Sunday 27 April 2014

Uyên Hạnh – GIỌT NƯỚC MẮT CHO QUÊ HƯƠNG

Chuyển mời đọc, một bài viết của một bạn hiền liên hệ đến giới trẻ thế hệ 2,  về ngày 30 tháng 4, 1975.

"...Tháng 4 là tháng đưa tư tưởng chúng ta trở về những ngày của Sài Gòn năm xưa, vì không làm sao quên được nỗi đau xé lòng của 39 năm về trước. 30 tháng 4, ngày chúng ta gạt nước mắt bỏ xứ ra đi. Bước chân ra đi mà tim gan cơ hồ tan nát! Ngày 30 tháng 4 mỗi năm có trên 3 triệu người Việt lưu vong đồng rơi nuớc mắt. Giọt nước mắt khóc cho mình và cho quê hương. Nguyện cầucho Tổ quốc Việt Nam sớm thóat khỏi cảnh đoạ đày cho những giọt nước mắt thôi rơi và nụ cười lại nở trên môi mọi người bên bát cơm trắng trên đất nước có thanh bình no ấm."

Uyên Hạnh – GIỌT NƯỚC MẮT CHO QUÊ HƯƠNG
26.04.2014 
30thang4quankhantang

Bây giờ là mùa Lễ Phục Sinh. Trong dịp nghỉ lễ nầy nhiều người lấy thêm ngày nghỉ thường niên và nghỉ bắc cầu bằng một tuần trước hay một tuần ngay sau đó. Với thời gian nghỉ lễ dài như thế nhiều người đưa gia đình đi du lịch hoặc về sống thảnh thơi trong một ngôi nhà nghỉ mát ở vùng quê.

Nhà nghỉ mát ở Đan Mạch thường nằm gần biển. Một thú nghỉ mát không những gây ham thích cho người dân thành thị, mà còn có sức thu hút rất lớn đối với người dân nước láng giềng là Đức quốc,  một xứ giàu mạnh đông dân và thiếu biển xanh. Đức là xứ sở của rừng cây và núi đồi, có sông hồ và được coi như ”không có biển”. Đức có miền Bắc giáp giới Đan Mạch ở ba tỉnh Bremen, Kiel, Rostock, là những nơi giáp Biển Bắc (North Sea) và Biển Baltic. Đi sâu vào xứ Đức chỉ có rừng và thông. Đức được vây bọc bởi các nước Ba Lan, Tiệp Khắc, Áo, Thụy sĩ, Pháp, Lục Xâm Bảo, Bỉ và Hòa Lan.

Đan Mạch là một vương quốc với ba đảo lớn và nhiều đảo nhỏ. Đan Mạch có biển khơi vây bọc, có thiên nhiên xanh và đồng cỏ rộng. Những đồng lúa thắm tươi, những cánh đồng hoa vàng rực rỡ sản xuất mù tạt. Rừng thông xanh bên những cánh đồng hoa ngàn tuyệt đẹp và đại dương xanh ngát là những nơi dễ gặp tại xứ sở nầy. Mùa nầy về nghỉ dưỡng sức ở vùng quê là một trong những lôi cuốn mà người dân thành thị dễ dàng chọn lấy, để tạm thời xa cảnh ồn ào và cuộc sống vội vả tất bật đầy ô nhiễm, hưởng sự thỏai mái thanh nhàn của làn không khí trong lành tại những vùng đất nằm cạnh biển cả mênh mông.

Thú vui của những buổi nướng thịt trong vườn nhà dưới bầu trời xanh

Năm nào cũng thế, cứ đến mùa Phục Sinh là nắng lại trở về sưởi ấm lòai người, vạn vật cỏ cây. Hoa đã bắt đầu kết nụ, lá đã nhú lên những mầm xanh mơn mởn. Những cành khô trơ lá, những thân cây tưởng như đã chết bỗng hiện lên màu xanh của sự sống. Cảnh vật chuyển mình bước vào mùa hạ. Mùa đông của những tháng ngày lạnh giá đã rủ áo giã từ.

