Vài ngày trước, tôi có ông bạn làm truyền thông đang sống ở Paris liên lạc hỏi tôi có biết chuyện Nhật Bản và Bắc Hàn vừa thỏa thuận nhau điều gì không, nếu biết thì nhờ tôi cho vài “đóng góp”. Lẽ dĩ nhiên là tôi biết, vì chuyện này suốt mấy ngày nay báo chí và truyền hình cứ nhắc đi nhắc lại “hà rầm”, các bình luận gia thời cuộc lại được dịp đăng đàn “thuyết pháp” lung tung, mỗi người một ý nhưng đều có chung một nhận định: “Kỳ này “cậu Ủn” Kim Chính Ân có vẻ khác với “tướng quân” Kim Chính Nhật nhiều”. Tôi ngập ngừng mãi và cuối cùng cũng nhận lời trả lời cho ông bạn.
Thú thật, bấy lâu nay tôi chả màng chuyện thế sự, cứ ngồi vào máy là nỗi buồn cứ thế mà tuôn ra khiến đầu óc tôi trống rỗng... Chuyện thằng hung khùng Trung Cộng hung hăng “giấc mơ đại hán”, thái độ dấm da dấm dớ, cù nhầy của đám lãnh đạo trong nước đã là một nguyên nhân khiến tôi.... chán chường. Tôi đọc và nghe khá nhiều, tôi suy nghĩ cũng nhiều nhưng vẫn chưa tìm cho riêng mình một giải pháp cho là tạm được. Bế tắc! Vì vậy, xin tạm rời xa chuyện quê hương đã “sinh” ra tôi trong “giây lát” để kể hầu quí vị chuyện đang nóng bỏng của đất nước đã “mở rộng vòng tay” dung dưỡng gia đình tôi và nhiều người Việt Nam khác. Chuyện gì thế? Chuyện mà anh bạn bên Pháp tôi muốn biết đó.
Đầu dây mối nhợ
Tháng 11/1987, cả thế giới bàng hoàng vì một máy bay của công ty Korean Airline nổ tung trên không khiến hàng trăm người thiệt mạng. Điều tra tới điều tra lui thì biết được thủ phạm chính là Bắc Hàn mà kẻ đặt bom là 1 nam, 1 nữ. Nam thì tự sát lúc bị phát hiện, còn nữ thì bị bắt khi chưa kịp “cắn răng” nhai nát viên thuốc độc kèm trong điếu thuốc hầu kết liễu cuộc đời. (*)
Kim Hiền Cơ – lúc bị bắt giải về Hàn Quốc
Kim Hiền Cơ là một thiếu nữ xinh đẹp, nhiều năng khiếu, được tuyển chọn làm điệp viên thi hành những điệp vụ đặc biệt. Trong nhiều năm, cô đã phải qua nhiều khóa huấn luyện rất gắt gao về mọi mặt. Phải “3 cùng”, cùng ăn, cùng ngủ, cùng sống trực tiếp với những “sensei” (cô giáo) chỉ đạo.
Taguchi Yaeko (hình thật) và hình vẽ lại theo lời kể của Kim Hiền Cơ.
Vì được tuyển chọn làm công tác liên quan đến Nhật nên trong số “sensei” đó có một phụ nữ người Nhật có cái tên Hàn Quốc là Ri Unhye (Lý Ân Huệ), dạy cô tiếng Nhật và đời sống Nhật. Dù có “lệnh” cấm tuyệt không được hỏi nhau gì về quá khứ, nhưng qua những câu chuyện hàng ngày giữa 2 người thì Kim Hiền Cơ dần dần hiểu là “sensei” của cô đã được “đưa” từ Nhật đến Bắc Hàn bằng một cách nào đó. Cô kể lại hình dạng, cách ăn cách nói của người “sensei” này, ráp nối từng mảnh dữ kiện thu nhặt đó đây, phải mất 3 năm (năm 1991) cảnh sát Nhật mới xác quyết: “sensei” của Kim Hiền Cơ là cô Taguchi Yaeko (lúc đó 23 tuổi) đã bị mất tích vào tháng 6/1978 để lại đứa con vừa được 1 tuổi. Và Bắc Hàn chính là thủ phạm bắt cóc những người Nhật từ thập niên 1970-1980 để dạy tiếng Nhật, đời sống Nhật... cho các điệp viên Bắc Hàn hầu đảm trách các công tác liên quan đến Nhật.
