TS Đoàn Xuân Lộc
Gửi cho BBC từ Anh quốc
Cập nhật: 06:45 GMT - chủ nhật, 27 tháng 4, 2014
Hàng triệu tín đồ Công giáo sẽ tề tựu về Quảng trường Thánh Phêrô để chờ đón lễ phong Thánh
Ngày hôm nay (27/04), Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ phong thánh cho hai vị tiền nhiệm của mình là Đức cố Giáo hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II.
Hàng triệu người Công giáo – trong đó có nhiều người Việt Nam – từ khắp năm châu sẽ về Roma tham dự sự kiện trọng đại này.
Với Giáo hội Công giáo, hai Đức Giáo hoàng này là những mục tử khiêm nhường, tốt lành, thánh thiện, khôn ngoan, cởi mở và đầy lòng quả cảm. Dưới sự hướng dẫn của các Ngài, Giáo hội đã mạnh dạn mở cửa ra với thế giới bên ngoài và tích cực dấn thân vào đời sống xã hội, trần thế.
Nhưng không chỉ có người Công giáo mà nhiều lãnh đạo các quốc gia, tổ chức, tôn giáo trên thế giới cũng sẽ hiện diện trong thánh lễ phong Thánh này.
Các phương tiện truyền thông quốc tế cũng sẽ đổ về Roma để tường thuật sự kiện có một không hai này.
Sinh thời, cả hai vị được coi là những lãnh đạo tinh thần rất có ảnh hưởng đối với thế giới. Họ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thăng tiến nhân phẩm và kiến tạo hòa bình trong nửa sau của thế kỷ 20 – khi thế giới phải đối diện với nhiều nguy cơ chiến tranh và phẩm giá con người bị coi nhẹ, chà đạp.
Gioan XXIII: ‘Mở cửa’ Giáo hội
Giáo hoàng Gioan XXIII chỉ trị vì trong một khoảng thời gian ngắn ngủi
Đức Gioan XXIII – tên thật là Angelo Giuseppe Roncalli, sinh ngày 25/11/1881 trong một gia đình nông dân đạo đức, thánh thiện có đến 11 người con ở miền bắc nước Ý – được bầu làm Giáo hoàng vào ngày 28/10/1958, khi Ngài đã sang tuổi 77.
Vì được bầu lên ngôi vị đó khi tuổi đã cao và sau triều đại dài của Đức Piô XII (1939-1958), Ngài được coi là ‘Giáo hoàng tạm thời’.
Nhưng vị ‘Giáo hoàng chuyển tiếp’ này đã có một quyết định làm thay đổi toàn bộ đời sống của Giáo hội và mối tương quan giữa Giáo hội và thế giới.
Vào ngày 25/01/1959 – tức chưa đầy ba tháng sau khi trở thành người lãnh đạo Giáo hội – trước sự ngỡ ngàng của giáo triều và toàn thể Giáo hội, Ngài đã loan báo việc triệu tập một Công đồng chung đại kết cho cả Giáo hội.
Khi loan báo quyết định ấy Ngài mời gọi Giáo hội: ‘Hãy mở những cánh cửa sổ ra. Hãy tìm hiểu, nhìn xem những dấu chỉ thời đại. Hãy lắng nghe con người và tìm hiểu những suy nghĩ, băn khoăn, thao thức của họ’.
Với một quyết định, ý hướng như vậy, Ngài không chỉ triệu tập các Hồng y, Giám mục và các nhà thần học Công giáo có uy tín trên thế giới mà còn mời đại diện các Giáo hội Kitô giáo anh em khác đến tham dự.
Công đồng Vatican II – kéo dài hơn ba năm, từ 11/10/1962 đến 08/12/1965 – đã mang đến một làn gió mới, sức sống mới, đường hướng mới cho Giáo hội.
Hình ảnh Giáo hoàng Gioan XXIII được thể hiện tại một nhà thờ ở quê hương Ngài
Cụ thể, Công đồng không chỉ giúp Giáo hội canh tân đời sống đức tin của mình và mà còn khuyến khích Giáo hội mạnh dạn đối thoại với thời đại, dấn thân vào xã hội, để qua đó có thể góp phần thăng tiến nhân phẩm và xây dựng một thế giới công bằng, huynh đệ, nhân bản hơn.