Những ngày cuối tuần kể từ tháng nầy không còn là những buổi tụ họp quây quần trong phòng khách hay trong phòng ăn, thay vào đó là những buổi nướng thịt ngòai sân, ngòai vườn. Trong dịp nghỉ Lễ Phục Sinh, các tiểu gia đình chúng tôi tụ hội lại và ăn uống vui đùa. Hôm đó là ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Lễ Phục Sinh. Trong khi đang nói chuyện với nhau rộn ràng như pháo nổ, tình cờ một đứa em nhắc đến ngày 30/4 sắp đến. Những người lớn bỗng đồng lọat im bặt, xót xa và thở dài! Làm sao quên được. Không bao giờ quên được ngày 30/4 của 34 năm về trước.

Kể cho nhau nghe ngày bỏ nuớc ra đi

Bọn trẻ trong gia đình, thế hệ thứ ba ngẩn ngơ nhìn thấy tất cả người lớn quanh bàn tiệc đột nhiên bị xúc động mạnh. Bình thường tụi trẻ ưa nói ưa hỏi, nhưng vẻ khẩn trương và đau buồn của chúng tôi đã làm chúng im lặng và nín thở chờ đợi. Cúi đầu thở một hơi thật mạnh, em tôi ngước mắt lên, nhìn thẳng vào bọn trẻ và bắt đầu nói cho nghe lý do vì sao chúng tôi bỗng im lặng trong tiếng thở dài đồng lọat. Chờ cơn xúc động đã dịu xuống, em tôi chậm rãi lên tiếng: ”Ngày 30 tháng 4 năm 1975 cả gia đình mình gồm 18 người đã bỏ nước ra đi. Ngày đó…” Bằng ánh mắt buồn rười rượi em bắt đầu kể những gì em đã cùng gia đình trải qua, trong ngày đen tối nhất của đất nước.

Em kể cho nghe, sáng 30 tháng 4 năm đó, em chỉ là một câu con trai 15 tuổi, đã phải bương bả cùng gia đình kiếm cách vượt thóat khỏi Việt Nam, trên chiếc xe hơi chất đầy người chạy loanh quanh trong thành phố Sài Gòn, giữa cơn hỏang hốt, khi được tin Sài Gòn thất thủ, quân đội Bắc Việt đang tiến vào thành phố Sài Gòn, và binh lính Việt Nam Cộng Hòa đã bỏ súng. Những đọan đường trong thành phố, có nhiều đọan đã bị chận lại, phải kiếm cách vòng qua đường khác mà đi. Cứ hướng mũi xe phóng ra cảng Sài Gòn, nhắm đến hướng Kho Năm mà chạy. Cuối cùng cũng đến được Kho Năm ở Khánh Hội, và xuống được Tàu Trường Xuân trong giờ phút chót để thóat ra khơi. Làm thuyền nhân lưu lạc mấy ngày trời trên biển cả, đem theo sự sợ hãi tuyệt vọng và đớn đau, vì đã bỏ tất cả mà đi và ra đi trong cơn khủng hỏang tuyệt vọng với một cõi lòng tan nát.