Từ năm 1991 trở đi, Cảnh sát Nhật âm thầm lập danh sách người bị Bắc Hàn bắt cóc để... chờ dịp tung ra, chính thức thì có tất cả 17 nạn nhân. Đó là chưa kể đến những mất tích khó hiểu của mấy trăm người khác cũng vào thời điểm này, nghe nói là có khoảng 860 người nhưng chỉ có 470 người được gia đình đồng ý công khai tên tuổi. Danh sách này do các hội đoàn tư nhân thành lập với sự trợ lực của cảnh sát.
Rất khó mà khẳng định Bắc Hàn lúc đó có “quốc sách” bắt cóc người, vì giao thiệp giữa Bắc Hàn và Nhật Bản vẫn còn khó khăn lắm, qua mối liên lạc duy nhất là sự liên hệ giữa người Bắc Hàn sống ở Nhật (bị Nhật đưa sang thời thế chiến thứ hai) và “cố quốc”, nên cũng chẳng biết thêm được gì. Tưởng cũng nên nhắc lại là thời đó, chuyện người Nhật bị Bắc Hàn bắt cóc đã bị đảng Xã hội (lớn thứ hai sau đảng cầm quyền Tự Do Dân Chủ) cho là chuyện bịa đặt.
Thời cơ đã đến
Qua nhiều sắp xếp tay ba tay tư hay hơn nữa, 17 tháng 9 năm 2002, thủ tướng Koizumi đã làm chuyến công du “Bình Nhưỡng” gặp trực tiếp Kim Chính Nhật đặt vấn đề “người Nhật bị bắt cóc” để tìm ngõ tiến tới bang giao. Hôm đó có 2 phiên họp, sáng và chiều. Sáng thì Kim Chính Nhật không nhắc tới từ ngữ “bắt cóc” và chỉ nói chung chung “mất tích” và thông báo “Chỉ có 13 người thôi, nhưng 5 người còn sống, 8 người thì đã qui tiên, còn 4 người thì chúng tôi đâu có nghe báo cáo, họ đâu có vô đây. Chúng tôi sẵn sàng cho 5 người này về thăm nhà nếu họ muốn”. Giờ nghỉ trưa, lúc cả phái đoàn Nhật đang ăn “bento” (cơm hộp) từ Nhật mang theo, ông Abe Shinzo khi đó đang là Phó Chánh Văn Phòng Nội các đã quyết liệt yêu cầu ông Koizumi bắt Kim Chính Nhật phải xin lỗi về chuyện “người Nhật bị bắt cóc” này, nếu không thì chúng ta sẽ về lại Nhật mà không ký bất cứ một văn bản gì cả.
Chắc là có đặt máy... nghe lén, nên buổi chiều, nhũn như con chi chi, Kim Chính Nhật khề khà giả lả: “Tụi tôi cứ nói là “mất tích” nhưng thực ra là “bắt cóc”, xin lỗi Nhật Bản vì đã để xảy ra chuyện không hay, chuyện này do một nhóm manh động âm thầm làm mà tôi không hề hay biết. Tụi này đã bị xử tội rồi”. Sau đó thì một hiệp ước giữa 2 nước có nội dung như bồi thường chiến tranh, trao đổi kinh tế, tiếp tục điều tra việc người bị bắt cóc để chuẩn bị tiến tới việc bang giao đã được ký kết.
Về....thăm quê!
1 tháng sau, ngày 15 tháng 10 cùng năm, để lại con cái và chồng con, 5 nạn nhân bị bắt cóc gồm vợ chồng ông bà Hasuike Kaoru, ông bà Chimura Yasushi và bà Soga Hitomi đã đặt chân về Nhật Bản với tư cách “khách du lịch” sau 25 năm biệt tăm.
Vợ chồng ông bà Hasuike Kaoru lúc trở về từ.... địa ngục
Mấy ngày đầu, 5 người này rất e dè sợ sệt trong các lời tuyên bố, nhưng ai nấy đều thông cảm vì con cái, chồng con họ vẫn còn nằm trong tay “giặc”.