Một di sản quan trọng khác mà Đức Gioan XXIII để lại là thông điệp ‘Hòa bình trên thế giới’ (Pacem in terris), được công bố ngày 11/04/1963 – chưa đầy ba tháng trước khi Ngài qua đời (03/06/1963) – và được gửi đến không chỉ người Công giáo mà còn tất cả ‘những ai thành tâm thiện chí’ trên toàn thế giới.
Ra đời trong bối cảnh thế giới đang ‘nóng’ vì Chiến tranh lạnh lúc ấy, thông điệp Pacem in terris đã kêu gọi mọi người, đặc biệt lãnh đạo các quốc gia, hãy tôn trọng tự do, nhân phẩm, công lý và loại bỏ các hình thức kỳ thị, đặc quyền đặc lợi và đặc biệt ngừng chạy đua vũ trang và chấm dứt chiến tranh.
Ở thời điểm đó, người ta vẫn nghĩ rằng ‘hòa bình chỉ có thể thực hiện được dựa trên sự quân bình về vũ trang’. Nhưng Ngài đã chỉ ra rằng ‘logic chạy đua vũ trang’ sẽ đẩy nhân loại vào ngõ cụt ‘đau thương tàn khốc’.
Vì vậy, Ngài kêu gọi thế giới ‘khẩn cấp ngưng các cuộc chạy đua vũ trang, hủy bỏ vũ khí nguyên tử’ và nhấn mạnh rằng hòa bình thế giới chỉ đạt được khi nó ‘được xây dựng dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau’ chứ không phải ‘dựa trên sự quân bình vũ khí’.
Tang lễ Giáo hoàng John XXIII
Xem ra một thông điệp như vậy vẫn còn rất ý nghĩa cho thế giới ngày hôm nay khi – như những gì diễn ra tại Đông Á trong thời gian qua hay cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện tại cho thấy – khuynh hướng dùng sức mạnh vũ lực để giải quyết tranh chấp vẫn còn phổ biến.
Bình luận về thông điệp đó lúc ấy, ông U Thant – Tổng thư ký Liên Hợp Quốc lúc đó – đã nói ông rất sung sướng khi đọc ‘Pacem in Terris’ và bày tỏ lòng kính trọng đối với Đức Giáo hoàng vì Ngài ‘đã hết sức khôn ngoan, sáng suốt và không ngừng hoạt động cho hòa bình và cho sự tồn tại của nhân loại’.
Ngoài việc đưa ra những quyết định, thông điệp lớn, chính Ngài cũng có những cử chỉ ‘nhỏ’ nhưng đánh động lòng người và mang ý nghĩa lớn.
Chẳng hạn, ‘ông già vui vẻ’ – một trong những tên mà người ta gán cho Ngài một phần vì vị Giáo hoàng lớn tuổi này có khuôn mặt rất phúc hậu, luôn vui vẻ, tươi cười – đã nhiều lần rời Vatican để đi thăm tù nhân, bệnh nhân, trẻ mồ côi tại các nhà tù, bệnh viện và cô nhi viện ở Roma.
Khi thăm nhà tù Ara Colei vào tháng 12 năm 1958, Ngài đã nhắc nhở mọi người phải biết ‘luôn luôn tôn trọng phẩm cách của người sống xung quanh mình, từ kẻ cao sang nhất đến người hèn mọn nhất’.
Vì lòng nhân hậu ấy, Ngài còn được gọi là ‘Giáo hoàng tốt lành’.
Gioan Phaolô II: Đến với mọi người
Giáo hoàng Gioan Phaolô à người có vai trò lớn trong việc làm sụp đổ chế độ cộng sản ở Ba Lan
Trong số những nghị phụ tham dự Công đồng Vatican II và góp phần quan trọng trong việc soạn thảo ‘Tuyên ngôn về tự do tôn giáo’ và Hiến chế mục vụ ‘Vui mừng và Hy vọng’ – hai trong những văn bản quan trọng nhất của Công đồng – có một vị Giám mục rất trẻ đến từ một quốc gia cộng sản.
Đó là Karol Jozef Wojtyla, Tổng Giám mục Krakow, Balan, và Giáo hoàng tương lai Gioan Phaolô II.
Được bầu làm Giáo hoàng ngày 16/10/1978 – khi Ngài mới 50 tuổi, Đức Gioan Phaolo II là vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo đầu tiên không phải là người Ý trong gần 500 năm.