1975TruongXuan

Chuyến đi sống chết

Thực là một may mắn lớn khi được theo tàu Trường Xuân thóat đi. Trước đó, trong cơn hỗn lọan mọi người sau khi ra được Kho Năm chỉ có một niềm hy vọng độc nhất là có tàu để nhảy xuống đi, tuy rằng không biết đi đâu, miễn là thóat khỏi Việt Nam. Vừa đến Kho Năm, gia đình chúng tôi theo luồng sóng người ào xuống một chiếc tàu neo tại cảng. Nghe tiếng máy nổ, mọi người đinh ninh sẽ được thóat đi. Chờ mãi không thấy thuyền trưởng và thủy thủ đòan, vài người hô hóan lên phải ra ngay khỏi đây để tìm tàu khác, vì nghe nói rằng, chiếc tàu nầy chỉ nổ máy để đánh lạc hướng mọi người. Để không ai nghĩ đến việc nhảy xuống một con tàu đang im lìm đậu cách đó không xa, là chiếc tàu phải mua chỗ trước với một chi phí đã được ấn định. Hỏang hốt sợ hãi mọi người cũng như gia đình chúng tôi nhảy ra khỏi chiếc tàu đó. Đang ngơ ngác lo lắng thì nghe có người chỉ vào Tàu Trường Xuân đang đậu trên cảng và hét lớn cho nhau nghe hãy lên ngay Trường Xuân để thóat khỏi Việt Nam. Trường Xuân nhận cho lên tất cả người muốn vượt biển mà không phải trả tiền. Tuy khá vất vả chúng tôi cũng leo được lên tàu Trường Xuân. Tàu đông nghịt người và từ từ tách bến ra khơi, đi vào một hành trình đầy gian nan trắc trở trên biển cả mênh mông. Trước khi ra được vùng biển quốc tế con tàu Trường Xuân đen nghịt người đã phải trải qua những giây phút hồi hộp kinh hòang của những lúc sự sống và cái chết cận kề nhau trong gang tấc. Nhưng rồi may mắn theo vận mạng đưa đẩy, gần bốn ngàn người trên con tàu Trường Xuân cập bến Hồng Kông.
Kể đến đây em tôi ngừng lại. Bọn trẻ im lặng trố mắt nhìn mong đợi. 

Trong bầu không khí đầy xúc cảm chiều hôm đó, con trai út của tôi lên tiếng: “Nhà mình nợ tụi con!”.  Mọi người quay đầu nhìn nó với ánh mắt dò hỏi. Qua giọt nước mắt lóng lánh còn nằm trong khóe mắt chưa rơi xuống, nó nghiêm nghị bảo: “Mình hãy ngồi lại với nhau nhiều lần nữa, để tất cả mọi người trong gia đình lần lượt kể cho chúng con nghe, những gì thế hệ cha mẹ, chú, bác đã trải qua, cho chúng con được biết nhiều hơn về gia đình mình, để…”. Mọi người gật đầu tán thành ý kiến của cậu thanh niên thế hệ thứ ba nầy. Thực sự trước đây chúng tôi cũng đã nói cho các con nghe, nhưng không nói rõ như trong buổi nói chuyện ngày hôm đó. Có thể vì còn nhỏ, các con tôi chỉ nghe qua chứ không đi sâu vào câu chuyện, vì chưa có những xúc động mạnh và lòng tò mò muốn biết nhiều hơn.

Ý nghĩa chuyến đi với thế hệ thứ ba của Trường Xuân

Con trai tôi nói tiếp: “Những khó khăn của cuộc sống, những tranh đấu để vượt thóat để vươn lên, là những bài học qúy giá cho chúng con. Từ những trải nghiệm của gia đình mình, tụi con sẽ học được tính kiên nhẫn, biết qúy trọng người khác, biết dẹp bỏ bớt ích kỷ. Thật sự tụi con được sinh ra và lớn lên tại đây, nên dù có được sự giáo dục của gia đình người Việt vẫn ảnh hưởng nếp sống và văn hóa Tây phương. Nghĩa là dễ bất bình, không muốn dùng nhiều thì giờ để nghe để hiểu để học chữ cảm thông. Đó là những gì mà con, nhờ nghe câu chuyện rõ ràng hôm nay, đã rất cảm động và học hỏi được. Sau câu chuyện hôm nay, con thấy gần gũi với gia đình mình nhiều hơn, con thấy thân với các chú hơn. Từ trước đến giờ, con đã nghĩ nhiều về mình hơn là cho người khác. Con chưa gặp vị thuyền trưởng tàu Trường Xuân, nhưng nghe kể về ông con đã cảm phục. Sống ở một xã hội hòa bình tự do đầy đủ như xã hội Đan Mạch, làm sao tụi con biết được cái khổ của gia đình to lớn như thế và sự can đảm trong một tấm lòng nhân hậu như của Thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy”.