Những ngày du lịch qua nhanh, đến ngày trở về quê hương.... thứ hai, đồng tình với dư luận, với gia đình nên 5 nạn nhân này đã xin ở lại và kêu gọi chính phủ Nhật can thiệp với Bắc Hàn để đưa con cái, chồng con họ về xum họp. Thế là Bắc Hàn làm rùm beng lên, “khích động” với thế giới là chính phủ Nhật mới là kẻ bắt cóc, vô nhân đạo chủ trương “chia uyên rẽ thúy” giữa các gia đình và đơn phương chấm dứt mọi thương thảo.
Vẫn nhẫn nại, cũng qua nhiều đường, tháng 22 tháng 5 năm 2004, ông Koizumi lại sang Bình Nhưỡng lần nữa để “lãnh” 5 đứa con của 2 gia đình về Nhật.
Vẫn nhẫn nại, cũng qua nhiều đường, tháng 22 tháng 5 năm 2004, ông Koizumi lại sang Bình Nhưỡng lần nữa để “lãnh” 5 đứa con của 2 gia đình về Nhật.
Trường hợp chồng bà Soga Hitomi là người Mỹ tên Charles Robert Jenkins và 2 đứa con gái thì.... hơi kẹt không thể về cùng. Ông Mỹ này vốn là thượng sĩ của một lực lượng Mỹ đóng tại biên giới Nam-Bắc Hàn. Nghe tin đơn vị phải sang Việt Nam, ngày 1/4 năm 1965, ông âm thầm bỏ đơn vị trốn sang đầu thú “người anh em bên kia”, và Bắc Hàn đã dùng ông như một “công cụ” để tuyên truyền về sự hủ bại của Mỹ, Tây Phương..... Năm 1980, ông được “đảng” ưu ái kết hợp với bà Soga Hitomi nên duyên chồng vợ, sinh được 2 con gái.
Hôm gặp phái đoàn Nhật trong chuyến sang Bắc Hàn lần hai của ông Koizumi, 1 trong 2 cô này đã cùng ông Mỹ hợp ca điệp khúc “Hãy trả vợ-mẹ tôi” trước mặt.... Thủ Tướng Koizumi. Nhưng đó chỉ là “màn đóng kịch” thôi. Sau này ông Jenkins cho biết, ông mà không nói như vậy thì sau buổi gặp gỡ đó, không biết ông sẽ bị “tụi nó” đưa đi đâu.
Ngày 9 tháng 7/2004, thì gia đình ông được các bên sắp xếp cho gặp nhau tại Indonesia và tất cả về Nhật ngày 18/7/2004.
Gia đình bà Soga Hitomi – Ông Jenkins ra trình diện
Vốn là một đào binh, tiếp tay cho giặc, ngày 3 tháng 11/2004, ông Mỹ này đã trình diện và bị ra tòa án quân sự tại Zama (Nhật Bản), vì sự can thiệp của chính phủ Nhật, ông này đã nhận một cái án “nhẹ hều”: giáng cấp từ thượng sĩ xuống binh nhất, “đuổi cổ” khỏi quân đội và 30 ngày trọng cấm. Vì là người tù “gương mẫu”, ông được phóng thích sớm 6 ngày và trở về chung sống với gia đình tại Shado, Niigata.
Trở lại chuyện những nạn nhân còn lại, Bắc Hàn thông báo khơi khơi không bằng chứng 8 người đã chết vì nhiều lý do: tâm thần, chết đuối, tai nạn giao thông, chết vì.... lửa v.v... Nghe không “lọt tai”, chính phủ Nhật đòi bằng cớ, Bắc Hàn “đáp ứng” với 8 giấy khai tử cùng 2 bộ xương người. Xem xét lại thì 8 giấy khai tử này là đồ giả mạo vì chỉ ký khác ngày và cùng một “mẫu” và chỉ do một bệnh viện cấp trong khi 8 người thì sống rải rác mọi nơi còn 2 bộ xương thì là xương.... thú vật.