Nếu Đức Giáo hoàng Gioan XXIII là người ‘mở cửa’ Giáo hội và khuyến khích con cái mình đến với mọi người, với thế giới thì có thể nói Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II là người sống trọn vẹn lời mời gọi đó.
Trong gần 27 năm trên ngôi vị Giáo hoàng, với 104 chuyến tông du ngoài nước ý và đặt đến 129 quốc gia khác, lãnh thổ khác nhau, Ngài đã không ngại mệt mỏi đi ‘đến tận cùng bờ cõi trái đất’ – như Đức Giáo hoàng Benedictô XVI nói trong lễ phong chân phước cho Ngài cách đây bốn năm.
Trong những quốc gia Ngài thăm viếng, có nhiều quốc gia xa xôi, nghèo đói ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ, hoặc chưa bao giờ có một Giáo hoàng đặt chân đến hay quốc gia cộng sản như Cuba.
Qua những chuyến đi như vậy, Ngài gặp gỡ hàng triệu người thuộc mọi thành phần, địa vị khác nhau thuộc mọi tôn giáo, chính kiến và nền văn hóa khác nhau.
Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đi đến rất nhiều nơi trên thế giới
Đi đến đâu Ngài cũng được người dân vui mừng đón tiếp vì Ngài yêu quý họ, thông hiểu, tôn trọng và đón nhận các phong tục, nghi thức văn hóa, truyền thống của họ. Khi đặt chân xuống bất cứ quốc gia nào, việc đầu tiên Ngài làm là quỳ xuống hôn đất để bày tỏ sự quý mến của Ngài đối với đất nước đó.
Ngoài việc thăm viếng, nâng đỡ con cái mình, trong những chuyến đi đó, Ngài luôn luôn nhấn mạnh sự hòa giải, đối thoại, tình huynh đệ, bác ái, kêu gọi hòa bình, lên tiếng bảo vệ những người bị bắt bớ, bỏ rơi, bất hạnh, lên án chiến tranh và các hình thức phân biệt đối xử, bóc lột, bất công khác.
Đặc biệt, đến từ một quốc gia cộng sản và chứng kiến cảnh người dân của mình – trong đó hầu hết là người Công giáo – mất quyền tự do, bị chế độ toàn trị đàn áp, Ngài quyết liệt phản đối các chế độ cộng sản, độc tài, toàn trị.
Ngài được coi là người đóng vai trò quan trọng trong việc làm sụp đổ chế độ cộng sản ở Ba Lan và các nước Đông Âu vì chính sự cổ võ, nâng đỡ tinh thần của Ngài người dân Ba Lan đã mạnh dạn đứng lên chống lại bất công, bạo quyền.
Đây cũng là điều nổi bật nơi Ngài. Ngài có thể truyền cảm cho bất cứ ai Ngài gặp. Các kỳ Đại hội Giới trẻ Thế giới – do Ngài khởi xướng năm 1985 và sau đó được tổ chức tại nhiều thành phố khác trên thế giới hai hoặc ba năm một lần – luôn quy tụ hàng triệu bạn trẻ đến từ khắp năm châu.
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô cũng là một con người rất khiêm tốn. Ngài đã đích thân đến nhà tù để thăm Ali Agca – người đã ám sát mình. Ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên công khai xin lỗi về những lỗi lầm của Giáo hội trong quá khứ.
Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng từng gặp lãnh tụ Cuba Fidel Castro
Nhưng trên hết, đối với người Công giáo, Ngài là một người có một niềm tin sắt đá. Tất cả mọi hành động của Ngài đều quy hướng về – và bắt nguồn từ – một người. Đó là Đức Kitô.
Câu nói đầu tiên của Ngài trên cương vị giáo hoàng – và cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các thông điệp khác của Ngài là ‘Đừng sợ! Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô’. Chính Ngài luôn sống và cũng luôn mời mọi người sống tinh thần ấy.
Vì không ‘sợ’, Ngài đã đến với tất cả mọi người – trong đó có nhiều người bé mọn, yếu thế và những người có thái độ thù ghét đối với mình – và đã làm tất cả để xây dựng một thế giới huynh đệ, bác ái, liên đới.
Cũng vì điều đó Tạp chí Time đã bầu chọn Ngài là một trong bốn nhân vật có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ XX và XXI. Lễ an táng của Ngài cách đây 9 năm đã có hàng trăm lãnh đạo, đại diện của các quốc gia, tổ chức quốc tế và tôn giáo tham dự.