Đêm đã khá khuya, lại là ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Lễ Phục Sinh. Ngày mai phải dậy sớm đi làm đi học, nên dù lòng rất muốn, chúng tôi cũng phải chia tay, hẹn sẽ gặp nhau vào cuối tuần sau. Không cần phải hỏi đến, con trai tôi xung phong làm người liên lạc để tổ chức cuộc họp mặt vào cuối tuần tới. Tôi nhận nhiệm vụ lo thức ăn cho ngày đó. Vợ chồng người chú lo nước uống và cà phê bánh ngọt. Chúng tôi vui vẻ chia tay nhau. Trên đường về con trai tôi rối rít: “Mẹ ơi, hôm nay vui và xúc động quá. Mong mau đến tuần sau cả gia đình mình tụ họp lại kể thêm chuyện cho tụi con nghe”.

Ngồi viết những dòng nầy, tôi nhớ lại lời con tôi đã nói với các anh em trong buổi họp mặt của gia đình ngày đó: “Hãy kể cho tụi con nghe để biết những gì gia đình mình đã trải qua. Cho chúng con cơ hội học làm người”. Học làm người là học để hiểu, để thương, để tôn trọng người khác và để tôn trọng chính mình. Cũng là học để tri ân đất nước Đan Mạch đã nhân đạo trong hành động cứu vớt gần bốn ngàn thuyền nhân của Trường Xuân trên biển cả một ngày nào, trong giờ phút Trường Xuân sắp chìm xuống Biển Đông vì thuyền bị  nước ào vào ồ ạt. Clara Mærsk của Đan Mạch dưới sự chỉ huy của Thuyền trưởng Anton Martin Olsen xuất hiện như một thiên thần cứu rỗi.

Hồng Kông, Đan Mạch và thành đạt cùng niềm hãnh diện của thế hệ thứ ba Tàu Trường Xuân

Ngày gặp mặt tuần sau đó bị hủy bỏ vì tôi bị cúm nặng. Thời gian nầy ở Đan Mạch có quá nhiều người bị dịch cúm. Buổi nướng thịt ngòai trời không thực hiện được. Tụi trẻ có hơi buồn nhưng đã điện thọai cho nhau và hứa hẹn sẽ tìm một ngày thích hợp sắp đến để tụ họp ăn uống nói tiếp về chuyến đi vượt trùng dương đầy nguy hiểm. Những gian nan và khó khăn gặp phải trên Tàu Trường Xuân. Thời gian khi tàu Clara Mærsk tiếp cứu. Rồi thuyền nhân Trường Xuân được đưa sang chiếc tàu của họ. Cuộc sống của chúng tôi tại trại tị nạn ở Hồng Kông. Những sự kiện khác như việc định cư tại Đan Mạch. Thời gian đầu tiên học Tiếng Đan. Tập ăn thức ăn Đan Mạch. Tập ăn món bánh mì đen truyền thống của người Đan Mạch. Cho đến việc hội nhập vào xã hội sau khi học Tiếng Đan. Học chữ học nghề để bước chân vào thị trường làm việc. Hãnh diện với những đồng tiền mình kiếm được để nuôi gia đình con cái. Bắt đầu một cuộc sống trong không khí tự do, trong một xã hội nhân đạo, trọng sự sống của con người. Những việc đó chúng tôi dự định sẽ kể cho nhau vào những lần sắp đến khi gia đình họp mặt đông đủ trong háo hức trong tò mò của tụi trẻ muốn nghe và biết những gì thế hệ cha ông chúng đã trải qua.

Những câu chuyện kinh khiếp viết nên Trang sử Di Tản Của Người Việt Vượt Biển Đông

Lần hội họp với gia đình trong thời gian sắp đến, ngòai chương trình với những tiết mục nêu trên, chúng tôi, thế hệ thứ hai của Thuyền nhân Trường Xuân đã giao ước với nhau sẽ tìm và đọc cho các con các cháu nghe những mẩu chuyện kể của nhiều gia đình khác. Những câu chuyện gian khổ của những gia đình không may mắn, và lòng hy sinh vô bờ của người vợ người mẹ Việt Nam.