Chính phủ Nhật đòi điều tra lại nhưng Bắc Hàn vẫn nhất định là hồ sơ bắt cóc đã giải quyết xong, cho đến lúc Bắc Hàn thử Missile vào tháng 7 năm 2006 thì việc bắt cóc này phải xếp xó vì hai bên không còn gì để nói, thay vào đó là những chế tài kinh tế từ Nhật áp đặt lên Bắc Hàn trong đó có con tàu “tình nghĩa” Man Gyong Bon 92, trực tiếp và duy nhất nối giữa Bắc Hàn-Nhật Bản, hằng năm có nhiều chuyến chuyên chở biết bao “đồng bào”, “khách du lịch”, tiền bạc, quà cáp cùng hàng quốc cấm.... về quê hương đã bị cấm vào Nhật, hiện đang ở trong tình trạng “mốc meo”.
-------
Chính phủ Nhật vẫn kiên trì và âm thầm tìm cách mở cho được cánh cửa đã bị Bắc Hàn khóa chặt, qua nhiều gặp gỡ, môi giới.... Tháng 8 năm 2008, Bắc Hàn đồng ý mở lại hồ sơ bắt cóc với lời hứa rất mơ hồ và miễn cưỡng: “chuyện coi như đã xong nhưng chúng tôi sẽ coi lại vụ này”, dù đã chán ngấy lên tận cổ với bao nhiêu lần bị lừa bịp, tia hy vọng từ những thân nhân có người bị bắt cóc lại bùng lên nhưng chỉ được 1 tháng. Lấy cớ là thủ tướng đương thời Fukuda Yasuo là người hiểu chuyện đã từ chức vào ngày 1/9/2008 thì “còn ai mà .... tâm sự nữa”, Bắc Hàn đơn phương dẹp hẳn chuyện này sang một bên không nhắc lại.
Giòng đời vẫn cứ trôi, vật đổi sao dời, “tướng quân” Kim Chính Nhật đột tử, cậu “ủn” Kim Chính Ân lên thay, sự việc vẫn không có gì thay đổi ngoại trừ những hung hăng như phóng hỏa tiễn, thử bom nguyên tử v.v...
Đùng một cái, tháng 12 năm ngoái, sau khi thẳng tay tử hình người cậu là Trương Thành Trạch nhân vật số 2 được coi là thân Trung Quốc thì bang giao với Trung Quốc trở nên lạnh nhạt, viện trợ không còn dồi dào. Đói quá thì đầu gối phải bò, phía cậu “ủn” lại đánh tiếng xin tiếp xúc lại với Nhật.
Thế là Nhật đã thương thuyết với Bắc Triều Tiên trên thế mạnh. Chưa kể các lần gặp bí mật qua một nhân vật mệnh danh là “Mr X”, 2 phiên họp chính thức, lần thứ nhất vào tháng 3 (30, 31) tại Bắc Kinh và lần thứ hai theo lời yêu cầu của Bắc Hàn muốn gặp Nhật tại Stockholm Thụy Điển vào 3 ngày 25, 26, 27 tháng 5 thay vì tại Bắc Kinh như thường lệ (để tránh áp lực của Trung Quốc) đã đưa đến kết quả.
Ông Abe Shinzo – Cậu Ủn Kim Chính Ân
6 giờ 20 chiều ngày 28/5, các đài truyền Nhật Bản đã được thông báo là 6 giờ 30 chiều sẽ có một thông báo quan trọng từ Thủ Tướng Abe. Chỉ 25 giây ngắn ngủi, ông Abe cho biết: Bắc Hàn đã đồng ý thành lập một Ủy Ban Đặc Biệt để điều tra hành tung người bị bắt cóc, người tình nghi bị bắt cóc, tất cả những gì liên quan đến người Nhật và Chánh Văn Phòng Nội Các Suga sẽ thông báo chi tiết..
Và cũng giờ đó, đài truyền hình Bắc Hàn cũng đã loan đi những tin tương tự, chuyện chưa từng có từ trước tới nay.