Chắc nhiều người vẫn còn nhớ hình ảnh Ngài nằm trong quan tài bằng gỗ (cây bách – biểu tượng của sự bất tử) mộc mạc – không sơn phết, không chạm trổ – và được đặt trơ trọi trên thảm (không vòng hoa) phía bên ngoài của Quảng trường Thánh Phêrô ngày hôm đó.
Ít hay nhiều hình ảnh đó nói lên được lòng khiêm tốn, đơn sơ, hy sinh và niềm tin tưởng, phó thác tuyệt đối của Ngài. Và vì nhờ những điều đó, Ngài được tưởng nhớ, tôn vinh.
Bằng chính việc phong thánh ngày hôm nay, Giáo hội muốn ghi nhận, tôn vinh những công đức của Ngài và Đức Gioan XXIII và khuyến khích con cái mình noi gương các Ngài.
Quan tâm đến Việt Nam
Hai vị Giáo hoàng được phong Thánh có nhiều công sức trong việc xây dựng Giáo hội ở Việt Nam
Đức cố Giáo hoàng Gioan và Gioan Phaolô cũng rất quan tâm đến Việt Nam và người Công giáo Việt Nam nói riêng.
Đức Gioan XXIII đã cử Ðức Hồng y Gregorio Pietro Agagianian làm đặc sứ đến Việt Nam tham dự Đại Hội Thánh Mẫu được tổ chức vào tháng 2 năm 1959 tại Sài Gòn.
Hơn một năm sau đó, vào ngày 24/11/1960, qua Tông sắc Venerabilium Nostrorum, Ngài đã quyết định thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam và thiết lập 3 Giáo tỉnh mới ở ba miền Bắc, Trung, Nam, với ba Tòa tổng Giám Mục là Hà Nội, Huế và Sàigon.
Riêng Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II, Ngài có một tình cảm sâu đậm đối với Việt Nam và mối liên hệ rất gần gũi với Giáo hội Việt Nam.
Lúc Ngài đăng quang giáo hoàng cũng là lúc có nhiều người Việt bỏ nước ra đi. Ngài đã mạnh mẽ lên tiếng kêu gọi thế giới cứu giúp người Việt tỵ nạn.
Chỉ sau ít năm trên ngôi vị giáo hoàng, Ngài đã bổ nhiệm Đức ônng Vincent Trần Ngọc Thụ làm thư ký riêng cho Ngài.
Ngày 19/06/1988, trước sự hiện diện đông đảo của các tín hữu khắp năm châu – trong đó có rất nhiều người Việt đến từ Mỹ và các nước trên thế giới – Ngài đã tôn phong 117 anh hùng tử đạo lên hàng hiển thánh.
Trong bài giảng tại đại lễ phong thánh ấy, Ngài đã ‘gửi lời chào thân ái tới toàn thể dân tộc Việt Nam và nói cả Giáo Hội hoàn vũ hết lòng cầu chúc cho dân tộc Việt Nam được muôn phần an lành’.
Khi Đức Tổng Giám mục Phanxicô Nguyễn Văn Thuận ra tù và rời Việt Nam, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đưa Đức Tổng Thuận về Vatican và trao cho Đức Tổng nắm giữ một ví trị quan trọng, rất ý nghĩa tại một bộ có nhiều ảnh hưởng ở giáo triều. Đó là Phó – và sau đó – Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh Công lý và Hòa bình.
Chưa hết, vào tuần tĩnh tâm Mùa Chay năm 2000 – cũng là Năm Thánh của Giáo hội – Ngài mời Đức Tổng Thuận giảng tĩnh tâm cho Ngài và giáo triều.
Hồng y Nguyễn Văn Thuận được Giáo hoàng Gioan Phaolô II đưa về Vatican
Ngài dành cho Đức Tổng Thuận sự ưu ái đó một phần vì muốn bày tỏ sự kính trọng đối với Đức Tổng Thuận một phần vì muốn nói lên tình cảm của mình đối với Việt Nam.
Được biết, khi Đức Tổng Thuận bước lên để nhận mũ và nhẫn Hồng y, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô đã hai lần thốt lên: ‘Việt Nam!’ ‘Việt Nam!’.
Trong thánh lễ an táng Đức Hồng y Thuận, Ngài đã nói: ‘Tôi nghĩ đến Giáo Hội Việt Nam yêu qúy, nơi Đức Hồng y đã sinh ra trong đức tin và tôi cũng nghĩ đến toàn thể dân tộc Việt Nam mà Đức Hồng Y đáng kính đã công khai nhắc đến trong chúc thư thiêng liêng và khẳng định tấm lòng luôn luôn yêu mến’.