Tôi đã chọn cho tôi một câu chuyện rất thương tâm và dự định sẽ đọc cho các con các cháu nghe trong lần họp mặt sắp đến. Đó là câu chuyện “Đôi Mắt Phượng” của Y sĩ Trung úy Trần Quang. 

Một câu chuyện đã làm người đọc rùng mình rơi nước mắt! Nhất là cảnh 140 thuyền nhân đói khát sau 8 ngày lênh đênh trên biển cả, trôi dạt vào một hòn đảo hoang, và thời gian sau đó những người sống đã phải ăn thịt “sống” của người chết. Vì đói và vì họ đang ở trên một hòn đảo san hô cằn cỗi không có cây cành nhóm lửa nấu cho món “thịt người” nầy được chín. Người mẹ là Phượng trong câu chuyện, sau khi đứa con gái bé nhỏ đã chết và bị người khác cướp đi để ăn thịt, cô đã cắt trên từng ngón tay và cắt một đường trên đôi vú của mình để cho đứa con trai bú… máu của mình. Đứa bé trai nầy là kết quả của những tháng ngày khi chồng cô bị vào tù học tập cải tạo, chỉ vì ông đã là quân y sĩ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH), cô bị mấy thằng cán bộ cưỡng bức tình dục sau đó cô mang thai mà sinh ra nó. Cuối cùng khi có một ngư thuyền đi ngang cứu số thuyền nhân còn sống sót trên đảo hoang nầy thì người mẹ tên Phượng đã chết vì.mất nước hay mất máu. 

Trung úy Y sĩ Trần Quang và đứa bé trai sống sót. Đến năm 2004, người con trai sống sót nầy ở trên đất Mỹ đã trở thành một bác sĩ, bác sĩ Trần Phượng Vinh, 26 tuổi. Bác sĩ Trần Quang cha của cậu, đã hứa sau khi Vinh học xong Y khoa và ra trường, ông sẽ kể cho Vinh nghe câu chuyện thương tâm của cuộc đời vợ ông, là Phượng, mẹ của Vinh. Nghe xong câu chuyện kể vào ngày 30.4.2004, Vinh đã qùy xuống ôm chân cha nói rằng anh yêu cha và tỏ ý muốn gia nhập đòan thể  đấu tranh bảo vệ nhân quyền. Theo lời khuyên của cha, anh ở lại Mỹ để tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam. Rồi Bác sĩ Trần Phượng Vinh quyết định học ngành điện ảnh. Tốt nghiệp ngành điện ảnh, anh vừa là đạo diễn kiêm tài tử và thực hiện cuốn phim lấy tên “Đôi Mắt Phượng”. Trong vai Trung úy Quân y Sư đòan Nhẩy dù Trần Quang, anh kể về câu chuyện thương tâm của gia đình anh và sự hy sinh vô bờ của mẹ anh.

Cuốn phim nầy chỉ nói lên một phần nhỏ trong những gian nan vượt bực mà người lính QLVNCH phải gánh chịu. Nhưng nó là một trong những dữ kiện khai mở cho thế giới một cái nhìn để thấy được rõ hơn một thể chế đang cai trị nhân dân Việt Nam.

Quê hương Việt Nam triền miên trong nỗi đau vì bạo quyền Trung Quốc

Cuộc sống ở đâu cũng có những bận rộn thường nhật. Trong bận rộn đó người Việt lưu vong vẫn dành thì giờ theo dõi tình hình thế giới và đặc biệt những diễn tiến tại quê nhà. Những lần đọc tin tức biết được sự chà đạp nhân quyền lòng ai không quặn đau. Chúng ta cảm phục và cảm tạ sự can đảm của những người tranh đấu cho đồng bào đang lầm than cơ cực. Việt Nam hiện đang nằm trong một tương lai đầy nguy hiểm. Trung Cộng đã lấn chiếm đất đai tại các vùng giáp giới của Việt Nam là Ải Nam Quan, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bản Giốc. Mặc cho sự chống đối của dân chúng trong và ngòai nước, một ranh giới mới với Trung Quốc đã được phân chia, với gần 2.000 cột mốc trên biên giới mới Việt – Trung dài khoảng 1.400 km.