Trong cuộc họp báo, sau khi phân phát cho báo chí văn bản thỏa thuận cuộc họp giữa 2 bên, chánh văn phòng nội các Suga Yosahide đã giải thích rõ:
- Bắc Triều Tiên đã cam kết sẽ tiến hành một cuộc điều tra mới về những người đã bị các điệp viên của Bắc Triều Tiên bắt cóc hoặc nghi ngờ bị bắt cóc, những người vợ Nhật đã theo chồng sang Bắc Triều Tiên cùng mộ phần của binh lính Nhật đã chết tại Bắc Triều Tiên. Nếu “phát hiện” sẽ ưu tiên cho những người này trở về Nhật.
- Trong vòng 3 tuần, ủy ban điều tra (không có người Nhật) sẽ được thành lập để bắt đầu công việc. Tìm đến đâu báo cáo đến đó, và Nhật Bản sẽ kiểm soát bằng cách cử đoàn điều tra đến Bình Nhưỡng để xem xét từng trường hợp một. Đoàn này sẽ là các quan chức Bộ Ngoại giao và Cảnh sát Nhật Bản.
Đổi lại Nhật Bản sẽ gỡ bỏ một phần những chế tài với Bắc Hàn khi xác nhận được Ủy Ban Điều Tra của Bắc Hàn có.... làm việc, chẳng hạn như:
- Trên tinh thần nhân đạo, tạo sự đi lại dễ dàng hơn cho tàu bè, những người mang quốc tịch Bắc Triều Tiên vào Nhật.
- Giảm thiểu những thủ tục về việc gửi tiền. Trước đây, khi gửi tiền sang Bắc Hàn phải cho biết lý do và số tiền gửi.
- “Rào cản” chỉ mang được tối đa 100.000 yen khi vào Bắc Hàn đã được tạm gác bỏ.
- Viện trợ nhân đạo
- v.v...
Đáp câu hỏi thời gian điều tra đến bao giờ thì ông Suga Yoshihide trả lời: trong vòng 1 năm.
Một ông bố của nạn nhân bị bắt cóc than thở: càng sớm càng tốt mấy ông ơi, năm nay tất cả đã trên 8 bó rồi, cứ nhùng nhằng mãi thì không lẽ gặp nhau nơi.... “cõi ấy”? Còn một bà mẹ thì: “Bây giờ mà con được thả về thì mẹ còn nấu cơm cho con ăn được, chứ lâu quá mà nếu có về chắc con phải đẩy xe lăn cho mẹ.
Một chút.... chướng ngại
Dù đã thấy le lói ánh sáng “đầu” đường hầm, nhưng chuyện này cũng còn gặp một chút chướng ngại vì cách hiểu “ý nghĩa” từ ngữ “nhân đạo” của 2 phía:
- Vì “nhân đạo” Bắc Hàn yêu cầu phải cho con tàu Man Gyong Bon 92 cập bến lại nhưng phía Nhật thì “say no”, vì con tàu này không phải là đối tượng của tinh thần “nhân đạo”, trong quá khứ Nhật biết rõ đây chỉ là phương tiện chuyên chở tiền bạc bất hợp pháp, các hàng.... quốc cấm (máy móc, thiết bị chế tạo missile.....).
- Trụ sở của Tổng Hội Bắc Triều Tiên đặt tại Tokyo, nơi được coi như “một tòa đại sứ của Bắc Triều Tiên” là một tòa nhà to lớn nhưng nợ nần chồng chất không trả được (gần 600 ức, khoảng 600 triệu mỹ kim) nên tòa án Tokyo đã ra lệnh bán đấu giá. Sau 2 lần “trúng” nhưng cuối cùng là “trượt” vì người “trúng” là 1 ông sư Nhật thân Bắc Hàn “chồng tiền” không đủ, hoặc dư sức “chồng tiền” nhưng giấy tờ không hợp lệ của 1 công ty Mông Cổ cũng là “fan” Bắc Hàn. Đến lần đầu giá thứ 3 thì một công ty Nhật đã “trúng mánh” và Tổng Hội này đang bị hối thúc dọn ra chỗ khác. Nếu phải dọn ra thì sẽ chả còn nơi nào để “đồng bào” tập họp tôn vinh... “Chủ tịch” Kim Nhật Thành, “tướng quân” Kim Chính Nhật, cậu Ủn Kim Chính Ân, nên phái đoàn thương thuyết Bắc Triều Tiên dựa vào 2 chữ “nhân đạo” yêu cầu chính phủ Nhật giúp giùm bằng một hình thức nào đó để không phải dọn ra, nhưng chánh văn phòng nội các Suga Yoshihide trả lời: đây là chuyện của tòa án và tư nhân, chính phủ không có quyền can thiệp.