Một quyết định khác của Ngài làm nhiều người bất ngờ – và cũng được coi là một cử chỉ ưu ái Ngài dành cho Việt Nam – là việc Ngài phong Hồng y cho Đức Tổng Giám mục Giáo phận Sài gòn Phạm Minh Mẫn năm 2003.
Việc nâng Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn thành Tòa Hồng y làm ngay cả Đức Hồng y Mẫn ngạc nhiên vì so với các quốc gia châu Á khác như Nam Hàn hay Philippines, Việt Nam vẫn ít người Công giáo hơn hay tỷ lệ người Công giáo thấp hơn.
Chính vì tình cảm sâu nặng ấy đối với dân tộc, đất nước Việt Nam, được biết Ngài đã nhiều lần bày tỏ ước muốn được đến Việt Nam. Nhưng ước nguyện đó không bao giờ trở thành hiện thực đối với Ngài.
Trong khi đó Ngài đã được mời tới thăm một số nước trong vùng như Philippines (1981, 1995), Nhật (1981), Thái Lan (1984), Nam Hàn (1984, 1989) Singapore (1986), Indonesia (1989).
Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, một trí thức Công giáo đang sinh sống và làm việc tại Anh quốc.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2014/04/140427_canonised_popes_contribuitions.shtml
Quý anh chị em thân mến,
Chúa Nhật 27 tháng Tư sắp tới là lễ phong Thánh cho hai vị Giáo hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II.
Đây là dịp mọi người trên thế giới cùng vui mừng vì 2 Đức Giáo Hoàng không chỉ là vĩ nhân trong đạo Thiên Chúa nhưng đã đóng góp rất nhiều trong các vấn đề khác ngoài xã hội.
Riêng Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô 2 cũng là một nhà thơ, cuốn sách Thơ của ngài đã được dịch sang tiếng Việt, 60 bài nhạc phổ từ thơ Đức Giáo Hoàng cũng được thực hiện.
Xin gởi Link gồm 28 tác phầm, khi thực hiện thêm sẽ gởi thêm:
Hoặc vào trang Saigonecho.com:
Ngoài ra cũng xin đặc biệt giới thiệu các câu nói hay của ĐGH Gioan Phaolô II, với nhạc nền do chính ngài hát khi ngài còn là Hồng Y:
Nếu muốn tải nhạc MP3 để nghe trong xe xin bấm vào link dưới đây:
Một trang mạng đă được thiết lập:
bằng 5 thứ tiếng: Ý, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Ba Lan để theo dõi những gì liên quan tới lễ phong Thánh cho hai vị Giáo Hoàng
Ngoài ra Đại lễ phong Thánh cũng sẽ được trực tiếp truyền hình và dịch sang tiếng Việt:
Giới thiệu trang Youtube Thi Nhạc Giao Duyên
Các ca khúc phổ từ thơ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II - Nguyễn Ngọc Duy Hân
Khi một thi sĩ sáng tác, người ta sẽ khen hay nếu bài thơ ấy có nhịp điệu du dương, lúc trầm lúc bổng nghe như cung điệu của một bài hát. Cũng vậy, nếu người nhạc sĩ viết ca khúc mà lời nhạc lại có vần, mang theo âm hưởng của thơ, bài hát ấy sẽ tăng thêm giá trị. Riêng ở đây, trong chủ đề Thi Nhạc Giao Duyên, khi các bài thơ của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II được phổ thành nhạc, chúng ta sẽ không thấy ranh giới giữa thơ và nhạc nữa, mà tất cả đã hòa nhập, đã kết hợp với nhau bằng cung điệu yêu thương duy nhất để trở thành những tác phẩm tuyệt vời, vượt lên trên giới hạn thường tình của âm nhạc.
Thật thế, trong tâm tình tạ ơn qua việc Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II được Giáo Hội tôn phong lên bậc Hiển Thánh ngày 27 tháng 4, năm 2014, tuyển tập gồm 25 bài thơ của Ngài đã được chuyển dịch sang Việt Ngữ, rồi từ đó các nhạc sĩ cùng nhau đem cung điệu vào để những vần thơ này chắp cánh, tiếng hát vang xa cùng tâm tình hòa nhịp. Chúng tôi thật vui mừng và xúc động khi thấy ý thơ của Đức Thánh Giáo Hoàng được rộng rãi phổ biến, để mọi người có thể hiểu thêm về tâm tư và con người cao cả của Ngài qua thi ca, một khía cạnh đặc biệt của vị Thánh Nhân này.