Trung Quốc còn cưỡng chiếm hai quần đảo Hòang Sa Trường Sa và cho nhập vào quận Tam Sa của Trung QuốcHiện thời  trong và ngòai nước người dân Việt đang lo lắng cho việc khai thác bô-xít ở vùng Tây Nguyên Việt Nam.

Việt Nam có là một Tây Tạng thứ hai của Trung Quốc không?

Kế hoạch khai thác 5,4 tỉ tấn quặng bô-xít nằm trong 6 dự án từ bây giờ cho tới năm 2015. Việc khai thác Bôxít được Việt Nam phê duyệt ngày 1/11.2007. Một chủ trương của bộ chính trị chỉ có 15 người, không có thảo luận trong Ban chấp hành trung ương đảng và không thông qua quyết định của Quốc hội. Việc khai thác bô-xít sẽ qua 3 giai đoạn:  2007-2010; 2011-2015; và 2015-2025. Giai đoạn đầu đã khai thác 13 mỏ, đang mở rộng tại hai tỉnh Lâm Đồng và Đak Nông trên một địa bàn rộng đến 1.811 km2, có trữ lượng lên đến 1,2 triệu tấn alumin, do hai đại công ty Chalco và Chalieco của Trung Quốc khai thác.

Theo tuyên bố của các nhà khoa học, chuyên ngành, nhà văn, nhà báo trong và ngoài nước thì đây là một việc làm  hoàn toàn bất hợp pháp, và là một sự tàn phá tận gốc Tây Nguyên, từ kinh tế, an ninh, đến văn minh, văn hoá.

Liên quan đến vụ khai thác bô-xít nầy Trung Quốc đã đưa vào mấy chục ngàn nhân công. Theo quan sát và nhận xét của người dân Việt là binh lính Trung Quốc trá hình. Người dân Việt yêu nước đau lòng lo sợ rằng kế họach khai thác bô-xít chỉ là một màn kịch để Trung Quốc đưa lính vào chiếm đóng vùng Cao nguyên Trung phần Việt Nam. Đến khi thời cơ chín mùi, Trung Quốc sẽ biến Việt Nam thành một Tây Tạng thứ hai.

Lời kết:

Tháng 4 là tháng đưa tư tưởng chúng ta trở về những ngày của Sài Gòn năm xưa, vì không làm sao quên được nỗi đau xé lòng của 39 năm về trước. 30 tháng 4, ngày chúng ta gạt nước mắt bỏ xứ ra đi. Bước chân ra đi mà tim gan cơ hồ tan nát! Ngày 30 tháng 4 mỗi năm có trên 3 triệu người Việt lưu vong đồng rơi nuớc mắt. Giọt nước mắt khóc cho mình và cho quê hương. Nguyện cầucho Tổ quốc Việt Nam sớm thóat khỏi cảnh đoạ đày cho những giọt nước mắt thôi rơi và nụ cười lại nở trên môi mọi người bên bát cơm trắng trên đất nước có thanh bình no ấm.

30 tháng 4, xin cùng cúi đầu trong một phút mặc niệm để nguyện cầu cho hơn 260 ngàn chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh cho đất nước và cho 58 ngàn người Mỹ đã tử trận tại Việt Nam. Những người đã chết cho tự do của người khác. Nguyện cầu cho những người đang đấu tranh cho một Việt Nam tự do dân chủ sớm đem lại được an bình và công lý cho dân Việt. Cám ơn Đan Mạch, cám ơn cuộc đời vẫn còn nhiều tình người và nghĩa cử đẹp. Cám ơn đời khi chúng ta vẫn còn có nhau.

Thuyền Nhân TRƯỜNG XUÂN