Nhưng chắc thế nào các chướng ngại này cũng vượt qua theo chiều hướng nào thì không biết, vì thái độ khá mềm mỏng của Bắc Hàn theo như nhận định của nhiều thầy bàn.
Tòa nhà của Tổng Liên Hội Bắc Triều Tiên – Con tàu “tình nghĩa” Man Gyong Bon 92
Thỏa thuận lần này đã làm gia đình có thân nhân bị bắt cóc bừng lên niềm hy vọng nhưng cũng không ít người cẩn trọng vì: “Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn những gì cộng sản làm”.
Tạm kết luận là so với kết quả điều đình mấy năm về trước thì lần này khá rõ ràng không còn màn lải nhải “việc đã giải quyết xong”. Nhật đang ở thế thượng phong đòi gì được nấy. Nhưng biết đâu “mai sau” khi mối tình Trung-Hàn đằm thắm lại thì chuyện này có thể lại phải gác sang một bên. Thôi cũng được đi, cứ tin như vậy cho .... tinh thần phấn khởi.
--------
Chuyện tạm gọi là “được như ngày hôm nay” là do quyết tâm của thủ tướng Abe. Ông đã “nuôi mộng” giải quyết việc này từ năm 1988, lúc còn làm bí thư cho bố ông là ngoại trưởng Abe Shintaro. Khi đó ông đã tìm gặp và tiếp xúc với một vài gia đình có thân nhân bị bắt cóc. Năm 1993, ông đắc cử dân biểu lần đầu và vẫn giữ liên lạc thường xuyên với những gia đình này. Năm 2006, khi làm Thủ Tướng lần đầu, ông đã đưa hẳn việc này vào chương trình hoạt động nhưng giữa đường đứt gánh phải từ chức. Lần nhậm chức thủ tướng lần 2 vào tháng 12/2012, ông lại tiếp tục việc đã làm. Ông luôn chủ trương: “việc của chúng tôi vẫn tiếp tục cho đến khi thân nhân của những người bị bắt cóc ôm được người thân của mình vào vòng tay nồng ấm”. Xin Bravo ông một phát.
Thôi chuyện quê người kể ra cũng tạm đủ, còn chuyện quê ta thì quả tình ...bế tắc như đã nói, thôi để người khác “tính” hay hơn.
Sayonara
Vũ Đăng Khuê
----------------------
* Kim Hiền Cơ, cựu điệp viên Bắc Hàn, cựu tử tù Nam Hàn; nhận một công tác trực tiếp từ Kim chính Nhật: Gài bom khủng bố chiếc phi cơ hành khách của hãng hàng không Đại Hàn để cản trở quốc gia này tổ chức Thế vận hội 1988. Chuyến bay 858 khởi hành từ Bagdah–Iraq ngày 27/11/1987, chuyển tiếp tại sân bay Dubai của Tiểu vương quốc Á rập, dự trù ghé Bangkok trước khi đến trạm cuối là Hán Thành. Tuy nhiên chiếc máy bay đã phát nổ trên không phận giữa Miến Điện và Thái Lan làm tất cả 115 hành khách người Nam Hàn đều thiệt mạng. Cả thế giới rúng động vì biết đây không phải là tai nạn bình thường. Hai nhân vật khả nghi một nam, một nữ mang thông hành Nhật Bản chuyển tiếp ở sân bay Dubai lọt vào ống nhắm của cảnh sát Đại Hàn, Nhật Bản… với sự phối hợp của Quốc gia Bahrain; nơi hai nhân vật dự tính leo lên một chuyến bay đi Roma.
Khi cảnh sát phát hiện cả hai thông hành đều là giả. Lập tức, người đàn ông cắn mẩu thuốc lá đang gắn trên môi, chất độc cực mạnh khiến hắn ta quị ngã và tắt thở ngay sau đó. Cô gái dường như đang cố gắng làm hành động tương tự với một viên thuốc gắn trong răng, nhưng không kịp… vì người ta đã chận được miệng cô…