Khi được đề nghị viết một chút trong phần Thi Nhạc Giao Duyên, tôi đã trả lời "không dám" ngay lập tức, vì thấy mình không xứng đáng để viết về một con người quá vĩ đại. Nhưng sau mấy ngày tôi đã nghĩ lại: Tôi quả không dám viết về Ngài, nhưng tôi sẽ dùng cơ hội này để bày tỏ chút tâm tình như một đứa con bé nhỏ biểu lộ tình cảm với người Cha chung thân yêu. Đức Thánh Cha thương yêu tất cả chúng ta, trong đó có tôi nữa, vậy thì sao tôi lại sợ, không dám tỏ lộ lòng cảm mến và kính phục Ngài?
Xin mời bạn cùng tôi nghe qua "Youtube Playlist" gồm các ca khúc đã được phổ từ thơ của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II. Mời bạn cài trong tim đóa "Hoa Trắng", thả hồn về "Giếng Nước Đầu Làng", rồi cùng Ngài thổn thức gọi "Mamo - Mẹ ơi!". Mời bạn cùng dâng lời “Kinh Nguyện” trong “Mùa Xuân” khi ruộng đồng còn thơm “Mùa Lúa Mới” rồi xác tín sẽ "Theo Ngài" ... Cuộc đời Đức Thánh Giáo Hoàng đã trải qua nhiều khó khăn thử thách. Cuộc sống chúng ta cũng đầy dẫy những gian truân. Vậy chúng ta hãy ngồi yên lặng, cùng thả hồn theo cung nhạc với sự đồng cảm yêu thương, bạn nhé!
Dịch giả và các nhạc sĩ đã cố gắng để Việt hóa bối cảnh của những bài thơ mà Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II sáng tác. Hầu hết các nhạc khúc đều phảng phất âm điệu quê hương với các tiết điệu đầy sáng tạo, mà qua đó hồn mình sẽ bay bổng về tận Ba Lan nơi Đức Giáo Hoàng sinh ra, một đất nước đã từng chịu ách thống trị của Cộng Sản vô thần và nghèo khổ không khác gì quê hương Việt Nam của chúng ta.
Khi được may mắn thưởng thức các tác phẩm này, tôi vô vàn xúc động và xin dâng lời cảm tạ Đức Thánh Giáo Hoàng đã ưu ái hé lộ tâm hồn Ngài và để lại cho đàn con cái mà Ngài hết lòng thương yêu bao vần thơ tuyệt đẹp với những triết lý thanh cao. Tôi xin cảm ơn người dịch đã đem cả tấm lòng ra trau chuốt từng câu, từng chữ để bản dịch Việt ngữ được tuyệt hảo qua các thể thơ phổ biến như lục bát, song thất lục bát, ngũ ngôn, thơ mới ...
Tôi chân thành biết ơn các nhạc sĩ đã đem thơ trải ra thành cung điệu. Từng nốt nhạc trầm bổng, từng chuỗi âm giai ngọt ngào đã làm ánh hoàng hôn bên bờ giếng thêm tha thiết hơn, để ta có thể ngồi soi bóng nước tìm lại những hình ảnh thân yêu của ngày nào. Tôi xin cảm ơn những vị làm hòa âm và các ca sĩ đã đem hết tâm tình mà diễn đạt ý thơ lời nhạc. Tôi rất cám ơn các nhiếp ảnh gia đã góp phần của mình để minh họa cho bài hát bằng những hình ảnh rất gần gũi với tâm hồn Việt Nam. Cũng xin ghi ơn các phương tiện khoa học kỹ thuật cùng những người sáng tạo ra chúng, đã giúp cho việc phổ biến các ca khúc này đến khắp mọi nơi thật nhanh chóng. Cảm ơn một vườn hoa với muôn sắc màu mà chúng ta được hân hạnh thưởng lãm. Có những bài thơ được nhiều nhạc sĩ khác nhau cùng phổ nhạc. Tuy mỗi người mỗi đường nét, mỗi âm điệu khác nhau nhưng rồi cuối cùng vẫn hòa nhập vào giai điệu chung của tiếng lòng yêu thương huyền diệu.
