nên anh quê xệ, quay qua khích tướng tôi. Tuổi trẻ bốc đồng, tôi ngang nhiên tuyên bố rằng tôi chỉ thi một khóa Tú Tài 2 duy nhất. Biết không thể lay chuyển tôi được, Tín và Võ bàn nhau cầu cứu thầy Ngà, Tín Võ biết rằng, chỉ có thầy Ngà nói tôi mới chịu nghe...

Sau khi có kết quả thi Tú Tài 2 rồi, Tín và Võ mới đem chuyện cầu cứu thầy Ngà kể tôi nghe, chứ bản thân thầy Ngà không hề đả động gì với tôi về chuyện đó.

Hôm ấy Tín và Võ vào văn phòng thưa chuyện với thầy Ngà, gặp cả thầy Ấu đang ngồi trong ấy. Nghe Tín và Võ kể tôi tuyên bố sảng xong, thầy Ngà quay qua hỏi thầy Ấu:

− Ông liệu thằng Trung đậu không?

Thầy Ấu trả lời thầy Ngà:

− Chỉ cần nó đừng để điểm loại. Với ba môn Toán, Lý Hóa và Công Dân Sử Địa là nó đủ điểm rồi!

Thầy Ngà cười khề khà rồi quay qua Tín và Võ. Thầy kể có một ông văn hào người Mỹ mà Tín và Võ quên tên, trong một lần say rượu tuyên bố rằng ông có thể uống cạn nước biển. Một trong những người dự tiệc hôm đó mới lợi dụng gài độ vị văn hào này, hai người mang tài sản ra đánh cược. Tỉnh rượu biết mình phát ngôn bậy, ông văn hào buồn lắm vì sắp mất trọn gia tài. Dè đâu khi ra tòa phân xử, người nô bộc da đen của ông đứng ra bênh vực chủ mình:

− Ông chủ tôi tuyên bố chỉ uống nước biển chứ không uống nước sông. Yêu cầu Ngài (người đánh cược) hãy chặn hết đừng cho nước sông chảy ra biển để ông chủ tôi chuẩn bị uống!

Làm sao chặn hết không cho nước sông chảy ra biển được? Thế là vị văn hào thoát nạn.

Kể xong câu chuyện, thầy Ngà vỗ vai, từ tốn bảo Tín và Võ:

− Hai anh là bạn của nó, hãy lo nghĩ cách mà giúp bạn mình!

Tín và Võ thụt vòi không nghĩ ra cách nào để giúp tôi hết...

Những ngày cuối tháng Tư đen, cô dẫn các em di tản trước, thầy Ngà ở lại cho tới giờ phút cuối cùng... Sau khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng rồi, thầy mới lần mò xuống Rạch Giá tìm phương tẩu thoát, nhưng không may thầy bị bắt.

Đầu mùa Thu năm 1979, tôi được tin thầy bị bệnh và liệt đôi chân, tôi đoán là do thiếu dinh dưỡng nên thầy bị phù thủng, nhà tù thả thầy về nương náu nơi người chị bên Cầu Sắt. Lúc đó tôi đang ở dưới bãi chờ bốc, không cách nào về được để thăm thầy.

Mãi tới mùa Hè 1990, nghe người bạn đi theo diện "đoàn tụ gia đình" kể lại mà tôi đứt từng đoạn ruột:

− Thầy Ngà, Hiệu Trưởng trường Thăng Long, Trung còn nhớ không? Trước khi thầy đi Pháp, vợ thầy đã đi trước, Yến có lại thăm thầy. Năm nào thì Yến không nhớ, nhưng Yến nhớ trước khi Yến ra khỏi nhà thì Yến có dặn chị giúp việc là Yến đi nhanh lắm, không được cho bé bú sữa ngoài, Yến sẽ canh về đúng giờ bé bú, nhưng khi gặp thầy thì thầy không cho về, thầy lúc bấy giờ bị bất toại toàn thân. Yến bóp chân tay thầy, thầy không nói được vậy mà hôm ấy, thầy cứ giữ Yến lại không cho về rồi thầy khóc. Thầy nhìn Yến thật lâu, đến khi thầy bật lên được với tiếng ngọng ngịu, thương lắm: "Trung đâu?" Đến bấy giờ thì thầy cười. Yến biết là kỷ niệm xưa với học trò Trung của thầy đang nhẩy múa với thầy, và Yến thì... khóc. Thầy hiểu... và thầy lại nhìn vào mắt Yến... rồi thầy khóc. Yến ôm thầy, hai thầy trò cùng khóc.

Tôi nóng lòng hỏi thêm chi tiết thì Yến kể tiếp:

− Thầy mất lâu lắm rồi, thầy mất mấy năm sau thầy đi Pháp thôi. Vợ thầy đi trước, rồi sau đó thầy đi nhiều lần mà không thoát, nó nhốt thầy vào cái cũi chung với hàng hai trăm người chỉ đứng chứ không có ngồi được, rồi thầy sinh bệnh. Lúc Yến mới vào nhà thầy thì thấy thầy ngồi trên xe lăn, bên cạnh là hình vợ thầy to lắm, khoảng 1.5mX2.0m. Người nhà đang đút cho thầy ăn, có nuốt được đâu? Ăn uống còn khó khăn nữa, vậy mà đến khi Yến vào rồi mà thầy vẫn dõi mắt ra cửa, tưởng như là Trung đỗ xe xong sẽ đi vào sau, thầy nghĩ Yến đi với Trung. Chờ một lúc thật lâu không thấy Trung thầy mới bật lên: "Trung đâu?" Người nhà thầy rất ngạc nhiên, vì thầy không nói thành tiếng vậy mà hôm ấy nói ai cũng nghe rõ.

Tôi luôn ghi nhớ, cái ngày đầu tôi đến trường Thăng Long ghi danh học lớp 11B4, cô thư ký cầm đơn của tôi vào trình thầy Hiệu Trưởng Phạm Huy Ngà. Thầy Ngà cầm tờ báo đăng lời kêu gọi chúng tôi tiếp tục đấu tranh chống sự trả thù của Giáo Sư Trần Văn Ân bước ra, thầy dơ dơ tờ báo lên bảo tôi: “Tôi biết anh là ai nhưng tôi nhận thử!”

Tôi đã thầm cảm ơn thầy Phạm Huy Ngà từ cái ngày đầu tiên ấy, rồi cũng vì tấm lòng nhân ái của thầy mà tôi ước mơ sẽ học sư phạm để nối nghiệp thầy. Tôi nhủ với lòng sau này sẽ mở rộng vòng tay bao dung đối với những đứa học trò ngổ ngáo. Tôi sẽ trích ra một phần lương để khuyến khích các em làm báo và hoạt động xã hội. Tôi sẽ hướng dẫn các em biết cảm nhận lòng nhân ái, biết nhìn tấm gương tốt và quyết chí noi theo, bằng tấm lòng và hành động chân thật của một người thầy...

Nhưng rồi số phận đưa đẩy, tôi đã không thực hiện được giấc mộng vàng son ấy, nhưng suốt cuộc đời tôi không hề phụ rẫy lòng thầy!

Ngày đầu năm nơi xứ lạ quê người, tôi thắp lên nén hương lòng, ngồi tưởng nhớ đến thầy Phạm Huy Ngà, một trong những người thầy mà tôi hằng yêu kính. Kính gửi đến thầy lòng biết ơn sâu xa của đứa học trò cũ ngày nào.



Phạm Khắc Trung