Nhờ được nghe qua các tác phẩm này, tôi càng thêm lòng kính yêu Đức Thánh Giáo Hoàng
Gioan-Phaolô II hơn, và vẫn nhớ câu nói như một gương sáng chói ngời lòng yêu nước của Ngài: “Nếu Liên Xô tiến quân xâm lấn Ba Lan, tôi sẽ cởi áo Giáo Hoàng trở về chiến đấu bảo vệ quê hương tôi”. Nhờ câu tuyên bố dũng cảm này của Ngài, Léonid Brezhnev, tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô kiêm chủ tịch Xô viết Tối cao, đành từ bỏ ý định xâm lăng Ba Lan. Tôi biết mình bé nhỏ yếu đuối, nhưng vẫn mong mình có được chút can đảm để theo gương Ngài, biết hy sinh bản thân để luôn mạnh mẽ lên tiếng cho quê hương, cho đồng bào của mình. Nguyện xin Chúa ban thêm sức mạnh để tôi có thể sẵn sàng mở mắt trực diện với sự ác, cũng như luôn biết mỉm cười, hăng hái xắn tay áo nhảy vào công việc thiện. Tôi cũng ước mong nhờ lời bầu cử của Đức Thánh Giáo Hoàng, Chúa sẽ cho tôi biết mặc vào người chiếc áo cảm thông, biết bỏ qua các tị hiềm ích kỷ để góp phần vào việc chung. Tôi hiểu mình còn nhiều bổn phận với bản thân, gia đình và với đất nước nữa ...
Gioan-Phaolô II hơn, và vẫn nhớ câu nói như một gương sáng chói ngời lòng yêu nước của Ngài: “Nếu Liên Xô tiến quân xâm lấn Ba Lan, tôi sẽ cởi áo Giáo Hoàng trở về chiến đấu bảo vệ quê hương tôi”. Nhờ câu tuyên bố dũng cảm này của Ngài, Léonid Brezhnev, tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô kiêm chủ tịch Xô viết Tối cao, đành từ bỏ ý định xâm lăng Ba Lan. Tôi biết mình bé nhỏ yếu đuối, nhưng vẫn mong mình có được chút can đảm để theo gương Ngài, biết hy sinh bản thân để luôn mạnh mẽ lên tiếng cho quê hương, cho đồng bào của mình. Nguyện xin Chúa ban thêm sức mạnh để tôi có thể sẵn sàng mở mắt trực diện với sự ác, cũng như luôn biết mỉm cười, hăng hái xắn tay áo nhảy vào công việc thiện. Tôi cũng ước mong nhờ lời bầu cử của Đức Thánh Giáo Hoàng, Chúa sẽ cho tôi biết mặc vào người chiếc áo cảm thông, biết bỏ qua các tị hiềm ích kỷ để góp phần vào việc chung. Tôi hiểu mình còn nhiều bổn phận với bản thân, gia đình và với đất nước nữa ...
Cuối cùng, tôi chân thành tin tưởng rằng những tác phẩm chuyên chở niềm yêu thương của Đức Thánh Giáo Hoàng và các con cái của Ngài từ khắp nơi sẽ cùng nhau lan tỏa đi muôn phương, sẽ đến tận chân trời góc biển, sẽ về tới nơi thôn làng hẻo lánh xa xôi, sẽ vào tận những nơi hang cùng ngõ hẹp để đem tin yêu và hy vọng đến cho mọi người, cách riêng cho các con dân nước Việt đang mòn mỏi trông chờ ngày thanh bình và tự do thật sự.
Xin mời ghé thăm trang:
để nghe nhạc và xem hình ảnh Youtube Playlist Thánh Nhạc đặc biệt này. Các bạn có thể để máy chiếu tự động từ bài đầu đến bài cuối, hoặc có thể chọn nghe từng bài theo tựa đề. Nếu bấm vào không xem được nhạc, xin copy hàng chữ trên đây và dán vào trang internet, sẽ xem được các bài hát phổ nhạc. Ngoài ra xin theo đường dây «link» dưới đây để nghe nhạc thâu MP3, không có hình ảnh :
Chúc bạn tràn đầy niềm tin yêu để cùng nhau cất cao lời cảm tạ tri ân Thiên Chúa trong dịp phong Thánh trọng đại này.
Nguyễn Ngọc Duy Hân (Canada)